Hà Nội là thủ đô, thành phố trực thuộc trung ương và là một đô thị loại đặc biệt của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với đề bài thuyết minh về Hà Nội học sinh cần làm rõ được vị trí địa lý, lịch sử hình thành và các giá trị khác của Hà Nội. Dưới đây là dàn ý và một số bài văn mẫu chọn lọc mà VerbaLearn đã biên soạn, tổng hợp nhằm cung cấp tài liệu tham khảo cho các em học sinh.
Dàn ý chi tiết
Mở bài
– Giới thiệu địa danh cần thuyết minh – thủ đô Hà Nội
Thân bài
1. Vị trí địa lý
– Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, ở hai bên bờ sông Hồng. Phía Bắc giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp với tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, còn phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Lịch sử hình thành
– Năm 1010 khi vị vua triều Lý là Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ kinh đô Hoa Lư về thành Đại La (tên đầu tiên của Hà Nội).
– Từ 1010 đến 1804: Thăng Long là Thủ đô nước ta.
– Từ năm 1831: Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội với ý nghĩa là vùng đất ở trong sông.
3. Danh lam thắng cảnh ở Hà Nội
– Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Bác nằm giữa quảng trường Ba Đình lộng gió, được làm bằng đá hoa cương xám, mang hình dáng một bông sen cách điệu, in bóng sừng sững lên nền trời mùa thu xanh biếc.
– Chùa Một Cột. Ngôi chùa được xem như là một biểu tượng của Hà Nội, với kiểu kiến trúc độc đáo – ngôi chùa hình vuông, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ, trên một hồ nước phủ đầy sen.
– Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam.
– Hồ Tây được xem là mặt gương của Hà Nội, có diện tích rộng hơn 500 ha với bề dày lịch sử mấy nghìn năm.
– Hồ Hoàn Kiếm là lẵng hoa giữa lòng thành phố, được bao quanh bởi ba con đường Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay dài khoảng 1,8 km.
– Khu phố cổ Hà Nội – nơi cất giấu thời gian, còn được gọi là khu 36 phố phường, đây xưa là các phường hội thủ công, mỗi phố mang tên các mặt hàng được sản xuất hoặc bày bán ở đó: phố Hàng Bông, phố Hàng Gai, phố Lò Rèn, phố Hàng Đường,
– Ngoài ra, thủ đô Hà Nội còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác như hồ Trúc Bạch, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Vũ, đường Thanh Niên, làng hoa Nhật Tân, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Nghi Tàm, đền thờ Hai Bà Trưng, đền Chèm, …
4. Những giá trị khác
– Văn hóa ẩm thực.
– Con người Hà Nội thanh lịch, trang nhã trong đời sống, kiên cường, hiên ngang can đảm trong chiến tranh.
Kết bài
– Khái quát hóa giá trị, vai trò, ý nghĩa của thủ đô Hà Nội.
Thuyết minh về Hà Nội – Mẫu 1
Vùng đồng bằng sông Hồng, cái nôi và là nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, rất nhiều di tích lịch sử vang danh bốn cõi. Một trong những danh lam thắng cảnh, đia danh lịch sử tiêu biểu của đồng bằng sông Hồng không thể không kể đến đó là thủ đô Hà Nội.
Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, ở hai bên bờ sông Hồng. Phía Bắc giáp với tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp với tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên, còn phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc.
Hà Nội là thủ đô nhiều tuổi nhất trong khu vực Đông Nam Á, là thủ đô ngàn năm tuổi, kể từ năm 1010 khi vị vua triều Lý là Lý Công Uẩn đã quyết định dời đô từ kinh đô Hoa Lư về thành Đại La (tên đầu tiên của Hà Nội). Trong một chuyến du hành ra Bắc, lúc thuyền đi đến khúc sông ở sát chân thành, bỗng nhà vua thấy có con rồng bay vụt lên trời, cho là điềm lành nên mới đổi tên Đại La thành Thăng Long. Thăng Long là Thủ đô nước ta từ 1010 đến 1804. Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội với ý nghĩa là vùng đất ở trong sông từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng.
Hà Nội là nơi có hệ thống các địa danh văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh nhiều bậc nhất nước ta. Đầu tiên phải kể đến đó là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Bác nằm giữa quảng trường Ba Đình lộng gió, được làm bằng đá hoa cương xám, mang hình dáng một bông sen cách điệu, in bóng sừng sững lên nền trời mùa thu xanh biếc. Đây là nơi vị cha già, vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Việt Nam yên giấc ngàn thu. Tại đây, mọi người có thể vào lăng thăm viếng và tỏ lòng thành kính với người. Cùng trong khuôn viên của Lăng Bác còn có bảo tàng Hồ Chí Minh, có nhà sàn của Hồ Chí Minh và chùa Một Cột. Ngôi chùa được xem như là một biểu tượng của Hà Nội, với kiểu kiến trúc độc đáo – ngôi chùa hình vuông, mái cong, dựng trên cột đá hình trụ, trên một hồ nước phủ đầy sen. Nếu du khách là một người hiếu học hãy đến thăm trường đại học đầu tiên của Việt Nam: Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Văn Miếu không chỉ là một di tích lịch sử, văn hóa cổ mà còn là nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện đậm đà bản sắc của người dân Thủ đô. Bên trong còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: chuông Bích Ung đại chung, tượng Khổng Tử, 82 tấm bia, mỗi tấm bia đặt trên lưng rùa, ghi tên những người đỗ Tiến sĩ,… được UNESCO đã chính thức công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 9 tháng 3 năm 2010. Nếu bạn là người thích cảnh đẹp, thích chụp ảnh hãy dạo bước đến Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm,…. Nếu Hồ Tây được xem là mặt gương của Hà Nội, có diện tích rộng hơn 500 ha với bề dày lịch sử mấy nghìn năm thì Hồ Hoàn Kiếm là lẵng hoa giữa lòng thành phố, được bao quanh bởi ba con đường Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay dài khoảng 1,8 km. Mặt nước hồ trong xanh soi bóng những hàng cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha, những mái chùa, đền, tháp rêu phong, cổ kính và cả những tòa nhà mới cao tầng. Ấn tượng nhất đối với du khách khi đến thăm Hà Nội là khu phố cổ Hà Nội – nơi cất giấu thời gian, còn được gọi là khu 36 phố phường, đây xưa là các phường hội thủ công, mỗi phố mang tên các mặt hàng được sản xuất hoặc bày bán ở đó: phố Hàng Bông, phố Hàng Gai, phố Lò Rèn, phố Hàng Đường,… Bên trong khu phố còn lưu giữ các ngôi nhà truyền thống, các công trình văn hóa, lịch sử còn giữ được kiểu kiến trúc của dân tộc Việt Nam và cả kiến trúc của người Pháp ở thế kỷ 19. Qua bao nhiêu thử thách của thời gian, thăng trầm lịch sử, phố cổ Hà nội vẫn đứng sừng sững giữa đất trời xứng đáng tượng trưng cho cốt cách linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, một di sản kiến trúc quý báu mang đậm bản sắc truyền thống văn hoá của dân tộc. Ngoài ra, thủ đô Hà Nội còn rất nhiều danh lam thắng cảnh khác như hồ Trúc Bạch, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Vũ, đường Thanh Niên, làng hoa Nhật Tân, Hữu Tiệp, Ngọc Hà, Nghi Tàm, đền thờ Hai Bà Trưng, đền Chèm, cụm di tích đền thờ Phù.Đổng Thiên vương, đền thờ Đức Thánh Trần, đền thờ vua Lê, vườn bách thú Thủ Lệ, công viên Lê-nin, công viên nước Hồ Tây, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, cầu Thăng Long, làng gốm Bát Tràng… tất cả đều hấp dẫn đối với du khách.
Đến với thủ đô Hà Nội ta không chỉ thưởng ngắm những danh lam thắng cảnh đẹp, trân trọng về nền văn hiến của thành phố ngàn năm tuổi mà còn có dịp để thưởng thức và biết thêm một nền văn hóa ẩm thực vào loại độc nhất Việt Nam. Ẩm thực Hà Nội đã đi vào ca dao tục ngữ, đó là những món ăn phổ biến trong mâm cơm gia đình (canh rau muống, cà dầm tương) đến những món ăn đặc sản như chả cá Lã Vọng, cốm Làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả, phở bò,…
Nhiều người đến Hà Nội, dù chỉ thoáng qua hay ở lâu đều không thể quên được nét đẹp dịu dàng, trầm lắng, nét văn hoá khôi nguyên, hiền hoà của nó. Góp phần thêm cho những lưu luyến ấy là con người Hà Nội. Con người ở đây không những nổi tiếng về sự thanh lịch, trang nhã trong đời sống mà còn kiên cường, hiên ngang can đảm trong chiến tranh. Không những thế , người Hà Nội luôn thân thiện, đầy tình người, mọi người ai nấy cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn tận tình về đường xá, xe cộ, nơi ăn chốn ở khi bạn là kẻ lữ khách phương xa.
Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế quan trọng nhất của nước ta. Trải qua mấy ngàn năm hình thành, tồn tại và phát triển, thủ đô Hà Nội không những trở thành trái tim của đất nước, là niềm tự hào lớn lao của con người Việt Nam mà còn là một bài thơ với nét chính là trầm mặc, cổ kính điểm xuyết thêm một vài nét lung linh hiện đại của nền văn minh thế kỷ hai mươi mốt.