Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về chớ nên tự phụ, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận chớ nên tự phụ
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề nghị luận: Chớ nên tự phụ
Thân bài
Giải thích
+) Tự phụ là thái độ cao ngạo, coi mình là nhất, tài giỏi hơn người khác và không coi ai ra gì, khinh thường và xem nhẹ năng lực của người khác.
Thực trạng
+) Rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ có thái độ tự phụ, cao ngạo, xem thường người khác
+) Luôn cho mình là nhất, giỏi hơn người khác dẫn đến thái độ kiêu căng, tự mãn và xem nhẹ nỗ lực, cố gắng của những người xung quanh.
+) Luôn coi thường đối thủ, tự tin sẽ chiến thắng, chủ quan
Hậu quả
+) Tự phụ làm con người luôn cảm thấy hài lòng với bản thân, không có ý chí phấn đấu vươn lên mà chỉ là “thùng rỗng kêu to”, “ếch ngồi đáy giếng”
+) Hình thành nên những thói quen xấu, xem nhẹ những cố gắng và sự đoàn kết của tập thể
+) Người có tính tự phụ luôn bị mọi người ghét bởi vì họ chỉ biết đến mình mà không tôn trọng những người xung quanh.
+) Tự phụ dễ bị cô lập trong xã hội, không ai muốn hợp tác, chia sẻ, làm việc cùng, không có sự hỗ trợ giúp đỡ của người khác. Khó thành công dễ dẫn đến thất bại như câu chuyện “Rùa và Thỏ”
Giải pháp
+) Tự phụ là một thói quen xấu ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh chính vì thế chúng ta không nên tự phụ
+) Không đặt quá cao giá trị của bản thân mà xem nhẹ giá trị của những người xung quanh
+) Sống cởi mở, tôn trọng ý kiến, năng lực và suy nghĩ của người khác là cách để người khác tôn trọng lại ý kiến và suy nghĩ của chính mình.
Kết bài
+) Khẳng định tự phụ là một thói quen xấu, khuyên con người “Chớ nên tự phụ”
+) Luôn học hỏi và nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mình hơn.
Văn mẫu nghị luận chớ nên tự phụ – Mẫu 1
Trong cuộc sống của chúng ta ai cũng có một phẩm chất tốt đẹp của riêng mình, mỗi phẩm chất là một đặc trưng, một đặc điểm riêng biệt giúp cho chúng ta phát triển và hoàn thiện bản thân mình hơn. Sự tự tin, khiêm nhường chính là nét đẹp vốn có của những người biết tự trọng và tôn trọng người khác. Thế nhưng, một điều đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay chính là sự tự tin quá mức vào năng lực của bản thân. Điều đó sẽ dẫn đến thói kiêu căng, tự phụ, coi thường người khác. Sự tự phụ đang tạo ra những chướng ngại vật trong cuộc sống của chúng ta? Vậy nên, chúng ta cần phải loại bỏ những thói xấu đó và “Chớ nên tự phụ”.
Tự phụ là đánh giá quá cao bản thân mình và tỏ ra coi thường người khác, luôn tự mãn về bản thân mình. Dần dần nó làm cho người ta ảo tưởng về bản thân, từ đó sinh ra thói cao ngạo, luôn cho mình là nhất, là “trung tâm của vũ trụ”. Vì sao con người có thói “tự phụ”? Bởi vì cái tôi trong mỗi người luôn tồn tại, do trình độ nhận thức không phù hợp, không chính xác dẫn đến họ tự đánh giá quá cao thành tích của bản thân trong các mối quan hệ của cả gia đình hay toàn xã hội. Những điều mà chúng ta biết chỉ là hạt cát nhỏ giữa sa mạc, là giọt nước giữa đại dương mênh mông rộng lớn. Vì hiểu biết của một người không thể nào có thể đem so sánh với biển tri thức của nhân loại. Kì thực cuộc sống là một trường đua dài mà ở đó chúng ta cần phải có bản lĩnh và một cái đầu lạnh để có thể chạy đua với cuộc sống. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo để nhận ra mình ở vị trí nào thay vì cố tỏ ra kiêu căng, ngạo mạn, khinh thường người khác. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng mà sự yêu thương và đoàn kết là sức mạnh. Mỗi người đều sống độc lập với những thái độ sống khác nhau nhưng chúng ta không thể nào sống đơn lẻ mà phải học cách tôn trọng người khác và biết yêu thương mọi người. Dù chúng ta có mạnh mẽ đến đâu thì cũng có những lúc tỏ ra yếu đuối. Những giọt nước nhỏ bé giữa đại dương bao la ấy phải biết hòa mình vào biển cả mới mong tồn tại bền vững trong xã hội này.
Một khi chúng ta tự phụ cũng đồng nghĩa với việc không trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của người khác, không tôn trọng mọi người xung quanh. Điều này dẫn đến sự mất đoàn kết, sẻ chia, ảnh hưởng đến sợi dây liên kết với tập thể. Một cá nhân sẽ không là gì giữa cả một cộng đồng lớn. Chính vì thế, chúng ta luôn phải hạ cái tôi của mình xuống để có thể sống và phát triển trong xã hội. Tự phụ là thói xấu mà chúng ta cần phải gạt bỏ. Bởi nó làm cho bạn trở nên trẻ con, thiếu sự chín chắn trưởng thành trong mắt người khác trong cách ứng xử, đối đãi với những người xung quanh. Không biết hòa nhập, gắn bó với tập thể mà lại tự tách mình ra khỏi xã hội, dần cô lập mình trong cái vòng tròn sinh tồn. Đúng là khi bạn tự phụ cũng có thể hiểu là bạn phải là người tài giỏi ở mức độ nào đó, phải có tài năng để có thể tự tin, ra oai với mọi người. Nhưng giữa biển người mênh mông kia bạn liệu đã là duy nhất, là giỏi nhất chưa? Hay chỉ là “thùng rỗng kêu to”, “ếch ngồi đáy giếng” với vốn hiểu biết hạn hẹp nhưng lại thường ra vẻ ta đây tài giỏi, tự cao và khoác lác. Luôn cho rằng: “Tất cả vũ trụ chỉ có như thế, trời bé bằng vung” mà coi thường người khác, việc gì cũng muốn làm thầy người ta. Hơn nữa, tài năng của mỗi người là hữu hạn, ai cũng có một tài năng riêng như một tế bào của xã hội mà mỗi một tế bào đó đều đóng một vai trò quan trọng khác nhau, tạo nên một tế bào sống hoàn chỉnh. Chính vì thế, chúng không nên quá đề cao bản thân mà đi so sánh, khinh thường người khác. Đến những người vĩ đại như các nhà bác học, khoa học đã sáng tạo đã cống hiến biết bao cho sự văn minh của nhân loại như Ê-đi-xơn. Anhxtanh, Ma-ri-qui-ri… còn chưa dám tự phụ về tài năng của họ thì chúng ta với một sự nhỏ bé ấy của mình không có gì quá để đề cao đến mức tự phụ vì bản thân. Tự phụ dẫn đến thái độ thiếu tôn trọng và xem nhẹ người xung quanh, hiểu sai về năng lực của những người xung quanh. Điều đó sẽ làm cho chúng ta mất điểm trong lòng mọi người, không những không tôn trọng bạn mà còn cho rằng bạn thật sự thiếu hiểu biết.
“Con người có trăm tính tốt và muôn vàn thói xấu”. Bác Hồ, một tấm gương của sự khiêm tốn cũng đã nhắc nhở chúng ta: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Nhưng tính tự phụ lại khiến cho ta luôn tỏ vẻ ta đây, cái gì cũng biết rồi, cái gì cũng giỏi hơn, biết hơn người khác. Từ đó sinh ra bảo thủ, trì trệ, không chịu đổi mới, không muốn đổi mới. Đôi khi trong cuộc sống, những điều bình dị nhỏ bé mà thầm lặng lại để lại những dư âm lớn. Như chính vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta cho thấy sự giản dị, thầm lặng vô tư mà khiêm tốn về tài năng và vai trò của mình, chính điều ấy giúp ta thấy rằng ở “Bác” sự tỏa sáng, ánh sáng tuy không quá chói loá nhưng lại rất bền vững, rất đẹp. Sống thoải mái, luôn có suy nghĩ tích cực với vốn kinh nghiệm sống của mình sẽ nhận được rất nhiều sự yêu mến của những người xung quanh.
Trong cuộc sống chúng ta nên hiểu rằng “chớ nên tự phụ” nhưng cũng không nên tự ti. Chúng ta phải tin tưởng vào năng lực của bản thân, phải cố gắng học hỏi mở rộng tầm nhìn của bản thân, tầm hiểu biết của mình và không nên kiêu ngạo tự cao và quá chủ quan, “coi trời bằng vung”. Phải hiểu rõ vị trí của mình ở đâu, nhận thức được đúng đắn giá trị của mình để sống đúng đắn, ý nghĩa, khôn ngoan, ứng xử đúng đắn với những người xung quanh và luôn thay đổi để thích nghi. Cố gắng học hỏi để thay đổi bản thân, thay đổi cách sống và cách nhìn nhận mọi thứ, đi nhiều hơn, học nhiều hơn để tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân đang thiếu và những kiến thức đó không bao giờ là thiếu không bao giờ là đủ hay thừa đối với mỗi người. Khi gặp thất bại, bạn hãy luôn luôn nhớ rằng: “Thất bại luôn là bài học tốt cho sự thành công sau này”. Phải sớm tránh xa khỏi ánh hào quang của những lời khen ngợi. “Mình cao còn có người khác cao hơn, không ai hoàn hảo cả”. Tự tu dưỡng bản thân với đức tính khiêm tốn. “Khiêm tốn là một loại nhân đức tu chỉnh thói tự phụ”. Có một câu nói rằng “Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng”. Chúng ta phải hiểu một điều rằng “thông minh sẽ hại thông minh”, người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao. Cuộc sống này không bao giờ là công bằng, luôn luôn có những người được tự nhiên ưu ái, và vì vậy sẽ có một bộ phận khác thuộc bên yếu thế. “Dục tốc bất đạt” tài giỏi nhưng lười biếng, khoe khoang thì sẽ dễ dàng bị ngủ quên trong vọng tưởng của bản thân, kéo bản thân đi lùi về phía sau, thua cả những kẻ yếu thế hơn mình rất nhiều. Giống như câu chuyện “Rùa và Thỏ”, nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục mọi thứ. Mọi vĩ nhân đều bắt đầu từ những bước đi chậm chạp như Rùa nhưng họ biết tin tưởng vào bản thân, biết nỗ lực không hề bỏ cuộc dù cho đối thủ có mạnh hơn mình nên cuối cùng chắc chắn họ sẽ dành được thành quả xứng đáng. Lẽ ở đời là vậy, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn và đáng được tôn trọng. Hãy luôn nhớ rằng “Ai muốn nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Đừng để bản thân mắc phải những sai lầm không đáng có chỉ vì quá tự cao. Việc chẳng xem ai ra gì rất dễ khiến cho người khác ghét bỏ, không mến trọng, dần dần bị cô lập trong xã hội này.
Trường đời là biển cả bao la về tri thức và kinh nghiệm. Bản thân mỗi người phải biết tự khắc phục những hạn chế của mình và không ngừng học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm để có được tầm nhìn sâu rộng, không nên chủ quan trong bất cứ việc gì, không kiêu ngạo vì những thứ đó sẽ dẫn đến thất bại trong sự nghiệp và cuộc đời của chúng ta. Sự khiêm tốn làm nên giá trị bền vững tiềm ẩn trong con người bạn chứ không phải là sự phô trương, khoe khoang đầy kiêu ngạo. Cuộc sống phong phú kia là trường đại học chân chính nhất của con người, và một trong những bài học ấy là: “Chớ nên tự phụ”. Đó là chìa khóa để thành công, là cách để bạn tồn tại vững bền trong trái tim mọi người. Hãy bắt đầu trao dồi và học hỏi những người xung quanh thay vì thói kiêu căng, tự cao tự đại và cho mình là nhất. Khẳng định bản thân và nỗ lực để dành chiến thắng. Điều đó sẽ giúp bạn làm nên sự thành công.