Tổng hợp những bài văn mẫu hay nhất cho đề bài nghị luận về tinh thần tự học. Các bài viết được VerbaLearn viết và tổng hợp lại từ nhiều nguồn. Ngoài các bài văn mẫu, phần dàn ý cũng được biên soạn một cách chi tiết giúp học sinh biết được cấu trúc cơ bản của bài văn. Bạn có thể xem thêm nhiều bài viết tương tự tại chuyên mục nghị luận xã hội.
Dàn ý nghị luận về tinh thần tự học
Phần dàn ý giúp bạn hiểu được cấu trúc một bài văn nghị luận cũng như các ý mà mình cần triển khai. Trước khi viết văn thì lập dàn ý là một bước vô cùng quan trọng và không thể thiếu.
Mở bài
- Giới thiệu tinh thần tự học là một thói quen tốt
- Nêu suy nghĩ và nhận định cá nhân về vấn để tự học
Thân bài
#1. Giải thích khái niệm
- Giải thích khái niệm từ học: Tự học là việc tự tìm tòi những điều mà bản thân có nhu cầu hiểu biết mà không cần sự tác động từ người khác.
- Trinh thần tự học xuất phát từ khao khát tri thức, chủ động học tập trong mọi lĩnh vực mà không ngại khó khăn hay gian khổ.
#2. Vai trò của việc tự học
- Giúp rèn luyện và phát triển tư duy
- Phát triển các kĩ năng như tìm kiếm, phân tích và tổng hợp thông tin trong quá trình học.
- Xây dựng cho bản thân tính dẻo dai, bền bỉ, tinh thần tự giác và nghị lực.
- Không chỉ học trên ghế nhà trường, việc tự học còn giúp người học nắm chắc mọi vấn đề trong cuộc sống.
#3. Lời khuyên về việc tự học
- Tinh thần tự học là điều vô cùng cần thiết ở mỗi cá nhân.
- Việc tự học cần tự kiểm chứng, không tiếp thu kiến thức thụ động và luôn luôn làm phong phú chúng.
- Cần có kế hoạch tự học chi tiết.
- Cốt lõi của việc tự học là chú ý vào cách tư duy và cách tìm nguồn kiến thức học tập.
#4. Dẫn chứng
- Trong thực tế có nhiều tấm gương tự học và đạt được những thành công đáng nể.
- Nêu một vài tấm gương tiêu biểu và phân tích chi tiết.
#5. Phản biện
- Bên cạnh tinh thần tự học thì còn rất nhiều cá nhân ỷ lại từ thầy cô. Bị thụ động trong các vấn đề tự học.
- Phê phán và lên án một bộ phận như vậy.
Kết bài
- Khẳng định lại vai trò của việc tự học.
- Đúc kết bài học kinh nghiệm cho cá nhân.
Văn mẫu nghị luận về tinh thần tự học
Các bài văn mẫu do đội ngũ VerbaLearn biên soạn chi tiết. Mặc dù không phải là những bài viết hay và chất lượng nhất nhưng chắc chắn đó sẽ là tài liệu quan trọng giúp bạn đọc hiểu về cách viết cũng như cách triển khai ý tưởng.
Nghị luận về tinh thần tự học – Mẫu 1
Ngày nay công nghệ, khoa học kỹ thuật ngày càng được cải tiến, hiện đại hơn trước cũng đồng nghĩa với việc lượng kiến thức ngày càng gia tăng. Để có thể theo kịp đáp ứng nhu cầu của thời đại mà không bị tụt lùi lại về phía sau do đó chính chúng ta cần phải có một phương pháp học tập phù hợp. Một trong những phương pháp giúp cho việc tiếp thu tri thức hiệu quả đó là phải có tinh thần tự học vì tự học là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao trong học tập.
Trước tiên cần hiểu tự học là gì: Tự học là tự giác, chủ động trong học tập nhằm vươn lên nắm bắt tri thức. Tự học không chỉ đơn thuần là tiếp nhận kiến thức từ thầy cô mà còn là học hỏi ở bạn bè xung quanh, tìm tòi nghiên cứu sách vở, quan sát từ thực tế.
Dân tộc ta vốn đã có truyền thống hiếu học từ xưa đến nay và đức tính cần cù, chịu khó không khuất phục trước những thách thức, khó khăn gian khổ được thể hiện cụ thể qua các câu nói như “học ăn học nói,học gói,học mở”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”,… Qua những câu ca dao, tục ngữ, câu nói mà ông bà ta đã truyền đạt lại với mục đích nhằm răn dạy mỗi chúng ta rằng: Học là sự nghiệp cả đời chứ không phải ngày một ngày hai có thể xong mà nó là sự tích lũy từ ngày này qua ngày khác, từ năm này sang năm khác vì kiến thức là những gì vô tận, vì thế khi càng đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu mới thấy được kiến thức không chỉ có trên sách vở đơn thuần như sách giáo khoa mà còn ở những nguồn tài liệu khác nhau như: có trên internet, từ những nguồn sách, báo, tạp chí đa dạng về nội dung.
Để có một phương pháp học tập đúng đắn mang lại hiệu quả cao, bên cạnh một phương pháp học tập hiệu quả thì luôn phải đi kèm với một tinh thần tự giác cao trong học tập. Mỗi chúng ta cần hiểu học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Có rất nhiều hình thức tự học như học trên lớp, học thêm, học từ thầy cô, bạn bè,… Còn tự học là sự chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và hình thành kỹ năng cho mình. Nó yêu cầu mỗi người phải tự mình quan sát, học hỏi và tổng kết lại kiến thức cho bản thân. Chẳng hạn khi được giao một bài tập. một đề tài mà ngoài kiến thức có trong sách giáo khoa là không đủ thông tin khi đó chúng ta cần chủ động tìm hiểu kiến thức về nội dung để tài đó qua các kênh thông tin khác nhau, từ đó cũng rèn luyện cho bản thân chúng ta ý thức chủ động trong việc tìm hiểu, tìm kiếm các tài liệu có liên quan với vấn đề cần phải tìm hiểu.
Những bạn có thành tích học tập tốt là do đâu? có phải do mình ham chơi, làm biếng hay là do bạn đó sinh ra đã thông minh, hay giỏi sẵn, hay sinh ra đã là thần đồng, nhưng theo nghiên cứu cho thấy những người như vậy chiếm rất ít mà các bạn đó cũng như mình, chỉ khác ở chỗ các bạn đấy siêng năng, cần cù, có phương pháp học tập hiệu quả, tinh thần tự học cao, ý thức cao trong việc học tập, lên lớp thì các bạn luôn tập trung nghe giảng, ở nhà thì thường sẽ đọc bài trước khi lên lớp. Vì vậy trong tiết học, môn học gặp những vấn đề thắc mắc chưa có lời giải các bạn sẽ ghi chú lại để có thể trao đổi với thầy cô hoặc các bạn trong lớp, học thêm ở bên ngoài cuộc sống dần dần như thế bạn đó đã hình thành kỹ năng, tinh thần tự giác trong học tập mà không cần ai phải đôn thúc hay nhắc nhở.
Tự học có vai trò vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta lĩnh hội tri thức một cách chủ động và xuất phát từ hứng thú của bản thân. Khi ấy, những kiến thức ta học sẽ được ghi nhớ lâu hơn và vận dụng có hiệu quả hơn. Không những thế khi biết tự học, con người trở nên năng động, khôg còn phụ thuộc vào người khác (đặc biệt là thầy cô). Từ đó mà mỗi người cũng sẽ nâng cao khả năng sáng tạo của chính mình mà không tiếp thu nó một cách máy móc, sách vở. Bác có câu nói rất hay “học đi đôi với làm qua câu nói này giúp chúng ta hiểu rằng học lý thuyết phải đi đôi với thực hành, để thấy được thực tế với lý thuyết có giống nhau hay không, khác chỗ nào cũng từ thực tế học hỏi được những gì, qua đó giúp nắm chắc kiến thức và nhớ sẽ tốt hơn, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn tốt hơn.
Qua phương pháp tự học sẽ mang lại cho ta cảm giác hứng thú, say mê, trân trọng và sẽ là động lực để bản thân không ngừng nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong con đường chinh phục kho tàng kiến thức của nhân loại. Tự học cũng giúp chúng ta tiếp thu được kiến thức một cách chủ động hơn và sẽ tránh được những lỗi lầm không đáng có, giúp bài trừ tình trạng học bị lệch tủ, tủ đè, hay học vẹt,…
Tự học sẽ khiến cho bản thân nhớ lâu hơn về một vấn đề, hay một kiến thức nào đó một cách sâu sắc và thế nó cũng rèn giũa cho con người bản năng tự giác, độc lập, không ỷ lại, có thể làm chủ và xử lý được mọi tình huống xảy ra.
Tự học cũng là cách thức thúc đẩy sự sáng tạo, tư duy của mỗi con người được kích thích, bên cạnh đó tự học là một phương pháp rèm luyện khả năng kiên trì, cần mẫn và sức hịu đựng của bản thân. Tự học sẽ là chìa khóa cho mọi người mở cửa vào cánh cổng tri thức của nhân loại.
Có thể khiến cho học sinh nhận thấy được ý nghĩa quan trọng của tinh thần tự học bằng cách nêu gương những bạn học sinh đã đạt được nhiều thành tích ở trong lớp, trong trường để cho các bạn học sinh khác có thể noi gương và học tập kinh nghiệm, kỹ năng về phương pháp tự học của bạn đó. Chẳng hạn như dẫn chứng cho các bạn dễ hiểu về người lãnh tụ vĩ đại của chúng ta không ai khác đó là Bác Hồ, người đã ra đi tim đường cứu nước để giải cứu dân tộc. Bác từ một người lao động bình thường nhưng với tinh thần ham học hỏi của mình, Bác không chỉ thông thạo nhiều thứ tiếng mà còn tìm ra con đường cách mạng giúp nước nhà giành được độc lập. Cũng có thể nói đến thần đồng Đỗ Nhật Nam tuy còn nhỏ tuổi nhưng nhờ tinh thần chịu khó, chăm chỉ đọc sách, chủ động học hỏi mà em đã đạt được những thành tích đáng coi trọng: giải nhất thuyết trình tại Mỹ; thần đồng Tiếng anh; giải Ba hạng mục quản trị kinh doanh,…
Bên cạnh những tấm gương về tinh thần tự học thì cũng cần phải phê bình những hành vi ỷ lại, chây lười không tự giác trong học tập mà chỉ biết dựa vào người khác, đó cũng chính là thực trạng không nhỏ học sinh ngày nay đang thụ động lười nhác trong việc học tập, đi học thì không làm bài tập được giao về nhà, không học bài cũ, không chuẩn bị bài, lên lớp thì chép bài của bạn vvv. Đó là những hành vi cần phải phê phán, cần có biện pháp thích hợp để răn đe, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là do những người làm cha, mẹ đã không quan tâm đến việc học hành của con cái mình như thế nào.
Để khơi dậy tinh thần tự học, rèn luyện thành một kỹ năng thì nhà trường cần phải khuyến khích, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, có thể kết hợp vừa học vừa chơi nhằm động viên làm cho các bạn học sinh hăng say phát biểu, có thể kèm theo những phần thưởng nho nhỏ làm động lực để cho các bạn hăng say phát biểu, giúp tiếp thu kiến thức một cách chủ động mà không hề thụ động, cần tránh tình trạng một chiều không có tương tác giữa người truyền đạt kiến thức và người tiếp thu như tình trạng đọc chép sẽ làm cho học sinh không có hứng thú học tập, và sẽ thụ động chây lười do đó sẽ làm cho học sinh không phát huy kỹ năng trong tự học của học sinh.
Qua đây thấy được rằng tinh thần tự học có vai trò ý nghĩa quan trọng như thế nào, tự học giúp con người lĩnh hội tri thức, mà tri thức là tài sản vô giá của nhân loại mà không phải ai cũng có thể tiếp thu một cách đầy đủ. Chính vì lẽ đó để bản thân ngày càng trở thành một người có tri thức, là người có ích cho Đất nước, cho quê hương mỗi chúng ta cần phải nâng cao tinh thần tự học, rèn luyện tinh thần đó trở thành kỹ năng của mỗi chúng ta, học là con đường ngắn nhất để đi tới thành công vì vậy chúng ta không thể ngừng học mà hãy phát huy tinh thần đó để gặt hái những thành công nhất định, trở thành người có ích cho xã hội, cố gắng học hỏi để dần hoàn thiện bản thân hơn nữa, để có thể đưa đất nước ngày càng phát triển so với các nước trên thế giới.
Nguồn: Verbalearn.com
Nghị luận về tinh thần tự học – Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi con người không ngừng tìm tòi và học hỏi. Kiến thức không tự nhiên có mà nó phải trải qua một quá trình học hỏi và luyện tập mới có được. Ngày nay có vô số cách học như là học từ thầy cô, bạn bè, sách vở, báo chí. Nhưng cách học mà tôi cảm thấy hiệu quả nhất đó vẫn là tinh thần tự học. Vì vậy, tinh thần tự học là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó giống như một nghệ thuật phải trải qua quá trình cố gắng tìm tòi học hỏi để tiếp thu kiến thức một cách hữu hiệu nhất.
Học có thể hiểu là quá trình tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu mở rộng các lĩnh vực, vấn đề mà mình muốn biết giúp ta đạt được sự hiểu biết và có được kiến thức mới. Xã hội ngày càng hiện đại việc tự học cũng trở nên dễ dàng hơn. Tinh thần tự học được hiểu là quá trình tìm tòi, nghiên cứ, suy luận và tiếp thu kiến thức. Là việc sắp xếp thời gian, sức lực và phương pháp học tập. Việc tự học không bắt buộc phải học tại một địa điểm hay một thời gian cố định mà chúng ta có thể học tại bất cứ đâu, bất cứ khi nào mà chúng ta muốn. Tự học có thể được thực hiện qua việc học từ báo chí, từ mạng xã hội. Tuy nhiên trong quá trình tự học cũng sẽ gặp phải một số khó khăn nhưng không vì thế mà nản chí đó chính là tinh thần tự học.
Việc tự học có vai trò vô cùng quan trọng, nó giúp cho con người mở mang tri thức chứ không đơn thuần là thể hiện trên bằng cấp mà nó còn được thể hiện qua sự hiểu biết và vận dụng vào cuộc sống, muốn có tâm hồn cao rộng thì ta phải có một nền học thức hiểu biết rộng. Nhiều bạn nghĩ rằng chỉ cần học trên lớp là đủ rồi và bị thụ động trong quá trình học tập phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô, từ đó không tự động tìm tòi trau dồi cho bản thân kiến thức. Thế nhưng, với lượng thời gian ít ỏi cho một môn học thì không thể nào đủ cho một lượng kiến thức vô cùng lớn. Tinh thần tự học là tiền đề, chìa khóa để ta có thể thực hiện được những công việc trong tương lai, là bước đệm để ta có thể tiến xa hơn nữa trong công việc. Ngoài ra, việc tự học còn giúp chúng ta kiết kiệm chi phí, tăng năng suất học tập, cập nhập kiến thức liên tục bằng cách tự học và còn giúp cho chúng ta khám phá hết năng lực bản thân. Phát triển được khả năng tìm kiếm, chọn lọc thông tin.
Vậy: “Làm thế nào để việc tự học trở nên hiệu quả?” đây chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều bạn. Để làm cho việc học có năng suất tốt nhất thì đồng nghĩa với việc phải biết tự đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và từ đó rút ra cho bản thân những phương pháp học phù hợp. Học cách tư duy và chủ động tiếp cận nguồn tri thức , bên cạnh đó cần lập cho bản thân một kế hoạch học tập có hệ thống và thông qua đó sắp xếp các việc cần làm theo trình tự nhất định. Cần tập cho bản thân một thói quen tốt đó chính là viết ghi chú, việc viết ghi chú giúp cho người học có thể ghi nhớ những kiến thức đã học thông qua việc tiếp xúc với từ khóa, chúng ta có thể trang trí cuốn ghi chú theo sở thích của mình để kích thích thị giác và có hứng thú trong việc học. Hãy tìm cho mình một nguồn cảm hứng hay một tấm gương sáng mà chúng ta luôn thần tượng. Hay việc đọc sách hằng ngày, hầu hết chúng ta đều được cha mẹ và thầy cô nói về lợi ích của việc đọc sách, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đọc sách giúp cải thiện trí nhớ tốt. Ngoài những phương pháp trên thì việc trang bị cho bản thân một sức khỏe tốt cũng ảnh hưởng phần lớn tới kết quả của nó, vì thế mà chúng ta phải chú ý đến sức khỏe của bản thân như là ăn uống đúng giờ, ngủ đủ giấc để luôn có một tinh thần sảng khoái khi làm việc từ đó mà việc học trở nên vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó yếu tố kỷ luật bản thân cũng có vai trò lớn trong việc tự học có hiệu quả, kỷ luật bản thân là việc kiểm soát suy nghĩ, hành động từ đó cho ra kết quả tốt nhất. Và cái cuối cùng tôi muốn nói tới đó chính là tạo ra một khu vực học tập hiệu quả, hãy tự tạo cho bản thân một góc học tập thật ấn tượng để có thể dễ dàng tìm kiếm những vật dụng cần thiết, nếu có thể hãy đặt bàn học tại cửa sổ nơi có đủ ánh sáng và nguồn gió tươi mát giúp cho tư tưởng trở nên tốt hơn và thông thoáng hơn, sử dụng đồ vật trang trí góc học tập theo sở thích để làm cho không giang học tập trở nên sinh động và bắt mắt đồng thời giúp kích thích khả năng sáng tạo của bản thân .
Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một tấm gương sáng cho việc tự học. Nhờ vào việc tự học bác đã biết nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, Anh, Trung, Ý, Đức, Nga và chưa dừng lại ở đó. Khi đặt chân tới đâu người cũng học và tìm mọi cách để học. Quá trình tự học ấy đã tạo nên Hồ Chí Minh, một thầy giáo mẫu mực, một nhà giáo dục vĩ đại. Chính những thực tế đó đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của tinh thần tự học. Bác chính là tấm gương là nguồn cảm hứng về việc tự học cho biết bao nhiêu thế hệ học sinh noi theo.
Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng nhiều người trong số chúng ta không có khả năng tự học, luôn kiếm lý do để biện hộ cho sự lười nhác của bản thân, nuông chiều bản thân quá mức, coi thường vấn đề tự học. Ngoài ra việc phụ thuộc vào thầy cô cũng làm khả năng tự học cũng mất dần, từ đó mà xuất hiện các vấn đề học vẹt, học tủ.
Như vậy, những ai rèn luyện cho mình một tinh thần tự học tốt đồng nghĩa với kết quả học tập sẽ ngày càng tiến bộ, con đường tương lai cũng từ đó mà rộng mở. Không chỉ có ích cho bản thân mà nó còn giúp ích cho xã hội ngày một phát triển. Càng hiểu rõ được vai trò to lớn và tầm quan trọng của tinh thần tự học, chúng ta càng phải cố gắng và nỗ lực, bởi vì tự học chính là tự giúp cho bản thân, là một trong những yếu tố tạo nên giá trị con người.
Nguồn: Verbalearn.com
Nghị luận về tinh thần tự học – Mẫu 3
Ngày nay, xã hội không ngừng phát triển về mọi mặt kiến thức là vô tận đòi hỏi chúng ta luôn học tập, trau dồi nhiều kiến thức mới để theo kịp sự thay đổi của cuộc sống. Chính vì vậy mà tinh thần tự học đóng vai trò quan trọng và hiệu quả nhất để giúp chúng ta hoàn thiện bản thân hơn để bắt kịp với nhịp sống xã hội.
Vậy thế nào là tinh thần tự học? Tinh thần tự học là ý chí rèn luyện tích cực để tiếp thu cái mới, tự bổ sung trao dồi kiến thức và hình thành kỹ năng kinh nghiệm cho bản thân. Tự học cũng có nhiều hình thức khác nhau: Tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo hướng dẫn của thầy cô giáo cho dù có hình thức nào đi chăng nữa thì sự chủ động, thái độ nghiêm túc tiếp nhận tri thức của người học vấn là quan trọng nhất. Tự học giúp chúng ta chủ động hơn tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích rút ra được bài học cho riêng mình, xây dựng cho bản thân tính dẻo dai kiên trì và nghị lực vượt qua khó khăn. Vẫn có câu hỏi đặt ra tại sao chúng ta phải tự học trong khi đã đi học ở trường lớp rồi, đúng là đi học ở lớp thì sẽ được thầy cô cung cấp kiến thức nhưng hoàn toàn là chưa đủ vì kiến thức là vô tận, không bao giờ có thể nói ta đã biết hết bởi tri thức trong trường học chỉ là căn bản làm nền tảng. Hôm nay ta làm được cái này thì ngày mai ta lạc hậu với cái mới hơn, những người thành công trong cuộc sống luôn là tấm gương tiêu biểu của tinh thần tự học tự tìm hiểu, để đút kết được kinh nghiệm cho bản thân mình.
Như chúng ta đã biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt để nâng cao trình độ mọi mặt cho bản thân. Bác tuy sống bôn ba ở nước ngoài vất vả nhưng Bác đã tự học được 29 thứ tiếng của các nước, tự học của Bác ở đây không phải là ngẫu hứng thích mới học và không có nguyên tắc mà tự học của Bác đã trở thành khoa học, một nghệ thuật triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ với ý chí quyết tâm bền bỉ dẻo dai tinh thần sáng tạo tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Người tự học với ý nguyện cao cả là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân làm cho đất nước độc lập. Sức mạnh của ý chí lòng quyết tâm tự tìm tòi học hỏi của Bác đã đem lại cho đất nước ta phồn vinh hiện đại như ngày hôm nay. Ngoài Bác ra thì xung quanh ta có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng họ biết tự tìm tòi học hỏi có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đó là những tấm gương mà ta nên noi theo để trở nên hoàn thiện bản thân hơn.
Bên cạnh những tấm gương đẹp với tinh thần tự học, biết chủ động trong học tập thì ngược lại đó là những bạn trẻ hiện nay lại thụ động có tính ỷ lại cho rằng mình học trên lớp như vậy là đủ và không cần tự học nữa. Các bạn học đối phó chỉ để chống đối với thầy cô cha mẹ hoặc để có thành tích tốt, bảng điểm đẹp để được nở mày nở mặt nhưng trong đầu họ không có gì họ chỉ học vẹt để cho xong nhiệm vụ mà thôi. Thêm vào đó thời buổi hiện đại các bạn trẻ thường cắm đầu vào điện thoại coi những thứ vô bổ mà lơ là việc học của mình coi việc học chẳng quan trọng cho lắm, thấy việc học khổ sở bắt buộc nên họ cảm thấy chán học không hứng thú và nhiều người còn căm ghét cả việc học. Các bạn không chịu học lười nhưng khi thấy các bạn cùng trang lứa thành công giỏi hơn mình thì lại ganh ghét và nói xấu, nhưng đằng sau đó các bạn đâu biết được đó là cả quá trình nỗ lực tìm tòi tự học trong lúc họ rảnh mới có được như vậy. Các bạn cho rằng những thứ mình biết đã đủ để phục vụ cho cuộc sống rồi nhưng các bạn đâu biết rằng xã hội ngày càng phát triển những gì các bạn biết sẽ không bao giờ là đủ. Cứ giữ trong mình cái suy nghĩ như vậy là đủ rồi thì họ sẽ trở thành những người đi chậm lại so với xã hội, dẫn đến tình trạng chán nản mất niềm tin vào cuộc sống.
Việc tự học để có thêm được kiến thức với chúng ta nó không phải quá khó và cũng không quá dễ dàng mà người học phải có ý chí không ngừng cố gắng phải quyết tâm trong mọi hoàn cảnh thấy khó thì phải cố gắng vượt qua không được bỏ cuộc. Mặc dù phương pháp tự học đã có từ rất lâu nhưng đến nay nó vẫn không lạc hậu mà thay vào đó là một phương pháp rất hiệu quả khi áp dụng vào việc học tập đó là chìa khóa là con đường dẫn ta đến thành công và thành công chỉ đến với những người có ý thức tự giác cao trong học tập.
Như vậy nhận thức được việc tự học quan trọng như thế nào, kiến thức là mênh mông vô tận không bao giờ là đủ nên đừng ai nói rằng mình đã biết hết và ta tài giỏi. Chúng ta luôn phải có tinh thần tự học, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để tránh vấp phải những lỗi như họ. Nếu chúng ta làm được thì khi đặt mình vào những vị trí mà không ai giúp đỡ được thì mình cũng có thể vượt qua.
Nguồn: Verbalearn.com
Tổng hợp 20+ bài văn mẫu hay nhất
Ở phần này, VerbaLearn sẽ giúp bạn tổng hợp hơn 20 bài văn mẫu hay nhất cho chủ đề nghị luận về tinh thần tự học. Các bài văn mẫu được trích từ nhiều nguồn như: Sách tham khảo, website khác. Bạn có thể sử dụng các bài viết dưới đây như một tài liệu tham khảo.