Tổng hợp dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu chọn lọc cho đề bài giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng, Học một sàng khôn.
Dàn ý giải thích câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Mở bài
+) Sơ lược về câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
Thân bài
1. Giải thích về nghĩa đen của câu tục ngữ:
+) Đi: là chỉ một hoạt động của con người, hoạt động của bước chân, đi đây đi đó, đi tham gia các hoạt động trong xã hội.
+) Một ngày đàng: “đàng” là cách nói của các vùng miền thời xưa, đàng có nghĩa là đường, cho nên một ngày đàng chính là một ngày đường.
+) Học là học hỏi, học tập, tiếp thu thêm nhiều kiến thức.
+) Một sàng khôn: ngày xưa cái sàng được dùng để sàng lọc lúa, gạo, ngũ cốc,… mà trí khôn thì không thể cân đo, đong, đếm được cho nên cách dùng từ “sàng khôn” thú vị này giúp cho người đọc, người nghe có hiểu rõ hơn về số lượng. Là chúng ta không nên vơ hết kiến thức mà phải biết chắt, lọc.
+) Nghĩa bóng và ý nghĩa của câu tục ngữ: Câu tục ngữ có hàm ý là thế giới bên ngoài có rất nhiều điều đáng để học hỏi, cho nên chúng ta hãy tiến ra khỏi lũy tre làng để mà bước ra ngoài xã hội và tiếp thu thêm tri thức, tinh hoa của nhân loại.
2. Bàn luận về câu tục ngữ
+) Câu tục ngữ mang ý nghĩa đúng đắn và trọn vẹn giá trị cho dù là đối với thời đại hiện nay.
+) Phải biết sàng lọc kiến thức, không chỉ học văn hóa mà nhân phẩm, đạo đức tốt đẹp của một con người cũng cần phải học.
+) Thời đại phát triển, nhưng không nên vì vậy mà xem Internet là cánh cửa dẫn mình ra thế giới.
+) Đi đây đi đó, tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cùng bạn bè, gia đình.
+) Giá trị mà câu tục ngữ đem lại cho bản thân và đất nước: Bản thân có kiến thức sẽ dễ vươn tới thành công, mỗi người thành công sẽ góp phần làm cho xã hội đi lên.
3. Cách để áp dụng câu tục ngữ đúng đắn và sử dụng trọn vẹn:
+) Học cách cởi mở, làm quen với nhiều người, học cách giao tiếp, xây dựng mối quan hệ. Bởi có lẽ bạn sẽ học được rất nhiều điều từ họ.
+) Tìm cơ hội để được đi khám phá thế giới.
+) Gia đình và nhà trường nên tạo điều kiện để có thể đáp ứng cách học ngoại khóa.
4. Thực tế
+) Phê phán những người không xem trọng việc học hỏi, giam mình trong nhà, phê phán những người học vẹt, học tủ, học cho có,…. những gia đình không cho phép con cái mình được đi ra ngoài học hỏi,…. phong cách giảng dạy của nhà trường quá khô khan và không hợp thời đại.
+) Rút ra bài học: Nếu không áp dụng câu tục ngữ thì bản thân sẽ ngày càng lạc hậu, thiển cận. Đối với xã hội: sẽ ngày càng thụt lùi, không thể phát triển.
+) Tuy nhiên, không cần lúc nào cũng đi, chúng ta cũng nên có những trạm nghỉ, trạm dừng chân để chúng ta có thời gian suy nghĩ về những gì đã qua và những gì sắp tới.
5. Kết bài
+) Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ.
+) Liên hệ bản thân nên bắt đầu học hỏi ngay từ bây giờ, hãy bước ra khám phá thế giới ngay từ lúc này.
Văn mẫu giải thích câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Tục ngữ, ca dao là kho tàng kinh nghiệm quý báu của nền văn học Việt Nam, được ông bà ta đúc kết từ bao đời, bao thế hệ. Mỗi một câu tục ngữ hoặc ca dao đều là một bài học, chúng đều ẩn chứa những thông điệp, những kinh nghiệm sống quý giá của ông bà ta trên “trường đời”. Cũng bởi vì các câu tục ngữ, ca dao ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và thậm chí là mãi mãi về sau, cho nên kho tàng “bất tử” ấy vẫn sẽ được lưu truyền mãi cùng với thời gian, và đồng thời cũng đang được các thế hệ ngày nay hào hứng tiếp thu, thật lòng đón nhận như một món quà gia truyền bởi đó chính là bài học sống bổ ích cho mỗi con người. Và trong đó, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là lời khuyên dạy đúng đắn đối với tất cả mọi người, thậm chí là con vật. Bởi vì, nếu cuộc sống của chúng ta chỉ có dậm chân tại chỗ, ở yên một nơi mà không đi khám phá, trải nghiệm thì chẳng khác gì với chú ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung cả, và cái giá mà chúng ta phải trả là không hề nhỏ vì việc không chịu học hỏi, mở mang tri thức đã vô tình biến chúng ta trở thành một con người hiểu biết nông cạn, thiện cẩn, kiêu căng. Cho nên, để hiểu rõ hơn và có thể áp dụng được trọn vẹn câu tục ngữ này thì ngày hôm nay chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu xem câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” có nghĩa là gì nhé!
Trước tiên, để có thể hiểu rõ về nghĩa bóng, nắm bắt được những gì mà ông bà ta muốn truyền đạt thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nghĩa đen của câu tục ngữ trước nhé! Đầu tiên là “đi”, từ đi này thì khá là quen thuộc đối với mọi người rồi phải không nào?, đi là chỉ một hoạt động của con người, đi là đi đây đi đó, đi nhiều nơi và tham gia nhiều hoạt động trong xã hội. “Một ngày đàng”, “đàng” là cách nói của nhiều vùng miền trên cả nước, đồng nghĩa với “đường”, người xưa thường nói khoảng cách bằng ngày đường, ví dụ một ngày đường, hai ngày đường để tới được một địa điểm nào đó, cho nên “một ngày đàng” chính là “một ngày đường” đó các bạn. “Học” là học tập, học hỏi, tiếp thu thêm nhiều kiến thức. “Một sàng khôn”, “sàng” là một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình người nông dân. Sàng to gần bằng cái mâm ăn cơm, được đan bằng tre hay nứa dùng để sàng lúa, gạo, phục vụ trong lao động sản xuất và đời sống hằng ngày. Ở đây, tác giả dân gian có một cách nói rất thú vị là “sàng khôn”. Chắc các bạn cũng biết rồi đấy, trí khôn là thứ khó có thể cân, đo, đong, đếm nhưng với cách nói “sàng khôn” khiến cho người đọc và người nghe dễ hình dung về cái số lượng cần thiết hơn. Bởi lẽ, nhân dân ta từ xa xưa chủ yếu làm nông nghiệp nên cách nói “sàng khôn” phù hợp, dễ hiểu và mang tính chất dân dã đối với mọi người. “Sàng” dùng để sàng lọc lúa gạo, ngũ cốc nên cách nói “sàng khôn” cũng ám chỉ sự chắt lọc, sàng lọc kiến thức, thu nhận kiến thức một cách có chọn lọc chứ không vơ cả. Bởi vậy, nhân dân ta mới nói “sàng khôn”, chứ không nói “rỗ khôn” hay “túi khôn”.
Vậy nên, nếu xét về mặt nghĩa đen thì câu tục ngữ có ý muốn khuyên nhủ chúng ta là hãy bước chân ra khỏi lũy tre làng, bước chân ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân để đi đây, đi đó trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh, tiếp xúc với mọi người nhiều hơn để có thể học hỏi thêm được nhiều điều mới lạ, tích lũy thêm được nhiều kiến thức giúp ích cho bản thân. Còn xét về nghĩa bóng thì câu tục ngữ này đã gửi đến chúng ta một lời khuyên vô cùng có giá trị. Đó chính là bên ngoài thế giới có rất nhiều điều cần phải học tập, tri thức của nhân loại là vô cùng mênh mông, rộng lớn cho nên chúng ta cũng cần phải đề cao sự chăm chỉ học hỏi, luôn biết mở mang kiến thức mọi lúc mọi nơi nhằm hoàn thiện bản thân, không những vậy mà chúng ta còn phải biết đúc kết những kinh nghiệm học được đưa vào đời sống, thực tiễn. Việc học hỏi không chỉ dừng lại ở sách vở, mà còn phải học hỏi trong cuộc sống thường ngày, thông qua các trải nghiệm thực tế, giao tiếp giao lưu ở bên ngoài xã hội để từ đó có thể mang lại cho bản thân không những là kiến thức mà còn là kỹ năng, kinh nghiệm sống cần thiết. Chính vì vậy, mỗi người hãy luôn biết nắm bắt các cơ hội để trau dồi kiến thức cho bản thân mình, đồng nghĩa với việc ý thức được việc tự học và tầm quan trọng của việc học, và chúng ta nên biết chắt lọc những tinh hoa của nhân loại để mà tiếp thu. Bởi nếu cứ mãi ở yên một chỗ thì kiến thức của chúng ta cũng chỉ có vậy, mãi dậm chân tại chỗ, còn trở nên lạc hậu, thiển cận đối với mọi thứ xung quanh.
Đây là một câu tục ngữ có một ý nghĩa vô cùng to lớn và đúng đắn đối với mỗi người. Việc đi đây đi đó, tham gia nhiều hoạt động văn hóa xã hội sẽ giúp ta tiếp xúc được với nhiều người, hiểu được phẩm chất, tính cách của mỗi người để từ đó ứng xử cho đúng mực, để phù hợp với hoàn cảnh. Bởi chỉ có trường đời mới có thể giúp ta học được sự ứng xử khéo léo. Cho nên chúng ta không chỉ học về văn hóa mà về đạo đức, nhân phẩm cũng cần phải học. Bạn hãy thử nghĩ xem, nếu trên đường đi học bạn gặp phải một người vô gia cư và một học sinh đã đi đến để chia sẻ nửa ổ bánh mì của mình cho người vô gia cư ấy, khi gặp phải cảnh này có phải bạn sẽ cảm thấy vừa xót xa vừa đáng quý hay không?, và hành động nhỏ của bạn học sinh ấy đã vô tình lan truyền tới bạn những điều đẹp đẽ vẫn còn đang tồn tại, khiến bạn học được cách biết yêu thương và biết sẻ chia với mọi người hơn, không phân biệt giàu sang hay nghèo khó. Khi dũng cảm bước chân ra ngoài xã hội, các bạn sẽ nhận ra cuộc sống không bao giờ là bằng phẳng mà nó là những bước đi thăng trầm khó kiếm soát, có những lúc gập ghềnh, khó khăn và lắm chông gai trên đường đi, nhưng nếu bạn đã chọn dấn thân vào con đường ấy, cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ chấp nhận sự thất bại hay những lần vấp ngã.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn vững vàng, kiên định với mục tiêu của mình thì bạn sẽ học được cách đứng lên trên đôi chân của chính mình, học được cách biến những thất bại ấy thành bài học kinh nghiệm xương máu, thì khi ấy bạn cũng sẽ học được cách để trưởng thành hơn và đó là bài học quý giá mà “đi một ngày đàng” đem lại cho chúng ta. Hay chúng ta có thể nói về vị chủ tịch kính yêu Hồ Chí Minh. Bác đã đi bôn ba khắp năm châu, bốn bể, tiếp thu được bao nền văn hóa, học hỏi được thêm bao kiến thức trong suốt hơn ba mươi năm để có thể tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc mình thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than, dù cho cuộc hành trình ấy gặp biết bao khó khăn, thậm chí là bị bắt nhốt thì bác vẫn kiên định với cái quyết tâm của mình. Và chính vì nhờ vào sự kiên định, kiên cường cùng với tấm lòng bao la đó của bác mà đồng bào chúng ta mới có một đất nước Việt Nam độc lập, tự do của ngày hôm nay. Và “sàng khôn” đó cũng chính là kết quả cho “ngày đàng” học hỏi không ngừng ấy của bác. Tuy nhiên, hiện nay khi công nghệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ thì thông tin xung quanh con người cũng đa dạng hơn và đến từ nhiều nguồn khác nhau, cho nên muốn học hỏi thì chúng ta cũng cần phải biết chọn lọc ra nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy nhất để mà tiếp thu. Đồng thời, thời đại của công nghệ phát triển cũng đã khiến cho con người có thêm nhiều phương pháp học tập khác nhau như học hỏi qua Internet. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ giá trị mà câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” này đem lại vẫn được giữ trọn vẹn cho dù là đối với thời hiện đại ngày nay. Tôi nghĩ, ngày nay khi chúng ta có nhiều lựa chọn hơn thì chúng ta cũng chỉ nên bổ sung chúng vào các phương pháp học tập của chúng ta, chứ không nên lạm dụng quá vào các sản phẩm công nghệ, bởi vì thực tế nó rất là khác với những thông tin cũng như các hình ảnh qua mạng. Và cũng bởi vì, đối với tôi mà nói Internet không phải là cánh cửa thực thụ dẫn tôi bước ra ngoài thế giới. Cho nên, tôi nghĩ việc bước chân ra ngoài giao lưu mở mang tri thức là một phương pháp học tập tốt. Nếu chúng ta biết cách áp dụng trọn vẹn câu tục ngữ này vào đời sống thì chúng ta sẽ thấy giá trị mà câu tục ngữ đem lại cho bản thân lớn thế nào, và cũng như mang lại giá trị lớn cho đất nước. Bởi khi chúng ta không ngừng nỗ lực trong học tập thì chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều hành trang hơn để giải quyết các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, con đường tiến đến thành công của bạn cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn khi bạn có nhiều kiến thức, và khi làm giàu kiến thức cho bản thân bạn còn có thể đem lại lợi ích cho đất nước bằng cách đóng góp những gì chúng ta đã tiếp thu được cho xã hội. Và mỗi người thành công trong học tập hay sự nghiệp chính là cách để góp phần xây dựng nên một đất nước phát triển, tiến bộ và thành công.
Và để có thể áp dụng câu tục ngữ trọn vẹn nhất thì chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ. Đầu tiên thì chúng ta cần phải xác định được mục tiêu của việc học tập. Từ mục tiêu này ta không những có thêm động lực để cố gắng mà còn có hứng thú trong việc tìm ra các phương pháp và cách thức học tập hữu ích nhất. Ví dụ như, ngoài việc học tập trên trường, bạn còn muốn học tập thêm về phát triển năng khiếu nghệ thuật. Thì đó chính là lúc bạn cần đi ra ngoài để học hỏi, bạn có thể tham gia vào các hội nhóm, các khóa học, các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cùng với những đàn anh, đàn chị hay những bạn có lựa chọn giống mình. Khi đó bạn còn học được cách tiếp xúc và giao tiếp với mọi người, khi bạn tham gia vào một nhóm nhỏ thôi là bạn cũng sẽ học được từ họ biết bao điều mà bạn không ngờ tới rồi đó. Và khi chúng ta đã có một nơi để xây dựng trình độ giao tiếp, ứng xử thì bạn cũng đã có được thêm một món hành trang để bước ra đời rồi. Hoặc là vào thời gian rảnh bạn hãy tham gia vào các hoạt động công ích như từ thiện, hỗ trợ cho những nơi khó khăn. Hoặc tham gia vào các hoạt động hè cùng với bạn bè, gia đình. Đó chính là những cách để bạn có thể bước ra khỏi vỏ bọc của mình và tiếp thu, học hỏi thêm nhiều điều mới lạ đấy.
Tuy nhiên, quan trọng hơn việc ý thức trong học tập, đó là khi chúng ta ra ngoài được tiếp xúc và va chạm nhiều với cuộc sống thực tế, chúng ta phải biết phân biệt được hành động, việc làm nào là sai trái để mà tránh xa, đó chính là ý nghĩa của việc “sàng khôn” đó các bạn, chúng ta phải biết chắt lọc kiến thức và biết loại bỏ những hành động, việc làm xấu tránh làm ảnh hưởng đến sự nghiệp học tập của mình. Vậy mà thật đáng trách làm sao khi vẫn còn những trường hợp như vậy đang tồn tại âm ỉ mãi trong xã hội. Có những người được đi xa, có cơ hội tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nhưng những kiến thức bổ ích lại không học, những tinh hoa tinh túy của nhân loại lại không chịu tiếp thu mà lại đi học những thói hư, tật xấu, đua đòi chạy theo những cái hào nhoáng bên ngoài mà làm hỏng bản thân, gây ảnh hưởng đến gia đình, xã hội khi trở về, khiến ai cũng sợ, không muốn tiếp xúc. Hay có những bạn học sinh ngày nay lạm dụng các sản phẩm công nghệ quá nhiều, dần dần bị lệ thuộc vào những trò chơi, những mạng xã hội mà bỏ bê việc học hành, giam mình trong bốn bức tường lạnh lẽo, không tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời hay hoạt động xã hội, chưa nói về việc đi đây đi đó để học hỏi, mà ngay cả việc học hành cơ bản nhất các bạn ấy cũng bỏ qua. Và cũng có những gia đình giới hạn “các bước đi” của con mình trong một khuôn khổ nào đó mà họ tự “xây dựng” sẵn. Kiềm chế các hoạt động vui chơi, giải trí của con mình và thay vào đó là bắt con đi học thêm ở chỗ này, chỗ kia hằng ngày.
Và những điều đó đã khiến cho những đứa trẻ ấy trở thành một cái máy học, không biết học để làm gì và cũng không có mục tiêu định hướng cho cuộc đời. Hoặc có thể kể đến những phương pháp dạy học của một số trường học, nó quá khô khan, không phù hợp với thời đại, bởi vì những buổi thực hành vẫn còn bị hạn chế, và những hoạt động ngoại khóa như đi khám phá, du lịch cũng hiếm được triển khai. Qua những việc đó, chúng ta có thể thấy được sự bổ ích của việc được đi đây đi đó học hỏi của học sinh và cả mọi người.
Nếu bạn cứ mãi giam mình trong nhà hay giam linh hồn mình trong những chiếc điện thoại, máy tính thì kiến thức của bạn sẽ mãi cứ dậm chân tại chỗ, thậm chí về lâu dài thì chút kiến thức ít ỏi đó cũng sẽ “không cánh mà bay” đó. Khi đó bạn sẽ “có cơ hội” góp mình vào nhóm những lứa trẻ lạc hậu, thiếu tự tin, thiếu kiến thức và khó mà thành công được trong tương lai. Không chỉ vậy đâu, các bạn còn có nguy cơ góp phần gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cả một thế hệ, một cộng đồng. Nếu ai cũng như vậy thì xã hội sẽ ngày càng thụt lùi, không thể phát triển được. Cho nên chúng ta hãy nghe theo lời khuyên dạy của ông bà, hướng bản thân đến với cánh cổng bên ngoài thế gian để nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng xã hội và đừng để ông bà ta thất vọng nha. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần lúc nào cũng phải học tập, đừng vì vậy mà tự tạo ra một cái áp lực vô hình cho bản thân của mình là phải không ngừng học, phải học mọi giây, mọi phút. Mà bên cạnh đó chúng ta cũng nên có những trạm nghỉ, trạm dừng chân để có thời gian suy nghĩ về những gì đã qua hay nhưng việc sắp đến để có được một sự sắp xếp hoàn chỉnh cho bản thân. Bởi kiến thức thì mênh mông, rộng lớn cho nên để có thể học được nhiều “sàng khôn” nhất cũng là một phương pháp mà phải không nào? Cho nên, để cho việc biến tương lai của bản thân trở nên tươi sáng, thuận lợi thì chúng ta phải tự trang bị cho mình những món hành trang vững chắc, có ích nhất bằng cách đi ra khỏi lũy tre làng của mình đi bạn nhé!
Tuy là xã hội ngày nay đang phát triển với các sản phẩm công nghệ, hiện đại, việc học của con người sẽ không bị hạn chế. Nhưng, dù sao đi chăng nữa, đó vẫn chỉ là một thế giới ảo mà thôi. Và khi thế giới phát triển thì các kiến thức và những điều mới lạ cũng sẽ tăng lên rất là nhiều. Cho nên, chúng ta hãy nâng cao ý thức trong việc học tập để bản thân có cơ hội được khao khát học hỏi và khao khát muốn “xách balo lên và đi” ra ngoài thế giới, học càng nhiều thì càng có lợi hơn cho bản thân khi tích góp được nhiều kinh nghiệm khác nhau để “có đất dụng võ” trong xã hội muôn màu, muôn vẻ này. Cũng vì ý thức được điều này cho nên ông bà ta mới khuyên dạy chúng ta qua câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” này với mong muốn bản thân mỗi người chúng ta sẽ không sống một cuộc sống phí hoài, có thể học hỏi nhiều và trở nên khôn lớn, và còn mong muốn Tổ quốc ta có thể phát triển vững vàng, mạnh mẽ, có thể từng bước tiến vào một thời kỳ thịnh vượng.