Bác Hồ chúng ta là nhà cách mạng và chính khách người Việt Nam. Ngoài các hoạt động chính trị, Bác còn là nhà văn, nhà thơ và nhà báo với một kho tàng đồ sộ các tác phẩm. Bài viết này, VerbaLearn sẽ giới thiệu đến bạn đọc phần dàn ý và một số bài văn mẫu cho đề bài thuyết minh về Bác Hồ thuộc chương trình ngữ văn 8.
Dàn ý thuyết minh về Bác Hồ
Mở bài
– Giới thiệu chung về Hồ Chủ tịch
– Dựa vào một đặc điểm của Bác Hồ hoặc ảnh hưởng của Bác đối với bản thân mình để thu hút sự chú ý của người đọc.
Thân bài
1. Những nét chính về tiểu sử của Bác Hồ:
– Bác Hồ, tên thật là Nguyễn Sinh Cung sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969.
– Năm 1910: Bác Hồ đến Phan Thiết để dạy học tại trường Dục Thanh.
– Năm 1911: Bác đã rời Tổ quốc đi ra nước ngoài để tìm con đường cứu nước.
– Từ năm 1912 đến năm l917: Bác Hồ đã đặt chân ở nhiều nước từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ đến châu Phi
– Năm 1917: thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác – Lênin.
– Năm 1919: Bác thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam.
– Năm 1920: Bác gia nhập Đảng xã hội Pháp, tại đây Bác đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
– Mùa xuân năm 1930: Bác Hồ chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức đảng, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
– Tháng 5 năm 1941, Bác triệu tập Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.
– Tháng 8 năm 1942: bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây.
– Tháng 9 năm 1943: Người được trả tự do.
– Năm 1944: thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
– Tháng 8 năm 1945, Bác đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
– Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập”
– Năm 1954: Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi to lớn, kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
– Từ năm 1954 đến năm 1969: Bác Hồ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Sự nghiệp sáng tác văn học
– Văn chính luận.
– Truyện và ký
– Thơ
3. Bác Hồ – tấm gương sáng ngời về đạo đức:
– Lòng nhân ái
– Phẩm chất thanh cao, giản dị, đức khiêm tốn của Bác có sức thuyết phục rất lớn.
– Tư tưởng lấy dân làm gốc và tư tưởng đại đoàn kết
Kết bài
– Chúng ta tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết tinh tinh hoa truyền thống bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Thuyết minh về Bác Hồ – Mẫu 1
Bạn có biết thần tượng của tôi là ai không? Người mà tôi luôn tôn kính và ngưỡng mộ, luôn đem cho tôi một niềm tin chiến thắng mỗi khi tôi gục ngã, luôn giúp tôi trở về với bản ngã hướng thiện mỗi khi tôi mắc sai lầm. Đó là Bác Hồ của chúng ta.
Bác Hồ, tên thật là Nguyễn Sinh Cung sau này còn có tên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc và nhiều bí danh, bút danh khác, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mất ngày 2 tháng 9 năm 1969. Người sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của Người đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân như khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật, khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng, khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám …nên sớm có lòng yêu nước, nhiệt huyết cách mạng. Thuở nhỏ, Bác Hồ học tập ở quê nội ở Nghệ An và sau đó theo cha vào Huế và học tập ở đó. Đầu năm 1910, Bác Hồ đến Phan Thiết để dạy học tại trường Dục Thanh của Hội Liên Thành. Trong thời gian này, Bác Hồ thường gặp gỡ một số nhà nho yêu nước đương thời, luôn suy nghĩ về cách đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Bác Hồ tuy khâm phục Đề Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào cả. Bác thấy rõ là cần quyết định con đường đi của riêng mình, với suy nghĩ muốn đánh thắng giặc Pháp thì phải hiểu rõ Pháp. Năm 1911 Bác đã rời Tổ quốc đi ra nước ngoài để tìm con đường cứu nước. Từ năm 1912 đến năm l917, Bác Hồ đã đặt chân ở nhiều nước từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ đến châu Phi – sống cùng với nhân dân lao động khắp nơi trên thế giới. Bác thông cảm sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động ở các nước tư bản cũng như ở các nước thuộc địa. Bác sớm nhận thức được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam có mối quan hệ khăng khít với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Bác Hồ đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đây, Bác đã nhận rõ con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc đó là cách mạng vô sản. Năm 1919, Bác thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Versailles bản yêu sách đòi quyền độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam. Năm 1920 Bác gia nhập Đảng xã hội Pháp, tại đây Bác đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Trong thời gian này, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Bác vẫn quan tâm đến phong trào cách mạng trong nước. Mùa xuân năm 1930, Bác Hồ chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức đảng, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Sau 30 năm ở nước ngoài thì Bác đã trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng của dân tộc. Tháng 5 năm 1941, Bác triệu tập Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Tháng 8 năm 1942, Bác Hồ đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam, sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Tháng 9 năm 1943, Người được trả tự do. Năm 1944, Bác trở về căn cứ Cao Bằng, chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam bây giờ. Tháng 8 năm 1945, Bác đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nhưng sau đó thực dân Pháp gây chiến tranh, âm mưu xâm chiếm Việt Nam một lần nữa. Trước nạn ngoại xâm Bác Hồ kêu gọi cả nước đứng lên bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi to lớn, kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau hai năm sẽ tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, nhảy vào tổ chức, chỉ huy ngụy quyền, ngụy quân tay sai, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta. Cả dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu chống xâm lược mới. Trước bối cảnh đó, Bác Hồ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bác Hồ được biết đến không chỉ bằng những công lao to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn được biết đến trong lĩnh vực văn học. Sự nghiệp sáng tác văn học của Bác in đậm dấu ấn ở 3 thể loại: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca. Về văn chính luận, Bác dùng lối tư duy sắc sảo, giàu trí tuệ, súc tích, cùng với lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục và đa dạng về bút pháp. Hầu hết các tác phẩm chính luận này đều nhằm phục vụ mục đích chính trị, thể hiện những nhiệm vụ cách mạng qua những chặng đường lịch sử, tiêu biểu có thể kể đến: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1921-1925), “Tuyên ngôn độc lập” (1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946), “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (1966), “Bản Di chúc” (1965-1969). Về truyện và kí, các tác phẩm của Bác đem lại cho người đọc những rung cảm sâu xa và nhận thức lớn lao với một tinh thần nhân đạo chủ nghĩa đồng thời không quên vạch trần bộ mặt tàn ác, xảo trá, bịp bợm của chính quyền thực dân, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tự hào dân tộc như: “Lời than vãn của bà Trưng Trắc”, “Chuyện con rùa”, “Những con người biết mùi hun khói”, “Vi hành”, “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu”, “Giấc ngủ 10 năm”… Ngoài văn chính luận và truyện, kí, Bác còn để lại một di sản thơ ca phong phú. Thơ của Bác không thật nhiều nhưng rất cô đọng và súc tích. Từng câu từng chữ đều thể hiện sự kiên định, niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dù lúc ấy Bác đang trong cảnh ngục tù hay đang sống giữa muôn vàn gian khổ, tiêu biểu có thể kể đến “Nhật ký trong tù”, “Tức cảnh Pác Bó”, “Cảnh khuya”, “Đi thuyền trên sông Đáy”, “Lên núi”, “Rằm tháng giêng”, “Báo tiệp”, …
Không chỉ tài năng, dũng cảm, với những tư tưởng và tầm nhìn vĩ đại, Bác Hồ còn là tấm gương đạo đức về nhiều mặt cho lớp lớp người noi theo. Bác để lại ấn tượng trong lòng quân dân ta và bạn bè quốc tế bởi lòng nhân ái cao cả, sự thanh bạch, liêm khiết và giản dị. Lòng nhân ái của Bác Hồ thể hiện qua việc cả một đời phấn đấu, hi sinh để mưu cầu độc lập tự do cho dân, cho nước. Bác luôn gần gũi với nhân dân, đi sâu vào cuộc sống dân tình để thấu hiểu lòng dân; yêu quý và chăm lo cho đời sống mọi người, các cháu thiếu nhi. Tư tưởng lấy dân làm gốc và tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ không chỉ có giá trị trong thời chiến, mà còn có giá trị cho đến tận hôm nay khi chúng ta đang nỗ lực không ngừng để chiến thắng dịch bệnh.
Có thể thấy, cả cuộc đời của Hồ Chủ tịch đều dành trọn cho Tổ quốc, cho nhân dân Việt Nam, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho độc lập, tự do của các dân tộc, cho hòa bình và công lý trên thế giới. Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Bác là kết tinh tinh hoa của bốn ngàn năm lịch sử của con cháu Lạc Hồng và nền văn minh của thế giới thời đó.