Cố Đô Huế có một chiều dài lịch sử hình thành lâu đời, đây từng là nơi ngự trị cai quản của 9 đời nhà chúa Nguyễn ở đàng trong ở thời kỳ phân chia giữa chế độ “Vua Lê chúc Trịnh”. Dưới đây là một số bài viết thuyết minh về Cố Đô Huế được VerbaLearn biên soạn và tuyển chọn rất kĩ lưỡng, mời các bạn tham khảo.
Dàn ý thuyết minh
Mở bài
– Giới thiệu về quần thể di tích cố đô Huế – được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993.
Thân bài
1. Vị trí địa lý
– Quần thể di tích cố đô Huế thuộc địa phận thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm ở hai bên bờ hạ lưu sông Hương, về phía Bắc đèo Hải Vân, cách Đà Nẵng 105km, cách cửa biển Thuận An 14km, cách sân bay quốc tế Phú Bài 14 km và cách Cảng nước sâu Chân Mây 50 km.
2. Lịch sử hình thành thành phố Huế
– Năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, để đổi lấy hai Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ.
– Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và chính thức sáp nhập vào lãnh thổ đất nước. Châu Ô và Châu Lý chính là Thừa Thiên – Huế sau này.
– Ngày 12 tháng 7 năm 1899, dưới tác động của chính quyền thực dân muốn đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, vua Thành Thái đã ban Dụ thành lập thị xã Huế
3. Công trình nổi bật trong quần thể di tích cố đô Huế
– Kinh thành Huế: Kinh thành Huế là một công trình kiến trúc kết hợp nghệ thuật Đông – Tây. Nó được chính thức bắt đầu xây dựng nên từ năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Thành xây theo kiểu Vauban hình ngôi sao phổ biến ở Âu châu, kết hợp với các nguyên tắc kiến trúc trong Kinh Dịch và thuật phong thủy khi chọn đất, định hướng và sử dụng các yếu tố tự nhiên, gồm 3 vòng thành bao quanh chặt chẽ là Kinh thành (thành ngoài), Hoàng thành và Tử Cấm Thành.
– Kinh thành (thành ngoài): có chu vi gần 10 km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống sông hào bao bọc ngay bên ngoài để bảo vệ.
– Hoàng thành: là vòng thành thứ hai có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn. Hoàng thành có mặt bằng gần như hình vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào.
– Tử cấm thành: là nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tử Cấm thành là một thành hình chữ nhật có cạnh là 324 x 290,68m, chu vi là 1.229,36 mét, thành cao 3,72 mét, dày 0,72 mét xây hoàn toàn bằng gạch vồ có bố cục chặt chẽ và đăng đối.
4. Cụm di tích ngoài kinh thành
– Hệ thống lăng tẩm: Lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định …
– Chùa Thiên Mụ, Hổ Quyền, Điện Hòn Chén, Trấn Bình Đài, Trấn Hải Thành.
Các giá trị khác:
– Vài nét về Sông Hương, núi Ngự.
– Nhà vườn, văn hóa ẩm thực …
Kết bài
– Khái quát hóa vẻ đẹp và nêu cảm nhận của bản thân về di tích cố đô Huế.
Thuyết minh về Cố đô Huế – Mẫu 1
Dải đất miền Trung dài và hẹp, nơi không có nhiều khoáng sản như miền Bắc, không có nhiều đất đai màu mỡ như miền Nam, lại là nơi nhiều thiên tai, bão lụt. Nhưng tạo hóa vẫn công bằng, Miền Trung lại là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, là nơi có nhiều điều kì diệu cần được khám phá, và một trong những thắng cảnh tiêu biểu của miền Trung, không thể không kể đến quần thể kiến trúc cố đô Huế – được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993.
Quần thể di tích cố đô Huế thuộc địa phận thành phố Huế, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm ở hai bên bờ hạ lưu sông Hương, về phía Bắc đèo Hải Vân, cách Đà Nẵng 105km, cách cửa biển Thuận An 14km, cách sân bay quốc tế Phú Bài 14 km và cách Cảng nước sâu Chân Mây 50 km.
Lịch sử hình thành của thành phố Huế gắn liền với việc mở cõi về phương Nam của dân tộc Việt diễn ra trong một tiến trình lâu dài. Mốc lịch sử đầu tiên là phải kể đến sự kiện năm 1306, Công chúa Huyền Trân được gả làm vợ vua Chiêm là Chế Mân, để đổi lấy hai Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ. Năm 1307, vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và chính thức sáp nhập vào lãnh thổ đất nước. Châu Ô và Châu Lý chính là Thừa Thiên – Huế sau này. Cho đến thời kỳ đầu Pháp thuộc, Huế là một tên gọi dân gian để chỉ Kinh thành. Mãi đến ngày 12 tháng 7 năm 1899, dưới tác động của chính quyền thực dân muốn đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, vua Thành Thái đã ban Dụ thành lập thị xã Huế (Centre urbain de Hué), với ranh giới được xác lập xen giữa Kinh thành bao gồm các vùng phụ cận quanh kinh thành và dải đất dọc theo bờ nam sông Hương. Từ đó, địa danh Huế trở thành địa danh chính thức cho đến tận ngày nay.
Quần thể di tích Cố Đô Huế được nhà Nguyễn chủ trương khởi công xây dựng vào khoảng từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Quần thể di tích Cố đô Huế bao gồm hai cụm công trình gồm các cụm công trình trong Kinh thành Huế và ngoài Kinh thành Huế. Kinh thành Huế là một công trình kiến trúc kết hợp nghệ thuật Đông – Tây. Nó được chính thức bắt đầu xây dựng nên từ năm 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Thành xây theo kiểu Vauban hình ngôi sao phổ biến ở Âu châu, kết hợp với các nguyên tắc kiến trúc trong Kinh Dịch và thuật phong thủy khi chọn đất, định hướng và sử dụng các yếu tố tự nhiên, gồm 3 vòng thành bao quanh chặt chẽ là Kinh thành (thành ngoài), Hoàng thành và Tử Cấm Thành.
Kinh thành (thành ngoài) có chu vi gần 10 km, cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống sông hào bao bọc ngay bên ngoài để bảo vệ. Kinh thành có tổng cộng 10 cửa thành thông ra bên ngoài. Các cửa thành đều có vòm cửa và vọng lâu, được xây dựng và hoàn thiện trong một thời gian dài với các giai đoạn khác nhau. Các di tích bên trong kinh thành đáng chú ý bao gồm: Kỳ Đài: còn gọi là Cột cờ; Quốc Tử Giám: là di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam; Điện Long An: là nơi nghỉ của vua, được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị; Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế: hiện trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn; Hồ Tịnh Tâm: dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh; Tàng Thư Lâu: xây dựng năm 1825 trên hồ Học Hải, là nơi rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ; Viện Cơ mật: là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ tam phẩm trở lên, hiện là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Cửu vị thần công: là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc dưới thời vua Gia Long, …
Bên trong Kinh thành là Hoàng thành, là vòng thành thứ hai có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn. Hoàng thành có mặt bằng gần như hình vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4m, dày 1m, xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào. Các di tích bên trong Hoàng thành đều được bố trí trên một trục đối xứng, trong đó trục chính giữa được bố trí các công trình chỉ dành cho vua, các công trình ở hai bên được phân bố chặt chẽ theo từng khu vực, tuân thủ nguyên tắc “tả nam hữu nữ”, “tả văn hữu võ”, đáng chú ý là : Ngọ Môn: cửa chính của Hoàng thành, Điện Thái Hòa: là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình, Triệu Tổ miếu: là nơi thờ chúa Nguyễn Kim, Hưng Tổ miếu: là nơi thờ cha mẹ vua Gia Long, Thế Tổ miếu: là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, cung Diên Thọ: là nơi sinh hoạt của Hoàng Thái hậu, Hiển Lâm các: cao 17m và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng Thành; Cửu Đỉnh: là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm Các …
Vòng thành thứ ba nằm bên trong Hoàng thành là Tử Cấm thành, là nơi làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tử Cấm thành là một thành hình chữ nhật có cạnh là 324 x 290,68m, chu vi là 1.229,36 mét, thành cao 3,72 mét, dày 0,72 mét xây hoàn toàn bằng gạch vồ có bố cục chặt chẽ và đăng đối. Các di tích trong Tử cấm thành gồm: Tả Vu và Hữu Vu; Vạc đồng; Điện Kiến Trung; Điện Cần Chánh; Thái Bình Lâu và Duyệt Thị Đường. Mỗi công trình kiến trúc trong kinh thành Huế đều được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống và có cách phối trí của các khoảng không gian đã tiến đến đỉnh cao của sự hài hòa trong bố cục.
Trong quần thể di tích Cố đô Huế còn có một số điểm di tích nằm ngoài kinh thành Huế được UNESCO công nhận. Đầu tiên phải kể đến hệ thống lăng mộ uy nghi của vua triều Nguyễn nằm ở phía tây của kinh thành dọc theo bờ sông Hương êm ả. Mỗi lăng đều có những nét đẹp riêng. Nếu lăng Minh Mạng mang trong nó sự hùng mạnh, uy nghi, tráng lệ giữa rừng núi hồ ao, thì lăng Tự Đức lại mang trong mình sự thoáng đãng, thơ mộng, gần gũi với thiên nhiên cứ tưởng chừng như một bức họa sơn thủy trong lành. , còn lăng Khải Định lại là một nét độc đáo nhất trong hệ thống lăng tẩm ở Huế, gây ấn tượng với nhiều trường phái kiến trúc ngoại quốc khác nhau. Tiêp theo không thể không kể đến các công trình gắn liền với 143 năm của triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta như: Đàn Nam Giao – nơi vua tế trời; Chùa Thiên Mụ – Biểu trưng Phật giáo của Huế; Hổ Quyền – đấu trường duy nhất còn lại ở Châu Á dành cho voi và hổ; Điện Hòn Chén – nơi thờ Thánh Mẫu; Trấn Bình Đài – án ngữ bảo vệ đường sông của Kinh thành; Trấn Hải Thành – pháo đài trấn giữ mặt biển phía Đông.
Nhắc đến cố đô Huế mà không nhắc đến Sông Hương là một thiếu sót lớn. Có thể nói nếu không có sông Hương thì cũng không có một thành phố Huế thơ và mộng. Sông Hương như một dải lụa hiền hòa chia thành phố Huế thành hai bờ: bờ Bắc và bờ Nam, đã làm hao tổn bao nhiêu giấy mực của biết bao thi sỹ, biết bao tao nhân mặc khách:
Thuyền em nhẹ lướt trên sông
Câu thơ ai thả giữa dòng Hương Giang
Để cho dạ thấy xốn xang
Mênh mang nhuộm ánh nắng vàng chiều thu.
(Chiều Hương Giang – Vũ Nguyên Đạt)
Sông Hương, Núi Ngự là một đôi tô điểm cho kinh thành Huế. Núi Ngự cách sông Hương 3km về phía nam, với chiều cao 104m. Dáng núi bằng phẳng, uy nghi, cân đối như hình con chim đại bàng đang vỗ cánh, cho nên người xưa gọi là Bằng Sơn, sau vua Gia Long đổi tên là núi Ngự Bình.
Huế không chỉ cuốn hút du khách bởi những nét đẹp văn hóa, lịch sử, những nét đẹp kiến trúc cổ kính, mà còn làm hấp dẫn du khách bởi những nhà vườn xung quanh nó. Nét ấn tượng nhất đối với du khách không phải là những ngôi nhà và những cây cảnh có tuổi đời lên đến hàng trăm năm mà là những nhà vườn ở đây như một kinh thành Huế thu nhỏ, có bể nước thay cho dòng sông Hương, có bức bình phong thay cho núi Ngự …Và Huế còn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực vừa đa dạng, cầu kỳ, vừa hài hòa về màu sắc, hương vị, hài hòa về âm – dương, nóng – lạnh, hài hòa trong bố cục chén, đũa, bát, dĩa… hài hòa như tự nhiên, thiên nhiên.
Cố đô Huế là nơi hội tụ của nhiều giá trị khác nhau, giá trị về lịch sử, giá trị về văn hóa, giá trị về kiến trúc, giá trị về phong cảnh hữu tình … nhưng giá trị hơn cả là sự hài hoà của cảnh sắc thiên nhiên với kiến trúc cổ kính, với con người dịu dàng mà sâu lắng mà không một ngòi bút nào có thể tả hết. Tôi chỉ muốn mượn bài thơ sau đây để thay cho lời kết:
“Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xin chào Huế một lần anh đến
Ðể ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.”
(Tạm biệt Huế – Thu Bồn)
Thuyết minh về Cố đô Huế – Mẫu 2
Cứ mỗi khi nhắc đến tỉnh miền trung, thì suy nghĩ đầu tiên trong đầu của mọi người đó là một vùng đất quanh năm mưa lũ, hạn hán, thiên tai, gắn với những con người cần mẫn, lam lũ, chân chất. Ấy vậy, mà miền Trung còn mang trong mình vẻ đẹp tinh tế ở phía Nam Trung Bộ với Đà Nẵng và phía Bắc Trung Bộ với tỉnh Thừa Thiên Huế đầy mơ mộng. Trong đó, không thể không kể đến quần thể di tích Cố Đô Huế nằm ở bộ phận bờ bắc con sông Hương xinh đẹp thuộc địa phận của thành phố Huế và nằm rải rác một vài vùng lân cận tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cố Đô Huế có một chiều dài lịch sử hình thành lâu đời, đây từng là nơi ngự trị cai quản của 9 đời nhà chúa Nguyễn ở đàng trong ở thời kỳ phân chia giữa chế độ “vua Lê chúc Trịnh”. Nhắc đến quá trình tạo hóa, lịch sử lâu đời của vùng đất thiêng liêng này, không ai có thể quên được chúa tiên Nguyễn Hoàng, người đã có công trong việc mở mang bờ cõi nước nhà, tạo sự thịnh vượng và tiền đề vững chắc phát triển triều Nguyễn lâu dài. Nghe lời khuyên của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành sơn nhất đái bạn đại dung thân” và biết mình không được thuận ý trong mắt người ảnh rể Trịnh Kiểm, do đó ông nhanh chóng xin vào trấn thủ, cai quản vùng đất Thuận Hóa, và đó cũng chính là thời kì khởi đầu kéo dài dưới sự cai trị của 9 vị chúa Nguyễn ở đàng trong. Quần thể di tích Cố Đô Huế được nhà Nguyễn chủ trương khởi công xây dựng vào khoảng từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Nó được chính thức bắt đầu xây dựng nên từ năm 1805 và trải dài 27 năm nó được hoàn thành mỹ mãn vào dưới triều của nhà vua Minh Mạng. Cố Đô Huế là một công trình thiết kế và xây dựng kết hợp theo hai phong cách vừa pha một chút phương tây vừa một chút phương đông tạo nên một quần thể kiến trúc tuyệt đỉnh.
Quần thể di tích Cố Đô Huế xinh đẹp này là sự góp phần của các công trình tiêu biểu như Tử Cấm Thành, các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền… Nằm dọc phía bờ bắc của con song Hương êm ả là hệ thống kiến trúc quy mô, đồ sộ của chúa Nguyễn: Tử Cấm Thành, Hoàng Thành Huế và Kinh Thành Huế, nó vẫn kiên cường sừng sững giữa bao biến động của thời gian trải dài từ Tây sang Đông hùng vĩ. Kinh Thành Huế là nơi đầu tiên được vua Gia Long khảo sát vào năm 1803, và sau 2 năm thì nó được chính thức khởi công xây dựng dưới sự giám sát của nhà Nguyễn. Đây là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, phía đông giáp đường Phan Đăng Lưu, phía tây giáp giáp đường Lê Duẩn, phía nam giáp đường Trần Hưng Đạo. Phía bên trong của kinh thành cũng có vị trí vô cùng thuận lợi được giới hạn theo bản đồ gồm:phía tây là đường Tôn Thất Hiệp, phía đông là đường Xuân 68, phía nam là đường Ông Ích Khiêm và phía bắc giáp đường Lương Ngọc Quyền. Kinh thành Huế được thiết kế theo phong cách độc đáo kiến trúc Vauban, gồm 3 vòng thành bao quanh chặt chẽ kinh thành, hoàng thành, Tử Cấm Thành. Trong chiều dài lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay có lẽ Kinh Thành Huế được coi là công trình có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất, với câu tạo gồm hàng triệu mét khối đất đá cấu thành kéo dài dưới hai triều vua trong vòng 30 năm khởi công xây dựng. Trong kinh dịch ghi “ Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, bởi kinh thành Huế hay Hoàng Thành, Tử Cấm Thành đều được quy hoạch bên bờ bắc của sông Hương và được xây dựng xoay mặt về phía Nam. Bên trong kinh thành là khu vực Hoàng Thành là nơi bàn chính sư của vua chúa triều đình và cũng là nơi ở của Hoàng gia, thờ tự tổ tiên. Hoàng Thành có tất cả 4 cửa được phân bổ đều ở cả 4 mặt, Ngọ Môn là cửa chính của nó. Năm 1804, Hoàng Thành được khởi công xây dựng nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh cho mãi đến năm 1833 vào thời vua Minh Mạng thì hệ thống cung điện quy mô tráng lệ này mới được hoàn tất. Đa số mọi người thường gọi Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội vì đây vừa là nơi thiết triều mà còn là khu vực miếu thờ. Nằm ở phía bên trong Hoàng Thành và cũng là vòng thành phía trong cùng được gọi tên Tử Cấm Thành, nó còn bao gồm rất nhiều các công trình quy mô từ nhỏ đến lớn khác nhau và được phân chia ở nhiều khu vực riêng lẽ làm nhiệm vụ khác nhau. Đại nội hay còn được biết đến là một nơi bất khả xâm phạm, tuyệt mật tuyệt đối của vua chúa, không ai được phép đặt chân vào nếu không có sự cho phép của vua. Nằm ở phía tây của kinh thành dọc theo bờ song Hương êm ả là hệ thống lăng mộ uy nghi của vua triều Nguyễn. Mỗi một lăng mộ tượng trưng cho sĩ khí, hành trình cuộc đời của các vị vua. Nếu lăng Minh Mạng mang trong nó sự hùng mạnh, uy nghi, tráng lệ giữa rừng núi hồ ao, thì lăng Tự Đức lại mang trong mình sự thoáng đãng, thơ mộng, gần gũi với thiên nhiên cứ tưởng chừng như một bức họa sơn thủy trong lành. Với chiều dài lịch sử hùng hồn vẻ vang, cùng với bề dày văn hóa lâu đời, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp hữu tình, từ lâu Huế đã và đang trở thành một trung tâm du lịch hấp dẫn đối với cả du khách trong nước và ngoài nước.Đặc biệt lễ hội Festival Huế là nơi khơi dậy và làm sống lại những giá trị văn hóa của Huế thông qua nhiều chương trình kễ hội đặc sắc, là sự kết hợp giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình tinh tế.
Quần thể di tích Cố Đô Huế là một biểu tượng văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà còn là thế giới, đánh dấu mốc son quan trọng trong sự nghiệp mở rộng bờ cõi của nước nhà. Đế đây, khách du lịch không chỉ được tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc lộng lẫy, uy nghi mà còn bị thu hút, ấn tượng bởi giọng nói ngọt ngào của các cô gái Huế, những bài thơ bài ca đã đi vào lòng người xao xuyến biết bao. Và mãi cho đến ngày hôm nay, Cố Đô Huế vẫn mãi trường kỳ theo thời gian, sánh vai với các kỳ quan trên thế giới, xứng đáng là biểu tượng tự hào của người dân Viêt Nam trên khắp đất nước.
Qua bài viết thuyết minh về Cố Đô Huế ở phía trên mong rằng đã mang lại cho bạn một số kiến thức về địa danh này. Các bài viết trên bloghochanh.com đều được chọn lọc khá kĩ lưỡng từ các bạn học sinh trên cả nước. Mong rằng với lượng kiến thức này sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua một số kì thi.