Ở bài viết này, VerbaLearn giúp tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về hậu quả chiến tranh. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo trước các đề văn nghị luận xã hội.
Dàn bài nghị luận về hậu quả chiến tranh
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về hậu quả chiến tranh. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về hậu quả chiến tranh – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về vấn đề nghị luận:
- Chúng ta đang được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập về dân tộc, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ. Để có được nền hòa bình như hôm nay, đất nước ta và các nước trên thế giới đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để giành độc lập, hòa bình cho dân tộc. Dù cho chúng ta đang sống trong thời bình thì hậu quả của chiến tranh để lại vẫn còn tồn tại.
Thân bài
#1. Giải thích
- Chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử.
- Chiến tranh là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có lợi ích địa vị đối lập nhau nhằm đạt lợi ích về kinh tế hay chính trị.
#2. Nguyên nhân
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh nhưng chủ yếu là do xung đột về quyền lợi về kinh tế và chính trị.
#3. Hậu quả về con người
- Để lại những thương vong về bên ngoài
- Hàng nghìn người đã ngã xuống vì chiến tranh, họ là những con người không tên không tuổi.
- Có những con người may mắn sống sót nhưng vẫn để lại nhiều di chứng: Các thương binh, các bệnh nhân chất độc màu da cam.
- Để lại những nỗi đau ở bên trong: những dư chấn thời hậu chiến: ám ảnh về cái chết, nỗi đau mất mát người thân, gia đình bị ly tán…
#4. Hậu quả về vật chất
- Ô nhiễm môi trường, thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng.
- Các công trình của văn minh nhân loại bị phá hủy.
- Nền kinh tế trở nên kiệt quệ.
- Trình độ văn hóa thấp, mất đi bản sắc văn hóa dân tộc.
- Mối quan hệ quốc tế:
- Ngày một trở nên căng thẳng.
- Ảnh hưởng đến nền hòa bình của toàn cầu.
Kết bài
- Rút ra bài học kinh nghiệm, liên hệ với bản thân.
- Có thể thấy chiến tranh thực sự là một từ ám ảnh và đáng sợ với toàn nhân loại, nó để lại những hậu quả, mất mát không thể nào bù đắp được.
- Chính vì vậy mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hãy cùng đồng lòng chống lại chiến tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, bảo vệ nền hòa bình của nhân loại.
Dàn ý nghị luận về hậu quả chiến tranh – Mẫu 2
Mở bài
– Dẫn vấn đề, năm tháng qua đi cùng với sự chuyển động của thời gian thì thế giới cũng trải qua cùng với bao cuộc chiến tranh và có những cuộc chiến khốc liệt để lại biết bao hậu quả đến tận bây giờ.
– Nguyên nhân dẫn đến chiến tranh: từ thời xa xưa, đến thời bắc thuộc và ngay cả thời nay.
– Khái niệm chiến tranh là gì và sơ lược những cuộc chiến tranh diễn ra như thế nào.
Thân bài
– Đưa ra một vài hậu quả của chiến tranh để lại và phân tích sâu vào hậu quả đó.
+ Để lại bao đau thương trong tinh thần và mất mát thiệt hại về bề mặt vật chất ( ví dụ như: Mất người thân, để lại bệnh tật, mất nhà cửa, mất ruộng vườn, để lại mầm bệnh cho thế hệ sau.)
+ Về mặt rộng hơn, nó thiệt hại về cơ sở vật chất xã hội, làm ảnh hưởng đến nền phát triển kinh tế của cả một tỉnh hay một quốc gia làm cho kinh tế đi xuống và bị tàn phá nghiêm trọng.
+ Thử tượng tượng xem, nếu có một gia đình hạnh phúc rồi đột nhiên chiến tranh đến cướp đi mạng sống của một trong những thành viên trong gia đình thì những tổn thương đả kích mà người còn sống họ phải chịu nó khủng khiếp như thế nào? Đó là chưa kể đến những người mất có tầm ảnh hưởng đến xã hội thì mất mát này to lớn biết bao nhiêu.
+ Rồi cả những mối quan hệ láng giềng, hàng xóm, cùng châu lục…. bị rạn nứt, gây thù hằn rồi sự căm ghét ấy ngày càng lớn bám sâu vào suy nghĩ trong những lớp trẻ sẽ như thế nào.
– Đưa ra những biểu hiện cụ thể của chiến tranh và nó tồn tại, biểu hiện ra sao trong cuộc sống.
Kết bài
– Đưa ra những dẫn chứng thiết thực để mọi người biết trân trọng cuộc sống hiện tại.
– Bằng cách nào đó để mọi người luôn tự hào về những gì cha ông ta đã trải qua và gây dựng nên ngày hôm nay và cho mọi người thấy trách nhiệm của thế hệ tương lai phải giữ gìn và phát triển đất nước này.
– Nêu lên cảm xúc của bản thân và nhận thức về trách nhiệm của cá nhân sau khi viết xong bài này.
Nghị luận về hậu quả chiến tranh – Mẫu 1
Hiện nay chúng ta đang được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập về dân tộc, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ. Để có được nền hòa bình như hôm nay, đất nước ta và các nước trên thế giới đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để giành độc lập, hòa bình cho dân tộc. Dù cho chúng ta đang sống trong thời bình thì hậu quả của chiến tranh để lại vẫn còn tồn tại.
Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có lợi ích địa vị đối lập nhau nhằm đạt lợi ích về kinh tế hay chính trị. Như chúng ta đã được học về lịch sử của thế giới và lịch sử của dân tộc ta qua bộ môn lịch sử từ cấp hai cho đến cấp ba ít nhiều thì chúng ta cũng sẽ nắm được khái quát chung về lịch sử thế giới. Lịch sử thế giới đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn về quân sự đó là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) hoặc cuộc chiến phi quân sự như cuộc chiến tranh lạnh xảy ra giữa hai nước cường quốc đứng đầu lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô (1945-1991). Một cuộc chiến tranh nổ ra xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Cho dù nguyên nhân của cuộc chiến ấy có là gì thì nguyên nhân sâu xa nhất vẫn xuất phát từ việc tranh chấp quyền lợi về kinh tế và chính trị.
Dẫu cho cuộc chiến tranh đó có là cuộc chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa thì vẫn sẽ để lại hậu quả nặng nề cho các bên tham chiến. Như chúng ta đã biết chiến tranh gây hậu quả trước hết đó chính là về con người, đây là mất mát lớn nhất không gì bù đắp được. Các nước muốn thực hiện các cuộc chiến tranh xâm lược các nước khác thì buộc họ phải sử dụng con người và các nước bị kẻ thù xâm lược muốn chống trả kẻ thù thì cũng phải dùng nguồn lực là con người, vũ khí cùng nhau ra trận để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ bờ cõi nước nhà. Chẳng hạn như cuộc chiến tranh của các nước đế quốc xâm lược Việt Nam của bọn đế quốc Mỹ, thực dân Pháp,… Trải qua nhiều cuộc đấu tranh để dựng nước và giữ nước dân tộc Việt Nam ta đã không biết là có bao nhiêu người đã phải ngã xuống nơi chiến trường để đấu tranh chống lại kẻ thù, nhiều gia đình phải chịu cảnh bố mất con, mẹ mất con, vợ mất chồng, gia đình ly tán, nhiều trẻ nhỏ mồ côi cha mẹ, người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh,… cũng do hậu quả của chiến tranh gây ra cho nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam ta nói riêng. Ở nước ta đã có hàng ngàn những ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ nằm im trong các nghĩa trang tưởng niệm. Các anh, các chị là những người còn rất trẻ mới mười tám, đôi mươi với nhiều hoài bão thanh của tuổi thanh xuân vì chiến tranh phải ra đi, nhưng đều mang trong mình một lời thề “ Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Họ đã yên nghỉ cho đến hôm nay vẫn có nhiều người không ai biết tên, biết tuổi biết quê hương của họ ở nơi đâu. Thậm chí có nhiều người đã phải ngã xuống nơi chiến trường mà ngày nay đồng đội, người thân vẫn chưa tìm được họ. Chiến tranh không chỉ là mất mát của người ra đi mà còn để lại những mất mát cho người ở lại. Không phân biệt quốc gia hay dân tộc, những người mẹ có con tham gia chiến tranh đều chung một tấm lòng: Lo lắng khi tiễn con lên đường, mỏi mòn chờ đợi tin tức của con từng ngày, đau đớn khi nghe tin đứa con của mình mãi mãi không trở về. Ở Việt Nam, không hiếm những bà mẹ Việt Nam anh hùng phải chịu cảnh mất đi không chỉ một đứa con. Những người mẹ ấy đã sinh con ra nuôi con lớn nhưng chưa kịp nhận sự đáp đền thì con đã đem đời mình hiến dâng cho tổ quốc. Tự hào đấy nhưng cũng thật đau thương, xót xa. Còn có những người tham gia vào cuộc chiến, họ may mắn trở về nhưng lại mang trong mình những di chứng của chiến tranh. Họ không thể trở về cuộc sống bình thường, phải sống trong cảm giác bất lực và sự ám ảnh về chết chóc, bom đạn và sự mặc cảm với đồng đội đã hy sinh. Điều đó thực sự còn tàn nhẫn hơn là nỗi đau của người đã ra đi. Ngày nay chúng ta vẫn thường thấy trên các trang báo, thông tin trên mạng có rất nhiều người bị chết do cưa bom đạn, hoặc tìm thấy những quả bom còn chưa nổ trong thời chiến tranh cho đến tận bây giờ. Đây là mối lo của người dân nơi bị hàng ngàn tấn bom của kẻ thù đã thả xuống trong cuộc chiến tranh với dân tộc ta. Họ luôn trong tình trạng mất ăn mất ngủ vì tàn dư của chiến tranh vẫn còn nhiều, nó đe dọa đến chính mạng sống, của cải vật chất của họ,…
Chiến tranh đã để lại hậu quả ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Bom đạn của chiến tranh đã tàn phá những công trình kiến trúc được coi là văn minh của nhân loại và san bằng những cánh rừng. Bầu không khí trong lành bình yên vốn có đã không còn mà được thay thế bằng những làn khói, đám cháy của bom đạn. Đặc biệt họ còn sử dụng chất độc hóa học để đầu độc con người, tàn phá những cánh rừng mà hậu quả của nó còn tồn tại cho đến ngày nay đó chính là chất độc màu da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Không ít những người do nhiễm phải chất độc này đã để lại di chứng cho đời con cháu của họ khi ăn, uống phải nơi có nguồn nước bị nhiễm thứ chất độc này, thiên nhiên bị tàn phá, phá hủy đến mức không thể phục hồi như trước do các chất độc đã ngấm sâu vào trong lòng đất, nguồn nước. Đây là hậu quả mà cuộc chiến tranh còn để lại cho đến bây giờ, môi trường ở những nơi này thật sự đáng lo ngại cho người dân sinh sống ở những nơi này.
Không chỉ dừng lại ở đó chiến tranh còn để lại những hậu quả rất lớn về kinh tế. Chiến tranh đã khiến cho nền kinh tế của nhiều nước trở nên kiệt quệ, họ tàn phá các nhà máy, xí nghiệp,… Tình trạng bóc lột giữa con người với con người ngày càng gia tăng, làm gia tăng sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Cuộc sống của người dân thường xuyên rơi vào cảnh đói nghèo, ví dụ như do chiến tranh mà nước ta đã có hơn 2 triệu người chết năm 1945 do không có cái ăn, đây là con số vô cùng khủng khiếp. Chiến tranh cũng là nguyên nhân khiến cho trình độ văn hóa của người dân thấp vì chúng thực hiện những chính sách “ngu dân”, tàn phá các trường học thay vào đó là các tệ nạn xã hội và bóc lột nhân dân ta. Mọi quyền dân chủ bình đẳng tự do đều bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Điển hình như ở Việt Nam, trong suốt những năm bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân ta đã bị chúng bóc lột về mọi mặt. Chúng ta sẽ không thể quên được tội ác mà chúng ta đã gây ra và để lại cho dân tộc ta khi được đọc các tác phẩm nổi tiếng của Bác Hồ trong đó có bản “Tuyên ngôn độc lập” khi viết về tội ác của thực dân Pháp.
Bên cạnh đó hậu quả của chiến tranh cũng ảnh hưởng đến nền chính trị của nước đó. Chúng không cho nhân dân ta một chút quyền tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những đạo luật vô lí và dã man để đảm bảo quyền lợi thuộc về chúng. Chúng thực hiện chia nước ta thành ba miền Bắc, Trung, Nam để thực hiện chính sách chia để trị nhằm ngăn cản việc thống nhất nước nhà của dân tộc ta. Để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết một lòng đấu tranh chống lại chúng giành độc lập dân tộc. Chúng lập ra các nhà tù nhiều hơn trường học, chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước của ta. Chúng tắm những cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu,…
Chiến tranh cũng để lại những hậu quả có ảnh hưởng đến văn hóa của nước nhà. Chiến tranh là hệ lụy của con người muốn làm bá chủ, nước lớn muốn nuốt nước bé, họ đều muốn phục vụ cho lợi ích của bản thân họ, lợi ích của nhà cầm quyền họ sẵn sàng xung đột để gây ra chiến tranh. Chúng đã mở các tụ điểm ăn chơi nhiều hơn trường học, thực hiện chính sách ngu dân, bắt người dân phải theo học những thứ tiếng, chương trình học của họ mà không cho học chữ quốc ngữ, tiếng mẹ đẻ. Chúng phá hoại những truyền thống, văn hóa lâu đời của dân tộc ta, đưa vào nước ta những văn hóa phẩm đồi trụy và các tệ nạn nhằm suy thoái đạo đức, văn hóa của dân tộc như hút thuốc phiện, cờ bạc, mại dâm, cướp bóc,… Trong suốt một nghìn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc, nền văn hóa của người Việt cổ dần bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Những tư tưởng về Nho giáo như trọng nam khinh nữ, công dung ngôn hạnh… vẫn còn thấm sâu trong suy nghĩ của nhiều người cho đến hiện tại.
Chiến tranh làm cho tình hình trên thế giới ngày một trở nên càng căng thẳng. cuộc chạy đua vũ trang giữa hai phe đối lập là hai cực của thế giới lúc đó là Liên Xô và Mỹ. Hiện tại là cuộc chiến tranh giữa phe đối lập ở các nước trung đông và liên minh của Mỹ vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và căng thẳng.
Chiến tranh là nguyên nhân đe dọa đến nền hòa bình của toàn cầu. Các nước mâu thuẫn với nhau không chỉ làm cho tình hình giữa các nước trở nên căng thẳng về mọi mặt mà còn đe dọa đến nền hòa bình của nhiều nước trên thế giới. Chiến tranh nổ ra sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nó không chỉ tàn phá, kìm hãm sự phát triển của một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến quyền được sống, quyền của con người được liên hợp quốc bảo vệ ở quốc gia đó và các nước khác. Khi chiến tranh xảy ra là đã vượt quá sự kiểm soát của liên hợp quốc, khi đó thật khó để đảm bảo sự bình yên, hòa bình của các nước khác trên thế giới.
Nước ta để có được hòa bình như ngày hôm nay thì dân tộc ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng ta phải kể đến cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước suốt một nghìn năm Bắc thuộc và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Hậu quả của một nghìn năm Bắc thuộc: Sự đô hộ một nghìn năm như vậy đã gây ảnh hưởng không ít đến nền văn hóa của người Việt cổ bởi văn hóa Trung Hoa (Những tư tưởng về Nho giáo còn ảnh hưởng sâu trong đời sống của người Việt cho đến tận ngày nay đó là : Tư tưởng trọng nam khinh nữ, công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức,…).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: Hàng nghìn người con Việt Nam đã phải hy sinh vì cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc, biết bao nhiêu cái tên khi tuổi mới mười tám đôi mươi khi đang mang trong mình nhiều khát vọng của tuổi trẻ (những cô gái ngã ba Đồng Lộc, anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, anh Phan Đình Giót,…). Chiến tranh đã tàn phá đất nước ta rất nặng nề: giặc dốt, giặc đói kéo theo giặc ngoại xâm (năm 1945, hơn hai triệu đồng bào chết đói, 90% dân số nước ta còn mù chữ,…).
Hiện nay Nhà nước, các cơ quan chức năng vẫn đang khắc phục hậu quả của chiến tranh từng ngày: Tích cực thực hiện rà soát số bom mìn còn sót lại do chiến tranh, tìm tung tích các anh hùng đã phải hy sinh để đưa về cho người thân hoặc đưa về chôn cất ở nghĩa trang liệt sỹ. Nhà nước luôn có chính sách ưu tiên, hỗ trợ những gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hằng năm nhà nước đã xây dựng và trao tặng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, lấy ngày 27-7 là ngày thương binh liệt sĩ để tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc, nền hòa bình của dân tộc ta. Nhà trường và các cơ quan tổ chức cũng thường xuyên tổ chức các chương trình về nguồn để cho chúng ta, các bạn học sinh hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc ta, và những hậu quả mà chúng đã để lại cho đến tận ngày nay. Nhằm giáo dục nâng cao sự hiểu biết và phát huy tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ sau này, chúng ta phải biết quý trọng và ra sức bảo vệ hòa bình, độc lập của dân tộc, và toàn vẹn lãnh thổ. Luôn nêu cao tình thần cảnh giác trước mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để cho kẻ thù lợi dụng, lôi kéo, kích động dẫn đến chiến tranh.
Có thể thấy chiến tranh thực sự là một từ ám ảnh và đáng sợ với toàn nhân loại, nó để lại những hậu quả, mất mát không thể nào bù đắp được. Chính vì vậy, mỗi con người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia hãy cùng đồng lòng chống lại chiến tranh, bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, bảo vệ nền hòa bình của nhân loại.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về hậu quả chiến tranh – Mẫu 2
Khi nhắc đến chiến tranh, hẳn mọi người sẽ suy nghĩ về những mất mát đau thương và chết chóc. Thật vậy, trên những thông tin đại chúng, những quyển sách, những tờ báo vẫn luôn lưu lại những điều tàn khốc ấy.
Có khi nào bạn nghe được câu hỏi “Sống trong hòa bình rồi có bao giờ nghĩ đến chiến tranh không?” Lần đầu tiên tôi nghe cũng bất ngờ như bạn vậy, khựng lại vài giây suy nghĩ: Đã bao giờ mình tò mò về chiến tranh chưa hay cuộc sống có quá nhiều thứ khác thu hút bản thân mình? Cái khái niệm chiến tranh nó chỉ lóe lên khi tôi học lịch sử, xem phim tài liệu hay nghe đâu đó những người lớn tuổi hoài niệm lại cho con cháu nghe. Mà hình như đâu phải riêng cá nhân tôi nhỉ? Hầu hết mọi người ngày nay được sống trong hòa bình, không khói lửa đạn bom, không núp hầm trốn hố được hưởng ưu ái của chế độ xã hội chủ nghĩa, không những ăn no mặc ấm mà ăn ngon mặc đẹp nên quên dần đi cái cốt lõi lịch sử của dân tộc cha ông đã làm nên cái cuộc sống ngày nay.
Trước tiên làm rõ vấn đề, chiến tranh là gì? Chiến tranh là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử. Đó là hoạt động đấu tranh giữa các nước, các giai cấp, các lực lượng chính trị có xung đột về lợi ích, địa vị đối lập nhau. Các lợi ích đó có thể trên lĩnh vực kinh tế hay chính trị. Một cuộc chiến tranh diễn ra có thể dẫn đến một cuộc chiến về quân sự như hai cuộc. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và chiến tranh thế giới thứ hai hoặc phi quân sư như cuộc. Chiến tranh lạnh giữa hai nước Mỹ và Liên Xô. Vậy do đâu mà một cuộc chiến tranh nổ ra? Cá nhân tôi nghĩ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến tranh, nhưng có một nguyên nhân chính đó là do sự xung đột, tranh chấp về quyền lợi kinh tế hoặc chính trị giữa các quốc gia, dân tộc. Trước khi chiến tranh xảy ra, mọi người đã phải hứng chịu một xã hội với đầy rẫy những bất công, mục nát. Chỉ khi mọi thứ đã vượt quá giới hạn mới có một sự kiện nào đó là ngòi nổ cho cuộc chiến tranh ấy thực sự bắt đầu.
Các bạn biết đấy, chiến tranh đất Việt Nam đã đi xa những hậu quả nó để lại thì vô cùng lớn và không chỉ riêng Việt Nam một số nước trên thế giới vẫn còn. Chiến tranh đó là biểu hiện cao nhất của mâu thuẫn không thể hòa giải, là sự tham gia bằng vũ lực của hai bên hoặc nhiều hơn. Lịch sử thế giới đã ghi lại biết bao cuộc chiến tranh, cuộc nào cũng tàn khốc và ác liệt. Nói về chiến tranh thật thiếu sót nếu như ta không nhắc tới Việt Nam một đất nước, một dân tộc đã anh dũng hy sinh rất nhiều trong các cuộc chiến tranh lịch sử từ thời xa xưa: Trong suốt một nghìn năm bắc thuộc dân tộc Việt Nam đã phải đối đầu với giặc Nguyên, Mông, Thanh… tiếp theo đó là những cuộc chiến tranh xâm lược của Châu Âu, Châu Mỹ… Trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh là bấy nhiêu thời điểm đất nước và dân tộc phải lầm than, loạn lạc, ly tán và chết chóc. Để kể về hậu quả của chiến tranh thì có lẽ không một sử sách nào có thể ghi chép được hết. Thế hệ trẻ ngày nay như tôi chỉ biết qua những cuốn phim tài liệu những tờ báo và qua những lời kể của các cụ.
Đau thương và ám ảnh cho người ở lại và môi trường bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng là những hậu quả cơ bản mà chiến tranh đi qua đã để lại. Có khi nào bạn đặt ra câu hỏi hậu quả chiến tranh là thế, tàn khốc là thế đau thương và thế mà nó vẫn xảy ra ở quá khứ và ngay cả thời điểm hiện tại? Có phải chăng chiến tranh là do những kẻ cầm đầu thỏa mãn lòng tham của mình, sự ích kỷ của mình. Đau thương là thế, tàn khốc là thế mà sao con người vẫn dấn thân vào không chọn điều ngược lại đó là hòa bình, sống trong sự an toàn không vũ khí không bạo lực không có máu chảy, không có mất mát đó là khao khát của các dân tộc trên thế giới nói chung và dân tộc việt nam nói riêng.
Chiến tranh đem lại cho mọi người đau khổ chết chóc và tan hoang nhà cửa bị phá hủy người chết đất đai đầy dấu vết bom đạn khắp nơi là những quả bom mìn còn sót lại có thể nổ và lấy đi sinh mạng của bất kì người nào khi chạm phải nó.
Chiến tranh làm nền kinh tế kiệt quệ giáo dục không phát triển sản xuất thì dừng lại hay nói cách khác là không còn khả năng sản xuất, gia đình ly tán đến nay những liệt sĩ hy sinh đến giờ vẫn chẳng rõ tung tích bia mộ nằm đâu những người mất tích thì mãi mãi chẳng có gì dấu hiệu để cho người thân biết họ còn sống hay đã chết.
Một khi chiến tranh đi đến đâu, đất đai đều bị chiếm đóng, người dân bị mất đất của mình, họ không còn gì để chứng minh phần đất của họ. Vậy là họ không có nhà, không có tài sản. Chưa kể những người dân tị nạn do chiến tranh, quê nhà bị tàn phá, đất đai, nhà cửa đều không còn và họ cũng không còn cách nào để lấy lại. Họ phải lang thang từ nơi này qua nơi khác, không có giấy tờ để chứng minh mình là công dân của một nơi nào đó. Họ phải trốn chui chốn nhủi để khỏi phải bị bắt làm tù nhân chiến tranh, nhưng họ cũng phải làm việc để có thể tồn tại. Cứ thế, họ phải đi hết nơi này đến nơi khác. Ở những nơi chiến tranh chưa xảy ra, họ đều không chấp nhận người vô gia cư, những người này có thể cướp bóc, giết người mà sẽ không ai biết họ là ai, do đó họ không bao giờ cho phép người vô gia cư có mặt ở thành phố, thị trấn của họ. Một khi gặp bất kỳ người vô gia cư nào, họ sẽ bắt, nếu may mắn sẽ bị trục xuất về đất nước của họ, còn không sẽ phải trở thành tù binh phục vụ cho chiến tranh. Những con người này cứ sống trốn chui chốn nhủi như thế cho đến khi chiến tranh kết thúc, có khi là cả đời. Một cuộc sống vô cùng thiếu thốn như thế khiến họ có thể chết ngoài đường bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên nhìn ở một khía cạnh nào đấy chiến tranh là đau khổ nhưng để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quê hương, bảo vệ những thứ ta yêu quý thì điều ấy là xứng đáng. Vì những tinh thần không khuất phục kẻ thù ấy đã làm nên một truyền thống bất khuất kiên cường tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ của dân tộc việt nam. Muốn hòa bình phải chấm dứt chiến tranh chỉ khi chiến tranh đi qua thì hòa bình mới được lặp lại ngày nay chúng ta được sống trong hòa bình.
Dù là nghỉ theo hướng nào thì chiến tranh là đi không nên xảy ra nhất, có thể sau một cuộc chiến tranh chế độ được cải cách, nền kinh tế được hòa nhập hay đào thải chế độ cũ đi nhưng mặt nào đấy hậu quả nó để lại quá nặng nề và ảnh hưởng mãi đến tận bây giờ và cả mai sau, những chất độc cứ dính mãi trong máu rồi di truyền từ đời này sang đời khác, sức tàn phá mà nó để lại mất bao lâu để khôi phục lại? Rồi cả sự mất mát thử hỏi xem hòa bình đấy nhưng có bù đắp lại được không?
Là tuổi trẻ, được trải nghiệm cuộc sống sung túc, được nghe kể và xem qua thông tin đại chúng, ngay cả thời điểm hiện tại một số nước trên thế giới vẫn còn chiến tranh thì bản thân các bạn đã đủ hiểu rõ chiến tranh nó ác liệt như thế nào và tự chiêm nghiệm cho mình một bài học để điều đấy không bao giờ được xảy ra trên mảnh đất mình yêu thương, chúng ta những thế hệ trẻ của đất nước mầm mống của tương lai nên có một suy nghĩ đúng đắn về hòa bình nên tránh xa những nhóm lôi kéo đi theo xu hướng bạo lực và hãy giữ vững niềm tự hào về truyền thống yêu nước đấu tranh vì hòa bình mà cha ông ta đã gây dựng nên ngày hôm nay. Và hơn thế nữa, chiến tranh đâu phải chỉ diễn ra trong diện rộng mà ngay cả trong nhà trong gia đình trong hàng xóm láng giềng, hãy là một người thông minh giải quyết mâu thuẫn nhẹ nhàng và tránh xa bạo lực bạn nhé!