Quạt giúp luân chuyển không khí trong một không gian hiệu quả tạo ra gió lùa khắp phòng. Vào những ngày nắng nóng thì vai trò của cái quạt lại càng thể hiện rõ. Dưới đây là dàn ý và bài viết mẫu thuyết minh về cái quạt. Bài viết giúp các bạn học sinh hiểu hơn về cấu tạo và hoàn thành tốt đề văn thuyết minh về vật dụng này.
Dàn ý thuyết minh về cái quạt
Bài văn mẫu thuyết minh về cái quạt
Bài viết số 1
Một thế giới hiện đại sẽ đi kèm với những đồ dùng và thiết bị hiện đại, tiên tiến do máy móc công nghệ và kỹ thuật sáng tạo ra dựa trên trí tuệ của con người ngày nay. Nếu thời xưa, con người sử dụng những đồ dùng được làm bằng tre, nứa, gỗ,…thì ngày hôm nay, những đồ dùng được tạo ra từ những chất liệu bền như nhựa và cứng như thép sẽ thay thế, trở thành dụng cụ hỗ trợ con người trong mọi nhà như tivi, máy tính, điện thoại, đèn điện,…Trong số đó, chúng ta không thể nào không thể nhắc đến cái quạt – một dụng cụ vô cùng hữu ích dành cho con người, đặc biệt đối với những nước ở vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Cái quạt mãi là người bạn hữu ích và luôn gắn bó với con người trong suốt cả một đời người từ lúc sinh ra chỉ là một em bé còn nằm trên nôi đến lúc chia lìa cuộc sống.
Đặc biệt, Việt Nam nước ta là một đất nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gần đường xích đạo, quanh năm nóng ẩm nên một chiếc quạt sẽ mãi trở thành trợ lý đắc lực nhất của con người, giúp con người xua tan đi cái nắng nóng của những ngày hè oi ả. Quạt ngày nay có thể xem như được chia thành hai loại quạt là quạt điện và quạt thủ công.
Nói về quạt điện, điều đầu tiên chúng ta cần biết chính là nguồn gốc xuất xứ và cấu tạo hình thành của nó. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu để bạn biết rõ và hiểu sâu hơn về loại quạt này. Quạt điện được hình thành dựa trên nguồn gốc của một chiếc quạt kéo ở vùng Trung Đông vào đầu thế kỳ XIX bao gồm một cái khung được làm từ vải bạc được nối với một sợi dây dẫn.
Cách sử dụng của quạt nguồn gốc rất đơn giản. Con người chỉ cần nắm lấy sợi dây quạt và kéo tới kéo lui sẽ tạo ra một luồng gió mát. Vào năm 1832, sau khi cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ XIX diễn ra, Omar-Rajeen Jumala, ông là một trong những người đã tham gia cải tạo quạt thành một loại có thể dẫn động bằng đai bằng các bộ phận máy móc động.
Từ đó quạt điện ngày càng được cải tiến để hoàn thiện hơn. Không lâu sau đó, Thomas Alva Edison và Nikola Tesla đã phát hiện ra nguồn năng lượng điện có thể cung cấp cho thế giới vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Áp dụng nguồn năng lượng điện đó vào các phát minh lúc bấy giờ, chiếc quạt chạy bằng cơ học đã trở thành loại quạt chạy bằng điện.
Đến giữa năm 1882-1886, tiến sĩ Schuyler Skaats Wheeler đã phát triển quạt điện thành loại quạt bàn và quạt điện cá nhân. Năm 1882, Phillip Diehl đã giới thiệu đến mọi người chiếc quạt trần và ông được xem như là cha đẻ của loại quạt này.
Như vậy, ta có thể thấy được sau khi trải qua một khoảng thời gian dài, quạt điện ngày càng được cấu tạo hoàn chỉnh hơn và xuất hiện thêm những loại quạt mới như quạt trần ( có hai loại, dùng để quạt mát hoặc dùng để trang trí ), quạt bàn, quạt đứng ( loại quạt có thể đứng được ở dưới đất và có thể xoay ), quạt treo tường, quạt thông gió, quạt hộp,…rất nhiều loại quạt như thế đã ra đời và phục vụ cuộc sống của con người.
Thế nhưng, dù là loại quạt nào thì chúng cũng đều có chung một chức năng là mang đến cái hơi gió mát rượi làm phơi phới, dễ chịu cho tâm hồn con người trong cái tiết trời nóng oi ả vào mỗi dịp hè.
Ở Việt Nam nước chúng ta có thể nói rằng ngày nào cũng là mùa hè vì ánh nắng mặt trời chói chang như muốn làm cháy cả da thịt. Vì vậy, trong mỗi gia đình người Việt luôn tồn tại một cái quạt để xoa dịu cảm giác nóng nực của con người.
Tuy ra đời nhiều mẫu mã, kiểu loại đến hình dang khác nhau là thế nhưng cấu tạo chung của một chiếc quạt điện ( thông thường sẽ là loại quạt đứng ) bao gồm các thành phần ngoài sau: cánh quạt, lồng quạt, động cơ quạt, thân quạt và đế quạt. Đầu tiên, tôi sẽ giới thiệu cho bạn hiểu rõ hơn về động cơ điện của quạt.
Động cơ điện là một bộ phận nhờ vào nguyên lý điện từ của dòng điện mà tạo nên động lực hay nói cách khác, động cơ điện được xem là con tim của quạt điện có chức năng giúp tạo nên sức gió từ những cánh quạt. Ngày nay, một cái quạt điện tốt, đầu tiên phải dựa trên nguyên lý hoạt động của động cơ điện.
Loại quạt có động cơ điện hoạt động ít gây tiếng ồn và độ rung quạt yếu thì chứng tỏ loại quạt đó chạy khá êm, không làm người sử dụng chúng bị nhức đầu. Cánh quạt là bộ phận tạo nên sức gió, làm mát cho con người. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà nhiều nhà sản xuất đã cho ban hành nhiều loại cánh như loại ba cánh hoặc loại năm với độ dày và mỏng khác nhau.
Loại ba cánh thường có giá trung bình giao động từ 50 đến 70 nghìn đồng đối loại cánh được làm bằng chất liệu nhựa dẻo, thích hợp dùng trong phòng ngủ. Loại năm cánh được xem là loại cánh với bản nhỏ nhưng ít gây ra tiếng ồn hơn loại ba cánh. Bao quanh cánh quạt là lồng quạt. Lồng quạt được xem là bộ phận vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ người dùng, nhất là trẻ nhỏ tránh bị cánh quạt chém đứt tay, gây ra thương tích, dù không phải là bộ phận hỗ trợ vào việc tạo nên sức gió.
Ở nhiều loại quạt, thông thường sẽ có tay cầm ở phần trên của lồng quạt giúp con người di chuyển quạt dễ dàng hơn. Thân quạt là phần nâng đỡ động cơ và giúp cho cánh quạt quay. Ở phía sau thân quạt sẽ có một nút vặn.
Chức năng của nút vặn này nhằm thay đổi sức gió của quạt tạo ra ( đối với loại quạt có thân cao ) hay ở ngay dưới thân quạt, trên đế quạt có nút bấm theo số thứ tự một, hai, ba tương đương với ba mức gió khác nhau, tùy theo nhu cầu sử dụng của con người ( đối với loại quạt thân thấp ). Đó là phần cấu tạo ngoài của quạt điện.
Còn về phần điện, chúng ta có thể biết được quạt bao gồm các thành phần như mô tơ, rotor ( dùng để tạo chuyển động cho bộ chuyển hướng, giúp quạt quay được nhiều hướng, được làm từ nhiều lá thép mỏng ), tụ điện, vỏ nhôm,…
Giá thành của một cây quạt giao động thấp nhất từ hai trăm đến 400 nghìn đồng và cao nhất khoảng từ 500 nghìn đồng trở lên. Không chỉ là những loại quạt lớn mà trong gia đình mỗi chúng ta thưởng sử dụng, trên thị trường thương mại ngày nay còn tồn tại nhiều quạt điện mi-ni với nhiều màu sắc và kiểu dáng được rất nhiều học sinh, sinh viên ưa chuộng mỗi khi đến trường.
Khi sử dụng quạt điện, bạn nên lưu ý một số điều sau: tránh để quạt trực tiếp thổi vào người ở cự ly gần với sức gió mạnh trong một thời gian dài để tránh bị cảm lạnh, gây ra đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi căng thẳng,…; tránh sử dụng quạt ngay sau khi vận động để đánh tan đi mồ hôi vì khi vận động mạnh, mồ hôi sẽ tiết ra nhiều, sức gió mạnh sẽ khiến mồ hôi bị ngừng trệ, các mạch máu co đột ngột, dẫn đến vô cùng nguy hiểm; tránh mở quạt thường xuyên 24/24; tránh mở quạt với sức gió quá cao, đặc biệt trong khi ngủ;…
Sử dụng quạt điện là vô cùng có lợi vì không cần quạt bằng tay nhưng vẫn có gió thổi ào ào làm buổi trưa hè trở nên thật mát rượi. Tuy nhiên, vào những lúc điện bị ngắt hay cúp điện, những cái quạt được làm thủ công lại lên ngôi và trở thành sự lựa chọn hoàn hảo của con người.
Quạt thủ công là loại quạt được làm bằng tay con người từ những vật dụng có trong đời sống như giấy, lá gồi, vải đến cả những chiếc quạt tay được làm bằng lông của những con vật như công tạo nên kiểu dáng vô cùng bắt mắt, độc đáo nhưng không kém phần uyển chuyển, nhẹ nhàng, thướt tha,…Trong đó, quạt giấy được xem là quạt truyền thống.
Một chiếc quạt giấy truyền thống có cấu tạo ba phần: nan quạt ( được làm bằng tre, gỗ, tùy theo sở thích của người dùng ), khuy quạt ( dùng để cố định một đầu của các nan quạt, ngày nay là được làm bằng đinh, ốc ), giấy quạt ( gồm hai tờ giấy ghép lại vào nhau, tạo thành nữa cung tròn được dán với nhau ).
Một chiếc quạt giấy truyền thống thường được trang trí trên phần giấy quạt những hình ảnh vô cùng bắt mắt như cảnh hòa ca của người dân Nam Bộ, những họa tiết vẽ mèo, vẽ cá, vẽ bông hoa, viết thư pháp,…
Những tháng hè oi ả, những ngày trời nắng nóng đến chói chang, chỉ cần đi ra đường là như vừa mới tắm xong, mồ hôi chảy nhễ nhại, da thì nóng bừng bừng. Đừng lo, một cái quạt sẽ giúp bạn, dù là quạt điện hay quạt thủ công, bạn sẽ trở nên cảm thấy thoải mái hơn, vô cùng mát rượi trong những tháng ngày này.
Bài viết số 2
Bernad Show đã từng nói: “Nếu bạn có một quả táo, tôi có một quả táo và chúng ta trao đổi với nhau, thì bạn và tôi mỗi người sẽ có một quả táo. Nhưng nếu bạn có một ý tưởng, tôi có một ý tưởng và chúng ta trao đổi với nhau, thì mỗi người chúng ta sẽ có hai ý tưởng”. Sự sáng tạo của con người là phải xuất phát từ nguồn cảm hứng được khơi gợi từ người khác.
Chính điều đó đã tạo nên một đất nước từ nền nông nghiệp lúa nước lạc hậu đang dần tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình vươn lên, đất nước Việt Nam ta đã không ngừng sáng tạo, phát minh ra những đồ dùng, vật liệu,…luôn có ích cho cuộc sống của con người.
Một trong số đó chúng ta không thể nào không nhắc đến chiếc quạt. Sự tồn tại của cái quạt đã mang đến cái mát mẻ, gạt bỏ đi sự nóng nực cho con người.
Cái quạt từ lâu đời đã trở nên gắn bó với con người trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Hơn nữa, Việt Nam ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng quanh năm nên cái quạt hiển nhiên sẽ trở thành vật bất ly thân trong mỗi gia đình người Việt. Đặc biệt là vào mùa hè, đi ra đường ta khó mà chịu được cái nóng của ánh nắng mặt trời gay gắt.
Tuy công nghệ đồ họa tiên tiến ngày càng ra đời nhưng việc đó không đồng nghĩa với việc ngày nay con người chỉ sử dụng những đồ dùng điện, thiết bị máy móc,…Do đó, quạt cũng như vậy. Ngày nay, cái quạt được phân chia thành hai loại là quạt điện và quạt thủ công nhưng quạt điện chiếm đa số sự ưa chuộng của con người.
Chiếc quạt điện ngày nay được xem là tiền thân của chiếc quạt điện đã có mặt từ lâu đời. Bắt nguồn cảm hứng từ chiếc quạt kéo ở Trung Đông vào đầu thế kỷ 19, Omar-Rajeen Jumala đã sáng tạo nên chiếc quạt máy đầu tiên được chạy bằng đai dẫn vào năm 1834, sau khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra vào cuối thế kỷ 19.
Ông đặt tên cho chiếc quạt của mình là chiếc máy ly tâm. Cái quạt đầu tiên hoạt động giống như một cái máy bom không khí. Mãi sau này khi Thomas Alva Edison và Nikola Tesla đã cải tạo thành chiếc máy quạt chạy bằng điện nhờ vào nguồn năng lượng điện mà hai ông phát hiện vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Từ đó, lần lượt những chiếc quạt điện khác ra đời như quạt bàn và quạt điện cá nhân được tiến sĩ Schuyler Skaats Wheeler chế tạo trong khoảng thời gian giữa 1882 -1886, quạt điện trần do Philip Diehl chế tạo vào năm 1882,…
Nhiều loại quạt điện được ra đời cùng trong khoảng thời gian đó. Ban đầu những chiếc quạt điện này rất được nhiều người ưa chuộng nhưng giá thành cao nên càng trở nên ít người quan tâm hơn. Về sau, bên công ty chuyên về quạt điện đã phải hạ giá thành của những chiếc quạt xuống mức trung bình để gia đình nào cũng có thể mua được.
Tuy nhiên, do một phần công nghệ máy móc ngày hiện đại nên quạt điện ngày nay ít nhận được sự chú ý của nhiều người vì sự xuất hiện của những chiếc máy điều hòa, máy lạnh,…Thế nhưng do giá thành của những chiếc máy này đắt hơn nên quạt điện vẫn xuất hiện và tồn tại trong mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiều loại quạt ra đời là thế nhưng cấu tạo của chúng thường giống nhau.
Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn cấu tạo của quạt điện đứng vì đây là loại quạt cơ bản và dễ sử dụng nhất. Quạt bao gồm lồng quạt, cánh quạt, động cơ điện, thân và đế quạt. Đầu tiên sẽ là cánh quạt. Cánh quạt là bộ phận tạo nên sức gió dựa vào động cơ điện. Cánh quạt có nhiều loại như quạt ba cánh, quạt 7 cánh, quạt 5 cánh,…
Mỗi loại cánh sẽ có công dụng cũng như nhược điểm riêng nhưng thông thường con người sử dụng loại quạt 3 và 5 cánh nhiều hơn. Cánh quạt được làm từ chất liệu khá cứng. Nhìn bề ngoài thì không có gì nguy hiểm cho người dùng nhưng khi để cánh quạt quay, nếu không cẩn thận thọc tay vào cánh quạt thì rất nguy hiểm, có thể bị chém đứt tay.
Để không có nguy hiểm nào xảy ra cho người dùng nên lồng quạt được thiết kế để bảo vệ người dùng, nhất là trẻ con. Tuy nhiên, ở lồng quạt vẫn còn chổ hở, nếu không chú ý hoặc để trẻ em lại gần thì sẽ dẫn đến những tình huống bất trắc. Vì vậy, khi sử dụng quạt, bạn nên lưu ý về điều này.
Động cơ quạt có thể được xem con tim của cả chiếc quạt được chạy dựa trên hoạt động nguyên lý điện từ của quạt. Động cơ điện còn được xem là tiêu chí để đánh giá một chiếc quạt tốt nhờ vào độ rung, tiếng ồn của động cơ mỗi khi cho quạt hoạt động. Thân quạt tùy theo loại mà có loại thân cao, thân thấp, thân ốm, thân to.
Thân quạt là bộ phận giữ cố định cho động cơ điện và cánh quạt hoạt động. Thân quạt có bộ phận điều chỉnh mức gió mà quạt tạo ra ở phía sau thân, đối với loại quạt thân cao và ốm. Còn đối với loại quạt thân thấp và to thì ở phần đế quạt ở bộ ba nút bấm dùng để tăng hoặc giảm sức gió tùy theo sở thích của khách hàng.
Đối với loại quạt ở trên tường thì cũng có bộ phận điều chỉnh mức gió ở phần đế nhưng bạn phải dùng sợi dây ở đế quạt để kéo để điều chỉnh vì nút vặn ở loại quạt này rất nhỏ và hầu như không thể vặn được nếu không có sợi dây kéo. Dù là loại quạt nào thì trên mỗi cây quạt cũng đều có nhãn dán của nhà sản xuất như Senko, Asia, Panasonic,..
Tuy quạt điện rất tiện ích trong việc làm mát nhưng bạn không nên sử dụng quạt quá lâu để tránh làm tổn hại đến sức khỏe như không được sử dụng quạt với mức gió lớn khi ngủ, không ngồi trước quạt quá lâu hoặc khi đang đổ nhiều mồ hôi,…Để quạt luôn được mới , người dùng nên lau chùi quạt thường xuyên và làm tăng khả năng tuổi thọ cho quạt.
Một loại quạt thứ hai mà chúng ta vẫn thường sử dụng mỗi khi cúp điện là quạt thủ công hay gọi là quạt tay ( quạt được làm bằng tay ). Loại quạt này ngày nay ít được con người sử dụng. Thông thường họ chỉ sử dụng mỗi khi cúp điện. Quạt tay thường được làm bằng giấy với cấu tạo gồm 3 phần hoàn chỉnh là nan quạt, khuy quạt là giấy quạt.
Nan quạt được làm từ gỗ hoặc tre được chẻ nhỏ với độ mỏng khoảng 1mm, rộng 1cm và thường dài 20cm. Khuy quạt là bộ phận cố định các nan quạt ở một đầu. Hai bên khuy sẽ được cố định bằng nhài hoặc ngày nay, người ta thường thay thế bằng đinh ốc. Giấy là bộ phận quan trọng nhất của một chiếc quạt thủ công.
Thường được cắt thành hai tờ giấy với hình nữa cung khuyết dán chặt vào hai mặt của nan, trên mặt giấy sẽ được vẽ nhiều họa tiết đẹp và lạ mắt như hình ảnh chim sơn ca, phong cảnh, hoa văn, thư pháp, thơ ca hay là ảnh của thần tượng,…rất nhiều chủ đề được viết lên giấy như thế nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tuy công dụng cũng như cấu tạo của chiếc quạt giấy so với chiếc quạt điện đều kém nhưng quạt giấy mang con người về những ngày tuổi thơ êm đềm với cánh đồng lúa chín và con diều phấp phới trên nền trời cao; là nơi tụ họp của các cô, các bà nói chuyện phiếm giữa đêm ngày cúp điện; là ngọn gió rì rào trong lời ru của mẹ bên chiếc võng êm ái; là nhân vật trữ tình trong những câu thơ của Hồ Xuân Hương:
“Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên này tác hợp tự ngàn xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa.”
và là những câu chuyện tuổi thơ nhí nhảnh của một thời tuổi trẻ như:
“Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò, chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao xâu cá mè…”
Nhưng dù là loại quạt nào thì cũng đều mang đến cơn gió mát rười rượi cho mọi người. Cái quạt sẽ mãi là người bạn đồng hành không thể thiếu của con người, đặc biệt nhất là vào mỗi mùa hè ở Việt Nam nước ta.