Truyện Kiều (hay còn gọi là Đoạn trường tân thanh) là một truyện thơ viết bởi đại thi hào Nguyễn Du, đây được coi là tác phẩm truyện thơ nổi tiếng nhất và được xét vào hàng kinh điển trong văn học Việt Nam. Bài viết này, VerbaLearn sẽ giúp độc giả tìm hiểu tác phẩm này thông qua phần dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc cho đề bài thuyết minh về Truyện Kiều theo chương trình ngữ văn 9.
Dàn ý thuyết minh về Truyện Kiều
Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề: Giới thiệu Truyện Kiều
– Giợi ý: Dựa vào một ý đặc biệt trong tác phẩm, một bình phẩm của một người nổi tiếng về tác phẩm hoặc dùng câu hỏi tu từ để thu hút người đọc.
Thân bài
1. Tóm tắt về Truyện Kiều
– Dung lượng: 3254 câu thơ lục bát.
– Nguồn gốc: “Truyện Kiều” được sáng tác dựa theo cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” – tiểu thuyết chương hồi của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Nguyễn Du đã đem lại cho “Truyện Kiều” những sáng tạo mới mẻ cả về nội dung và nghệ thuật.
– Thể loại: truyện Nôm bác học.
2. Giá trị tư tưởng
Giá trị nhân đạo của tác phẩm
– Là tiếng kêu thương đến đứt ruột cho thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ tài sắc trong xã hội phong kiến.
– Thể hiện khát vọng, tiếng kêu của tự do và công lý
Giá trị phản ánh hiện thực
– Là bản cáo trạng đanh thép tội ác của các thế lực đen tối trong xã hội cũ. Nguyễn Du phê phán mạnh mẽ sự “lên ngôi” của thế lực đồng tiền.
3. Giá trị nghệ thuật
– Nghệ thuật mô tả nhân vật, thiên nhiên
– Nghệ thuật tự sự mới mẻ.
– Thể loại
– Ngôn ngữ trong sáng, điêu luyện, súc tích và giản dị,…
Kết bài
– Khái quát về giá trị của tác phẩm.
Văn mẫu thuyết minh về Truyện Kiều – Mẫu 1
Sinh thời nhà thơ Tố Hữu khi hoài cảm về một tác phẩm của một nhà thơ đời trước đã viết:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu”
Bạn có biết nhà thơ Tố Hữu muốn nhắc đến tác phẩm, tác giả nào không – tác phẩm thơ nào mà có tiếng thơ động đến đất trời và lời thơ trong tác phẩm đó như lời non nước vọng từ ngàn thu trở lại không? Đó là một kiệt tác thơ nôm trong nền văn học trung đại của Việt Nam – “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
“Truyện Kiều” còn có tên là “Đoạn trường tân thanh” (tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột) được sáng tác dựa trên tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân – một nhà văn thời xưa ở Trung Quốc. Mặc dù về nội dung cơ bản của hai tác phẩm là khá giống nhau, nhưng phần sáng tạo và phát triển của Nguyễn Du cũng không hề nhỏ khiến cho Truyện Kiều không chỉ được biết đến ở nước ta mà ngay cả bạn bè quốc tế cũng phải thán phục.
Truyện Kiều có 3254 câu thơ Nôm và được viết bằng thể thơ lục bát, nội dung chủ yếu có thể tóm tắt thành ba phần chính. Phần 1 đó là gặp gỡ và đính ước. Thúy Kiều là người con gái tài sắc vẹn toàn, sống trong cảnh êm ấm cùng cha mẹ và hai em (Thúy Vân và Vương Quan). Trong buổi du xuân tảo mộ trong tiết thanh minh nàng vô tình gặp Kim Trọng – một văn nhân tài tử. Hai bên nảy sinh tình cảm và thề nguyền cùng nhau thành một đôi uyên ương sau này. Phần 2 nói về việc gia biến và lưu lạc. Không lâu sau đó, Kim Trọng về quê, gia đình Kiều gặp tai biến. Kiều bán mình chuộc cha, không quên nhờ Thúy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng và bị bọn buôn người lừa vào lầu xanh. Kiều gặp Thúc Sinh và được Thúc Sinh cứu thoát khỏi cuộc đời kĩ nữ nhưng lại bị vợ cả của Thúc Sinh đày đọa, Kiều phải trốn đi và nương nhờ cửa Phật. Nhưng không may, Kiều lại rơi vào lầu xanh lần nữa. Ở đó, nàng gặp Từ Hải. Từ Hải lấy Kiều làm vợ và giúp nàng báo ân, báo oán. Tưởng rằng từ đây hạnh phúc đã trở về với nàng nhưng do bị Hồ Tôn Hiến lừa, Từ Hải bị giết, Kiều bị ép gả cho viên thổ quan. Đau đớn, tủi nhục, Kiều nhảy sông tự vẫn nhưng được sư Giác Duyên cứu và lại nương nhờ cửa Phật một lần nữa. Phần 3 đó là đoàn tụ. Kim Trọng đau đớn vô cùng sau khi biết Kiều bán mình chuộc cha. Dù đã lấy Thúy Vân nhưng chàng vẫn nhớ nhung đến mối tình đầu say đắm và quyết tâm đi tìm Kiều. Nhờ gặp sư Giác Duyên, Kiều, Trọng gặp nhau, gia đình đoàn tụ, nhưng Thúy Kiều đã quyết định “lấy tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”, “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy” thay vì hàn gắn tình duyên với Kim Trọng.
“Truyện Kiều” được xem là một kiệt tác thơ nôm, tồn tại mãi với thời gian là nhờ bởi những giá trị xuất sắc về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Về mặt nội dung, trước hết, tác phẩm đã phản ánh được một bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX thối nát, bất công, tàn bạo. Cuộc sống của người dân thời đó không thể nào tìm thấy được công lý, bình đẳng bởi vì đa số quan lại đã sẵn sàng bẻ cong cán cân công lý chỉ vì tư lợi cho mình. Điều này đã được thể hiện rõ nhất trong việc gia đình Kiều bị kẻ bán tơ vu oan. Tuy nhiên, không chỉ quan lại là thế lực duy nhất mà còn là sự nhúng tay của thế lực nhà chứa và quyền lực vô song của đồng tiền đã cùng nhau vẽ nên một bức tranh đời sống xã hội đầy đen tối và xám xịt. Ngoài giá trị phản ánh hiện thực của xã hội, Truyện Kiều còn có một giá trị nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng đồng cảm xót thương trước bi kịch cuộc đời con người, trân trọng ngợi ca vẻ đẹp và đồng tình với những ước mơ, khát vọng của họ. Giá trị nhân đạo đó được bộc lộ ở tấm lòng thương xót sâu sắc mà tác giả dành cho những kiếp người có thân phận bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ. Ta có thể thấy điều này thông qua những đoạn đặc tả về tâm trạng, nỗi niềm và cái nhìn của Thúy Kiều mỗi khi đối diện với chính mình:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Những người phụ nữ thời đó là những người có đạo đức, nhân phẩm nhưng đã bị chà đạp đến cùng quẫn, bức bách, và đôi khi được xem như những món hàng:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm”.
Từ việc thể hiện lòng cảm thương sâu sắc với thân phận cuộc đời nhân vật như trên , tác giả cũng đã làm bật lên khát khao về quyền sống, tự do và đạt đến cái đích của hạnh phúc con người.
Mặt khác, “Truyện Kiều” còn là một tác phẩm mang giá trị nghệ thuật đặc sắc, là sự kết tinh những thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc gồm nhiều phương diện từ nghệ thuật tự sự có bước phát triển vượt bậc đến đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ và thể loại. Sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật tự sự điển hình nhất đó là phép tả cảnh ngụ tình của tác giả. Tác giả đã mượn và tả cảnh thiên nhiên để nói lên tâm trạng và cảm xúc của nhân vật:
“Buồn trông gió cuốn mặc duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
Ngoài ra, tác giả còn thông qua tâm trạng của nhân vật để đặc tả khung cảnh thiên nhiên:
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Một đặc điểm đặc biệt về nghệ thuật tự sự của Truyện Kiều nữa là tác giả đã dùng những thủ pháp khác nhau để miêu tả nhân vật, như thủ pháp ước lệ, biện pháp cụ thể, dùng ngôn ngữ, hành động để gợi tính cách nhân vật hay miêu tả nhân vật qua diễn biến nội tâm, ví dụ qua việc miêu tả tâm trạng cô đơn, buồn tủi của nàng Kiều sau đây:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”
Đối với tôi, khi đọc Truyện Kiều tôi ngưỡng mộ một điểm độc đáo nhất của nghệ thuật tự sự đó là tác giả đã mô tả ngoại hình để phát triển số phận của nhân vật, ví dụ khi miêu tả Thúy Vân:
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
để nói lên số phận êm đềm ít sóng gió.
Còn đối với Thúy Kiều:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
để dự báo về một số phận đầy sóng gió, gian truân của nàng.
Về mặt ngôn ngữ, tác giả đã đánh dấu mốc lớn trong sự phát triển của tiếng Việt. Ngôn ngữ “Truyện Kiều” rất trong sang, mỹ lệ và giàu sắc thái biểu cảm. Ngôn ngữ trong tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân đạt đến sự súc tích và giản dị. Về mặt thể loại, thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc được sử dụng hết sức điêu luyện và mượt mà không khiên cưỡng. Tác phẩm là mẫu mực của nghệ thuật kể chuyện và trữ tình bằng thơ lục bát với bút pháp tự sự và miêu tả nhân vật độc đáo.
Với những giá trị đặc sắc như trên, “Truyện Kiều” xứng đáng được xem là một kiệt tác thơ nôm của nền văn học dân tộc, có sức sống trường tồn, vĩnh cửu.