Tác phẩm Người trong bao là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Anton Chekhov được sáng tác năm 1898. Qua tác phẩm, nhà văn nổi tiếng người Nga này đã phê phán lối sống hèn nhát, bạc nhược, bảo thủ và ích kỉ của một bộ phận tri thức người Nga cuối thế kỉ XIX. Thông điệp mà tác phẩm muốn nhắn nhủ đến mọi người chính là “không thể sống mãi như thế được”. Bài viết sau đây, VerbaLearn sẽ giúp độc giả phân tích chi tiết tác phẩm Người trong bao thông qua dàn ý và các bài văn mẫu chọn lọc theo chương trình ngữ văn 11.
Dàn ý bài văn phân tích người trong bao
Mở bài
– Giới thiệu về tác phẩm Người trong bao và tác giả Sê khốp.
Thân bài
1. Khái quát
– Vai trò, vị trí, sự nghiệp của nhà văn.
– Nguồn gốc xuất xứ, bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm.
2. Ngoại hình, chân dung của nhân vật chính
– Nghề nghiệp: Là giáo viên dạy tiếng Hy Lạp của một tỉnh lẻ, có lối sống đơn độc thu mình như những con ốc, con sên.
– Trang phục kì dị: Đi giày cao su, mặc áo bành tô lót bông cổ cao, luôn mang theo bao để đựng các đồ dùng khác, đeo kính râm, nhét bông tai.
– Cách sinh hoạt:Giấu mặt, đi xe ngựa kéo mui kín mít, lúc ngủ luôn chùm chăn lại,…
– Ý nghĩ, nhận thức: Luôn làm theo những thông tư, chỉ thị, sợ cấp trên, ca ngợi quá khứ và những gì đã qua, trốn tránh hiện thực, lo sợ tất cả mọi thứ trên đời.
– Sống ích kỷ cá nhân, áp đặt lên người khác, cổ hủ, giáo điều.
3. Ảnh hưởng của lối sống trong bao
– Làm mọi người sợ hãi, xa lánh, đầu độc trường học, những người dân cư trong thành phố suốt thời gian dài.
– Bị những người xung quanh trêu chọc, phản đối, đồng nghiệp cô lập.
– Bị cười nhạo, chê bai khi bị ngã, không phát triển được bản thân và chuyện tình duyên.
– Cuối cùng nhân vật Bê-li-cốp với lối sống rập khuôn, máy móc, hèn nhát ấy đã phải trải qua một cuộc sống vô vị, nhàm chán, không tương lai và phải nhận lấy một kết cục buồn thảm.
– Tác động xấu đến toàn xã hội Nga.
4. Nguyên nhân
– Do sống dưới chế độ Nga hoàng bảo thủ lạc hậu với những luật lệ khắc nghiệt làm cho con người tự ép buộc bản thân vào kiểu sống trong bao tù túng bó buộc.
– Sự hèn kém, yếu đuối, chưa có nhận thức đúng đắn về những cách sống đúng nghĩa của một số bộ phận
5. Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật, nội dung:
– Rút ra những bài học, thông điệp ý nghĩa của tác phẩm “không thể sống mãi như thế được, phải thay đổi”.
Kết bài
– Nêu bài học nhận thức và hành động.
– Liên hệ bản thân.
– Suy nghĩ về giá trị mà tác phẩm Người trong bao đã mang lại.
Văn mẫu phân tích tác phẩm Người trong bao – Mẫu 1
Mỗi người trong chúng ta tựa như một chiếc lá trên thân cây cuộc đời. Đứng trước những phong ba bão táp, hẳn là ai cũng sẽ có những cách đi riêng cho mình. Khi sống trong một xã hội suy tàn hỗn loạn, với những biến động dữ dội của thời đại, có những người đã lựa chọn đến những kiểu sống kỳ lạ, khác thường. Trong đó có một kiểu người sống trong bao cũng giống như nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của tác giả Sê-khốp. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem lối sống này nhé!
Tác giả Sê-khốp là một nhà văn kiệt xuất của nước Nga. Ông đã để lại hơn 500 truyện ngắn và các vở kịch đặc sắc mang đến nhiều giá trị to lớn. Tiêu biểu phải kể đến là tác phẩm “Người trong bao”, tập trung khắc họa về hình tượng một kiểu người luôn sống khép nép trong những loại vỏ bọc do mình tự tạo ra để tách biệt khỏi xã hội, do sợ cuộc sống bên ngoài.Tác phẩm được việt vào 1898, trong lúc bối cảnh nước Nga hiện lên là một đất nước ngột ngạt, tù túng dưới sự thống trị của chế độ chuyên chế bảo thủ Nga hoàng. Qua đó, nhà văn cũng đã phản ánh một cách chân thực hiện thực sống của con người và toàn cảnh xã hội Nga lúc bấy giờ.
Nhân vật chính trong truyện là Bê-li-cốp, là một giáo viên dạy về tiếng Hy Lạp có lối sống riêng rất đặc biệt “sống đơn độc như những con ốc, con sên cố thu mình vào vỏ bọc”. Vậy anh ta đã sống kỳ lạ như thế nào? Lúc nào cũng vậy, dù là trời có mưa hay nắng, thời tiết đẹp hay xấu hắn đều chỉ khoác lên mình một bộ trang phục vô cùng kỳ cục và khó hiểu: Đi giày cao su, tay thì cầm ô, mặc áo bành tô ấm cốt bông, luôn theo bên hắn là cái bao được làm bằng da hươu để đựng các đồ vật khác như ô, đồng hồ quả quýt, có cả dao nhỏ dùng để gọt bút chì,…Có thể thấy những cái bào này đã trở thành “vật bất ly thân” không thể thiếu trong cuộc sống của người này, đến nỗi ngay cả bộ mặt của người dường như cũng muốn để cả vào trong bao. Bởi Bê-li-cốp luôn có thói quen “giấu mặt mình đằng sau chiếc cổ áo bành tô rộng bẻ đứng lên”. Chưa dừng lại ở đó, anh ta còn đeo thêm nào là kính râm, nhét bông vào tai, khi đi xe ngựa lúc nào cũng “cho kéo mũi xuống” kín mít. Đã thế, khi ngủ hắn luôn kéo chăn trùm đầu che kín hết bất chấp thời tiết,…Quả thật, là một con người khác thường dị hợm trong lối sống và lối suy nghĩ, hành động.
Không những thế, đến cả ý nghĩ, cảm nhận của bản thân, Bê-li-cốp cũng ra sức cố giấu vào bao. Hắn không muốn nói những điều mà mình suy nghĩ, hắn chỉ nói theo những thông tư, chỉ thị, theo những lời lẽ rao giảng, giáo điều, mang tính hàn lâm công thức. Sự khô khan cứng nhắc của chàng ta còn được tái hiện chân thật trong từng lời kể tỉ mỉ của cụ Bu-rơ-kin. Để trốn tránh thực tại, khi mà xã hội đương thời loạn lạc bế tắc, thay vì tìm cách khắc phục hay mạnh mẽ đối mặt thì Bê-li-cốp lại luôn ca ngợi những gì tốt đẹp thuộc về quá khứ, tôn sùng những cái đã quá mơ mộng muốn trở về thời thời gian trước kia. Đó là một lối sống không thực tế, không biết lo nghĩ cho tương lai sau này mà chỉ đắm chìm vào những năm tháng tươi đẹp đã trôi qua với thái độ nhút nhát, hèn kém. Có lẽ nhân vật này không muốn sống như những người bình thường khác, hắn chán ghét cuộc sống hiện tại, sợ hãi mọi thứ trên cuộc đời, lo lắng thái quá. Từ việc chọn dạy tiếng Hy Lạp, là một thứ ngôn ngữ cổ, một môn học an toàn, không có gì quá phức tạp “nhờ đó hắn có thể trốn tránh được cuộc sống thực”.
Có thể khái quát con người và tính cách của Bê-li-cốp bằng những từ ngữ như: Hèn nhát, cô độc, hướng nội, máy móc, cổ hủ, giáo điều, thu mình trong “bao”, trong “vỏ ốc” và cảm thấy yên tâm mãn nguyện vì điều đó. Hắn chỉ biết đến bản thân mình, một lối sống kỷ cá nhân không chỉ vậy hắn còn muốn áp đặt cho tất cả mọi người những suy nghĩ, cách sống cực đoan của mình. Hắn cho việc đến nhà các đồng nghiệp ngồi im cả tiếng đồng hồ không nói năng rằng rời đi là để “duy trì mối quan hệ tốt với bạn bè”. Cho thấy rằng đó cũng là một con người sợ hãi nỗi cô đơn, bị khác biệt hay cô lập nhưng lại chưa có nhận thức đúng đắn về một lối sống đúng nghĩa. Hắn đã chứng kiến đồng nghiệp tỏ ra không sợ cấp trên và sẵn sàng bảo vệ quan điểm ý kiến riêng của bản thân những Bê-li-cốp vẫn rất sợ ông hiệu trưởng và không dám làm trái ý ai. Mỗi khi có chuyện gì trái với khuôn phép, trái với lẽ thường đều làm hắn rầu rĩ mặc cho chuyện đó chẳng liên quan gì đến hắn. Vì những tính cách quái đản ấy của anh ta mà thường xuyên bị đồng nghiệp trêu chọc, phản đối thô bạo. Mọi người lúc nào cũng muốn xa lánh, “kẻ dị hợm” Bê-li-cốp bao năm đã thao túng cả thành phố nhỏ bé này, làm những người xung quanh đều đâm ra “sợ tất cả”. “Cái thằng cha quanh năm đi giày cao su và mang dù ấy” khống chế cả trường học. Lối sống của hắn đã làm ảnh hưởng, đầu độc, làm ô nhiễm cuộc sống chung, khiến người ta sợ sệt suốt 15 năm trời.
Vậy điều gì đã khiến một người nhà giáo, một người trí thức trở thành một kẻ có tính cách lạ lùng và có phần bệnh hoạn như thế? Có lẽ là do sống trong thời kỳ chế độ Nga hoàng lạc hậu thống trị, nặng nề với những giáo điều luật lệ khắc nghiệt, rập khuôn máy móc nên đã làm cho một con người bình thường phải ép bản thân đi vào lối sống khuôn phép, sáo rỗng, tù túng và bó buộc. Có thể thấy Bê-li-cốp vừa hèn kém nhưng cũng là một nạn nhân thật đáng tội nghiệp, vừa đáng giận nhưng cũng rất là đáng thương! Ấy vậy, mà hắn cũng tính đến chuyện kết hôn đại sự như bao người. Mọi người cũng ra sức gán ghép cho hắn với nàng Va-ren-ca xinh đẹp, họ thầm nghĩ rằng chuyện tình yêu tốt đẹp sẽ làm thay đổi cả con người hắn, cuộc đời hắn. Tuy nhiên, phản ứng của chàng trai này không được khả quan cho lắm. Bê-li-cốp vì chuyện đó mà đã suy nghĩ nhiều đến mức “gầy gò hẳn đi, mặt mày nhợt nhạt”, khiến một người hèn nhát yếu đuối bị động, sợ hãi đủ thứ trên đời như hắn lại càng “thu mình sâu hơn vào trong bao”, tình yêu vì thế mà cũng phai mờ đi và không có sự tiến triển hơn.
Cuộc đời của tên nhà giáo tỉnh lẻ này cũng thật là bi hài tất cả “chuyện cưới xin” mơ mộng đã bị chấm hết kể từ “tiếng cười phá lên” của nàng Ma-ren-ca khi thấy hắn bị xô ngã nơi cầu thang. Đối với một người luôn sống với giáo điều, đạo đức giả chuyên dạy đời áp đặt người khác như Bê-li-cốp thì chuyện này là sự đả kích, sự nhục nhã quá lớn đến nỗi không có cách nào có thể vượt qua. Kết cục là một tháng sau, hắn ta chết, vẻ mặt lúc nằm trong quan tài của hắn có vẻ “dễ chịu, hiền lành” và có phần “tươi tỉnh” vì hạnh phúc khi được vĩnh viễn chui vào cái bao của riêng mình, không còn phải đối diện với cuộc sống ảm đạm bên ngoài kia nữa. Cứ ngỡ sau đó cuộc sống trong thành phố sẽ thay đổi màu sắc mới, khoảnh khắc mới. Nhưng không, sự “nhẹ nhàng thoải mái” chẳng thể kéo dài được lâu, vẫn rất vô vị nhàm chán khuôn khổ “chẳng khác lúc trước là bao”. Vì những kẻ sống trong bao không chỉ có mình Bê-li-cốp thôi mà còn rất nhiều trong xã hội Nga khi đó và “trong tương lai sẽ còn bao người như thế nữa”. Thật là đáng buồn thay!
Bằng ngôn ngữ chân thực, giản dị, mộc mạc, giọng điệu châm biếm, sinh động đã xây dựng cốt truyện độc đáo, hấp dẫn bạn đọc,….Nhà văn Sê-khốp đã khá thành công trong việc khắc họa nên hình tượng nhân vật “người trong bao” Bê-li-cốp. Đọc truyện ta thấy được lối sống dung tục, tầm thường, máy móc, tiêu cực đã làm đầu độc người dân xung quanh, đẩy họ vào lối sống đau khổ, vô nghĩa, tù túng và còn để lại bao nhiêu là hậu quả nặng nề đến sự phát triển của nước Nga lúc bấy giờ. Qua đó, tác giả cũng bày tỏ “không thể sống mãi như thế được”, ra sức khuyên nhủ kêu gọi mọi người cần phải thay đổi suy nghĩ, nâng cao nhận thức và tránh xa lối sống cực đoan này. Cần biết nhìn vào thực tế, sống lạc quan tin tưởng yêu đời, không nên hèn nhát yếu đuối hay tìm cách trốn tránh hiện thực bằng cách tự tạo ra những cái vỏ bọc cho mình.
Đã khi nào bạn trăn trở về lối sống của chính bản thân mình? Bạn đang sống hay tồn tại? Cuộc sống ở thời đại nào đi nữa cũng là một bức tranh đẹp muôn màu muôn vẻ, được tạo nên từ những mảnh ghép đặc sắc riêng. Vì thế hãy biết sống đúng nghĩa để không phải hối tiếc về sau và cũng đừng sống như nhân vật Bê-li-cốp trong tác phẩm “người trong bao” của tác giả Sê-khốp. Cuộc sống tươi đẹp hay vô vị là do mỗi người quyết định.