Tổng hợp văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận xã hội về nghiện game, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận xã hội về nghiện game – Mẫu 1
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
Thân bài
+) Giải thích khái niệm về game và hiểu như thế nào về nghiện game
+) Game ở đây có thể hiểu thực chất là từ của nước ngoài để chỉ một trò chơi điện tử trên máy tính, mang tính giải trí, thỏa mãn cơn căng thẳng. Nhưng nếu chơi game một cách hăng say, mê mẩn thì nghiện game sẽ dễ mắc phải; đó là hiện tượng quá đam mê, cuồng nhiệt, bỏ mặc mọi thứ xung quanh kể cả ăn uống nghỉ ngơi mà chỉ để chăm chú vào các trò chơi trên mạng.
+) Khái quát về tình trạng nghiện game online như hiện nay
+) Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện game:
+) Các trò chơi thì bắt mắt, đồ họa đẹp, lôi cuốn,…
+) Do sự thờ ơ, không quan tâm đến con cái của các gia đình hiện nay
+) Do bản thân ham chơi, thích đua đòi, lười nhác trong học hành, thích thể hiện cái tôi nên nhiều bạn đã không làm chủ được bản thân.
+) Nhà trường cũng chưa có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với học sinh trốn học đi chơi game, chưa có những hình phạt mang tính răn đe, còn thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình.
+) Những mặt tích cực của việc chơi game
+) Giúp rèn luyện tính tư duy, nhạy bén
+) Giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học tập, làm việc vất vả,…
+) Giúp bản thân có thêm hiểu biết, mở rộng kiến thức khi tham gia các trò chơi tiếng anh.
+) Những mặt tiêu cực của khi nghiện chơi game
+) Ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình nhiều trường hợp chơi game mà bản thân quên ăn, quên uống, ngày nào cũng cày ngày cày đêm, ngồi liên tục hàng giờ trên máy tính.
+) Ảnh hưởng đến kết quả học tập
+) Do ham chơi game mà thường xuyên bỏ học, không nắm được kiến thức, không tập trung vào việc học, đi học thì hay ngủ gật,…
+) Ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của bản thân: do chơi các trò chơi mang tính chất bạo lực như, đánh nhau, bắn súng, chém giết nhau,…
+) Các giải pháp giúp ngăn ngừa, hạn chế tình trạng nghiện game:
+) Gia đình cần phải thường xuyên quan tâm đến việc học hành, các mối quan hệ của con mình, giám sát con mình thông qua những người bạn học chung.
+) Nhà trường tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, quản lý học sinh của mình, có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những học sinh có dấu hiệu vi phạm như nghiện chơi game mà bỏ học,… nhà trường cần tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh cho học sinh.
+) Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình.
+) Các cơ quan tổ chức, ban ngành cần quản lý chặt hơn về nội dung, các trò chơi mang tính bạo lực hiện nay.
+) Bản thân mỗi người cần nâng cao nhận thức, ý thức được hậu quả của việc nghiện game ảnh hưởng như thế nào đối với bản thân, gia đình. Cần tránh xa những bạn xấu để không bị lôi kéo, rủ rê,…
Kết bài
+) Nêu cảm nhận của bản thân.
Dàn bài nghị luận xã hội về nghiện game – Mẫu 2
Mở bài
+) Sơ lược về nghiện Game
Thân bài
1. Khái niệm
+) Game là tên gọi chung của các trò chơi mang tính chất giải trí giúp giảm căng thẳng áp lực.
+) Nghiện game là tình trạng bị phụ thuộc và chơi game mất kiểm soát.
2. Nguyên nhân
+) Do sự thiếu quan tâm của cha mẹ
+) Do sự thiếu kiểm soát bản thân
+) Thiếu môi trường hoạt động.
+) Do sự phát triển của mạng internet và công nghệ
3. Tác hại
+) Ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và tính cách
+) Ảnh hưởng đến kết quả học tập
+) Tốn thời gian tiền bạc, thậm chí nặng hơn còn dẫn đến các tệ nạn xã hội.
4. Giải pháp
+) Gia đình quan tâm hơn tới con em mình
+) Tăng cường các hoạt động thể chất, văn hóa
+) Kiểm soát bản thân bằng cách hạn chế việc chơi game và hãy đặt ra nhiệm vụ chính cho bản thân là học tập
5. Phản biện
+) Nếu chơi game đúng cách cũng mang lại hiệu quả cho người chơi như: tăng khả năng tư duy, khả năng làm việc nhóm, giải trí sau những giờ làm việc và học hành mệt mỏi.
Kết bài
+) Cần cân bằng giữa học và chơi
Dàn bài nghị luận xã hội về nghiện game – Mẫu 3
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận là nghiện game.
Thân bài
1. Giải thích
+) Game là một phần của các trò chơi điện tử là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể chơi.
+) Nghiện là một trạng thái tâm lý tiêu cực gây ra do việc quá phụ thuộc vào một thứ gì đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng hoặc thường xuyên tiếp xúc hay nói cách khác nghiện là sự lặp lại liên tục của một hành vi nào đó bất chấp hậu quả xấu.
+) Nghiện game tình trạng không thể kiểm soát cảm giác thèm chơi game, chơi liên tục và ưu tiên việc chơi game hàng đầu trong cuộc sống của người chơi đến mức lệ thuộc vào game và ngày càng cô lập bản thân với gia đình, bạn bè và xã hội.
2. Biểu hiện
+) Chơi quên ăn, quên ngủ, quên cả thời gian, chơi cả ngày cả đêm.
+) Cơ thể suy nhược, xanh xao lúc nào trong đầu cũng toàn là hình ảnh về các nhân vật trong game.
+) Muốn chinh phục được trò chơi, áp đặt mình phải chơi thật giỏi để hơn người khác.
Thực trạng
+) Hiện nay, thị trường game ngày càng phổ biến rộng rãi và là một trong những phương thức giải trí được rất nhiều người ưa chuộng, yêu thích.
+) Số tài khoản chơi game được tạo và lập ra mỗi ngày, trong số hàng trăm nghìn tài khoản ấy có rất nhiều tài khoản của các em học sinh.
+) Theo thống kê của WHO thì có tới 70 – 80 phần trăm trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích chơi game, trong đó tỉ lệ trẻ em bị nghiện game chiếm khoảng 10 – 15 phần trăm.
+) Trên đường ta có thể thấy các hàng quán, tiệm net xuất hiện ngày càng nhiều và khi vào thử những tiệm net ấy thì ta thấy khách hàng chủ yếu chính là các bạn học sinh.
+) Những bạn học sinh chơi suốt hàng chục tiếng đồng hồ đến nỗi quên ăn, quên ngủ thậm chí có vài trường hợp bỏ học để chơi game.
Nguyên nhân
+) Game có tính đa dạng, phong phú, đủ mọi thể loại game cho mọi người tự do lựa chọn, có đồ họa đẹp, nội dung hay, hấp dẫn, hình ảnh sinh động, rõ nét, chân thực, âm thanh bắt tai và dễ nghe.
+) Người chơi có thể thỏa thích tận hưởng, tự ý quyết định hành động của mình.
+) Ý thức của chính bản thân mình chưa cao dẫn đến không tự chủ, kiểm soát được.
+) Bị bạn bè xấu lôi kéo vào những trò chơi tiêu khiển không có ích hoặc cũng có thể là tính tò mò, muốn được thử chơi và khám phá.
+) Cha mẹ quản lý lỏng lẻo, không quan tâm, hỏi han tình hình học tập hay không để ý gì đến việc học hành của con cái hoặc do cha mẹ quá nuông chiều và quá tin tưởng vào con em mình.
+) Sự thiếu hụt không gian lành mạnh khiến trẻ em không có môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh.
Tác hại
+) Ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến sức khỏe của bản thân, sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, lờ đờ, mất tập trung.
+) Các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị và những bệnh về thần kinh, gây tổn thương cho hệ thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy, tiếp thu kiến thức hay thường xuyên cảm thấy đau đầu và chóng mặt.
+) Việc học bị sao nhãng, tụt dốc, mất khả năng tiếp thu những kiến thức và mất đi những phần kiến thức quan trọng để lại lỗ hổng trong nền tảng kiến thức của bản thân.
+) Bị ảo giác nên đã có những hành vi bạo lực, gây tổn thương cho người khác dẫn đến vi phạm pháp luật.
+) Tốn kém nhiều tiền một cách vô ích.
+) Dễ dẫn đến các hành vi trộm cắp của các bạn học sinh.
3. Bình luận
+) Cần phải can thiệp ngay khi con em mình có những biểu hiện về nghiện game.
+) Lên án những bạn trẻ quá mê game mà bỏ quên việc học hành mà hơn nữa là do những ảo ảnh từ game gây ra có thể có những hành vi vi phạm pháp luật.
+) Cũng cần nói đến là những phụ huynh quá nuông chiều và không quan tâm đến con cái dẫn đến những tình trạng khôn lường.
+) Pháp luật nước ta cần phải nghiêm ngặt hơn, quản lý chặt chẽ để tránh các loại game hành động, mạo hiểm hay tính mạng con người du nhập và được ra đời ở nước ta.
4. Bài học cá nhân về nghiện game
+) Không cho trẻ tiếp xúc với điện thoại ngay từ khi còn nhỏ, cho con em tiếp xúc và chơi các trò chơi dân gian nhiều hơn để biết thêm nhiều văn hóa giải trí của cha ông đã để lại và không bị mai một đi.
+) Biết ý thức và tự chủ chơi game như là một công cụ giải trí cho vui, biết kiểm soát và kiềm chế bản thân không được quá ham vui mà mê, phụ thuộc vào nó quá nhiều.
+) Cần phải vận động người thân và bạn bè tuyên truyền cho giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh hãy nên dành nhiều thời gian cho học tập, vui chơi thật lành mạnh và làm những việc có ý nghĩa hay tìm hiểu các hoạt động ngoại khóa.
+) Nhà trường cùng với gia đình học sinh phối hợp quản lý các em học sinh và cần phải xử lý, ngăn chặn kịp thời khi phát hiện những hành vi đối tượng có thói quen xấu đó.
+) Nhà nước cũng cần phải có chính sách cấm các game có nội dung bạo lực, đồi bại gây ảnh hưởng xấu đến tâm hồn của mọi người nhất là thế hệ trẻ.
+) Các bậc phụ huynh cũng nên quan tâm tới chuyện học hành của con, thường xuyên nói chuyện và hỏi han con cái, dành nhiều thời gian để ở bên con và chăm sóc cho con nhiều hơn.
+) Liên hệ bản thân: Tôi vẫn luôn ý thức, tự chủ được mình và sử dụng game hợp lý để có thể vừa giúp mình giải trí, thư giãn và vừa hiệu quả hơn trong học tập và làm việc, giúp các bạn của mình hiểu hơn về game và chia sẻ cách sử dụng cũng như chơi game một cách hợp lí và hiệu quả.
Kết bài
+) Khẳng định lại vấn đề nghị luận: nghiện game.
+) Rút ra bài học và cảm nhận của bản thân.
Văn mẫu nghị luận về nghiện game – Mẫu 1
Ngày nay đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển đi lên theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không chỉ phát triển về kinh tế mà khoa học kỹ thuật cũng ngày càng hiện đại, văn hóa cũng có sự du nhập từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực đi kèm cùng với sự phát triển, hiện đại của đất nước thì cũng có những mặt tích cực đi với sự phát triển đó. Đó là tình trạng nghiện game trong giới trẻ hiện nay, đây cũng là hồi chuông cảnh báo là vấn đề đáng lo ngại trong giới trẻ hiện nay.
Đất nước ngày càng phát triển thì nhu cầu đi đôi với sự phát triển đó ngày càng cao. Ngày nay kinh tế đất nước đã không còn khó khăn như trước, sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra những sản phẩm ưu việt, tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, giải trí. Cũng từ rất sớm các thế hệ trẻ sau này đã có nhiều cơ hội được tiếp cận với những thành tựu đó là máy tính để bàn, phát triển hơn nữa đó là Laptop, sự ra đời của điện thoại thông minh. Đây là những công cụ vừa làm việc, vừa để học tập, thậm chí còn để cho chúng ta giải trí sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, mệt mỏi. Hiện nay như chúng ta có thể dễ nhận thấy ở xung quanh các trường học các quán internet mọc lên khắp nơi. Mà quan trọng hơn hết ở đó có các trò chơi online đây là nguyên nhân thu hút các bạn trẻ nhiều như hiện nay.
Để có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này thì chúng ta cần biết khái niệm về game và nghiện game là như thế nào. Game ở đây có thể hiểu thực chất là từ của nước ngoài để chỉ một trò chơi điện tử trên máy tính, mang tính giải trí, thỏa mãn cơn căng thẳng. Nhưng nếu chơi game một cách hăng say, mê mẩn thì nghiện game sẽ dễ mắc phải; đó là hiện tượng quá đam mê, cuồng nhiệt, bỏ mặc mọi thứ xung quanh kể cả ăn uống nghỉ ngơi mà chỉ để chăm chú vào các trò chơi trên mạng.
Chơi game online là tình trạng rất phổ biến hiện nay với đủ các thành phần độ tuổi khác nhau nhưng nhiều nhất đó vẫn là các bạn trong độ tuổi còn đang đến trường từ cấp một cho đến sinh viên đại học. công nghệ hiện đại nên các bạn có nhiều cơ hội để sớm được tiếp cận với máy tính, ngoài việc đáp ứng nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin trên các trang mạng thì đây cũng là nguyên nhân khiến cho lớp trẻ hiện nay sa ngã vào nghiện chơi các trò chơi online trên máy tính. Trò chơi online thì có rất nhiều loại khác nhau, đa dạng về nội dung, hình thức bắt mắt, đồ họa đẹp dễ lôi cuốn. Nên rất dễ khiến cho chúng ta mê mẩn, bị cuốn vào các trò chơi đó, thậm chí có người có thể ngồi hàng giờ liên tục trước máy tính chỉ để chơi game, chơi game tập trung đến mức quên ăn, quên uống, bỏ cả ngủ chỉ để cày game ngày lẫn đêm. Nhiều bạn học sinh còn bỏ cả học, cúp tiết, nói dối bố mẹ là đi học thêm, học phụ đạo nhưng thực chất là để kiếm cớ, lý do để đi chơi game,… đây là vấn đề đáng lo ngại của các bậc phụ huynh hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện game như hiện nay chủ yếu là do các trò chơi đó quá hấp dẫn đối với người chơi ngoài đồ họa đẹp, dễ chơi, giá thành thì rẻ,… thì còn do sự quản lý của gia đình với con mình còn lơ là, thờ ơ chưa sâu sát đến việc học của con mình để cho con mình có cơ hội tiếp cận với những tệ nạn đó, nhiều gia đình chỉ lo kiếm tiền mà không đoái hoài gì tới con mình, mặc kệ con mình muốn làm gì thì làm, đi học hay trốn học cũng không nắm được, nhiều gia đình chưa quan tâm đến các mối quan hệ của con mình, không biết được con mình hay chơi với ai, bạn của con là người như thế nào có siêng năng, chịu khó trong học tập hay không, hay là những đứa chỉ thích chơi bời quậy phá. Sự quan tâm, chỉ bảo, dạy dỗ của gia đình là nhân tố rất quan trọng trong việc định hướng, giúp cho con mình có được nhận thức đúng đắn, nâng cao nhận thức từ đó ý thức được việc gì tốt, việc gì xấu, việc gì nên làm và không nên làm. Bên cạnh đó còn do nhận thức của giới trẻ hiện nay chưa cao, bản tính tò mò, ham chơi nên dễ bị bạn bè khác lôi kéo, rủ rê, mới đầu cũng vì tính tò mò, hiếu kỳ muốn chơi cho biết. Cũng vì muốn chơi cho biết sau nhiều lần như vậy rồi bị cuốn vào nghiện chơi khi nào không hay.
Bên cạnh những nguyên nhân đó còn do bản thân ham chơi, thích đua đòi, lười nhác trong học hành, thích thể hiện cái tôi nên nhiều bạn đã không làm chủ được bản thân mình trước những lần dụ dỗ, lôi kéo của đám bạn cùng trang lứa rủ nhau bỏ học, đánh nhau, hút thuốc, đi chơi game nên rất dễ sa ngã vào con đường nghiện game như hiện nay.
Nhà trường cũng chưa có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với học sinh trốn học đi chơi game, chưa có những hình phạt mang tính răn đe, còn thiếu sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý học sinh, chưa thông báo kịp thời tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh học sinh để họ có thể nắm và có biện pháp quản lý, giáo dục được tốt hơn.
Trò chơi điện tử thì nó cũng có hai mặt. Nếu bản thân mình biết kiềm chế, chơi điện tử với một thời gian hợp lý thì trò chơi điện tử giúp cho con người rèn luyện tính tư duy, nhạy bén, nhanh tay, nhanh mắt xử lý các tình huống thách đố tư duy đầy sáng tạo, khéo léo. Hơn thế nữa một số trò chơi điện tử du nhập từ nước ngoài vào, do đó khi chơi những trò chơi này cũng giúp cho bản thân trau dồi thêm kiến thức về tiếng Anh, mở rộng hiểu biết cho bản thân. Đồng thời trò chơi điện tử cũng giúp chúng ta thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc, học tập mệt mỏi. Nếu chúng ta biết tận dụng những lợi ích của game thì nó sẽ rất bổ ích. Nhưng nếu chúng ta nghiện game thì nó sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường, ghê gớm. khi nghiện game thì thường người nghiện game sẽ ngồi hàng giờ trước máy tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe, căng thẳng, đau đầu, dễ dẫn đến mệt mỏi vì phải tập trung nhiều giờ vào trò chơi, dễ gây ra các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, và ảnh hưởng đến thần kinh, khả năng tiếp thu, tư duy của não do thường xuyên đau đầu, chóng mặt,…Không chỉ như thế nghiện game còn gây ảnh hưởng đến việc học của chúng ta bị giảm sút, không nắm được kiến thức do thường xuyên trốn học đi chơi, đi học thì không tập trung, không chăm chú nghe giảng vì khi nghiện game đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến game. Mà tương lai thường được quyết định từ việc học hành chăm chỉ, có chất lượng, do đó nghiện game bỏ học nó cũng đã ảnh hưởng đến việc quyết định tương lai của chính chúng ta sau này. Ngoài ra bây giờ không chỉ có những trò chơi mang tính giải trí mà còn có nhiều trò chơi mang tính bạo lực như: đánh nhau, bán nhau, chém giết nhau,… mà chơi nhiều sẽ làm bản thân hay bị ảo giác, mơ hồ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của thế hệ trẻ hiện nay. Hơn nữa nhiều bạn nghiện game không những nhịn ăn nhịn uống để có tiền chơi game, thậm chí có nhiều trường hợp vì không có tiền chơi game mà đã ăn cắp tiền của bố mẹ mình, cũng có nhiều trường hợp vì có để có tiền mà đi ăn trộm, ăn cắp, trấn lột tiền của bạn bè từ đó trở thành vấn nạn cho toàn xã hội. Đã không ít những bạn học sinh tuổi đời còn rất trẻ đã xã ngã vào con đường nghiện ngập các trò chơi điện tử. không ít những trường hợp, những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây vì chơi game nạp tiền để mua đồ lên cấp cho nhân vật của mình được mạnh so với những người chơi khác, đã không ít người lâm vào tình trạng đổ nợ, ăn cắp ăn trộm tiền bạc của người thân, bạn bè, vay nợ nặng lãi,… chỉ để đáp ứng cái thứ vô bổ như vậy. Cũng có nhiều vụ việc thương tiếc xảy ra vì có tiền chơi game mà nhà không cho mà đã dùng dao đâm chết ngay cả bà, bố, mẹ mình,… chơi game bạo lực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của giới trẻ hiện nay, nó làm cho con người dễ bực tức, nổi nóng, bị ảo giác, đã có những tình huống vì muốn làm giống nhân vật trong game mà nhiều người nghiện game đã cầm dao, kiếm đánh chém nhau,… vì thế việc ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn nghiện game là một vấn đề hết sức gian nan, là vấn đề đáng lo ngại của cả gia đình và xã hội.
Giống như trước đây khi công nghệ chưa phát triển hiện đại như ngày nay, internet còn chưa phổ biến thì các trò chơi dân gian như băn bi, chơi trốn tìm, đá cầu, kéo co, chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây,… được các bạn trẻ chơi rất phổ biến. khi đó tuổi thơ, tuổi còn là học sinh thì thường gắn liền với những trò chơi dân gian đó. Còn ngày nay thì những lớp trẻ đã không còn duy trì được những trò chơi dân gian đó nữa mà thay vào đó là những trò chơi trên máy tính, điện thoại,…không chỉ khi chơi game mà ngay cả khi đi ngoài đường hay ở lớp học chúng ta rất dễ bắt gặp một nhóm những người chơi game với nhau lúc nào cũng chỉ nói chuyện về game, không trao đổi với nhau về việc học hay vấn đề nào khác. Khi đó cuộc sống sẽ trở nên vô cùng buồn chán, không có tuổi thơ trong giới trẻ ngày nay.
Để hạn chế được tình trạng nghiện game trong giới trẻ hiện nay thì trước hết gia đình cần quan tâm, quản lý con cái của mình một cách chặt chẽ hơn nữa, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, định hướng đúng đắn cho con cái ngay từ đầu để chúng không ham chơi, không bị bạn bè lôi kéo, rủ rê chơi game mà sao nhãng trong việc học tập. Quan tâm đến những mối quan hệ của con mình xem con mình chơi với bạn như thế nào? Tốt hay xấu qua đó có cách giáo dục con chọn bạn để chơi, để học tập. Gia đình cũng cần có biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm khắc với những bạn nghiện game, thường xuyên bỏ học đi chơi vừa để răn đe vừa ngăn chặn không để cho các trường hợp này tái phạm khi đó sẽ khó quản lý hơn.
Nhà trường cũng cần phối hợp với gia đình trong việc học hành của học sinh, quản lý học sinh khi đến trường, đồng thời phát hiện, báo cáo kịp thời tình hình học tập của học sinh lớp mình cho phụ huynh nắm bắt, khi đó gia đình sẽ phối hợp với nhà trường để quản lý, giáo dục cho học sinh tốt hơn. Đối với những học sinh có biểu hiện trốn học đi chơi, kết quả học tập giảm sút thì thầy cô chủ nhiệm cũng cần phải tìm hiểu lí do, có phải do mê chơi game hay không? nhiều lần như vậy thì nhà trường phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc vừa để phạt bạn đó vừa để răn đe những học sinh khác để không vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, vừa để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, tạo điều kiện cho các bạn học sinh tham gia, trang bị thêm nhiều tài liệu, sách báo, truyện hay để cho các bạn có thể đọc giải trí, tuyên truyền cho các bạn học sinh nắm những tác hại của những trò chơi trên mạng như game online, tác hại của việc chơi game nhiều sẽ dẫn đến những hậu quả gì khi chúng ta bị nghiện game.
Bản thân mỗi chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức tác hại của việc nghiện game nó ảnh hưởng như thế nào. Không chỉ ảnh hưởng đến việc học, còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta,… nó còn kéo theo những hậu quả khôn lường mà bản thân không thể biết được trước. chính vì vậy bản thân nếu có chơi game thì cũng chỉ nên chơi ở mức độ vừa phải cho phép, nhằm mục đích giải trí sau những giờ học căng thẳng, mệt mỏi chừng 30-45 phút là được. Để không ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả học tập và quan trọng nhất là không để cho bản thân mình nghiện game. Bản thân chúng ta cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chỉ nên chơi những trò chơi dân gian, lành mạnh, tránh xa những bạn xấu, không để các bạn lôi kéo, dụ dỗ, kích động để tham gia vào các trò chơi điện tử như game online. Bản thân phải ý thức được việc học là quan trọng nhất, không ham chơi, đua đòi mà làm ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp chỉ vì những phút nông nổi bốc đồng, ham chơi của tuổi trẻ mà phải trả một cái giá quá đắt.
Bên cạnh đó các nhà mạng, các cơ quan tổ chức, đoàn thể có thẩm quyền cũng cần phải có những biện pháp quản lý đối với các tựa game, các nhà phát triển, sáng lập ra các trò chơi online cũng phải đưa ra các trò chơi phù hợp với từng độ tuổi, hạn chế các trò chơi mang tính chất bạo lực như bắn nhau, đánh nhau, chém giết để không ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của các bạn trẻ như hiện nay. Để không làm ảnh hưởng đến thế hệ trẻ mà thế hệ trẻ là nguồn lực dồi dào của mỗi quốc gia, dân tộc.
Nghiện game là một vấn đề nhức nhối, đáng lo ngại của các gia đình hiện nay vì nó sẽ phá hủy tương lai của nhiều thế hệ, thậm chí nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả một đất nước, dân tộc. Vì lẽ đó mỗi gia đình, nhà trường và xã hội hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi tình trạng này không để cho các thế hệ trẻ bị nghiện ngập, bỏ thời gian vào những trò chơi vô bổ như vậy. Hãy tạo ra những sân chơi lành mạnh, kích thích sự phát triển tư duy cho các em, duy trì những trò chơi truyền thống gắn kết với các bạn học sinh để cho cuộc đời học sinh của mỗi chúng ta thật sự có ý nghĩa và có những kỷ niệm khó quên khi còn cắp sách đến trường.
Văn mẫu nghị luận về nghiện game – Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là việc các bạn lứa tuổi học sinh được tiếp cận với mạng internet ngày càng sớm. Nhưng với lứa tuổi nhỏ như vậy thì chưa thể phân biệt được cái gì tốt và cái gì xấu, từ đó mà dẫn đến các hậu quả như nghiện Game.
Game chính là các trò chơi được thiết kế và lập trình với mục đích giúp người chơi giải trí sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng ví dụ như Pubg, Liên minh huyền thoại, cờ tỷ phú, cờ ca rô, ô ăn quan, cờ vua,… ta có thể tìm thấy chúng trên các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại. Đây chính là những trò chơi không phân biệt lứa tuổi và giới tính. Nếu người chơi biết kiểm soát bản thân và chơi với mục đích giải trí thì vấn đề không có gì đáng nói, nhưng hiện nay đang có rất nhiều người sử dụng các trò chơi điện tử không đúng mục đích, hay quá bị phụ thuộc và lạm dụng nó quá mức, dẫn tới những tình trạng nghiện game, vậy nghiện game là gì?
Chính là tình trạng chơi mất kiểm soát, chơi liên tục và cuộc sống luôn bị lệ thuộc vào game, khiến họ trở thành những con nghiện, luôn ưu tiên việc chơi Game lên đầu tiên ví dụ như việc trì hoãn học tập, sinh hoạt để chơi game. Luôn nói về game ở bất cứ đâu, thời gian và tiền bạc hầu như tiêu tốn vào việc chơi game.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng nghiện Game trở nên phổ biến. Do sự thiếu quan tâm của cha mẹ đó chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc nghiện Game ngày càng nhiều, có lẽ do quá bận rộn với công việc nên họ không có thời gian để quan tâm và quản lí con em của mình, đôi khi vì muốn con im lặng không quấy phá mà họ quăng cho con mình chiếc điện thoại hay cái máy tính để chơi. Đặc biệt là các bạn đang còn lứa tuổi học sinh thì chưa thể chọn lọc được những loại game nên chơi và cũng chưa thể tự quản lí bản thân mình, nên rất dễ dẫn đến các tệ nạn xã hội. Một nguyên nhân nữa của nghiện Game đó chính là do bản thân người chơi không thể tự kiểm soát chính bản thân mình, tâm lí muốn thể hiện bản thân, hay do sự lôi kéo của bạn bè. Thiếu môi trường hoạt động cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng nghiện Game diễn ra phổ biến, sự thiếu hụt không gian lành mạnh, không có thời gian chơi đùa và đặc biệt là không có ai chơi cùng. Bên cạnh đó phải kể đến đó là do sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet và các thiết bị công nghệ, chỉ cần trang bị cho mình một chiếc điện thoại thông minh và mạng wifi, 3g và 4g thì bạn có thể chơi được ti tỉ trò khác nhau.
Nghiện chơi Game trong một thời gian dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu tiếp xúc với màn hình máy tính và điện thoại trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến mắt, dễ dẫn đến cận thị. Bên cạnh đó chơi game khiến cho các bạn bỏ bữa hoặc là ăn uống sơ sài không đủ bữa, sức khỏe cũng từ đó mà bị ảnh hưởng, dễ mắc các bệnh như rối loạn tiêu hóa và đau bao tử. Thậm chí còn xuất hiện tình trạng rối loạn giấc ngủ hay thức thâu đêm để cày game, cả người luôn trong trạng thái mệt mỏi, ủ rủ. Các con nghiện game thường rất ít vận động, từ đó sẽ xuất hiện tình trạng béo phì và các bệnh về xương khớp. Và việc nghiện game cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của người chơi, ví dụ như rất dễ cáu gắt, gây gổ với những người xung quanh. Vì thiết kế nhằm mục đích thu hút người chơi, một số game online còn có các yếu tố nhạy cảm như là bạo lực, giết người, các nhân vật ăn mặc thiếu vải, một số game còn có tính kinh dị. Thật nguy hiểm nếu như người chơi bị ảnh hưởng bởi các hành động bạo lực trong game, hơn thế nữa nó tập cho chúng ta những suy nghĩ không tốt, đồng thời làm đạo đức của người chơi bị suy tồi , trở nên bạo lực và bị ảo tưởng. Đối với các bạn đang còn lứa tuổi đi học như là học sinh và sinh viên, nếu không biết cân bằng giữa học và chơi thì sẽ rất ảnh hưởng đến kết quả học tập, xuất hiện các tình trạng nói dối cha mẹ và thầy cô để trốn học chơi game, không chịu làm bài tập và học hành đàng hoàng. Một vấn đề nữa đó chính là chơi game sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, nhưng đối với các bạn học sinh và sinh viên thì tiền đâu mà chơi nhỉ? Đó chính là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội xuất hiện như là trộm cắp, lừa đảo… đạo đức cũng từ đó mà bị suy giảm.
Vậy, có những biện pháp gì để giảm tình trạng nghiện game? Gia đình cần quan tâm, quản lí và tâm sự với con em mình nhiều hơn. Tăng cường các hoạt động thể chất như là chơi các môn thể thao và tham gia các hoạt động xã hội. Cần rèn luyện đạo đức và một tinh thần thép để tránh lại những cám dỗ, bên cạnh đó chúng ta cần phải biết chọn lọc thông tin, những gì nên chơi và những gì không nên chơi và nên.
Cái gì cũng có mặt tốt và xấu, chơi game cũng vậy. Nếu chơi game một cách hợp lí cũng sẽ mang lại hiệu quả đó là tăng khả năng tư duy, vì ở bất cứ trò chơi nào cũng đưa ra những thử thách từ dễ đến khó và yêu cầu người chơi phải vượt qua, từ đó khiến cho người chơi phải suy nghĩ và lên các kế hoạch để đạt được mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, cũng có những trò chơi yêu cầu làm việc nhóm nếu người chơi muốn giành chiến thắng. Trau dồi khả năng tiếng anh, vì khả năng tiếng anh sẽ tăng lên khi bạn hiểu được thuật ngữ trong game, khi thói quen đó được lặp lại thì vốn từ vựng của chúng ta sẽ ngày càng tăng. Và phần quan trọng phải nói tới đó chính là game là một công cụ giúp giải tỏa căng thẳng vô cùng hiệu quả.
Nghiện game đang là vấn đề nóng của xã hội, hãy xem game như là một trò giải trí. Mỗi chúng ta cần ý thức được những mặt tốt và mặt xấu của nó, đừng để mình rơi vào tình trạng nghiện ngập mà ảnh hưởng đến tương lai của bản thân, đừng tự nhốt mình sau những chiếc máy tính. Là những chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Văn mẫu nghị luận về nghiện game – Mẫu 3
Với công nghệ ngày càng hiện đại như ngày nay thì cho ra đời những thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, tivi, máy tính, dẫn đến những phần mềm tiện ích vui chơi giải trí lần lượt được ra đời nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của con người. Đặc biệt nhằm để phục vụ cho nhu cầu tinh thần của con người thì các phần mềm, ứng dụng trò chơi hay còn gọi là game được ra đời. Game được con người biết đến như là một công cụ, phương tiện giải trí để họ có thể giải tỏa những căng thẳng và mệt mỏi sau những giờ làm việc hay trong cuộc sống. Vậy nhưng trong những năm gần đây tình trạng nghiện game đang được coi là một vấn đề nghiêm trọng và gây nhức nhối nhất, đây cũng là vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm đặc biệt là các bậc phụ huynh.
Thế game là gì? Game là một phần của các trò chơi điện tử là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người chơi có thể chơi. Nó có thể được tìm thấy trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính,… và được sáng tạo bởi những lập trình viên tài giỏi, có trí tưởng tượng cao, phong phú, đa dạng và linh hoạt. Game được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Vậy như thế nào là nghiện? Nghiện là một trạng thái tâm lý tiêu cực gây ra do việc quá phụ thuộc vào một thứ gì đó có thể gây ảnh hưởng xấu đến người sử dụng hoặc thường xuyên tiếp xúc hay nói cách khác nghiện là sự lặp đi lặp lại liên tục của một hành vi nào đó bất chấp hậu quả xấu. Vậy nghiện game là gì? Nghiện game tình trạng không thể kiểm soát cảm giác thèm chơi game, chơi liên tục và ưu tiên việc chơi game hàng đầu trong cuộc sống của người chơi đến mức lệ thuộc vào game và ngày càng cô lập bản thân với gia đình, bạn bè và xã hội. Chơi cả ngày cả đêm, quên thời gian, bỏ ăn bỏ uống chỉ để thời gian chơi game. Hiện nay, thị trường game ngày càng phổ biến rộng rãi và có mặt khắp mọi nơi trên thế giới là một trong những phương thức giải trí được rất nhiều người ưa chuộng, yêu thích. Ngày càng có nhiều em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau chơi game. Điều này đã được chứng minh qua số tài khoản chơi game được tạo và lập ra mỗi ngày, trong số hàng trăm nghìn tài khoản ấy có rất nhiều tài khoản của các em học sinh. Nhưng thực tế là tình trạng nghiện game đã và đang diễn biến phức tạp nhất là ở độ tuổi của các bạn học sinh. Có thể nói đó là một tình trạng khá phổ biến, chúng lây lan rất nhanh và nếu như không kiểm soát kịp thì có thể rất nguy hiểm. Theo thống kê của WHO thì có tới 70 – 80 phần trăm trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích chơi game, trong đó tỉ lệ trẻ em bị nghiện game chiếm khoảng 10 – 15 phần trăm. Có thể thấy con số trẻ em bị nghiện game không hề nhỏ và nếu như không kịp thời giải quyết thì con số này sẽ vẫn còn tăng lên nữa. Dù ở bất kỳ nơi nào chỉ cần có các thiết bị thông minh và internet thì ta có thể thỏa sức chơi hàng trăm game khác nhau mà không sợ bị giới hạn. Cụ thể như hiện nay khi đi trên đường ta có thể bắt gặp thấy các hàng quán, tiệm net xuất hiện ngày càng nhiều và khi vào thử những tiệm net ấy thì ta thấy khách hàng chủ yếu chính là các bạn học sinh. Thế nhưng, các bạn học sinh vào tiệm net không phải học bài hay tra cứu, tìm kiếm thông tin cần thiết để hỗ trợ cho việc học mà họ vào đó để chơi game. Còn một tình trạng nữa đó chính là họ không chỉ chơi một tiếng, hai tiếng mà họ chơi suốt hàng chục tiếng đồng hồ, cũng chính vì thế có những quán net có thêm dịch vụ ăn uống thậm chí có những quán net lén lút mở cửa xuyên đêm. Nhiều bạn chơi game đến nỗi quên ăn, quên ngủ thậm chí có vài trường hợp bỏ học để chơi game, trong đầu họ lúc nào cũng chỉ xuất hiện những hình ảnh và chỉ nghĩ về game. Điều này làm cho tình trạng sức khỏe ngày càng đi xuống, đầu óc mệt mỏi, người lúc nào cũng lờ đờ, uể oải, suy nhược cơ thể lâu dài sẽ có thể gây ra tử vong ngay tại quán net. Vì thế đây chính là một thực trạng đáng phải báo động đỏ. Vậy có bao giờ bạn thử suy nghĩ là tại sao mà lứa tuổi học sinh lại chơi game hay thậm chí là bị nghiện game hay không? Có rất nhiều yếu tố quyết định nhưng yếu tố đầu tiên là do game có tính đa dạng, nhân vật hấp dẫn, phong phú, đủ mọi thể loại game cho mọi người tự do lựa chọn. Không những thế nó còn có đồ họa đẹp, nội dung hay,hấp dẫn, hình ảnh sinh động, rõ nét, chân thực, âm thanh bắt tai và dễ nghe. Bên cạnh đó, người chơi có thể thỏa thích tận hưởng, tự ý quyết định hành động của mình mà không phải sợ bất cứ điều gì. Tất cả những yếu tố trên đã làm cho game trở thành một phương tiện giải trí được mọi người rất yêu thích. Ngoài ra, thì cũng do ý thức của chính bản thân mình chưa cao dẫn đến không tự chủ, kiểm soát được ý thức làm cho bản thân ham mê quá mức không kiềm chế được liền lao vào chơi game. Ví dụ như có một bạn học sinh học lớp 5 vì có một game mới vừa mới được sản xuất ra ngoài thị trường thì bạn ấy đã bỏ cả buổi học để chơi cho đến khi nào thỏa mãn mới thôi. Hay có bạn học sinh vì muốn chơi game nên đã lấy trộm tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình chỉ để vào quán net chơi cho đã. Tiếp đến, cũng có thể do bị bạn bè xấu lôi kéo vào những trò chơi tiêu khiển không có ích hoặc cũng có thể là tính tò mò, muốn được thử chơi và khám phá thử xem nhưng cuối cùng lại trở thành nạn nhân của những thú vui tiêu khiển ấy. Và cũng một phần là do cha mẹ quản lý lỏng lẻo, không quan tâm, hỏi han tình hình học tập hay không đoái hoài gì đến việc học hành của con cái hoặc do cha mẹ quá nuông chiều và quá tin tưởng vào con em mình. Bên cạnh đó còn có nhiều gia đình vì mải mê kiếm tiền, theo đuổi sự nghiệp mà bỏ bê, không có thời gian dành cho con và chăm sóc con. Hay do sự thiếu hụt không gian lành mạnh khiến trẻ em không có môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh, không có khoảng thời gian được chơi đùa. Từ những phân tích trên ta có thể thấy được có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện game nhưng dù nguyên nhân nào thì việc quá ham mê game có rất nhiều tác hại, ảnh hưởng xấu.
Mọi thứ tồn tại trên đời này đều luôn tồn tại hai mặt tương phản nhau và game cũng vậy, nếu mình biết kiềm chế, sử dụng game như là một phương tiện giải trí với một thời gian hợp lý và hiệu quả thì game sẽ giúp chúng ta rèn luyện tính tư duy logic, sự nhạy bén, quyết đoán, linh hoạt hay nhanh tay, nhanh mắt để kịp xử lý các thử thách một cách thông minh, sáng tạo và khéo léo. Không những thế có một số trò chơi sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh do đó khi chơi ta có thể tích lũy, trau dồi được nhiều vốn từ vựng, đây là một lợi ích rất quan trọng khi đất nước ta đang chuyển sang xu thế hội nhập với thế giới. Đồng thời game còn giúp chúng ta thư giãn hơn, giải tỏa những căng thẳng mệt mỏi sau những giờ làm việc, học tập. Từ những lợi ích trên ta có thể thấy được nếu biết tận dụng những chức năng của game hiệu quả thì nó sẽ mang lại nhiều điều bổ ích và ý nghĩa. Nhưng nếu như chúng ta không biết kiểm soát hay ham mê quá mức dẫn đến rơi vào tình trạng nghiện game thì nó sẽ gây ra nhiều tác hại nguy hiểm. Việc chơi game liên tục hàng chục giờ đồng hồ gây ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến sức khỏe của bản thân, sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, đầu óc căng thẳng, lờ đờ, không thể tập trung vào những việc khác được. Ngoài ra nghiện game còn dẫn đến các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị và những bệnh về thần kinh, gây tổn thương cho hệ thần kinh làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy, tiếp thu kiến thức hay thường xuyên cảm thấy đau đầu và chóng mặt. Không những thế mà ham mê game còn làm cho việc học bị sao nhãng, tụt dốc, mất khả năng tiếp thu những kiến thức và mất đi những phần kiến thức quan trọng để lại lỗ hổng trong nền tảng kiến thức của bản thân. Làm ảnh hưởng đến công việc của bạn, đơn giản thôi ví dụ các bạn đi làm mà cứ suốt ngày cắm mặt vào chơi game thì liệu rằng bạn có bị cấp trên để ý và đuổi việc bạn không. Vì vậy mà ta nên biết chơi thế nào cho hợp lý, không phải nơi nào hay lúc nào cũng có thể chơi game được. Những bạn học sinh nghiện game thường chỉ mải chơi, cúp tiết, trốn học vì thế mà dẫn đến mất kiến thức, không hiểu bài và không thể làm được bài tập dẫn đến điểm số bị sa sút. Từ đó mà kết quả học tập ngày càng trì trệ, không có tiến bộ mà ngày càng tụt dốc, vì khi nghiện thì đầu óc lúc nào cũng mơ mơ màng màng, chỉ tập trung suy nghĩ đến game. Như vậy, việc nghiện game trở thành một thứ vô hình, vô bổ mà nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến người chơi khi không có được ý thức tác hại từ việc chơi game. Việc nghiện game làm ngăn cản, hủy hoại ước mơ, tương lai của chính mình. Nhiều người nghiện tới nỗi quên ăn, quên ngủ, không quan tâm gì đến mọi thứ xung quanh mà chỉ biết sống trong thế giới ảo mà game tạo ra và quên đi cuộc sống thực tại. Cũng có một số game mang tính bạo lực, chém giết nhau và dễ tạo ra ảo giác cho người chơi nên có những người khi chơi game xong bị ảo giác nên đã có những hành vi bạo lực, gây tổn thương cho người khác dẫn đến vi phạm pháp luật. Như vào năm 2017 ở Bình Thuận do mâu thuẫn trong lúc chơi game một thiếu niên 14 tuổi đã rút dao đâm bạn tử vong. Đấy chỉ vì chơi game mà làm ảnh hưởng đến chính bản thân mình khi tuổi còn quá trẻ, ngoài ra thì còn rất nhiều vụ như cướp tiền để chơi game và hơn thế nữa, việc nghiện game còn tiêu tốn nhiều tiền một cách vô ích mà không có kết quả gì bởi game cũng chỉ là thế giới ảo mà thôi thì những khoản tiền được nạp vào game cũng vậy cũng chỉ là tiền ảo. Các bạn học sinh đang trong độ tuổi ăn học không có tiền để chơi game thì sẽ dẫn đến các hành vi như ăn trộm, ăn cắp tiền của cha mẹ, người ngoài để rồi bị vi phạm pháp luật. Biết là như vậy nhưng các bạn trẻ ngày nay vẫn cứ ỷ y và coi thường, cho rằng mình chơi cho vui có sao đâu mà cứ bị nói và nhắc nhở hoài. Vậy nên chúng ta cần phải can thiệp và giải quyết triệt để những tình trạng nghiện game của thế hệ trẻ ngày nay. Lên án gay gắt những hành vi đấy để số người nghiện game ngày càng được giảm thiều và ít đi.
Qua những phân tích trên ta có thể thấy được nghiện game là một việc hết sức nguy hiểm và cần phải có biện pháp kịp thời để giảm thiểu đi. Trước hết mỗi bản thân chúng ta phải biết ý thức và tự chủ chơi game như là một công cụ giải trí cho vui, biết kiểm soát và kiềm chế bản thân không được quá ham vui mà mê mụi, phụ thuộc vào nó quá nhiều. Đồng thời, chúng ta cần phải vận động, kêu gọi người thân và bạn bè tuyên truyền cho giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh hãy nên dành nhiều thời gian cho học tập, vui chơi thật lành mạnh và làm những việc có ý nghĩa hay tìm hiểu các hoạt động ngoại khóa như cắm trại, trồng cây xanh, tổ chức các trò chơi dân gian để cho các bạn được hứng thú hơn và giúp cho mọi người có tính đoàn kết hơn khi tham gia các hoạt động, trò chơi dân gian… Nhà trường cùng với gia đình học sinh phối hợp quản lý các em học sinh và cần phải xử lý, ngăn chặn kịp thời khi phát hiện những hành vi đối tượng có thói quen sử dụng điện thoại nhằm mục đích cho việc chơi game. Và các bậc phụ huynh thì cũng nên quan tâm tới chuyện học hành của các con, thường xuyên nói chuyện và hỏi han con cái, dành nhiều thời gian để ở bên con tâm sự và chăm sóc cho con nhiều hơn để con được cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ mà không cần tìm tới game để tạo ra niềm vui. Ngoài ra thì pháp luật nước ta cũng cần phải có chính sách luật lệ nghiêm ngặt, cấm các game có những nội dung bạo lực, mạo hiểm đến tính mạng con người, đồi bại gây ảnh hưởng xấu đến tâm hồn của thế hệ trẻ hiện nay. Bản thân tôi cũng là một người sử dụng thiết bị điện tử công nghệ 4.0 tôi vẫn luôn ý thức, tự chủ được mình và sử dụng game sao cho hợp lý, đúng mục đích để có thể vừa giúp mình giải trí, thư giãn và vừa hiệu quả hơn trong học tập và làm việc. Bên cạnh đó, tôi còn tuyên truyền cho mọi người hiểu hơn về game và chia sẻ cách sử dụng cũng như chơi game một cách hợp lí và hiệu quả. Hoặc thay vào việc chơi game để giảm áp lực hay tạo niềm vui thì tôi cũng sẽ đọc một quyển sách, hoặc là tìm kiếm những niềm vui nhỏ bé đâu đó ở bên ngoài cuộc sống này.
Hiện tượng nghiện game đang một vấn đề nóng trong xã hội hiện nay vì thế mà việc khắc phục hiện tượng này là một nhiệm vụ cần thực hiện lập tức và quyết liệt ngay bây giờ. Vậy nên mỗi một cá nhân cần phải có ý thức điều chỉnh hợp lí khi chơi game và không để chìm đắm vào trong game. Bên cạnh sử dụng game để giải trí thì thay bằng việc tham gia các hoạt động thể thao để sức khỏe ngày càng dồi dào hay có thể phụ giúp cha mẹ làm việc nhà để giải tỏa căng thẳng. Đừng quá lạm dụng hay phụ thuộc vào nó quá nhiều mà để nó tự quyết định tương lai chính mình mà hãy tự mình nắm lấy và quyết định con đường của chính mình để có một cuộc sống tươi đẹp hơn và cảm thấy bản thân ý nghĩa hơn.