✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về trung thực. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Mong rằng qua đề bài này, các em học sinh sẽ hiểu hơn về tính trung thực và áp dụng nó trong cuộc sống.
Dàn ý nghị luận về tính trung thực
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về trung thực. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn bài nghị luận về trung thực – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về sự trung thực.
Thân bài
#1. Giải thích về lòng trung thực
- Là một phẩm chất cao quý của con người
- Sự thật thà chất phát, là bản lĩnh mà mỗi người cần phải có.
#2. Biểu hiện của lòng trung thực
- Tùy theo từng độ tuổi mà có những biểu hiện khác nhau.
- Là khi một đứa bé biết nhận sai khi lỡ tay làm bể bình hoa.
- Là khi một thiếu niên không gian lận trong kỳ thi.
- Là khi một người không nghe và làm điều xấu, mà còn có bản lĩnh chống lại những người xấu xa.
- – Trung thực cũng cần sự quyết tâm và kiên định mạnh mẽ.
#3. Đưa ra dẫn chứng
- Chị Võ Thị Sáu khi bị kẻ địch bắt giữ và tra tấn tàn bạo, cũng nhất quyết không bán tin cho địch.
- Đó là bản lĩnh của một người trung thực với đất nước, với gia đình và bản thân.
#4. Phê phán và lên án
- Lên án phê phán cá nhân và các tổ chức không sống một cách trung thực, lừa lọc mọi người xung quanh để trục lợi và còn gây hại đến xã hội.
- Đưa ra các ví dụ: gian lận trong kỳ thi, sản xuất ra những mặt hàng nhái, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm,…. và những hậu quả tiêu cực mà xã hội phải gánh chịu.
#5. Bài học rút ra
- Nếu không lựa chọn lối sống trung thực sẽ mang đến những tổn thất về mặt tinh thần và cả vật chất cho đối phương.
- Mang lại cho bản thân những sự hiềm nghi về xã hội, trở nên đề phòng, cảnh giác đối với tất cả mọi người và tâm hồn sẽ không có được những giây phút bình yên, thanh thản.
#6. Ý nghĩa sự trung thực
- Giúp bản thân rèn giũa, uốn nắn được đức tính cao đẹp
- Được mọi người xung quanh nể trọng, tin tưởng và kính phục.
- Động lực để hướng đến tương lai tốt đẹp sẽ được nâng cao.
#7. Bài học thực tế
- Không nên hiểu lầm sự trung thực chính là nói ra hết tất cả những suy nghĩ của bản thân mà không màng đến tâm trạng hay cảm xúc của đối phương.
- Không nên quá trung thực để tránh làm đối phương cảm thấy tổn thương hay xấu hổ.
- Đưa ra ví dụ về những trường hợp tế nhị,… và cách giải quyết lịch sự, tinh tế.
- Từ đó có thể khiến cho các mối quan hệ xung quanh trở nên hài hòa hơn.
Kết bài
- Nhấn mạnh về lối sống trung thực.
- khuyến khích mọi người cùng chung tay lan truyền sự trung thực đến với cộng đồng để xã hội có thể phát triển một cách văn minh hơn.
Dàn bài nghị luận về trung thực – Mẫu 3
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Sống trung thực.
Thân bài
#1. Giải thích
- Thật thà, thành thật với chính mình và người khác.
- Ngay thẳng, không nói dối, tôn trọng lẽ phải, công bằng.
- Tuân theo những chuẩn mực đạo đức, chân thật.
- Là một phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi người.
#2. Biểu hiện
- Dám nói, dám làm, dám thừa nhận sai trái và sửa chữa.
- Không sống nịnh bợ, giả tạo, nói sai sự thật vì trục lợi cá nhân.
- Nói đi đôi với làm, giữ chữ tín, trách nhiệm, sống chí lý.
- Trở thành chỗ dựa tin cậy, đưa ra những lời khuyên chân thật.
- Không tham ô tiền bạc, của cải, tài sản không phải là của mình.
- Trong kinh doanh, không sản xuất những sản phẩm kém chất lượng, không làm giả, nâng giá thành.
- Trong học tập, không mở tài liệu quay cóp, chép bài, làm bằng giả.
- Sống nguyên tắc, kỷ luật, dũng cảm, nghiêm khắc với chính mình.
#3. Dẫn chứng
- Câu chuyện về vị vua và những bông hoa.
- Về nhà nho Chu Văn An.
#4. Vai trò, ý nghĩa của tính trung thực
- Được mọi người yêu quý, nể phục, tín nhiệm, ấn tượng.
- Tâm hồn bình yên, thanh thản, nhẹ nhõm.
- Giúp hoàn thiện nhân cách, nâng cao tri thức, có được phần thưởng xứng đáng.
- Tiếp thêm sức mạnh đấu tranh với cái ác cái xấu.
- Góp phần xây dựng xã hội trong sáng lành mạnh, văn minh.
#5. Bình luận
- Phê phán những người có những hành vi lừa đảo,
- Phê phánchiếm đoạt tài sản của người khác,
- Phê phán âm thầm lợi dụng lòng tốt của ng khác để chuộc lợi cho mình.
- Ảnh hưởng đến toàn xã hội, làm mai mục đi giá trị đạo truyền thống tốt đẹp của Việt Nam ta.
#6. Bài học cá nhân về trung trực
- Trung thực tùy vào hoàn cảnh, con người, cần khôn khéo, tinh tế, nói giảm nói tránh một cách lịch sự.
- Tập lối sống, thói quen trung thực trong những lời nói, hành động, cách ứng xử ngay thẳng, thật thà.
- Học cách tự bảo vệ bản thân để không bị lợi dụng bởi những người thiếu trung thực, xảo trá.
- Biết học hỏi, noi gương người tốt.
Kết bài
- Khẳng định lại giá trị, ý nghĩa của lối sống trung thực.
- Rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Kêu gọi mọi người sống, rèn luyện và tu dưỡng lối sống trung thực.
Văn mẫu nghị luận về tính trung thực
Nghị luận về trung thực – Mẫu 1
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta cần hoàn thiện nhân cách phẩm chất của mình đó là những đức tính vô cùng tốt đẹp. Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Trong xã hội hiện đại ngày nay, thành công sẽ là con đường ngắn nhất đưa chúng ta lên vinh quang và niềm tự hào. Một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta có thể đạt đến thành công chính là đức tính trung thực. Người có đức tính trung thực luôn tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải và điều thiện. Trung thực là một phẩm chất cao quý, được xem là thước đo đánh giá nhân cách của con người và mang đến giá trị lòng tin trong cuộc sống xã hội và các mối quan hệ giữa mọi người xung quanh trở nên bền vững.
Trung thực là gì? Trung thực chính là sự ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật không gian dối, làm sai trái, sai lệch sự thật, trục lợi cá nhân. Trung thực là những người dám nhận lỗi, nhận những khuyết điểm và biết sửa lỗi mà trong phạm vi cho phép. Những người có đức tính trung thực thì luôn nhận được sự tín nhiệm lòng tin của mọi người vì những việc họ làm rất công minh, công bằng sống ngay thẳng, người có tinh thần trách nhiệm, tôn trọng sự thật, luôn đấu tranh bảo vệ chân lý đến cùng. Bất cứ thời đại nào tính trung thực vẫn luôn được đề cao vì nó được xem là thước đo đạo đức của mỗi người.
Nếu các bạn đã đọc nhiều sách nói về thời đại phong kiến trong kho tàng văn học Việt Nam thì các bạn sẽ hiểu rõ về khái niệm trung thực ở góc độ vua chúa thời xưa. Chữ “trung” trong từ trung thực có nghĩa là trung với vua, hiếu với nước. Còn trong thời chiến tranh thì trung thực được hiểu là một lòng với cách mạng, Đảng Cộng Sản, đối với Bác Hồ kính yêu thì kiên trung với đường lối của Đảng ta. Ngày nay, trong cuộc sống hằng ngày, một ngành nghề có những cách nhìn nhận hành động về tính trung thực khác nhau. Cuộc sống nhiều khó khăn, nhiều lúc bế tắc nhưng không vì những quyền lợi cá nhân, trục lợi, đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chúng ta làm những điều sai lệch, gian dối để đi ngược lại với chân lý, lẽ phải. Tính trung thực thể hiện rõ nét ở tính thật thà, thẳng thắn, khi có lỗi, mắc sai lầm thì biết cách nhận lỗi, không tham lam, gian dối vì muốn trục lợi cho riêng mình mà làm tổn hại đến người khác. Mỗi chúng ta ai từng một thời trải qua thời học sinh, sinh viên đều trải qua biết bao nhiêu kỳ kiểm tra, kỳ thi lớn thì tính trung thực đối với học sinh là rất cần thiết và được đề cao, mang tầm quan trọng nhất, mang tầm ảnh hưởng cả một thế hệ trẻ sau này. Học sinh, sinh viên tuyệt đối không quay cóp, chép bài của bạn khác, không mang tài liệu trong thời gian làm bài kiểm tra, bài thi mà tự giác làm bài theo đúng năng lực của bản thân.
Còn đối với các nhà kinh doanh thì đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của đạo đức xã hội nói chung. Đạo đức kinh doanh là những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người làm kinh doanh. Tính trung thực trong kinh doanh đòi hỏi chủ thể kinh doanh không dùng thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp kiếm lời, cạnh tranh không lành mạnh. Đối với đối tác, khách hàng và người tiêu dùng, chủ thể kinh doanh phải giữ chữ tín trong kinh doanh. Doanh nghiệp, doanh nhân phải giữ chữ tín trong quan hệ, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết; không sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại cho sức khỏe con người, quảng cáo sai sự thật, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn mác và xuất xứ hàng hóa. Chủ thể kinh doanh phải chấp hành nghiêm luật pháp của Nhà nước, theo đó doanh nghiệp, doanh nhân không trốn thuế, lậu thuế, sản xuất kinh doanh những mặt hàng quốc cấm. Đối với xã hội, chủ thể kinh doanh không được làm ô nhiễm môi trường tự nhiên (xả thải độc hại ra môi trường, tàn phá hệ sinh thái) và môi trường xã hội (kinh doanh những hàng hóa hay dịch vụ có hại cho thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến giáo dục con người) thực hiện theo đúng quy định nhà nước đề ra.
Tôi vẫn còn nhớ mãi mỗi khi bắt đầu buổi học trên lớp cả lớp đều đồng thanh hô khẩu hiệu 5 điều Bác Hồ dạy. Trong điều 5 Bác có dạy “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Bác có nhắc đến đức tính thật thà trung thực, đức tính này đã được vận dụng giảng dạy từ khi các em học sinh bắt đầu vô tiểu học. Nhằm răn dạy và nhắc nhở học sinh phải sống trung thực thật thà. Cho dù cuộc sống có đổi thay, làm con người cũng dần biến chất, chạy theo những tiền tài vật chất trước mắt mà đánh mất chính mình. Tuy nhiên, xã hội bây giờ có rất nhiều tấm gương thể hiện đức tính trung thực mà mỗi cá nhân cần học hỏi và noi theo.
Trung thực, thật thà là phẩm chất tốt đẹp và đáng quý của con người. Nó được thể hiện không phải qua những hành động gì cao đẹp, lớn lao mà có khi đơn giản chỉ là hành động nhỏ, ai cũng có thể thực hiện được như nhặt được của rơi trả lại người mất. Đó là nét đẹp văn hóa của cuộc sống, hành động nhỏ ý nghĩa đẹp với những cá nhân có đức tính trung thực. Vào khoảng 11 giờ, ngày 20 tháng 10 năm 2017, trên đường đi từ khoa ra Khoa khám bệnh, chị Lưu có nhặt được một ví da, trong đó có 3.673.000 đồng và một số giấy tờ liên quan. Ngay sau khi nhặt được số tiền trên chị đã báo cáo cho chỉ huy khoa, đồng thời đến gặp và giao lại số tiền trên cho cơ quan Chính trị, Chỉ huy Bệnh viện để trả lại người mất. Qua điều tra xác minh người mất số tiền trên là anh Trương Đình Chính, quê quán, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, là công nhân Đội xây dựng Dự án tại Bệnh viện.
Ta chợt nghĩ, xã hội hiện nay tiền bạc và vật chất xa hoa đã lôi cuốn hủy hoại đạo đức con người. Tuy nhiên, chúng ta vững lòng tin, có niềm tin rằng bên cạnh đó có không ít những hành động, nghĩa cử cao đẹp như chị Lưu cũng như nhiều tấm gương về đức tính trung thực, thật thà góp phần tạo dựng, phát triển một xã hội tiến bộ văn minh.
Đối với những người đang là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường thì trung thực thể hiện ở việc không bao giờ quay cóp bài trong thi cử, không dối lừa thầy cô, học hành chăm chỉ bằng chính năng lực của bản thân. Đối với những người làm kinh doanh lấy đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh làm trọng . Không bao giờ lừa dối khách hàng, không vì đua theo lợi nhuận mà sản xuất ra những mặt hàng kém chất lượng, bất hợp pháp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như nền kinh tế quốc gia. Những tiểu thương không vì lợi nhuận cao, hám lời mà ép giá những người nông dân cực khổ khi bán nông sản cho họ. Những thương nhân làm ăn đứng đắn hợp pháp sẽ nhận được niềm tin tưởng sự bảo vệ của nhà nước cũng như khách hàng. Đó là động lực khiến đất nước trở nên văn minh và giàu đẹp hơn.
Thế nhưng bên cạnh những tấm gương tổ chức, cá nhân trung thực thì vẫn còn đó những tồn tại bởi những người sống sai trái đáng bị lên án. Sau đây là những dẫn chứng thực tế ngoài xã hội đang diễn ra và được truyền thông báo chí tỉnh Đăk Lăk đưa tin nhân viên nhà xe đã không thực hiện quy định phòng chống dịch covid-19 và làm lây lan cho ít nhất 10 người khác. Công an tỉnh đã làm việc và điều tra và làm rõ vụ việc để có đủ căn cứ, cơ quan sẽ có phương án xử lý hình sự với trường hợp anh Hải tài xế nhà xe Tiến Oanh, anh này đã test nhanh covid tại bệnh viện và đã có kết quả dương tính. Trước và sau khi có kết quả thì tài xế đã không khai báo trung thực đi từ vùng dịch Hồ Chí Minh về địa phương nên cơ quan chức năng không xác định rõ được nguồn lây nhiễm, gây khó khăn cho công tác truy vết. Tài xế bất chấp quy định về tuân thủ phòng chống dịch Covid-19 mà ngang nhiên đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người gây hậu quả khôn lường làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho nhiều người.
Kế tiếp với dân chứng được nêu ra ở trên thì ngày nay có thể dễ dàng nhận ra trong môi trường giáo dục rất nhiều học sinh vẫn còn quay cóp trong các lần thi cử, kiểm tra, tình trạng bằng cấp giả mạo trở thành một vấn nạn nhức nhối đối với xã hội. Trong kinh doanh ngày nay rất nhiều những doanh nghiệp công ty núp bóng làm ăn chân chính để tạo nên những hậu quả khôn lường cho xã hội, cho sức khỏe người dân. Có thể kể đến như những vụ hàng nông sản tiêm thuốc bảo quản, những công ty xả nước thải trực tiếp ra môi trường làm chết cá hàng loạt. Thay vì cách nhận lỗi khắc phục hậu quả thì lại vòng vo và chối tội không trung thực khai báo. Đây là vấn đề nan giải mà cả nước đang đưa ra những giải pháp khắc phục và đưa ra những khung hình phạt thích đáng để tránh sự tiếp diễn những hành vi sai phạm.
Chính vì vậy, để giảm thiểu việc thiếu trung thực trong xã hội mỗi con người cần tự ý thức xây dựng cho mình tính ngay thẳng, thật thà từ những việc làm nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày, hãy luôn nhớ câu “ăn ngay nói thẳng” cũng là một phẩm chất đạo đức thể hiện tính thật thà sự trung thực. Ngoài ra mỗi chúng ta cũng nên dũng cảm lên án, phê phán đẩy lùi những hành vi thiếu trung thực, không thực thà, làm những việc sai trái, giả dối, trục lợi cá nhân trong đời sống để tạo một môi trường sống văn minh, trong sạch, một xã hội phát triển, một đất nước giàu mạnh.
Trung thực là một đức tính tốt đẹp thể hiện nhân cách sống của chính mình, đem lại niềm vui hạnh phúc vô hạn đến tất cả mọi người. Những lời nói, hành động thành thực lan tỏa đến tất cả mọi người để chúng ta cùng hướng đến một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta không sống thật với bản thân mình, không trung thực với mọi người xung quanh thì khi ta có gặp khó khăn thì cũng không ai giúp đỡ mình vượt qua. Chỉ khi ta trung thực thật lòng với người khác thì mới hiểu được tình nghĩa đoàn kết tương trợ lẫn nhau giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Tính trung thực không chỉ giúp chúng ta đạt đến thành công một cách chính trực mà còn làm cho chúng ta xít lại gần nhau hơn, thật thà với bản thân, thật thà với người khác sẽ là điều làm cho xã hội của chúng ta trở thành một xã hội văn minh tiến bộ nhất. Là một con người hiện đại trong một xã hội phát triển bạn càng cần phải rèn luyện cho mình đức tính trung thực. Bởi nó chính là con đường ngắn nhất để bạn có thể chinh phục được thiện cảm của người khác. Đồng thời nó cũng là động lực khiến cho xã hội loài người trở nên tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Như vậy, trung thực, thật thà không chỉ làm cho xã hội tốt đẹp hơn mà còn giúp ta nhận được sự yêu mến từ người khác, nhận được niềm vui trong tâm hồn.
Trung thực là đức tính cần thiết và mang tầm quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống trong xã hội hiện nay. Khi đất nước đang phát triển không ngừng về kinh tế, hội nhập với nền tri thức trên toàn thế giới nhưng song song đó đức tính trung thực phải cần được giữ gìn lan tỏa đến tất cả mọi người và cần được phát huy để cùng nhau xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh hơn. Tính trung thực góp phần nâng cao phẩm giá và cũng được xem là thước đo nhân cách, đạo đức của mỗi người làm lạnh mạnh các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, mỗi cá nhân đặc biệt là các bạn học sinh đang được học tập, rèn luyện ngay trên ghế nhà trường phải luôn cố gắng phát huy đức tính trung thực, luôn biết tu dưỡng đạo đức, không ngừng trau dồi thêm kiến thức và vận dụng tính trung thực thật thà trong đời sống thực tế hằng ngày mình hay gặp phải như hành động “nhặt được của rơi trả lại người mất” từ đó hoàn thiện bản thân, nhân cách của riêng mình được bạn bè và thầy cô tin yêu.
Nguồn: verbalearn.com
Nghị luận về trung thực – Mẫu 2
Trên thế giới này, ai ai cũng muốn hướng đến một cuộc sống không có thị phi, không có những toan tính đầy hiểm nguy. Và có lẽ tất cả mọi người, bất kể là ai thì cũng sẽ muốn có được một cuộc sống an nhàn, bình yên, một tâm hồn thanh thản, thanh tịnh khi về già hoặc là trong từng giai đoạn của cuộc đời. Nhưng để có được một cuộc sống như thế, thì trước hết chúng ta phải rèn luyện được một phẩm chất cao quý của con người được mang tên “Trung thực”. Trung thực là gì? Tác giả Thomas Jefferson có xuất bản một cuốn sách nói về sự khôn ngoan và trung thực là “chương đầu tiên”, có lẽ rất nhiều người cũng đồng ý với quan điểm này. Bởi vì có thể nói, trung thực chính là bước đệm đầu tiên trên vô vàn nấc thang hướng về phía tương lai rực rỡ và tràn đầy sự thanh thản trong lòng của mỗi người.
Theo như trong từ điển Tiếng Việt, thì trung thực là một tính từ chỉ sự ngay thẳng, thật thà của con người. Có thể hiểu một người trung thực chính là người có lối sống ngay thẳng, không nói dối, là người luôn làm việc đúng với sự thật, không cố tình làm sai lạc đi tính đúng đắn của sự việc, luôn luôn đứng về lẽ phải và bảo vệ sự công bằng. Sự trung thực được biểu hiện rất rõ ràng qua từng độ tuổi khác nhau hay từng đối tượng cụ thể. Đó là khi một đứa trẻ dũng cảm nhận lỗi vì đã lỡ tay làm vỡ cái ly trên bàn trong khi chơi đùa. Bạn học sinh không sử dụng tài liệu hay là nhìn bài bạn trong giờ thi. Hay là trong sản xuất, luôn dùng những nguyên vật liệu an toàn và chất lượng. Hoặc là sẽ cố gắng rèn luyện để có được bằng lái xe chân chính chứ không phải là đi mua bằng, và còn rất nhiều những việc khác nữa. Và trung thực không những là sự thật thà chất phác mà nó còn là bản lĩnh mà mỗi người cần phải có nữa. Chắc hẳn chúng ta không ai còn xa lạ về chị Võ Thị Sáu, người con gái được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chị đã bị bắt vì dùng lựu đạn tập kích giết chết những người Việt cộng tác với Pháp. Sau khi bị bắt giam, chị bị quân ác ôn tra tấn dã man bằng đủ loại cụ hình, thân hình mảnh mai của chị đầy thương tích, nhưng chị rất kiên cường và mạnh mẽ, tuyệt nhiên không bán tin, bán nước cho kẻ thù. Hay khi bị đưa ra pháp trường, chị vẫn rất quật cường, quyết không cúi đầu trước những kẻ xâm hại nước nhà, chị vẫn kiên định thể hiện tấm lòng yêu nước, yêu dân của mình. Chị hát vang bài “Tiến quân ca”, khi lính xử bắn lên đạn, chị ngừng hát và nói những lời cuối cùng: “Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ chủ tịch muôn năm!”. Và đây là một trong những tấm gương sáng được lưu truyền mãi đến tận ngày nay và cả mai sau về lòng kiên cường, lòng yêu nước và hơn hết là bản lĩnh của sự trung thực đối với đất nước Việt Nam.
Tuy không phải chỉ những việc to lớn mới được tính là trung thực, mà nó còn được biểu hiện trong những sự việc nhỏ hằng ngày. Nhưng có thể thấy, đây vẫn không là điều có thể dễ dàng thực hiện được trong cuộc sống. Bởi vì hiện nay, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu và đạt chuẩn về chất lượng thì vẫn còn những mặt hàng nhái, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ như gạo làm từ nhựa, mực làm từ cao su, thực phẩm chức năng kém chất lượng hay thuốc giả,.. Và những mặt hàng giả này là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Bởi vì hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính và niềm tin của người tiêu dùng, và còn làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Hoặc là những người tiếp tay cho kẻ xấu và không thực sự nỗ lực học hỏi, rèn luyện bản thân bằng cách tìm mua những tấm bằng đại học giả, bằng lái xe giả,… Hay là những bạn học sinh quay bài, sử dụng tài liệu trong giờ thi, hoặc những người sẽ “tặng điểm” cho học sinh sau khi nhận hối lộ. Xã hội sẽ ngày càng thụt lùi nếu như những vấn đề này vẫn lan rộng và tệ hơn hết là vô tình dạy hỏng các thế hệ mầm non tương lai. Và chúng ta cũng đừng ngần ngại đứng lên phê phán, lên án, xóa bỏ những tình trạng, tệ nạn nhức nhối này với tư cách là những con người trung thực, biết bảo vệ sự thật, đứng về phía lẽ phải nhằm đem lại một cuộc sống bình yên, sạch đẹp cho xã hội nhé.
Nếu chúng ta lựa chọn một lối sống không trung thực, thì chúng ta chỉ là một con người đầy giả dối, các mối quan hệ xung quanh cũng sẽ giả dối, không bền vững bởi vì không có niềm tin. Và vô tình đem lại những tổn thương về mặt tinh thần cho đối phương và sự cắn rứt lương tâm cho bản thân, hay là những thiệt hại lớn về vật chất. Nếu cứ sống như vậy, ta sẽ không dám tin vào bất cứ điều gì trong cuộc sống nữa, lúc nào cũng phải sống trong sự đề phòng, dè dặt vì sợ mọi chuyện sẽ bị lộ ra, sợ sẽ bị lừa lại và với cường độ cảnh giác cao như vậy thì tinh thần sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ và rồi sẽ trở thành một người vô cảm quyết đoán, đáng ghét trong mắt mọi người xung quanh. Trước khi chúng ta chuẩn bị làm ra một hành động giả dối, gian trá nào đó thì hãy nghĩ đến câu “Một lần mất tín, vạn lần bất tin”, để cảnh tỉnh lại những suy nghĩ không tốt của ta. Chúng ta hãy rèn luyện tính trung thực ngay từ bây giờ, bắt đầu từ thời điểm này chúng ta hãy vì bản thân, vì mọi người vì xã hội mà học cách sống trung thực. Không gì là không thể nếu chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của sự trung thực, cho đến bây giờ mọi thứ vẫn còn kịp, chúng ta hãy cố gắng sửa chữa những lỗi lầm, cứu rỗi chính bản thân ta và những người đã từng bị tổn thương vì ta, cho dù là nhiều hay ít thì điều đó vẫn rất ý nghĩa. Và khi tôi luyện được đức tính quý báu này bạn sẽ được nhiều người quý mến, được tín nhiệm, tin tưởng và mọi người sẽ có cái nhìn thiện cảm về bạn. Khi đó bạn cũng sẽ cảm thấy thanh thản, bình an trong lòng, tự hào về bản thân hơn và lấy đó làm động lực để tiếp tục bước đến tương lai rộng mở.
Nhưng có một điều mà ta phải biết rằng trung thực không phải lúc nào cũng chỉ đi đôi với sự thẳng thắn, là phải nói ra hết tất cả và không nghĩ đến cảm nhận của người khác, mà đôi khi phải thật khéo léo nữa, bởi vì đối với một vài trường hợp đặc thù mà nói, thì cái việc lúc nào cũng quá thành thật, quá thẳng thắn sẽ bị cho là kém duyên, hay nói thẳng là vô duyên. Bạn hãy thử nghĩ xem nếu vô tình rơi vào những trường hợp này thì bạn sẽ trả lời như thế nào nhé. Khi một đứa bé trong xóm vui vẻ phấn khởi chạy tới hỏi bạn là: “Chị ơi, em nặn hình bông hoa giống trước sân nhà chị nè, chị thấy có đẹp không?”, trong khi trên tay đứa bé là một cục đất sét màu tím, hồng lẫn lộn, nhìn không ra hình dạng. Hay khi cô bạn đã lâu không gặp, hẹn bạn đi ăn uống và xem một bộ phim hành động mà cô ấy rất ưng với hai tấm vé được tặng, bạn lại không thích xem phim hành động nhưng vẫn phải đi vì trước đó tiền ăn uống đã được cô bạn thanh toán, và lúc đi về cô ấy hỏi bạn là: “Cậu thấy thế nào? Bộ phim có hay không? Những cảnh hành động đấy thật hấp dẫn đúng chứ?” với một vẻ mặt đầy mong chờ. Có lẽ bầu không khí sẽ trở nên ngại ngùng và khó xử biết bao nếu bạn nói thẳng với đứa bé cất công nặn một bông hoa chỉ để khoe với bạn là cái đó đâu phải bông hoa, màu sắc cũng không giống, hay trả lời cô bạn là bộ phim này không hay đúng không nào? Thay vì thẳng thắn như vậy thì bạn có thể trả lời với đứa bé rằng: “Ồ, sáng tạo ghê ta, em biết pha màu cho hoa luôn, bông hoa này khó nặn lắm đó, em giỏi quá, nhưng mà chỗ cánh hoa này hơi nhọn nè, chị em mình chỉnh lại cho tròn tròn xíu nữa là y như thật luôn”. Hay bạn có thể trả lời cô bạn là: “Bình thường mình ít khi xem những bộ phim có cảm giác mạnh, nhưng hôm nay đi ăn và xem phim với cậu mình thấy rất vui nên cảm giác bộ phim này cũng khá hay”. Các câu trả lời như vậy vẫn giữ được phép lịch sự, nhã nhặn trong giao tiếp, không quá thẳng thắn nhưng vẫn phản ánh được sự thật, phải không nào?. Có một người đã từng nói: “Cuộc sống giống như một ly trà vậy, không được rót quá ít, cũng không được rót quá đầy, mà chỉ cần rót vừa phải thôi, là đã đủ rồi”. Cho nên đối với tùy trường hợp, tùy tình huống thì bạn cũng không nên trung thực quá, chú ý lời nói, cách giao tiếp để tránh làm đối phương cảm thấy tổn thương hay xấu hổ. Cũng không có nghĩa là bạn sẽ nói dối hoàn toàn, chỉ cần bạn biết cách để nói gián tiếp theo một ý nào đó thì đối phương cũng sẽ ngầm hiểu được ý của bạn. Từ đó cũng có thể khiến cho các mối quan hệ xung quanh bạn không bị rạn nứt, hay khó xử, mà ngày càng gắn bó hài hòa hơn nữa.
Trung thực là một phẩm chất cao quý của con người và là một đức tính tốt để chúng ta có thể điềm nhiên đối mặt với cuộc sống, nên chúng ta hãy cố gắng rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Và hãy cùng chung tay để lan truyền sự trung thực đến với mỗi cá nhân trong cộng đồng nhé. Từ đó chúng ta sẽ có được một nền tảng tốt để xã hội có thể phát triển một cách văn minh hơn, tinh tế hơn và mạnh mẽ hơn!
Nguồn: verbalearn.com
Nghị luận về trung thực – Mẫu 3
Giá trị tổng thể của con người được thể hiện ở ba phương diện: Đó là nhân diện ( những gì bạn đang sở hữu), nhân hiệu (tài năng của bạn) và giá trị nhân phẩm( chuẩn mực đạo đức). Người sống vì mình luôn chú trọng đến những giá trị bên ngoài, đó là những giá trị tạm thời không nói lên được điều gì. Người sống có trách nhiệm thì luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng tài năng và nhân phẩm, đặc biệt là những đức tính cần thiết quý báu của con người trong đó không thể không kể đến lòng trung thực.
“Trung thực là chương đầu tiên trong cuốn sách về sự khôn ngoan”. Sự trung thực luôn được đánh giá cao và trở thành phẩm chất mà nhiều người tìm kiếm trong suốt quá trình hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Nhưng không phải ai cũng đã thực sự hiểu rõ trung thực là gì? Đó là một đức tính luôn sống thành thực với người khác và cà với chính bản thân mình, là sự ngay thẳng, đứng đắn thật thà, không giả dối, luôn nói lên sự thật. Trung thực còn là sự tôn trọng lẽ phải, biết đấu tranh về chính nghĩa, vì lẽ công bằng, chính trị. Luôn tuân theo những chuẩn mực đạo đức và chân thật trong từng lời nói, hành vi. Không có di sản nào quý giá bằng lòng trung thực, không có trung thực nghĩa là không có đạo đức. Nó được xem là một trong những giá trị cốt lõi làm nên con người chân chính đúng nghĩa. Ngày còn bé tôi không hiểu tại sao người lớn thường nói: “Cuộc sống mà, Thạch sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Sau này tôi mới hiểu xã hội hiện đại với nhịp sống xô bồ, vội vã như hiện nay không phải ai cũng hiền lành, ngay thẳng, tử tế, chúng ta cần phải biết đề phòng và xem xét phân biệt được đâu là những người trung thực hay giả dối. Một người sống trung thực sẽ luôn tự tin, họ dám nói những gì muốn nói và làm những gì họ đã nói, ngay thẳng thật thà, sai thì dũng cảm dám thừa nhận và sửa chữa. Đôi khi có thể là làm mất lòng người nghe nhưng họ chỉ đơn giản là muốn nói lên sự thật, không giả tạo, yếu đuối hay ái ngại liệu mình có được yêu quý hay không. Tuy nhiên họ không phải là những người thô thiển, khô cứng hay bất lịch sự, họ vẫn biết cách giao tiếp, khen thưởng người khác một cách văn hóa nhưng chỉ là không nói dối, không nịnh bợ quá đà nhằm trục lợi cá nhân. Nếu bạn là một người luôn có những nguyên tắc, kỷ luật của bản thân thì đó cũng chính là một trong những biểu hiện của đức tính này rồi đó vì bạn sẽ không bao giờ đề ra nguyên tắc rồi phá vỡ nó bởi bạn luôn trung thực với chính mình cũng như với mọi người xung quanh. Ta sẽ luôn thấy tin tưởng những người sống trung thực bởi cách họ sống và làm việc rất chí lý. Nói đi đôi với làm, họ nói gì là sẽ thực hiện đúng y như vậy dù là từ những điều nhỏ nhặt nhất, luôn giữ chữ tín và có trách nhiệm. Ở những người như thế luôn toát lên vẻ đàng hoàng, đáng tin cậy, đường đường chính chính vì thế bạn sẽ thấy an tâm khi chia sẻ những câu chuyện, suy nghĩ của mình, họ sẽ cho bạn những lời khuyên tốt đến mức “Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, giúp bạn biết sống thật với bản thân, dám nhìn nhận vào thực tế. Quả thật, xã hội hiện tại của chúng ta không còn được, đơn sơ mộc mạc như thời ông bà ngày xưa nữa mà thay vào đó là một cuộc sống ấm no đủ đầy và nhiều xô bồ hơn, dĩ nhiên là mỗi thời sẽ có những cái riêng, cái hay và ta cũng đánh đồng quy chụp rằng thời nay thì chẳng còn ai trung thực, thật thà, thẳng tính. Đã có một câu chuyện như thế này. Có một ông vua nọ, tuổi đã cao, không có con để truyền ngôi nhưng lại có tài chăm sóc hoa và ông muốn để những bông hoa quyết định người kế vị mình và đưa cho tất cả người dân những hạt giống và ra lệnh ai trông được những bông hoa đẹp nhất sẽ được lên ngôi. Đến thời hạn, mọi người tụ tập lại cung điện với những bông hoa rất đẹp nhưng chỉ riêng có một cô bé thất vọng với các chậu hoa trống rỗng của mình, khi được hỏi cô đáp: “Thưa điện hạ, con đã làm mọi thứ nhưng làm sao mà hạt giống này mãi không nảy mầm được”. Vị vua cười lớn và nói: “ Cô không hề thất bại, những hạt giống ta phát đều đã được nướng chín thì làm sao có thể nở ra được những bông hoa, cô đã rất trung thực vì thế cô xứng đáng có được vương miện này ”. Ta có thể thấy trung thực là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo, thậm chí là phải chịu nhiều thiệt thòi, nhưng không chỉ vì lợi ích bản thân mà họ tiếp tay giúp đỡ cho sự gian dối, xấu xa. Chu Văn An đã từng dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần làm suy yếu triều chính ( thất trảm sớ ) nhưng không được vua Trần chấp nhận. Ông liền ở ẩn về quê dạy học, viết sách, luôn sống cương trực, dám thẳng thắn phê phán cái ác cái xấu, không cầu danh lợi.
Trong cuộc sống những câu chuyện về vấn đề sống trung thực chưa bao giờ là cũ. Nhưng thật sự đã mấy ai dám sống trung thực đúng nghĩa bởi khi đó người ta sẽ phải đánh đổi nhiều thứ, chịu nhiều hơn thua, được mất. Bù lại, bạn sẽ được mọi người yêu quý, nể phục, tín nhiệm, tin tưởng. Khi luôn nói thật lòng mình, sống đúng với suy nghĩ của mình bạn sẽ thấy luôn bình an, nhẹ nhõm, thanh thản trong lòng, gây được ấn tượng tốt, thuyết phục được người khác. Luôn sống xây dựng thương hiệu ngay thẳng, trung thực và giúp ta hoàn thiện nhân cách, nâng cao vốn kiến thức và nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng. Nó sẽ tiếp thêm sức mạnh lòng dũng cảm dám thừa nhận khuyết điểm, dám đấu tranh với cái ác cái xấu, góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp, bình yên. Người trung thực sẽ có một cuộc đời đơn giản “Ăn ngay nói thẳng” luôn suy nghĩ, sống và làm việc theo sự thật, chân lí. Họ luôn đối xử chân thành, thật lòng với mọi người không hề mưu cầu hay toan tính những điều tiêu cực. Biết phân định sai trái và không bao giờ bao che cho kẻ xấu hay làm việc xấu. Sẽ không quá nếu như ví lòng trung thực như một viên ngọc làm đẹp cho đời, giúp cho các mối quan hệ thêm lành mạnh trong sáng. Vì thế, chúng ta nên biết mài dũa viên ngọc đó, có nhận thức đúng đắn về vai trò của đức tính trung thực để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này của dân tộc. Đức tính này còn được thể hiện ở nhiều khía cảnh phong phú. Trung thực về tiền bạc nhưng không lấy, không sử dụng tham ô và không nghĩ đến chiếm dụng tài sản của cải, hàng hóa không phải là của mình. Ví dụ như trong mua bán nếu nhận được phần tiền dư thừa so với công sức bản thân thì người đó sẽ trả lại, thấy người khác làm rơi đồ sẽ không nổi lòng tham bất chính hôi của mà tìm cách đem trả. Trong kinh doanh không vì lợi nhuận trước mắt, luôn làm ra các sản phẩm chất lượng, đúng giá, không làm giả, nâng giá hay sử dụng nguyên liệu rẻ bất hợp pháp. Tiếp theo là trong các mối quan hệ với mọi người: Không báo cáo sai sự thật, không nói ra những gì mâu thuẫn với suy nghĩ bên trong của chính mình. Trong học hành thi cử, không quay cóp gian lận, chép bài của bạn hay mở tài liệu, không chạy điểm, dùng bằng giả, không dung túng tiếp tay có những hành vi xấu, thẳng thắn nhìn nhận, chịu phê bình khi vi phạm,…Tất cả những điều trên đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với chính mình giống như Anderson đã từng nói: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc ta phải thành thật với chính bản thân”. Sống trung thực với mình và mọi người là điều cần thiết nhưng không phải ở trong hoàn cảnh nào, người nào cũng đúng đắn phù hợp. Trong giao tiếp hàng ngày đôi lúc bạn cũng nên khôn khéo, tinh tế, nghĩ kĩ, tránh nói thẳng quá gây mất lòng hoặc tổn thương người khác, làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Thay vào đó có thể nói giảm nói tránh hợp lý, một vài lời động viên tán thưởng không đúng sự thật nhưng sẽ giúp người đó thấy tốt hơn. Ngoài việc chú ý đến một vài điều khoản ngoại lệ thì cách rèn luyện phẩm chất này liệu có khó? Đó là cả một quá trình lâu dài, từ việc nhỏ nhất hàng ngày đến việc lớn lao sau này, ngay trong từng lời nói cũng tập cho mình thói quen trung thực, không dối trá, trong cách ứng xử với mọi người phải ngay thẳng, chính trực, “cây ngay không sợ chết đứng” sai thì sửa, yếu thì khắc phục, không tha hóa đạo đức chỉ vì lợi ích trước mắt. Biết lên án, đẩy lùi những hành vi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, thiếu trung thực và học tập, noi gương những tấm gương tốt.
Những người thiếu trung thực, nhất thời có thể đạt được lợi ích nhất định nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và đánh mất đi lòng tin của người khác. Trong kinh doanh sẽ mất đi những đối tác làm ăn, trong học tập lao động sẽ không còn ai tin tưởng mình nữa, trong công việc, nếu số liệu báo cáo sai lệch sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước…Ta cần phải biết phê phán, nhận diện và tránh xa những người gian dối như thế, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đồng thời học cách tự bảo vệ bản thân để không bị lừa dối, lợi dụng hay trở thành nạn nhân của những kẻ không trung thực.
“Hãy trung thực trong những điều nhỏ nhất vì sức mạnh của bạn nằm ở đó. Nó sẽ là bước đệm đầu tiên thậm chí khi mà bạn không thấy được tất cả các bậc cầu thang”. Bạn thân mến, bài học về cách sống trung thực là câu chuyện chưa bao giờ cũ, hơn nữa trong cuộc sống ngày nay điều đó lại còn là một câu hỏi lớn. Ngay cả khi, việc trung thực đồng nghĩa là bạn phải đối diện với sự hy sinh, thất bại, can đảm trả giá, đôi khi còn chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Ta vẫn cần phải rèn luyện, giữ gìn đức tính tốt đẹp này. Có thế, mới có thể ngẩng cao đầu mà sống ý nghĩa và cảm thấy thanh thản bình yên trong lòng hơn là việc chỉ lo ganh đua, được gì, mất gì.
Nguồn: verbalearn.com