Bài viết này, VerbaLearn giúp tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo cũng như hiểu hơn về một số tệ nạn xã hội cần tránh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Dàn bài nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Tệ nạn xã hội trong trường học
Thân bài
#1. Trường học mang lại cho chúng ta những gì?
- Trường học là môi trường giúp chúng ta có thêm kiến thức, mở rộng sự hiểu biết cho bản thân từ những kiến thức trong sách vở cho đến những kinh nghiệm, kỹ năng sống được thầy, cô dạy dỗ, chỉ bảo cho chúng ta hằng ngày.
- Trường học là nơi cho ta tri thức cũng là nơi giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và đạo đức cho chính bản thân chúng mình qua những bài giảng của các thầy cô giáo, trường học cũng là nơi dạy cho ta cách sống, cách đối nhân xử thế, dạy cho chúng ta đạo lí làm người,…
#2. Mặt trái của quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng đến trường học
- Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, văn hóa như hiện nay đã mang lại những mặt tích cực, những lợi thế cho sự phát triển nền giáo dục của đất nước thì bên cạnh đó sự phát triển đó lại kéo theo những mặt tiêu cực xảy đã xâm nhập vào nước ta.
- Nhất là trong môi trường học đường hiện nay đã có sự xuất hiện của các tệ nạn xã hội như là tệ nạn về hút thuốc lá, bạo lực học đường, nói tục chửi thề, ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan,…
#3. Nêu các tệ nạn cụ thể ở trường học mà bạn biết
- Bạo lực học đường
- Hút thuốc lá
- Nói tục, chửi thề
- Cờ bạc
#4. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của các tệ nạn xã hội.
- Do nhận thức còn hạn chế, chưa đầy đủ
- Bản thân còn ham chơi, thích đua đòi, tụ tập
- Bị lôi kéo, rủ rê, đối tượng xấu dụ dỗ,…
- Học không nắm được kiến thức nên dẫn đến chán nản
- Thiếu sự quan tâm của gia đình
- Hậu quả của các tệ nạn xã hội
- Ảnh hưởng đến chính bản thân mình
- Ảnh hưởng đến gia đình
- Gây ảnh hưởng đến nhà trường
#5. Giải pháp để nhằm hạn chế, đấu tranh với các tệ nạn trong trường học hiện nay.
- Về phía nhà trường
- Đối với gia đình
- Đối với bản thân mỗi học sinh cần phải làm gì?
Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của bản thân về vấn đề cần nghị luận
Dàn ý nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường – Mẫu 2
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào học đường gây ra nhiều tác hại và những mối lo ngại lớn cho toàn xã hội.
Thân bài
Thực trạng
+) Các vấn để tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào học đường: Nói tục, nghiện ngập, bạo lực, gian lận, cờ bạc, ma tuý,…
Tác hại của chúng
+) Suy giảm nghiêm trọng sức khoẻ. …
+) Ảnh hưởng đến hiệu quả học tập.
+) Là hành vi phạm pháp và cũng là con đường dẫn đến các tệ nạn xã hội khác, làm suy thoái đạo đức.
Nguyên nhân
+) Chưa có sự giáo dục tốt từ phía gia đình
+) Nhà trường chưa phối hợp giáo dục hiệu quả với gia đình, xã hội.
+) Bản thân học sinh chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng của các tệ nạn xã hội
Biện pháp phòng ngừa và khắc phục
+) Cần có sự quan tâm, phối hợp giáo dục nhận thức cho học sinh, sinh viên
+) Tuyên truyền, phổ biến về tác hại mà tệ nạn gây ra để có biện pháp phòng tránh
+) Nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy nguy hiểm do tệ nạn gây ra.
Kết bài
Khẳng định lại vấn đề: Tệ nạn xã hội trong học đường ảnh hưởng rất lớn đến nền giáo dục tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường đến thế hệ trẻ và sự phát triển của đất nước, văn minh của xã hội.
Nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường – Mẫu 1
Nước ta ngày nay đang trên con đường hội nhập và phát triển, ngoài tăng cường phát triển về kinh tế văn hóa thì nền giáo cũng rất được coi trọng và là mục tiêu cấp bách, chiến lược cho sự phát triển lâu dài của đất nước, vì con người là vốn quý, là nguồn nhân lực dồi dào để phát triển đất nước. Chính vì lẽ đó giáo dục luôn là vấn đề cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Hiện nay ở các trường học đã xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội và đây là vấn đề khiến cho nhà trường cùng toàn thể xã hội, gia đình phụ huynh học sinh phải lo lắng về những vấn đề này vì nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính con em của họ.
Như chúng ta đã biết trường học không chỉ là nơi để học tập, chúng ta được truyền đạt những kiến thức từ các thầy cô giáo khi đến trường thì đây còn là môi trường để chúng ta có thể vui chơi, kết bạn với những người bạn khác nhau. Trường học là môi trường giúp chúng ta có thêm kiến thức, mở rộng sự hiểu biết cho bản thân từ những kiến thức trong sách vở cho đến những kinh nghiệm, kỹ năng sống được thầy, cô dạy dỗ, chỉ bảo cho chúng ta hằng ngày. Trường học là nơi cho ta tri thức cũng là nơi giúp chúng ta hoàn thiện nhân cách và đạo đức cho chính bản thân chúng mình qua những bài giảng của các thầy cô giáo, trường học cũng là nơi dạy cho ta cách sống, cách đối nhân xử thế, dạy cho chúng ta đạo lí làm người,… Một ngôi trường tốt, môi trường học tập trong sáng, lành mạnh thì sẽ đào tạo ra những cô, cậu học trò xứng đáng là người con ngoan trò giỏi, là những người có bản lĩnh làm chủ tương lai, đất nước, trở thành những người tài giỏi để trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển về kinh tế, văn hóa như hiện nay đã mang lại những mặt tích cực, những lợi thế cho sự phát triển nền giáo dục của đất nước thì bên cạnh đó sự phát triển đó lại kéo theo những mặt tiêu cực xảy đã xâm nhập vào nước ta. Nhất là trong môi trường học đường hiện nay đã có sự xuất hiện của các tệ nạn xã hội như là tệ nạn về hút thuốc lá, bạo lực học đường, nói tục chửi thề, ma túy, cờ bạc, mê tín dị đoan,…
Ở trường học của chúng mình thì cũng đã có những vấn đề liên quan đến các tệ nạn xã hội xảy ra. Đó là tình trạng bạo lực học đường đã thường xuyên xảy ra, đây cũng là vấn đề đáng báo động và đáng lo ngại của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là những đề làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, chất lượng dạy học của nhà trường. Nạn bạo lực học đường chủ yếu xảy ra ở độ tuổi vị thành niên, đây là độ tuổi mà nhận thức của mỗi chúng ta còn chưa được đầy đủ, bản tính hiếu thắng nên dễ bị bạn bè kích động, còn đang rất ham chơi, thích thể hiện bản thân,… Bạo lực học đường thường rất dễ nảy sinh từ những mâu thuẫn nhỏ từ những người bạn chơi với nhau, hay do những nhóm bạn có mâu thuẫn xích mích với nhau, cũng có thể do nghe bạn bè kích động nói là bạn kia nói xấu mình, cũng đơn giản chỉ là nhìn bạn đó đấy chướng mắt là các bạn, các nhóm đã có thể gây gổ đánh nhau ngay trong chính trường học, thậm chí đã không ít trường hợp sau khi tan học về tụ tập, rủ những đàn anh, đàn chị bên ngoài, hoặc gọi người nhà lên đợi bạn đi học về ở cổng trường để đón lõng, đánh nhau, cũng không ít những video về vấn nạn này đã được chính các bạn học sinh quay lại, rồi tung lên các trang mạng xã hội như clip các bạn nữ đánh nhau, xé quần xé áo, túm tóc nhau giữa đường, các bạn nam thì đấm đá nhau, thậm chí có nhiều vụ còn vác dao, rựa, gậy, gạch đá để nhào vào đánh nhau. Hậu quả của tệ nạn bạo lực học nó không chỉ gây tổn hại sức khỏe cho người bị đánh, còn ảnh hưởng đến tinh thần, thậm chí nếu nặng có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của con người. Đã không ít những bạn đã phải chuyển học sau những trận đòn nhừ tử, cứ đi học là bị bạn kéo bè kéo cánh chặn đường, hăm dọa cũng vì sợ bị đánh nên nhiều bạn thậm chí phải chuyển trường hoặc bỏ học. Vấn nạn này thật sự gây nên sự bất bình, bức xúc của nhiều gia đình và của dư luận xã hội vì trong mắt của những bậc phụ huynh thì trường học là nơi để các em học tập, vui chơi, trao đổi kiến thức, kết giao bạn bè, là hình ảnh những bạn học sinh vui vẻ đến trường chứ không phải là nơi những hình ảnh côn đồ như vậy có thể xảy ra trong trường học gây rúng động dư luận như những trường hợp trên mạng.
Ngoài tệ nạn bạo lực học đường ra thì có thể dễ nhận thấy nhất đó là tình trạng các bạn có liên quan đến tệ nạn hút thuốc lá ở trường học hiện nay. Cũng vì lí do là do bản thân có tính hiếu kỳ, tò mò nên rất dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, hoặc do bản thân vì tò mò nên cũng muốn thử để cho giống bạn mình, cũng có thể cho đó là “ngầu” trước những người bạn cùng trang lứa nhưng đâu ai ngờ rằng chỉ sau một vài lần thử thì dần dần chúng ta đã bị nghiện từ khi nào không hay, vì trong thuốc lá có chất gây nghiện. Cũng do bản thân có tính ham chơi, lêu lỏng, thích đua đòi, lười nhác trong việc học, hay kết giao, chơi với những bạn xấu, chơi với những người bạn đã hút thuốc nên bản thân mình rất dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện thuốc lá. Như chúng ta đã biết hút thuốc lá thì rất có hại và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người hút và cho những người xung quanh khi hít phải khói thuốc lá, người hút thuốc lá thì hơi thở của họ và mùi của khói thuốc cũng rất khó chịu, ở trường học thì rất dễ bắt gặp các bạn nam trên tay cầm điếu thuốc ở các hàng quán trước cổng trường, hoặc trốn ở nhà vệ sinh để hút thuốc hay là ở những cầu thang những nơi ít có người qua lại trong trường học. Nạn hút thuốc lá ở học sinh hiện nay đã làm mất đi bầu không khí trong lành vốn có của ngôi trường, lớp học nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mọi người xung quanh. Đây là tệ nạn cần triệt để xóa bỏ khỏi trường học hiện nay.
Không chỉ như vậy tệ nạn nói tục, chửi thề cũng diễn ra rất phổ biến ở trong trường học hiện nay, hầu như trong trường ở tất cả các lớp thì sẽ có ít nhất là một đến hai bạn sẽ có những câu nói tục hay chửi thề, có thể thấy thường xuyên nhất là những nhóm bạn hay cúp tiết trốn học đi chơi, hay nhóm thường xuyên tụ tập đánh nhau,… tình trạng nói tục, chửi thề hiện nay có nhiều bạn nói một cách vô tội vạ, nhiều khi nó giống như câu nói cửa miệng, như một thói quen. Khi giao tiếp với bạn bè trong lớp mà cứ nói những câu tục tĩu, hoặc là chửi bạn mình rất khó nghe. Đây là những hình ảnh xấu trước mặt những bạn nữ, ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách lối sống của chính bản thân mình, sẽ không chiếm được thiện cảm của bạn bè trong lớp học. Vô tình những câu nói như vậy cũng là hư các em thế hệ kế cận vì học theo các anh, chị mà nói theo, đã không ít những trường hợp nói tục, chửi thề đã bị thầy cô nhắc nhở, ghi sổ đầu bài thậm chí còn bị kêu lên đứng trước cột cờ về hành vi của mình. Đây cũng là những thói hư, tật xấu làm mất đi vẻ đẹp ngây thơ trong sáng, hình ảnh đẹp về các bạn học sinh còn cắp sách đến trường trước mắt bạn bè đồng chang lứa, trong mắt thầy cô và cả gia đình.
Không chỉ dừng lại ở đó mà trong trường học hiện nay còn xuất hiện tệ nạn có liên quan đến cờ bạc. Cờ bạc hiện nay là một trong những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, hậu quả của nó gây ra thì rất lớn cho chính bản thân, gia đình những người nghiện cờ bạc. Đã không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần, màn trời chiếu đất, không nhà không cửa, tán gia bại sản vì có người nghiện cờ bạc. Cờ bạc trong trường học cũng do từ những lần chơi bài nhằm mục đích để giải trí, sau những lần chơi giải trí là đánh bài uống nước, rồi từ những lần chơi bài ăn sáng, đánh bài ăn tiền với mệnh giá nhỏ chỉ từ một ngàn, hai ngàn cho đến những ván bài lớn hơn từ năm, mười, mười lăm hai mươi ngàn trở lên. Cũng vì bản tính hiếu thắng nên thường thích thể hiện ta đây có tiền, hoặc là bản thân thích chơi may rủi, lười học, thích tụ tập ăn chơi, thường xuyên trốn học.tình trạng đánh bài sẽ bắt gặp thường xuyên hơn vào dịp tết, vì khi này các bạn sẽ được nhận tiền mừng tuổi của ông bà, cha mẹ và những người thân nên trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh. Khi chơi bài vì thua lại muốn gỡ, người thắng lại muốn kiếm thêm đặc biệt là ở những quán xá, hay những giờ ra chơi, đi học bù, phụ đạo có không ít những nhóm sẽ mang bài vào trường để chơi, từ đó dần hình thành nên những thói quen xấu, không lành mạnh đối với độ tuổi học sinh.
Hầu hết các tệ nạn xã hội xảy ra trong trường học đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thiệt hại về kinh tế cho chính bản thân học sinh đó và cả những người xung quanh. Đã có những bạn học sinh vì đánh nhau mà bị nhà trường đuổi học, nếu gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của người khác thậm chí sẽ phải chịu hình phạt trước pháp luật, người bị đánh thì phải chuyển trường, bị ám ảnh ảnh,. Bản thân những người dính vào các tệ nạn xã hội họ sẽ bị bạn bè xa lánh, ít mối quan hệ, học tập thì giảm sút do đó ảnh hưởng đến kết quả học tập do thường xuyên trốn học bỏ đi chơi nên sẽ không nắm vững kiến thức, có nhiều học sinh bị lưu ban, đạo đức ngày càng đi xuống, nhân cách và lối sống không lành mạnh, hủy hoại chính tương lai sự nghiệp của bản thân mình. Nó đã để lại những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân họ mà sau này nghĩ lại bản thân họ sẽ rất hối hận vì sao khi đó mình không chịu học, không học hành chăm chỉ hơn để có tương lai tốt đẹp hơn, có cơ hội để phát triển bản thân nhiều hơn.
Những gia đình có con em mình sa ngã vào các tệ nạn xã hội thì luôn khổ tâm, thậm chí vì lo cho con cái, ăn không ngon ngủ không yên vì con mình sa ngã, hư đốn, như vậy. Con em mình thì suốt ngày bị kỷ luật, viết kiểm điểm , viết giấy mời mời phụ huynh lên làm việc với nhà trường. Gia đình của những bạn đó sẽ cảm thấy hổ thẹn, ngại ngùng, tự ti vì con mình so với các gia đình khác trong những lần đi họp phụ huynh.
Nhà trường khi có số lượng lớn các học sinh dính vào các tệ nạn xã hội thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của trường lớp trước các bậc phụ huynh có con theo học tại trường. nhà trường cũng sẽ không còn là môi trường thân thiện học sinh tích cực, làm ảnh hưởng đến sự phát triển, thi đua xây dựng nhà trường đạt chuẩn quốc gia và cũng ảnh hưởng đến thành tích thi đua của những thầy cô làm công tác chủ nhiệm.
Gia đình phải luôn quan tâm đến con em mình nhiều hơn nữa, không phải chỉ mải đi kiếm tiền mà bỏ mặc việc học hành của con mình mà không đoái hoài đến. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của mỗi con người do đó gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, hình thành nhân cách, giáo dục cho chúng ta có được những suy nghĩ đúng đắn, dạy bảo cho chúng ta nhận thức được những việc tốt, việc gì nên làm và không nên làm.Các thành viên trong gia đình phải là những tấm gương tốt để cho con em mình nêu gương. Gia đình cũng cần có những biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm khắc đối với con mình khi có dấu hiệu trốn học đi chơi, tụ tập với những đám bạn xấu để đi đánh nhau, hay là hút thuốc, cờ bạc,… để không vì ham chơi mà ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Ngoài gia đình thì nhà trường phải có những giải pháp để ngăn chặn, hạn chế đẩy lùi các tệ nạn xã hội xảy ra trong trường học cụ thể như:
Để có thể giảm thiểu, ngăn chặn tệ nạn xã hội trong trường học thì gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau về công tác quản lý học sinh, kịp thời thông báo cho gia đình nắm được tình hình học tập của học sinh mình quản lý nếu học tập có dấu hiệu lơ là, giảm sút trong học tập, thường xuyên quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân do đâu để phối hợp cùng gia đình có giải pháp cho phù hợp.
Nhà trường cũng cần phải tổ chức các buổi học, các buổi hoạt động ngoại khóa để tuyên truyền cho học sinh biết, nắm về các tệ nạn xã hội và tác hại của các tệ nạn xã hội để các em biết được mà phòng tránh. Giáo dục cho các em học sinh những điều hay lẽ phải, giáo dục về đạo đức để cho các em ngày một hoàn thiện hơn về nhân cách đạo đức, có lối sống lành mạnh, không sa đọa vào các tệ nạn xã hội.
Giáo dục cho các em nâng cao nhận thức, biện pháp đấu tranh, phòng chống, không để cho các đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê chúng ta vào các tệ nạn xã hội mà hủy hoại đi chính tương lai tươi sáng của chúng ta.
Nhà trường ngoài các buổi học trên trường thì cũng cần tạo các sân chơi, buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để cho các em có các sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện để các em phát huy được hết khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân. Tạo điều kiện cho các em có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau, xây dựng môi trường học tập, rèn luyện trong nhà trường có được môi trường trong sạch, lành mạnh, nhà trường thân thiện, học sinh tích cực để có thể đào tạo ra những thế hệ kế tục sự nghiệp, truyền thống của ông cha đã để lại, đào tạo ra những nhân tài cho đất nước, là những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Nhà trường cần có biện pháp xử lý mạnh tay, cương quyết đối với những học sinh vi phạm có liên quan đến các tệ nạn xã hội vừa để giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh khác vừa có tác dụng răn đe không để cho các học sinh khác vi phạm như gọi lên cột cờ vào buổi sáng thứ hai chào cờ đầu tuần, bắt viết kiểm điểm và mời phụ huynh lên làm việc,…
Bản thân mỗi học sinh cần tự giác trong việc học, không ăn chơi, đua đòi học những thói hư tật xấu của những bạn khác trông trường, không tham gia vào các tệ nạn xã hội. Đấu tranh, phê bình, lên án những hành vi của người khác hoặc phát hiện ra bạn mình có liên quan đến các tệ nạn xã hội cho thầy cô biết và gia đình bạn nếu có thể để có phương pháp quản lý, giáo dục cho phù hợp.
Bản thân mỗi người học sinh phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, tìm tòi, nghiên cứu những thông tin tài liệu có ích cho việc học để nâng cao nhận thức cho bản thân mình, nâng cao tinh thần cảnh giác không để bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các tệ nạn xã hội. Tuyên truyền cho người thân, bạn bè về tệ nạn xã hội và tác hại của tệ nạn xã hội có ảnh hưởng như thế nào để mọi người nâng cao nhận thức và có biện pháp phòng chống. Động viên, giúp đỡ, không xa lánh kỳ thị với những bạn có hoàn cảnh khó khăn hay những bạn đã lỡ sa chân vào các tệ nạn xã hội, khuyến khích bạn mình, động viên bạn từ bỏ trước khi quá muộn. Xây dựng môi trường đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, và trong cuộc sống, xây dựng những đôi bạn cùng tiến để cùng nhau tiến bộ trong học tập.
Để trường học là nơi chúng ta được lĩnh hội tri thức và là mái nhà thứ hai với đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh. Trường học không chỉ có vai trò truyền đạt tri thức cho các thế hệ học sinh mà còn là nơi để dạy dỗ chúng ta nên người. Như Bác Hồ có câu nói rất hay khi nói về vai trò của các thầy cô giáo là những người đang làm việc vì sự nghiệp trồng người “ Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Sự nghiệp giáo dục cho con người đặc biệt là độ tuổi còn học sinh cắp sách đến trường là vấn đề cấp bách và được đặt lên hàng đầu, do đó chúng ta phải xây dựng một ngôi trường trong sạch, lành mạnh, nói không với các tệ nạn xã hội trong trường học.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về tệ nạn xã hội trong học đường – Mẫu 2
Tệ nạn học đường đang là mảng tối trong các nhà trường, làm ô nhiễm môi trường giáo dục cho các học sinh, sinh viên. Lứa tuổi học trò đang là lứa tuổi đẹp đẽ với những kỉ niệm sâu sắc không thể quên trong quãng thời gian đang còn đi học. Đây là lúc mà các em dễ dàng hòa nhập và học hỏi rất nhanh các kiến thức được dạy. Tuy nhiên, với sự ngây thơ hồn nhiên này, các em cũng rất dễ bị lôi kéo rủ rê và sa ngã vào những tệ nạn học đường như nghiện ngập, cờ bạc, trộm cắp, bạo lực, hút thuốc lá và thậm chí là gian lận trong học tập,… Các tệ nạn này như một bệnh dịch lan truyền khắp nơi ngay cả môi trường giáo dục và điều này đã khiến cho một số học sinh trở thành nạn nhân của nó.
Có rất nhiều những vấn nạn học đường gây ảnh hưởng xấu và tác động tiêu cực đến tâm hồn và cả tương lai của các em học sinh, sinh viên. Lời hay ý đẹp luôn là phong tục tập quán tốt đẹp của ông cha ta từ bao đời nay. Tuy nhiên, ở lứa tuổi hiếu động và dễ nảy sinh tâm lí bắt chước như tuổi học trò, thì nói tục, chửi bậy rất dễ lây lan và tạo thành phong trào nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng và có tính sát thương cao hơn cả những hành động. Những lời nói thô tục, những từ ngữ không hay và thậm chí là xúc phạm danh dự của người khác. Và càng nghiêm trọng hơn nữa khi các em coi đó là điều hết sức bình thường để thể hiện cá tính, để làm cho mình khác biệt. Và sự phát triển công nghệ lại gây ra một tệ nạn học đường khá phổ biến trong hiện nay đó là tình trạng “bệnh” nghiện Internet. Không chỉ là những trò chơi điện tử, mà nó còn là nghiện mạng xã hội, hay nói cách khác là “sống ảo”, cả ngày chỉ biết chăm chăm vào chiếc màn hình và không cần biết mọi thứ bên ngoài đang diễn ra như thế nào. Và điều đáng buồn ảnh hưởng đến nhân cách của các em hiện nay ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục đó là tệ nạn gian dối trong thi cử. Các em học sinh ngày nay coi chuyện quay cóp là một chuyện vô cùng bình thường và không hề cảm thấy ăn năn về hành vi gian lận sai trái này cả. Những em này thường xuyên không học bài nhưng vẫn đạt những điểm số cao trong các giờ kiểm tra và cảm thấy tự hào về điều đó. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu lên cả một thể hệ trẻ. Hiện nay tình trạng bạo lực học đường liên tục xảy ra đã trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội, và trở thành mối lo lắng của không chỉ các bậc phụ huynh, thầy cô giáo mà còn là nỗi lo của tất cả những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đó không còn là câu chuyện mới, bạo lực học đường đã tồn tại từ nhiều năm trước, tuy nhiên theo thời gian thì mức độ phổ biến và nghiêm trọng có nguy cơ gia tăng và công khai thách thức dư luận xã hội hơn. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý và xã hội dẫn đến những biến đổi sâu sắc về mặt tâm lý, nhân cách “tuổi bất trị”, “khủng hoảng tuổi thiếu niên”. Chỉ cần một cái “nhìn đểu”, trêu đùa hoặc những lý do không đáng là có thể dẫn đến bạo lực chân, tay hoặc hành vi nguy hiểm cho xã hội. Một số bạn còn thường xuyên rủ nhau đánh bài ăn tiền và hút thuốc lá trong những giờ nghỉ giải lao gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục trong học đường. Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở những hành vi như quay cóp, nói tục chửi bậy, hút thuốc, cờ bạc, một trong những tệ nạn học đường nhức nhối đáng báo động nhất hiện nay và đang lây lan trong các môi trường học đường có lẽ là “ma trắng”. Đây là một trong những tệ nạn học đường để lại những hậu quả vô cùng khó lường đối với cả người mắc, gia đình và cả xã hội.
Tác hại của nó chính là đạo đức của thế hệ trẻ đang dần suy thoái. Khi còn nhỏ mà các em đã biết gian dối những chuyện nhỏ, thì khi lớn lên, ai có thể đảm bảo một cách chắc chắn rằng các em sẽ không gian dối những chuyện lớn hơn? Do đó, hậu quả chính là sự ảnh hưởng nghiêm trọng lên vấn đề đạo đức của học sinh, khiến cho hình ảnh “áo trắng học trò” xấu đi trong mắt cộng đồng. Với suy nghĩ vô cùng lệch lạc, nói tục, chửi bậy đang dần làm mất đi nét đẹp vốn có của tiếng Việt và làm cho nét đẹp của tuổi học trò hoàn toàn bị xóa nhòa đi. Không những gây ra những rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các em học sinh, ảnh hưởng đến danh dự mà nó còn tác động xấu đến chính những người sinh thành và có công nuôi dưỡng các em. Cùng với việc tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính xách tay,… ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, gây đau đầu, cơ thể mệt mỏi đờ đẫn. Lâu dần có thể gây ra một số bệnh lí ngay cả các em cũng không thể biết được. Nghiêm trọng hơn chính là nhiều gia đình tan vỡ cũng chính vì các em sa vào tệ nạn ma túy học đường. Tình cảm hạnh phúc gia đình rạn vỡ, tài sản tiêu tán,… Có thể nói, ma túy học đường đã cướp đi cuộc sống bình yên của những gia đình có con sa vào tệ nạn học đường này. Không chỉ làm hỏng một thế hệ học trò, mà nó còn gây ra những bất ổn đối với an ninh, trật tự xã hội. Và còn rất nhiều những tệ nạn khác gây ra biết bao nhiêu hệ luỵ mà chúng ta không thể lường trước được.
Tuy nhiên, với cái nhìn chưa thực sự đầy đủ, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng về những tệ nạn học đường này trong thời đại ngày nay sẽ khiến cho các em dễ bị dụ dỗ, bắt chước, sa vào các tệ nạn xã hội này. Ngoài sự quan tâm từ phía gia đình, nhà trường thì các em còn chịu ảnh hưởng lớn của môi trường bạn bè. “Hãy nói cho tôi biết bạn thân của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào”. Nếu các em tiếp xúc với nhóm bạn tốt sẽ có thể học tập của nhau những cử chỉ, hành động đẹp, biết giúp đỡ quan tâm đến mọi người. Nhưng nếu các em tiếp xúc với nhóm bạn xấu thì sẽ học từ bạn bè những hành vi không tốt như vô trách nhiệm, đánh bài, cờ bạc, thuốc lá,… và không nghe lời. Cùng với đó là thiếu sự giáo dục cho các em từ phía gia đình và một phần của nhà trường và ngành Giáo dục nói chung. Với tâm lí thoải mái “thử cho biết cảm giác mới lạ” sẽ khiến cho các em dễ bị dụ dỗ vào những hành vi sai trái. Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường kéo theo những mặt tiêu cực tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ. Những hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trong gia đình, cộng đồng,hay thậm chí là trong phim ảnh, sách báo,…ảnh hưởng đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.
Xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều kiểu ăn chơi sành điệu. Tâm lý tuổi mới lớn luôn muốn thử những điều mới mẻ và rất dễ sa vào những “cái bẫy tệ nạn”. Do đó, các bạn học sinh, sinh viên cần hết sức cảnh giác, thận trọng và phải đủ tỉnh táo trước khi quyết định tham gia vào các trò chơi dễ dẫn tới tệ nạn xã hội, không phù hợp với đạo đức, pháp luật. Do đó, cần có sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và cả xã hội để các em có thể nhận thức rõ sự nguy hiểm của những tệ nạn này. Các em cần sự chân thành từ phía gia đình, quan tâm dạy dỗ nhưng không được quá nuông chiều thì dù các em có làm sai, chỉ cần có sự bao dung vỗ về từ gia đình thì các em mới có đủ can đảm và động lực vì biết rằng luôn có gia đình ở phía sau chào đón mình trở về, chắc chắn các em sẽ rời xa các tệ nạn học đường đó mà quay đầu lại. Bố mẹ chỉ cần thường xuyên tâm sự, trò chuyện cùng con cái để nắm bắt tâm lí, mong muốn để các em không bị sa ngã vào các tệ nạn. Việc phòng ngừa tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên cũng vô cùng quan trọng và cần quan tâm hơn đến công tác giáo dục hè, tuyên truyền cho học sinh, như: Tổ chức liên hoan ca nhạc, thi kể chuyện và các môn thể thao, giáo dục kỹ năng sống thông qua các chương trình “Học kỳ Quân đội”, “Học kỳ Công an”, phòng chống tệ nạn xã hội trong học đường… Những hoạt động này hướng các em đến cuộc sống tinh thần, thể chất lành mạnh, góp phần giúp các em tránh xa những tệ nạn đang vây quanh.
Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Không những nhà trường, mà cả các bậc phụ huynh, xã hội cũng cần phải chung tay xóa sổ những “con sâu đục khoét tuổi thơ”, trả lại cho các em một tuổi thơ trong sáng, một môi trường giáo dục lành mạnh đúng nghĩa. Song quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi bạn trẻ cần phải xây dựng cho mình bản lĩnh vững vàng, nhận thức đầy đủ về vấn đề tệ nạn xã hội, luôn lạc quan, tập trung vào việc học tập rèn luyện và kiên quyết “nói không” với những cám dỗ, rủ rê của những bạn bè xấu …