Dàn ý bài phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”
Mở bài
– Giới thiệu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Thân bài
Bố cục
Bài thơ có 3 khổ:
+ Khổ 1: Bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, con người xứ Huế.
+ Khổ 2: Cảnh buồn qua cái nhìn đầy nội tâm.
+ Khổ cuối: Cảnh vật, con người đều chìm sâu vào mộng ảo.
Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ bắt nguồn từ một câu chuyện tình giữa thi sĩ và người con gái Huế tên Hoàng Cúc.
Phân tích khổ 1
– Bức tranh được hiện lên qua lời mời trong đó hàm chứa sự trách móc mà thân thiết: Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
– Không gian trong câu thơ thứ hai này ngập tràn sắc nắng. Hình ảnh nắng đổ xuống hàng cau mang một vẻ thân thuộc của một miền quê yên bình, nhưng không phải là nắng của một chiều hoàng hôn sắp tàn mà nắng của một buổi bình minh mới lên.
– Cảnh vật hiện lên qua vài nét phác họa nhẹ nhàng, duyên dáng, đầy ấn tượng của màu xanh như ngọc của ánh sáng tinh khôi buổi ban mai.
– Cuối cùng là nét chấm phá độc đáo thể hiện một người con gái quê phúc hậu, dịu dàng, dễ thương mà đầy tinh nghịch, thường làm duyên bằng một cành trúc che ngang mặt.
Phân tích khổ 2
– Đã có một sự chuyển đổi của giọng điệu từ khổ thứ hai này, không còn cảnh đầy sức sống mà thay vào đó là một bức tranh buồn, sầu man mác.
– Cảnh đẹp và thơ mộng, nhưng lay lắt buồn bã trong cảm giác chia lìa bằng hình thức thơ độc đáo: Gió theo lối gió / mây đường mây. Dòng sông như tấm gương ghi nhận hình ảnh chia lìa đó, nên buồn thiu, hoa bắp cúng lay lắt buồn thiu, chia sẻ với tâm trạng nhà thơ.
– Hình ảnh thuyền đậu trên bến sông là hình ảnh bình thường, nhưng đối với Hàn Mặc Tử sông trở thành sông trăng, thuyền chở người trở thành thuyền chở trăng và bóng người cũng trở thành hình ai thấp thoáng, mờ nhòe trong trăng.
– Ta cảm thấy như tác giả đang vội vàng nhưng không phải vội vàng để tận hưởng, tận hiến như Xuân Diệu mà ở đây, tác giả chỉ vội vàng với một mong ước đơn giản của con người – quyền được sống. Sự phấp phỏm, vội vàng này được tác giả khắc họa bằng một từ đắc địa “kịp”.
Phân tích khổ 3
– Cõi lòng nhà thơ dường như chìm vào mộng tưởng. Bệnh tật cũng đã khiến nhà thơ rơi vào trạng thái buồn đau ảo giác. Bởi vậy, con người cảnh vật tất cả đều nhòa mờ trong cô đơn, ngậm ngùi.
– Với câu hỏi đầy khắc khoải: “Ai biết tình ai có đậm đà?”, ta bỗng nhận ra rằng, toàn bộ niềm khao khát được sống của tác giả là niềm khao khát sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, đầy tình người, tình đời.
Kết bài
– Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Phân tích tác phẩm Đây Thôn Vĩ Dạ – Mẫu 1
Mỗi nhà thơ trong phong trào thơ mới đều có những đặc sắc riêng nếu Xuân Diệu đặc sắc với thơ tình cháy bỏng, Chế Lan Viên với những suy tưởng mang màu sắc triết lý, Nguyễn Bính với hồn quê chân chất, Huy Cận với hồn thơ mang đậm nỗi buồn nhân thế thì Hàn Mặc Tử lại là một tâm hồn lẫn lộn giữa cõi mộng và thực. Nhưng trong một rừng thơ ngập tràn ý tưởng của hồn, trăng, và máu lẫn lộn giữa cõi mộng và thực ấy, lại mọc lên một bông hoa trong sáng tinh khôi, chứa chan tình cảm quê hương của tác giả – đó chính là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Bài thơ có bố cục vỏn vẹn chỉ ba khổ, nếu khổ một là bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, con người xứ Huế, khổ hai là cảnh buồn qua cái nhìn đầy nội tâm thì khổ ba là cảnh vật, con người đều chìm sâu vào mộng ảo. Bài thơ bắt nguồn từ một câu chuyện tình giữa thi sĩ và người con gái Huế tên Hoàng Cúc. Giữa những ngày đang nằm điều trị căn bệnh nan y, tác giả lại nhận được bức ảnh sông nước xứ Huế đêm trăng cùng với mấy dòng thư động viên từ người con gái chàng từng thầm thương, trộm nhớ. Những vần thơ hay nhất cũng xuất phát từ đây, từ những cảm hứng này với bao cảm xúc của ngày xưa trở về, của một tình yêu dang dở – “Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở” (Hồ Dzếnh).
Bài thơ được bắt đầu bằng một câu hỏi trách móc nhẹ nhàng của một cô gái thôn quê: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Có phải đó là câu hỏi của cô gái Huế? Hay tác giả tự hỏi mình? Dù là gì đi nữa thì đây cũng là một hoài niệm của tác giả đối với miền quê mà tác giả đã từng đặt chân tới, cũng là một hoài niệm về một mối tình dang dở. Câu thơ êm đềm trong sáu thanh bằng bỗng bật cao lên ở thanh trắc cuối tạo ra một niềm khắc khoải đợi chờ của người hỏi. Câu thơ tưởng chừng đơn giản nhưng nếu đọc kỹ ta sẽ thấy nhà thơ đưa vào đó nhiều hàm ý. Tại sao lại “không về” mà không phải là “chưa về”, là “về chơi” mà không phải là “về thăm”. “Không về” vì không thể về được nữa, nghe thật chua xót cho tình cảnh nhà thơ thời bấy giờ, còn “về chơi” thì nghe thân mật hơn nhiều. Từ câu hỏi với nhiều hàm ý này, tác giả đã vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp của làng quê ngoại ô thành phố Huế mà chỉ có một người con từng rất gắn bó với xứ Huế mới có thể viết ra được:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Không gian trong câu thơ thứ hai này ngập tràn sắc nắng. Hình ảnh nắng đổ xuống hàng cau mang một vẻ thân thuộc của một miền quê yên bình, nhưng không phải là nắng của một chiều hoàng hôn sắp tàn mà nắng của một buổi bình minh mới lên, một thứ nắng tinh khôi và trong trẻo. Và với phép so sánh, “mướt” với khu vườn, và “ngọc” với màu xanh, tác giả đã gợi lên nhiều sắc điệu, vừa gợi màu mà vừa gợi ánh, vừa óng chuốt vừa thật tinh khôi. Chỉ bằng hai gam màu đơn giản, màu trắng của nắng và màu xanh của khu vườn tác giả đã vẽ nên một bức tranh đầy hình ảnh, đầy sức sống về một làng quê mà giờ chỉ còn là hoài niệm. Ở nơi ấy có một người con gái quê phúc hậu, dịu dàng, dễ thương mà đầy tinh nghịch, thường làm duyên bằng một cành trúc che ngang mặt – xuất hiện trong câu thơ cũng chính là xuất hiện trong hoài niệm của tác giả. Chỉ có những người nặng tình nặng nghĩa với một mảnh đất thân thương mới có thể có những nét vẽ thanh tao, những cảm nhận tinh tế về quê hương, tìm đâu xa những nét đẹp của phồn hoa đô hội, đôi khi cái đẹp lại là những điều rất đỗi bình thường ấy.
Và khi dạo bước trên cầu Tràng Tiền vào một đêm trăng nhìn xuống dòng nước sông Hương lững lờ trôi, cũng như bao người khác, tác giả tức cảnh sinh tình mà buông ra những câu thơ chơi vơi giữa gió mây, lặng mình theo dòng nước:
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Đã có một sự chuyển đổi của giọng điệu từ khổ thứ hai này, không còn cảnh đầy sức sống mà thay vào đó là một bức tranh buồn, sầu man mác. Cái buồn, cái sầu ở đây không phải là cái buồn, sầu của ngoại cảnh với gió nhẹ thổi, mây nhẹ trôi, hoa bắp nhẹ lay, và dòng nước lững lờ trôi mà là cái buồn tâm cảnh, cái buồn thấm đượm sự chia ly, ngang trái. Gió thổi cùng với mây bay là những cách điệu bình thường nhưng ở đây “gió theo lối gió”, “mây đường mây” – xa cách đôi ngã, đôi đường. Sự chia ly quá buồn bã đến nỗi mà dòng nước không trôi một cách bình thường, nó trôi một cách buồn thiu – nhấn mạnh nỗi buồn đau của con người, buồn tê tái của sự chia ly không thể nào kéo vãn được. Và trong cái buồn tê tái của sự chia ly ấy, tác giả dường như không thể làm chủ được mình, lẫn lộn giữa thực và mộng ảo ngay trong hai câu thơ sau đó:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Hình ảnh thuyền đậu trên bến sông là hình ảnh bình thường, nhưng đối với Hàn Mặc Tử sông trở thành sông trăng, thuyền chở người trở thành thuyền chở trăng và bóng người cũng trở thành hình ai thấp thoáng, mờ nhòe trong trăng. Có cảm giác như nhà thơ đang chìm dần trong cảm giác huyền hồ của cảnh vật mông lung đầy ảo ảnh. Trong cái ảo ảnh này, tác giả dường như chỉ còn thấy một vật để bám vào, đó là ánh trăng vì thế hai câu thơ tràn ngập một màu trăng. Nó nói lên một nỗi niềm khắc khoải, lo âu, tiếc nuối về một nỗi đau sắp phải chia lìa thực tại của tác giả. Ta cảm thấy như tác giả đang vội vàng nhưng không phải vội vàng để tận hưởng, tận hiến như Xuân Diệu mà ở đây, tác giả chỉ vội vàng với một mong ước đơn giản của con người – quyền được sống. Sự phấp phỏm, vội vàng này được tác giả khắc họa bằng một từ đắc địa “kịp” – đây là một dụng tâm độc đáo của Hàn Mặc Tử như từ “đợi” trong câu thơ sau cũng chính của tác giả:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.
Tính nhân văn của bài thơ cũng nằm ở câu thơ này: Phải khao khát sống, phải luôn sống kịp với thời gian khi còn đang được sống. Không những tác giả khao khát sống, mà còn khao khát một cuộc sống đầy ý nghĩa, đậy tình đời, tình người – ta bắt gặp ý này của tác giả trong khổ thơ sau – mặc dù cả khổ thơ ngập chìm hoàn toàn vào cõi mơ:
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Cõi lòng tác giả dường như chìm trong mộng tưởng với chữ “mơ” đặt ở đầu, và điệp ngữ “ khách đường xa” ở phía sau nghe như một sụ chơi vơi, hụt hẫng cùng với mọi cảnh vật đều hóa thành ảo ảnh, xa dần đi vào một cõi xa xăm, vô định. Toàn bộ không gian trong khổ thơ này trở nên mông lung, trắng xóa, mịt mờ sương khói, nhưng không phải toàn là cõi mơ, ở đâu đó vẫn còn nghe văng vẳng một câu hỏi đầy khắc khoải: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Ta bỗng nhận ra rằng, toàn bộ niềm khao khát được sống của tác giả là niềm khao khát sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, đầy tình người, tình đời.
Có thể nói, với cách dùng từ đắc địa, với những hình ảnh tượng trưng đầy hàm nghĩa, với những câu hỏi tu từ đầy khắc khoải, cùng lối viết cách điệu hóa, cùng những ẩn dụ đầy màu sắc huyền ảo, “Đây thôn Vĩ Dạ” xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất của phong trào thơ mới. Riêng tôi có một cảm nhận riêng, đó là khi đọc bài thơ này, những người quê mùa như tôi bỗng cũng muốn làm thơ – đây là điều độc đáo mà bài thơ mang lại, nó tạo ra một sự lan tỏa, một năng lượng thơ.
Phân tích tác phẩm Đây Thôn Vĩ Dạ – Mẫu 2
Nói đến phong trào Thơ mới không thể nào không nhớ tới nhà thơ Hàn Mặc Tử. Thơ của ông vừa thể hiện tình yêu khôn cùng với cuộc sống vừa hướng về Chúa trời thánh khiết, thần tiên. Tuy cuộc đời ông lắm bi thương, khổ sở nhưng hồn thơ của ông lại phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn, làm ta cảm nhận rõ được tình yêu dù là đau đớn những vẫn hướng về trần thế. Mà nhắc đến ông là nhắc tới bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, bài thơ tiêu biểu được trích trong tập Thơ điên, vừa thể hiện cái tài vừa thể hiện cái tình, cái tâm của Hàn Mặc Tử. Đó là bài thơ về mối tình thầm kín, yêu một người rồi yêu luôn cả miền quê ấy, là niềm khao khát được trở về sống hòa mình với cuộc đời.
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài hoa, mang trong mình cái tâm hồn rất thi vị, trữ tình những cuộc được ông lại kém may mắn khi vào năm 1936, ông mắc bệnh phong – một căn bệnh vô phương cứu chữa thời bấy giờ. Căn bệnh này khiến ông bị mọi người xa lánh, hắt hủi nên ông luôn mang trong mình niềm khao khát được sẻ chia, đồng cảm và được trở về với cuộc đời. Trước khi mắc căn bệnh này, ông có đem lòng yêu Hoàng Thị Kim Cúc – con gái ông chủ Đạc điền Quy Nhơn, quê ở thôn Vĩ, xứ Huế. Khi Kim Cúc theo cha về nghỉ hưu ở Huế thì ông xem như bà đã lấy chồng. Năm 1939, Hàn Mạc Tử nhận được một tấm bưu thiếp của bà gửi tặng, đó là bức ảnh chụp phong cảnh xứ Huế, có sông nước, có thuyền, có bến, có trăng, có hàng cau xanh cao vút kèm câu nói để an ủi nhà thơ. Nó đã đánh thức được cảm xúc thi sĩ và làm cảm hứng để cho sống sáng tác lên một tuyệt bút này. “Đây thôn Vĩ Dạ” chỉ vỏn vẹn ba khổ, gồm mười hai câu thất ngôn.
Khổ đầu bài thơ vẽ lên một khung cảnh xứ Huế tuyệt đẹp, đầy thi vị mà cũng thật gần gũi, thân thuộc.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ thiết tha của cô gái thôn Vĩ với nhà thơ. “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” nó vừa như lời chào thân mật vừa như lời trách móc nhẹ nhàng. Câu nói dịu dàng, không thô lỗ mà hết sức tế nhị, ân cần, cũng là lời nhắn nhủ gửi gắm của nhân vật trữ tình trong một tâm trạng vời vợi nhớ mong. Là lời mời gọi hãy về thăm thôn Vĩ vào một buổi sớm mai, cây cối xanh mướt, ngay bên bờ sông Hương êm đềm thơ mộng. Nơi đây là quê hương, cũng là nơi có người con gái Hoàng Cúc ông thầm thương trộm nhớ, là nơi thân thiết của ông. Ông đang tự trách bản thân mình tại sao bấy lâu nay không về lại vùng đất ấy, làng quê thân thương ấy. Khát khao ấy, nỗi nhớ thương mảnh đất thân yêu cứ đau đáu mãi trong lòng. Nhưng ông chẳng thể nào đi được, vì lúc ấy ông đang mắc bệnh, không thể trở về và có thể mãi mãi ông cũng chẳng thể trở về được nữa.
Qua ba câu thơ sau, khung cảnh thiên nhiên thôn Vĩ hiện lên rất bình dị, quen thuộc mà lại đẹp nên thơ. Nắng mới lên là nắng buổi sớm bình minh, ánh nắng đầu tiên của ngày. Ánh nắng tinh khôi chiếu rọi mọi cảnh vật, len lỏi qua từng sự vật, làm bừng sáng cả khoảng không gian. Mọi vật được ánh sáng soi tỏ, hiện lên thật tươi mới, xanh mát. Điệp từ “nắng” được tác giả khéo léo sử dụng, nếu như “nắng” ở vế đầu là chỉ vị trí nó xuất hiện là nắng trên hàng cau thì “nắng” ở vế sau lại nói tính chất của nó là nắng mới. Khung cảnh xuất hiện trước mắt người đọc là vẻ đẹp vườn tược, vùng nông thôn ngoại ô đẹp dân dã.
Trong buổi sớm ban mai trong lành ấy, nắng trải những vệt dài trên hàng cau, những tàu lá còn ướt đẫm sương được tắm bởi ánh sáng tươi mới tạo nên vẻ đẹp thanh tân, thuần khiết. Màu sắc khu vườn được lột tả qua từ “mướt” kết hợp với biện pháp nghệ thuật so sánh “xanh như ngọc” gợi lên vẻ đẹp xanh tươi, mơn mởn vừa tự nhiên lại vừa quý phái của khu vườn. Màu “xanh như ngọc” ấy không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn được cảm nhận được sâu bên trong tâm hồn thi nhân. Đã thế còn thêm thán từ “quá” làm cho vườn tược của thôn Vĩ thêm phần thanh tao. Đại từ phiếm chỉ “ai” diễn tả sự ngỡ ngàng cũng như tiếng reo vui, trầm trồ của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên. Cảnh thôn Vĩ trong sáng, hữu tình trong đó còn có người dân thôn Vĩ thật thà, nhân hậu. Hình ảnh “mặt chữ điền” lấp ló sau cành trúc gợi ra nét đẹp dịu dàng, ngay thẳng và phúc hậu của người con gái xứ Huế thấp thoáng qua lá trúc nhỏ bé, mảnh mai, xinh xắn. Họ những con người xứ Huế đang chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc sau báo hiệu của nắng sớm mai, một nét đẹp lao động rất gần gũi mà cao cả. Nghệ thuật tương phản giữa khuôn mặt chữ điền vương vức và chiếc lá trúc chen ngang, người con gái Huế phúc hậu, hiền từ lại có chút ngại ngùng của con gái xứ mộng mơ.Cảnh thôn Vĩ, không chỉ đẹp về thiên nhiên mà con đẹp ở chính con người nhân hậu nơi đây, nó làm tác giả yêu cuộc sống, nhớ lại một thuở tươi đẹp, khi ông chưa có mặc cảm về hoạn nạn đau thương của cuộc đời mình.
Sau nét đẹp về cảnh và người, ông lại trở về với thực tại. Cảnh trời mây và sông nước đêm trăng vừa thực vừa ảo thấm đượm nỗi buồn qua cái nhìn đầy nội tâm của Hàn Mặc Tử.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay …
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Ở hai câu đầu ta đã cảm nhận rõ sự chia lìa, không có sự gắn kết, nỗi buồn của gió, của mây đã thấm đẫm vào dòng nước và hoa bắp lay. Tác giả đã sáng tạo khi sử dụng biện pháp điệp cấu trúc câu và điệp từ đồng thời với nhau. “Gió” và “mây” dù được nhấn mạnh hai lần nhưng không đem lại cảm giác khắng khít mà là sự chia ly, cô đơn, đối ngược với hướng của nhau, không có sự giao hòa, gặp gỡ. Nó làm cho dòng nước cũng chẳng thể nào vui mà buồn theo. “Dòng nước” được nhân hóa có suy nghĩ, có tâm trạng và mang trong mình tâm trạng cô đơn, sầu thảm. Cảnh vật chuyển mình từ tươi tắn lúc ban mai sang nét đẹp hoài cổ vào thời điểm này. Động từ “láy” để chỉ chuyển động của hoa bắp là sự rung rinh khi có gió làm cho sự buồn bã, đơn côi được đẩy lên . Tài hoa của tác giả được thể hiện rõ khi cái buồn của thiên nhiên hiện ra trước làm bước đệm, tạo sự tò mò cho cái trầm tư của con người.
Trăng là biểu tượng cho cái đẹp, tượng trưng cho hạnh phúc và thanh bình. Nhưng trong thơ của Hàn Mặc Tử, trăng của ông lại mang cảm giác đượm buồn, có chút xót xa. Không gian tràn ngập ánh trăng, hư hư ảo ảo lại dùng câu phiếm chỉ “thuyền ai” cùng với động từ “kịp” nó làm câu thơ không chỉ là khát khao cháy bỏng mà còn là nỗi âu lo, đau đớn. Đến câu cuối “Có chở trăng về kịp tối nay?” như chính tác giả đang hỏi bản thân. Câu thơ bộc lộ nỗi niềm lo lắng thực tế, khi ông đang mang trong mình căn bệnh quái ác, liệu có đủ thời gian để chở vầng trăng về kịp, có đủ thời gian để ông trở về mảnh đất Huế thân thương ấy hay không. Câu hỏi làm tâm trạng chùng xuống hẳn, buồn cho cái số phận ngắn ngủi, cho ước mơ mãi mãi chẳng hoàn thành. Nó thể hiện ước mong, nguyện vọng tưởng như đơn giản nhưng chẳng thể nào thực hiện, khát vọng được sống, được yêu, được hòa nhập lại với cuộc đời.
Đến khổ thơ cuối, tác giả chọn tiếp tục sống trong mộng ước của mình.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra …
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Điệp ngữ “khách đường xa” nhấn mạnh nỗi trông ngóng, nhớ thương của tác giả dành cho người thương nhưng lại dường như vô vọng vì mối tình này đơn phương và xa vời. Trong khi thực tại, ông đang đối mặt với bệnh tật, bị cắt đứt mọi liên hệ với bên ngoài, cô đơn, buồn tủi chỉ muốn sống trong mộng ước đẹp đẽ. Lúc này, ông chẳng mơ về thôn Vĩ xanh ngát, xinh đẹp nữa mà chỉ mong ước nhỏ nhoi là sẽ có người đến thăm ông, xua tan đi trong nỗi lòng cô đơn của ông dù chỉ một chút. Tâm hồn thi sĩ đang cô đơn đến cùng cực, chỉ mong một sự giao hòa đơn giản của con người với ông, để ông vơi đi phần nào những khổ sở, hoàn cảnh ngặt nghèo của ông. Những giấc mơ ấy đã nhòe đi “Áo em trắng quá nhìn không ra”. Ông đã mơ về một người con gái nhưng chẳng thể lấy rõ mặt chỉ thấy lấp ló chiếc áo, không nhìn ra được. Cô gái mặc chiếc áo dài trắng như những nữ sinh Huế xinh đẹp, dịu dàng, thanh nhã nhưng lại càng gợi cho ta sự mộng tưởng. Hình ảnh gần gũi ông thường hoài niệm nhưng lại quá xa xôi vì khoảng cách thời gian và không gian.
Không gian mờ ảo hiện ra với “sương khói” làm nhòa đi bóng dáng con người, có thể cũng nhòa đi cả tình người, tình đời. Câu thơ miêu tả đúng không gian xứ Huế mộng mơ, vùng quê được bao quanh bởi sương và khói, cảm giác vừa thực vừa ảo như thể đang lạc vào thế giới thần bí mà ở đó mọi vật đều mờ ảo qua “tấm rèm trắng”. Ở nơi tình cảm chỉ mờ như sương khói, cái tha thiết mong đợi của tác giả như đọng lại vô cùng “Ai biết tình ai có đậm đà? ”. Câu hỏi tu từ nhà thơ đang hỏi người mà cũng như đang hỏi bản thân liệu tình cảm ấy có còn đậm đà, son sắc như ngày xưa, liệu người ta có còn giữ tình cảm xưa cũ, mang tâm trạng hoài nghi lẫn giận hờn, trách móc. Đại từ phiếm chỉ “ai” làm tăng thêm nỗi cô đơn, trống vắng của tâm hồn khát khao được sống, được yêu, nghe như nghi ngờ mà cũng như một tiếng thở dài vô vọng. Nó làm nhòe đi hình tượng khách thể và chủ thể trữ tình, tạo nên một nỗi ám ảnh về nỗi đau trong cõi mênh mông vô tận, tâm trạng hụt hẫng và đầy tuyệt vọng của nhà thơ.
Bằng cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật một cách tài hoa và linh hoạt như biện pháp so sánh, nhân hóa, câu hỏi tu từ,… tác giả đã vẽ lên một xứ Huế thanh khiết, đẹp tinh tế, xanh tươi mới và có hồn. Kết hợp với bút pháp tả thực và lãng mạn, tượng trưng ta thấy được tâm trạng và nỗi niềm của tác giả đã ẩn chứa trong những vần thơ, câu chữ, một tâm hồn tha thiết được yêu, được sống, được hòa mình vào cuộc sống và yêu cái đẹp, yêu người con gái xứ Huế dịu dàng, thanh khiết ấy.
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” xứng đáng là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Bài thơ không chỉ là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là nỗi lòng, tâm sự sâu lắng, với những khát khao giản đơn yêu đời, yêu người. Bài thơ là một hành trang tinh thần cho bao thế hệ khi nhắc đến Thơ mới nói chung và Hàn Mạc Tử nói riêng.