Ở bài viết này, VerbaLearn giúp tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về sống ảo. Từ đó giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo đầy đủ và chi tiết nhất.
Dàn bài nghị luận về sống ảo
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về sống ảo. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về sống ảo – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Nghị luận về hiện tượng sống ảo
Thân bài
#1. Nêu thực trạng về sống ảo ở giới trẻ hiện nay
- Sống ảo đã trở thành xu thế, một trào lưu trong xã hội ngày nay.
- Các bạn trẻ sống ảo ngày càng nhiều.
- Dành phần lớn thời gian cho các trang mạng xã hội (facebook).
- Thường xuyên đăng tải hình ảnh, tâm trạng, bài viết để nhận được nhiều like, bình luận của người khác làm niềm vui, đi bình luận dạo để trở thành fan cứng,…
- Có chuyện gì cũng đăng lên mạng xã hội.
- Đăng tải những nội dung nhạy cảm nhằm mục đích câu like, thu hút sự tò mò của đám đông.
- Trên mạng xã hội thì có thể chia sẻ rất cởi mở nhưng trong cuộc sống hiện thực thì lại thu mình, khép kín.
#2. Nguyên nhân
- Bản thân muốn thể hiện, khoe khoang
- Muốn trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
- Thiếu sự quan tâm của gia đình, người thân
#3. Tác hại
- Tốn nhiều thời gian vào những việc vô nghĩa
- Không quan tâm đến cuộc sống thực tại
- Mất tập trung vào học tập, công việc
- Bản thân có những suy nghĩ hành động tiêu cực,..
#4. Biện pháp khắc phục
- Sử dụng mạng xã hội có hiệu quả
- Có lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao,…
- Tuyên truyền cho mọi người hiểu về sống ảo và tác hại của sống ảo.
Kết bài
- Nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về sống ảo
Dàn ý nghị luận về sống ảo – Mẫu 2
Mở bài
+) Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: “Sống ảo”.
Thân bài
– Giải thích về việc sống ảo: Sống ảo là tự tạo ra cho bản thân một thế giới khác trong sự mơ hồ và thiếu chân thực. Cố ý tô vẽ cho bản thân một cuộc sống hoàn hảo trong mắt người khác để được nhận sự ái mộ.
Thực trạng của sống ảo hiện nay
+) Giới trẻ khao khát sự nổi tiếng nên không ngần ngại đưa lên mạng những bức ảnh phản cảm, hay những lời nói thiếu văn hóa để thể hiện mình là đại ca, chị đại.
+) Bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để chỉnh sửa ảnh thành eo thon, chân dài,….
+) Bỏ thời gian học hành, ngủ nghỉ để “cày” game.
+) Những nhà báo, truyền thông mạng đăng bài sai sự thật nhằm gây tranh cãi, chú ý để kiếm tiền.
Nguyên nhân dẫn đến việc sống ảo
+) Sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội.
+) Giới trẻ bị áp lực, thiếu sự quan tâm từ gia đình, nhà trường, suy nghĩ chưa chín chắn nên khi bị mắng sẽ cảm thấy cả thế giới sụp đổ, và những tâm hồn yếu đuối, mỏng manh đó tìm được niềm vui nhất thời trong lối sống ảo và dần dần bị “ghiền”.
Tác hại của việc sống ảo
+) Dễ chìm sâu vào thế giới tự tưởng tượng ra.
+) Dễ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý, lo âu, ảnh hưởng tinh thần và đời sống thực.
+) Xã hội dần dần đi xuống nếu cứ mãi bị những thông tin hay những tờ báo “lá cải” dắt mũi.
Biện pháp khắc phục
+) Mỗi người cần xây dựng ý thức cho bản thân, sử dụng mạng xã hội đúng đắn có chừng mực.
+) Giới trẻ nên học tập, rèn luyện bản thân nhiều hơn, tích cực tham gia các hoạt động công ích.
+) Gia đình và nhà trường nên quan tâm hơn đến các bạn trẻ. Giúp các bạn trẻ tìm được hướng đi đúng đắn, hợp lý cho bản thân.
+) Các cơ quan báo chí, truyền thông nên phát huy vai trò tuyên truyền đạo đức, lối sống tốt đẹp đến mọi người. Cũng như ngăn chặn các hành vi có mục đích xấu ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ cũng như xã hội.
Kết bài
+) Lối sống ảo là lối sống thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng đến đời sống thật.
+) Rút ra bài học cho bản thân.
Nghị luận về sống ảo – Mẫu 1
Sự phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật và công nghệ đã tạo ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển của nhân loại. Sự tiến bộ của khoa học-công nghệ đã làm cho con người có điều kiện, mở ra cơ hội tiếp cận với những thành tựu của khoa học, công nghệ. Sự phát triển đó đã kéo theo những vấn đề đáng quan tâm trong giới trẻ hiện nay đó là sống ảo.
Trước tiên chúng ta cần biết sống ảo là gì? “Sống ảo” là chỉ việc các bạn sống trong một thế giới ảo, không có thật và duy trì nó bằng những điều giả dối không lành mạnh. Chúng ta dễ thấy nhất nơi để cho các bạn sống ảo hiện nay là việc các bạn sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram,… lối sống này lan tỏa mạnh mẽ trong thế hệ thanh thiếu niên, trở thành một hiện tượng cả xã hội quan tâm. Sự phát triển của khoa học, công nghệ ngày càng hiện đại chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính có khả năng kết nối wifi, mạng internet là chúng ta có thể truy cập vào bất cứ các trang mạng xã hội nào, ở bất cứ nơi đâu.
Như hiện nay có nhiều bạn trẻ nghiện sống ảo trên các trang mạng xã hội tới mức một ngày giành 8-9 tiếng đồng hồ hoặc có thể nhiều hơn để online trên các trang mạng xã hội, có rất nhiều bạn thích sống ảo hơn là sống thật. Khi xã hội phát triển đồng nghĩa rằng các phương tiện truyền thông cũng trở nên đa dạng và phát triển. Công nghệ hiện đại kèm theo sự phát triển của các phần mềm chỉnh sửa ảnh để chỉnh sửa hình ảnh ngày càng đa dạng, nó khiến cho bức hình trở nên sắc nét hơn, có nhiều hiệu ứng hấp dẫn hơn và nó khác hoàn toàn so với thực tế bên ngoài đời thực. Những hình ảnh đã được qua chỉnh sửa ấy được giới trẻ “post” lên các trang mạng xã hội kèm theo “những câu status” tâm trạng để người người “like, comment hay share ”. Lượt thích, lượt bình luận hay chia sẻ càng nhiều nó càng khiến con người mải mê đắm chìm với cuộc sống ảo của mình trên mạng. Họ đã dành quá nhiều thời gian cho việc sống ảo mà quên đi cuộc sống thực tại. Họ sống ảo bằng cách đăng rất nhiều những hình ảnh của bản thân, đăng các status tâm trạng,… để câu like từ cộng động mạng. Để bài viết của mình có nhiều lượt like, comment, share, nhiều bạn trẻ đã đăng hình khoe cơ thể, thân hình nóng bỏng của mình lên facebook. Thậm chí nhiều người còn đăng tải những nội dung có tính nhạy cảm, những nội dung có tính chất kích động gây tò mò cho mọi người.
Sống ảo chính là cách để họ trốn tránh hiện thực đời sống hằng ngày, nhiều người họ lựa chọn sống ảo là cách để giải tỏa những bực tức, khó chịu của cuộc sống đời thực khiến cho con người cảm thấy mệt mỏi, bất lực muốn tìm đến một nơi để giải tỏa, để trút hết tâm tư. Khi đó họ tìm đến mạng xã hội như một thứ thuốc giải thần kì. Một sự thật đang diễn ra khá phổ biến đó là nhiều người ngoài đời thực thì rất ít nói, kiệm lời nhưng khi lên mạng xã hội thì họ như trở thành một con người khác, hoạt bát năng nổ, dễ bắt chuyện. cũng giống như những cô cậu trẻ tuổi với vẻ ngoài bình thường nhưng khi được lên mạng lại trở thành hot girl, hot boy được nhiều người theo dõi. Chính những điều ấy hình thành cho giới trẻ thói quen sống ảo, đóng khép mình với cuộc sống thực bên ngoài.
Sống ảo thì có tính chất gây nghiện. người sống ảo lâu dần hình thành một thói quen khó bỏ. Trước khi ăn bao giờ cũng lôi điện thoại ra chụp lại hình, đi chơi ở đâu bao giờ cũng chụp hình để post facebook đầu tiên. Thậm chí trong những hoàn cảnh không phù hợp cũng lôi điện thoại ra chụp hình, livestream sống ảo. Thế giới ảo dần bao quanh chúng ta, khiến mọi người không còn phân biệt được thật với giả cứ lẫn lộn. Dần dần con người quên đi những giá trị thực tế, quên đi những điều rất bình dị trong cuộc sống. sống ảo dẫn con người ta đến những giá trị giả dối, khiến con người dần quên mất thực tại, nhầm lẫn giữa thực tại và thế giới ảo. Nhiều người lợi dụng các công cụ xã hội để bán hàng, lừa lọc nhau bằng những lời lẽ văn hoa, mỹ miều, hào nhoáng. Thậm chí còn sẵn sàng chê bai, chỉ trích, nói xấu người khác thẳng thừng trên mạng xã hội. Từ đó xuất hiện nhiều anh hùng bàn phím, nhiều người thích thể hiện cái tôi muốn lên mặt dạy đời người khác, tỏ ra mình là người từng trải, hay nói đạo lí,… cũng vì sử dụng mạng xã hội mà rất nhiều chàng trai, cô gái đã tỏ ra rất bất ngờ khi người bạn mình gặp gỡ quen biết qua mạng xã hội lại khác xa thực tế. Người ta thất vọng, chê bai thậm chí là làm nhục nhau. Bởi vì quen biết nhau qua những thước ảnh lung linh trên mạng, không ít bạn trẻ đã bị lừa lọc, bị dụ dỗ dẫn đến những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân của hiện tượng sống ảo chủ yếu là do bản thân họ thích thể hiện, muốn khoe khoang cuộc sống của mình với mọi người nên chúng ta rất dễ nhìn thấy trên các trang mạng ngoài hình ảnh ăn uống, đi chơi với bạn bè thì có nhiều người còn thích khoe khoang sở thích, các bộ sưu tập đắt tiền, hay là đi đến những nơi sang chảnh, ăn những món ăn đắt tiền, khoe của trên các trang mạng xã hội tỏ ra mình là người có nhiều tiền được đi du lịch khắp nơi trên thế giới,… Không chỉ vậy nhiều người muốn trở thành người nổi tiếng được nhiều người biết đến nên họ đã sẵn sàng Pr bản thân, tạo nên các scandal, chỉnh sửa hình ảnh của mình một cách quá đà thông qua các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh để được nhiều like, nhiều lượt comment, theo dõi và chia sẻ. Nhiều người vì muốn nổi tiếng nhanh chóng nên nhờ vào các mạng xã hội nên gần đây có nhiều hiện tượng mạng xã hội mà trước đây chúng ta không hề biết đến họ là ai như: Lệ Rơi, Bà Tưng, Loc fuho,… Bên cạnh những nguyên nhân đó thì có nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc nghiện sống ảo hiện nay đó chính là thiếu sự quan tâm từ gia đình nên nhiều người không có được sự quan tâm chia sẻ của những thành viên trong gia đình nên họ luôn cảm thấy cô đơn, không có người lắng nghe trò chuyện với mình khi cần. Do đó bản thân họ sẽ tìm đến các trang mạng xã hội để kiếm người trò chuyện, là nơi để giải tỏa cảm xúc, là nơi để giãi bày tâm tư tình cảm của mình với những người xa lạ. Gia đình còn không có sự kiểm soát việc con mình hay sử dụng điện thoại smartphone, máy tính bảng, máy tính để bàn có kết nối internet để làm gì ngoài sử dụng vào việc học hay không. Nhiều khi để con mình sử dụng một cách lạm dụng tùy ý cũng là nguyên nhân khiến cho con em mình có cơ hội tiếp cận với các trang mạng xã hội từ đó sẽ bị nghiện sống ảo như bao người khác.
Nguyên nhân chính đó là sự phát triển của công nghệ đã chế tạo ra nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại không chỉ là công cụ để cho mọi người có cơ hội tiếp cận với nền văn minh bên ngoài. Ngoài những mặt tích cực mà sự phát triển của khoa học công nghệ mang lại thì nó cũng có những tiêu cực mà đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nghiện sống ảo của bạn trẻ hiện nay.
Sống ảo là một hiện tượng tiêu cực, dễ dàng ảnh hưởng tới sự phát triển của mỗi người. Chẳng ai có thể lường trước những hậu quả khi một người sống ảo. Nghiện sống ảo nó sẽ làm bản thân tiêu tốn nhiều thời gian của mình vào những việc vô nghĩa không mang lại lợi ích gì cho bản thân. Họ bỏ hàng giờ để dán mắt vào điện thoại, máy tính để có thể thỏa mãn mãn đam mê sống ảo của bản thân, chỉnh sửa hình ảnh sao cho thật lộng lẫy mặc cho nó có khác với thực tế như thế nào đi nữa chỉ cần có nhiều lượt like, thả tim là họ thấy phấn khích, thấy vui và được thỏa mãn.
Sống ảo cũng làm cho bản thân họ luôn chìm đắm trong thế giới ảo mà không quan tâm đến cuộc sống thực tại xung quanh họ diễn ra như thế nào. Họ lúc nào cũng cắm mặt, giành hầu hết thời gian của mình để chơi game, đọc truyện, hay lên các trang mạng xã hội để đăng hình ảnh, đăng những status tâm trạng, hay đi chém gió trên các trang mạng xã hội mà chẳng biết cuộc sống xung quanh có những gì mới lạ, thay đổi hay không. Điều này làm cho nhiều người có cuộc sống khép kín, không có bạn bè, thậm chí còn dẫn đến mắc bệnh tự kỷ, trầm cảm vì không thích giao lưu nói chuyện với những người ngoài thực tế, dần dần bản thân họ sẽ thiếu đi những kỹ năng sống, quan hệ xã hội cũng không có, kỹ năng giao tiếp thì yếu kém,…
Đối với các bạn học sinh thì việc nghiện sống ảo sẽ ảnh hưởng đến việc học của bản thân. Vì thường xuyên lên các trang mạng để đọc tin tức hay đăng ảnh, đăng những dòng trạng thái, cảm xúc, chat với bạn bè trên mạng trong giờ học là cho bản thân mất tập trung vào bài giảng. Khi bản thân đã không tập trung thì sẽ không nắm được bài, sẽ bị hổng kiến thức, trở nên lười học. Khi đó kết quả học tập cũng đi xuống so với những bạn chăm chú lắng nghe thầy cô giáo giảng bài thì kết quả học tập lúc nào cũng tốt hơn. Còn đối với những người đã đi làm thì việc sống ảo cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc vì không tập trung làm việc nên hiệu suất công việc chưa cao.
Cũng vì sống ảo mà đã đã không ít bạn đã có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Cũng vì sống ảo nên nhiều bạn ngoài nhận được những lời khen thì có nhiều người cũng bị người khác chê, sống ảo trên mạng xã hội là con dao hai lưỡi nó có những mặt tích cực nhưng cũng có những mặt tiêu cực gây ảnh hưởng không nhỏ tới bản thân họ. Cũng có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra khi một người không chịu nổi áp lực của bạn bè, của dư luận vì bị bạn bè đăng tải những hình ảnh hay clip nhạy cảm của mình lên các trang mạng xã hội, hay là bị bạn bè nói xấu,… dẫn đến đả kích tinh thần, không chịu được cú sốc nên đã phải tự tử hoặc nhiều người có ý định tự tử nhưng do gia đình phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì sống ảo mà nhiều bạn trẻ đã có những lời lẽ không hay xúc phạm, chửi bới, thậm chí còn khiêu khích thách thức nhau trên mạng xã hội do bản tính nông nổi, nhận thức hạn chế nên nhiều người đã không kiềm chế được bản thân. Để có thể giải quyết mâu thuẫn đó nhiều bạn đã hẹn nhau để đánh nhau, tạo những tài khoản giả mạo để làm ảnh hưởng đến uy tín của nhau,.. đã có nhiều vụ việc các bạn trẻ vì mâu thuẫn trên các trang mạng xã hội mà dẫn đến đánh nhau, chém nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mình và người khác.
Để có thể hạn chế, ngăn chặn việc sống ảo trong giới trẻ hiện nay thì chúng ta cần phải có những biện pháp quản lý việc sử dụng mạng xã hội hiệu quả hơn, không nên lạm dụng và chìm đắm trong thế giới ảo mà sống xa rời với thực tế. Mỗi ngày chỉ bỏ ra từ 1-2 tiếng cho việc giải trí trên các trang mạng xã hội, và chỉ sử dụng vào những việc cần thiết để cho bản thân không có thói quen sống ảo. Bản thân phải có lối sống lành mạnh, tích cực tham gia vào các phong trào thể dục, thể thao hay các hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội có ý nghĩa giúp bản thân phát triển toàn diện về mọi mặt, nâng cao khả năng nhận thức cho bản thân, giúp bản thân cải thiện kỹ năng sống và có thêm nhiều mối quan hệ xã hội khác. Tuyên truyền cho mọi người xung quanh biết về tác hại của việc sống ảo để mọi người có nhận thức đúng đắn, sống một cuộc sống tích cực. Gia đình cần quan tâm, siết chặt việc sử dụng điện thoại, máy tính của con mình đây cũng là cách để kiểm soát không làm cho con mình bị nghiện sống ảo, lạm dụng mạng xã hội mà ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức và học tập.
Chúng ta cứ mãi đắm chìm trong thế giới ảo với những cám dỗ của nó là những lượt share, những lượt like trên mạng xã hội mà quên đi thế giới thực ngoài kia mới thật sự đáng sống. Chúng ta hãy hòa nhập với cộng đồng nhiều hơn, đi ra ngoài để trải nghiệm cuộc sống muôn màu. Hãy tự răn đe bản thân rằng thế giới ảo là những gì không có thật, vô ích, và biến mạng xã hội thành công cụ giải trí những lúc mệt mỏi, đừng để nó lấn chiếm thời gian và cuộc đời của bạn.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về sống ảo – Mẫu 2
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh như hiện nay, chúng ta có thể kết nối với mọi người ở nhiều nơi khác nhau thông qua các mạng xã hội như facebook, zalo, instagram,… Chúng ta không chỉ gọi điện thoại hay nhắn tin mà còn có thể tạo ra một tài khoản đại diện cho bản thân và thông qua tài khoản đó chúng ta có thể chia sẻ hoặc đăng ảnh, video về những khoảnh khắc tươi đẹp trong cuộc sống đến với bạn bè. Chỉ cần có một chiếc điện thoại hoặc laptop,.. là bạn có thể làm những việc đó ở bất cứ nơi đâu như ở nhà, quán nước, hay công viên. Và để có thể làm cho trang cá nhân của bản thân càng thêm đặc sắc, thêm thu hút cộng đồng mạng thì những tính năng như like (thích), comment (bình luận) hay share (chia sẻ) của mỗi bài viết hay mỗi tấm ảnh đều phải đạt được một con số nhất định. Và cũng chính vì vậy mà lối “sống ảo” đã được hình thành và vẫn đang thịnh hành ở một số bộ phận, nhất là ở giới trẻ hiện nay.
Trước khi đi vào sâu hơn về lối sống ảo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem sống ảo có nghĩa là gì nhé! Sống ảo là một lối sống, phong cách sống không giống với hoàn cảnh thật của con người ở trên mạng xã hội. Là một hành động, việc làm xa rời với thực tế, tự tạo ra niềm vui cho bản thân qua những lượt tương tác của “cư dân mạng” và cũng có nghĩa là mơ mộng, ảo tưởng về cuộc sống hiện tại. Bởi vì lối sống ảo đó được một số bộ phận thể hiện có phần lố lăng và thái quá. Và tất nhiên lối sống ảo này đang là một tình trạng rất phổ biến hiện nay trong xã hội, không những vậy mà còn có nguy cơ phát triển theo một chiều hướng tiêu cực, vượt tầm kiểm soát và gây ra những hệ lụy không đáng có. Điển hình như những trò chơi dân gian, truyền thống, sách báo đang dần bị mai một, triệt tiêu và nhường đường cho những sản phẩm công nghệ hiện đại như điện thoại, máy tính,… sử dụng các trang mạng xã hội, và trong đó những thông tin không lành mạnh, hình ảnh, video thiếu văn hóa, hay các loại game dung tục, bạo lực đang xuất hiện đầy rẫy, tràn lan đến mọi người dùng. Nhiều khi là hình ảnh đồi trụy không phù hợp với lứa tuổi, thông tin, luận điệu sai trái nhằm gây chú ý, kích động những quan điểm khác nhau và dắt mũi những người thiếu hiểu biết hùa theo tạo nên một không gian mạng phức tạp, hỗn loạn xóa nhòa ranh giới giữa cuộc sống thực và “sống ảo”.
Hiện nay có không ít những bạn trẻ khao khát thể hiện mình, lên mạng gây sự chú ý, tạo danh tiếng bằng cách khoe khoang những thứ mà bản thân không có như tiền tài, vật chất, hay là tình yêu ngôn tình. Không những vậy, để có thể nhận được nhiều tương tác mà không ngần ngại đem những hình ảnh nóng của mình lên mạng để thu hút sự chú ý. Trong khi ở cuộc sống thực, họ là những con người trầm tính, ít nói, có thể còn đang sống trong hoàn cảnh khó khăn nữa. Đã có nhiều vụ việc dở khóc, dở cười xung quanh việc sống ảo. Ví dụ như một người được cư dân mạng biết đến nhờ những tấm hình lung linh, xinh đẹp nhưng khi bị lộ ra khuôn mặt thật sự lại khiến cho mọi người té ngửa. Hay có những người gặp phải vấn đề gì cũng đăng lên mạng, chuyện gì cũng “up” facebook để than thở, có khi còn đăng đàn nói xấu, chửi bới, vạch trần lẫn nhau. Có không ít bạn trẻ bỏ ra hàng tiếng đồng hồ chỉ để chỉnh sửa ảnh của bản thân thành chân dài, eo thon, thân hình đồng hồ cát,….. đăng lên mạng rồi ngối đếm like, không những vậy mà còn đi bắt ép người khác vào tăng tương tác cho mình, nếu không là “ghim” những người đó trong lòng. Hoặc là hiện nay có không ít các trang báo vì muốn kiếm thêm lợi nhuận, thu nhập mac bất chấp đăng những tin tức giật gân, trái với sự thật lên mạng, gây hoang mang dư luận. Không chỉ vậy, mà còn dắt mũi dư luận tin tưởng vào một điều sai trái, ví dụ như một nhóm người không có ấn tượng tốt hay ghét bỏ người nào đó trong giới showbiz, họ sẽ không ngừng “bới móc” tìm ra những hình ảnh dìm hay cố tình cắt ghép lời nói, cắt ghép hành động của người họ ghét rồi đăng lên cho công chúng “thấy”, những người thiếu hiểu biết về thần tượng đó đương nhiên sẽ bị dắt mũi và tạo ra một không gian xấu, chửi bới, lăng mạ, buông ra những lời lẽ thiếu văn hóa nhằm xúc phạm thần tượng “xấu xa” ấy. Còn có những bạn trẻ “sống trong game”, trong game là một vương giả với khí chất cao ngạo được đồng bọn sùng bái, còn ngoài đời là một con người tầm thường thiếu hiểu biết, suốt ngày lêu lổng ở tiệm net bị người người coi thường. Ngày ngày bỏ thời gian học tập, ngủ nghỉ ra để “cày” game, cố gắng từng ngày để nhân vật ảo trong game được hoàn thiện hết mức có thể bằng cách nạp tiền, luyện game ngày đêm, trong khi cái thân của mình thì bỏ mặc, không lo, không học hành để mở rộng kiến thức, không tập thể dục để tăng cường sức khỏe, còn làm bố mẹ lo lắng không thôi.
Đã gọi là thế giới ảo thì cuộc sống trong đó vô cùng đẹp và hấp dẫn. Và cái gì cũng có nguyên nhân của nó cả. Nguyên nhân thứ nhất là sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội, dẫn đến việc sự tiếp thu đi ngược lại với lợi ích của mạng xã hội đem lại. Nhiều người thích được chú ý, thích sự nổi tiếng và tung hô từ mọi người, mơ mộng về một cuộc sống xa hoa, lộng lẫy mà không biết cố gắng. Nguyên nhân tiếp theo khiến cho các bạn trẻ thời nay phải tìm đến mạng xã hội là do sự thiếu quan tâm từ người thân và bạn bè xung quanh, tuổi trẻ có nhiều suy nghĩ chưa chín chắn và dễ tổn thương, cho nên chỉ cần bị cha mẹ, thầy cô quát mắng là có cảm giác cả thế giới dường như sụp đổ, và khi bị chìm sâu vào lối sống ảo với những lượt yêu thích hay khen ngợi sẽ dễ dàng đánh mất bản thân, khó thoát ra khỏi “ánh hào quang” đó.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Mạng xã hội chính là một con dao hai lưỡi, nhất là đối với những ai quá mê muội. Nếu không biết cách kiểm soát hay là bị chi phối bởi những thứ không có thực thì những người đó sẽ bị tác động mạnh tới tâm lý và nhân cách như rối loạn tâm lý, sống hoang tưởng, còn có những tình trạng như lo âu, có hành vi chống đối xã hội hay trầm cảm. Ngoài ra còn tốn thời gian của cuộc đời, ảnh hưởng việc học tập, sinh hoạt thường ngày, làm lỡ dở tương lai của chính bản thân. Thiếu tự tin khi đối diện với cuộc sống thật của mình. Không những vậy, đối với những người lợi dụng mạng xã hội với mục đích xấu thì đây chính là hành vi sống ảo lệch chuẩn, có tác động xấu đến ý thức, tâm lý xã hội, ảnh hưởng giá trị thẩm mỹ trên mạng xã hội. Sống ảo đang làm mai một giá trị thực, giá trị đạo đức, truyền thống, thuần phong mỹ tục và những yếu tố tạo nên nền tảng, cốt cách, bản chất nhân văn trong tâm hồn của mỗi một người.
Và để cải thiện được tình trạng này chúng ta có thể áp dụng và phổ biến những biện pháp này. Sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn, có chừng mực, không nên coi đó là một phần của cuộc sống mà đó chỉ là phương tiện để giải trí sau những giờ phút học tập, làm việc căng thẳng. Chúng ta nên ít tương tác với mạng xã hội bằng cách nói chuyện, chia sẻ với gia đình, bạn bè nhiều hơn, chứ không nên đưa những câu chuyện riêng tư lên mạng xã hội. Chúng ta cũng hãy cố gắng chăm chỉ học tập, rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt đúng giờ giấc và cố gắng tìm ra mục tiêu, ước mơ cho bản thân để hướng mình đến tương lai tươi sáng thật sự. Ngoài ra, hãy học cách chia sẻ thật bằng việc tích cực tham gia các hoạt động công ích, hỗ trợ, quyên góp cho những người dân nghèo đói, khó khăn. Hình thành lối sống có ý thức, tự trọng, tự chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn trong hiện thực đời sống và cả không gian mạng xã hội. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chế tài xử lý, răn đe những hành vi xấu đáng lên án phê phán. Cơ quan báo chí, truyền thông phát huy vai trò tuyên truyền, định hướng và lan tỏa truyền thống dân tộc, đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, chống lại các hành vi, quan điểm sai trái, tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đời sống tinh thần của xã hội. Không chỉ vậy, gia đình và nhà trường cũng nên quan tâm đến các bạn trẻ, giúp các bạn trẻ định hướng lối đi hợp lý, giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống hằng ngày.
Sống ảo là lối sống thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của giới trẻ, vô tình trở thành một trong những mầm mống nuôi dưỡng những tệ nạn của xã hội. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng ta nên biết tự ý thức và sử dụng mạng có chừng mực, không lạm dụng, sa đọa dẫn đến việc tương lai của đất nước đi vào ngõ cụt, bởi vì tuổi trẻ chính là chủ nhân tương lai của đất nước. Sau này thế giới sẽ càng phát triển hơn nữa cho nên mỗi chúng ta hãy học cách tận dụng nó một cách hữu hiệu và có ích nhất cho bản thân , chứ đừng vì sự hứng thú nhất thời để rồi không thể thoát ra, chúng ta hãy sống sao để sau này không cảm thấy nuối tiếc vì những năm tháng lãng phí này.