Từ ấy là tập thơ đầu tiên của nhà thơ Tố Hữu được sáng tác trong khoảng 10 năm từ 1937 đến 1946. Ở bài viết này, VerbaLearn sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết cách phân tích bài thơ Từ ấy thông qua phần dàn bài chi tiết cũng như một số bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn 11.
Dàn ý phân tích tác phẩm Từ ấy
Mở bài
– Giới thiệu vài nét về tác giả Tố Hữu và tác phẩm “Từ ấy” .
Thân bài
1. Khái quát
– Hoàn cảnh sáng tác ra bài thơ “Từ ấy”.
– Nhan đề: Từ ấy.
2. Phân tích bài thơ theo kết cấu 3 khổ
Khổ 1: Niềm say mê, vui sướng của nhà thơ khi đón nhận lí tưởng của Đảng Cộng sản.
– Hình ảnh “nắng hạ” là hình ảnh ẩn dụ thể hiện sự ca ngợi,niềm vui sướng khi được tiếp cận với lí tưởng cách mạng , như nguồn sáng bừng lên trong tâm hồn nhà thơ.
– Hình ảnh “Mặt trời chân lí” làm ta cảm nhận rõ ràng hơn về lí tưởng mới tác động tới không chỉ nhận thức mà còn tình cảm, tâm hồn.
– Hai câu thơ sau là bức tranh vô cùng sinh động, thể hiện tâm trạng, tâm hồn của tác giả sau khi tiếp nhận lí tưởng.
Khổ 2: Chuyển biến mới trong nhận thức về lẽ sống, trong sáng tạo thi ca.
– Khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là gắn bó hài hòa giữa “cái tôi cá nhân” với “cái ta” chung của mọi người.
– Động từ “buộc” chỉ sự ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm của Tố Hữu để chan hòa với mọi người.
– Hai câu sau bộc lộ tình yêu thương con người mang tình cảm cụ thể, là sự quan tâm , gắn bó chân thành đối với quần chúng lao khổ.
– Hình ảnh ẩn dụ “khối đời”: hướng tới cho chúng ta phải sát cánh, gắn bó với nhau để tạo nên khối đại đoàn kết là sức mạnh, là mục tiêu chung.
Khổ 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ.
– Từ một thành niên tiểu tư sản nhờ vào ánh sáng cách mạng đã vượt qua những tầm thường, ích kỷ mà vươn đến một tình yêu to lớn và trọn vẹn.
– Điệp từ “là” làm cho khổ thơ thành lời khẳng định chắc chắn về quyết tâm gắn bó với quần chúng lao động.
– Trong đấy, tác giả “là con”, “là em”, “là anh” là thành viên trong gia đình, thật tình cảm, khắng khít. Khẳng định tình cảm dành cho quần chúng bị áp bức là tình thân ruột thịt.
Kết bài
– Nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu.
Phân tích tác phẩm Từ Ấy – Mẫu 1
Trong văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng thì có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, tiêu biểu sáng tác về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng. Trong đó phải nói đến nhà thơ Tố Hữu, là một người đi đầu, dương cao ngọn cờ, mở đường cho những tác phẩm về cách mạng thời kì này với những tác phẩm tự sự nhưng dạt dào tình cảm. Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở Thừa Thiên Huế, xuất thân trong một gia đình nhà nho, nghèo khó, mồ côi mẹ năm mười hai tuổi. Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, thơ của ông luôn gắn bó và phản ánh chân thực cuộc sống cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng đầy vẻ vang của dân tộc ta. Vào năm ông mười bảy tuổi, ông đã rất sớm giác ngộ được lý tưởng Cách Mạng cao đẹp, để rồi một năm sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài thơ “Từ ấy” ra đời trong lúc này, niềm vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản, niềm vui sướng đã được ông bộc lộ cả thảy trong bài thơ chỉ vỏn vẹn mười hai câu này.
Bài thơ “Từ ấy” được trích từ tập thơ đầu tay của Tố Hữu, trong phần một “Máu lửa”, là tiếng hát trong trẻo, phấn chấn, say mê của người thanh niên cộng sản, được soi rọi lý tưởng đúng đắn, cao đẹp. Là bài thơ có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, cho con đường thi ca của Tố Hữu, giác ngộ và gặp được ánh sáng lý tưởng cộng sản, đó cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Tố Hữu. Nhan đề “Từ ấy” của bài thơ là một từ chỉ thời gian phiếm chỉ, xuất hiện khá nhiều trong thơ lãng mạn với ý nghĩa diễn tả từng phút giây của những rung động, xao xuyến. Nhưng đối với Tố Hữu, “Từ ấy” đó là thời điểm đặc biệt quan trọng, là bước ngoặc lớn trong cuộc đời, thời điểm mà nhà thơ trẻ, người thanh niên Quốc học Huế đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, tạo thành cột mốc quan trọng trong cuộc đời và được nhà thơ thể hiện, thổi hồn vào tứ thơ của bài.
Mở đầu bài thơ là tác giả đã viết lên những lời thơ tràn đầy lòng tin yêu, niềm vui sướng, say mê khi đón nhận được lí tưởng đúng đắn, sáng suốt.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
Câu thơ đầu tiên với lời thơ mang đậm chất tự sự, nhà thơ nhắc lại một sự kiện trọng đại trong cuộc đời mình, nhấn mạnh thời điểm đầy ý nghĩa khi lần đầu tiên nhà thơ được giác ngộ với lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản. Từ ấy cũng chính là cảm xúc chủ đạo của bài thơ, là tiếng lòng reo vui, rộn rã, tràn ngập niềm tin yêu của nhà thơ. Hình ảnh “nắng hạ” kết hợp cùng với động từ mạnh “bừng” cùng nghệ thuật ẩn dụ đã khẳng định lý tưởng cách mạng tác động vô cùng mạnh mẽ đến tâm hồn nhà thơ. Từ “bừng” ở câu đầu làm cho cả bài thơ được tỏa sáng. Nếu như trước đó Tố Hữu chưa biết chọn con đường nào là đúng đắn, thì sau này chính ánh sáng tràn ngập của lý tưởng Đảng, ánh sáng chói chang, đẹp đẽ nhất. Ánh sáng ấy không phải nắng vàng ấm áp của mùa thu, cùng chẳng phải nắng mùa xuân mơn mởn nhẹ nhàng, mà đó chính là ánh nắng mùa hạ rực rỡ, chói chang. Dẫn đường cho tác giả bước qua khỏi bóng tối đến với ánh sáng cách mạng.
Sang câu thơ thứ hai, với hình ảnh “Mặt trời chân lý” đã làm cho người đọc cảm nhận rõ ràng hơn cái ân tình của Đảng, của cách mạng đối với nhà thơ. Nguồn sáng mãnh liệt, chiếu rọi ấy xuất phát từ ánh mặt trời khác thường – “mặt trời chân lý”. Nó không như mặt trời của tạo hóa làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở mà nó mang đến những tư tưởng, con đường đúng đắn cho cách mạng, mang lại những công bằng, chân lí xã hội, những phát triển tích cực cho sự nghiệp giải phóng đất nước lâu dài.
Nếu hai câu thơ trên gợi lên niềm vui sướng, sự thức tỉnh khi gặp được lý tưởng mới thì hai câu tiếp theo là tâm trạng, tâm hồn của tác giả sau khi tiếp nhận lý tưởng ấy. Nó được vẽ lên như là một bức tranh vô cùng sinh động, những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp như hoa lá, tiếng chim rộn ràng. Sử dụng những hình ảnh so sánh thật gần gũi như hồn tôi với vườn hoa lá càng tô đậm sức sống mãnh liệt, niềm vui cực độ của nhà thơ lúc ấy. Vườn hoa lá với đầy đủ hương sắc, thanh âm đến mùi vị như hòa nhập, sôi động và dạt dào sức sống cũng như tâm hồn thi sĩ lúc này đây đang vỡ òa với bao cảm xúc tự hào, tin yêu và hy vọng, sung sướng khi được lý tưởng Đảng sáng soi. Hai câu thơ với lối vắt dòng quen thuộc của thơ mới đã khẳng định tâm hồn của nhà thơ đang bừng dậy, dâng trào sức sống. Đón nhận ánh sáng cách mạng là Tố Hữu đã đón nhận một con đường thênh thang, tươi sáng cho cuộc đời, cho hồn thơ, một cuộc đời có ý nghĩa thiêng liêng, to lớn cùng với hồn thơ đầy ắp tình yêu cách mạng, yêu đồng bào.
Từ giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhà thơ đã hình thành nên tư tưởng lớn trong tâm hồn qua khổ thơ thứ hai.
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
Ở đây, nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng đại từ nhân xưng tôi để bộc lộ cái tôi cá nhân, nhưng cái tôi này lại gắn liền với cái ta rộng lớn,bao la nhất. Trong văn học giai đoạn này, thơ ca chủ yếu đề cao cái tôi cá nhân, họ chọn thoát ly với cái thực tại bất công, chán chường. Nhưng với Tố Hữu, đó lại là cái tôi riêng, cái tôi gắn với cộng đồng, với nhân dân. Nhận thức mối quan hệ giữa cá nhân, bản thân với mọi người, nhân dân, quần chúng, đặc biệt là những người lao động cực khổ. Đó là mối quan hệ đoàn kết gắn bó thân thiết, chặt chẽ làm nên sức mạnh trong đấu tranh cách mạng. Câu thơ dùng từ “buộc” không có nghĩa là bắt buộc, miễn cưỡng mà tự ràng buộc, gắn bó, tự giác, ý thức tự nguyện gắn bó với nhân dân, đã thể hiện được trái tim giàu tình cảm.
Từ đó, tâm hồn của nhà thơ vươn đến “trăm nơi” đồng cảm với những nỗi khổ cực, lầm than của nhân dân. Động từ “để”, “trang trải” là những động từ chỉ tác động vào đối tượng, nhà thơ nguyện đem tất cả tình cảm hướng về con người ở khắp mọi nơi, tâm hồn trải rộng với đời, thấu hiểu những tâm hồn khác nhau của từng người cụ thể.
Hai dòng thơ sau bộc lộ tình yêu thương con người bằng tình yêu giai cấp rõ ràng, làm rõ thêm tình yêu thương con người của nhà thơ. Ở đây, tình yêu thương con người không mang tính chung chung mà là tình cảm cụ thể, là sự quan tâm, gắn bó chân thành đối với quần chúng lao khổ. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ “khối đời” gợi cho người đọc liên tưởng đến khối người đông đảo cùng cảnh ngộ đang chung sức, chung lòng với nhau. Lời thơ vừa tha thiết lại vừa mạnh mẽ, khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân tộc được kết lại từ lòng nhân ái, ý thức vì mọi người. Những con người được gắn kết, những người cùng lý tưởng phải hợp sức để tạo nên sức mạnh tập thể, tiến bước trên con đường có lý tưởng cách mạng sáng soi. Nhà thơ đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.
Ở khổ thơ cuối, từ chân lí muốn được chở che, bao bọc, gắn bó với mọi người, mọi nhà, tạo bước chuyển sâu sắc trong tâm hồn, Tố Hữu đã khẳng định được vị thế của mình:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Trước khi gặp cách mạng, nhà thơ là một thanh niên tiểu tư sản, khi được ánh sáng cách mạng chói rọi đã giúp nhà thơ vượt qua những tầm thường ích kỷ trong đời sống tâm hồn chật hẹp để vươn tới những thứ lớn lao, một tình yêu to lớn, trọn vẹn. Nếu như trong khổ thơ thứ hai việc từ bỏ cái tôi cá nhân để hòa vào cái ta chung của dân tộc được xem là sứ mệnh, là trách nhiệm thì đến khổ thơ thứ ba Tố Hữu đã càng làm sáng tỏ phẩm chất tốt đẹp này ở phương diện tình cảm lớn. Khổ thơ ghi nhận những chuyển biến sâu sắc tình trong tình cảm của ông đó là hướng về những con người bị áp bức,thiệt thòi.
Nhà thơ đã khẳng định sự chuyển biến lớn lao trong tình cảm qua việc sử dụng điệp cấu trúc “đã là…”, “là… của …” làm chắc nịch quyết tâm gắn bó với quần chúng lao khổ. Ông đặt mình vào vị thế của những người trong gia đình lớn ấy qua các cụm từ “là con”, “là em”, “là anh”, những danh xưng thân thuộc như các thành viên trong gia đình, khẳng định tình cảm nhà thơ dành cho quần chúng bị áp bức như tình yêu ruột thịt, tình hữu ái giai cấp chứ không phải là loại tình cảm ban ơn, thương hại. Ông đứng hiên ngang, giản dị, mong ước có thể san sẻ tình yêu thương, hơi ấm đến vạn nhà, vạn đầu em nhỏ, vạn kiếp phôi phai. Được sẻ chia những cay đắng ngọt bùi, cùng chung lưng đấu cật, kề vai chiến đấu, kề vai sản xuất, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau như một đại gia đình. Lượng từ “vạn” mang ý nghĩa khái quát chỉ sự bao la, rộng lớn của tấm lòng chiến sĩ đối với nhân dân, một người sau khi giác ngộ cách mạng, tâm hồn đã hoàn toàn được khai sáng, trở nên rộng rãi, bao la, bát ngát, tràn ngập tình yêu với đất nước, với đồng bào, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Với thể thơ thất ngôn quen thuộc, cùng cách thể hiện nhịp nhàng, khúc chiết tác giả đã bộc lộ sâu sắc quan niệm tư tưởng cách mạng qua những hình ảnh thơ, ca từ gợi cảm. Giọng thơ chân thành và hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ giàu tính dân tộc. Qua bài thơ muốn truyền đạt tâm nguyện cao đẹp của người thanh niên trẻ tuổi nhiệt tình cách mạng. Muốn được hòa mình vào cái khổ của nhân dân, thôi thúc những người con của đất nước cố gắng đấu tranh để giành lại độc lập, nhân dân không còn bị cơ cực, khổ sở.
Tố Hữu chứa chan tình yêu giai cấp và niềm biết ơn sâu sắc cách mạng, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng. Bài thơ “Từ ấy” chính là một trong những bài thơ tiêu biểu và xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu, nó đánh dấu bước ngoặt trưởng thành vô cùng lớn lao của ông. Đó là tiếng reo mừng, sung sướng của một người thanh niên trẻ tìm được con người đúng đắn cho mình, từ đó quyết tâm cống hiến cho Tổ quốc, là tấm gương để lớp trẻ noi theo.