Hồ Xuân Hương được các nhà thơ hiện đại ví là Bà chúa thơ Nôm. Hầu hết các tác phẩm của bà đều theo dòng chảy chung thoát khỏi các quan niệm sáng tác cố hữu để bộc lộ được tiếng nói của mình thời bấy giờ. Trong bài viết này, VerbaLearn sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết cách thuyết minh về Hồ Xuân Hương thông qua phần dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn 9 hiện tại.
Dàn ý thuyết minh về Hồ Xuân Hương
Mở bài
– Giới thiệu Hồ Xuân Hương
– Gợi ý: Dựa vào một câu nói hay một đặc điểm đặc biệt nào đó của nữ thi sĩ hoặc dùng biện pháp câu hỏi tu từ để thu hút sự chú ý của người đọc.
Thân bài
1. Những nét chính về tiểu sử của nhà thơ Hồ Xuân Hương:
– Hồ Xuân Hương chưa rõ năm sinh, năm mất.
– Theo các tài liệu lưu truyền quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long.
– Cuộc đời Hồ Xuân Hương lận đận, nhiều nỗi éo le, ngang trái: hai lần lấy chồng nhưng đề là lẽ, để đến cuối cùng vẫn sống một mình, cô độc.
– Hồ Xuân Hương xinh đẹp, thông minh đi nhiều nơi, giao thiệp rộng.
2. Sự nghiệp văn học
Tác phẩm chính:
– Theo giới nghiên cứu hiện có khoảng trên dưới 40 bài thơ chữ Nôm (được in trong Xuân Hương thi tập) tương truyền là của Hồ Xuân Hương.
– Nữ sĩ còn có tập thơ Lưu hương ký được viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm.
3. Nội dung và nghệ thuật
– Hồ Xuân Hương là hiện tượng rất độc đáo: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng.
– Nổi bật trong sáng tác thơ của Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ
– Phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo và những nét văn hóa dân gian thú vị cùng với ngôn từ đầy hình tượng giúp cho thơ bà như có nhạc và họa.
Kết bài
– Khái quát về Hồ Xuân Hương và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Thuyết minh về Hồ Xuân Hương – Mẫu 1
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu khi bàn về thơ của một nữ thi sĩ thời phong kiến, ông viết:
“Thứ thơ ấy không chịu ở trong khuôn khổ thông thường mà là một thứ thơ muốn lặn sâu vào sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư. Những thứ kín thẳm ấy không phải lạc lõng, cô đơn, cá nhân, chủ nghĩa mà trái lại đã được hàng vạn người đồng tình cảm.”
Bạn có nghe như nhà thơ Xuân Diệu đang nói về một nữ thi sĩ nào đó của ngày nay không? Nữ thi sĩ nào thời phong kiến mà có tâm hồn, khát vọng “muốn lặn sâu vào sự vật, vào những thứ đáy rất kín thẳm của tâm tư”? Đó chính là nhà thơ nữ – Bà Chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 và mất năm 1822, là một nhà thơ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, tuy nhiên gia thế và cuộc đời Hồ Xuân Hương đến nay vẫn còn nhiều điều nghi vấn. Đến bây giờ các học giả, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi về năm sinh, năm mất của bà, chỉ biết được bà sống trong một thời kỳ với đầy những biến động của xã hội – thời kỳ mà đã sản sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn lớn của Việt Nam như Nguyễn Du, Phạm Đình Hổ, Phạm Thái, … Theo một số tài liệu lưu truyền thì Hồ Xuân Hương là con của Hồ Phi Diễn, quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhưng lớn lên sống chủ yếu ở kinh thành Thăng Long – chốn phồn hoa lúc bấy giờ. Mặc dù bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến thời bấy giờ, bà vẫn là một người phụ nữ thông minh, có học và giao du rộng rãi với các nhà văn, nhà thơ thời đó. Dù là một phụ nữ xinh đẹp, tài hoa nhưng đường tình duyên của bà gặp nhiều lận đận, éo le và bất hạnh, hai lần lấy chồng nhưng cả hai lần đều làm lẽ và đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. Qua thơ của bà, ta có thể thấy bà tiếp xúc nhiều với nhân dân lao động nghèo và đặc biệt là những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.
Hồ Xuân Hương chủ yếu sáng tác thơ đến nay được lưu truyền là những bài thơ Nôm với khoảng trên dưới bốn mươi bài sau này được in trong tập thơ “Xuân Hương thi tập”. Ngoài ra bà còn có tập “Lưu hương ký” nổi tiếng với nhiều bài thơ được viết bằng chữ Nôm và chữ Hán.
Thơ Hồ Xuân Hương trước hết là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ, không phải là người phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần mà là người phụ nữ bình thường có nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Khác hẳn những nhà thơ thời đó, hoăc cả trước đó cũng lên tiếng bênh vực người phụ nữ như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, thơ của bà chân thực hơn, nó nói lên nhiều bi kịch trong cuộc đời, nỗi đau đớn của số phận người phụ nữ cùng cảnh ngộ làm lẽ như bà, đồng thời bà cũng lên án chế độ đa thê của xã hội phong kiến.
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn mướn không công.
Nỗi này ví biết dường này nhỉ,
Thời trước thôi đành ở vậy xong.”
(Lấy chồng chung)
Khi nói đến thơ Hồ Xuân Hương người ta chỉ nghĩ đến tiếng cười phá phách, lời thơ trào phúng mà sâu cay, nhưng thật ra trong lòng bà chứa chan những niềm đau, khối tình với những tâm sự thế thái nhân tình làm rung động lòng người:
“Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn!
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.”
(Tự tình 2)
Không chỉ có giá trị sâu sắc về mặt nội dung, các bài thơ của Hồ Xuân Hương còn cho thấy phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo và những nét văn hóa dân gian thú vị cùng với ngôn từ đầy hình tượng giúp cho thơ bà như có nhạc và họa. Các bài thơ của bà thường được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt hoặc thất ngôn bát cú với ngôn ngữ mộc mạc và giản dị và đôi khi phá cách.
“Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương rơi
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo.”
(Đèo Ba Dội)
Hồ Xuân Hương là một nhà thơ lớn trong văn học trung đại Việt Nam. Sự sáng tạo trong phong cách thơ ca đã giúp Hồ Xuân Hương được nhà thơ Xuân Diệu tôn vinh bà là Bà chúa thơ Nôm. Những bài thơ của bà có những đóng góp rất lớn trong việc làm giàu thêm tiếng Việt, đóng góp cho sự phong phú của nền thơ ca dân tộc với những cái hay cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ và nội dung giàu tính nhân đạo, góp phần tạo ra một Hồ Xuân Hương tài năng, độc đáo và duy nhất.