Tác phẩm Tôi yêu em là một bài thơ của tác giả Alexander Pushkin viết vào năm 1829 và xuất bản chính thức vào những năm 1830. Bài thơ được coi là “tác phẩm tinh túy nhất” về tình yêu trong thơ ca nước Nga và là ví dụ về tình yêu cao đẹp cũng như thái độ tôn trọng phụ nữ của Pushkin. Bài viết sau đây, VerbaLearn sẽ giúp bạn đọc phân tích tác phẩm Tôi yêu em thông qua phần dàn bài cùng một số bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn 11.
Dàn bài phân tích tác phẩm Tôi yêu em
Mở bài
– Giới thiệu vài nét về tác giả Puskin.
– Chủ đề tình yêu, tác phẩm.
Thân bài
1. Khái quát
– Vị trí, sự nghiệp sáng tác, phong cách của tác giả Puskin.
– Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, nguồn gốc của tác phẩm “Tôi yêu em”.
2. Hai câu thơ đầu
– Những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn của nhà thơ.
– Lời thú nhận “tôi yêu em” trực tiếp, giản dị, bày tỏ chân thành.
– Cách xưng hô tôi – em: Trang trọng, lịch sự và đầy tinh tế.
– Hình ảnh ẩn dụ “ngọn lửa hồng”: Tình yêu cháy bỏng, nồng nàn.
– Cách nói phủ định “chưa hẳn”, “có thể đã”: Khẳng định tình cảm luôn kiên định, chung thủy, không thay đổi và mãnh liệt da diết.
3. Bốn câu thơ tiếp
– Nỗi khổ đau và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình.
– “Nhưng không để em bận lòng, u hoài”: Lí trí chiến thắng cảm xúc cá nhân, dù không được chấp nhận những vẫn suy nghĩ cho người con gái.
– Điệp từ “tôi yêu em” nhấn mạnh về sự: “âm thầm”, “rụt rè”, “khi hậm hực”, ghen tuông.
– Bị tình yêu đơn phương dày vò, giằng xé.
4. Hai câu cuối
– Sự cao thượng, vị tha trong tình yêu của chàng trai.
– “Tôi yêu em” lặp lại lần thứ ba, khẳng định sự chân thành, thắm thiết, tình cảm không bao giờ lụi tắt, sẵn sàng hy sinh tất cả cho người mình yêu.
– Lời cầu chúc tốt đẹp, cầu mong cho em sẽ luôn được bình yên, hạnh phúc và gặp được người tình như “tôi đã yêu em”.
– Vượt lên trên sự ích kỷ, mù quáng khi yêu, nhân vật “tôi” đã có những hành xử, thái độ đẹp, văn minh, luôn lo nghĩ cho đối phương.
– Rất đáng ngưỡng mộ và học hỏi.
– Đánh giá về những đặc sắc nghệ thuật, nội dung.
Kết bài
– Khẳng định lại giá trị, ý nghĩa của bài thơ tôi yêu em.
– Cảm nhận riêng về bài thơ.
Phân tích Tôi yêu em – Mẫu 1
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:
“Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào?”
Không biết tự bao giờ, tình yêu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho nhiều thế hệ thi nhân. Yêu và được yêu luôn là niềm mong muốn của mỗi chúng ta. Tuy nhiên không phải người nào cũng được may mắn, hạnh phúc trong chuyện tình duyên này, nhà thơ Puskin cũng như vậy. Cho nên các bài thơ tình của ông luôn nồng nàn và bùng cháy với những cung bậc cảm xúc cồn cào da diết đến tột cùng. Mà tiêu biểu phải kể đến tác phẩm Tôi yêu em.
Tác giả A.Puskin được xem là “Mặt trời của thi ca Nga”. Ông là một thi sĩ, văn sĩ, nhà sáng tác kịch đa tài trên nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, truyện ngụ ngôn,… thể loại mà ông đạt được những thành công rực rỡ nhất là thơ trữ tình với hơn 800 tác phẩm, vì vậy Puskin còn được coi là biểu tượng của trào lưu lãng mạn Nga thế kỉ XIX. “Tôi yêu em” là bài thơ nổi tiếng của tác giả được lấy cảm hứng từ chuyện tình cảm đơn phương với nàng Ô-lê-nhi-a. Vào mùa hè, năm 1829, nhà thơ đã cầu hôn nàng nhưng không được chấp nhận. Thật vậy, không phải yêu thương trao đi cũng được đáp lại một cách trọn vẹn. Từ đó ông đã viết lên những tâm tư với tình yêu đơn phương của cuộc đời mình.
Ngay từ nhan đề tác phẩm xưng hô tôi – em, ta có thể thấy rằng đây là một mối quan hệ không quá xa lạ dửng dưng nhưng cũng không phải là quan hệ gần gũi, thân thiết. Bạn đọc được gây ấn tượng đầu tiên bởi lời thú nhận mở đầu đầy chân thành, tha thiết: Sự bày tỏ tình cảm ngắn gọn trực tiếp, giản dị nhưng cũng rất đỗi lãng mạn, khẳng định một tình yêu da diết bền lâu:
“Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”
Ở đây, tác giả còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ “ngọn lửa tình” nhằm nhấn mạnh tình cảm cháy bỏng nồng nhiệt. Giọng thơ thì dè dặt, ngập ngừng trong lời thổ lộ: “có thể”, “chưa hẳn” – mượn cách nói phủ định để khẳng định mạnh mẽ rằng tôi đã, đang và vẫn luôn yêu em. Một tình yêu đằm thắm, chung thủy, không chút toan tính hay vụ lợi. Qua ý thơ, cho thấy đây là một chàng trai thẳng thắn, thật thà thay vì dùng những lời lẽ quá ngọt thì anh đã chân thành thể hiện trực tiếp hết những tâm tư sâu kín trong lòng mình. Khi yêu, không phải bất cứ ai cũng có thể có đủ can đảm dũng khí để bày tỏ được như thế. Nhưng tình yêu chân chính không thể bị ép buộc, phải được dung hòa bởi những trái tim đồng điệu, đồng cảm, xuất phát từ sự tự nguyện của hai người. Hiểu rõ được điều này, nhân vật trữ tình ấy dẫu rất buồn nhưng cũng không phải muốn cô gái mình yêu phải phiền lòng, suy nghĩ hay u buồn gì:
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài”
Trao cho ai đó tất cả sự yêu thương của mình không có nghĩa là họ sẽ yêu lại bạn. Đừng quá trông chờ mong muốn vào tình yêu được đáp lại, nó sẽ khiến ta dễ mắc sai lầm và mù quáng. Hãy tự cảm thấy hài lòng khi một tình yêu đẹp đã lớn dần lên trái tim bạn tự bao giờ. Quả thật, tình yêu đơn phương sẽ làm cho chúng ta chìm đắm trong rất nhiều gia vị cảm xúc như vui cười, buồn khóc, nhớ nhung,…Và sự đau đớn với những giọt nước mắt là điều không thể tránh khỏi. Nhưng vượt lên trên mọi thứ, người con trai đã suy nghĩ rất lý trí, tự chịu đựng kìm chế tình cảm của bản thân, quyết tâm dập tắt ngọn lửa trong trái tim để đem lại sự thanh thản bình yên cho “em”, được nhìn người mình yêu được hạnh phúc, cho người mà mình hết mực thương yêu. Thật là đáng ngưỡng mộ phải không, chắc hẳn trong cuộc sống của thời hiện đại như ngày nay thì ít có ai làm được điều này và trao tình cảm trọn vẹn thủy chung đến vậy. Vì tình yêu đôi khi chỉ đơn giản là nhìn thấy “người ấy” được hạnh phúc.
Tự nguyện hy sinh tình cảm của mình vì người mình yêu, thử hỏi có mấy ai có thể làm được? Đó còn là cả một quá trình đấu tranh nội tâm dữ dội, băn khoăn với những mâu thuẫn giằng xé trong tâm hồn và phải đưa ra các quyết định đau đớn. Hành động, thái độ trân trọng cho “em” của nhân vật “tôi” có lẽ đã khiến cho nhiều con tim độc giả phải run lên từng nhịp đập, đồng cảm và xúc động. Để rồi anh chàng đành ngậm ngùi một mình gặm nhấm những nỗi khổ đau và tuyệt vọng khi phải từ bỏ chính tình yêu của bản thân mình.
“Tình yêu không âm thầm không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
Tình cảm của nhân vật trữ tình một lần nữa được lặp lại, nhấn mạnh qua điệp từ “tôi yêu em”. Cho dù không được đền đáp những tình yêu ấy vẫn luôn âm ỉ cháy, lặng lẽ thầm kín trong tâm hồn, luôn dõi theo và hướng về đối phương. Cho dù phải rụt rè, ngượng nghịu, đôi khi còn là giận hờn, bực tức, ghen tuông nhưng “tôi” vẫn không hề bỏ cuộc hay hy vọng. Vẫn một lòng kiên định thủy chung với cảm xúc của mình. Đến đây, ta lại thấy thoáng được sự yếu đuối, cố chấp của tình yêu, dẫu thời gian có trôi qua thì vẫn âm thầm theo đuổi mối tình chỉ đến từ một phía. Phải nói rằng ông si tình hay lụy tình đây? Một khi đã vướng vào men say của tình ái thì chính bản thân của mỗi người cũng khó có thể hiểu hết được nó. Cũng giống như những vần thơ đầy băn khoăn nghi vấn của Xuân Diệu: “Làm sao cất nghĩa được tình yêu”.
Vì là tình cảm của một phía nên nó diễn ra trong âm thầm, im lặng chịu đựng chỉ có bản thân người đó biết và trải qua hết những cảm xúc đắng cay, tình yêu ấy cố gắng mãnh liệt, nồng nhiệt là thế nhưng cũng có lúc phải “rụt rè”, “hậm hực”, “lòng ghen”, những nỗi tuyệt vọng giày vò, giằng xé tâm can không biết bày tỏ như thế nào? Câu thơ mang tính chất hướng nội, chủ thể trữ tình quay vào lòng mình để giải bày tâm sự, tự mình nếm trải cảm giác người mình yêu nhưng lại không yêu mình phũ phàng từ chối, không còn hy vọng. Giọng điệu thơ da diết mang nặng nỗi buồn u ám, sự nặng nề đau khổ, bất lực và tuyệt vọng của nhân vật trữ tình. Tình yêu chân thành là thế, dịu dàng là thế nhưng không được thấu hiểu đền đáp. Liệu rằng chàng trai ấy sẽ có trách móc, oán hận cô gái nhiều hay không?
“Tôi yêu em chân thành đằm thắm
Cầu em gặp được người tình như tôi đã yêu em”
Vậy là lời kết đã cho chúng ta câu trả lời. Chàng trai không hề có ý giận hờn, oán trách cô gái ấy mà ngược lại còn cầu mong những điều tốt đẹp hạnh phúc đến với cô. Dẫu rằng không có được trái tim của “em” nhưng cũng chúc “em” sẽ tìm được một nửa còn lại cũng “chân thành đằm thắm”, thủy chung như “tôi đã yêu em” vậy. Lời nguyện cầu ấy đã thể hiện được sự cao thượng vị tha trong tình yêu, điều mà không ai có thể làm được. Người con trai ấy đã rất lý trí, mạnh mẽ, dứt khoát, không vì tình cảm riêng của bản thân mình mà trở nên nhỏ nhen, ích kỷ. Đó cũng chính là cách hành xử văn minh, thái độ, suy nghĩ đúng đắn khi yêu mà chúng ta cần phải khâm phục và học tập noi theo.
Puskin với một trái tim sống và yêu hết mình. Để viết lên những vần thơ vừa bình dị, gần gũi, vừa đằm thắm cháy bỏng. Ngôn từ trong sáng kết hợp với điệp từ “tôi yêu em” đã nhấn mạnh những khát vọng, mong muốn mãnh liệt trong tình yêu của tác giả. Sử dụng độc đáo nghệ thuật diễn tả lý trí và tình cảm cùng song song tồn tại xen kẽ, giằng co, giọng điệu thơ tha thiết, bồn chồn,…Tất cả đã góp phần khắc họa và vẽ lên một câu chuyện tình yêu đơn phương cao cả, đượm buồn.
Tình yêu, vốn là một thứ tình cảm muôn hình vạn trạng, khó mà giải thích được. Qua tác phẩm “tôi yêu em”, bằng một tình cảm chân thành, cao quý, da diết, mãnh liệt không nguôi. Tác giả như vừa kể lại chuyện tình đầy buồn thương của mình và vừa cất lên tiếng nói hộ, tiếng lòng của biết bao con người còn đang giang dở khi yêu và để lại nhiều bài học thông điệp quý giá.