Trong bài viết này, VerbaLearn giúp tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi. Từ đó giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để vượt qua kì thi.
Dàn bài nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề “ Xin lỗi và cảm ơn”.
- Các bạn có thể lựa chọn mở bài trực tiếp hay gián tiếp để dẫn dắt vấn đề nghị luận
Thân bài
#1. Nêu khái niệm
- Cảm ơn là lời bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó đối với những người giúp mình.
- Xin lỗi là lời bày tỏ thái độ ân hận, hối lỗi trước những sai lầm mình đã gây ra cho những người khác khi ta vô tình mắc lỗi.
#2. Biểu hiện của cảm ơn
- Cảm ơn người đã sinh thành nuôi dưỡng, dạy dỗ ta nên người như ông bà, cha mẹ bằng cách tặng quà, hoa vào những dịp lễ, sinh nhật,…
- Cảm ơn thầy cô giáo đã dạy học cho chúng ta.
- Cảm ơn những người đã giúp đỡ mình.
#3. Biểu hiện của xin lỗi
- Biết nhận ra lỗi lầm, ăn năn hối lỗi trước những hành động sai trái.
- Có những hành động sửa lỗi.
#4. Thực trạng hiện nay
- Con người ngày càng ít nói cảm ơn khi được giúp đỡ hay nói xin lỗi khi phạm sai lầm.
- Văn hóa xin lỗi và văn hóa cảm ơn của người Việt Nam ngày càng có chiều hướng đi xuống.
- Giới trẻ hiện nay có dấu hiệu “ngại” nói cảm ơn và xin lỗi.
#5. Nguyên nhân
- Sự bùng nổ, phát triển của khoa học công nghệ
- Gia đình lơ là trong việc giáo dục con cái
- Người lớn chưa nêu gương trong việc nhận lỗi lầm và nói xin lỗi
- Nhà trường chưa chú trọng về việc giáo dục kỹ năng, nhân cách cho học sinh
- Do ảnh hưởng của lối sống xã hội: vô cảm
#6. Hậu quả
- Làm cho con người có lối sống vô cảm, mất đi sự đoàn kết, sẻ chia,…
- Những người không biết nói cảm ơn, xin lỗi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, trở thành người vô ơn, bị cô lập,…
- Ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa của dân tộc trong mắt bạn bè quốc tế.
Kết bài
- Nêu ý nghĩa của lời cảm ơn và xin lỗi, rút ra bài học cho bản thân.
Dàn ý nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi – Mẫu 2
Mở bài
Nêu vấn đề cần nghị luận “văn hoá cảm ơn và xin lỗi”
Thân bài
Giải thích khái niệm xin lỗi và cảm ơn
+) Xin lỗi: là một hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, đồng thời là sự đồng cảm, sẻ chia với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Lời xin lỗi được xem là cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm với người bị hàm oan.
+) Cám ơn là thái độ trân trọng biết ơn những gì người khác đã làm cho ta đem lại cho ta những gì tốt đẹp. Cảm ơn chính là một cách thể hiện tình cảm, lối ứng sử lịch sự, lễ phép biết tôn trọng người xung quanh mình
Phân tích văn hoá xin lỗi và cảm ơn trong xã hội
+) Hành động xin lỗi và cảm ơn là phép lịch sự tối thiểu trong cách đối nhân xử thế của con người.
+) Cảm ơn không chỉ để bày tỏ lòng chân thành, sự biết ơn đối với những người có ra tay giúp đỡ mình còn dùng lời cảm ơn ở phạm vi rộng hơn, trong nhiều hoàn cảnh của đời sống thường ngày như nhận được lời khen, nhận được góp ý, khi người khác an ủi bạn,…
+) Cũng như cảm ơn xin lỗi ngoài được dùng để nhận sai, cảm thấy áy náy vì làm tổn thương người khác thì nói xin lỗi trong giao tiếp là cách nói lịch sự hoặc khi bạn làm phiền người khác như xin lỗi, tôi có thể ngồi đây không, tôi có thể giúp gì cho bạn không,…
Mở rộng vấn đề
+) Một lời cảm ơn chân thành được nói ra sẽ giúp khoảng cách giữa các đối tượng dường như được rút ngắn lại.
+) Một lời xin lỗi chân thành đôi khi còn cho ta nhiều điều hơn cả sự tha thứ.
+) Phê phán nhiều người sử dụng xin lỗi và cảm ơn nhưng không chân thành, sáo rỗng, vô nghĩa.
Kết bài
+) Ý nghĩa của văn hoá xin lỗi và cảm ơn
Nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi – Mẫu 1
Sự phát triển của khoa học – công nghệ như hiện nay kéo theo sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội. Như chúng ta thấy mạng xã hội ngày càng phát triển thì việc con người ngồi lại trò chuyện với nhau trở nên rất khó khăn, hầu hết ai cũng chăm chú nhìn vào chiếc điện thoại trên tay mà không để tâm đến những người xung quanh. Việc trò chuyện với nhau còn hạn chế, nên những câu nói cảm ơn, xin lỗi trong thời hiện đại lại càng xuất hiện với những tần suất ít hơn.
Chúng ta từ khi sinh ra đã được bố mẹ, ông bà dạy cho chúng ta về lòng biết ơn và nói cảm ơn với những người giúp đỡ cho chúng ta việc gì đó, cảm ơn những người cho quà đây là cách thể hiện sự kính trọng và biết ơn đến họ. “Cảm ơn” là lời bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó đối với những người giúp mình. Chẳng hạn như bạn phải biết nói cảm ơn bố, mẹ, ông bà của chính bản thân bạn vì họ đã hy sinh rất nhiều thứ để cho bạn có được như ngày hôm nay, bạn cần phải ghi nhớ công ơn sinh thành và dạy dỗ của ông bà, cha mẹ đã dạy bảo cho chúng ta nên người. Ví dụ như vào những ngày lễ như 8-3 hay 20-10, ngày sinh nhật của bố mẹ mình thì nên tặng hoa hay tặng quà đây cũng là cách để chúng ta bày tỏ sự biết ơn với những hy sinh, vất vả của họ thay cho lời nói cảm ơn. Đối với thầy giáo, cô giáo những người làm nhiệm vụ trồng người, những người cầm tay trèo để lái con đò tri thức đến bến đỗ của sự thành công thì chúng ta cũng phải nói lời cảm ơn đối với những thầy cô giáo bằng việc làm thiết thực là tri ân thầy cô nhân ngày 20-11 hằng năm như mua bông hoa, mua quà tặng thầy cô nhân dịp này, thậm chí nếu không có thời gian, khoảng cách địa lý không cho phép thì có thể gọi điện hỏi thăm chúc mừng thầy cô, đây cũng là cách để bày tỏ lòng biết ơn, thay cho câu nói cảm ơn vì những gì thầy cô đã chỉ bảo, dạy dỗ chúng ta nên người, cho chúng ta kiến thức,… Chúng ta cũng cần nói cảm ơn với những người giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống thường ngày, không phải ai cũng là người hoàn hảo, là một người toàn diện. Trong cuộc sống có những lúc bản thân sẽ gặp những khó khăn, trắc trở cần đến sự giúp đỡ của người khác chẳng hạn như: khi bạn đi học bạn đi bộ bạn phải đi quá dang người khác để đến trường, hay khi xe hư hỏng dọc đường không đi được bạn phải nhờ người khác sửa, đi học gặp bài tập khó không làm được phải nhờ bạn chỉ cho,… ngoài đời sống xã hội thì bạn cũng sẽ gặp muôn vàn những khó khăn có thể nói đến như: Bạn đi đến một vùng xa lạ bạn không biết đường thì bạn phải hỏi thăm người đi đường nhờ họ chỉ đường, hay là những người giúp đỡ bạn trong công việc, giúp đỡ bạn khi gặp những khó khăn,… thì bạn cũng phải biết nói câu cảm ơn để bày tỏ sự biết ơn với sự giúp đỡ của họ kể cả từ những việc nhỏ nhặt nhất. khi bạn cảm ơn kèm theo một nụ cười thật giản dị thì những người giúp đỡ chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ, hài lòng vì những gì họ có thể làm được cho chúng ta mặc dù họ không hề có toan tính gì.
Qua câu nói cảm ơn cũng làm cho bạn được mọi người yêu quý hơn, trở nên gần gũi và thân thiện với mọi người, cũng được đánh giá là người có tri thức, có văn hóa, là người biết ứng xử với mọi người xung quanh.
Còn “xin lỗi” là lời bày tỏ thái độ ân hận, hối lỗi trước những sai lầm mình đã gây ra cho những người khác khi ta vô tình mắc lỗi. Lời xin lỗi khi làm cho bố mẹ buồn, xin lỗi khi vô tình làm rơi đồ của người khác,… lời xin lỗi không có khả năng bù đắp lại những vết thương hay bù đắp lại hậu quả của hành vi của mình gây ra cho người khác nhưng nó lại có khả năng làm dịu đi cơn nóng giận, giải tỏa những hiểu lầm không đáng có. Bản thân chúng ta khi bị làm khó chịu cũng xứng đáng nhận được lời xin lỗi. Chẳng hạn như khi đi học bạn vô tình làm hư hỏng đồ dùng của bạn khác ngồi kế bên thì bạn phải nói lời xin lỗi với bạn đó, hay bạn học tập chưa được tốt thường xuyên làm cho bố mẹ phiền lòng, lên lớp không chú ý nghe giảng còn hay làm việc riêng, khi đi đường vô tình va quẹt vào người khác tất cả những tình huống trên và còn vô vàn những tình huống khác mà chúng ta gặp phải thì chúng ta phải nói lời xin lỗi đến với người mà mình cảm thấy có lỗi, bằng lời nói chân thành, thật tâm ăn năn hối lỗi cũng sẽ làm cho người khác nguôi ngoai cơn thịnh nộ đi phần nào, với những lỗi nhỏ thì có thể bỏ qua một cách vui vẻ mà không gây mất hòa khí, không để lại ấn tượng xấu với mọi người xung quanh.
Như vậy, cảm ơn và xin lỗi là những câu nói đơn giản nhất, dễ nói nhất, phản ánh văn hóa giao tiếp, trình độ tư duy của mỗi cá nhân và làm cho con người ngày thêm gắn bó. Tuy nhiên ngày càng ít những lời cảm ơn và xin lỗi được nói ra trong những cuộc hội thoại hằng ngày.
Trên thực tế có thể thấy một cách dễ dàng, con người ngày càng ít nói cảm ơn khi được giúp đỡ hay nói xin lỗi khi phạm sai lầm. Trong số chúng ta có bao nhiêu người nói lời cảm ơn khi nhận tiền thừa từ những người bán hàng, cúi đầu cảm ơn các bác tài khi dừng xe nhường đường cho chúng ta sang đường,…Lời cảm ơn chân thành xuất phát từ đáy lòng không đòi hỏi phải văn vẻ, cao siêu hay mỹ miều. Cũng không còn nhiều người biết nói lời xin lỗi khi lỡ va quẹt vào nhau khi tham gia giao thông, thay vào đó là những lời mắng chửi thậm tệ như “ không biết đi à”, “ mày bị mù à”, “mắt để đâu mà không biết nhường đường”. thậm chí còn nhiều trường hợp va quẹt giao thông không cần biết đúng sai thế nào mà cự cãi, xô xát, đánh nhau gây mất an ninh trật tự, để lại những hậu quả đáng tiếc.
Xin lỗi từ những điều nhỏ nhặt nhất không làm chúng ta “mất giá”, đó là cách đối xử cơ bản của những người có trình độ, lịch sự, có văn hóa biết hòa giải mọi khúc mắc và hiểu lầm, giúp gắn kết con người với con người.
Điều đáng buồn ở đây là văn hóa xin lỗi và văn hóa cảm ơn của người Việt Nam ngày càng có chiều hướng đi xuống. Giới trẻ không có phản xạ nói cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, thậm chí còn có dấu hiệu “ ngại nói cảm ơn hay xin lỗi”, điều này có thể thấy khi các bạn trẻ giao tiếp với người bán hàng, với những người giao hàng, hay những người hành nghề xe ôm, taxi. Không chỉ như vậy mà ngay chính những người lớn, những bậc phụ huynh là những tấm gương cho các bạn nhỏ thì lại rất hiếm khi xin lỗi khi mắc sai lầm. Thậm chí, có những trường hợp cha mẹ ra đường với con nhỏ ngồi sau vẫn sẵn sàng mắng nhiếc, cãi nhau khi gặp sự cố. Con trẻ chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, nên dường như sự suy đồi văn hóa cảm ơn và xin lỗi đã bắt nguồn, tồn tại từ những thế hệ đi trước.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần được đổ lỗi do sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Con người dành quá nhiều thời gian cho những thiết bị điện tử hiện đại, cho smartphone, cho ipad, cho laptop… Thay vì ra đường gặp gỡ và tăng cường khả năng giao tiếp, hầu hết mọi người lựa chọn ở nhà, nói chuyện với bạn bè qua tin nhắn, điện thoại. Bản tính con người từ đó bớt gần gũi, hòa nhã, thân thiện với mọi người hơn do ít được đặt trong tình huống giao tiếp trực diện. Những lời xin lỗi, cảm ơn không còn có cơ hội được thể hiện chức năng khi qua khoảng cách màn hình, ta không thể biết đối phương đang làm gì bên kia, xung quanh họ có những ai, họ bình phẩm về ta như thế nào. Có thể nói nhân cách, bản tính con người thay đổi theo guồng quay phát triển của thời đại công nghệ. Hơn nữa, phải thừa nhận một điều rằng, từ trước tới nay, việc giáo dục chuẩn mực ứng xử ít được quan tâm. Các bậc phụ huynh dành thời gian đi kiếm tiền nhiều hơn là dạy dỗ con trẻ cách cư xử sao cho phải phép. Những lớp kỹ năng sống chỉ phần nào có thể bù đắp được sự thiếu thốn về mặt giáo dục nhân cách. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng được uốn nắn, bài bản trong môi trường chuyên nghiệp như vậy. Việc không nói lời cảm ơn hay xin lỗi cũng không gây ảnh hưởng ngay lập tức và trực tiếp đến các mối quan hệ nên con người có chiều hướng sao nhãng, bỏ qua dễ dàng, dẫn đến con người không có thói quen nói xin lỗi và cảm ơn trong những tình huống cần thiết. Tồi tệ hơn bây giờ con người sống với nhau luôn tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt không quan tâm đến nhau theo kiểu” Đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Hai từ cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có quá nhiều lý do để ngăn cản chúng ta nói ra. Vì “ngại”, vì “tại sao phải xin lỗi”, “sao phải cảm ơn”, vì “bình thường tôi không cần nói cảm ơn”, chung quy lại là vì ý thức. Tác động ngoại lai sẽ không thể ảnh hưởng nếu chúng ta là những người có bản lĩnh vững vàng và có ý thức duy trì những thói quen tốt đẹp, như việc nói lời xin lỗi, cảm ơn.
Nếu chúng ta biết sử dụng cảm ơn và xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm sẽ khiến cho cuộc sống trở nên hòa nhã, đơn giản. Những cuộc cãi vã hay những xung đột nảy lửa không đáng có sẽ không xảy ra và đều sẽ được ngăn chặn lại ngay từ đầu bằng những lời xin lỗi chân thành. Sự quan tâm, yêu thương sẽ được nhân lên nhiều lần nếu được nhận lại bằng những lời cảm ơn đầy chân tình. Ngược lại nếu chúng ta ‘ tiết kiệm” lời cảm ơn và xin lỗi sẽ để lại những hậu quả mà chúng ta có thể nhìn thấy hằng ngày. Nhân cách con người không được cải thiện, trẻ em không biết quý trọng những gì chúng đang được thụ hưởng, người lớn gây cho mình cảm giác bất mãn khi buộc phải nói lời xin lỗi, những việc tốt đáng được cảm ơn lại trở thành sự hiển nhiên không đáng được tôn trọng,… Những bài học lý thuyết sáo rỗng trong sách, vở có lẽ hoàn toàn không có giá trị nếu không được áp dụng vào thực tế đời sống ngay trước mắt. Những bài viết hô hào từ những cá nhân có tầm ảnh hưởng hoàn toàn phi thực tế nếu chính bản thân mỗi chúng ta không có ý định tiếp thu và vận dụng. Nguyên nhân do chúng ta gây ra, hậu quả cũng do chúng ta hứng chịu. Có những câu cảm ơn không thốt ra lời, cũng có những câu xin lỗi mà cả đời cũng chẳng có cơ hội nói được một lần. Chính vì không biết nói cảm ơn và xin lỗi đã làm cho bạn trẻ ngày nay dần mất đi kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng. Thay vào đó là lối sống vô cảm, thờ ơ, tự cô lập bản thân mình với bạn bè, với xã hội. Đây cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách, lối sống của giới trẻ hiện nay.
Việc giáo dục con trẻ ngay từ khi còn nhỏ là vấn đề rất quan trọng vì vậy chúng ta cần làm tốt việc dạy cho chúng học cách nói cảm ơn và xin lỗi dần trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống. Hầu hết những đứa trẻ đều thuộc làu các bài dạy cảm ơn và xin lỗi, vậy chẳng có lý do gì mà người lớn lại không thực hiện được điều đó. Nói làm cảm ơn khi được giúp đỡ không chỉ thể hiện lòng biết ơn với người khác mà còn có tác dụng nêu gương cho con cháu noi theo. Chúng ta không ngần ngại xin lỗi khi mắc sai lầm, đặc biệt là xin lỗi trẻ em khi bạn hành xử chưa đúng mực với chúng không chỉ dạy cách xin lỗi mà còn khiến chúng có cảm giác được tôn trọng, từ đó trẻ em cũng biết cách tôn trọng người khác. Bản thân chúng ta cũng vậy, cần hạ thấp cái tôi của mình xuống để hòa nhập cùng với cộng đồng. Nói lời cảm ơn và xin lỗi không khiến chúng ta mất mát điều gì, vậy hãy “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, vừa khiến tâm trạng phấn chấn, thanh bình, vừa khiến người đối diện thoải mái, dễ chịu, gia tăng mối quan hệ xã hội và nâng cao vị trí, khẳng định giá trị bản thân. Muốn được đối xử tốt, trước hết hãy đối xử tốt với tất cả mọi người.
Cảm ơn và xin lỗi, những điều tưởng như nhỏ bé, không đáng phải suy nghĩ lại khiến con người ta băn khoăn, trăn trở không thể nói thành lời. Liệu chúng ta có thể duy trì được một mối quan hệ bạn bè tri kỷ lâu năm gắn bó, khăng khít trong phút chốc tan biến chỉ vì thiếu đi lời xin lỗi, có đáng hay không? Vậy tại sao chúng ta không thể nói những lời cảm ơn từ tận đáy lòng một cách đầy vui vẻ và nói xin lỗi một cách thật lòng? Cuộc sống không đong đếm bằng số tiền trong ví, số kiến thức đồ sộ hay bộ quần áo đắt tiền. Giá trị thực tại nằm ở chỗ, bản thân ta là người như thế nào.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về lời cảm ơn và xin lỗi – Mẫu 2
Trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, lời cảm ơn và xin lỗi đã quá quen thuộc trong giao tiếp hàng ngày giữa người với người. Nó như một chất xúc tác trong việc duy trì và kết nối các mối quan hệ lại với nhau. Lời cảm ơn và xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Nó như là thước đo giá trị phẩm chất của con người.
Bạn đã bắt gặp lời cảm ơn và xin lỗi bao nhiêu lần rồi? Chắc chắn chẳng ai trong chúng ta có thể đếm hết được những lần ta dùng đến bốn từ “cảm ơn” “xin lỗi”. Bạn có tự hỏi khi bạn dùng những từ này bạn đã thực sự hiểu ý nghĩa của nó. Xin lỗi là một hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, đồng thời là sự đồng cảm, sẻ chia với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Lời xin lỗi được xem là cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm với người bị hàm oan. Cám ơn là thái độ trân trọng biết ơn những gì người khác đã làm cho ta đem lại cho ta những gì tốt đẹp. Cảm ơn chính là một cách thể hiện tình cảm, lối ứng sử lịch sự, lễ phép biết tôn trọng người xung quanh mình.
Văn hóa cảm ơn và xin lỗi là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người. Có câu “tiên học lễ, hậu học văn” đây là câu đã quá quen thuộc với bất kì một người con đất việt. Từ khi còn là đứa trẻ mới bập bẹ biết nói thì cha mẹ đều dạy cho chúng nói lời cảm ơn người khác khi nhận được quà bánh, khoanh tay xin lỗi khi làm sai nên hành động đó như ăn sâu hình thành nên một phản xạ tự nhiên trong giao tiếp hàng ngày. Hay những bài học ý nghĩa qua môn đạo đức, giáo dục công dân khi ngồi dưới mái nhà trường điều đó chứng tỏ văn hoá cảm ơn và xin lỗi đã thấm nhuần trong tâm hồn của con cháu lạc hồng. Chúng được tầng tầng lớp lớp thế hệ duy trì và phát triển như một trong nhiều yếu tố quan trọng trong đối nhân xử thế, là thước đo đạo đức của loài người.
Lời cảm ơn vẫn luôn xuất hiện trong những cuộc giao tiếp hàng ngày. Chúng ta thường nghĩ rằng, chỉ những ai giúp đỡ mình thì mới cần gửi đến họ lời cảm ơn. Tuy nhiên, ngay cả những người đi ngang cuộc đời bạn, mang đến nhiều đau khổ, thất vọng để từ đó rút ra những bài học quý giá cũng xứng đáng nhận được lời cảm ơn. Giá trị của lời cảm ơn trong cuộc sống không chỉ đến từ những điều tốt đẹp, mà còn là sự đúc kết những bài học quý giá từ mọi sự việc đến với mỗi người. Trong nhiều hoàn cảnh mà lời cảm ơn cũng mang ý nghĩa rộng hơn như khi chúng ta nhận được lời khen bởi người Việt chúng ta thường có thói quen nói tránh hoặc nói lạc sang một chuyện khác khi đang được tán dương, khen ngợi. Vì họ sợ bị người khác đánh giá là cao ngạo, tự tin thái quá. Tuy nhiên, chính sự khiêm tốn này sẽ khiến người dành lời khen cho bạn cảm thấy giá trị lời khen bị mất đi rất nhiều. Khi bạn được ai đó dành tặng lời khen một cách chân thành, bạn hãy cứ tận hưởng cảm giác được khen ngợi và nói lời cảm ơn với họ. Hay khi nhận được lời góp ý, lời khuyên của người khác. Hầu hết chúng ta đều có cảm giác tiêu cực và khó chịu khi nhận những lời góp ý. Tuy nhiên, chính những góp ý từ người khác lại giúp bạn hoàn thiện bản thân hơn. Khi nhận được góp ý, thay vì khó chịu thì bạn hãy nói lời cảm ơn với người đã không ngần ngại và thẳng thắn với mình. Và khi có ai đó dành cho bạn một lời khuyên, cho dù bạn có ý định làm theo hay không thì cũng hãy dành cho họ một lời cảm ơn. Người ta sẵn sàng cho bạn lời khuyên tức là họ rất quan tâm đến bạn, vì thế, lời cảm ơn là để thể hiện sự cảm kích và tôn trọng đối với họ. Lời cảm ơn không quá khó nói nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Lời cảm ơn tuy không làm bạn mất gì nhưng nó có tác động lớn đến cuộc sống của bạn, giúp mọi người có thái độ khác về bạn. Tương tự như cảm ơn lời xin lỗi là vẻ đẹp cao quý trong đời sống giao tiếp của con người. Việc nhận ra lỗi lầm và chân thành nói lời xin lỗi để mong được tha thứ sẽ làm dịu bớt cơn giận dữ hoặc nỗi đau của người khác. Bởi vậy, lời xin lỗi mang tính nhân văn cao trong đời sống, có ý nghĩa về sự đồng cảm và sẻ chia với người bị ta làm tổn thương. Ý nghĩa thực tế của chúng đều chỉ có một, nhưng tùy vào cách biểu đạt chúng lại khoác lên mình vô số cách hiểu khác nhau. Khi bạn muốn nhờ vả làm phiền người khác trong tình huống bất đắc dĩ, bạn có thể lịch sử hỏi “xin lỗi, tôi có thể nhờ bạn…” đó như một cách thể hiện bạn thật sự mong muốn sự giúp đỡ và biết lỗi khi làm phiền người khác.
Lời cảm ơn chính là cách bày tỏ thái độ trân trọng, sự cảm kích khi nhận được một giá trị tốt đẹp từ ai đó. Vì thế, khi ta nói lời cảm ơn hay nhận được lời cảm ơn từ người khác sau mỗi một hành động đẹp, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn rất nhiều. Một lời cảm ơn chân thành được nói ra sẽ giúp khoảng cách giữa các đối tượng dường như được rút ngắn lại. Khoảng cách giữa giàu và nghèo, người người tốt và người xấu sẽ dần mất đi. Một lời xin lỗi chân thành đôi khi còn cho ta nhiều điều hơn cả sự tha thứ. Đầu tiên, nó thể hiện bạn là một con người biết đúng sai, biết nhìn nhận vấn đề, không bảo thủ, biết chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Khi ta học được cách xin lỗi chân thành, chính chúng ta cũng sẽ bao dung hơn trước lỗi lầm của người khác và từ đó, quan hệ giữa người với người sẽ gần gũi, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để thể hiện chúng không phải chi nói ra là xong mà nó cũng nên đi kèm với hành động. Một cử chỉ nhẹ nhàng, một ánh mắt biết nói, một trái tim chân thành và sự sửa sai có lẽ sẽ cần thiết khi nói lời “xin lỗi”. Lời xin lỗi chân thành chỉ có được khi ta thật sự nhận ra lỗi lầm và chấp nhận chúng mà thôi. Mà cuộc đời thì sao có thể tránh được những va vấp. Vậy nên, thay bằng cách buông câu xin lỗi sáo rỗng, tại sao ta không học cách nhìn nhận vấn đề để khiến người khác cảm nhận được cái tâm của mình.
Xin lỗi khi bản thân mắc lỗi là chuyện bình thường và mỗi người ứng xử với lỗi lầm của mình theo cách khác nhau. Có người thừa nhận sai lầm, xin lỗi rồi sửa sai, lại có người biết là sai lầm nhưng không dám thừa nhận, hoặc thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa và không hề biết nói lời xin lỗi. Trước đây, trong quan hệ xã hội, việc mọi người cảm ơn và xin lỗi nhau vốn là chuyện bình thường, cảm ơn và xin lỗi trở thành một trong các tiêu chí để định tính tư cách văn hóa của con người. Rồi nhiều năm trở lại đây, lời cảm ơn và xin lỗi như có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội. Có người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do sự lỏng lẻo của chuẩn mực ứng xử, lại có người cho rằng, lối sống công nghiệp làm con người thay đổi, hay do bản tính của một người cụ thể nào đó vốn không quen với hai từ cảm ơn và xin lỗi… Song thiết nghĩ, vẫn còn một nguyên nhân nữa là lâu nay, như một luật lệ bất thành văn, thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi, thậm chí thường ngày khi cha mẹ dặn dò con cái phải biết cảm ơn và xin lỗi nhưng đôi khi lại ít chủ động làm gương trong việc nói những lời ấy. Chính vì thế nên lời xin lỗi và cảm ơn mang ý nghĩa bắt buộc và nói cho vui không thật lòng. Như khi một em nhỏ cúi gằm mặt xuống và lí nhí nói hai từ “xin lỗi” vì cô giáo bắt xin lỗi bạn; là khi cô bé bặm môi, nắm chặt tay và “xin lỗi” do thanh minh mà bị bảo là cãi mẹ,… Điểm chung của lời xin lỗi ép buộc là người nói chưa biết mình sai ở đâu và tại sao mình có lỗi. Do đó, khi nhắc một ai đó nói câu xin lỗi thì điều đầu tiên phải tìm lí do tại sao họ sai, khiến họ phải thật sự nhận ra lỗi lầm trước đã bởi nếu không, lời nói ăn năn đó sẽ trở nên sáo rỗng và vô nghĩa. Hay những lời cảm ơn cho có lệ là khi người bạn ghét giúp đỡ bạn nhưng bạn không thấy cảm kích coi đó là sự hiển nhiên nói “cảm ơn” nhưng mang ý nghĩa châm chọc, khinh thường làm cho không chỉ người nhận mà cả người nghe đều khó chịu. Đó là một hành động thể hiện cách nhìn thiển cận của một con người trong ứng xử. Vậy nên dù bạn ở bất kì ở hoàn cảnh nào hãy ngẫm về chúng một chút để thể hiện lời xin lỗi và cảm ơn đúng nghĩa nhé.
Biết nói và sử dụng lời cảm ơn hay lời xin lỗi là biểu hiện của nhận thức, của việc thực hiện hành vi ứng xử văn hóa. Ðể các lời nói thân thiện này trở thành thói quen trong quan hệ xã hội, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức cụ thể hơn, để mọi người ứng xử có văn hóa hơn trong giao tiếp. Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi là một tiêu chí đánh giá phẩm chất và vốn liếng văn hóa của mỗi cá nhân, từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn.