Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về trò chơi điện tử, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận về trò chơi điện tử
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về trò chơi điện tử. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về trò chơi điện tử – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Trò chơi điện tử
Thân bài
#1. Khái niệm về trò chơi điện tử
- Lợi ích của trò chơi điện tử mang lại.
- Thỏa mãn nhu cần giải trí, giải tỏa nhu cầu căng thẳng, mệt mỏi,…
#2. Thực trạng trò chơi điện tử hiện nay
- Các trò chơi online ngày càng phát triển mạnh với nhiều tựa game phong phú, đa dạng
- Số lượng quán game, quán net mọc lên như nấm thu hút đông đảo người chơi,…
- Người chơi trò chơi điện tử có nhiều thành phần với nhiều độ tuổi khác nhau, tỷ lệ đông đảo nhất vẫn là các bạn học sinh, sinh viên.
#3. Nguyên nhân
- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin
- Gia đình lơ là trong việc quan tâm đến con cái, chưa giám sát chặt chẽ,…
- Bản thân còn ham chơi, tò mò, nhận thức còn hạn chế,
#3. Hậu quả
- Ảnh hưởng đến thị giác, sức khỏe, tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc,…
- Đối với học sinh gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, khi chơi những trò chơi bạo lực còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách,…
- Gây mất tập trung ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống đi xuống.
#5. Giải pháp
- Tuyên truyền, phổ biến về những hậu quả mà trò chơi điện tử gây ra khi con người làm dụng nó.
- Người chơi cần biết sắp xếp và sử dụng quỹ thời gian hợp lý, không dành quá nhiều thời gian cho những trò chơi vô bổ.
- Lựa chọn những hình thức giải trí có lợi cho sức khỏe như vận động thể dục thể thao.
- Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp trong việc định hướng cho học sinh tìm đến những trò chơi bổ ích và tránh xa những trò chơi điện tử.
Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận: Trò chơi điện tử và rút ra bài học, liên hệ bản thân.
Dàn ý nghị luận về trò chơi điện tử – Mẫu 2
Mở bài
- Sơ lược về trò chơi điện tử.
Thân bài
#1. Thế nào là trò chơi điện tử
- Là trò chơi trên các thiết bị như tivi, máy tính, điện thoại.
#2. Những tác hại của trò chơi điện tử
- Nếu quá lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, kết quả học tập, các mối quan hệ cũng dần mờ nhạt.
- Chơi những trò quá bạo lực sẽ ảnh hưởng đến tính cách
- Tốn thời gian và tiền bạc
#3. Nguyên nhân
- Các sản phẩm công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ
- Các trò chơi ngày càng phong phú đa dạng thu hút người chơi
- Do cha mẹ quản lý con cái không chặt chẽ
- Không biết sắp xếp, quản lý thời gian
#4. Giải pháp
- Tự làm chủ bản thân
- Gia đình cùng nhà trường cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, tổ chức nhiều hoạt động và sân chơi cho các bạn học sinh.
- Gia đình cần quan tâm con em mình hơn ngay từ lúc còn nhỏ
#5. Lợi ích của trò chơi điện tử
- Giải trí, tăng khả năng tư duy, làm việc nhóm, kết nối với mọi người, trau dồi khả năng tiếng anh.
- Kiếm tiền nhờ game.
Kết bài
- Không nên quá lạm dụng trò chơi điện tử, cần cân bằng giữa học và chơi.
Dàn ý nghị luận về trò chơi điện tử – mẫu 3
Mở bài
+) Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Về trò chơi điện tử.
Thân bài
1. Giải thích
+) Trò chơi điện tử là những trò chơi được chơi trên thiết bị điện tử nhằm mục đích giải trí cho con người mỗi khi đầu óc mệt mỏi.
+) Là trò chơi mà trẻ con và người lớn đều thích chơi.
2. Biểu hiện
+) Chơi cả ngày, cả đêm, quên thời gian, bỏ cả ăn ngủ.
+) Muốn mình là người chơi giỏi nhất.
+) Thường bắt gặp ở tất cả mọi nơi.
+) Nguyên nhân:
– Do cha mẹ quá nuông chiều, chỉ lo kiếm tiền ít quan tâm đến con cái.
– Vì theo bạn bè rủ rê chơi xem ai là người thắng và có thể là cá cược từ những trò chơi.
– Không có ý thức được tai hại khi chơi.
+) Tác hại của trò chơi điện tử:
– Làm cho đầu óc lúc nào cũng lú lẫn, trong đầu chỉ có những hình ảnh, ảo giác về game.
– Chơi không ăn, không ngủ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Làm suy giảm đạo đức trong con người mình khi chơi các loại game như đánh nhau, bắn người hoặc có thể trộm cắp lấy tiền chơi game.
– Làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội và có thể xảy ra mâu thuẫn bất cứ lúc nào.
– Gây ra các hành động làm vi phạm pháp luật.
3. Bình luận
+) Lên án những bạn trẻ ngày nay quá xa đà vào màn hình điện thoại máy tính chỉ để chơi game.
+) Cần nói đến là các ông bố, bà mẹ không can thiệp ngăn cản con mình bỏ mặc cho con thích chơi sao thì chơi, quá vô tâm thờ ơ với con cái mình.
+) Cần có những giải pháp tốt nhất của pháp luật để tránh tình trạng các trò chơi mạo hiểm, hay tính mạng con người được ra đời và du nhập vào nước ta.
4. Bài học cá nhân về trò chơi điện tử
+) Cần có ý thức hơn trong việc sử dụng các thiết bị điện tử vào đúng mục đích.
+) Quan tâm hơn đối với con em mình.
+) Không cho tiếp xúc điện thoại từ khi còn nhỏ.
+) Tuyên truyền cái tác hại của việc chơi game quá nhiều sẽ rất ảnh hưởng cho chính bản thân mình.
+) Tạo ra những trò chơi dân gian để tránh cho con trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử.
Kết bài
+) Khẳng định lại những tác hại của trò chơi điện tử.
+) Liên hệ bản thân.
Văn mẫu nghị luận về trò chơi điện tử – Mẫu 1
Cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật đời sống vật chất tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh các nhu cầu về ăn mặc, ở, sinh hoạt hằng ngày thì nhu cầu về giải trí cũng được mọi người được chú trọng và cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu này nên đã có nhiều trò chơi điện tử ra đời dần thay thế cho các trò chơi truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trò chơi điện tử ngày càng phát triển và hệ lụy của nó làm cho con người lún sâu vào thế giới ảo đó chính là trò chơi điện tử.
Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí được ra đời dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử. Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các hệ thống mạng internet đã đem đến một số lợi ích cho cuộc sống con người như tìm kiếm thông tin nhanh hơn, giúp cho con người ở mọi miền tổ quốc hay ở khắp nơi trên thế giới có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng, làm việc hiệu quả hơn,… Tuy nhiên sự phát triển này tạo tiền đề và nền tảng tốt cho sự ra đời của trò chơi điện tử. Chỉ cần một chiếc điện thoại, một cái máy tính để bàn hay một cái máy tính bảng, laptop có kết nối mạng internet thì chúng ta có thể dễ dàng tham gia lựa chọn được vô số các trò chơi online trên các trang mạng khác nhau tùy vào sở thích của mỗi người.
Như chúng ta có thể thấy hiện nay trên thị trường có rất nhiều trò chơi điện tử có cả trò chơi offline và trò chơi online. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là trò chơi online. Các trò chơi này thì rất đa dạng và phong phú về nội dung, hình thức, trò chơi thì luôn cuốn, gay cấn, đồ họa đẹp do đó nên rất dễ thu hút nhiều người chơi. Với các trò chơi online như vậy thì nó không dành cho riêng ai nên chỉ cần bạn muốn chơi là có thể tạo một tài khoản một cách đơn giản và nhanh chóng thì đã có thể chơi được nhiều tựa game khác nhau, bên cạnh đó có nhiều trò chơi mà người chơi không cần tạo bất kỳ tài khoản game nào mà vẫn có thể vào chơi một cách dễ dàng. Hiện nay các tiệm game các quán net được mở ra rất nhiều ở khắp mọi nơi và đặc biệt là ở các nơi này luôn đông đúc người chơi không kể sáng tối. Sự đa dạng của các trò chơi như hiện nay thì nó thu hút đông đảo người chơi từ nhiều độ tuổi khác nhau từ lớn đến bé, già tới trẻ. Nhưng phổ biến nhất vẫn là giới trẻ chơi trò chơi điện tử là chủ yếu. Có nhiều bạn học sinh còn rất nhỏ tuổi nhưng lại được tiếp cận với điện thoại, máy tính từ rất sớm nên các bạn này cũng tỏ ra rất am hiểu và sành sỏi về các trò chơi điện tử. đặc biệt tỷ lệ các bạn tham gia trò chơi điện tử nhiều vẫn là các bạn học sinh, sinh viên và tần suất trong các cuộc nói chuyện của các bạn này chủ yếu nói về các tựa game nổi tiếng như liên quân, liên minh huyền thoại, võ lâm truyền kỳ,…
Chúng ta không thể phủ nhận rằng, sự ra đời của trò chơi điện tử đã giúp con người giải tỏa bớt những căng thẳng, mệt mỏi sau những thời gian học tập, làm việc. Trò chơi điện tử vô cùng phong phú và đa dạng, người dùng có thể thoải mái lựa chọn những trò chơi phù hợp với nhu cầu cũng như độ tuổi của bản thân. Như vậy khi biết sử dụng một cách hợp lí về cách thức cũng như có quỹ thời gian hợp lý chơi trò chơi điện tử thì sẽ đem đến những lợi ích nhất định cho người chơi. Tuy nhiên trên thực tế, con người đang lạm dụng cũng như đầu tư nhiều thời gian cho những trò chơi điện tử và vô tình khiến chúng trở thành những mối nguy hại.
Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của các trò chơi điện tử là do sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet phổ biến. Hiện nay hầu hết các tỉnh thành đều đã có mạng internet bằng cáp hay 4G, tuy nhiên nhiều nơi vùng sâu, vùng xa vùng kinh tế khó khăn thì vẫn chưa có mạng internet. Đời sống xã hội nhu cầu về vật chất, tinh thần của con người ngày càng được nâng cao thì hầu hết đa số bây giờ nhà nào cũng có ít nhất là một đến hai cái điện thoại cảm ứng có kết nối internet, thậm chí nhiều gia đình có bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu cái điện thoại thông minh. Cũng nhiều gia đình do nhu cầu của công việc nên cũng trang bị cả máy tính để bàn hay máy tính xách tay, hoặc trang bị để phục vụ con em mình học tập,… Cũng do sự phát triển của công nghệ nên nhiều gia đình đã trang bị nhiều thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại về để làm việc, giải trí hay nhằm mục đích chơi game,… do đó mà nhiều bạn cũng được tiếp xúc với các trò chơi từ rất sớm, dễ thấy trong cuộc sống hiện tại có rất nhiều gia đình cho các bạn nhỏ chơi các trò chơi online rất sớm khi mới chỉ 7-8 tuổi đã chơi được rất nhiều trò chơi và tỏ ra vô cùng am hiểu về các trò chơi đó.
Bên cạnh đó gia đình quản lý con mình một cách rất lỏng lẻo, không quan tâm nhiều đến con cái. Nhiều gia đình bận lo làm ăn kiếm tiền nên việc quan tâm đến con mình cũng hạn chế, cũng nhiều gia đình có điều kiện nên tạo điều kiện hết sức cho con mình, nuông chiều quá mức, muốn gì là bố mẹ sẵn sàng làm cho,… cũng vì những lí do đó mà các bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các trò chơi điện tử thường cao hơn so với các bạn được bố mẹ quan tâm, quản lý chặt chẽ về việc sử dụng điện thoại hay máy tính. Cũng do bản thân chúng ta ý thức chưa cao, luôn có tính hiếu thắng và thích tò mò về các trò chơi. Bản thân nhận thức chưa cao lại có tính hay tò mò nên rất dễ bị bạn bè lôi kéo vào chơi chung các trò chơi online, không sắp xếp quỹ thời gian hợp lý mà lúc nào cũng thấy dán mắt vào thế giới ảo trên các trò chơi dần dần sẽ bị lạm dụng quá mức dẫn đến nghiện game. Các trò chơi thì luôn có sự cập nhật mới mẻ bên cạnh thiết kế đồ họa đẹp mắt, nhân vật thì ngày càng được mô phỏng giống như những con người thực với những trò chơi nhập vai, lôi cuốn tạo sức hút với các bạn trẻ vô cùng nhưng lại rất dễ chơi, nên ai chơi một hai lần sẽ cảm thấy thích thú bị cuốn vào những trò chơi đó khó lòng mà dứt ra được.
Nếu như một ngày chúng ta bỏ quá nhiều thời gian vào việc chơi các trò chơi điện tử hằng ngày với cường độ cao, liên tục sẽ dẫn đến hậu quả là thị lực đôi mắt của bạn sẽ dần yếu đi vì bạn suốt ngày cứ dán mắt vào máy tính, điện thoại. Như các nhà khoa học khuyến cáo nếu rằng ánh sáng của màn hình điện thoại và của máy tính nó ảnh hưởng đến thị lực của chúng ta rất nhiều đây là nguyên nhân bệnh cận thị ngày càng nhiều ở giới trẻ hiện nay. Việc chơi trò chơi điện tử làm tiêu tốn rất nhiều thời gian của mỗi người vừa gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng ta có thể dễ nhận biết nhất tình trạng này hay diễn ra ở các quán game, tiệm net. Ở đây các bạn chơi game nhiều giờ liên tục, xuyên suốt ngày đêm như vậy khiến cho bản thân không còn thời gian để làm công việc khác, không những ảnh hưởng đến công việc, học tập mà còn gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của chính bản thân mình, nhiều người nghiện game thì cũng sẽ nghiện thuốc lá đây là nguyên nhân gây nên chứng mất kiểm soát hành động bản thân vì quá nhập tâm vào nhân vật trong game mà họ chơi, gây suy nhược cơ thể, bị các bệnh về tim mạnh,…
Đối với các bạn học sinh thì việc chơi các trò chơi điện tử nhiều thì sẽ dẫn đến nghiện, đã không ít những trường hợp học sinh vì nghiện game mà trốn học đi chơi, việc trốn học thường xuyên, lên lớp không tập trung thì gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập của các bạn học sinh. Khi nhận thức bản thân còn hạn chế, đang hoàn thiện về nhân cách mà nghiện các trò chơi điện tử nó cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người. Hiện nay các trò chơi điện tử không đơn thuần là để giải trí, có nhiều trò chơi mang tính chất bạo lực nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và phát triển về nhân cách. Chẳng hạn như có trường hợp chơi game nhiều đến mức bản thân muốn trở thành y chang nhân vật trong game sao cho thật giống khi đánh nhau, thậm chí còn dẫn đến nhiều hậu quả thương tâm xảy ra, làm giấy lên làn sóng dư luận trong xã hội.
Chơi trò chơi online thường xuyên cũng sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của nhiều người, không tập trung vào công việc dẫn đến năng suất làm việc chưa cao, dẫn đến bản thân thường xuyên bị nhắc nhở nếu không tiến bộ có thể sẽ bị luân chuyển qua các bộ phận khác hoặc là cho nghỉ việc. Khi công ăn việc làm không có mà game thì không mang lại nguồn thu nhập gì thì cuộc sống sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là nợ nần, do có nhiều trò chơi online yêu cầu người chơi phải nạp tiền để mua đồ, tăng cấp cho nhân vật mình chơi để cho nhân vật của mình được mạnh, vip trong thế giới game thì mới có thể đi đánh nhau được, còn có nhiều trò chơi online dưới hình thức đánh bài ăn tiền,… chính vì thế mà không ít người không chỉ nợ tiền giờ còn nợ tiền nạp vào các trò chơi. Khi đó chất lượng cuộc sống sẽ đi xuống thậm chí có nhiều vụ việc vì không có tiền chơi game mà đi ăn trộm tiền của bố mẹ, ông bà và của người khác. Đã có nhiều vụ việc được phản ánh trên các trang báo, phương tiện truyền thông vì muốn có tiền chơi game mà đã giết người, cướp tài sản để có tiền chơi game trong giới trẻ hiện nay. Gây mất trật tự an toàn xã hội, không đảm bảo an ninh cho đời sống của người dân vì nạn trộm cắp, cướp giật thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, bất bình trong xã hội.
Để hạn chế được tác hại, hậu quả của trò chơi điện tử thì trước hết bố mẹ cần giám sát trẻ thường xuyên để phát hiện những vấn đề bất thường, định hướng trẻ chơi những trò chơi online một cách phù hợp, có thời gian biểu rõ ràng. Gia đình cũng cần giải thích cho trẻ về những tác hại của việc nghiện game, dành nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ, khuyến khích con mình tham gia các hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Trường học cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa nghiện các trò chơi điện tử. Nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa lành mạnh, bổ ích và tăng cường công tác quản lý, giáo dục, tuyên truyền những mặt tốt, mặt xấu của các trò chơi điện tử.
Bản thân mỗi người cần nâng cao nhận thức, hiểu rõ về tác hại của việc nghiện các trò chơi điện tử nó ảnh hưởng đến công việc, học tập ra sao từ đó có quỹ thời gian cho hợp lý. Tuyên truyền cho bạn bè và mọi người xung quanh về tác hại của trò chơi điện tử. Chỉ chơi những trò chơi mang tính giải trí cao, lành mạnh, không chơi những trò chơi mang tính bạo lực, có liên quan đến cờ bạc,… Bản thân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước những cám dỗ của người khác, tránh bị bạn bè lôi kéo. Không ngừng học tập, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi những điều hay để có thêm kiến thức, mở rộng hiểu biết cho bản thân để trở thành những trụ cột của gia đình, đất nước là những người công dân có ích cho xã hội.
Trò chơi điện tử chủ yếu mang tính chất giải trí tuy nhiên đã có những trò chơi có thể giúp bạn kiếm thêm thu nhập, được tổ chức trên các sân chơi thể thao như liên quân, pubg,… nhưng nó chỉ là những con số rất ít và những người chơi kiếm được tiền từ trò chơi điện tử cũng rất rất ít người làm được điều này. Trò chơi điện tử vốn được sản xuất ra với mục đích tốt đẹp và giúp con người thư giãn, giải trí, chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải biết giải trí hợp lí để vừa thư giãn vừa mang lại hiệu quả cho cuộc sống.
Trò chơi điện tử đang dần thay thế cho các trò chơi truyền thống làm cho các trò chơi truyền thống đang bị mai một, vì vậy chúng ta ngoài chơi các trò chơi điện tử thì cũng cần phát huy, duy trì, bảo tồn những văn hóa dân gian của dân tộc để truyền lại cho các thế hệ sau. Bản thân mỗi người cần tích tham gia vào các hoạt động xã hội, thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe, nhân cách, có lối sống lành mạnh, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội.
Văn mẫu nghị luận về trò chơi điện tử – Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là việc trẻ em được tiếp xúc với môi trường mạng internet ngày càng sớm, đặc biệt đó chính là trò chơi điện tử. Đôi khi cuộc sống quá bận rộn khiến cho bố mẹ không có thời gian chơi với con cái dẫn đến việc nhiều trẻ em chỉ thích thú với việc chơi các trò chơi điện tử. Vậy, trò chơi điện tử là gì và nó có những tác dụng như thế nào mà khiến cho giới trẻ mê mẩn như vậy.
Nói một cách đơn giản, trò chơi điện tử chính là các trò chơi trên thiết bị điện tử như là máy tính, điện thoại, tivi, máy chơi game… và trên nhiều thiết bị khác nữa. Những trò chơi này được thiết kế sinh động, bắt mắt ví dụ như: Plants vs Zombies, Pubg, Thiện nữ u hồn, và hiện nay các trò chơi dân gian như là ô ăn quan hay cờ ca rô, đều có thể chơi được trên các thiết bị điện tử.
Cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó và trò chơi điện tử cũng vậy, nếu không biết sử dụng một cách thích hợp thì nó sẽ gây ra những hậu quả nặng nề. Đầu tiên phải nói đến đó là nếu ngồi trước màn hình máy tính trong một thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến mắt của bạn, sức khỏe bị tổn hại, không chỉ dừng lại ở đó, việc nghiện nó cũng sẽ khiến cho các bạn bỏ bữa hay ăn uống không đầy đủ, không khoa học, thậm chí còn xuất hiện những tình trạng rối loạn giấc ngủ, khi chơi game trong một thời gian dài cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần người chơi ví dụ như dễ cảm thấy bực bội cáu gắt, rất dễ gây gỗ với mọi người xung quanh dù chỉ là chuyện nhỏ xíu thôi. Ngoài ra, nếu không vận động trong một thời gian dài xương khớp cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít. Bên cạnh đó, không ít các bạn trẻ vì ham mê game mà bỏ bê học hành, không ít các tình trạng nói dối thầy cô và cha mẹ trốn học để đi chơi game, không chịu làm bài, từ đó dẫn đến kết quả học tập ngày càng kém đi khiến cho các bạn dần chán nản vào việc học. Chơi game nhiều cũng sẽ làm cho mọi người dần lơ là đến các mối quan hệ gia đình và bạn bè, từ đó dần hình thành thói quen ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, các mối quan hệ cũng dần mờ nhạt từ đó, nặng hơn có thể dẫn đến bệnh tự kỷ. Bên cạnh đó, nếu chơi quá nhiều những game có xu hướng bạo lực, sẽ khiến cho người chơi hình thành tính cách nóng nảy dễ dẫn đến hành vi bạo lực. Chơi game khiến người chơi dễ bị cuốn từ đó khiến cho việc bỏ phí thời gian mà không kiểm soát được, có một số trò chơi còn khiến chúng ta tốn tiền để mua thời gian chơi hoặc mua vật phẩm, nhưng một vấn đề còn đáng nói hơn đó chính là những bạn nhỏ đang còn lứa tuổi học sinh, sinh viên thì tiền đâu để có thể chơi được những trò như vậy nhỉ, và đó chính là nguyên nhân của việc hình thành các thói hư tật xấu như là nói dối cha mẹ, trộm cắp để có tiền chơi game và mua vật phẩm. Những câu chuyện về nghiệm game không chỉ xuất hiện ở các bạn lứa tuổi học sinh, sinh viên mà còn có người lớn. Đối với những kẻ ngoại đạo việc tốn thời gian, công sức và tiền bạc vào đó thật vô bổ nhưng đối với những người nghiện game đó chính là thú vui lôi cuốn khó bỏ được.
Vậy, nguyên nhân các tác hại trên là từ đâu, nguyên nhân chính phải nói đến đó chính là do sự phát triển của các sản phẩm điện tử ngày càng hiện đại và tiện lợi giúp người chơi có thể dễ dàng tiếp cận các trò chơi điện tử một cách dễ dàng, bạn chỉ cần một chiếc điện thoại cảm ứng là có thể chơi được vô số trò. Ngoài ra sự hấp dẫn, lôi cuốn của các trò chơi khiến cho người ta mất kiểm soát. Và nguyên nhân một phần cũng là do sự quản lý không chặt chẽ của gia đình không quan tâm đến con em mình, có lẽ do quá bận rộn với công việc và kiếm tiền mà họ xao nhãng việc chăm sóc, dạy dỗ con em. Bên cạnh đó do chính bản thân của người chơi không biết sắp xếp, quản lý thời gian hợp lý khi chơi trò chơi điện tử.
Làm thế nào để giải khắc phục những tình trạng trên? Làm chủ chính bản thân có thể nói là giải pháp hiệu quả nhất, bởi vì chỉ khi sử dụng nó một cách có kiểm soát và làm chủ được bản thân thì mới mang lại được một kết quả tốt nhất. Nhà trường cần đưa ra các biện pháp giải quyết như là tổ chức các sân chơi lành mạnh tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được tiếp xúc và giao lưu với nhiều người hơn, lắng nghe ý kiến của các bạn, từ đó mà tuyên truyền cho các học sinh lối sống lành mạnh. Ngoài ra, gia đình cần quan tâm tới con em mình ngay từ khi còn nhỏ, cần quản lý và kiểm soát các trò chơi.
Như đã nói, cái gì cũng có những mặt xấu và tốt và trò chơi điện tử cũng vậy, không thể phủ nhận được rằng nếu chơi game đúng cách nó sẽ mang lại những hiệu quả bất ngờ. Không những cho chúng ta giải trí sau những giờ làm việc và học hành căng thẳng nó còn giúp cho chúng ta phát triển tư duy và hình thành khả năng làm việc nhóm, vì khi chơi bất cứ trò chơi nào chúng ta cũng sẽ phải tìm mọi cách để vượt qua thử thách mà trò chơi đặt ra và các trò chơi có yêu cầu làm việc nhóm cần có sự phối hợp ăn ý và nhịp nhàng giữa các thành viên. Bên cạnh đó việc chơi các game online còn giúp cho người chơi mở rộng được các mối qua hệ, nghe có vẻ rất vô lý nhưng đó lại là sự thật, bởi vì nó giúp bạn tương tác làm quen với những người có sở thích giống mình. Và một lợi ích không thể phủ nhận về việc chơi các trò chơi điện tử có phụ đề tiếng anh còn giúp cho chúng ta trau dồi khả năng ngoại ngữ. Vốn từ vựng của bạn sẽ tăng lên một cách đáng kể nếu chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngày nay có không ít các bạn trẻ kiếm được tiền nhờ vào việc Stream game, ví dụ như Streamer Độ Mixi hay Linh Ngọc Đàm đều là những cái tên nổi tiếng trong làng Stream Game, hay nhiều game thủ cũng có thể kiếm ra tiền bằng cách trở thành người test game.
Chúng ta không nên quá lạm dụng vào trò chơi điện tử, cần cân bằng giữa việc học và chơi để mang lại một hiệu quả tốt nhất khi sử dụng trò chơi điện tử. Là học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước chúng ta cần nhận thức rõ điều này để không xa vào những tệ nạn xã hội.
Văn mẫu nghị luận về trò chơi điện tử – Mẫu 3
Con người chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh phát triển không ngừng nghỉ ngày càng hiện đại hơn. Chính cái hiện đại này thì việc lắp mạng hay sản xuất ra chiếc điện thoại, máy tính, ti vi là điều rất cần thiết để phục vụ cho nhu cầu làm việc thiết yếu của con người. Nhưng đáng nói ở đây là công nghệ càng phát triển thì cho ra đời những trò chơi làm cho con người ta lú lẫn không thoát ra được. Đấy đang là vấn đề cần quan tâm của các bậc cha mẹ trong thời buổi hiện nay.
Trước hết ta nên hiểu rõ về trò chơi điện tử là gì? Là những trò chơi được chơi trên thiết bị điện tử nhằm mục đích giải trí cho con người mỗi khi đầu óc mệt mỏi, làm cho ta bị mê muội mất thời gian vào những thứ vô bổ ấy. Nói đến các trò chơi điện tử thì công ty Pokkt ( Ấn Độ ) trong bản báo cáo mới được công bố về “ Sức mạnh của trò chơi trên điện thoại di động Việt Nam ” nhằm cung cấp các bức tranh toàn cảnh với số liệu mới nhất và chi tiết nhất về trào lưu trò chơi trên thiết bị di động tại Việt Nam. Pokkt chỉ ra rằng: Việt Nam đang có hơn 28 triệu game thủ, khi nghe tới đây thật hoảng hốt khi đây là con số đáng báo động mà chúng ta cần phải suy ngẫm. Họ nhận ra rằng kể cả là giới tính, độ tuổi nào đi chăng nữa thì đều có thể chơi game chứ không phân biệt bất cứ ai. Đúng vậy không thể nào ta trách được xã hội tại sao lại phát minh ra mấy thứ như vậy làm hư hỏng con cái họ, vì xã hội luôn chuyển động luôn thay đổi bỏ cái lạc hậu và theo cái mới nên ta cần phải luân chuyển để theo kịp với cuộc sống bây giờ. Khi có ai đó đã hỏi tôi về việc có chơi game hay không? Tất nhiên câu trả lời của tôi là có rồi, không thể nào ta nói không như vậy sẽ rất giả dối và không thật lòng. Đấy chỉ có một câu hỏi như vậy thôi nhưng người khác cũng có thể đánh giá bạn rồi đấy, thật nực cười khi nghe ai đó trả lời chưa bao giờ chơi game nhất là giới trẻ chúng ta hiện nay. Các bạn thử nghĩ xem chúng ta đang sống ở thời hiện đại, công nghệ thông tin phát triển cho ra đời những trò chơi game theo chủ đề khác nhau như là: Game nấu ăn, game thời trang, nông trại,… thì ít nhiều gì chúng ta cũng đã chơi qua rồi nên đừng ngại mà hãy trả lời thật lòng mình nhé! Vấn đề ở đây là các bạn chơi như thế nào? Có những hệ lụy hay ảnh hưởng đến chính bản thân mình hay không? Trước tiên ta nên biết về những biểu hiện của người mê game này như thế nào nhé!. Đầu tiên là chơi quên ăn, quên ngủ, quên luôn cả thời gian, cơ thể có những biểu hiện bất thường như người lù đù, yếu đuối khi chơi game quá nhiều. Muốn thể hiện mình là một người chơi game giỏi nhất và chinh phục được tất cả từ trong game hoặc có thể là cá độ với bạn bè chơi thắng để ăn tiền. Đâu đó khi đi trên các tuyến đường nhìn vào quán cà phê ta bắt gặp rất nhiều người đến đó chỉ vì bắt mạng mạnh để chơi game mà thôi, không chỉ quán cà phê mà ngay cả vỉa hè cũng là nơi lý tưởng cho các tay chơi. Chưa cần nói gì nhiều nhưng khi nhìn vào ta đã cảm thấy mất thiện cảm đối với những người chơi quá u mê bất chấp tất cả kể cả là sức khỏe của mình để chơi. Nếu bắt gặp những người dùng thiết bị điện tử này để làm việc và giúp ích cho xã hội thì ta nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ hơn. Ở đây tôi không phải là vơ đũa một nắm nói tất cả mọi người, mà chỉ nói đến những thành phần đặc biệt quá lạm dụng và không rời khỏi chiếc điện thoại vào việc chơi game. Tất nhiên là ai cũng có thể chơi sau những lúc làm việc mệt mỏi để giúp đầu óc ta thoải mái lấy lại tinh thần.
Ta hãy tự nghĩ xem nguyên nhân là do đâu mà con mình quá nghiện như vậy? Nguyên nhân thứ nhất là từ chính sự chiều chuộng của cha mẹ đối với các con, nghĩ con mình bị thua thiệt bạn bè khi bạn bè đã được bố mẹ mua cho điện thoại mà con mình không có, vì điều này mà các ông bố, bà mẹ đã đâm đầu vào kiếm tiền để mua cho con. Những suy nghĩ này của cha mẹ đã vô tình biến con bạn thành một người nghiện game khi nào không hay. Khi suốt ngày đi làm để con ở nhà với chiếc điện thoại thì điều đó là điều sẽ xuất hiện với con bạn. Nguyên nhân thứ hai là chơi tiếp xúc với bạn bè còn ham chơi, lôi léo, rủ rê theo cùng để chơi và hơn nữa là cá độ để ăn tiền. Chính những người bạn bên cạnh ta cũng là một yếu tố quan trọng trong việc có những lối sống lạm dụng và u mê vào các trò chơi này, Nên người ta hay nói rằng: “ Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học ”, ta học hỏi những cái tốt của bạn, chọn những người biết ý thức được cái nào lợi và hại cho mình. Nói chung lại là ta không nên đổ lỗi cho ai hay cho dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì không thể nào thuyết phục được cái lập trường, sự kiên định và ý thức được tác hại khi chơi trong bộ não của chúng ta được. Việc chơi game có thể được xem nhẹ và không thành vấn đề nhưng thật sự khi bạn chưa gặp phải hoạt tận mắt chứng kiến vấn đề này. Không thành vấn đề với những người biết cách chơi sao cho hợp lý với bản thân và không ùa theo những game đang hót để gián mắt mắt vào màn hình điện thoại. Nhưng đấy là vấn đề ta cần đặc biệt quan tâm tới những người không ý thức được, nó đem lại những tác hại vô cùng nghiêm trọng. Không thể nói đến là làm cho sức khỏe tâm thần của chính người chơi bị ảnh hưởng như: Luôn cảm thấy mệt mỏi, dễ cáu gắt, gây gổ với những người xung quanh, trong đầu luôn có những ảo giác về hình ảnh của game, không những vậy trò chơi điện tử khi chơi quá nhiều làm cho con người bị suy giảm đạo đức, nhân cách, tình cảm gắn bó với gia đình không còn hoặc nặng hơn có thể vi phạm pháp luật. Qua những câu chuyện thì ngay trong thực tế ngày nay có quá nhiều hành vi suy giảm về đạo đức của con người. Vào năm 2017, ở Mũi Né, tp Phan Thiết, hai thiếu niên 14 tuổi cùng chơi game trong một quán nét và xảy ra mâu thuẫn, một trong hai cậu thiếu niên đã rút dao đâm bạn tới tử vong. Không dừng ở đó vào năm 2018 hai học sinh 13 tuổi ở Thái Nguyên đã sát hại một người bà họ để cướp tiền chơi game. Đấy chúng ta hãy nhìn xem câu truyện trên là dân chứng về vấn nạn nghiện game ở lứa tuổi thanh thiếu niên, ở lứa tuổi này đa số là tuổi mới lớn, luôn tò mò những cái mới mẻ nhưng chưa ý thức được vấn nạn của những thú vui này. Dưới tác động của việc chơi game, những trò chơi hành động giết người, bắn người dã man đã vô tình được ghi nhớ trong đầu những đứa trẻ này, từ đó rơi vào trạng thái không phân biệt được thế giới ảo và thật. Không những thế còn bỏ học, mất đi công việc hoặc cơ hội việc làm trong tương lai, mất đi nhiều mối quan hệ trong xã hội. Đừng vì thương con mà nuông chiều điều đó vô tình làm con bạn trở thành những tội phạm ảnh hưởng từ game khi nào không hay, lúc đó hối hận thì cũng đã quá muộn. Người xưa có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” quả thật là vậy, cha mẹ nào mà chẳng thương con nhưng thương phải đúng cách và hợp lý luôn quan tâm con chia sẻ, tâm sự với con để con cảm thấy bớt cô đơn và có được tình yêu thương dành cho nhau hơn. Nhất là độ tuổi mới lớn này rất dễ bị xa vào những tệ nạn của cuộc sống khi theo bạn theo bè, muốn thể hiện bản thân mình. Những câu truyện trên cho ta biết được những tác hại khôn lường về vấn nạn này và rút ra được những bài học đáng giá để sau này trở thành những ông bố, bà mẹ biết quan tâm các con hơn, không tập cho con thói quen xem điện thoại khi còn quá nhỏ. Ngoài ra ta học được cách biết chơi với con hơn, tạo ra những trò chơi dân gian mà đã có được thời xa xưa để con thích thú hơn, lưu truyền được giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Pháp luật ta cần phải có một số biện pháp để làm sao cho những loại game hành động, giết người, bắn súng bị sa thải và không cho gia nhập vào Việt Nam.
Vậy đấy xã hội càng phát triển bao nhiêu thì nhiều cái mới lạ, tệ nạn xảy ra. Thế nên việc khắc phục tình trạng này là vấn đề cần được thực hiện quyết liệt ngay từ bây giờ. Tôi và các bạn hãy cùng nhau nhận thức được tác hại lớn về việc chơi game và sử dụng nó một cách hợp lý và nhân văn nhé!