Tổng hợp văn mẫu và dàn ý cho đề bài phân tích tác phẩm Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn ý phân tích Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài
Mở bài
+) Giới thiệu về vở kịch Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
+) Đôi lời về tác giả Nguyễn Huy Tưởng.
Thân bài
1. Khái quát
– Tác giả: Sự nghiệp sáng tác, các tác phẩm tiêu biểu, vị trí đóng góp, phong cách.
– Tác phẩm: Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ, nội dung chính.
2. Phân tích nhân vật chính
+) Phẩm chất, tài năng, ước mơ, khát vọng.
+) Bị vua quan lợi dụng vào những mục đích xấu.
+) Bị người dân hiểu lầm, gây nhiều đau thương chết chóc, oán trách.
+) Được Đan Thiềm thấu hiểu, chia sẻ, bênh vực.
+) Bi kịch bị kết tội: Không có cơ hội thanh minh, sửa chữa những sai lầm dù có ý muốn tốt đẹp, đau đớn nhìn công trình mơ ước sụp đổ dưới cái ác, cái xấu.
+) Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật trong sáng đẹp đẽ với những lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân, đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết dung hòa cân bằng, tìm tòi khám phá, nhìn nhận đúng đắn.
+) Nhận xét về nội dung, nghệ thuật.
Kết bài
+) Khẳng định lại ý nghĩa của Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
+) Những thông điệp sâu sắc của tác giả Nguyễn Huy Tưởng.
Phân tích Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài – Mẫu 1
Có những tác phẩm đã ra đời rất lâu nhưng vẫn không bao giờ cũ, vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc khôn nguôi. Những đền đài sẽ sụp đổ, những tranh tượng rồi sẽ tiêu tan nhưng văn học chân chính thì lại nằm ngoài quy luật băng hoại của thế giới. Qua vở kịch độc đáo Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Tác giả là một nhà văn có thiên hướng khai thác các đề tài về lịch sử, tái hiện lại mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn ở thể loại tiểu thuyết và kịch như đêm hội Long Trì, lá cờ thêu 6 chữ vàng, sống mãi với thủ đô,…Một trong những vở kịch để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho các bạn đọc là Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài mà thông qua nhân vật Vũ Như Tô ta còn nhìn thấy được rõ được mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã khai thác bối cảnh kinh thành Thăng Long trong những năm trì trệ, quằn quại dưới sự thống trị tàn bạo của vua Lê Tương Dực. Thông qua vở bi kịch này, tác giả muốn đề cập đến cái tâm, cái tài của người nghệ sĩ và nỗi đau của họ, nỗi đau về việc sáng tạo cái đẹp cho đời nhưng bị lợi dụng: Đó là hình ảnh Cửu Trùng Đài “Huy hoàng trong cõi trần lao vực” và “Người nghệ sĩ tinh xảo tài năng Vũ Như Tô”. Bi kịch về nỗi đau ấy được thể hiện tập trung cao nhất trong hồi V – hồi kết thúc của vở kịch. Nhân vật chính Vũ Như Tô được khắc họa trong tác phẩm là một kiến trúc sư đa tài và đam mê nghệ thuật chân chính, là người nghệ sĩ luôn mong muốn sáng tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp nhằm “Tô điểm cho đất nước, đem hết tài hoa công đức ra để xây dựng các tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Đó là cái đẹp thuần khiết, trong sáng của nghệ thuật với cuộc đời, lý tưởng muốn phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, tạo ra những giá trị văn học lâu bền cho nước nhà. Nhưng thật đáng tiếc thay cái đẹp mà Vũ Như Tô luôn khát khao mong muốn, luôn đam mê theo đuổi ấy đã bị lợi dụng và hoen ố bởi những dục vọng thấp hèn, bởi những toan tính chính trị xấu xa của người đời. Khi đến với vở kịch, chúng ta đã thấy cái đẹp đẽ lần lượt phải chịu những oan khuất như là bị tha hóa về mục đích xây dựng. Bị hòn quân Lê Tương Dực lấy làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ phi tần chứ không phải là một chốn công trình nghệ thuật để lại cho muôn đời sau như ý muốn của quần chúng nhân dân. Nhưng ông là một người nghệ sĩ có nhân cách, có lý tưởng nghệ thuật hết sức cao đẹp, không hề ham sống sợ chết hay chỉ vì có chút công danh mà phải bán rẻ đi chân lý bấy lâu vẫn luôn theo đuổi. Lúc đầu, ông nhất định thà chết chứ không xây dựng Cửu Trùng Đài cho tên vua ngang ngược tàn bạo, nhưng lại nhận ra rằng nếu tạo ra những giá trị nghệ thuật chân chính để lại tiếng thơm cho đời thì người chịu thiệt thòi vẫn là dân chúng ngoài kia. Cửu Trùng Đài vàng xây cao bao nhiêu thì mồ hôi, nước mắt xương máu của nhân dân càng tăng lên bấy nhiêu. Kéo theo là những hiểu lầm, mâu thuẫn khó mà giải quyết được. Làm “Hao hụt công khố, dân gian lầm than, mấy nghìn người chết, mẹ mất con, vợ mất chồng”,…Xung đột giữa những người lao động với nghệ thuật ngày một lớn hơn, họ nghĩ rằng cội nguồn gây nên mỏi cùng cực đau khổ là việc gây dựng Cửu Trùng Đài chứ không phải là các chính sách thống trị hà khắc của triều đình phong kiến được thời.
Đến đây, Nguyễn Huy Tưởng nêu bật lên tầm quan trọng của việc điều hòa cân bằng giữa vấn đề phục vụ được dân sinh và khát vọng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao nghệ thuật. Có thể thấy rằng ý muốn của Vũ Như Tô là hết sức tốt đẹp nhưng nó được đặt không đúng chỗ, không đúng thời điểm, không nghĩ đến thực tế cuộc sống thì ắt sẽ trở thành tai họa. Nếu thiên về dân chúng, nghệ thuật sẽ còn là chính mình. Nhưng nếu chỉ biết bản thân thôi, thì nghệ thuật rất dễ trở thành hóa thân của cái ác. Vũ Như Tô cũng vô tình bị cuốn vào những mưu đồ triều chính xấu xa, vừa là nạn nhân cũng vừa là phạm nhân. Những diễn biến mâu thuẫn này may thay đã được Đan Thiềm thấu hiểu, cảm động, chia sẻ. Cô đã cầu xin tha mạng cho người thợ Vũ Như Tô vì “Nước ta còn rất cần nhiều người thợ tài để tô điểm” đã bị cái ác của quân khởi loạn vu khống, gán ghép cho tội “tư thông” đồng loã. Thật đau đớn và chua xót thay cho một tấm lòng biệt nhỡn liên tài, vì “thiên hạ” mà phải chịu nỗi oan cay đắng. Rõ ràng cái đẹp luôn nhận được sự ủng hộ của những con người đúng đắn, không vì bản thân gặp nguy hiểm mà trở mặt, hòa về phe xấu.
Cho đến phút cuối, Vũ Như Tô vẫn muốn “Phân trần, giảng giải, vẫn dám vạch trần bộ mặt của lũ vua tôi hám lợi, thực dụng xảo trá, mong mọi người thấu hiểu và cho hoàn thành nốt Cửu Trùng Đài, dựng nên một kỳ công muôn thuở” nhưng không được. Công trình được hứa hẹn là hiện thân của vẻ đẹp ấy đã sụp đổ dưới sự tàn bạo của cái ác, cái xấu. Người nghệ sĩ còn ngậm ngùi nhận lấy nhiều bi kịch ập đến, bị người dân oán trách hiểu lầm về mục đích xây dựng, những người tri âm tri kỷ cũng bị liên lụy (Đan Thiềm), không có cơ hội thanh minh, đỡ đau hơn là ước mơ hoài bão của một người nghệ sĩ bị thiêu rụi không thương tiếc,…. Cửu Trùng Đài giờ chỉ còn được lưu giữ trong ký ức, trong nỗi hoài niệm của những ai nhận ra được giá trị đích thực của nó. Sau tất cả sự chà đạp, sai lầm, tổn thương ấy, cái kết cho Vũ Như Tô là nỗi đau cuối cùng và sự bức tử cái đẹp một cách toàn diện. Ông chết đi mặc dù trong tâm trí không hề có ý định hại người dân, khi ấy ông vẫn chưa nhận ra sai lầm của mình. Hết lòng hy sinh về nghệ thuật nhưng lại có những cách đi, nhận thức chưa đúng mà dẫn đến những kết cục đáng buồn, cái giá phải trả thậm chí phải đánh đổi bằng chính tính mạng của mình.
Qua vở kịch lịch sử 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng 1516-1517, tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã khắc họa được những mâu thuẫn khó hòa giải giữa các nhân vật: Mặt trận chiến tranh giữa phe nổi loạn Trịnh Duy Sơn muốn lật đổ chính quyền thối nát của Lê Tương Dực mà đã lợi dụng việc Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, dưới danh nghĩa cho nhà vua. Mặt trận trong con người Vũ Như Tô cũng được thể hiện rõ nét. Một phần lớn người dân, thợ xây vì đói khổ, áp bức nên đã nổi loạn trong khi đó, kiến trúc sư Vũ Như Tô say sưa với công trình nghệ thuật quên cả thực tế cuộc sống dân chúng. Đến khi xung đột nổ ra, ông vẫn cho mình là vô tội, luôn ra sức chứng minh lý lẽ của bản thân và sống chết mù quáng với niềm đam mê của mình. Đây cũng chính là mặt trận gay gắt nhất trong bài, là mặt trận giữa con người trong xã hội với con người làm nghệ thuật. Tuy là kết cục bi thảm, đượm buồn, nhưng các mặt trận đã gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau và được giải quyết. Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho những thế hệ tiếp theo.
Nghệ thuật từ cuộc đời và cũng vì cuộc đời hay nói cách khác cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là đích đến cuối cùng của nghệ thuật. Vì vậy, nghệ thuật chân chính là phải vì cuộc sống, không xa rời lợi ích của quần chúng, không bị cái ác lợi dụng bóp méo. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết tìm tòi, khám phá, thấu hiểu trên nhiều phương diện. Qua tấn bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa muôn đời về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa những lí tưởng cao đẹp thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân. Độc giả còn được thưởng thức hàng loạt những thủ pháp kịch độc đáo, ngôn ngữ điêu luyện có chọn lọc, có tính tổng hợp cao, sử dụng nhiều ngôn ngữ hành động của nhân vật để khắc họa tính cách, miêu tả tâm trạng; các tình tiết thì hấp dẫn gay cấn, được dẫn dắt từ từ và đẩy những xung đột, mâu thuẫn kịch lên cao trào. Phân bố 5 hồi kịch được chuyển đổi một cách linh hoạt, tự nhiên, logic, liền mạch tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn cho người đọc, người nghe.
Dẫu cái đẹp phải chịu nhiều oan khuất bức tử ghê gớm đến nhường nào thì vẫn mãi trường tồn vĩnh viễn. Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài chính là những hiện thân của cái đẹp chân chính đó, người đương thời không hiểu cho thì hậu thế sẽ hiểu. Luôn trân trọng tài năng và tâm huyết của những con người có khát khao cháy bỏng điểm tô cho non sông đất nước. Đây có lẽ cũng là những thông điệp nhân văn mà tác giả Nguyễn Huy Tưởng muốn truyền đạt đến mọi người.