Thương Vợ là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tú Xương, bài thơ được đánh giá cao trong hơn 100 tác phẩm đồ sộ của ông. Với sự kết hợp hài hòa giữa ngôn từ dân gian và ngôn ngữ bác học, bài thơ khắc họa hình tương nhân vật một cách đặc sắc. Bài viết dưới đây, VerbaLearn giúp độc giả tìm hiểu dàn bài phân tích cũng như những bài văn mẫu chọn lọc cho đề bài phân tích bài thơ Thương Vợ. Từ đó giúp các bạn học sinh có thêm thông tin và dữ liệu cần thiết theo chương trình văn học lớp 11.
Dàn bài phân tích Thương Vợ
Mở bài
Giới thiệu bài thơ Thương vợ của nhà thơ Tú Xương.
Thân bài
1. Hai câu đề
– Hoàn cảnh bà Tú: mang gánh nặng gia đình, quanh năm lặn lội “mom sông”.
+) Thời gian “quanh năm”: nhấn mạnh tính liên tục của công việc, không trừ ngày nào, dù mưa hay nắng.
+) Địa điểm “mom sông”: phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.
+) Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định.
– Lí do:
+ “Nuôi đủ năm con với một chồng”: một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình, không thiếu cũng không dư.
+ Câu thơ với những từ chỉ số lượng “năm con” đặt cạnh “một chồng” mang hàm nghĩa so sánh tương đương. “Năm con” là số nhiều, nhưng dù sao chúng chỉ cần bát cơm, manh áo. Nhưng lại còn thêm “một” ông chồng chi phí bằng cả năm đứa con kia.
⇒ Tác giả cười nhẹ về sự vô dụng của mình, đồng thời tác giả cũng bày tỏ sự trân trọng đối với vợ mình – người phụ nữ đảm đang, tháo vát, chu đáo với chồng con.
2. Hai câu thực
– Lặn lội thân cò khi quãng vắng: có ý từ ca dao “Con cò lặn lội bờ sông” nhưng sáng tạo hơn nhiều (cách đảo từ lặn lội lên đầu hay thay thế con cò bằng thân cò):
+ Hình ảnh “thân cò”: gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn ⇒ gợi tả nỗi đau thân phận và mang tính khái quát.
+ “khi quãng vắng”: thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu.
→ Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh thông qua nghệ thuật ẩn dụ.
– “Eo sèo… buổi đò đông”: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc
– Nghệ thuật đảo ngữ, phép đối, hoán dụ, ẩn dụ, sáng tạo từ hình ảnh dân gian nhấn mạnh sự lao động khổ cực của bà Tú.
⇒ Hai câu thực đối lập nhau về từ ngữ nhưng lại cùng nhau làm nổi bật lên ý nghĩa của sự vất vả, gian truân của bà Tú.
3. Hai câu luận
– “Một duyên hai nợ”: ý thức được việc lấy chồng là duyên nợ nên “âu đành phận”, Tú Xương cũng tự ý thức được mình là “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu.
– “nắng mưa”: chỉ vất vả
– “năm”, “mười”: số từ phiếm chỉ số nhiều
– “dám quản công”: Đức hi sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.
⇒ Câu thơ vận dụng sáng tạo thành ngữ, sử dụng từ phiếm chỉ vừa nói lên sự vất vả gian lao vừa nói lên đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.
4. Hai câu kết
– Bất mãn trước hiện thực, Tú Xương đã vì vợ mà lên tiếng chửi: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: tố cáo hiện thực, xã hội quá bất công với người phụ nữ, quá bó buộc họ để những người phụ nữ phải chịu nhiều cay đắng vất vả.
– Tự ý thức: “Có chồng hờ hững”: Tú Xương ý thức sự hờ hững của mình cũng là một biểu hiện của thói đời.
⇒ Từ tấm lòng thương vợ đến thái độ đối với xã hội, Tú Xương ngụ ý lên án xã hội một cách nhẹ nhàng mà thâm thúy.
Kết bài
– Khái quát về giá trị của tác phẩm.
– Liên hệ, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân về người phụ nữ trong xã hội hôm nay.
Phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 1
Lễ giáo phong kiến với quan niệm “xuất giá tòng phu, phụ tử tòng tử” không tôn trọng người phụ nữ. Ngoài ra nó còn không đánh giá cao vai trò của cá nhân. Vì thế gần như không có nhà thơ, nhà văn nào thời phong kiến làm thơ về vợ mình. Bạn có biết bài thơ nào mà ở đó tác giả không những đề cập đến người vợ mà còn đánh giá cao họ trong thời thực dân phong kiến không? Đó là bài thơ “Thương vợ” của nhà thơ Tú Xương – môt trong số những bài thơ hay và cảm động nhất của nhà thơ viết về bà Tú.
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không”
Cảm nhận ban đầu của người đọc đối với bài thơ là sự thương yêu, trân trọng của Tú Xương đối với vợ mình – người phụ nữ vất vả, tảo tần để chăm lo cho chồng con, gồng gánh gia đình:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông”
Câu đề của bài thơ nhằm khắc họa dáng vẻ tần tảo, tất bật ngược xuôi của bà Tú. Thời gian “quanh năm” nhằm nhấn mạnh tính liên tục của công việc, không trừ ngày nào dù mưa hay nắng, nhấn mạnh sự tần tảo của bà. Nhưng bà Tú làm việc ở đâu, một cửa hiệu nhỏ hay một cửa hàng sang trọng? Không đâu, chỗ mà bà “kinh doanh” là ở “mom sông”, phần đất nhô ra phía lòng sông, một địa điểm có phần cheo leo, nguy hiểm. Qua hai câu mở đầu, tác giả đã giúp ta hiểu được phần nào khó khăn, khắc nghiệt về cả thời gian lẫn không gian trong công việc của bà. Độc giả khi đọc đến đây sẽ nghĩ bà Tú làm việc gì lớn lao lắm. Không, bà Tú làm việc cực nhọc quanh năm chỉ để:
Nuôi đủ năm con với một chồng”!
Ta như cảm nhận được tiếng cười nhẹ của tác giả ở câu thơ này. Đây cũng là phong cách trào phúng nhẹ nhàng mà sâu lắng của nhà thơ Tú Xương. Câu thơ với những từ chỉ số lượng “năm con” đặt cạnh “một chồng” mang hàm nghĩa so sánh tương đương. “Năm con” là số nhiều, nhưng dù sao chúng chỉ cần bát cơm, manh áo. Nhưng lại còn thêm “một” ông chồng chi phí bằng cả năm đứa con kia. Đây cũng là cách mà tác giả cười nhẹ về sự vô dụng của mình, đồng thời tác giả cũng bày tỏ sự trân trọng đối với vợ mình – người phụ nữ đảm đang, tháo vát, chu đáo với chồng con.
Điều đặc sắc nhất của bài thơ nằm ở hai câu thực. Hai câu thơ với nhiều biện pháp tu từ nhằm gợi tả cụ thể hơn cuộc sống tảo tần, buôn bán ngược xuôi của bà Tú:
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
“Lặn lội thân cò” là thành ngữ được tác giả mượn ý từ ca dao “Con cò lặn lội bờ sông” nhưng sáng tạo hơn nhiều. Tác giả đã dùng phép tu từ đảo ngữ – cách đảo từ lặn lội lên đầu hay thay thế con cò bằng thân cò nhằm nhấn mạnh nỗi vất vả, gian truân của bà Tú. Con cò là một ẩn dụ để chỉ người phụ nữ thân cô, thế cô trong một không gian rộng lớn đầy nguy hiểm nhưng cộng với “khi quãng vắng”, tác giả đã nói lên được cả không gian, thời gian heo hút, rợn ngợp chứa đầy lo âu, nguy hiểm của công việc đầy vất vả, đơn chiếc của bà Tú. Nó gợi lên một nỗi đau về thân phận những con người nghèo khổ trong xã hội đương thời. Nhưng nỗi vất vả mưu sinh không dừng lại ở lúc vắng lặng mà còn ở lúc đông người:
“Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Tác giả thật tài tình chỉ với một câu thơ bảy chữ đã nói lên được cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc, nguy hiểm, lo âu.trong hoàn cảnh chợ đời đông đúc. “Buổi đò đông” đâu phải ít lo âu, nguy hiểm hơn “khi quãng vắng”? Hai câu thực đối lập nhau về từ ngữ nhưng lại cùng nhau làm nổi bật lên ý nghĩa của sự vất vả, gian truân của bà Tú. Với hai câu thơ này người đọc cũng cảm nhận được tấm lòng xót thương, yêu quý và trân trọng của nhà thơ dành cho vợ mình. Dưới ngòi bút của Tú Xương, bà Tú không những hiện lên là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, chu đáo với chồng con, mà còn là người giàu đức hi sinh:
“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công”
Dù “duyên” thì một mà “nợ” lại hai nhưng bà Tú không một lời phàn nàn mà lặng lẽ, chấp nhận hy sinh cho gia đình, chồng con. “Năm nắng mười mưa” được tác giả vận dụng sáng tạo, sử dụng thành ngữ mưa nắng nói lên sự vất vả, năm mười là số lượng phiếm chỉ để nói số nhiều để biểu thị sự vô cùng vất vả gian truân của bà Tú, nhưng bà vẫn “dám quản công” – chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con:
“Năm nắng mười mưa dám quản công”
Mặc dù toàn bộ bài thơ là cảnh tả thực người vợ, là sự trân trọng, thương yêu của tác giả đối với vợ mình, nhưng ta vẫn cảm thấy đâu đó bóng dáng của ông Tú – tác giả. Ông không xuất hiện trực tiếp nhưng thông qua những câu thơ đầy yêu thương, trân trọng dành cho vợ và giọng điệu có phần trào phúng khi nói về mình, ta thấy được tình cảm sâu đậm của ông. Vì thương vợ, thương cho thân phận đời nữ nhi mà lại sắm vai trụ cột trong gia đình, Tú Xương vừa tự trách bản thân mình là người chồng “hờ hững” vừa như mượn chuyện đời mình để lên án cho những định kiến khắt khe:
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!”
Bài thơ có sự chuyển biến đột ngột, tác giả không còn ẩn mình sau những dòng thơ để tả thực về người vợ mà đã xuất hiện để nói thay, để trách ông chồng, để trách phận mình của bà Tú. “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” là một tiếng chửi, chửi cái “thói đời” nhưng cũng là sự chửi mình, tự chửi một đống nam nhi đang trên đường công danh mà không giúp được vợ lại thành kẻ ăn bám. Nhưng nếu suy nghĩ tận cùng của sự việc, người đọc sẽ hiểu tại sao một người trí thức thời thực dân phong kiến lại không thể làm được một nhiệm vụ nhỏ trong hai nhiệm vụ “tề gia, bình thiên hạ” của nam giới. Trả lời câu hỏi này là ta đã đồng cảm được với ngụ ý của tác giả muốn lên án xã hội một cách nhẹ nhàng mà thâm thúy.
Tác phẩm “thương vợ” là một bản tự kiểm điểm bản thân được viết bằng thơ. Nhưng không đơn giản như thế, thông qua việc sử dụng từ ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm và cách vận dụng sáng tạo những chất liệu văn học dân gian, bài thơ đã thể hiện tình cảm thương yêu, quý trọng của ông Tú dành cho bà Tú , qua đó ca ngợi những phẩm chất cao đẹp như sự tảo tần, chịu thương, chịu khó và đức hy sinh của phụ nữ Việt Nam. Tác giả cũng thông qua sự những lời thơ tự trào phúng về sự bất lực của bản thân để lên án xã hội phong kiến thực dân thời bấy giờ chà đạp lên số phận của người phụ nữ. Ngày nay, phụ nữ nước ta hầu như đã được giải phóng, đã có một vị trí xứng đáng, đó là thành quả của công cuộc giải phóng dân tộc của cha ông ta. Lớp trẻ chúng ta thời nay nên trân trọng với những gì chúng ta có và nên cố gắng góp phần bé nhỏ của mình cho công cuộc kiến thiết đất nước càng giàu đẹp hơn, nhân dân ta càng hạnh phúc hơn.
Phân tích bài thơ Thương Vợ – Mẫu 2
Có thể nói người phụ nữ trong xã hội hiện đại có vai trò và vị thế lớn trong cuộc sống, họ có được cuộc sống hạnh phúc và bình đẳng. Tuy nhiên, những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thì không được may mắn như vậy họ phải chịu nhiều đắng cay, bất hạnh. Trong văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm nói về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến và bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương là một trong những tác phẩm phẩm nói về những nỗi cực khổ của người phụ nữ, điều làm cho nó càng trở nên đặc biệt chính là tác phẩm được viết khi người vợ tảo tần của ông vẫn đang còn sống.
Trần Tế Xương (1870-1907) ông thường được gọi với cái tên Tú Xương. Tuy với cuộc đời ngắn ngủi chỉ sống được khoảng 37 tuổi nhưng thơ văn của ông khá đồ sộ với khoảng trên 100 bài, sự nghiệp thơ văn của ông dường như đã trở thành bất tử. Với tình yêu thương của một người chồng dành cho vợ ông đã sáng tác bài thơ để nói lên những cực khổ, hy sinh, của vợ mình dành cho chồng con. Với lời thơ giản dị mà sâu sắc Tú Xương đã thành công trong việc khắc hoạ cho người đọc cảm nhận được những khổ cực mà không chỉ có vợ ông mà là tất cả phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng. Ông tỏ thái độ tức giận với số phận đã được định đoạt từ trước của họ, tức giận với phong tục trong xã hội phong kiến đã đè lên đôi vai hao gầy của họ.
Có thể nói nhan đề “Thương Vợ” là cái tên hết sức mới lạ trong thơ văn trung đại, bởi với quan niệm trọng nam khinh nữ thì những bài thơ ca ngợi về người vợ là vô cùng hiếm hoi, với nhan đề ngắn gọn dễ hiểu, chỉ cần đọc qua nhan đề ta cũng có thể phần nào hiểu được nội dung của bài thơ muốn nói đến sự thương yêu của Tú Xương dành cho người vợ của mình.
Ở sáu câu thơ đầu hiện ra một hình ảnh người vợ dầm mưa dãi nắng lo lắng cho chồng con mà không than trách chỉ biết ngậm ngùi chịu đựng và xem đó như một quy luật tự nhiên của người phụ nữ:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
“Quanh năm buôn bán” xuất hiện ở đầu bài thơ là mức độ buôn bán thường xuyên của bà Tú, từ tháng này qua tháng khác và từ năm này qua năm khác, không ngại nắng mưa bà đều đặn buôn bán ở “mom sông”cái nơi dường như quá quen thuộc với cuộc đời của người đàn bà ấy, chính là mảnh đất chông chênh nhô ra ở bên bờ sông đã giúp bà “nuôi đủ năm con với một chồng” tuy cuộc sống của bà có vất vả nhưng bà luôn chăm lo thương yêu chồng con hết mực không để cho ai phải thiếu thốn thứ gì. Nuôi con đã cực khổ nay lại phải còn gánh vác thêm việc nuôi chồng, đã khổ nay lại còn khổ hơn, miệng ăn của cả nhà đều trông đợi vào một mình bà, bà Tú như là trụ cột của gia đình. Tú Xương tuy không được may mắn trong con đường công danh sự nghiệp, nhưng ông cũng thật may mắn khi có người vợ biết chăm lo cho gia đình và không bao giờ than phiền dù cho cuộc sống có khiến cho bà mệt mỏi.
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.”
Tác giả đã sử láy “Lặn lội” để nhấn mạnh vợ của ông chính là người phụ nữ mạnh mẽ thế đấy bà không ngại lam lũ khó khăn gian khổ. Ngoài ra, tác giả mượn hình ảnh con cò để nói đến người vợ, một người phụ nữ với thân hình gầy gò, nhỏ bé lặng lội kiếm ăn không ngại nơi vắng vẻ. Vậy, tại sao tác giả lại mượn hình ảnh con cò mà không phải là một con khác? Chính vì hình ảnh con cò là biểu tượng cho người nông dân, người phụ nữ Việt Nam và là biểu tượng của người mẹ vất vả kiếm sống nhưng rất giàu đức tính hy sinh. Câu thơ khiến cho chúng ta liên tưởng đến hình ảnh con cò vất vả lam lũ trong những câu ca dao xưa:
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”
Hay:
“Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.”
“Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về…”
Thế mới thấy được thân cò cực khổ biết nhường nào. Chính vì miếng cơm manh áo của chồng và các con người phụ nữ không màng đến những nguy hiểm đang rình rập nơi “quãng vắng” và ta không biết được rằng khi nào thì những thứ đáng sợ ấy sẽ xuất hiện. “Eo sèo” chính là những tiếng kì kèo, cãi vã chỉ để chắt chiu từng đồng qua những lần mua bán vào những buổi “đò đông” những buổi đò chen chúc tấp nập, thỉnh thoảng còn xuất hiện những cái xô đẩy, đó chính là cuộc sống mưu sinh vất vả của bà Tú chính là cái mà bà phải đối mặt hằng ngày. Chắc hẳn khi đọc đến hai câu thơ này ai cũng sẽ có những cảm xúc bổi hổi bồi hồi. Hai câu thơ như muốn nói lên những nguy hiểm khó khăn mà bà phải đối mặt, những giọt mồ hôi hoà với những giọt nước mắt.
“Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.”
Mối duyên do trời định đã cho hai người được gặp nhau, cái nợ đã khiến cho bà Tú phải khổ cực, nhưng bà đành gạt nó qua một bên mà chịu đựng và xem đó là lẽ thường tình. Tới chính bản thân bà Tú là một người phụ nữ nhưng bà cũng nghĩ rằng đã theo chồng thì việc chịu gian khó, cực nhọc hầu hạ, nâng túi sửa khăn cho người chồng đã là điều đương nhiên, có mệt có khổ âu cũng là thường tình, không việc gì phải trăn trở. Duyên thì chỉ có một nhưng nợ thì lại có tới hai, khổ cực thì nhiều nhưng hạnh phúc thì được bao nhiêu, cuộc sống không có một tí nào hạnh phúc cả đời chỉ biết dãi nắng dầm mưa không dám nghỉ ngơi, không dám đình công một ngày nào, nhưng đổi lại thì bà được cái gì cơ chứ? Cuộc sống của người đàn bà tại sao lại khổ như vậy? Nếu là bà Tú có lẽ tôi sẽ ước rằng mình là một người con trai và kiếp sau không gặp lại những người đã khiến cho tôi đau buồn, cuộc sống chỉ có nước mắt nhiều hơn là nụ cười. Họ cũng là con người chứ có phải cổ máy đâu mà luôn phải chịu đựng những bất công của xã hội, sinh ra phận đàn bà thì đã sao? Đàn bà thì cũng là con người, họ cũng có quyền được hạnh phúc? Tại sao chỉ đàn ông mới có quyền được hạnh phúc? Không thể nói thành lời những uất ức mà bà Tú và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến phải chịu đựng.
Hiểu được những gánh nặng, vất vả của bà Tú, biết rằng bà không bao giờ trách móc, nên ông đã thay người vợ của mình để chửi cái xã hội bạc bẽo này và ông cũng chửi cả bản thân mình vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha.
“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không”
“Cha mẹ thói đời” câu thơ như gây ra một sự hiểu lầm cho người nghe, nhưng nếu suy nghĩ một cách kỹ lưỡng và tinh tế ta sẽ hiểu được rằng tác giả không phải nói đến cha mẹ của bà Tú cũng chẳng phải nói đến cha mẹ của ông Tú. Mà tác giả muốn thay vợ mình chửi cái thói đời trọng nam khinh nữ, những quan niệm cổ hủ khiến cho những người phụ nữ như bà không có được hạnh phúc. “Có chồng hờ hững” chửi sự vô tâm của bản thân, không giúp ích được gì, tự trách bản thân đã mải mê chạy theo con đường công danh, lí tưởng mà vô tình quên đi trách nhiệm của một người chồng, người trụ cột trong gia đình, để cho bà Tú phải bươn trải, lăn lộn quanh năm với cuộc sống, mọi gánh nặng dường như đè lên đôi vai hao gầy ấy. “Cũng như không” có chồng như ông thì bà Tú cũng chẳng sướng hơn, bởi vậy ông xem mình như người vô hình, vô tích sự không phụ giúp gì được cho bà.
Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự đầy buồn thương, là tiếng nói của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ con, thương gia cảnh nghèo. Tú Xương thương vợ cũng chính là thương mình vậy: nỗi đau thất thế của nhà thơ khi cảnh đời thay đổi! Có thể nói bài thơ vừa là muốn nói lên những khổ cực của vợ vừa là một bản kiểm điểm ông viết ra dành cho mình.
Người ta thường nói “Trong cái rủi có cái may” bà Tú tuy cực khổ thiếu thốn về vật chất, nhưng bà có được cái mà nhiều người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có và đó cũng là thứ mà Hồ Xuân Hương ao ước có được trong bài thơ “Tự Tình” đó là tình yêu thương của người chồng đó chính là món quà tinh thần mà không phải người phụ nữ nào cũng có được. Nếu được ban cho một điều ước tôi sẽ ước cho những người phụ nữ như bà không còn khổ nữa, họ xứng đáng có được hạnh phúc hơn bao giờ hết. Phụ nữ là để yêu thương.
Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Ngôn ngữ thơ bình dị như là tiếng nói đời thường nơi “mom sông” của những người buôn bán nhỏ, cách đây một thế kỷ. Các chi tiết nghệ thuật chọn lọc vừa cá thể (bà Tú với “năm con, một chồng”) vừa khái quát sâu sắc (người phụ nữ ngày xưa). Hình tượng thơ hàm súc, gợi cảm: thương vợ, thương mình, buồn về gia cảnh thêm nỗi đau đời. “Thương vợ’” là bài thơ trữ tình đặc sắc của Tú Xương nói về người vợ, người phụ nữ ngày xưa với bao đức tính tốt đẹp, hình ảnh bà Tú được nói đến trong bài thơ rất gần gũi với người mẹ, người chị trong mỗi gia đình Việt Nam.
Tóm lại, bài thơ thương vợ mang lại một giá trị nhân văn vô cùng lớn cho người đọc, bài thơ. Chỉ với tám câu thơ tác giả đã thành công trong việc khắc hoạ bức chân dung tuyệt đẹp về hình ảnh người vợ, người mẹ với lời thơ đậm chất trữ tình và có pha chút trào phúng.