Nguyễn Du được người Việt Nam ta kính trọng và tôn xưng là “Đại thi hào dân tộc” và được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Bài viết sau đây, VerbaLearn sẽ giúp độc giả thuyết minh về nhà thơ nhà văn nổi tiếng này thông qua dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc.
Dàn ý thuyết minh về Nguyễn Du
Mở bài
– Giới thiệu Nguyễn Du: Dựa vào một câu nói hay một đặc điểm đặc biệt nào đó của ông hoặc dùng biện pháp câu hỏi tu từ để thu hút sự chú ý của người đọc.
Thân bài
Những nét chính về tiểu sử của tác giả Nguyễn Du
Thời thơ ấu
+ Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, ông sinh năm 1765 tại Thăng Long.
+ Năm 1775: Nguyễn Du đã mồ côi cha và sau đó ba năm thì mẹ ông cũng qua đời, từ đó, đến sống với người anh cùng cha khác mẹ với ông là Nguyễn Khản.
Thời trưởng thành
+ Năm 1783: Nguyễn Du thi Hương đỗ tam trường và được nhận một chức quan nhỏ dưới nhà Lê.
+ Năm 1789: nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du phải lánh về sống ở quê vợ và bắt đầu cuộc sống mười năm nay đây mai đó.
+ Năm 1802: Nguyễn Du làm quan dưới triều Nguyễn và từng giữ nhiều chức quan khác nhau
+ Năm 1813: được cử đi sứ sang Trung Quốc.
+ Năm 1820, ông một lần nữa được cử đi sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì mắc bệnh và qua đời.
Sự nghiệp sáng tác
Các sáng tác chủ yếu của Nguyễn Du
– Sáng tác bằng chữ Hán: 249 bài thơ với ba tập thơ sáng tác trong các khoảng thời gian khác nhau.
+ “Thanh Hiên thi tập”: 78 bài thơ
+ “Nam trung tạp ngâm”: 40 bài viết
+ “Bắc hành tạp lục” : với 131 bài thơ
Sáng tác bằng chữ Nôm
+ “Văn tế thập loại chúng sinh” (gồm 184 câu)
+ “Thác lời trai phường nón (gồm 48 câu)
+ “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” (gồm 98 câu)
+ “Truyện Kiều” (gồm 3254 câu)
Những đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật trong các sáng tác của Nguyễn Du.
Nội dung
+ Phản ánh chân thực và sâu sắc hiện thực xã hội.
+ Chứa đựng chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc.
Nghệ thuật
+ Thơ chữ Hán của ông đạt đến độ tài hoa, uyên bác
+ Sáng tác bằng chữ Nôm của ông đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ của một bút pháp sắc sảo trong nghệ thuật tự sự, miêu tả tâm lý nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc, một nghệ thuật miêu tả – tả cảnh ngụ tình độc đáo và góp phần trau dồi, làm giàu ngôn ngữ dân tộc và sử dụng thể thơ truyền thống trong sáng tác thơ văn.
Kết bài
– Khái quát về Nguyễn Du và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Thuyết minh về Nguyễn Du – Mẫu 1
Sinh thời nhà thơ Tố Hữu khi hoài cảm về một nhà thơ đời trước đã viết:
“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu”
Bạn có biết nhà thơ Tố Hữu muốn nhắc đến ai không – nhà thơ nào mà có tiếng thơ động đến đất trời và lời thơ của người ấy lại như lời non nước vọng từ ngàn thu trở lại không? Đó là nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta – Nguyễn Du.
Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên sinh ra trong một gia đình quý tộc vào năm 1765 tại Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Cha ông tên là Nguyễn Nghiễm, nguyên là tể tướng dưới triều Lê. Năm mười tuổi ông mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ, nên phần lớn thời niên thiếu ông sống với anh trai Nguyễn Khản. Năm 1783, mười tám tuổi, ông thi Hương đỗ tam trường, tương đương với một người tốt nghiệp trung học ngày nay, và nhận một chức quan nhỏ. Năm 1789, nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Du phải lánh về sống ở quê vợ và bắt đầu cuộc sống mười năm chìm nổi long đong ngoài đất Bắc từ quê vợ Thái Bình, quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh rồi đến những năm sống không nhà ở Thăng Long . Nhưng chính trong những năm tháng sống cơ cực, vất vả đó chính là cơ hội để ông được tiếp xúc, khám phá nhiều vùng văn hóa khác nhau, hiểu sâu sắc vốn văn hóa dân gian cũng như đã hun đúc cho ông vốn sống quý giá và đã hun đúc nên một thiên tài, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Năm 1802, trước lời mời của nhà Nguyễn, Nguyễn Du miễn cưỡng ra làm quan và từng giữ nhiều chức quan khác nhau. Trong đó, vào năm 1813, ông được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1820, ông một lần nữa được cử đi sứ sang Trung Quốc nhưng chưa kịp đi thì mắc bệnh và qua đời.
Về sự nghiệp văn học, Nguyễn Du đã để lại nhiều tác phẩm văn chương xuất sắc bao gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Về sáng tác chữ Hán, ông đã để lại các tác phẩm gồm: “Thanh Hiên thi tập” (gồm 78 bài), viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn, chủ yếu mang tính hướng nội và chất chứa buồn thương, u uất. “Nam trung tạp ngâm” (gồm 40 bài thơ), làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, ông viết khi đang làm quan, đa số nói lên nỗi thất vọng về chốn quan trường, “Bắc hành tạp lục” (gồm 131 bài thơ), viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc, lại là một niềm trăn trở trước số phận con người. Hầu hết các tập thơ chữ Hán của ông đạt đến độ tài hoa, uyên bác. Về sáng tác chữ Nôm, gồm có: “Văn tế thập loại chúng sinh”, là một ngâm khúc gồm 184 câu viết theo thể song thất lục bát – một tác phẩm mà ở đó Nguyễn Du đã vượt cả sự cách trở âm dương để xót thương cho những kẻ chết trận, phơi “xương trắng” nơi “quỉ môn quan”. Hai tác phẩm tiếp theo là, “Thác lời trai phường nón (gồm 48 câu), cũng được viết bằng thể lục bát, và “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” (gồm 98 câu), viết theo lối văn tế, là 2 bản tình ca thể hiện rất rõ tâm tư của ông, sự hoà hợp giữa tâm hồn tác giả với thiên nhiên và con người. Đặc biệt nhất trong các sáng tác của ông, tác phẩm truyện thơ tiếng Nôm, tác phẩm mà được đời sau đánh giá rất cao xem như “tiếng thơ động đến đất trời, nghe như non nước vọng lời ngàn thu” đó là “Truyện Kiều”, gồm 3254 câu thơ theo thể lục bát. “Truyện Kiều” mặc dù dựa trên bối cảnh đời Minh (Trung Quốc) nhưng thực ra nó là một một bản cáo trạng đanh thép ghi lại những điều trông thấy của Nguyễn Du về thời đại nhà thơ đang sống, nó phản ánh xã hội thời đó với một thái độ phê phán quyết liệt. Ngoài ra “Truyện Kiều” còn là khúc ca tình yêu tự do trong sáng, là giấc mơ cho một xã hội công bằng, bình đẳng giới, nó còn là tiếng khóc xé ruột cho thân phận và nhân phẩm của người phụ nữ bị chà đạp. Mặt khác, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có thể sống mãi với toàn thể nhân dân Việt Nam từ thời đó cho đến bay giờ là còn nhờ ở giá trị nghệ thuật. Trong tác phẩm này, ông đã tiểu thuyết hóa thể loại truyện Nôm, với một bút pháp sắc sảo trong nghệ thuật tự sự, miêu tả tâm lý nhân vật một cách tinh tế, sâu sắc, cùng với nghệ thuật miêu tả – tả cảnh ngụ tình độc đáo, và cách sử dụng tiếng Việt đạt đến cảnh giới cao nhất vào thời đó – cảnh giới giàu và đẹp.
Tóm lại, nhờ quê hương, xã hội, gia đình, cuộc đời, năng khiếu bẩm sinh …, tất cả đã tạo nên một Nguyễn Du – một người có trái tim yêu thương vĩ đại, một thiên tài văn chương với sự nghiệp văn học có giá trị lớn không những vào thời đó mà còn sống mãi với muôn thế hệ sau. Ông là đại thi hào của dân tộc Việt Nam, là danh nhân văn hoá thế giới, đóng góp to lớn đối với sự giàu và đẹp của tiếng Việt, sự phát triển của văn học Việt Nam. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ luôn sống mãi trong lòng người người dân Việt Nam.