Nam Cao là nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sỹ, liệt sỹ người Việt Nam. Ông là một trong những là yêu nước lớn trước Cách mạng tháng Tám và là một trong những nhà văn tiêu biểu của thế kỷ 20. Ở bài viết này, VerbaLearn sẽ giúp bạn đọc thuyết minh về tác giả Nam cao thông qua dàn ý và một số bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn 8.
Dàn ý thuyết minh về Nam Cao
Mở bài
– Giới thiệu Nam Cao
– Dựa vào một câu nói hay một đặc điểm đặc biệt nào đó của ông hoặc dùng biện pháp câu hỏi tu từ để thu hút sự chú ý của người đọc.
Thân bài
1. Những nét chính về tiểu sử của nhà văn Nam Cao
– Nam Cao sinh năm 1915, tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Thuở nhỏ, Nam Cao sống và học tập ở làng và thành phố Nam Định.
– Năm 1936: ông vào Sài Gòn làm thư ký cho một hiệu may và viết văn.
– Năm 1938: ông trở ra Bắc, dạy học tư ở Hà Nội và viết báo.
– Năm 1941: ông dạy học tư ở Thái Bình.
– Năm 1942: ông trở về quê, tiếp tục viết văn.
– Năm 1943: Nam Cao gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức này.
– Năm 1945: Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã.
– Năm 1946: Nam Cao ra Hà Nội, hoạt động trong Hội Văn hoá cứu quốc . Tiếp đó, ông tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên. Sau đó, ông lại trở về nhận công tác ở Ti Văn hoá Nam Hà, làm báo cho các tờ Giữ nước và Cờ chiến thắng của tỉnh này.
– Năm 1947: ông lên Việt Bắc, làm phóng viên báo Cứu quốc và là thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc.
– Năm 1948: Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam tại chiến khu.
– Năm 1950: ông chuyển sang công tác ở tạp chí Văn nghệ (thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam) và là Uỷ viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương.
– Năm 1951: bị địch phục kích và hi sinh.
2. Sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nam Cao:
Các đề tài và tác phẩm tiêu biểu
– Trước Cách mạng tháng 8/1945: Chí Phèo, Trăng sáng, Lão Hạc, Đời thừa, Sống mòn…
– Sau Cách mạng tháng 8/1945: Đôi mắt, tập nhật kí Ở rừng, Đợi chờ, Trên những con đường Việt Bắc…
Quan điểm sáng tác
– Nghệ thuật vị nhân sinh
Phong cách nghệ thuật
– Trong các tác phẩm của ông: miêu tả tâm lý, tư tưởng con người
– Đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hoạt động bên ngoài.
Kết bài
– Khái quát về nhà văn Nam Cao và nêu cảm nghĩ của bản thân.
Thuyết minh về Nam Cao – Mẫu 1
Bạn có biết nhà văn nào trước đây mà có một câu nói của một nhân vật trong một tác phẩm của ông đã trở thành câu nói gây bão mạng trong thời gian gần đây không? Đó là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc Nam Cao với câu nói của Lão Hạc trích trong tác phẩm cùng tên của ông: “Toang rồi, ông giáo ạ”.
Nam Cao sinh năm 1915, tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. Khi còn nhỏ, Nam Cao sống và học tập ở làng và thành phố Nam Định. Từ năm 1936, ông vào Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết văn in trên các báo: Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu…với các truyện ngắn như: Cảnh cuối cùng, Hai cái xác, Nghèo, Đui mù, … Năm 1938, ông trở ra Bắc, dạy học tư ở Hà Nội và viết báo. Năm 1941, phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam, trường học mà ông đang dạy bị trưng dụng nên ông phải về dạy học tư ở Thái Bình. Cũng trong năm này, truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi (sau này được ông đổi tên là Chí Phèo) do nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Năm 1942, ông trở về quê, tiếp tục viết văn. Trong thời kỳ này, ông viết nhiều tác phẩm, ngoài một số truyện ngắn, ông còn in truyện dài nhiều kỳ như Truyện người hàng xóm, tiểu thuyết Chết mòn (sau đổi là Sống mòn)… trên tờ Trung Bắc Chủ nhật. Năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức này. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã. Năm 1946, Nam Cao ra Hà Nội, hoạt động trong Hội Văn hoá cứu quốc và là thư kí toà soạn tạp chí Tiên phong của Hội. Tiếp đó, ông tham gia đoàn quân Nam tiến với tư cách phóng viên. Trong thời gian này, Nam Cao viết một số truyện ngắn như truyện ngắn Nỗi truân chuyên của khách má hồng in trên tạp chí Tiên Phong, in tập truyện ngắn Cười ở Nhà xuất bản Minh Đức,…. Sau đó, ông lại trở về nhận công tác ở Ti Văn hoá Nam Hà, làm báo cho các tờ Giữ nước và Cờ chiến thắng của tỉnh này. Năm 1947, ông lên Việt Bắc, làm phóng viên báo Cứu quốc và là thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc, viết Nhật ký ở rừng. Nam Cao gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam tại chiến khu vào năm 1948. Nãm 1950, ông chuyển sang công tác ở tạp chí Văn nghệ (thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam) và là Uỷ viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Trong năm đó, ông tham gia chiến dịch Biên giới. Năm 1951, với ý định kết hợp lấy thêm tài liệu cho cuốn tiểu thuyết sắp hoàn thành, ông tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp ở khu III, bị địch phục kích và hi sinh.
Sự nghiệp sáng tác của Nam Cao có thể được chia làm hai giai đoạn: trước Cách mạng và sau Cách mạng. Một số tác phẩm trước cách mạng như Chí Phèo, Trăng sáng, Lão Hạc, Đời thừa, Sống mòn. Một số tác phẩm sau Cách mạng như truyện ngắn Đôi mắt, tập nhật kí Ở rừng, Đợi chờ, Trên những con đường Việt Bắc… Trong số đó nổi bật là truyện ngắn Lão Hạc, một trong những truyện ngắn viết về người nông dân của Nam Cao, đăng báo lần đầu năm 1943, được đánh giá là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán.
Về mặt nội dung, các tác phẩm của Nam Cao vừa chân thật vừa triết lý, có một ý nghĩa khái quát sâu xa. Ngòi bút của ông vừa sắc lạnh, gân guốc lại vừa thắm thiết trữ tình. Điểm đặc biệt của Nam Cao là việc miêu tả tâm lý con người, nhất là khi đi vào những diễn biến tâm lý tinh tế, phức tạp. Hai đề tài chính trong những sáng tác của ông trước cách mạng là: Cuộc sống của những người tiểu tư sản trí thức nghèo và cuộc sống của người nông dân. Dù viết về đề tài nào thì điều quan tâm trước tiên của ông là việc phê phán cái xã hội phi nhân đạo thời đó đã bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người và tình trạng người lao động bị tha hóa biến chất vì bát cơm manh áo. Sau Cách mạng tháng Tám, mặc dù bận rộn với các công tác cách mạng và kháng chiến, nhưng ông cũng tranh thủ thời gian viết văn. Điểm chung của các tác phẩm trong thời gian này là sự phê phán lối sống trưởng giả, nhởn nhơ và “đôi mắt” khinh thường đối với quần chúng và sự quyết tâm từ bỏ con người cũ, lối sống cũ, quyết tâm trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.
Quan niệm nghệ thuật của Nam Cao là: “Nghệ thuật vị nhân sinh” , ông phê phán quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Chủ nghĩa nhân đạo là cái gốc, nền tảng vững chắc của chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao. Ông đã từng khẳng định: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả đời người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn”. (trích trong Đời thừa – Nam Cao).
Về phong cách nghệ thuật, Nam Cao đề cao miêu tả tâm lý, tư tưởng con người, đặc biệt chú ý tới hoạt động bên trong của con người, coi đó là nguyên nhân của những hoạt động bên ngoài – một phong cách rất độc đáo của Nam Cao. Ông quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá “con người trong con người”. Ngòi bút của ông hướng tới việc miêu tả tâm lí nhân vật – trở thành trung tâm của sự chú ý, là đối tượng trực tiếp, tỏ ra có biệt tài trong khi miêu tả những trạng thái tâm lý phức tạp, những hiện tượng lưỡng tính dở say, dở tỉnh, dở khóc, dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện với ác… Ông đã khắc phục được tính phiến diện, đơn giản trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, nhờ đó mà tâm lý con người trong các tác phẩm của ông được thể hiện một cách phong phú đa dạng với nhiều sắc thái tinh vi.
Có thể nói, về nhiều mặt, các tác phẩm của Nam Cao đóng góp một phần quan trọng cho sự phát triển mới của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, để lại trong lòng độc giả yêu văn học hiện thực những ấn tượng vô cùng sâu sắc và vẫn sẽ còn sống mãi với thời gian. Ghi nhận những đóng góp của Nam Cao đối với nền văn học nước nhà, Nhà nước đã tặng thưởng ông giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật vào năm 1996.