Trong bài viết này, VerbaLearn sẽ tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về bạo hành trẻ em. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận về bạo hành trẻ em
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về bạo hành trẻ em. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về bạo hành trẻ em – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Bạo hành trẻ em
Thân bài
#1. Giải thích
- Bạo hành là những hành động và lời nói có tính chất vũ phu, ngang ngược, đôi khi còn vô cùng độc ác.
- Cụ thể như là xúc phạm, chà đạp, đay nghiến, đánh đập, tra tấn một cách dã man trái với luân thường đạo lí, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
- Bạo hành trẻ em là vấn nạn lên án những hành động vô nhân tính, độc ác đối với những đứa trẻ
#2. Thực trạng bạo hành trẻ em ở nước ta hiện nay
- Có nhiều vụ bạo hành trẻ em ở nước ta trong thời gian gần đây không chỉ ở gia đình mà còn ở trường học, lớp học, ở nhiều địa phương,…
- Bạo hành trẻ em còn nhiều biểu hiện qua nhân phẩm, mắng nhiếc, dọa nạt hay khủng bố tinh thần các em.
#3. Nguyên nhân của nạn bạo hành trẻ em
- Do sự tàn nhẫn , vô cảm, suy đồi về nhân cách, đạo đức của con người ngày càng đi xuống
- Ảnh hưởng của cuộc sống, áp lực gia đình,…
- Do tác hại của bia rượu.
- Nhận thức chưa cao, trình độ dân trí thấp
#4. Hậu quả bạo hành trẻ em
- Để lại những tổn thương về thể xác và tinh thần.
- Thể chất suy kiệt, trẻ chậm phát triển, có thể bị trầm cảm, rối loạn hành vi.
- Trẻ sống trong môi trường thường xuyên bị đánh đập, xúc phạm thì sẽ dễ trở thành những người nóng tính, cọc cằn, có xu hướng bạo lực, thậm chí trở thành tội phạm.
#5. Biện pháp giải quyết
- Gia đình, xã hội và mỗi cá nhân cần có ý thức, biện pháp giáo dục, quan tâm đến trẻ nhỏ.
- Nâng cao nhận thức của xẫ hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo hành trẻ em.
- Gia đình phải là tấm gương để con cái noi theo, có trách nhiệm, yêu thương, chăm sóc con cái.
- Tuyên truyền, vận động cộng đồng không thờ ơ, vô cảm với nạn bạo hành trẻ em.
Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận về liên hệ bản thân.
Dàn ý nghị luận về bạo hành trẻ em – Mẫu 2
Mở bài
+) Sơ lược về tình trạng bạo hành trẻ em
Thân bài
Bạo hành trẻ em là gì?
- Bạo hành trẻ em không chỉ là những hành vi xâm hại sức khỏe mà còn về tinh thần của trẻ em.
Thực trạng hiện nay
+) Một số thống kê về bạo hành trẻ em
– Đưa ra ví dụ:
+) Bảo mẫu bạo hành trẻ em tại Nhà trẻ Sắc Màu Tuổi Thơ.
+) Bé gái 3 tuổi bị mẹ ruột và cha dượng đánh chết.
+) Vẫn có những vụ bạo hành diễn ra trong âm thầm mà không để lại dấu vết
Nguyên nhân
+) Ở trường: Nhà trường quản lí chưa chặt, do sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức, kỹ năng của giáo viên, áp lực của công việc, do không kiểm soát được hành vi của bản thân.
+) Ở gia đình: Quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, do sự thiếu hiểu biết về pháp luật về quyền lợi của trẻ em.
+) Các biện pháp trừng phạt chưa đủ mạnh và chưa thực sự hiệu quả, hay chưa tiếp cận được tới người dân.
Hậu quả
+) Ảnh hưởng đến tâm lí các bé, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
+) Ảnh hưởng đến xã hội
Giải pháp
+) Nhà nước cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lí các trường hợp bạo hành trẻ em để làm gương và răng đe
+) Cần quản lí chặt hơn tại các nhà trẻ
+) Nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về quyền lợi của trẻ em
Kết bài
+) Hãy cùng nhau chung tay bảo vệ trẻ em, vì một tương lai tươi đẹp.
Nghị luận về bạo hành trẻ em – Mẫu 1
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của con người ngày một được nâng cao. Con người được sống đầy đủ và sung túc hơn về cả vật chất và tinh thần. Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, đây là những đối tượng mong manh cần được bảo vệ, nâng niu thì lại ngược lại tình trạng bạo hành trẻ em hiện đang xảy ra ở nhiều nơi. Vấn nạn này đang là vấn đề thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Trong thời gian gần đây chúng ta thường hay được nghe nói về vấn nạn bạo hành trẻ em, vậy thì bạo hành là gì: bạo hành là những hành động và lời nói có tính chất vũ phu, ngang ngược, đôi khi còn vô cùng độc ác. Cụ thể như là xúc phạm, chà đạp, đay nghiến, đánh đập, tra tấn một cách dã man trái với luân thường đạo lí, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác. Còn bạo hành trẻ em là vấn nạn lên án những hành động vô nhân tính, độc ác đối với những đứa trẻ. Bạo hành trẻ em được xem chính là một trong những vấn nạn kinh khủng mà nó vẫn đang tồn tại trong xã hội hiện nay. Khi tình trạng này ngày càng xảy ra với mức độ cao thì nó đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người phải thay đổi thái độ sống, phải quan tâm, chăm sóc nhiều hơn nữa tới trẻ em cũng đồng nghĩa là quan tâm đến chính tương lai của đất nước chúng ta. Bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước, chăm lo cho trẻ em chính là chăm lo cho tương lai của nước nhà.
Nạn bạo hành trẻ em hiện nay không chỉ xảy ra ở trong các gia đình mà còn xảy ra ở cả trường học, nhà giữ trẻ tư nhân, xảy ra ở nhiều địa phương,… chúng ta rất dễ nhận thấy điều này qua các bài báo, qua những video được cộng đồng mạng chia sẻ trên mạng xã hội. Đây là vấn đề nóng thu hút được sự quan tâm của dư luận và của toàn xã hội. Bạo hành trẻ em không đơn thuần là cách những ông bố, bà mẹ, các thầy cô giáo dạy dỗ con em, học trò mình theo suy nghĩ “ Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Lối suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào trong tâm trí và nhận thức của mỗi người mà họ quên rằng trẻ em như búp trên cành rất là mỏng manh dễ vỡ, chỉ cần tác động nhẹ cũng đã có thể làm gãy, làm tổn thương đến những mầm non ấy, trẻ em thì cũng vậy. Hiện nay không ít người đã lạm dụng vấn đề này mà đánh đập con nhỏ của mình một cách không thương tiếc, thậm chí còn dùng cả những biện pháp, hình thức tra tấn một cách dã man. Không chỉ dùng bạo lực mà nhiều người còn có những lời lẽ xúc phạm đến trẻ em, chửi một cách thậm tệ như súc vật,… dẫu biết rằng những đứa trẻ thì nó chẳng làm gì nên tội, cũng không biết cãi hay là có hành vi hỗn hào gì với người lớn vậy mà họ vẫn cứ coi trẻ em như là kẻ thù, đay nghiến, là nơi để trút mọi bực tức, cho hả hê sự nóng giận của bản thân một cách vô nhân đạo như vậy. Tình mẫu tử là thiêng liêng nhất thật đúng như câu “ Hổ dữ không ăn thịt con” vậy mà nhiều người họ thật nhẫn tâm ngày đối với chính con đẻ mà họ sinh ra mà họ đánh đập một cách không thương tiếc, để lại sau những trận đòn là những vết bầm, tím đến thấu xương, thậm chí còn để lại những vết sẹo, những khiếm khuyết trên cơ thể theo suốt cuộc đời, còn ác hơn là tước đi quyền được sống của chính em nhỏ đó.
Ngày nay, tình trạng bạo hành trẻ em ngày một có chiều hướng gia tăng. Mỗi ngày, những thông tin về bạo hành trẻ em trong gia đình xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chẳng hạn như mới đây trên các trang mạng xã hội có chia sẻ video về người đàn ông là bố dượng đánh đập bé trai 5 tuổi dã man ở Bình Dương. Vụ trẻ mầm non bị cô giáo nhét dẻ ở Thái Bình, vụ việc bé Hào Anh ở Cà Mau bị vợ chồng đầm tôm bạo hành. Cũng trong tháng 8 Châu Minh Tiến bị tòa Quận 9, TP.HCM tuyên phạt 6 năm tù về tội “ cố ý gây thương tích”. Tiến đã đánh gãy chân con ruột mới hơn 4 tháng tuổi của mình. Ở trường nọ, có một thầy giáo dạy ngoại ngữ thấy học sinh mình học quá kém, thầy không hề tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em vô cùng éo le, nhà nghèo, bố đạp xích lô, mẹ đi bán vé chui, một mình em gánh trên vai việc chăm sóc ba em nhỏ, nên việc học tập đã bị sa sút, để mà thông cảm và tìm cách giúp đỡ. Đằng này, thầy lại buông lời sỉ vả, xúc phạm: “Ba mày ngu, mẹ mày ngu nên sinh ra mày ngu vậy đó”. Chưa hết, thầy còn lăng mạ, ấn dùi đầu em học sinh ấy để cả lớp cười chê về “tấm gương xấu” này. Thậm chí còn trường hợp cô giáo nhét giẻ vào miệng học sinh,… Theo số liệu điều tra của Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em, có đến 80% em bỏ nhà hoặc phạm pháp là do hậu quả của nạn bạo hành.
Bạo hành trẻ em giống như một tội ác khó dung thứ, khi mà nạn nhân của những vụ bạo hành chỉ là những đứa trẻ non nớt, vô tội. Bạo hành không chỉ ảnh hưởng đến thân thể mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của các em rất nhiều. Những thân thể non nớt với những vết thương rướm máu chằng chịt, những vết bầm tím nối dài khắp cơ thể, những vết sẹo mãi chẳng lành. Những đứa trẻ non nớt yếu ớt, và mỏng manh như vậy sau những trận bạo hành thừa sống thiếu chết như thế nếu không được chăm sóc, thì thể chất bé sẽ không thể phát triển bình thường như những bạn khác. Nếu những nỗi đau về thể xác ám ảnh, đau đớn ảnh hưởng một thì những tổn thương, những ám ảnh tâm lý ảnh hưởng tới các bé gấp mười lần. Thay vì việc vui cười, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác đồng trang lứa thì các bé lại sống trong cảnh hoang mang lo sợ với những trận đòn roi, những câu mắng chửi thậm tệ, nặng lời. Dần dần, nó tạo thành tâm lý trầm cảm, sợ hãi và tự ti cho các bé. Sự phát triển của các bé ngày một lệch lạc hơn khi không được định hướng đúng đắn. Sau này có thể sẽ trở thành những người có thiên hướng về bạo lực, hay vi phạm pháp luật, trở thành những con người xấu ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Để dẫn đến những hậu quả thương tâm ấy, chúng ta có thể kể tới rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là do hậu quả của việc cha, mẹ say sỉn, mất kiểm soát hành vi của mình. Hay do hoàn cảnh gia đình khó khăn, áp lực công việc đè nặng, trình độ dân trí lại thấp khiến con người bị quá tải, mất khả năng kiểm soát hành động. Bên cạnh đó, còn là sự ích kỉ, nhỏ nhen của một bộ phận những người làm mẹ kế, cha dượng đẩy những đứa trẻ tội nghiệp vào những hoàn cảnh bi thương. Quan trọng hơn đó vẫn là sự tàn nhẫn, độc ác, vô cảm, suy thoái về đạo đức và nhân cách của những người làm cha, làm mẹ hay của những người đang làm nhiệm vụ dạy học cho chính các bé.
Để có thể ngăn chặn, giảm thiểu vấn nạn này thì gia đình trước hết là tổ ấm, là cái nôi để hình thành nhân cách, đạo đức cho những đứa trẻ. Vì vậy gia đình cần quan tâm yêu thương con cái mình nhiều hơn, biết sắp xếp công việc, thời gian hợp lý để có thể dành thời gian dạy bảo, chơi với con em mình, quan tâm đến những cử chỉ hành động nhỏ của chúng để có thể nắm bắt được tâm tư, định hướng đúng đắn cho các em ngay từ đầu. Các thành viên trong gia đình phải yêu thương nhau, nên vui vẻ hòa đồng với nhau, không nên thường xảy ra cự cãi hay bạo lực gia đình trước mặt con em mình tránh ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của chúng sau này. Không phải cứ dạy con theo kiểu “ Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là đúng đắn, là phù hợp, chúng ta cần kiểm soát được hành động, cảm xúc của bản thân trong việc dạy bảo cho con nhỏ, vì chúng là những đứa trẻ không biết gì, nên chúng ta hãy lựa dọn cách dạy phù hợp hơn. Cha mẹ cần làm gương sáng để cho con nhỏ mình học theo, chính vì thế mà cha mẹ cần khôn khéo trong việc dạy bảo con em mình. Chính vì được sống trong một gia đình tốt thì việc hình thành nhân cách, tính nết của những đứa trẻ sau lớn lên cũng sẽ trở thành những người điềm đạm, hòa nhã, chín chắn, bản lĩnh, trưởng thành hơn so với những đứa trẻ mà gia đình lúc nào cũng cự cãi, thậm chí còn hay dùng bạo lực với chúng, hay la mắng thì lớn lên ít nhiều những đứa trẻ này sẽ có tính cách thiên về bạo lực, nóng nảy, hay trầm cảm, tự ti,…
Nhà trường cũng cần có biện pháp, quy định đối với những thầy, cô giáo trong trường, không để cho các thầy, cô có những hành vi chửi xúc phạm đối với học sinh, hay những hành động trái với luân thường đạo lí, đi ngược lại với truyền thống của nhà giáo. Thầy cô cần quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh, chia sẻ những khó khăn vướng mắc với chúng,… Thầy, cô giáo cũng nên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tạo hứng thú trong học tập cho các em, thầy cô cần lựa chọn cho mình những giải pháp phù hợp trong dạy bảo các em nhỏ và học sinh. Thầy cô cũng phải là những người nêu gương, là tấm gương sáng cho các em noi theo, biết kiềm chế cảm xúc của mình để không ảnh hưởng đến công việc, hãy là những người lái đò tâm huyết với nghề.
Bên cạnh đó thì gia đình và nhà trường cần phối hợp với nhau trong công tác quản lý, giáo dục học sinh để cho việc quản lý, giáo dục cho các em đạt được hiệu quả tốt hơn.
Xã hội cần quyết liệt hơn trong việc đấu tranh với bạo hành trẻ em, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội để kịp thời phát hiện những người có hành vi bạo hành trẻ em để ngăn chặn, xử lý kịp thời tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra. Đồng thời cũng tăng cường xây dựng tinh thần đoàn kết, yêu thương con người với con người cùng nhau chống lại bạo hành trẻ em, đấu tranh với lối sống thờ ơ vô cảm trong cộng đồng hiện nay. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý đối với những trường hợp bạo hành trẻ em để vừa có tính chất răn đe, vừa là lời cảnh tỉnh cho người người khác, cần nâng cao và bảo vệ quyền trẻ em hơn nữa vì trẻ em là mầm non của tương lai, của đất nước.
Bản thân chúng ta thì trước hết cần học hành cho thật tốt, nâng cao nhận thức, rèn luyện đạo đức, nhân cách bản thân. Tuyên truyền, vận động mọi người xung quanh hãy luôn yêu thương, bảo vệ trẻ em. Lên án, đấu tranh, tố cáo với những hành vi có liên quan đến bạo hành trẻ em mà mình biết.
Bạo hành trẻ em thực sự là một trong những hiện tượng đời sống mà cả xã hội quan tâm. Chính vì vậy chúng ta hãy chung tay và đẩy lùi nạn bạo hành trẻ em, để tiếng cười của trẻ thật trong sáng, vô tư và hồn nhiên theo đúng ý nghĩa của nó, để trẻ được sống trong tình yêu thương của cha mẹ và để xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn trong tương lai vì một thế hệ trẻ em không có bạo hành.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về bạo hành trẻ em – Mẫu 2
“Trẻ em như búp trên cành
biết ăn biết ngủ biết học hành là ngoan”
Đây chính là hai câu thơ trong bài thơ có tựa là “Trẻ con” của Bác Hồ, lời thơ chứa chan tình yêu thương của Bác dành cho trẻ em. Trẻ em chính là những mầm non tương lai của đất nước và cũng là những thiên thần của cuộc sống. Các em xứng đáng có được tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô và các bạn, các em xứng đáng được vui chơi học hành. Nhưng ngày nay nạn bạo hành trẻ em đang phổ biến trên đất nước ta. Trẻ em trong sáng như thế, đáng yêu như thế nhưng vẫn có vô số người mất đi lý trí, mất đi nhân tính nhẫn tâm đánh đập, hành hạ những đứa trẻ ngây thơ một cách không thương tiếc. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Tại sao họ có thể tàn nhẫn một cách trắng trợn như vậy nhỉ?
Để có thể tìm được câu trả lời và các biện pháp khắc phục cho vấn đề này thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu “bạo hành trẻ em” có nghĩa là gì nhé! Khi nhắc đến bạo hành trẻ em có lẽ mọi người không quá xa lạ nữa. Nói một cách dễ hiểu bạo hành trẻ em chính là dùng những hành vi đánh đập, ngược đãi, lăng mạ xúc phạm danh dự nhân phẩm của trẻ em bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý hay dư luận của xã hội, những con người độc ác đó luôn tự cho mình cái quyền quyết định mọi thứ, thậm chí còn đổ hết tội lỗi của mình lên người những đứa trẻ vô tội là: “Nó phá quá”, “nó lì quá”, “nó không chịu xin lỗi” hay chỉ đơn giản là “nó không chịu ăn”, là trẻ con thì đứa nào mà chả hoạt bát chạy nhảy, nhưng những lỗi lầm đó có thực sự lớn để phải trả cái giá là bị đánh đập hành hạ như vậy, trong khi chính họ là những con người đã có thể nhận thức được đúng sai mà có thể làm ra những việc mất hết nhân tính, vậy ai mới là người đáng trách ở đây? Và họ luôn tự viện cho mình cái cớ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng sự thật có đúng như vậy?
Ở Việt Nam kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 đã từng bị bạo hành. Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm hệ thống phân cấp của nam giới và cũng cố nam tính. Số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ, lên tới 1.012 vụ với hàng ngàn trẻ em đã bị xâm hại. Ví dụ vào năm 2018 trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip bảo mẫu đánh đập dã man một bé trai và một bé gái tại Nhà trẻ Sắc Màu Tuổi Thơ ở TP. Long Xuyên (An Giang). Đoạn clip quay cảnh một bảo mẫu Nhà trẻ Sắc Màu Tuổi Thơ vừa cho trẻ ăn vừa dùng tay tát vào mặt, vào đầu, dùng cây lược, dùng cây nhựa… đánh vào đầu, vào tay các em những đứa trẻ không có sức chống cự. Mặc dù các bé gào khóc nhưng bảo mẫu vẫn cố “nhét” thức ăn vào miệng trẻ trông rất dã man, đó chính là tình trạng ăn cơm chan nước mắt, chỉ cần nghĩ đến thôi tôi cũng cảm thấy sợ hãi rồi. Trong khi đó, một bảo mẫu khác đứng gần đó nhưng chẳng có phản ứng gì. Thậm chí, có người còn đưa khúc cây nhựa cho bảo mẫu này đánh đập một bé. Không những bị bạo hành ở trường học mà các em còn bị bạo hành bởi chính cha mẹ của mình, điển hình là vụ việc mẹ và cha dượng dùng ma túy đánh chết con gái 3 tuổi, vụ việc đã gây chấn động cả nước, điều đáng nói ở đây Tuấn là cha dượng không thương con đã đành, nhưng chị Lan Anh là mẹ ruột của bé không nhưng không ngăn cản hành vi hung ác của chồng mình mà chị cũng góp phần gây nên cái chết của em bé đáng thương. Trong khi đó loài vật còn biết yêu thương con của mình, vậy tại sao chị lại không yêu thương con của mình chứ? Thật bất hạnh cho em bé 3 tuổi, ở lứa tuổi đó đáng ra em phải được chơi đùa, học hành và được yêu thương chứ không phải là một kết cục đau thương như vậy. Đó là những vụ việc nổi tiếng được ghi lại và có bằng chứng cụ thể, thì cũng có những vụ bạo hành trẻ em bị lấp liếm che dấu, vẫn có những vụ bạo hành diễn ra âm thầm không để lại dấu vết, những vụ việc tra tấn về mặt tinh thần như là mắng nhiếc, lăng mạ, hay dọa dẫm các bé vẫn diễn ra hằng ngày trên đất nước của chúng ta mà không ai có thể thống kê hết được.
Và cái gì cũng có nguyên nhân của nó, vậy thì nguyên nhân của “Bạo hành trẻ em” là do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động mất đi nhân tính này. Tại các trường học nguyên nhân chủ yếu là do sự quản lí chưa chặt chẽ của nhà trường, thậm chí có những lớp trẻ tư thục vì lợi nhuận mà tuyển những bảo mẫu không có kiến thức kỹ năng, hay do sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức trong lĩnh vực này, chưa kiềm chế được cảm xúc của bản thân, và thực tế nuôi dạy trẻ em chính là công việc đòi hỏi tính nhẹ nhàng và kiên nhẫn cao, bởi vì trẻ em luôn hoạt bát và năng động, chưa thể nhận thức được hành động đúng sai, thậm chí còn có những em bé vì nhớ ba mẹ mà khóc lóc cả ngày. Nguyên nhân nữa đó chính là do áp lực công việc mà dẫn đến những hành động không thể kiểm soát được hành vi của mình. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình, trước hết phải kể đến nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hoá “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ em nói riêng, chưa được các cấp, các ngành quan tâm, đấu tranh loại bỏ, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các bậc cha mẹ về quyền trẻ em. Từ việc gia đình không có được một chức năng bình thường, cho đến sự thiếu thông đạt, sự khiêu khích của người phối ngẫu, hay sự dồn nén tâm lý của một người, hoặc vì các chất kích thích như rượu, thuốc, hoặc vì thiếu một cuộc sống tâm linh, cho đến những sự khó khăn về kinh tế,… đều dẫn đến bạo hành trẻ em. Một nguyên nhân nữa cũng không thể bỏ qua đó chính là do các biện pháp trừng trị của nhà nước về vấn nạn “bạo hành trẻ em” chưa thực sự hiệu quả, hay các tổ chức bảo vệ trẻ em chưa tiếp cận được tới người dân.
“Bạo hành trẻ em” đã để lại những hậu quả to lớn cho sức khỏe và tâm lí của trẻ thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng của các em. Về mặt thể chất khiến cho trẻ bị còi cọc chậm phát triển, cơ thể cũng yếu ớt hơn, việc bị bạo hành trong thời gian dài cũng khiến cho khả năng tư duy và sáng tạo trong não dần bị thiêu rụi, bởi vì những đứa trẻ bị bạo hành sẽ không thể nào tập trung vào học được mà việc của chúng tập trung tới đó chính là làm thế nào để tránh được những trận đòn roi. Không những vậy bạo hành còn khiến cho trẻ rụt rè, nhút nhát, sợ đến trường, sợ phải ăn cơm trong nước mắt từ đó khi làm bất cứ việc gì cũng sợ hãi không biết rằng “việc mình làm có bị đánh không?”, những suy nghĩ đó khiến cho chúng còn cảm thấy tự tin vào bản thân nữa. Nặng hơn nữa trẻ có thể bị bất ổn tâm lí, ảo tưởng, tinh thần không minh mẫn. Khi trẻ sống trong môi trường, hằng ngày phải chứng kiến và hứng chịu những cuộc cãi vã, đánh đập từ cha mẹ, người thân hay những lời nói xúc phạm, lăng mạ người khác, trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Rất ít trường hợp, trẻ sẽ có suy nghĩ tích cực và hành động trái với những gì chúng thấy, trở thành người hiền lành, lương thiện. Mà đa số, trẻ sẽ “hấp thụ” tính cách từ những người trong gia đình, trở thành người dễ dàng dùng bạo lực với người khác, xa đọa vào các tệ nạn, sớm bị tha hóa và bị xã hội lên án, tẩy chay. Điều này đã xảy ra rất nhiều trong thực tế cuộc sống và được cho là dễ hiểu, bởi quá trình hình thành của trẻ ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống, cách giáo dục của cha mẹ… Và hiển nhiên rằng, việc bạo hành ấy đã in sâu trong tiềm thức và dần trở thành một phần tính cách của trẻ. Những đứa trẻ bị bạo hành dễ có thể trở thành người bạo lực, và cái vòng tròn đó cứ luẩn quẩn không có lối thoát, xã hội từ đó mà cũng bị ảnh hưởng, đất nước có phát triển được khi những hành vi tiêu cực đó luôn tồn tại. Vì vậy chúng ta cần lên án và phê phán mạnh mẽ để trẻ em không còn bị bạo lực nữa, xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, và tôi chắc một điều rằng chúng ta ai cũng muốn con cháu mình được hạnh và được sống trong xã hội mà ở đó không còn vấn nạn bạo lực diễn ra nữa.
Chúng ta có thể thấy bạo hành trẻ em đã để lại những hậu quả vô cùng to lớn. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Nhà nước cần có biện pháp mạnh tay hơn trong việc trừng trị các trường hợp bạo hành để làm gương và răng đe, không nên khoan nhượng với những hành vi như vậy. Cần kiểm soát quản lí chặt chẽ đối với những trường học. Đội ngũ giáo viên cũng phải chuẩn mực trong cách dạy dỗ. Nhà nước cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người về quyền lợi của trẻ em, cần nâng cao các chính sách bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Các bậc phụ huynh không nên đánh đập trong quá trình dạy dỗ con em của mình mà phải nhẹ nhàng và khuyên bảo, cần phải xóa bỏ những quan niệm sai lệch trong cách dạy dỗ.
Trẻ em chính là những mầm non tương lai của đất nước. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực. Vì một tương lai tươi đẹp, để xã hội không còn những đau thương mất mát.