Hồ Gươm hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội và gắn liền với truyền thuyết Rùa thần. Ở bài viết này, VerbaLearn sẽ hướng dẫn đến bạn đọc cách thuyết minh về Hồ Gươm thông qua dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu chọn lọc.
Dàn ý chi tiết
Mở bài
– Giới thiệu chủ đề cần thuyết minh – Hồ Hoàn Kiếm.
Thân bài
1. Vị trí địa lí, nguồn gốc và lịch sử về Hồ Hoàn Kiếm
– Hồ Hoàn Kiếm thuộc quận Hoàn Kiếm, nằm ở trung tâm Thủ đô Hà Nội.
– Hồ chính là phần còn sót lại của sông Hồng vì trước đây hồ thông với sông Hồng.
– Hồ có nhiều tên gọi:
- Hồ Tả Vọng.
- Hồ Lục Thủy (vì nước hồ khi nào cũng màu xanh).
- Thế kỉ XV, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm, gọi tắt là Hồ Gươm. (Tên hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ hoàn gươm báu cho thần Kim Quy)
2. Đặc điểm nổi bật của Hồ Hoàn Kiếm
– Nước Hồ Hoàn Kiếm bốn mùa đều xanh.
– Trong lòng hồ có hai đảo nổi: đảo Ngọc và đảo Rùa.
3. Quần thể di tích, kiến trúc gắn liền với Hồ Hoàn Kiếm.
– Tháp Rùa: được xây trên Đảo Rùa giữa sóng nước lung linh. Tháp Rùa đẹp với vẻ đẹp rêu phong cổ kính.
– Đền Ngọc Sơn: xây trên Đảo Ngọc. Đền được xây theo kiểu kiến trúc mới. Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau. Ngôi đền ở phía bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Phía nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng)…
– Cầu Thê Húc (nghĩa là giữ lại ánh sáng đẹp của mặt trời) dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn. Cầu làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, cong cong như hình con tôm.
– Tháp Bút, Đài Nghiên (do nhà nho Nguyễn Văn Siêu tu bổ, xây dựng).
- Tháp được xây bằng đá, đỉnh tháp hình ngọn bút lông. Thân tháp có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (nghĩa là viết lên trời xanh).
- Đài nghiên (nghiên mực được làm bằng đá, hình nửa quả đào bổ dọc, có hình ba con ếch đội).
- Là nơi thường diễn ra hội hè, những hoạt động văn hóa quan trọng.
Kết bài
– Khái quát về giá trị của Hồ Hoàn Kiếm
Thuyết minh về Hồ Hoàn Kiếm – Mẫu 1
Hà Nội không những là thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng nhất mà còn là nơi có hệ thống các địa danh văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh nhiều bậc nhất nước ta. Một trong những danh lam thắng cảnh, địa danh lịch sử tiêu biểu của Hà Nội không thể không kể đến đó là hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Hoàn Kiếm có nguồn gốc từ rất lâu đời từ cái thời mà sông Cái còn nằm sâu trong lòng thành phố Hà Nội. Hiện tượng sông lệch dòng rất thường xảy ra, dòng sông Hồng chuyển hướng chảy qua các phố như Hàng Đào, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt… rồi hình thành các phân lưu. Và dòng phân lưu rộng nhất chính là hồ Hoàn Kiếm bây giờ. Đến thế kỷ thứ 16, Chúa Trịnh cho ngăn hồ lớn thành hồ Tả Vọng và Hữu Vọng. Hồ Hữu Vọng được dùng làm nơi duyệt quân thuỷ chiến của triều đình và được gọi là hồ Thủy Quân. Từ năm 1884, thực dân Pháp cho lấp hồ Hữu Vọng để xây dựng, mở mang Hà Nội, còn hồ Tả Vọng chính là hồ Hoàn Kiếm.
Tên gọi hồ Hoàn Kiếm gắn liền với cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm anh dũng và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Đầu tiên, nó được gọi là hồ Lục Thủy vì dòng nước quanh năm xanh mát. Tương truyền rằng khi vua Lê Thái Tổ khởi binh chống quân Minh xâm lược, vua có bắt được một thanh gươm, vũ khí đó theo vua suốt cuộc trường chinh mười năm và cuối cùng vua đánh đuổi được giặc, giành lại nền độc lập. Đóng đô ở Hà Nội khi đó gọi là Thăng Long, một hôm vua dong thuyền đi chơi trên hồ Lục Thủy thì có rùa vàng nổi lên, vua tuốt gươm chỉ vào rùa thì rùa liền ngậm cây gươm mà lặn xuống nước. Nghĩ rằng đó là khi trước Trời cho mượn gươm để dẹp giặc, nay giặc tan thì sai rùa thần đến đòi lại gươm trả lại cho Trời. Từ đó vua đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm tức hồ Trả Gươm mà ngày nay chúng ta gọi tắt là hồ Gươm.
Hồ Hoàn Kiếm tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm, nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, nằm giữa các khu phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Lương Văn Can, Tràng Thi, Tràng Tiền, Hàng Bài… Hồ có tổng diện tích khoảng 12 ha là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên của thủ đô. Hồ có chiều dài 700m theo hướng Nam Bắc và rộng khoảng 200m. Hồ không chỉ là nơi lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử của thủ đô mà còn giúp điều hòa không khí, gắn liền với đời sống du lịch của con người nơi đây. Ấn tượng đối với du khách khi đến thăm hồ là nước hồ bốn mùa đều trong xanh, ở giữa lòng hồ có hai hòn đảo nhỏ là đảo Ngọc và đảo Rùa, gắn liền những công trình kiến trúc nổi tiếng như Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, …. Tháp Rùa được xây dựng vào thế kỉ thứ 19 từ năm 1884 đến tháng 4 năm 1886 thì hoàn thành. Tháp Rùa nằm ở giữa hồ, trên gò Rùa, là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc châu Âu và kiến trúc cổ Việt Nam tạo ra một nét đẹp độc đáo, riêng biệt. Ngôi tháp được xây dựng trên một gò đất rộng khoảng 350 mét vuông, có 4 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên. Hai mặt phía đông và tây có 3 cửa cuốn, phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Riêng tầng 3 chỉ có một cửa nằm ở phía đông. Tầng cuối cùng như một vọng lâu. Đền Ngọc Sơn nằm ở đảo Ngọc ở phía bắc của Hồ Gươm hay còn có tên gọi khác là Tượng Nhĩ (tai voi). Đền chính gồm hai ngôi nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất về phía Bắc thờ Trần Hưng Đạo và Văn Xương. Tượng Văn Xương đứng, tay cầm bút được đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1 mét, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Phía Nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng- ngụ ý là cột trụ đứng vững giữa làn sóng không lành mạnh trong nền văn hóa đương thời). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ. Các nhân vật được thờ trong đền ngoài Văn Xương Đế Quân, Lã Động Tân, Quan Vân Trường, Trần Hưng Đạo, còn thờ cả phật A Di Đà. Điều này thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt. Để bước vào đền bạn phải đi qua một cây cầu có tên là Thê Húc, làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, cong cong như hình con tôm. Bên cạnh những danh thắng nổi bật trên thì khi đến với Hồ Gươm bạn cũng đừng nên bỏ qua những địa danh như Tháp Bút, Đài Nghiên – thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Tháp Bút nằm trên bờ hướng Đông Bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, bao gồm năm tầng. Trên đỉnh là tượng trưng cho một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên (viết lên trời xanh), thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí. Đài Nghiên nằm dưới chân tháp, được xây dựng từ năm 1865, là phần không thể thiếu của Tháp bút. Ba chân kê nghiên là hình tượng ba con cóc. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán. Những công trình kiến trúc ấn tượng này đã tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng lại đối với du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội.
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một thắng cảnh mà ở nơi đây thường diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước. Xuân về, hồ là nơi gặp gỡ của thiện nam tín nữ đi lễ các đền chùa lân cận. Hè đến, những buổi chiều oi bức, hồ là địa điểm hóng mát lý tưởng. Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm không những chỉ là một thắng cảnh đẹp với những rặng liễu rủ bên bờ, nắng vàng lấp lánh trên mặt nước mà còn là nơi nhân dân thủ đô lui tới để xem pháo hoa nhân những ngày hội lớn của dân tộc như 19/8 và 2/9.
Dẫu cho thời gian cứ trôi như nước chảy, đá mòn, Hồ Hoàn Kiếm mãi mãi vẫn là dấu ấn vẻ vang thời giữ nước và khát vọng hòa bình của tổ tiên xa xưa – khát vọng khi đất nước sạch bóng quân thù, dân tộc Việt sẽ chôn hết vũ khí chiến tranh, tập trung xây dựng đất nước Việt Nam ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một danh lam thắng cảnh, một điểm xuyết thơ mộng của thủ đô Hà Nội, mà còn là một dấu tích chứng minh một nét đẹp của dân tộc Việt Nam – dân tộc yêu chuộng hòa bình.