Tác phẩm Phú Sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang phú) là một trong những kiệt tác văn chương cổ Việt Nam. Áng văn toát lên lòng yêu nước, tráng khí chất ngất cùng tinh thần tự hào dân tộc. Bài viết dưới đây VerbaLearn sẽ hướng dẫn độc giả cách thuyết minh về tác phẩm Phú Sông Bạch Đằng thông qua phần dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu chọn lọc thuộc chương trình ngữ văn lớp 10.
Dàn ý chi tiết
Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề: Giới thiệu bài “Phú sông Bạch Đằng” – Dựa vào một ý đặc biệt trong tác phẩm hoặc dùng câu hỏi tư từ để thu hút người đọc.
Thân bài
1. Nêu vài nét về bài phú
– Ngôn ngữ viết: Tiếng Hán
– Thể loại: Bài phú được viết theo lối phú cổ thể.
– Tác giả: Trương Hán Siêu
– Bố cục: Chia làm 3 phần.
– Cảm hứng: Niềm tự hào, vừa đọng nỗi đau, vừa thể hiện triết lý về sự thay đổi, biến thiên và xoay vần của tạo hóa.
2. Nội dung
– Cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật khách và các bô lão trên sông Bạch Đằng. khách và các bô lão bình luận về chiến thắng, công đức của các vua Trần.
– Phú sông Bạch Đằng bộc lộ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng, truyền thống nhân nghĩa của đất nước ta.
– Nghệ thuật: Tác phẩm có cấu tứ đơn giản, lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động, từ ngữ gợi hình sắc, giọng điệu hào hùng trang trọng, có lúc lắng đọng gợi cảm, lúc lại triết lý sâu xa.
Kết bài
– Khái quát về giá trị của tác phẩm và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Thuyết minh về Phú Sông Bạch Đằng – Mẫu 1
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
(Nguyễn Đình Thi)
Việt Nam – không những là một đất nước giàu và đẹp mà còn là một đất nước chứa đựng những chiến công hào hùng, vang danh lịch sử và chấn động địa cầu. Một trong những chiến công vang dội ấy có chiến công ba lần chiến thắng quân Nguyên của quân và dân Việt Nam anh hùng. Khi vó ngựa quân Nguyên như vũ bão quét sạch khắp mọi nơi, từ Á sang Âu, nó phải dừng lại tại Việt Nam. Và nơi ghi dấu chiến công lịch sử ấy không phải nơi nào khác mà chính là sông Bạch Đằng. Bạch Đằng giang đã trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả các nhà văn nhà thơ Việt Nam từ xưa cho đến nay. Bạn có biết bài thơ văn nào thời xưa viết về sông Bạch Đằng mà bây giờ được xem như là một tuyệt tác, một đỉnh cao của văn học Việt Nam không? Đó chính là bài “Bạch Đằng giang phú” (Phú sông Bạch Đằng) của tác giả Trương Hán Siêu – một danh nhân thời Trần. Mặc dù bài thơ đã được viết từ lâu rồi nhưng đến nay, người ta vẫn mãi luôn nhắc đến nó như một khúc ca hào hùng về chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng vào thời đó.
“Phú sông Bạch Đằng” được Trương Hán Siêu viết bằng chữ Hán và có lẽ được viết vào thời vãn Trần – được đánh giá là một trong những bài phú hay bậc nhất nước ta thời trung đại. Nó được viết theo lối cổ phú và được chia thành ba phần. Phần mở đầu (từ đầu cho đến … “dấu vết luống còn lưu”), giới thiệu nhân vật và lý do sáng tác. Phần thứ hai (từ “bên sông các bô lão”… cho đến “nhớ người xưa chừ lệ chan”) là nội dung đối đáp của nhân vật “khách” và các bô lão. Phần kết thúc là lời ngợi ca của của nhân vật “khách”.
Ở phần đầu, nội dung xoay quanh việc giới thiệu về nhân vật “khách”. Nhân vật “khách” này có lẽ thể hiện cái tôi của tác giả, một con người phóng khoáng, thích ngao du sơn thủy:
“Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi
Lướt bể chơi trăng mải miết
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên, Tương
Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt
Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt”
Từ các địa danh nổi tiếng được nhắc đến ở trên, ta có thể nhận ra một đặc điểm của tác giả: một tâm hồn nghệ sĩ ưa tự do, phóng khoáng, một bậc tri thức ham du ngoạn để chiêm ngưỡng và để nâng cao tầm hiểu biết. Và quan trọng hơn, dựa vào đoạn mở đầu đó, tác giả mô tả cảnh thực sông Bạch Đằng – vừa đẹp thướt tha vừa lưu dấu những chiến công hiển hách:
“Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”
Đứng ngắm nhìn dòng sông hiện lên với nhiều dáng vẻ như trên, tác giả mang trong mình rất nhiều tâm trạng khác nhau – vui, buồn, tự hào, nhớ tiếc:
“Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”
Phần hai là màn đối đáp của hai nhân vật “khách” và “bô lão”. Nhân vật “Bô lão” ở đây là hình ảnh tập thể, là những chứng nhân của lịch sử. Với không khí đối đáp tự nhiên này đã giúp người đọc sống lại với những trận thuỷ chiến lẫy lừng từng diễn ra ở nơi đây, được tác giả mô tả một cách chân thực qua những hình ảnh liệt kê trùng trùng điệp điệp:
“Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã
Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao
Đương khi ấy:
Thuyền bè muôn đội, tinh kỳ phấp phới
Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói
Trận đánh được thua chửa phân
Chiến lũy bắc nam chống đối
Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ
Bầu trời chừ sắp đổi”
Với những hình ảnh, những điển tích được chọn lọc kỹ càng, tác giả đã nhấn mạnh đến sự thất bại của quân thù và cái vẻ vang trong chiến thắng của quân dân ta. Ở đây tác giả đã dùng phép đối lập lấy cái vận động, trôi chảy của dòng nước đối lập với nỗi nhục quân thù – một nỗi nhục nghìn năm không rửa nổi:
“Đến nay nước sông tuy chảy hoài
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi”
Nhân vật “bô lão” sau khi kể lại chiến công oanh liệt đó đã có lời bình về nguyên nhân của thắng lợi: đó là nhờ vào thiên thời, địa lợi, và đặc biệt đề cao yếu tố con người – một bài học kinh nghiệm vừa đầy đủ vừa sâu sắc:
“Quả là trời đất cho nơi hiểm trở
Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an”
Ở phần ba, đó là lời ca của “bô lão” và “khách”. Lời ca của “bô lão” thể hiện niềm tin, niềm tự hào về chân lý về sự nhân đạo và anh hùng của dân tộc Việt Nam. Còn trong lời ca của “khách”, nó thể hiện không những sự ngợi ca công đức của các vua Trần, mà còn đề cao và khẳng định yếu tố con người, xem đó là yếu tố quan trọng nhất để làm nên chiến thắng. Ta cũng có thể cảm nhận được triết lý sâu xa trong những lời ngợi ca này – là lời khẳng định kẻ bất nghĩa tất bị diệt vong còn người anh hùng sẽ được lưu danh muôn thuở:
“Sông Đằng 1 dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.”
Ngoài việc “Phú Sông Bạch Đằng” là bài phú có nội dung sâu sắc – thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ngợi ca truyền thống anh hùng và truyền thống đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam – nó còn được xem như một đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam. Bài phú không những có cấu tứ đơn giản, lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động, từ ngữ gợi hình sắc, mà giọng điệu của bài phú lúc thì hào hùng trang trọng, lúc thì lắng đọng gợi cảm, lúc lại triết lý sâu xa.
Tóm lại, “phú sông Bạch Đằng” xứng đáng là khúc tráng ca bất hủ của dân tộc, và luôn sống mãi trong lòng con người Việt Nam. Và mỗi khi đọc bài phú này, chúng ta không những luôn được truyền một sức mạnh đó là sức mạnh của lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc mà còn là lời nhắc chúng ta sống sao cho xứng đáng là người con dân của dân tộc Việt Nam anh hùng.