VerbaLearn giúp tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về vai trò của gia đình. Bài viết sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho đề tài nghị luận xã hội về gia đình cũng như giúp các bạn học sinh hiểu được tầm quan trọng của gia đình trong mỗi chúng ta.
Dàn bài nghị luận về vai trò của gia đình
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về vai trò của gia đình. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về vai trò của gia đình – Mẫu 1
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận vai trò của gia đình
+) Gia đình được xem là ngôi nhà thân yêu và thiêng liêng liêng nhất trên cuộc đời này, chứa chan biết bao kỷ niệm tươi đẹp của thời thơ ấu mà chúng ta không thể nào quên, kỷ niệm đó sẽ theo mãi trong tâm trí của mỗi người
+) Vai trò của gia đình thiêng liêng là thế nên không một ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tình cảm tươi đẹp này
Thân bài
#1. Khái niệm
+) Gia đình là tập hợp những người thân quen, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một tổ chức nhỏ nhất một tế bào tạo nên tập thể, cộng đồng, xã hội.
+) Trong gia đình có sự liên kết với nhau từ những mối quan hệ huyết thông và công ơn nuôi dưỡng.
+) Một gia đình theo truyền thống Việt Nam sẽ bao gồm các thành viên: Vợ chồng, cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, anh em họ hàng, cô, dì, chú, bác.
#2. Vai trò và ý nghĩa của gia đình
+) Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội,… Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, bình yên thoải mái trong tâm hồn. Sự hài hòa trong đời sống của các thành viên trong gia đình, thể hiện tình cảm khăng khít, một tình cảm thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái.
+) Gia đình như một tế bào tự nhiên, là đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không tồn tại và phát triển được. Chính vì vậy, muốn xã hội tốt thì phải xây dựng gia đình tốt.
+) Gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các thành viên mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, gặp vấp ngã trên đường đời,…
+) Gia đình là nơi con cái tìm về để được gia đình che chở, an ủi động viên mỗi khi gặp bế tắc cần sự khuyên bảo đùm bọc bởi cha mẹ, anh em ruột thịt.
+) Gia đình mang đến sự ấm áp trong tâm hồn xoa dịu bớt những nỗi đau, chông gai của cuộc đời, nơi chan chứa niềm yêu thương và hạnh phúc, là nơi sinh thành, nuôi dưỡng ta trưởng thành.
+) Là nơi hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi người. Đặt biệt trẻ nếu không được gia đình chăm sóc, bảo bọc và dạy dỗ từ gia đình cha mẹ sẽ dễ dàng bị cám dỗ ngoài xã hội và có những hành động vi phạm pháp luật nếu không có sự kèm cặp và quản lý từ gia đình.
+) Gia đình là nguồn động viên, hỗ trợ về tinh thần để mỗi người nỗ lực hơn, mạnh mẽ và vững vàng hơn trong cuộc sống.
+) Rút ra bài học là phê phán những người mải chạy theo tiền tài địa vị, đuổi theo những thứ phù du mà quên đi gia đình.
#3. Cách để xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc.
+) Xây dựng không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc và no đủ.
+) Mỗi gia đình biết cách giáo dục, quan tâm và chăm sóc con trẻ.
+) Không nên tách rời bản thân khỏi tình yêu thương và sự quan tâm từ phía gia đình…
Kết bài
+) Gia đình là tài sản quý giá nhất đối với mỗi con người.
+) Bởi vậy, mỗi chúng ta khi còn có gia đình hãy biết quý trọng, gìn giữ và vun đắp tình cảm ấy thật tốt đẹp bởi vì tình cảm gia đình là thiêng liêng, cao quý nhất.
Dàn ý nghị luận về vai trò của gia đình – Mẫu 2
Mở bài
+) Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận “Vai trò của gia đình đối với mỗi cá nhân”.
+) Giới thiệu bằng cách gián tiếp hoặc trực tiếp.
Thân bài
Giải thích định nghĩa của gia đình:
+) Gia đình là cội nguồn của mỗi người chúng ta, là nơi sinh ra ta, cho ta được sống, được chăm lo khi còn nhỏ.
+) Gia đình là nơi để trở về, là chỗ dựa tinh thần vững chắc khi ta gặp khó khăn ngoài xã hội
+) Gia đình luôn nằm trong tim của mỗi người, là người thân cận nhất trên thế gian, là nơi để ta thoải mái bộc lộ cảm xúc thật của bản thân mà không e ngại điều gì.
Vai trò của gia đình
+) Chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ta khi gặp khó khăn trong “trường đời”.
+) Là nơi yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sinh hoạt cùng nhau, gắn bó cùng nhau.
+) Là nơi ủng hộ những bước đi trong tương lai của bạn, nơi sẽ bảo vệ, lo lắng cho an toàn của bạn khi ở nơi xa, tình cảm gia đình luôn gắn bó mạnh mẽ.
+) Góp phần xây dựng nên một xã hội phát triển văn minh. Một gia đình văn minh, cả khu phố văn minh và xã hội cũng sẽ đi lên. Bởi vì gia đình chính là tế bào của xã hội.
Thực tế về hoàn cảnh gia đình hiện nay
+) Gia đình có bạo hành, bạo lực đối với con cái. Không yêu thương, ruồng bỏ hoặc ép con cái đi làm kiếm tiền để họ được “lăn xả” trong vòng vây tệ nạn xã hội.
+) Gia đình quá cứng nhắc và bảo bọc, không ủng hộ ước mơ của con, và luôn vẽ sẵn đường cho con đi, và đứa con cũng chỉ được phép đi hướng đó.
+) Có những mảnh đời bất hạnh khi không có gia đình.
Biện pháp để có một gia đình hạnh phúc
+) Quan tâm, chia sẻ mọi điều với nhau.
+) Tôn trọng ý kiến của nhau, bởi vì mỗi người có một quan điểm sống khác nhau.
+) Không bảo bọc hay dung túng quá mức vì như vậy sẽ khiến đứa trẻ không chịu lớn và ỷ y vào cha, mẹ mãi.
+) Yêu thương, chăm sóc, dành thời gian với gia đình.
Kết bài:
+) Nêu lên tầm quan trọng của gia đình đối với mỗi người và xã hội.
Nghị luận về vai trò của gia đình – Mẫu 1
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng của mỗi con người. Chúng ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi duy nhất để về đó chính là gia đình. Chính vì vậy, gia đình được xem là ngôi nhà thân yêu và thiêng liêng liêng nhất trên cuộc đời này, chứa chan biết bao kỷ niệm tươi đẹp của thời thơ ấu mà chúng ta không thể nào quên, kỷ niệm đó sẽ theo mãi trong tâm trí của mỗi người. Gia đình mang đến cho ta cảm giác được che chở, bao bọc, mái ấm gia đình và tình cảm gia đình được xem như là kho tàng quý báu mà không nơi nào có thể so sánh được. Gia đình là nơi giúp con người hình thành nhân cách. Vai trò của gia đình thiêng liêng là thế nên không một ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tình cảm tươi đẹp này.
Gia đình là khái niệm rất đỗi quen thuộc và gắn liền với cuộc sống hằng ngày với mỗi chúng ta. Vậy thử hỏi những ai đã và đang hiểu đúng về khái niệm gia đình hay chưa? Gia đình là tập hợp những người thân quen, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một tổ chức nhỏ nhất một tế bào tạo nên tập thể, cộng đồng, xã hội. Trong gia đình có sự liên kết với nhau từ những mối quan hệ huyết thông và công ơn nuôi dưỡng.
Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau trong hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định. Một gia đình theo truyền thống Việt Nam sẽ bao gồm các thành viên: vợ chồng, cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, anh em họ hàng, cô, dì, chú, bác. Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách con trẻ. Gia đình là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước. Đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách,…Tùy thuộc vào việc tổ chức sinh sống của gia đình, gia đình có thể chia thành nhiều các cách gọi như sau: Một gia đình nhỏ bao gồm khoảng hai thế hệ như cha, mẹ và con cái. Đại gia đình bao gồm rất nhiều thế hệ cùng sinh sống với nhau: ông cụ, bà cụ, ông, bà, cha mẹ, con cái, cháu, chắt. Có rất nhiều cách hiểu về gia đình khác nhau nhưng nhìn chung đây là một nơi mà những con người liên kết với nhau, sinh sống với nhau tạo nên mối quan hệ mật thiết, gia đình là hình ảnh phản ảnh của một xã hội thu nhỏ. Gia đình là nơi chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm thân thương, chân thành nhất của cả một đời người. Chính tình yêu thương, che chở bao bọc của gia đình giúp ta vượt qua được mọi rào cản về không gian và thời gian để mang lại một cuộc sống tốt đẹp, gia đình là điểm tựa tinh thần tuyệt vời nhất đối với mỗi cá nhân. Tình cảm gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống mà chúng ta có thể hiểu rộng hơn là quan hệ họ hàng xa. Trước hết nói về tình cảm gia đình phải kể đến tình cảm yêu thương rộng lớn như biển cả của cha mẹ dành cho chúng ta. Cha mẹ là suối nguồn yêu thương vô tận, người đã mang cho những người con hình hài và nhịp sống, trái tim, mạch máu, hơi thở và nụ cười. Những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời. Nếu như mẹ yêu con bằng những cưu mang, hoạn dưỡng thì cha thương con bằng những nhọc nhằn cả đời bươn chải kiếm tiền để chăm lo cho gia đình nhỏ. Mẹ thương con bằng sự đùm bọc, che chở, thương con bằng những lời hỏi han, lo lắng khi con vắng nhà, thì cha thương con bằng những công việc cực nhọc thấm đẫm mồ hôi để có tiền chi trả lo cho cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận được công lao to lớn của cha như ngọn núi Thái Sơn, như nguồn nước luôn chảy của mẹ.
Gia đình không chỉ là một tế bào của xã hội mà còn là một đơn vị kinh tế xã hội. Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Gia đình có vai trò quyết định đối với sự hình thành và phát triển của xã hội. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp của gia đình được tiếp nhận, phát triển góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính.
Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội,… Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, bình yên thoải mái trong tâm hồn. Sự hài hòa trong đời sống của các thành viên trong gia đình, thể hiện tình cảm khăng khít, một tình cảm thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, gia đình là nơi hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi người, được xem là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức tốt đẹp cho chúng ta. Mái ấm gia đình cũng là mái trường đầu tiên ta được học, học từ những thứ căn bản, đơn sơ nhất trong nếp sống, sinh hoạt đến cách đối nhân xử thế. Trong xã hội, trẻ em nếu không được gia đình chăm sóc, bảo bọc và dạy dỗ từ gia đình cha mẹ sẽ dễ dàng bị cám dỗ ngoài xã hội và có những hành động vi phạm pháp luật nếu không có sự kèm cặp và quản lý từ gia đình. Nhiều nhà tâm lý học đã chứng minh rằng, sự hình thành nhân cách con người từ giáo dục gia đình, những dấu ấn kiến thức đầu đời không dễ dàng phai mờ mà luôn khắc ghi trong tâm trí mỗi người. Những bài học cơ bản mà mỗi người tiếp thu được trong gia đình sẽ giống như những vết mực đầu tiên trên trang vở trắng, tạo thành những nguyên tắc sống cho một nhân cách trong suốt cuộc đời họ. Trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nhân loại, gia đình là đơn vị duy nhất khởi nguồn cho vai trò giáo dục con người. Ông bà, cha mẹ đều trở thành những người thầy dạy dỗ ta nên người.
Giáo dục từ nền tảng gia đình là bước đầu tiên của quá trình xã hội hóa giáo dục trong xã hội. Sau đó thiết chế giáo dục đã hình thành và phát triển trong xã hội, tạo thành muôn vàn những nguyên tắc và phương thức giáo dục phức tạp như ngày nay. Đối với hầu hết các bậc cha mẹ trên thế giới, việc nuôi dạy con cái vẫn được xem không chỉ là một trong những niềm vui lớn nhất, mà còn là một trách nhiệm trong cuộc sống.
Một gia đình gia giáo, con cái được nuôi dạy đến nơi đến chốn sẽ trở thành những người có phẩm chất nhân cách tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, bất hòa và chia rẽ sẽ khiến con cái lớn lên trong sự căm hận, ác cảm, tự ti với bạn bè. Niềm hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, những đứa trẻ chứng kiến và trải qua quá nhiều bi kịch, bố mẹ ly hôn. Đó là sự mất mát to lớn vì họ đã mất đi chỗ dựa tinh thần duy nhất, mái ấm gia đình không còn. Nhiều trẻ em mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa, không ai nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo. Những đứa trẻ dễ bị cám dỗ làm những việc gây hại đến anh ninh trong xã hội. Đó là lẽ đương nhiên, bởi không có gia đình con người ta khó được giáo dục nên người, khi ra ngoài xã hội chỉ gây ra những tệ nạn, thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến mọi người và bộ mặt xã hội. Việc thiếu trách nhiệm trong giáo dục con cái trong gia đình có thể được xem là nguyên nhân cơ bản nhất khiến chúng hư hỏng.
Gia đình là nơi có đầy đủ cha mẹ, anh em ruột thịt, là nơi ta được sinh ra và lớn lên trên cõi đời này. Mọi người trong gia đình luôn yêu thương vô bờ. Cho ta một hành trang vững chắc để tự tin bước những bước đầu tiên trong cuộc đời. Khi ta chỉ là những đứa trẻ thơ được ba mẹ chăm sóc, dìu dắt, đùm bọc che chở ta đến ta được trưởng thành. Tình cảm gia đình chỉ cho đi mà không nhận lại. Gia đình nơi chứa đầy ắp tình yêu thương, đùm bọc thứ tình cảm thiêng liêng tươi đẹp của các thành viên dành cho nhau. Nhưng các bạn biết đó, khi ta đã lớn khôn và đã trưởng thành dưới bàn tay chăm sóc của mẹ, với sự dạy dỗ của cha với tình yêu thương che chở của ông bà, anh chị thì khi ta bước chân ra khỏi mái ấm gia đình để tự lập mọi thứ, trong suy nghĩ hành động của một người trưởng thành cũng sẽ khác hẳn với khi có gia đình ở bên. Ngoài kia, cuộc sống bon chen, chúng ta phải tự lập về tài chính và có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình thì ai cũng phải trải qua và đối mặt với những khó khăn và thử thách của cuộc sống. Khi đó, gia đình chính là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh và là niềm tin giúp đỡ ta vượt qua mọi khó khăn, trắc trở của cuộc đời. Dù chúng ta có thất bại, gục ngã trước những sóng gió thì khi đó một nơi gọi là nhà –gia đình giang rộng bàn tay sẵn sàng đón ta trở về, gia đình là chốn bình yên là mái ấm hạnh phúc duy nhất của con người. Cho dù sau mai sau chúng ta có vấp ngã, nếm trải những vị đắng cay, những muộn phiền, lo âu, sự bế tắc của cuộc sống và cần tìm một nơi để tựa vào thì gia đình là bến đỗ duy nhất và an toàn nhất cho tất cả chúng ta. Bởi vì, mỗi khi gặp thất bại, gặp bế tắc thì gia đình là người động viên, an ủi khuyến khích ta vượt qua. Gia đình mang đến sự ấm áp trong tâm hồn xoa dịu bớt những nỗi đau, chông gai của cuộc đời, nơi chan chứa niềm yêu thương và hạnh phúc, là nơi sinh thành, nuôi dưỡng ta trưởng thành.
Gia đình là mái ấm gia đình cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức của mỗi người. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn hiện nay, nhiều trẻ em lại bị chính cha mẹ ruột, dì dượng bạo hành do tình trạng ly hôn xảy ra ngày một nhiều. Những trận đòn bạo hành gia đình, chồng đánh vợ, cha mẹ hay dì dượng đánh con riêng, việc kết hôn chắp nối để lại những vết sẹo về mặt tinh thần và thể xác cho con trẻ. Không gì bất hạnh và cô đơn bằng thiếu vắng tình cảm gia đình và đổ vỡ trong hôn nhân. Lev Tolstoy từng viết: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình không hạnh phúc thì bất hạnh theo cách của riêng mình”.Có lẽ hàng trăm năm sau, nỗi bất hạnh của con người, của nhân loại sẽ vẫn thế, vẫn riêng biệt, bơ vơ, cô đơn, lẻ loi nếu sống mãi trong gia đình không hạnh phúc.
Bên cạnh đó, tồn tại nhiều gia đình tiếp thu những phương pháp giáo dục cởi mở với con trẻ và nuông chiêu một cách quá mức. Nhiều gia đình bận rộn công việc kiếm sống mưu sinh hằng ngày không xem trọng việc giáo dục con cái, buông lỏng chỉ trông chờ vào sự giáo dục của nhà trường và xã hội dẫn đến giáo dục con cái không được trọn vẹn, điều đó làm gián tiếp cho con trẻ dễ bị cám dỗ, hư hỏng.
Mặt khác, thực tại nền kinh tế xã hội ngày một phát triển, thì bên cạnh đó tế bào xã hội cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những yếu tố tác động bên ngoài, thiết bị công nghệ điện tử hiện đại du nhập ngày càng nhiều. Thế giới công nghệ ngày càng thay thế con người, chúng ta đã và đang đối mặt với nền kinh tế hàng hóa và cơ chế thị trường nên văn hóa gia đình đang có biểu hiện tha hóa, đi xuống vì những tác động của những mặt trái, mặt tiêu cực của sự phát triển đó. Phát triển tốt có lợi nếu biết tiếp thu tinh hóa văn hóa tri thức nhân loại một cách có chọn lọc. Còn học hỏi những cái tiêu cực không tốt thì sẽ gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế xã hội. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã kích thích nhu cầu ham muốn vật chất, ít chú trọng đời sống tình cảm tinh thần, tình trạng xung đột gia đình dẫn đến đổ vỡ và ly hôn ngày càng gia tăng, làm cho gia đình không được bền vững. Vì thế, để tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai, phải bắt đầu giáo dục con trẻ trong gia đình – trước khi những mầm non ấy đặt chân tới trường và tiếp xúc với môi trường xã hội. Đó được xem là những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên nhân cách của một con người, một thế hệ. Và trong giai đoạn hiện nay, để “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.
Vì vậy, ta càng phải nhận thức được rõ về tầm quan trọng của gia đình. Để có một cuộc đời vui vẻ hạnh phúc, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm xây dựng, giữ gìn tổ ấm của mình. Từ trẻ nhỏ đến người già trong gia đình hãy dành cho nhau tình cảm nhiều hơn, yêu thương, chở che đùm bọc lẫn nhau, bảo vệ một gia đình luôn bền vững. Gia đình cũng là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hằng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tình cộng đồng, lòng nhân ái, tinh thần tự lực, tự cường, anh hùng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, chăm chỉ cần cù trong lao động sản xuất… Gia đình cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia.
Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý là thế, mãi mãi trường tồn vĩnh hằng với thời gian, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi người. Cuộc sống này tiềm ẩn những giá trị tốt đẹp và sẽ không mất đi nếu chúng ta biết trân trọng, giữ gìn và phát huy. Tình cảm ấy sẽ là nơi chúng ta thấy được niềm tin yêu trong cuộc sống, sự gắn kết diệu kỳ mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người để giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạn nhân của xã hội là gia đình”. Trong xã hội hiện đại, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa của một quốc gia.
Bản chất của văn hóa gia đình người Việt truyền thống chính là một tổ chức dựa trên mối quan hệ nghĩa tình nơi mà các thành viên sống và yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình thân, sự đồng cảm và thấu hiểu. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự nhất định, có trên có dưới. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với ông bà, cha mẹ. Chính mối quan hệ nghĩa tình ấy đã góp phần tác động đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, lối sống của gia đình. Văn hóa gia đình truyền thống tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với đời sống xã hội.
Gia đình là tài sản quý giá nhất đối với mỗi con người, đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách đạo đức tốt đẹp của mỗi người. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi còn có gia đình hãy biết quý trọng, gìn giữ và vun đắp tình cảm ấy thật tốt đẹp bởi vì tình cảm gia đình là thiêng liêng, cao quý nhất. Bởi lẽ, tình yêu thương chính là một phẩm chất tốt đẹp, đáng quý mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và phát huy và bảo vệ. Không có gì hạnh phúc và đáng quý hơn khi sống dưới một mái ấm gia đình hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười đùa vui vẻ. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy biết yêu thương và thực hiện trách nhiệm, làm tốt vai trò bổn phận của mình đối với người thân trong gia đình các bạn nhé!
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về vai trò của gia đình – Mẫu 2
Đấng sinh thành – hay còn gọi là cha là mẹ, là người đã sinh ra ta, và cho ta được sống, được tồn tại trên cõi đời này. Họ không chỉ là cha, mẹ mà còn là gia đình của mỗi người chúng ta nữa. Cho dù bạn có đi nhiều nơi hay có nhiều nơi đáng để đến thì nó cũng chỉ gói gọn trong hai từ “ghé thăm” mà thôi, bởi vì mỗi chúng ta đều đã có nơi để ở, để sinh sống và cũng là nơi duy nhất để trở về sau những chuyến “du ngoạn” ấy rồi, và nơi đó gọi là gia đình. Tình cảm gia đình là một thứ mộc mạc, đơn sơ nhưng nó lại rất quý giá và thiêng liêng đối với chúng ta, giống như một câu nói rất hay nói về gia đình: “ Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. Cũng chính vì vậy mà trong cuộc đời của mỗi con người, gia đình đóng một vai trò vô cùng quan trọng, lớn lao và đặc biệt ý nghĩa, đó cũng là nơi nuôi dưỡng nên tâm hồn và hình thành nên tính cách của chúng ta.
Gia đình là một cụm từ, một khái niệm rất quen thuộc, gần gũi và gắn liền với cuộc sống của chúng ta. Vậy bạn có hiểu đúng về khái niệm gia đình này chưa? Chúng ta cùng tìm hiểu xem gia đình là gì, ý nghĩa của gia đình và vai trò của gia đình đối với mỗi người nhé! Gia đình là tập hợp những người quen thuộc, thân thương, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một cách thức tổ chức sống nhỏ nhất trong xã hội, trong gia đình có mối liên kết với nhau từ quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về gia đình, nhưng chung quy lại thì đây là một nơi mà những con người liên kết với nhau, sinh sống với nhau tạo nên mối quan hệ mật thiết, gia đình là hình ảnh phản ảnh của một xã hội thu nhỏ. Đúng vậy, gia đinh chính là nơi bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con người, nơi đó có những người thương yêu, quý giá như cha, mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác, ông bà,…
Cũng chính vì vậy, mà gia đình đóng góp một vai trò không nhỏ đối với quá trình trưởng thành của một người. Chẳng ai có thể khẳng định người ấy có thể sống tốt, vui vẻ mà hạnh phúc mà không có gia đình. Những ai không may mắn không có được một gia đình tử tế từ khi mới lọt lòng vẫn luôn đau đáu một nỗi đau tìm ra nguồn gốc người thân của mình, hoặc những ai khi mất đi những người mình yêu thương trong cuộc sống, sau đó chẳng phải sẽ tìm một gia đình khác làm bến đỗ tinh thần cho mình đấy thôi. Theo chuyên gia tâm lý Vera Hà Anh, có thể khái quát một số ảnh hưởng của gia đình đến con người như sau. Gia đình là bến đỗ tinh thần cho mỗi tâm hồn con người, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ, là nơi làm êm dịu những vất vả mà cuộc sống hối hả gây ra cho người lớn, là nơi tiếng cười và những giọt nước mắt được phép cất lên mà chẳng phải e dè bất kỳ ai. Có thể thấy, gia đình là nơi thiêng liêng giúp tâm hồn con người bình yên và vui sướng, là vòng ôm ấp, là tình yêu chân thành, là nơi mà con người không cần tính toán thiệt hơn. Gia đình là giá thể cho mọi “mầm sống”, đây là một cách ví von về vai trò giáo dục của gia đình. Thật vậy, gia đình là nguồn gốc, là cội rễ, là kho tàng bài học học sống để các thành viên trong gia đình học hỏi lẫn nhau, nuôi dưỡng nguồn tri thức nhân loại, từ những điều nhỏ nhặt như lời ăn tiếng nói, cách làm việc đến những đạo lý làm người. Nơi đây không chỉ là nơi để các thành viên nhỏ tuổi tích lũy vốn sống mà còn là nguồn tài liệu tự nhiên, hoàn toàn miễn phí cho những thành viên mới gia nhập như nàng con dâu chẳng hạn. Và gia đình không chỉ đóng góp vai trò quan trọng đối với những người nhỏ tuổi mà đối với những người ở lứa trung niên hoặc người già, vai trò của nó cũng quan trọng không kém. Đối với lứa nhỏ chúng ta thì gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, là nơi cho ta có thêm nhiều bài học giá trị đối với “trường đời”. Còn đối với người lớn thì gia đình là nơi để họ an tâm nghỉ ngơi sau quãng thời gian dài phấn đấu, lao động mệt nhọc. Là nơi đem lại niềm vui, ý nghĩa và hạnh phúc ở tuổi xế chiều, còn là nơi họ răn dạy, truyền thụ những kinh nghiệm sống quý báu của cả một đời họ cho con cháu. Và gia đình còn góp phần quan trọng trong việc phát triển về mọi mặt của xã hội, một gia đình tốt sẽ nuôi dạy ra được một thế hệ trẻ tốt, và lan tỏa những điều tốt đẹp, ý thức trách nhiệm ấy đến những gia đình khác. Một gia đình tốt, một khu phố tốt và dần dần là một xã hội tốt và văn minh.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng được sinh ra và sống trong một gia đình tốt đẹp, hạnh phúc, bởi vậy nên mỗi người mới có khái niệm khác nhau về gia đình. Tôi có nghe được một câu chuyện từ một người bạn, câu chuyện nói về một gia đình không mấy hòa hợp của một nữ sinh. Bạn nữ này sống trong một gia đình không mấy hạnh phúc, khi từ nhỏ đã luôn chứng kiến cảnh ba, mẹ cãi nhau, đánh nhau, thậm chí là đe dọa mạng sống lẫn nhau với những vật dụng sắc bén, trong nhà lúc nào cũng chỉ nghe thấy những lời cãi vã và những tiếng ồn đổ vỡ của chén, bát,… cả căn nhà lúc nào cũng chìm trong bầu không khí tối tăm và ngột ngạt. Khi còn nhỏ xíu thì gia đình bạn ấy rất khá giả, nhưng vì những trò chơi may rủi, cờ bạc ấy mà gia đình đi xuống, tình cảm ba, mẹ cũng dần nhạt phai và thay vào đó là những lời trách móc, cãi vã liên tục vì phải đối mặt với con đường kiếm sống khó khăn. Cũng bởi áp lực cuộc sống đem lại cho gia đình mà bạn ấy có một tuổi thơ khá là đen tối, ba mẹ không những cãi nhau thường xuyên mà còn xả giận vào “tấm bia đỡ đạn” – đứa con của mình bằng cách mắng nhiếc, chửi rủa với những lời lẽ cay nghiệt, chỉ cần bực mình là họ chửi, không cần biết đúng sai. Cho nên khi còn nhỏ, mỗi lần ba, mẹ cãi vã bạn ấy chỉ có thể trốn vào một góc trong nhà và khóc lóc trong nỗi hoang mang, sợ hãi, hay mỗi khi có xung đột lớn hơn thì việc lớn nhất mà bạn ấy dám làm chính là đứng ở phía xa la hét cầu xin hai người dừng lại. Và cũng vì có một tuổi thơ như vậy cho nên tính cách của bạn ấy khá là nhút nhát, không dám tự ý quyết định một việc gì, cho dù là việc nhỏ nhất bởi vì bạn ấy không biết làm như vậy là đúng hay sai và luôn luôn hành động dựa trên sắc mặt của người khác. Và nếu cứ sống như vậy thì tôi tin chắc rằng bạn nữ ấy sẽ khó mà thành công trong cuộc sống. Không chỉ có một câu chuyện về gia đình không hạnh phúc như vậy, mà còn rất rất nhiều câu chuyện khác và thậm chí còn kinh khủng hơn câu chuyện trên nữa. Những gia đình như vậy sẽ không làm được tấm gương tốt cho con cái mà còn gây ra vết thương lòng khó xóa cho đứa trẻ, tệ hơn nữa là có những đứa trẻ dễ bị những tệ nạn xã hội cám dỗ, khiến cho tương lai ngày càng mù mịt, không lối thoát. Trẻ em là một tờ giấy trắng, cần được chỉ bảo, hướng dẫn và quan tâm, chăm sóc nhiều hơn từ gia đình, nếu thế hệ trẻ mà cứ bị vướng vào một lối sống như thế thì tương lai của xã hội sẽ biết đi về đâu. Gia đình chính là tế bào của xã hội, cho nên chúng ta hãy vì hạnh phúc gia đình và tương lai phát triển của xã hội mà cùng nhau đóng góp xây dựng tình cảm của mình. Sẽ thật là may mắn khi bạn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, êm ấm, tuy nhiên, dù chẳng được may mắn như vậy, hãy vẫn cho mình cơ hội tìm một gia đình đúng nghĩa nhé.
Và chúng ta cũng hãy mạnh mẽ đứng lên tẩy chay, lên án những người xem nhẹ tình cảm gia đình như những ông bố, bà mẹ bạo hành con cái, không cho phép đi học và bắt đi làm kiếm tiền để họ được ăn chơi bê tha. Hay những đứa con bất hiếu với cha mẹ, phụ công ơn nuôi dưỡng, tham gia chơi bời cùng các nhóm bạn xấu, đua đòi, thậm chí là ăn cắp, đánh đập đấng sinh thành của chúng. Hay có những gia đình không êm ấm, anh chị em không hòa thuận bởi vì tranh chấp tài sản, gây ảnh hưởng tới tình cảm gia đình. Và cồn rất nhiều những vụ án khác mà cộng đồng chúng ta nên mạnh mẽ tố cáo và lên án để khiến cho xã hội trở nên cân bằng và văn minh hơn.
Qua những vai trò và cũng như câu chuyện thực tế của các gia đình mà chúng ta có thể đưa ra những biện pháp giúp cho cuộc sống và hạnh phúc của gia đình ngày càng đi lên. Đầu tiên chính là ý thức cá nhân của mỗi người, chúng ta không tự tách rời bản thân ra khỏi tình cảm của gia đình vì những chuyện nhỏ nhặt được. Bởi vì mỗi người có một cá tính, quan điểm sống khác nhau cho nên thay vì đàn áp lẫn nhau, chúng ta hãy biết tôn trọng quan điểm của người thân để cân bằng hạnh phúc gia đình. Cố gắng xây dựng, vun đắp cho tình cảm gia đình đi lên bằng cách quan tâm, chia sẻ về những vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống, lắng nghe ý kiến của mọi người, trao đi yêu thương nhiều hơn, tạo bầu không khí gần gũi, ấm áp như cùng ăn tối, cùng xem TV, cùng đi sinh hoạt ngoài trời và tổ chức nhiều hoạt động gia đình khác nữa như leo núi, đạp xe, đi du lịch. Và mỗi gia đình cũng hãy dành thêm thời gian để chăm sóc, quan tâm đến con trẻ, dạy dỗ con mình đúng cách, hay là trở thành một người bạn thân với con mình để lắng nghe tâm sự tuổi mới lớn của con, hướng dẫn và ủng hộ con trên mọi nẻo đường hợp lý, đúng đắn, chứ đừng vội ngăn cấm ước mơ hay dập tắt hy vọng của con mình về một vấn đề nào đó.
Chúng ta hãy cảm thấy may mắn vì có rất nhiều người ngoài kia không có gia đình, hay họ còn chưa cảm nhận được tình cảm gia đình là như thế nào. Chúng ta may mắn vì chúng ta còn có gia đình, còn có cơ hội để khiến gia đình trở nên hạnh phúc. Gia đình chính là chỗ dựa vững chắc cho mỗi con người. Tình cảm gia đình có thể khiến cho một người luôn tươi vui, rực rỡ và lạc quan hơn trong cuộc sống. Muốn gia đình hạnh phúc thì đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tình cảm, biết vun đắp, sẻ chia, và đức hy sinh. Không những vậy, vai trò của mỗi gia đình còn giúp sức tạo nên một xã hội văn minh, phát triển hơn nữa trong tương lai.