✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về tình cảm gia đình. Giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tư liệu tham khảo. Và mong rằng sau bài viết này, giá trị về ý nghĩa tình cảm gia đình sẽ được các bạn học sinh hiểu hơn để có những hành động tốt hơn với gia đình của chính mình.
Dàn ý nghị luận về tình cảm gia đình
Văn mẫu nghị luận về tình cảm trong gia đình
Bài văn mẫu số 1
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng của mỗi con người. Chúng ta có nhiều nơi để đến nhưng chỉ có một nơi duy nhất để về đó chính là gia đình. Chính vì vậy, gia đình được xem là ngôi nhà thân yêu và thiêng liêng liêng nhất trên cuộc đời này, chứa chan biết bao kỷ niệm tươi đẹp của thời thơ ấu mà chúng ta không thể nào quên, kỷ niệm đó sẽ theo mãi trong tâm trí của mỗi người. Gia đình mang đến cho ta cảm giác được che chở, bao bọc, mái ấm gia đình và tình cảm gia đình được xem như là kho tàng quý báu mà không nơi nào có thể so sánh được. Gia đình là nơi giúp con người hình thành nhân cách. Vai trò của gia đình thiêng liêng là thế nên không một ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tình cảm tươi đẹp này.
Gia đình là khái niệm rất đỗi quen thuộc và gắn liền với cuộc sống hằng ngày với mỗi chúng ta. Vậy thử hỏi những ai đã và đang hiểu đúng về khái niệm gia đình hay chưa? Gia đình là tập hợp những người thân quen, gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một tổ chức nhỏ nhất một tế bào tạo nên tập thể, cộng đồng, xã hội. Trong gia đình có sự liên kết với nhau từ những mối quan hệ huyết thông và công ơn nuôi dưỡng.
Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau trong hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định. Một gia đình theo truyền thống Việt Nam sẽ bao gồm các thành viên: vợ chồng, cha mẹ ruột, cha mẹ nuôi, anh em họ hàng, cô, dì, chú, bác.
Tùy thuộc vào việc tổ chức sinh sống của gia đình, gia đình có thể chia thành nhiều các cách gọi như sau: Một gia đình nhỏ bao gồm khoảng hai thế hệ như cha, mẹ và con cái. Đại gia đình bao gồm rất nhiều thế hệ cùng sinh sống với nhau: ông cụ, bà cụ, ông, bà, cha mẹ, con cái, cháu, chắt. Có rất nhiều cách hiểu về gia đình khác nhau nhưng nhìn chung đây là một nơi mà những con người liên kết với nhau, sinh sống với nhau tạo nên mối quan hệ mật thiết, gia đình là hình ảnh phản ảnh của một xã hội thu nhỏ. Gia đình là nơi chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm thân thương, chân thành nhất của cả một đời người. Chính tình yêu thương, che chở bao bọc của gia đình giúp ta vượt qua được mọi rào cản về không gian và thời gian để mang lại một cuộc sống tốt đẹp, gia đình là điểm tựa tinh thần tuyệt vời nhất đối với mỗi cá nhân. Tình cảm gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi huyết thống mà chúng ta có thể hiểu rộng hơn là quan hệ họ hàng xa. Trước hết nói về tình cảm gia đình phải kể đến tình cảm yêu thương rộng lớn như biển cả của cha mẹ dành cho chúng ta. Cha mẹ là suối nguồn yêu thương vô tận, người đã mang cho những người con hình hài và nhịp sống, trái tim, mạch máu, hơi thở và nụ cười. Những lời ru ngọt ngào của mẹ từ thuở còn nằm nôi sẽ là lời thiên thu dọc theo bước thời gian của con trên vạn nẻo đường đời. Nếu như mẹ yêu con bằng những cưu mang, hoạn dưỡng thì cha thương con bằng những nhọc nhằn cả đời bươn chải kiếm tiền để chăm lo cho gia đình nhỏ. Mẹ thương con bằng sự đùm bọc, che chở, thương con bằng những lời hỏi han, lo lắng khi con vắng nhà, thì cha thương con bằng những công việc cực nhọc thấm đẫm mồ hôi để có tiền chi trả lo cho cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận được công lao to lớn của cha như ngọn núi Thái Sơn, như nguồn nước luôn chảy của mẹ.
Cha mẹ là đấng sinh thành, hi sinh thầm lặng, luôn bảo vệ, che chở yêu thương con cái mà không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào. Công ơn sinh thành, dưỡng dục rộng lớn như biển cả. Chính vì vậy, mỗi người con của mỗi gia đình phải biết yêu thương vâng lời cha mẹ, quan tâm, chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Không có cha mẹ, con người thật khó vững bước trên đường đời. Không gì bất hạnh và cô đơn bằng thiếu vắng tình cảm gia đình. Ngược lại, tấm lòng hiếu thảo của con luôn làm cha mẹ vui lòng. Thành công của con cái chính là sự nghiệp của cha mẹ.
Chúng ta rèn luyện tập, tập thói quen tự giác, sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tỏ lòng kính yêu, tôn trọng với những đấng sinh thành dành cả đức hi sinh cho con cháu. Sự đùm bọc, chỉ dạy, giúp đỡ yêu thương của tình cảm anh em cùng chung sống dưới một tổ ấm gọi là gia đình, rộng hơn là với những người họ hàng có quan hệ máu mủ , ruột thịt trong dòng họ.
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, trân quý, luôn luôn đúng, trường tồn mãi với thời gian được cha ông ta khắc họa qua những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc:
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Gia đình là nền tảng tinh thần vững chắc là cái nôi dưỡng con người thành những người thành công, có địa vị trong xã hội. Truyền thống gia đình là cơ sở là nền tảng để tạo dựng và nuôi dưỡng một nhân cách, phẩm chất cao đẹp của mỗi người. Gia đình là nguồn động viên, an ủi chỗ dựa tình thần vững chắc cho mỗi người có thêm động lực, có thêm sức mạnh để có thể vượt qua mọi thử thách, trở ngại của cuộc đời. Gia đình được xem là bến đỗ bình yên và bến đỗ duy nhất mà không bao giờ chối bỏ ta. Sự quan tâm hy sinh thầm lặng, trong tâm trí luôn nghĩ về con cái, chính vì vậy chúng ta phải làm trọn đạo hiếu với cha mẹ của mình. Khi ba mẹ đi làm việc vất vả, bận rộn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày không ngại nắng mưa, không ngại gian khổ để tạo điều kiện tốt nhất cho con, thì chúng ta phải không ngừng nỗ lực, trau dồi tri thức để trở thành người con ngoan, trò giỏi là điều hạnh phúc nhất đối với ba mẹ rồi.
Trong thực tế xã hội ta chứng kiến nhiều câu chuyện về tình cảm gia đình thứ tình cảm cao quý nhất đó được thể hiện rõ nét ở tình phụ tử . Suốt 15 năm ròng kể từ lúc đón nhận sự xuất hiện của cậu bé Bôm (Nguyễn Anh Tuấn) và cũng là lúc đón nhận căn bệnh hiểm nghèo và hiếm gặp của con trai, đạo diễn Quốc Tuấn đã dừng hẳn việc đóng phim để ở bên con của mình, để vừa làm cha, làm mẹ, làm bạn, làm thầy,…Tình cảm thiêng liêng ấy của anh đã giúp cho cậu bé Bôm có một nghị lực sống phi thường. Ở một câu chuyện khác cũng làm nổi bật tình cảm gia đình, Dick Hoyt nổi danh trên toàn thế giới là người cha kì diệu. Ông cùng đứa con trai bị liệt của mình – Rick Hoyt tham gia nhiều cuộc thi thể thao để làm con vui. Đó chính là sự sẻ chia, yêu thương, cảm thông, là sức mạnh kì diệu của tình phụ tử để Rick tự tin và tìm thấy được thành công trong sự nghiệp thể thao của mình. Không có cha mẹ, con người thật khó vững bước trên đường đời.
Chính sức mạnh to lớn của tình yêu thương che chở của gia đình để ta có thể tự tin, mạnh dạn trên bước đường đời, chắp đôi cánh ta bay cao bay xa cùng với những ước mơ, khát vọng lớn lao của cuộc sống để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi chúng ta hãy nhớ rằng, tình yêu thương vô bờ, công ơn dưỡng dục, dạy dỗ của cha mẹ là động lực để ta trở thành một người thành đạt. Không có sự hi sinh, nuôi dưỡng của cha mẹ thì chúng ta khó có thể thực hiện được những mục tiêu, kế hoạch và hoàn thành được ước mơ, để chạm đến sự vinh quang nhanh nhất, từ đó có thể tự mình vững bước trên đường đời. Không gì bất hạnh và cô đơn bằng thiếu vắng tình cảm gia đình và đổ vỡ trong hôn nhân. Lev Tolstoy từng viết: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng những gia đình không hạnh phúc thì bất hạnh theo cách của riêng mình”.Có lẽ hàng trăm năm sau, nỗi bất hạnh của con người, của nhân loại sẽ vẫn thế, vẫn riêng biệt, bơ vơ, cô đơn, lẻ loi nếu sống mãi trong gia đình không hạnh phúc.
Bên cạnh những biểu hiện hành động thể hiện tình cảm gia đình thì cũng tồn tại song song đó là sự thiếu vắng tình cảm gia đình. Thực trạng xã hội ngày nay tình cảm gia đình dần bị chi phối bởi công việc bận rộn, các mối quan hệ bạn bè ngoại giao trong xã hội làm cho tình cảm gia đình dần vơi bớt không còn gắn bó thân thiết, cùng nhau chia sẻ, trò chuyện với nhau trong những bữa cơm gia đình. Bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình với nhau, là nơi các thành viên chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Mỗi gia đình là một người riêng lẻ, họ có thế giới riêng nhưng thế giới riêng đó không có sự kết nối với nhau thì họ sẽ trở thành như những người xa lạ ở ngoài xã hội. Tuy chung sống trong một nhà nhưng không phải là gia đình, vì thiếu bữa cơm gia đình làm cho tình cảm gia đình lỏng lẻo, không có sự gắn kết.
Sống trong một gia đình ấm êm, hạnh phúc, những đứa trẻ sẽ không ngừng phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn. Chúng sẽ có cái nhìn bao dung với mọi người xung quanh giống như sự bao dung mà chúng nhận được từ cha mẹ và những người thân trong gia đình. Sự ấm êm, hạnh phúc của gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ để chúng sống tốt hơn, có trái tim nhân hậu hơn, biết yêu thương mọi người hơn. Ngược lại, nếu sống trong một gia đình suốt ngày chỉ là cãi vã, tị nạnh nhau, chửi bới nhau thì những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng về chính môi trường sống không tốt mà gia đình mang lại cho những đứa trẻ những suy nghĩ tiêu cực, những thói hư, tật xấu. Những đứa trẻ nhìn cuộc sống bằng ánh mắt sợ sệt và chán ghét mọi thứ, có những suy nghĩ tiêu cực. Những đứa trẻ có thể bị tự kỷ, trầm cảm khi sống trong gia đình thiếu tình yêu thương và hằng ngày chỉ chứng kiến những trận đòn, những lời lăng mạ chửi rủa của gia đình. Qua đó, cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những bậc làm cha mẹ hãy tạo dựng cho con em mình một mái ấm gia đình đúng nghĩa.
Tình cảm gia đình thiêng liêng, cao quý là thế, mãi mãi trường tồn vĩnh hằng với thời gian, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi người. Cuộc sống này tiềm ẩn những giá trị tốt đẹp và sẽ không mất đi nếu chúng ta biết trân trọng, giữ gìn và phát huy. Tình cảm ấy sẽ là nơi chúng ta thấy được niềm tin yêu trong cuộc sống, sự gắn kết diệu kỳ mà cuộc sống ban tặng cho mỗi người để giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạn nhân của xã hội là gia đình”. Trong xã hội hiện đại, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa của một quốc gia.
Bản chất của văn hóa gia đình người Việt truyền thống chính là một tổ chức dựa trên mối quan hệ nghĩa tình nơi mà các thành viên sống và yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình thân, sự đồng cảm và thấu hiểu. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự nhất định, có trên có dưới. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với ông bà, cha mẹ. Chính mối quan hệ nghĩa tình ấy đã góp phần tác động đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, lối sống của gia đình. Văn hóa gia đình truyền thống tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với đời sống xã hội.
Nói tóm lại, tình yêu thương chính là một phẩm chất tốt đẹp, đáng quý mà chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và phát huy. Gia đình là tài sản quý giá nhất đối với mỗi con người. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi còn có gia đình hãy biết quý trọng, gìn giữ và vun đắp tình cảm ấy thật tốt đẹp bởi vì tình cảm gia đình là thiêng liêng, cao quý nhất. Không có gì hạnh phúc và đáng quý hơn khi sống dưới một mái ấm gia đình hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười đùa vui vẻ. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy biết yêu thương và thực hiện trách nhiệm, làm tốt vai trò bổn phận của mình đối với người thân trong gia đình các bạn nhé!
Nguồn: verbalearn.com