Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc là một di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam thuộc địa bàn thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương. Bài viết này, VerbaLearn sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu cách thuyết minh về Côn Sơn – Kiếp Bạc thông qua dàn ý và một vài bài văn mẫu chọn lọc thuộc chương trình ngữ văn 8.
Dàn ý thuyết minh Côn Sơn – Kiếp Bạc
Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Thân bài
1. Vị trí địa lý
– Côn Sơn – Kiếp Bạc nằm ở giữa hai dãy núi Phượng Hoàng – Kỳ Lân, xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
– Khu di tích này gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân lịch sử.
2. Mô tả di tích Côn Sơn
– Chùa Côn Sơn có từ trước đời Trần.
– Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê.
– Gắn liền với vị danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
– Có giếng Ngọc, Thạch bàn, Bàn cờ tiên, Đền thờ Nguyễn Trãi.
3. Di tích Kiếp Bạc
– Đến di tích Kiếp Bạc ta có dịp ôn lại lịch sử với chiến công hiển hách của vị chỉ huy tối cao Trần Hưng Đạo.
– Đền Kiếp Bạc: đền được xây dựng ở trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc, trên một khu đất có diện tích khoảng 13,5 ki lô mét vuông, thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lục Đầu, gồm các hạng mục kiến trúc: trạm hạ mã, đường thần đạo, nghi môn, sân đền, tả hữu thành các, giếng mắt rồng, tắc môn, nhà giải vũ, đền chính.
– Ngoài đền Kiếp Bạc, khu di tích Kiếp Bạc còn có các danh thắng, địa danh lịch sử như: Đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, vườn Dược Sơn, ao Cháo, hang Tiền, sông Lục Đầu, Cồn Kiếm, …
Kết bài
– Khái quát về giá trị lịch sử của di tích: Côn Sơn – Kiếp Bạc ngày nay là danh lam thắng cảnh mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng.
Thuyết minh di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Mẫu 1
Hải Dương như tên gọi là tỉnh thành của ánh mặt trời trên biển, không chỉ nổi tiếng với món bánh đậu Hải Dương mà còn là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp như đảo Cò Chi Lăng, cánh đồng hoa rễ, cánh đồng cà rốt, khu rừng phong lá đỏ, động Kính Chủ …cùng với những địa danh lưu giữ những chiến công oanh liệt của dân tộc Việt nam trải qua bốn ngàn năm lịch sử như sông Lục Đầu, căn cứ Vạn Kiếp, …Một trong những thắng cảnh và địa danh lịch sử tiêu biểu của thành phố Hải Dương, không thể không kể đến đó là khu di tích lịch sử Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Quần thể di tích Côn Sơn Kiếp Bạc tọa lạc tại xã Cộng Hòa, Chí Linh, tỉnh Hải Dương, một quần thể gồm các di tích liên quan đến những chiến công lẫy lừng của dân tộc vào thế kỷ 13, thế kỷ 15, đồng thời gắn liền với các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa lớn như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Đán, thiền sư Huyền Quang, … Khu di tích gồm có những địa danh nổi tiếng nhưng Núi Ngũ Nhạc, chùa Côn Sơn, bàn cờ tiên, giếng ngọc, đền thờ Trần Hưng Đạo,…Côn Sơn và Kiếp Bạc là hai di tích cách nhau khoảng 10 ki lô mét.
Địa điểm đầu tiên du khách không thể không ghé đến đó là Chùa Côn Sơn. Chùa Côn Sơn tên chữ là “Thiên Tư Phúc Tự”, hay còn gọi là chùa Hun – gắn với sự kiện quân dân ta hun gỗ làm than, hỏa công hun giặc khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỉ X. Chùa kiến trúc theo kiểu chữ công, gồm Tiền đường, Thiêu lương, Thượng điện là nơi thờ Phật, trong đó có những tượng Phật từ thời Lê cao tới 3 mét. Tiếp đến nhà Tổ là nơi thờ các vị tổ có công tu nghiệp đối với chùa. Đường vào Tam quan lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm phong trần xen lẫn những tán vải thiều xum xuê xanh thẫm. Tam quan được tôn tạo năm 1995, kiểu cổ, có 2 tầng 8 mái với các hoạ tiết hoa lá, mây tản cách điệu của nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê. Hiện tại nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử có giá trị. Ngoài chùa Côn Sơn, khu di tích Côn Sơn còn có những thắng cảnh, địa danh nổi tiếng như: động Thanh Hư, suối Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc, giếng Ngọc, Thạch bàn, Bàn cờ tiên, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán, … mỗi một danh thắng, mỗi một di tích lịch sử đều gợi lên niềm tự hào về truyền thống yêu nước của mỗi người con dân đất Việt. Di tích Côn Sơn gắn liền với danh nhân văn hóa dân tộc – Nguyễn Trãi, nơi mà năm xưa, khi về ở ẩn nơi đây, ông đã từng ca ngợi:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh mát, ta ngâm thơ nhàn…”
Tiếp đến là đền Kiếp Bạc, đền được xây dựng ở trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc, trên một khu đất có diện tích khoảng 13,5 ki lô mét vuông, thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh. Đền quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lục Đầu, gồm các hạng mục kiến trúc: trạm hạ mã, đường thần đạo, nghi môn, sân đền, tả hữu thành các, giếng mắt rồng, tắc môn, nhà giải vũ, đền chính. Đền chính được dựng theo dạng “tiền nhất, hậu đinh”, gồm tiền tế, trung từ và hậu cung. Lịch sử ra đời của đền Kiếp Bạc gắn với sự kiện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn nơi đây làm nơi huấn luyện quân binh, cất giấu vũ khí, lương thực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Sau này, đến thế kỉ XIV, để tưởng nhớ công ơn của vị tướng kiệt xuất này, nhân dân đã xây dựng đền thờ Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc gồm tòa điện bên ngoài thờ Phạm Ngũ Lão, tòa tiếp thờ Trần Hưng Đạo và trong cùng là đền thờ thê tử Trần Hưng Đạo cùng với hai con gái của ông. Ngoài đền Kiếp Bạc, khu di tích Kiếp Bạc còn có các danh thắng, địa danh lịch sử như: Đền Nam Tào: thờ quan Nam Tào, Đền Bắc Đẩu: thờ quan Bắc Đẩu, Vườn Dược Sơn: vườn thuốc Nam, do Trần Hưng Đạo trồng trên núi Dược Sơn, Ao Cháo: là nơi Trần Hưng Đạo đã tập trung quân sĩ để đào ao, đón nước từ hố Máng nước để nấu cháo dưỡng thương cho binh lính, Hang Tiền: là nơi cất dấu ngân khố của Phủ đệ Trần Hưng Đạo để phục vụ kháng chiến, Sông Lục Đầu: là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử vào năm 1285, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt của quân Nguyên – Mông lần thứ 2, Cồn Kiếm: tương truyền, đây là nơi Trần Hưng Đạo thả kiếm xuống sông khi đất nước thái bình, …
Có thể nói, mỗi cảnh sắc, hiện vật ở Côn Sơn – Kiếp Bạc, dẫu còn lưu giữ hay là phế tích đều gợi nhớ về bản hùng ca giữ nước của dân tộc Việt nam, là mảnh đất tâm linh, là nơi mà biết bao thế hệ người Việt, thuộc mọi tầng lớp và ở mọi miền đất nước tìm về để dâng tấm lòng tri ân thành kính đối với tổ tiên và cầu mong cho nước Việt Nam chiến thắng mọi trở lực, càng ngày càng hạnh phúc, giàu mạnh, rạng danh trên toàn thế giới. Mỗi lần đến thăm Côn Sơn – Kiếp Bạc, ngắm nhìn cảnh vật nơi đây và nghe tiếng suối Côn Sơn chảy róc rách, ta tưởng như nghe tiếng mài gươm của Nguyễn Trãi thuở nào, nghe tiếng sóng Lục Đầu Giang vỗ, ta tưởng như nghe tiếng gươm khua của trăm vạn hùng binh đang ào ào xông tới Vạn Kiếp đánh tan giặc Nguyên – Mông.