Lão Hạc là một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao được viết vào năm 1943, tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực và phản ánh một phần hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng tám. Bài viết này, VerbaLearn sẽ giúp độc giả tìm hiểu chi tiết cách thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc thông qua phần dàn ý và một số bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn lớp 8.
Dàn ý thuyết minh về truyện ngắn Lão Hạc
Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn Lão Hạc: Dựa vào một ý đặc biệt trong tác phẩm hoặc dùng câu hỏi tu từ để thu hút người đọc.
Thân bài
1. Giới thiệu tóm tắt tác phẩm
– Lão Hạc vì quá túng thiếu nên đã bán con chó của mình.
– Dù túng thiếu đến bao nhiêu Lão Hạc cũng không chịu bán mảnh vườn mà ăn khoai ăn sắn để sống qua ngày.
– Sau đó, lão đã nhờ ông giáo giữ khu vườn và ăn bả chó để tự tử.
2. Ý nghĩa truyện ngắn “Lão Hạc”
Về nội dung
– Giá trị nhân đạo của tác phẩm: tác giả đã thể hiện một thái độ trân trọng và một cái nhìn nhân đạo đối với lão Hạc nói riêng và người nông dân nói chung.
– Giá trị hiện thực : Tố cáo sự tàn ác, sự đối xử với người dân của chế độ thực dân và phong kiến.
Về nghệ thuật
– Ngôi kể: bằng nhân vật tôi, người luôn bên cạnh lão Hạc, nhờ vậy câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực đồng thời giúp mạch chuyện trở nên tự nhiên, linh hoạt, và giúp có thể kết hợp tả với bình luận một cách tự nhiên, không khiên cưỡng.
– Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt, khi thì là giọng văn tự sự mẫu mực, khi thì lại khiến người đọc rưng rưng xúc động.
– Nghệ thuật khắc họa nhân vật đặc sắc, nhân vật được xây dựng qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến nội tâm và qua lời nhận xét của các nhân vật khác, góp phần làm cho người đọc cảm thấy nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.
Kết bài
– Khái quát về giá trị của tác phẩm và nêu cảm nghĩ của bạn.
Thuyết minh về Truyện ngắn Lão Hạc – Mẫu 1
Bạn có biết tác phẩm truyện ngắn nào mà có một câu nói của một nhân vật trong tác phẩm đó đã trở thành câu nói gây bão mạng trong thời gian gần đây không? Đó là truyện ngắn “Lão Hạc” với câu nói của nhân vật cùng tên với tác phẩm: “Toang rồi, ông giáo ạ”.
Truyện ngắn “Lão Hạc” được đăng báo lần đầu năm 1943. Bố cục của truyện khá đơn giản, câu chuyện chủ yếu xoay quanh một nhân vật chính – lão Hạc, người có số phận khốn khổ, cùng cực nhưng vẫn toát lên những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân Việt Nam thời đó. Vợ lão Hạc mất sớm, để lại lão cảnh gà trống nuôi con, trong nhà tài sản duy nhất của hai cha con lão là một mảnh vườn và “cậu vàng” – con chó do con trai lão mua. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí mà làm đơn xin đi mộ phu ở một đồn điền cao su, để lão ở nhà một mình với cậu vàng. Cũng giống như bao người nông dân Việt Nam, Lão Hạc vô cùng thương con, lão chăm vườn, làm ăn dành dụm để khi con trai lão về thì cưới vợ cho nó. Nhưng không may thay, sau một trận ốm nặng, bao nhiêu tiền dành dụm cũng hết, sức khoẻ lão càng ngày càng yếu đi, vườn không còn gì để bán, lão Hạc trở nên đói kém hơn, phải lo chạy ăn từng bữa. Khi quyết định bán “cậu vàng”, người bạn thân thiết của lão, lão đã đau khổ dày vò chính mình trong tâm trạng nặng trĩu. Tác giả đã mô tả chi tiết này với một sự trân trọng và đồng cảm sâu sắc: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu máo như con nít. Lão hu hu khóc…”. Mặc dù cuộc sống của lão lâm vào cảnh khó khăn và túng thiếu, nhưng lão không nhận sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Với tấm lòng thương con vô hạn, lão đã gửi số tiền và mảnh vườn cho ông giáo và xin bả chó của Binh Tư để kết thúc cuộc sống túng quẫn của mình. Lão chết một cách đau đớn, nhưng cái chết cũng chấm dứt những dằn vặt riêng tư và làm sáng ngời phẩm chất trong sạch của lão Hạc.
Thông qua cuộc đời của lão Hạc, tác giả đã thể hiện một thái độ trân trọng và một cái nhìn nhân đạo đối với lão Hạc nói riêng và người nông dân nói chung, những con người nghèo khổ nhưng sống trong sạch, không chịu làm những điều trái với lương tâm của mình. Với giọng văn chân thực và bình dị của tác giả, lão Hạc trở thành một hình mẫu người nông dân Việt Nam điển hình. Thêm vào đó, tác giả còn thông qua tác phẩm để lên tiếng tố cáo xã hội đương thời thối nát, bất công, không cho những con người có nhân cách cao đẹp như lão được sống.
Ngoài những giá trị về nhân đạo và hiện thực phê phán, tác phẩm “Lão Hạc” cũng chứa đựng một giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện được phong cách độc đáo của nhà văn Nam Cao. Toàn bộ câu chuyện được kể bằng nhân vật tôi, người luôn bên cạnh lão Hạc, nhờ vậy câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực đồng thời giúp mạch chuyện trở nên tự nhiên, linh hoạt, và giúp có thể kết hợp tả với bình luận một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt, khi thì là giọng văn tự sự mẫu mực, khi thì lại khiến người đọc rưng rưng xúc động. Nghệ thuật khắc họa nhân vật đặc sắc, nhân vật được xây dựng qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến nội tâm và qua lời nhận xét của các nhân vật khác, góp phần làm cho người đọc cảm thấy nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.
Có thể nói “Lão Hạc” là một truyện ngắn hết sức thành công của Nam Cao, một tác phẩm luôn sống mãi với thời gian, một tác phẩm để lại cho chúng ta những bài học về cách xây dựng cốt truyện, nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật đặc sắc, nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình của nhà văn.