✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về tình phụ tử. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Hơn nữa, với đề bài này còn giúp các em học sinh hiểu hơn về thứ tình cảm đặc biệt mà hầu như ai cũng có, từ đó trân trọng hơn.
Dàn bài nghị luận về tình phụ tử
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về tình phụ tử. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về tình phụ tử – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tình phụ tử
Thân bài
#1. Khái niệm
- Tình phụ tử là tình cảm giữa cha và con, tình cảm bền chặt và bao dung, tình yêu thương che chở, đùm bọc, tình cảm này sẽ theo mỗi con người đến suốt cuộc đời.
- Con chính là nguồn sống của cha mẹ. Tuy nhiên khác với mẹ, tình cảm mẹ dành cho con được biểu lộ rất rõ ràng, nhưng còn với cha, nó rất thầm kín, ít khi được biểu lộ ra bên ngoài.
#2. Bình luận
- Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
- Người cha: Yêu thương, quan tâm chăm sóc đến người con thân yêu của mình, ân cần dạy bảo để con thành người, nghiêm khắc trước những lỗi sai của con mình.
- Tình cảm cha dành cho con không được thể hiện rõ như tình mẫu tử nhưng nó luôn thường trực.
- Người con: Có trách nhiệm làm tròn đạo hiếu, vâng lời cha, cố gắng đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của người cha kính yêu.
#3. Dẫn chứng
- Dẫn chứng thì có nhiều dẫn chứng trong ca dao, tục ngữ, dẫn chứng trong thực tế trong xã hội như cha hi sinh, không ngại khổ cực vất vả ngủ ở ống cống và nuôi con đậu thủ khoa đại học
- Dẫn chứng trong văn học Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng các bạn có thể vận dụng ngay trên nền tảng văn học mình đã được học
#4. Phản đề
- Trong xã hội thực tế nhiều người con bất hiếu với cha, không làm trọn đạo hiếu có những lời lăn mạ, chửi mắng, thậm chí ra tay hành hung đánh đập chính người cha ruột thịt của mình.
- Nhiều người còn không phụng dưỡng được cha mà đưa cha vào viện dưỡng lão.
- Những hành động này cần phải lên án, phê phán phải được pháp luật trừng trị một cách thích đáng
Kết bài
- Khẳng định vai trò của tình phụ tử là truyền thống quý báu của dân tộc ta.
- Hãy trân trọng tình cảm phụ tử thiêng liêng, cao quý này.
- Từ đó rút ra bài học cho chính bản thân.
Dàn ý nghị luận về tình phụ tử – Mẫu 2
Mở bài
#1. Tình phụ tử là gì?
- Là tình cảm gắn kết giữa cha và con cái mà không gì có thể thay thế được
#2. Bàn luận
- Có cha: được che chở, bảo bọc, được dạy cách bảo vệ bản thân (dẫn chứng)
- Không có cha: đó chính là một thiệt thòi
#3. Ý nghĩa của tình phụ tử
- Cha chính là bóng mát che chắn cho cuộc đời của con, luôn dành cho con những điều tốt nhất
- Cho dù cha không phải là người hoàn hảo nhưng luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.
- Giúp con thức tỉnh khi vấp ngã và đi đúng đường
- Biết ơn cha cũng đang làm gương cho con cháu của bạn
- Biết ơn cha của mình cũng là thể hiện bạn là người có giá trị và đạo đức
#4. Phê phán
- Vẫn có những bạn trẻ vô tâm thờ ơ với cha của mình
- Hay có những con người viện cớ cha mẹ đã già không còn minh mẫn, đối xử tệ với họ khi bệnh tật
- Và có những thành phần vì đua đòi chạy theo bạn bè, đòi hỏi cha mẹ phải chu cấp cho mình mà không nghĩ tới cha mẹ
- Trong thời đại mạng xã hội phát triển có vô số những bạn trẻ viết những dòng chữ đạo lí, nhưng thực chất thì chưa bao giờ làm được như những gì họ viết.
- Vẫn có những người cha vô tâm bỏ chính đứa con của mình hay những bạn trẻ chạy theo xu hướng làm mẹ đơn thân.
- Cần lên án và phê phán, vì chắc chắn chúng ta không ai muốn con mình sống trong một thế giới như vậy.
#5. Bài học cá nhân về tình phụ tử
- Hãy dành tình yêu thương cho cha nhiều nhất có thể, vì cha chính là người tuyệt vời và ấm áp nhất.
- Cố gắng học tập, ngoan ngoãn lễ phép không nên vô lễ
- Cha chính là người sinh ra chúng ta vì vậy chăm sóc tốt bản thân cũng là đang hành động báo đáp công ơn sinh thành.
Kết bài
- Kết luận về tình phụ tử: Tình yêu thương bao la của cha dành cho các con mình thật ấm áp, bao dung và luôn che trở cho con suốt chặng đường đời.
Dàn bài nghị luận về tình phụ tử – Mẫu 3
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận, dẫn dắt về tình mẫu tử.
Thân bài
#1. Giải thích
- Là tình cảm của người cha dành cho các con.
- Là tình cảm máu thịt, thiêng liêng, sâu đậm, ruột rà.
- Cha là người luôn bảo vệ, chăm sóc, đem đến mọi điều tốt đẹp đến cho con.
#2. Vai trò, trách nhiệm của cha:
- Là chỗ dựa đáng tin cậy, gánh vác mọi công việc.
- Đưa ra những lời khuyên chân thành, những kinh nghiệm sống quý báu, chỉ dẫn những hướng đi đúng đắn cho các con.
- Là người thầy, người bạn chia sẻ tâm sự, giúp đỡ đồng hành cùng con.
#3. Ý nghĩa của tình phụ tử
- Giúp cho các con hướng đến thành công khi có cha bên cạnh để cổ vũ, biết được đạo lí làm người.
- Không bị lầm đường lạc lối khi sa ngã cha sẽ không bỏ mặc.
#4. Dẫn chứng
- Cha Lạc Long Quân
- Cha con Chử Đồng Tử
- Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ông Sáu trong Chiếc Lược Ngà.
#5. Biểu hiện
- Yêu thương con cái vô điều kiện.
- Bao bọc, che chở cho các con.
- Đi làm kiếm tiền bất kể là nắng mưa hay đau bệnh vẫn đi để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con.
#6. Bình luận
- Cha thường ít nói, ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài nhưng lại rất cứng rắn, nghiêm khắc.
- Có trách nhiệm nặng nề vừa tâm lý yêu thương vừa kỷ luật mẫu mực trong cách nuôi dưỡng con cái.
- Luôn kiên trì, bền bỉ nhiệt huyết là điểm tựa vững chắc cho con.
- Phê phán những đứa con bất hiếu chửi cha chửi mẹ của mình.
- Lên án những hành động như đánh đập cha mẹ.
#4. Bài học cá nhân về tình phụ tử
- Dành thời gian quan tâm, chăm sóc, đỡ đần báo hiếu cha mẹ.
- Trân quý những giọt mồ hôi, công sức, sự hy sinh của cha.
- Tâm sự nhiều với cha để cho mỗi quan hệ giữa cha con gần gũi nhau hơn.
- Biết cách lắng nghe, thấu hiểu cảm nhận những nỗi nhọc nhằn của cha.
Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của tình phụ tử.
- Liên hệ bản thân.
Văn mẫu nghị luận về tình phụ tử
Nghị luận về tình phụ tử – Mẫu 1
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Là một câu trong bài ca dao nổi tiếng được truyền từ đời này qua đời khác mà mỗi đứa con trẻ của người Việt Nam luôn được người lớn dạy bảo, chỉ dẫn từ còn thơ bé. Chỉ qua hai câu ca dao mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình, nói lên công lao to lớn, công ơn sinh thành, dưỡng dục của người cha kính yêu dành cho những đứa con thơ của mình.
Các bạn biết đó chẳng có thước đo giá trị nào có thể đo được tình phụ tử, một tình cảm thiêng liêng biết bao. Những tình cảm của người cha dành cho những người con thân yêu của mình. Tình cảm ấy chẳng ngôn ngữ nào có thể diễn giải hết ý nghĩa rộng lớn, bao la của cha dành cho con cái. Như vậy để hiểu rõ hơn về tình phụ tử là gì ta cần làm rõ khái niệm bao quát của nó. Tình phụ tử là tình cảm giữa cha và con, một tình cảm bền chặt, sự bao dung, tình cảm đó sẽ theo mỗi chúng ta cho đến suốt cuộc đời. Con cái chính là nguồn sống của cha mẹ.
Tình cảm mẫu tử với tình cảm cha con cùng là tình yêu thương con cái, nhưng các bạn có bạn có bao giờ thắc mắc vì sao cách thể hiện tình cảm cha con và tình mẹ con thường khác nhau? Liệu có phải mẹ luôn là người yêu con nhiều hơn ba ? Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai vì tình cha con khác với tình mẹ con bởi lẽ tình cảm của người mẹ dành cho con luôn được thể hiện, biểu hiện rõ ràng, ngược lại tình cha con thì rất thầm kín, sự quan tâm, che chở, hy sinh thầm lặng và hiếm khi được biểu hiện lỗ rõ ra bên ngoài mà ai cũng dễ nhận ra được.
Nếu mẹ là người mà mỗi khi được nhắc đến đều gợi cho ta cảm giác thân thương, dịu dàng, ân cần, đầy lòng bao dung. Ngược lại tình cha là tình cảm nồng ấm, sự hy sinh thầm lặng khác biệt với tình mẹ con. Mẹ là người đã phải mang nặng đẻ đau, ấp iu, bồng bế, bú mớm cho chúng ta, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm sóc từng li từng tí một. Mẹ là người chăm sóc, chăm lo ta từng chút một giành nhiều thời gian cho ta hơn cha, mẹ luôn sớm khuya lo lắng cho ta từ bữa ăn ngon, giấc ngủ kỹ thì cha với tầm nhìn cao lớn, mạnh mẽ hơn, cha là trụ cột của gia đình, bảo vệ mẹ và con, người luôn bận rộn với bao muộn phiền lo toan trong cuộc sống, luôn phải gồng mình cố gắng nỗ lực làm việc, vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo cho gia đình nhỏ. Cha được xem là người trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Nhiều khi cha phải vì kiếm tiền lo trang trải cuộc sống mà phải chấp nhận xa vợ xa con đi làm xa để mong mang lại cuộc sống no đủ cho vợ hiền con thơ ở quê nhà có cuộc sống đầy đủ hơn. Điều kiện kinh tế khó khăn, hoàn cảnh bắt buộc cha phải đành lòng đi làm xa dù cho nhớ nhà nhớ vợ con nhiều lắm. Cha là một người sẽ nghiêm khắc hơn mẹ nhưng cũng chính là người dạy dỗ, làm nền tảng vững chắc về sự hình thành nhân cách của người con sau này.
Người cha tượng trưng cho tình cảm tha thiết, mặn mà. Tình cảm của cha thường không bao giờ được nhẹ nhàng, âu yếm như của mẹ, nhưng nó cũng mãnh liệt, trọn vẹn và cũng vô cùng vững bền. Tình cảm đó luôn in sâu, khắc ghi vào trái tim, vào tâm trí hay nói chung là luôn hiện hữu trong thể chất lẫn tinh thần của người con thì khi đó mới có thể tương trợ, hòa hợp dẫn đến sự thành đạt trong cuộc đời.
Trong gia đình, người cha có một chỗ đứng không thay thế được cha vừa là người hướng đạo, người đỡ đầu. Người cha có tính nghiêm khắc đồng thời có lòng rộng lượng, chỉ nghiêm khắc đối với những đứa con hư hỏng, ngỗ nghịch, không vâng lời, cãi lời cha mẹ và sẵn sàng rộng lượng với những đứa con biết hối cải, ăn năn, biết sửa sai lỗi lầm. Điều mong mỏi duy nhất của người cha là muốn: “Con hơn cha là nhà có phúc” và điều làm cha đau lòng không gì bằng: “Sự thương tâm đau đớn nhất là sự thương tâm của một người cha gặp đứa con vô hạnh”. Chính vì vậy mỗi người con phải hành động sao cho tròn đạo hiếu với người cha kính yêu của mình nhé.
Trong kho tàng ca dao của dân tộc ta cũng nói đến vai trò quan trọng của người cha đối với con cái:
“Con có cha như nhà có nóc
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất, gót con như bùn
Còn cha nhiều kẻ yêu vì
Một mai cha thác, ai thì yêu con?”
Cha là đấng sinh thành, trụ cột gia đình và người thầy dạy dỗ ta nên người. Bởi vậy bổn phận của mỗi người con có cha và đang còn cha hãy ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục to lớn ấy mà phải làm trọn đạo hiếu, biết ơn hiếu thảo vâng lời cha. Đó chính là đạo lý, nhân nghĩa làm người. Người ta từng nói “Trẻ cậy cha, già cậy con” mặc dù tấm lòng cha rộng lớn bao la không hề nghĩ đến vì như Hoài Nam Tử có nói “cha lành thương con chẳng vì trông con trả ơn”. Những đạo lý làm người không vong ơn bội nghĩa, không được bất hiếu, đó là tội nặng nhất về mặt lương tri con người.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng biết đến câu ca cao:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy cha che chở cho con”
Qua câu ca dao ngắn gọn đã làm nổi bật công ơn của cha mẹ vô cùng lớn lao, cha mẹ sinh ra ta, trao cho ta cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không có cha mẹ thì sẽ không có chúng ta trên cõi đời này. Công ơn sinh thành của cha mẹ đã lớn những công mà dưỡng dục, nuôi dưỡng lại còn lớn hơn gấp nhiều lần mà không ai có thể đong đếm được. Từ lúc sinh con ra đến khi con trưởng thành mẹ cha luôn theo sát con, dạy dỗ trao cho con những điều tốt đẹp, tuyệt vời nhất trong cuộc sống này. Con càng lớn cha càng già nhưng tình yêu thương con không bao giờ vơi cạn đi, mà đầy ắp theo năm tháng. Cha là chỗ dựa vững chắc nhất cho con về mọi mặt, là nguồn động viên, là chỗ dựa diệu kỳ để con thực hiện ước mơ, hoài bão cuộc đời của mình. Cha cũng là bến bờ bình yên, êm dịu nhất cho con sau những vấp ngã của con trong cuộc sống, trên đường đời. Hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý làm người, làm nền tảng đạo đức của xã hội.
Trong thực tế có nhiều dẫn chứng về tình cảm người cha dành cho con cái. Câu chuyện thực tế chắc hẳn ai cũng biết đến tới biệt danh “ ông bố sống trong ống cống nuôi 2 con sinh đôi đỗ thủ khoa”. Chú Định có 2 con song sinh là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Nghĩa đều đỗ thủ khoa trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2013. Chú Định không ngại vất vả, khổ cực phải sống ở ống cống để hằng ngày mưu sinh bằng việc vá sửa xe, bán xăng vỉa hè, ai kêu gì làm nấy. Dù vất vả cơ cực nơi đất khách quê người nhưng chú không bao giờ gấp áp lực cho con, chú chia sẻ: “Sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi dạy, hơn nửa cuộc đời chú đã khổ, phải phấn đấu cho con ăn học thành tài mới mong thay đổi cuộc đời”. Qua dẫn chứng này ai cũng không khỏi xúc động trước tình cảm và sự hi sinh to lớn của chú Đính đối với những người con của mình. Chính vì vậy, mỗi cá nhân ai đang còn cha hoặc may mắn được sinh ra trong gia đình có điều kiện tốt hơn thì hãy trân trọng và cố gắng học tập thật tốt để khỏi phụ lòng công ơn dưỡng dục và sự hi sinh của cha các bạn nhé.
Trong văn học tình cảm cha con cũng được nhà văn Nguyễn Quang Sáng khắc họa qua tác phẩm “Chiếc lược ngà”. Nhà văn đã khắc họa nhân vật người cha là ông Sáu vì chiến tranh nên ông phải đánh trận xa nhà từ khi đứa con gái đầu lòng mới tròn một tuổi, ở chiến trường ông luôn nhớ thương về người con gái mong mỏi một ngày trở về để gặp lại con. Tình cảm cha con đáng quý, thiêng liêng là thế nhưng thực tại trong xã hội tồn tại những người con bất hiếu với cha mẹ đang là vấn đề nan giải của xã hội cần phải lên án, trừng trị thích đáng.
Bên cạnh những người có hiếu với cha mẹ thì vẫn còn có những đứa con vô ơn ngược đãi, đối xử không tốt, đánh đập, hành hung với chính cha ruột của mình. Những con người này xã hội chúng ta cần lên án, phê phán gay gắt,…Xã hội dần phát triển, kéo theo đó là cuộc sống mưu sinh: cơm, áo, gạo tiền, có những người họ chỉ nghĩ báo đáp công ơn của cha mẹ bằng cách đưa cho cha mẹ thật nhiều tiền vật chất, rồi lao vào công việc, chỉ biết vui chơi ăn nhậu với bạn bè, thờ ơ vô tâm với chính cha mẹ của mình. Những người con đâu biết rằng điều những người cha người mẹ mong muốn ở con mình không phải như vậy. Cha mẹ chỉ mong nhận được đơn giản là lời hỏi thăm thường xuyên. Người cha luôn mong con cái sống khỏe mạnh, vui vẻ hạnh phúc bên gia đình riêng chứ không phải là sự đền đáp công ơn nuôi dưỡng bằng tiền, vật chất mà lãng quên tình cảm cha con thiêng liêng vốn có từ trước tới nay.
Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Trong thực tế xã hội tồn tại những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình của mình.
Chính vì thế chúng ta không được quên ơn cha mẹ. Nếu đi làm xa quê hương, xa cha mẹ, thì những dịp tết đến Xuân sang hãy về thăm cha mẹ để bày tỏ sự hiếu thảo và biết ơn: “Đời này, ta còn được gặp bố mẹ mấy lần ?”
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày.”
Công ơn của cha mẹ là rất lớn lao mà cho dù có đi hết cả cuộc đời, những người con vẫn không báo đáp nổi. Vì vậy, khi còn có thể hãy đền đáp ơn nghĩa này cho cha mẹ mình từ những việc đơn giản nhất, hãy là chỗ dựa vững chắc nhất cho cha mẹ chúng ta khi về già. Đây chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người con đối với cha mẹ mình.
Mỗi người cần thấu hiểu tấm lòng, tình cảm, nỗi gian truân cũng như sự hi sinh cao cả của đấng sinh thành. Cần trân trọng, biết ơn sự hi sinh mà cha đã dành cho chúng ta. Gia đình là tế bào của xã hội, quan hệ giữa cha mẹ và con cái tốt đẹp là nền tảng cho một cuộc sống xã hội văn minh, đất nước phát triển. Mỗi chúng ta cần thể hiện lòng hiếu thảo với cha bằng những việc làm, hành động cụ thể với người cha kính yêu.
“Mây trời lộng lộng không đếm được tình cha”. Đúng vậy, công lao của cha mà con cái không đo đếm được. Cha là người luôn hy sinh thầm lặng, luôn che chở, bảo bọc bảo vệ ta khỏi những gian khổ, vất vả của cuộc đời. Chắc hẳn ai trong chúng ta từ thuở nhỏ cũng ít nhất một lần được cưỡi trên lưng cha, cha dạy ta tập xe đạp, thả diều,…Cha sẽ ít nói chuyện, tâm sự như mẹ nhưng mỗi lời răn dạy của cha lại làm ta thấm thía, khắc ghi sâu trong trái tim. Cho dù mai sau con cái có trưởng thành, thì các con sẽ nhớ mãi lời cha chỉ dạy, nhớ mãi những cảm giác yêu thương, ấp áp che chở cho ta, cha ru ngủ, cha bày trò cho ta vui chơi, dạy ta học ghép hình, đếm số khi ta còn nhỏ mới chập chững biết đọc biết viết,…Tình phụ tử thiêng liêng, trân quý, sâu sắc và sẽ theo suốt ta suốt cuộc đời. Chúng ta khi trưởng thành sẽ được làm cha thì mới thấu hiểu được nỗi vất vả để sinh thành và nuôi dạy con nên người thành tài. Như vậy ta mới thấu hiểu được nỗi lòng, thấy được tình yêu thương quý trọng người cha của mình hơn. Mỗi chúng ta ai hiện còn cha thì hãy làm tròn đạo hiếu, tỏ lòng biết ơn, trân trọng, quan tâm, yêu thương cha đừng trở thành những người con vô tâm, bất hiếu.
Tình phụ tử thiêng liêng, cao đẹp là thế, vô cùng tự nhiên, thứ tình cảm được lưu truyền từ đời này sang đời khác được xem là một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Tình cảm đó ngày càng sâu đậm, được tôn vinh được các nhà thơ nhà văn lấy làm cảm hứng sáng tác viết lên những câu chuyện gắn liền tình phụ tử để làm bài học cho những thế hệ trẻ về sau để trân quý tình cảm gia đình đặc biệt là tình phụ tử. Vì vậy, mỗi chúng ta đang còn tuổi ăn tuổi học thì phải luôn không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập thật giỏi, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội, người thành đạt để đền đáp công lao dưỡng dục của cha. Chúng ta tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu thảo, tỏ lòng thành kính với các bậc sinh thành dưỡng dục mà trước giờ dân tộc ta đã gìn giữ và lưu truyền cho tới ngày nay.
Nguồn: verbalearn.com
Nghị luận về tình phụ tử – Mẫu 2
“Trên trái đất này không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của cha dành cho con mình” – Triết gia Cicero. Nói về tình yêu thương của mẹ, chúng ta thường liên tưởng đến những hình ảnh người mẹ dịu dàng với những câu hát ru. Thì tình yêu của cha chính là hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ như những tấm khiên vững chãi, tuy có phần cứng nhắc nhưng luôn dành cho con những thứ tốt đẹp nhất và bảo vệ con mình khỏi những đau thương của xã hội.
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là món quà của thượng đế. Nhưng không phải ai cũng may mắn có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Sẽ có những người mất cha còn mẹ, cũng sẽ có người mất mẹ còn cha và thật bất hạnh hơn đó là không còn ai bên cạnh chúng ta, đó chính là điều mà không đứa trẻ nào muốn nghĩ tới. Nếu tình mẫu tử chính là tình cảm của mẹ dành cho con cái, thì tình phụ tử chính là tình cảm của cha cho những đứa con thân yêu của mình. Cha chính là người luôn che chở bảo bọc con cho dù con có như thế nào đi chăng nữa. Tuy là người ít bộc lộ cảm xúc và có phần ít nói nhưng đằng sau đó chính là những nỗi lo không nói thành lời. Sự nghiêm khắc của cha khi con học bị điểm kém. Hay đằng sau những trận đòn roi, có lẽ người đau nhất không phải là ta mà chính là cha, tại sao lại như vậy ư, bởi vì cha luôn mang trong mình một nỗi sợ mà chỉ người trưởng thành và bật làm cha mẹ mới có thể hiểu được, những cây roi chính là những gì cha mong muốn con không lặp lại trong tương lai, bởi nếu có lặp lại thì hậu quả sẽ không phải là những cây roi nữa mà chính là những hậu quả mà con phải tự mình gánh lấy và mọi sai lầm đều phải trả giá, xã hội sẽ không vì con mà nương tay hay tha lỗi cho con như những gì cha đã từng làm. Bởi vậy, không tự nhiên mà ông bà ta có câu “thương cho roi cho vọt”.
Thậm chí nếu thượng đế có vô tình làm tổn thương con bằng cách không cho con có được cơ thể giống như những bạn cùng trang lứa thì đừng lo lắng cha vẫn sẽ luôn đồng hành cùng con, bởi tình yêu thương của cha là vô bờ bến và không thứ gì có thể mang ra đong đếm được. Khi nói đến hai từ “thiên chức” chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những người mẹ, nhưng cha của chúng ta cũng có thiên chức đấy nhé, tuy không thể so sánh với sự dịu dàng của mẹ được nhưng nó cũng thể hiện qua những hành động như là đón con sau những giờ tan học, chắc hẳn hình ảnh này đã vô cùng quen thuộc với chúng ta.
Hay tình cha còn được thể hiện qua tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. “Chiếc lược ngà” là một tác phẩm tiêu biểu. Tác phẩm ca ngợi tình cha con thiêng liêng cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Với bé Thu chiếc lược ngà là kỉ vật của người cha, là tình cảm yêu mến nhớ thương của người cha chiến sĩ dành cho mình. Với ông Sáu chiếc lược là một báu vật bởi nó chứa đựng tất cả tình yêu thương mong đợi của của ông dành cho con gái. Nhà văn không chỉ nói đến tình cha con thắm thiết trong tác phẩm mà ông còn cho chúng ta thấm thía những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra. Có như thế ta mới thấy được tình phụ tử cao quý và thiêng liêng biết nhường nào. Thật khô dám tưởng tượng được cuộc sống sẽ như thế nào nếu một ngày không còn cha bên cạnh nữa.
Sẽ là một thiệt thòi cho những mảnh đời kém may mắn không còn cha bên cạnh. Và nó sẽ là một thiếu sót trong quá trình phát triển của một đứa trẻ. Chúng không được nhõng nhẽo, thật tủi thân khi nhìn các bạn cùng trang lứa của mình luôn có người đưa đi học và đứng chờ mỗi khi con tan học về. Chúng phải cố gắng tự lập và trưởng thành hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, vì nếu chỉ cần chúng biết khi chỉ cần có một sai sót nhỏ thôi cũng là cơ hội cho những người không có thiện cảm dè biểu chà đạp lên gia đình mình. Vì vậy, những ai đang còn cha hãy cố gắng trân trọng từng phút giây nhé, hãy nói lời yêu thương cha mình thật nhiều, bởi vì cha đang dần già đi theo năm tháng, đừng để một ngày nào đó bạn phải hối hận với những gì đã bỏ lỡ và thời gian sẽ không vì một ai mà quay trở lại.
Tình phụ tử là tình cảm thiêng liêng nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Khi tất cả mọi người quay lưng lại với chúng ta, nhưng cha vẫn luôn là người che chắc cho con, luôn dành cho con mọi thứ tốt nhất mà cha có. Cho dù cha có thể không phải là người hoàn hảo nhưng luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất. Luôn là người dẫn dắt con đi trên mọi nẻo đường. Luôn cho chúng ta những lời khuyên chân thành nhất. Và mỗi chúng ta ai cũng sẽ trở thành ông bà, cha mẹ, khi tỏ lòng biết ơn với cha mẹ cũng chính là đang làm gương cho con cháu của mình, bởi những gì chúng ta làm ngày hôm nay chính là những gì mà chúng sẽ đối xử với chúng ta mai sau. Thể hiện lòng biết ơn cũng là thể hiện bạn là người có đạo đức và có giá trị, giá trị ở đây không phải được thể hiện qua quần áo hay giày dép mà bạn mang trên người, mà đó chính là nhân cách của một con người, và nó cũng sẽ làm mọi người xung quanh yêu mến bạn hơn.
Tình cha con thiêng liêng như thế nhưng bên cạnh đó xã hội vẫn có vô số những câu chuyện buồn đó chính là có những con người ăn chơi, cờ bạc, rượu chè bê bết không lo làm ăn, họ chỉ nhớ đến cha khi hết tiền .Hay là có những người viện cớ cha đã già không còn minh mẫn, viện cớ rằng cha không thể hiểu được mình vì hai người không cùng thế hệ, thật nực cười cho những con người như vậy, họ không bao giờ tự nhìn nhận lại xem có bao giờ họ đã chịu ngồi xuống lắng nghe hay chưa, mà chỉ biết ngồi than thân trách phận. Ngoài ra xã hội cũng có những thành phần đối xử tệ với cha khi họ bệnh tật, thật đáng buồn cho những con người như vậy, tại sao họ không thể đối xử với cha của mình như những gì cha đã làm với họ chứ. Hay trong thời buổi mạng internet phát triển như hiện nay cũng có một số bạn trẻ chỉ biết viết những dòng trạng thái hay những câu nói đạo lý như là “Tốc độ thành công của bạn nhất định phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ”, nhưng thực tế thì những câu nói như vậy viết ra với mục đích là câu like, thậm chí khi viết xong họ còn chẳng thèm làm gì và cũng không có ý định thực hiện nó. Hay có những bạn trẻ chạy theo xu hướng “single mom” cho dù người mẹ có hoàn hảo đến đâu nhưng cũng không thể nào thay thế được vai trò to lớn của người cha trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ được. Thậm chí còn có những người cha vô tâm bỏ rơi con mình mà không chịu trách nhiệm. Chúng ta cần phải lên án và phê phán những hành động đó, để cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, bởi chắc chắn một điều rằng không ai muốn con mình sống trong một thế giới như vậy cả.
Vì vậy, chúng ta hãy dành cho cha của mình tình yêu thương nhiều nhất có thể, bởi vì có cha chính là điều tuyệt vời và ấm áp nhất, đừng để một ngày nào đó bạn sẽ phải hối hận vì mình bỏ lỡ cơ hội nói lời yêu thương. Học tập thật tốt và cư xử lễ độ với mọi người xung quanh cũng là cách để cha có thể tự hào về mình. Cha chính là người sinh ra và nuôi chúng ta khôn lớn vì vậy chăm sóc tốt cho bản thân cũng chính là đền đáp công ơn sinh thành, chăm sóc cho chính mình tốt thì mới có thể khiến cho cha không lo lắng, có một sức khỏe tốt thì chúng ta mới có thể chăm sóc được cho cha của mình.
Mỗi chúng ta cho dù là thành công hay thất bại thì đối với cha mẹ chúng ta luôn là những đứa con bé bỏng. Tình yêu thương bao là của cha dành cho các con thật ấm áp, là người luôn bao dung và che chở cho chúng ta suốt cuộc đời mà không bao giờ mệt mỏi. Vì vậy, hãy nói lời yêu thương cha mẹ nhiều nhất có thể bạn nhé.
Nguồn: verbalearn.com
Nghị luận về tình phụ tử – Mẫu 3
Những tình cảm yêu thương đối với cha mẹ luôn là những thứ tình cảm thiêng liêng, đáng quý nhất trong cuộc đời của mỗi con người, đó là mối keo sơn gắn kết giữa chúng ta với đấng sinh thành. Bên cạnh tình mẫu tử cao quý thì tình cảm phụ tử cũng rất sâu nặng và nghĩa tình đó là thứ tình cảm mà chẳng ngôn ngữ nào có thể diễn tả được.
“Cha là bóng mát giữa đời
Cha là điểm tựa bên đời của con”
Tình phụ tử là tình cảm của người cha dành cho những người con của mình, tình cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước đầu nguồn. Trong đời sống tinh thần đầy đa dạng phong phú của con người thì tình cha con là thứ tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm, thứ tình thân của cốt nhục ruột rà. Ai sinh ra cũng có một người cha, được yêu thương đùm bọc và che chở, không quản nhọc nhằn hy sinh gian khổ để bảo vệ, chăm sóc, đem đến những điều tốt đẹp nhất cho các con. Luôn ấp ủ, ủng hộ và có trách nhiệm giúp đỡ cho những ước mơ, tương lai của con cái sau này. Công lao to lớn của người cha làm sao có thể kể hết bằng ngôn từ, nó đã được thể hiện rất nhiều trong những bài ca dao, dân ca, tục ngữ như sau:
“Công cha như núi ngất trời ”
“Công cha như núi thái sơn ”
“Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi ”.
“Cha là núi xanh hoài cỏ dại
Cha là trời mây trắng con bay ”.
Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc đáng tin cậy cho vợ và các con. Từ xa xưa, những người làm cha luôn gánh vác mọi việc lớn như xây nhà, chẻ củi, gánh nước,.. Đến những việc nhỏ hơn như đưa ra những lời khuyên bảo chân thành, những kinh nghiệm sống quý báu để con hướng tới những lối đi đúng đắn, những cử chỉ dạy dỗ dìu dắt từng bước đi đầu đời cho chúng ta, những ánh mắt đầy tự hào và trìu mến khi thấy con mình thành công những tình cảm hay ánh mắt ấy cũng đều khởi phát từ trái tim ấm áp của cha. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta đứng trước những sự lựa chọn khó khăn hay còn đang loay hoay, bế tắc với những mớ hỗn độn của công việc do mình bày ra, cha chỉ nhẹ nhàng bước đến bên con và mỉm cười, dốc lòng, dốc sức cùng đồng hành để tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho con. Mặc dù bận bịu vất vả mưu sinh vì miếng cơm manh áo cho gia đình nhưng cha vẫn luôn tỏ ra mình mạnh khỏe không mệt mỏi cho dù thế nào thì cha vẫn luôn tự mình chịu, không muốn để con cái của mình phải lo lắng. Những lúc mình bất lực hay làm sai điều gì đó cha vẫn ung dung với giọng nói điềm tĩnh, ấm áp, truyền cho con niềm tin, sức mạnh để chống chọi với cuộc sống đầy tấp nập và chông gai này. Qua bao nhiêu năm tháng cha càng ngày càng già đi các con càng lớn dần nhưng đối với cha các con lớn bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn là đứa nhóc ngây thơ của cha, tình cảm của cha không phai theo năm tháng mà ngày càng được tăng lên. Vậy đấy tình cảm của cha thiêng liêng biết bao, người đã làm thầy, làm bạn cùng chia sẻ tâm sự, hỗ trợ chúng ta trong những lúc khó khăn nhất, dạy dỗ ta những bài học làm người quý báu, không bao giờ bỏ cuộc. Những lúc như thế ta thấy cha thật vĩ đại biết bao nhiêu! Có thể khi còn nhỏ chưa hiểu hết tấm lòng mẹ cha, ta thường thấy cha ta thầm lặng, bởi lẽ là trụ cột của gia đình mang nhiều nỗi ưu tư, trăn trở về cuộc sống. Đó là hình ảnh về một người lúc nào cũng nghiêm khắc, khó tính, cứng rắn trong mọi chuyện, lạnh lùng dứt khoát, thường xuyên quan sát, thường xuyên xem xét những việc làm của các con của mình trong quá trình trưởng thành. Nhưng thật ra, những người cha có tình yêu thương con đều mang một màu sắc riêng, khác với những người mẹ, người bà thường chu đáo, nhẹ nhàng, dịu dàng và âu yếm. Bất cứ người cha nào cũng có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái theo cách của riêng mình, thường là “ Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi ”, tình yêu thương con ấy được thể hiện ở những hành động cụ thể, ở sự hy sinh không kể đền đáp, răn dạy nghiêm khắc, không nuông chiều để người con nào cũng trưởng thành nên người, không sa đà hư hỏng. Vậy mới thấy, trách nhiệm của một người làm cha cũng thật là nặng nề, vừa thể hiện sự quan tâm lo lắng cũng vừa kỷ cương, nghiêm túc, cho nên con cái hiền hay hư hỏng cũng tùy thuộc vào một phần của người cha bởi sự bao dung bạn dạy dỗ từ những người cha tâm lý. Cha bạn có thể không hoàn hảo nhưng cha vẫn luôn yêu thương bạn theo cách hoàn hảo nhất. Họ ra sức nuôi nấng, chỉ dạy ta để kế nghiệp cha ông dòng tộc và trở thành một con người có ích cho xã hội, làm rạng danh quê hương đất nước, đòi hỏi người cha phải có một sự kiên trì bền bỉ, nhiệt huyết để bên cạnh thôi thúc các con nên người. Không những thế, cha còn là tấm gương mẫu mực tốt nhất mà con mình noi theo, học tập, là bó đuốc cháy hết mình để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc đủ đầy cho gia đình thân yêu. Bên cạnh một người mẹ hiền thục, đằm thắm là một người cha nghiêm túc từ tốn lúc nào cũng vậy, cho dù cách thức biểu hiện tình cảm với con cái có khác nhau như thế nào những bậc làm cha làm mẹ vẫn luôn dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất về tất cả mọi mặt. Tình cha luôn là điểm tựa chắc chắn cho con trong những bước đường đời, khi các con lớn lên trong tình yêu thương che chở ấy thì chúng sẽ trở nên tự tin hơn, dũng cảm, kiên cường và cứng cáp hơn, không chịu khuất phục trước những chông gai, thử thách, vì luôn có cha ở phía sau dõi theo, khích lệ, động viên và uốn nắn ta.
Giống như nhà thơ Y Phương đã từng viết:
“Chân phải bước đến cha
Chân trái bước đến mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước chạm tiếng cười”
Chính đạo lý phụ tử cao đẹp ân tình, của tình thân máu mủ ruột rà, nên cha luôn hướng cho con đến ý chí thành công của đạo làm người cho dù những lúc phải gồng mình nuôi dạy con, phải ra sức khuyên nhủ cho con không lầm đường lạc lối nhưng tình cảm thiêng liêng của cha vẫn không hề thay đổi mà vẫn luôn đúng mực, mặc dù con cái có cứng đầu, sai trái bao nhiêu đi nữa thì vòng tay nồng ấm của cha vẫn dang rộng chào đón. Thật hạnh phúc cho những người con còn được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mình. Trong truyền thuyết quý báu của dân tộc ta, hình tượng về người cha Lạc Long Quân tài ba lỗi lạc thương con là niềm tự hào mạnh mẽ về truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, về dòng máu Lạc Hồng của người Việt Nam. Trong tác phẩm văn học viết về tình phụ tử sâu nặng thì phải kể đến đó là cha con Chử Đồng Tử, còn cả lời trăn trối của người cha già trước khi chết là nhường lại cho con tất cả những gì mà người cha đang có gợi cho ta nghĩ đến đức hy sinh cao cả của cha. Khi chúng ta đọc câu chuyện Lão Hạc của nhà văn Nam Cao ta lại càng xót xa, thấm thía hơn, tình cảm của ông dành cho người con của mình đó là hình ảnh của người cha già nua, sống mòn mỏi quá ngày, tận khổ lo lắng cho người con đi làm xa để rồi Lão Hạc lại lựa chọn cái chết trong đau đớn cô độc vì muốn dành cho con mình một con đường sống. Một cái chết thật nghiệt ngã đắng cay nhưng cũng rất bi hùng của tình phụ tử đã lấy đi bao nước mắt của con người có tâm hồn nguội lạnh, khô cằn nhất. Trong những đời sống chiến đấu bảo vệ đất nước của dân ta luôn luôn có truyền thống tốt đẹp cha truyền con nối, kế nghiệp cha anh, “ Lớp cha trước lớp con sau đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Có lẽ đồng bào cả nước sẽ không bao giờ quên được vị cha già kính yêu của dân tộc, một vị lãnh tụ vĩ đại của cước nhà, đó chính là Bác Hồ thân yêu là tấm gương sáng cho biết bao thế hệ học tập, rèn luyện nhiều đức tính tốt đẹp từ Bác. Những câu chuyện xuất phát từ tình cảm phụ tử lúc nào cũng cảm động, tràn đầy ý nghĩa đặc biệt là ông Sáu trong Chiếc lược ngà của tác giả Nguyễn Quang Sáng. Vì chiến tranh, ông Sáu phải xa nhà đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc từ khi con gái đầu lòng mới tròn một tuổi, tại chiến khu rừng núi xa xôi khắc nghiệt, người cha ấy vẫn không bao giờ nguôi đi nỗi nhớ thương con và luôn mong mỏi được sớm trở về thăm người con gái thân yêu của mình. Ông đã miệt mài, tỉ mỉ chăm chút từng chiếc răng lược chỉ vì lời nói vu vơ của bé Thu và nói lên những tình cảm yêu thương tha thiết: “ Cha tặng con chiếc lược ngà ”. Chính có con cái đã là động lực để cho người cha vượt qua mọi gian khổ, gánh nặng của cuộc đời. Họ có thể vì tương lai tươi sáng của con mình mà chấp nhận và sẵn sàng đánh đổi hy sinh tất cả. Quả thật, “ Mây trời lồng lộng không đếm được công cha ”, tuy là người ít bộc lộ cảm xúc yêu thương ra bên ngoài nhưng cái vẻ ngoài lầm lì ít nói ấy vẫn không thể che lấp đi những tình cảm mãnh liệt của cha. Tuổi thơ của ai mà lại không được một lần cưỡi trên lưng cha, được dạy chơi thả diều, tập xe đạp, chúng ta nên biết dành nhiều thời gian cho cha mẹ, chăm sóc đỡ đần công việc của họ, báo hiếu cha bằng những niềm hạnh phúc về vật chất và tinh thần. Tùy thuộc vào khả năng của mọi người mà có những lời nói quan tâm, có những hành động báo đáp biết ơn công lao to lớn của cha mẹ. Nhưng hiện nay với lối sống hiện đại thì các bạn trẻ được cha mẹ nuông chiều quá mức lâu dài hình thành tính cách ỷ lại và không coi trọng công lao của cha mẹ, ngoài ra còn có những người coi thường cha mẹ hơn nữa là đánh đập cha mẹ chỉ vì không đưa tiền hoặc những thứ vật chất khác. Đấy là những hành động bất hiếu của con đối với người sinh và nuôi nấng mình. Vì vậy yêu kính các bậc sinh thành, làm tròn đạo làm con là bổn phận trách nhiệm của mỗi con người, ta hãy học cách yêu từng giọt mồ hôi mặn chát, những tiếng thở dài khi mùa màng thất bát, học cách trân trọng lấy đôi bàn tay sạm đen vì mưa nắng làm mọi việc nặng của cha để mưu sinh vì các con. Hãy biết lắng nghe và cảm nhận tình cha ấm áp trong từng ánh mắt nghiêm nghị, hãy biết thấu hiểu, luôn trở về và giải bày với ta khi ta phạm lỗi lầm, những biến cố vui buồn thăng trầm của cuộc đời vì chỉ có cha mới có đủ lòng bao dung rộng lượng để tiếp thêm sức mạnh cho ta mà thôi.
Biết báo hiếu làm tròn trách nhiệm là một người con ta nên biết chia sẻ, quan tam cha nhiều hơn, để cho cha mình được hạnh phúc an vui vơi bớt đi những gánh nặng của cuộc đời là điều mà chúng ta nên làm. “Cha luôn nói tôi là niềm tự hào đời này của cha. Thực ra tôi cũng muốn nói cha là niềm kiêu hãnh trong sinh mệnh của tôi ”. Dù mai sau khôn lớn có đi đâu tự mình bay thật xa thì những lời căn dặn quý báu, những cái xoa đầu dịu dàng của cha sẽ khiến chúng ta nhớ mãi không quên và theo ta đến hết cuộc đời.
Nguồn: verbalearn.com