Tổng hợp văn mẫu và dàn ý cho đề bài phân tích tác phẩm Lưu Biệt Khi Xuất Dương, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn ý phân tích Lưu Biệt Khi Xuất Dương
Mở bài
+) Giới thiệu đôi nét về tác giả Phan Bội Châu.
+) Giới thiệu chung về tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương.
Thân bài
1. Khái quát
+) Cuộc đời, sự nghiệp, vị trí những đóng góp quan trọng của tác giả.
+) Bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, hoàn cảnh ra đời, nguồn gốc của tác phẩm.
2. Hai câu thơ đầu
+) Quan niệm mới mẻ về chí làm trai của Phan Bội Châu.
+) Làm trai phải lạ: Phải có những lí tưởng, khát khao sống cao đẹp, dám làm nên những việc phi thường hiển hách.
+) Không để trời đất, số mệnh xoay chuyển: Phải giành lấy thế chủ động, tự tin táo bạo làm chủ cuộc đời mình.
+) Tuyên ngôn mới lạ về chí làm trai của tác giả.g
3. Hai câu thơ thực
+) Khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc xã hội, đất nước.
+) “Trăm năm”: Kiên trì rèn luyện dù thời gian dài với nhiều biến động dữ dội “ vẫn cần có ta”.
+) Ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc đối với vận mệnh trăm năm của dân tộc.
+) Câu hỏi lo lắng hướng đến những thế hệ tiếp nối sau này. “Há không ai” và niềm tin mãnh liệt vào những thế hệ trẻ.
4. Hai câu luận
+) Tinh thần quyết liệt trước tình cảnh đau lòng của đất nước.
+) Nhận thức được nước nhà nhân dân sống trong đau khổ, lầm than bởi quân xâm lược “Sống thêm nhục”.
+) Biểu hiện sâu sắc của lòng yêu nước.
+) Thấy được nền học vấn bấy giờ lạc hậu lỗi thời, không còn phù hợp.
+) Khao khát hành động thay đổi, tiếp thu những tư tưởng mới mẻ.
5. Hai câu kết
+) Khát vọng hành động hết mình, tư thế hiên ngang bước lên đường.
+) Dựng lên bối cảnh ra đi hùng vĩ dữ dội làm nổi bật lên tư thế oai phong kiêu bạc của con người ra đi, sáng ngang tầm vũ trụ.
6. Nhận xét về nội dung, nghệ thuật tư tưởng.
Kết bài
+) Khẳng định lại tài năng của tác giả
+) Những giá trị, ý nghĩa to lớn của tác phẩm trong việc tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước.
Văn mẫu phân tích Lưu Biệt Khi Xuất Dương – Mẫu 1
Thơ “Dĩ ngôn chí” nghĩa là thơ để nói chí, tỏ lòng. Những tiếng thơ để nói về các chí lớn xưa nay thường gắn với những bậc hào kiệt, những đấng trượng phu. Lời thơ như lời tuyên ngôn của cuộc đời họ, có chí khí, lí tưởng sống cao đẹp. Lưu biệt khi xuất dương của tác giả Phan Bội Châu là một tác phẩm đặc sắc nói về ý chí làm trai mạnh mẽ, hào hùng.
Khi nhắc đến Phan Bội Châu chắc hẳn là ta sẽ nhớ đến ngay các tổ chức yêu nước như: Hội Duy Tân, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục Hội,…Tên tuổi của ông gắn liền với các phong trào vận động quốc gia dân tộc trong khoảng 25 năm đầu thế kỉ XX. Là một trong những nhà hoạt động cách mạng, nhà chính trị tiêu biểu của Việt Nam, sở hữu hàng trăm bài thơ, hàng chục cuốn sách, các bài văn tế, vở tuồng chan chứa nồng nàn tình yêu quê hương đất nước. “Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, là một nhân vật vĩ đại” (Tôn Quang Phiệt). Năm 1904, ông thành lập ra hội Duy Tân một tổ chức hoạt động chống Pháp theo xu hướng bạo động, có nhờ đến sự giúp đỡ của nước ngoài. Năm 1905, phát động phong trào Đông Du với tên gọi tổ chức là Duy Tân hội, nghĩa là đưa học sinh đi du học để nâng cao kiến thức học hỏi, xin viện trợ để đánh đuổi thực dân Pháp. Trước lúc lên đường Phan Bội Châu cùng một số thanh niên ưu tú khác lên tàu vượt biển sang Nhật Bản để học tập. Với bao hoài bão tung hoành, Phan Bội Châu đã để lại cho đồng chí, đồng đội ở lại với quê hương và cũng như người đi bài Lưu biệt khi xuất dương (Xuất dương lưu biệt) để giúp cho tinh thần, niềm tin của người ở lại hướng đến những điều tốt đẹp nhất, giúp cho đất nước phát triển hơn. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, theo thể ngôn bát cú đường luật.
Trong kho tàng văn học yêu nước, Lưu biệt khi xuất dương đã khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương, làm nên sự nghiệp lớn cứu dân cứu nước mà không hề sợ sệt hay đắn đo suy nghĩ. Cái chí làm ấy mà nhà thơ nói đến là “phải ở trên đời”, một đấng nam nhi thì phải làm được việc lớn lao, phi thường phải chủ động dân thân chinh phục, xoay chuyển được đất trời vũ trụ, không để cho đất trời tự chuyển vần. Những lí tưởng sống, khát vọng sống cao đẹp này được thể hiện rất rõ trong hai câu thơ mở đầu:
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời” (Bản dịch)
Trai tráng vai dài sức rộng phải tạo ra được cái lạ, cái mới cho riêng bản thân mình, vượt qua được vòng an toàn làm nên những kỳ tích hiển hách phi thường, làm chủ vận mệnh cuộc đời mà ít kẻ khác làm được. Câu thơ đã có tác dụng to lớn trong việc khơi dậy nội lực, tiềm năng sẵn có trong mỗi con người, nhất là những trí thức thanh niên chủ nhân tương lai của đất nước, thôi thúc cho mọi người tích cực tham gia cải tạo bản thân để cống hiến, giúp ích, phục vụ cho quê hương.
Sau khi bày tỏ những quan niệm mới mẻ về chí làm trai, tác giả tiếp tục nói về ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc trong hai câu thực. Đặc biệt là những thế hệ mai sau. Phan Bội Châu là người sớm giác ngộ cách mạng, là người con yêu nước điển hình, ông tin tưởng sẵn sàng để đi theo con đường mà mình đã lựa chọn. Nếu ông lo lắng không biết thế hệ mai sau có nhận thức được điều này hay không?
“Trong khoảng trăm năm cần có ta
Sau này muôn thuở há không ai”
Câu thơ nhấn mạnh rất rõ vai trò quan trọng của mỗi người đối với xã hội. Cũng giống như Nguyễn Công Trứ đã từng nói: “Đã sinh ra trong trời đất phải có danh gì với núi sông”. Nhất là con trai, những đấng nam nhi hào kiệt, cần biết chủ động, trả nợ công danh, làm nên nghiệp lớn, rạng danh gia đình dòng họ, rực rỡ đất nước, non sông. Điều này được chứng minh rõ nét trong suốt cuộc đời của nhà thơ trước cảnh nước mất nhà tan, bị giặc ngoại xâm đô hộ và thống trị, gây ra biết bao lầm than, đau khổ cho quần chúng nhân dân. Đồng thời, Phan Bội Châu cũng cho thấy niềm tin của mình vào hậu thế, vào tuổi trẻ, vào việc non nước thiên thu giàu có với những bậc hiền tài anh minh lỗi lạc. Là một người tri thức yêu nước thương dân ông không thể nhắm mắt làm ngơ trước cảnh tượng đau lòng đó. Ông mang theo những quyết tâm hoài bão lớn lao, tự tạo ra lối đi riêng, cái lạ cho chính mình, ra nước ngoài (Nhật Bản) để học tập và đi tìm con đường cứu nước đúng đắn cho nước nhà thân yêu. Cho dù “trăm năm” hay là cả một đời người đi chăng nữa, có thể mất mát hy sinh, với nhiều biến động của lịch sử xã hội, nhưng ông vẫn dõng dạc khẳng định “cần có ta” để đem hết tài năng của bản thân cống hiến, trả lại cái nợ công danh của chí làm trai và lưu danh muôn thuở.
Những ý thơ của Phan Bội Châu cũng một phần tương đồng suy nghĩ quan điểm với “Bài ca ngất ngưởng” của tác giả Nguyễn Công Trứ. “Vũ trụ nội mạc phi phận sự” nghĩa là việc trong đất trời đều là phận sự của ta. Cho thấy sự gặp gỡ, giao thoa của những tư tưởng lớn, nhân cách lớn, có ý chí, hiến thân mình cho quê hương đất nước. Ở họ đều có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của cá nhân đối với thời cuộc, họ sẵn sàng gánh vác đảm nhiệm sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Ra sức tuyên truyền giao dục, cổ vũ tinh thần yêu nước cho mọi người, cổ động cách mạng, rèn luyện chú trọng đào tạo cho những thế hệ tiếp nối sau này.
“Non sông đã chết sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”
Tác giả nhận thức sâu sắc rõ ràng về thực trạng đáng buồn của đất nước lúc bấy giờ “con sông đã chết” đất nước đã mất chủ quyền, người dân thì đói khổ lầm than, cơ cực. Cuộc sống đó khiến những người dân yêu nước hết mực như ông thấy nhục nhã, đầy căm phẫn oán trách bè lũ cướp nước. Ngoài ra câu thơ cũng rất mạnh mẽ, bóc trần bản chất thối nát của nền học vấn giáo dục Nho học đã lỗi thời, không còn phù hợp với hoàn cảnh đất nước nữa. Con người ta học nhiều nhưng lại không ứng dụng được nhiều, chỉ toàn mù quáng, sáo rỗng, công thức. Vì vậy, ông mới nêu bật lên khát vọng hành động và tư thế hiên ngang lên đường để thay đổi cải thiện tình trạng cho nước nhà.
“Muốn vượt bể đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”
Phan Bội Châu dựng lên bối cảnh bên ngoài trước biển đông to lớn kỳ vĩ, là những ngọn gió mạnh mẽ, đợt sóng bạc đầu dữ dội. Thiên nhiên càng hùng vĩ nguy hiểm lại khiến con người càng phải chinh phục khám phá, hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ có chông gai nhọc nhằn đến mấy cũng phải vượt qua. Tất cả nhằm làm nổi bật tư thế ra đi hiên ngang kiêu bạc, ngẩng cao đầu của một con người có tầm vóc lớn lao sánh ngang tầm vũ trụ với những lí tưởng khát vọng cao đẹp dành cho đất nước. Hai câu thơ cuối là sự kết tinh trọn vẹn những ý chí, hoài bão, đẹp đẽ của Phan Bội Châu. Ra đi tìm đường cứu dân cứu nước, nhưng đồng thời cũng là cách thức để ông thỏa chí làm trai của mình. Đó là những con người sống có ý thức mạnh mẽ và chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, với vai trò trách nhiệm của mình đối với lịch sử nước nhà.
Phan Bội Châu được coi là một trong số những anh hùng kiệt xuất có tầm ảnh hưởng lớn đến cách mạng Việt Nam trong giai đoạn những năm đầu của thế kỉ XX. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, ông chưa từng một lần được hưởng niềm vui chiến thắng, tuy nhiên tình yêu quê hương đất nước, những khát vọng hòa bình và ý chí tranh giành lại độc lập trong con người luôn là một ngọn lửa rực cháy mãnh liệt tiếp thêm nhiệt huyết, sức mạnh, đam mê và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Nhất là các thế hệ thanh niên, lớp trẻ đang từng ngày lớn lên. Cũng có thể thấy rằng, thơ ca chính là mặt trận mà ông trực tiếp bày tỏ bộc lộ những tư tưởng, tình cảm của mình nhiều nhất. Lưu biệt khi xuất dương là một trong những bài thơ tiêu biểu như thế, đã thể hiện rõ ý chí lớn, mong chờ một sự nghiệp to lớn thay đổi vận mệnh cho nước nhà. Tác phẩm được xem như là một khúc khải hoàn ca đầu hùng tráng phi thường về tinh thần, lòng quyết tâm cống hiến nồng nàn yêu nước của ông. Ngôn ngữ thơ sâu lắng, giàu sức truyền cảm, cổ động. Giọng điệu thơ tâm huyết, sâu lắng, đầy sục sôi hào hùng. Toát lên sự trang nghiêm mạnh mẽ phi thường. Đó không còn là những lời nói mà đã biến thành những hành động cụ thể vượt qua mọi khó khăn, cống hiến thân mình cho đất nước, vượt qua bể đông của tác giả. Những vần thơ ấy đã có sự tác động lớn với tâm lý, nhận thức của mọi người, nó như một bài tuyên truyền cổ vũ tiếp thêm ý chí sức mạnh hãy cùng nhau hành động vì đất nước thân yêu.
Bài thơ Xuất dương lưu biệt là một khúc anh hùng ca kêu gọi lên đường cứu nước, hơn hết đã khắc họa một cách chân thực và lãng mạn những vẻ đẹp hào hùng của nhà chiến sĩ cách mạng Phan Bội Châu đầu thế kỉ XX. Ông mang trong mình những tư tưởng cách tân mới mẻ, táo bạo, với lòng nhiệt huyết sục sôi cuộn trào của tuổi trẻ, của một đấng nam nhi, khát vọng lên đường cháy bỏng để tìm lại vẻ đẹp bình yên vốn có cho dân tộc.