Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi đầu mối chuyên buôn bán rau củ trên sông Cửu Long và cũng là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Để giúp cho bạn đọc hiểu hơn về địa danh này cũng như cung cấp lượng lớn tri thức cho các bạn học sinh lớp 8, VerbaLearn sẽ tổng hợp lại phần dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu cho đề bài thuyết minh về Chợ nổi Cái Răng ngay trong bài viết này.
Dàn ý thuyết minh về Chợ nổi Cái Răng
Mở bài
– Giới thiệu chợ nổi Cái Răng
Thân bài
– Vị trí địa lý của chợ nổi Cái Răng: Chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh sông Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ khoảng 30 phút đi tàu.
– Nguyên nhân hình thành chợ nổi: Chợ được hình thành từ khi đường bộ và phương tiện đi lại trên bộ của vùng sông nước chưa phát triển. Nhu cầu mua bán nông sản, hàng thiết yếu… đã kết nối người dân lại với nhau bằng những chiếc ghe, chiếc xuồng dập dềnh trên sóng nước.
– Thời gian họp chợ: Chợ nổi Cái Răng họp rất sớm. Thời gian họp chợ thường từ 2, 3 giờ sáng đến 8, 9 giờ sáng thì vãn.
– Khung cảnh lúc chợ họp: Thuyền, ghe tấp nập đi lại, luồn lách trên mặt nước. Tiếng chào mời mua bán, tiếng cười nói gọi nhau, tiếng ồn ào của động cơ… làm vang động cả một vùng, quang cảnh nhộn nhịp và sôi động.
– Những hàng hóa mua bán, trao đổi nơi đây: Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là trái cây, mùa nào thức nấy: chôm chôm, xoài, cam, quýt, bưởi, măng cụt, sầu riêng…, sản vật của vùng sông nước kênh rạch như cá, rùa, rắn, cua, tôm, chim đồng, bông súng, rau tươi… Ngoài ra tại đây còn có nhiều mặt hàng đặc sắc khác như xăng dầu, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tây, bánh kẹo…
– Cách bày bán, quảng cáo hàng hóa: Dùng một cây sào dài chống ngay trước mũi ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những nông sản mà mình muốn bán chẳng hạn như bán cam thì người bán treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, bán chuối thì treo nải chuối, …
Kết bài
– Cảm nghĩ của em về chợ nổi Cái Răng.
Thuyết minh về Chợ nổi Cái Răng – Mẫu 1
“Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về.”
(Ca dao)
Câu ca dao đưa ta về một miền quê Nam Bộ, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giữa một mạng lưới sông ngòi kênh rạch, nơi có những sự kiện văn hóa gắn liền với nền văn minh sông nước. Và một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu của thành phố Cần Thơ gạo trắng nước trong đó, không thể không kể đến chợ nổi Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh sông Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ khoảng 30 phút đi tàu. Chợ được hình thành từ khi đường bộ và phương tiện đi lại trên bộ của vùng sông nước chưa phát triển. Nhu cầu mua bán nông sản, hàng thiết yếu… đã kết nối người dân lại với nhau bằng những chiếc ghe, chiếc xuồng dập dềnh trên sóng nước. Từ thói quen đó, dù mạng lưới giao thông đường bộ ngày nay đã phát triển mạnh và rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển.
Giống như nhiều phiên chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Cái Răng họp rất sớm. Thời gian họp chợ thường từ 2, 3 giờ sáng đến 8, 9 giờ sáng thì vãn. Thuyền, ghe tấp nập đi lại, luồn lách trên mặt nước. Tiếng chào mời mua bán, tiếng cười nói gọi nhau, tiếng ồn ã của động cơ… làm vang động cả một vùng, quang cảnh nhộn nhịp và sôi động. Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng rất đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là trái cây, mùa nào thức nấy: chôm chôm, xoài, cam, quýt, bưởi, măng cụt, sầu riêng…, sản vật của vùng sông nước kênh rạch như cá, rùa, rắn, cua, tôm, chim đồng, bông súng, rau tươi… Ngoài ra tại đây còn có nhiều mặt hàng đặc sắc khác như xăng dầu, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tây, bánh kẹo… Có thể nói hầu như những mặt hàng nào ở phố chợ trên cạn có thì chợ nổi cũng sẽ có. Ngày nay, chợ nổi Cái Răng còn có thêm nhiều ghe thuyền bán nước uống, đồ ăn sáng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan vui chơi của khách du lịch. Du khách có thể ngồi trên những chiếc xuồng con chòng chành, vừa thưởng thức đủ loại trái cây, món ăn đặc sản của vùng, vừa tận hưởng những làn gió mát dịu tạo ra cho họ cảm giác mới lạ và thích thú mà không một khu chợ trên cạn nào có được. Ấn tượng nhất đối với mỗi du khách khi tham quan chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi ở miền Tây nói chung là cách thức quảng cáo chào hàng có một không hai của chợ. Không phải dùng những bảng hiệu, đèn led đầy màu sắc rực rỡ mà ở đây người ta dùng một cây sào dài chống ngay trước mũi ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những nông sản mà mình muốn bán chẳng hạn như bán cam thì người bán treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, bán chuối thì treo nải chuối, … Tuy nhiên, có một vài trường hợp ngoại lệ như quần áo “treo mà không bán” vì cư dân ở chợ nổi thường sinh hoạt ngay trên thuyền của mình nên đó là quần áo họ treo để phơi, không phải thứ mà chủ thuyền muốn bán. Một trường hợp khác là “bán mà không treo”, nếu bạn thấy chiếc thuyền nào bán hàng mà bên trên không treo một thứ đồ vật gì thì đó là thuyền bán đồ ăn, uống. Những thứ đồ này được chủ thuyền đặt tại thuyền vì chúng không thể treo lên được. Còn có trường hợp “treo thứ này mà bán thứ khác” đó là trường hợp người chủ hàng muốn bán chiếc thuyền hay ghe của mình thì họ treo lên một vài tấm lá dừa.
Chợ nổi Cái Răng là nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của người dân vùng sông nước miền Tây chân chất, phóng khoáng và nghĩa tình. Nếu có đặt chân đến Cần Thơ, bạn hãy đừng quên ghé thăm để trải nghiệm một nét văn hóa độc đáo này.