VerbaLearn tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về việc học đối phó. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận về học đối phó
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về việc học đối phó. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về học đối phó – Mẫu 1
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề nghị luận “Học đối phó”
Thân bài
#1. Khái niệm về học đối phó
+) Là hiện tượng học sinh không học hành một cách nghiêm túc mà ngược lại chỉ học cho có, không trên tinh thần tự nguyện mà như bị ép buộc học, học để có thể vượt qua các bài kiểm tra hay kì thi của thầy cô giáo, nhà trường tổ chức.
#2. Nguyên nhân dẫn đến học đối phó
+) Do nhận thức còn hạn chế, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học.
+) Bản thân còn ham chơi, thích đua đòi,…
+) Gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em mình.
+) Nhà trường còn chạy theo thành tích, thầy cô còn dập khuôn máy móc, phương pháp dạy chưa phù hợp nên +) không tạo được hứng thú, đam mê cho học sinh.
+) Áp lực chương trình thay đổi liên tục, bài tập nhiều, áp lực điểm số trở thành gánh nặng cho học sinh, sinh viên hiện nay
+) Ở nước ta vẫn còn đặt nặng vấn đề bằng cấp hơn là năng lực chuyên môn.
#3. Hậu quả của việc học đối phó
+) Ảnh hưởng đến tâm lý, gây thụ động, dẫn đến nhàm chán.
+) Mất căn bản, nạn học sinh “nhảy lớp”, học đến lớp 12 mà chính tả còn sai be bét, …
+) Ảnh hưởng đến sự trung thực của con người, học sinh đánh mất dần những nhân cách tốt.
+) Về lâu dài, làm suy thoái nền giáo dục nước nhà.
+) Những người học đối phó không bao giờ đạt thành công thực sự trong đường đời.
#4. Giải pháp khắc phục
+) Học sinh, sinh viên cần phải thay đổi suy nghĩ ngay từ hôm nay, vì học mang lại ích cho ai, học để khẳng định bản thân mình với xã hội, trở thành những người công dân có ích cho gia đình và xã hội,…
+) Không ngừng học tập để trau dồi kiến thức cho bản thân, những gì mình biết chỉ là hạt cát trong sa mạc so với khối kiến thức vô tận.
+) Ứng dụng khoa học công nghệ vào học tập để nghiên cứu, tìm tòi học hỏi những điều hay, lẽ phải, những kiến thức bổ ích.
+) Gia đình thì cần quan tâm đến việc học của con em mình hơn nữa, giáo dục, định hướng đúng đắn cho con em mình khi chúng có những suy nghĩ, nhận thức sai lệch.
+) Nhà trường cần có những biện pháp, phương pháp dạy học phù hợp với học sinh, sinh viên không nên cứng nhắc rập khuôn máy móc.
+) Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.
Kết bài
+) Khẳng định hiệu quả đích thực của việc học tập đúng đắn.
+) Bản thân cần rút ra bài học, kinh nghiệm cho chính mình.
Dàn ý nghị luận về học đối phó – Mẫu 2
Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng học đối phó
Thân bài
– Học đối phó là học không có mục đích, học chơi chơi, luôn ở trong tư thế bị động, học mà không hiểu bản chất ý nghĩa của mỗi môn học, học không đến nơi đến chốn.
– Nguyên nhân của việc học đối phó:
+ Đa phần đến từ việc nhận thức trong học tập, các bạn vẫn chưa thấy rõ sự quan trọng của việc học. Học nghe tai này lọt qua tài kia, kiểm tra thì quay cóp bài,….
+ Nguyên nhân đến từ gia đình bắt ép, tạo áp lực cho con cái, dẫn đến các bạn đối phó bằng cách giả vờ học bài nhưng lại xem điện thoại, đọc truyện tranh,…
+ Nguyên nhân đến từ thầy cô vì giao bài tập quá nhiều, các em làm không kịp dẫn đến việc nhìn sách giải, mượn vở bạn chép,…
– Hậu quả gây ra cho chính bản thân, gia đình và xã hội
– Lên án những hành động đối phó trong việc học cũng như ngoài xã hội
– Biện pháp khắc phục tình trạng học đối phó: Tạo môi trường thoải mái cho các em học tập sáng tạo tư duy, không gây áp lực cho các em. Cần phải có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình
Kết bài
+) Khẳng định vai trò quan trọng của việc học
Nghị luận về học đối phó – Mẫu 1
Ngày nay vấn đề giáo dục vẫn là một trong những vấn đề hàng đầu của nước ta. Các chủ trương, phương pháp dạy và học là những vấn đề luôn thu hút được sự chú ý của mọi người. Học tập là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công , làm chủ tương lai vậy mà việc học chưa được chú tâm mà còn mang tính đối phó. Học đối phó là tình trạng phổ biến ở các bạn học sinh hiện nay, là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của cả gia đình và nhà trường như hiện nay.
Như chúng ta đã biết trong kho tàng văn học của dân tộc ta thì có rất nhiều câu ca dao tục ngữ nói về giáo dục rất hay. Trong đó phải nói đến câu nói của Bác về vấn đề này như: “ Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì trồng người”. Qua câu nói này của người muốn nói rằng, muốn xây dựng đất nước phát triển về lâu, về dài thì cần quan tâm đến giáo dục. Chú trọng giáo dục con người, để đào tạo ra nhân tài, cống hiến cho đất nước, nhờ vào họ mới đưa đất nước ngày càng phát triển hơn nữa để đưa nước ta sánh ngang với các nước trên thế giới.
Ngoài một nền giáo dục tiên tiến, chủ trương, chính sách dạy học phù hợp với học sinh thì thầy cô giáo cũng phải là những người có năng lực, có chuyên môn trong việc dạy học. Họ là những người lái đò, người giữ mái chèo đưa con đò đến với bến đỗ của tri thức bởi vậy thầy cô giáo phải là những người có tâm huyết với nghề, có phương pháp dạy học hiệu quả, dễ tiếp thu cho các bạn học sinh. Trong môi trường học đường, hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều bạn học sinh có kết quả học tập rất tốt, với những thành tích trong học tập đáng ngưỡng mộ. Các bạn học sinh như vậy thường là những bạn học sinh có phương pháp học tập tốt, biết sắp xếp thời gian, đầu tư, chú trọng vào việc học, khi nào học cũng rất chăm chỉ, nghiêm túc,… Bên cạnh những học sinh có phương pháp học mang lại hiệu quả như vậy thì hiện nay tình trạng học đối phó cũng thường thấy ở nhiều bạn học sinh.
Vậy học đối phó là gì? Là hiện tượng học sinh không học hành một cách nghiêm túc mà ngược lại chỉ học cho có, không trên tinh thần tự nguyện mà như bị ép buộc học, học để có thể vượt qua các bài kiểm tra hay kì thi của thầy cô giáo, nhà trường tổ chức.
Học đối phó ở học sinh hiện nay đang là vấn đề cần được nhà trường, gia đình quán triệt một cách triệt để hơn. Biểu hiện của việc học đối phó là: học sinh khi học ở nhà thì không chịu chuẩn bị bài mới, không đọc bài mới trước khi đến trường, bài tập giao về nhà cũng không làm. Hoặc có làm thì cũng chỉ làm một cách đại khái, qua loa hay lấy sách mẫu ra để chép nhằm đối phó khi bị các bạn trong lớp, thầy cô kiểm tra xem có làm bài tập, hay chuẩn bị trước bài mới hay không. Việc học ở nhà cũng ít được chú trọng hơn, khi có bố mẹ hay anh chị kiểm tra thì lúc đó mới cầm quyển sách cho có để đối phó với gia đình. Học tập không nghiêm túc, chểnh mảng, hay làm việc riêng hay kiếm cớ đi đi ra ngoài, làm này làm kia để không phải học. Không những thế mà còn có tình trạng vừa ngồi học một tý là đã xong, ai hỏi hay kiểm tra thì bảo không có bài tập giao về nhà, không cần học thuộc bài,… thậm chí có nhiều bạn học sinh hiện nay đang học vẹt, học không có phương pháp học tập hiệu quả nên việc nhớ bài không được lâu, không hiểu bài vở kiến thức được thầy cô dạy. Đây là tình trạng học theo kiểu đối phó với gia đình rất phổ biến ở các bạn học sinh.
Ở trên trường, lớp học thì các bạn học sinh thường không chú ý nghe giảng, đi học thì mượn vở của bạn để chép bài tập, bài soạn ngày hôm nay. Ngồi học thì hay làm việc riêng, không tập trung hoặc có nghe nhưng không chú ý, không để tâm đến thầy cô đang nói gì, không hiểu gì cả, kiểu “ như vịt nghe sấm, nước đổ lá môn” không biết gì, cũng không thấm vào đâu với những bạn có kiểu học đối phó, đi học cho có chứ không quan trọng mình đi học để được gì, không có mục đích của cho việc học. Thậm chí nhiều bạn còn không biết ngày nay học môn gì còn mang nhầm sách vở là chuyện có thể thường thấy, khi trong giờ học thầy cô đi kiểm tra thì giả bộ lấy sách đọc đọc như là mình đang nghiên cứu, đọc sách nghiêm túc, chăm chỉ nhưng thầy cô vừa đi thì tay đã cầm đến điện thoại để sử dụng. Một điều hay gặp ở các bạn học sinh có lối học đối phó đó là các bạn này thường xuyên bỏ học, trốn đi chơi. Khi có bài kiểm tra hay bài thi thì khi đó mới học, học theo kiểu học vẹt nhớ không sâu, không hiểu vấn đề, học để thi cho qua môn hay là nhiều người còn không thèm học mà mỗi lần thi cử, kiểm tra thường copy bài bạn, dở tài liệu,… học tập đối với các bạn học sinh được xem như là một nghĩa vụ, bắt buộc, áp đặt, nặng nề.
Những người có kiểu học để đối phó thì họ đa phần là những người lười nhác, làm biếng trong việc học, luôn thụ động trong việc xây dựng và phát biểu trong giờ học. Lúc nào cũng muốn mình được điểm cao như bạn, không bị rớt môn hay phải thi lại nhưng lại không chịu học mà lại đi sử dụng “phao”, điều này khiến cho các bạn học hành nghiêm túc cảm thấy nản, bất công với những gì mình đã bỏ ra trong khi mình học ngày đêm, học hành chăm chỉ, nhưng kết quả thi nhiều khi bằng hoặc còn thấp điểm hơn. Học đối phó là một hiện tượng xảy ra rất nhiều ở trường học, rất khó kiểm soát. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nên hệ quả khó lường, học sinh bị hổng kiến thức cơ bản nặng, học xong là quên hết, không lưu lại thứ gì trong đầu “ chữ thầy lại trả lại với thầy”. Bản thân họ không có mục đích trong việc học hành, không quan trọng đi học mình học được những kiến thức gì, có giúp gì được hay không, nhiều người còn có suy nghĩ đi học cho vui, ngồi cho có mặt không bị đánh vắng khi điểm danh,…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bản thân các bạn học sinh còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Còn ham chơi, lười biếng, chểnh mảng trong việc học. Các bạn còn trẻ không nhận thức hết được ý nghĩa của việc học tập, chưa có mục đích đúng đắn trong học tập nên học tập chưa nghiêm túc. Học tập còn mang tính chất đối phó, không mang ý chí tự nguyện, chủ động, tự giác tìm tòi, học hỏi. Học sinh, sinh viên hiện nay còn có suy nghĩ đến khi thi cử thì học cũng chưa muộn kiểu “ nước đến chân thì mới nhảy”, nên khi học họ thường không chú tâm, không đặt nặng vấn đề học để nâng cao nhận thức, kỹ năng chuyên môn.
Gia đình thiếu sự quan tâm đến việc học hành của con em mình, nhiều gia đình mải lo kiếm tiền mà không để ý, chăm lo đến việc học của con em họ. Gia đình chưa có sự giám sát chặt chẽ, định hướng lại nhận thức sai lệch cho con em mình.
Nhà trường chưa có cách thức xử lý, ngăn chặn đối với tình trạng này hoặc do thầy, cô giao bài tập nhiều và chương trình học nặng khiến các em học sinh cảm thấy nản chí, thiếu đi sự cố gắng, dần dần họ trở nên lười biếng mà chỉ học cho có lệ để vượt qua các bài kiểm tra hay thậm chí không thèm học mà quay cop trong giờ kiểm tra. Nhiều thầy cô còn mắc bệnh chạy theo thành tích nên nhiều trường hợp học sinh không đủ điều kiện để lên lớp hoặc không biết đọc biết viết nhưng thầy cô vẫn cho học sinh được lên lớp vì không muốn ảnh hưởng đến thi đua của bản thân và nhà trường.
Tất cả những điều này sẽ đem lại những hậu quả to lớn cho những người học sinh đó. Trước hết những người này sẽ có tâm lý thụ động, lười biếng, chây ì, ỷ lại vào người khác mà không cố gắng, chủ động, tích cực trong học tập. điều này khiến cho bản thân họ cảm thấy việc học không có ý nghĩa với họ mà còn dễ nhàm chán, không có hứng thú học tập.
Những người học theo kiểu đối phó thì họ sẽ không nắm được bài giảng, không hiểu bài, đây là nguyên nhân khiến cho các bạn học sinh bị mất căn bản như hiện nay. Nạn nhảy lớp cũng thường xuyên diễn ra, có nhiều bạn học lớp 4, lớp 5 mà còn chưa biết đọc, biết viết. Còn nhiều học sinh bị sai lỗi chính tả rất nhiều,… Bên cạnh đó lối học thụ động còn ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức của người học sinh như là họ không trung thực với gia đình, thầy cô, gian lận trong thi cử, đây cũng là những thói hư tật xấu ảnh hưởng, làm hư các bạn học sinh khác. Dần dần đánh mất đi vẻ đẹp trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên của lứa tuổi học sinh. Những người họ thụ động, đối phó sẽ bị bạn bè chê cười, xa lánh vì thành tích học không tốt nên họ sẽ ít bạn. Khi đó họ lại dễ bị người xấu lôi kéo, rủ rê, ăn chơi, đua đòi sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Tình trạng này nếu không được kiểm soát và đẩy lùi, lâu dài thì sẽ ảnh hưởng đến nền giáo dục của nước nhà.
Giống như câu nói “ Đi một ngày học một sàng khôn” chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ những gì có trong sách vở, qua bạn bè, thầy cô và mọi người xung quanh vì vậy chúng ta cần chủ động, ham học hỏi để mở rộng kiến thức cho chính mình.. Nếu chúng ta học theo kiểu đối phó, luôn thụ động như vậy chúng ta sẽ bị lạc hậu, thụt lùi so với bạn bè và sự phát triển của thời đại và sẽ không bao giờ đạt thành công thực sự trong đời. Chính vì lẽ trên chúng ta cần phải có giải pháp ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng học theo kiểu đối phó của học sinh, sinh viên hiện nay.
Học sinh chúng ta ngày nay cần phải xác định cho mình mục đích học tập là học cho ai, học để làm gì mới có thể tránh được kiểu “học đối phó” thường gặp bây giờ. Bên cạnh đó, ta cần phải chủ động trong việc học bài , làm bài đầy đủ trước khi đến lớp, trong lớp chăm chú nghe giảng. Phải có tiếp thu kiến thức nhiều mới mở rộng được hiểu biết và nhờ vậy giúp đất nước trở nên giàu mạnh hơn.
Gia đình cần quan tâm đến việc học của con em mình nhiều hơn nữa, giáo dục cho con em ý nghĩa của việc học tập đúng đắn là có ích cho bản thân, tốt cho tương lai sau này. Cần nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của con e mình để hiểu và có những phương pháp dạy con sao cho phù hợp.
Nhà trường cần tìm hiểu nguyên nhân, cần có phương pháp dạy học sao cho phù hợp để cho các em dễ hiểu, nắm được bài, ngoài những lý thuyết dập khuôn có trong sách vở thì thầy cô cũng nên kết hợp với những bài học thực tế, câu chuyện, trò chơi để cho bài giảng không trở nên cứng nhắc, nhàm chán, khiến cho học sinh có hứng thú hơn với môn học. Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép giữa vui chơi và học tập vừa tạo điều kiện cho các em được vui chơi và học hỏi được những kiến thức bổ ích, tranh tình trạng dập khuôn, luôn máy móc khiến cho học sinh áp lực, không còn hứng thú với việc học.
Gia đình và nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc động viên khuyến khích những bạn học sinh để có thể thay đổi suy nghĩ đang lệch lạc của họ và giúp họ cố gắng vươn lên trong học tập.
Học vấn là con đường duy nhất đi đến tương lai. Chúng ta hãy cố gắng học tập để tự khẳng định, tự tìm chỗ đứng của mình trong xã hội, hơn thế nữa là tự nuôi sống bản thân và gia đình, không biến mình thành gánh nặng cho xã hội.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về học đối phó – Mẫu 2
Sự thành đạt trong đời của mỗi con người đều bắt nguồn từ sự nỗ lực trong học tập. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tốt ngoài sự dạy bảo của gia đình, thầy cô, của những người đi trước, chúng ta cần phải kiên trì, chịu khó tiếp thu những bài học một cách nghiêm túc nhất. Dẫu biết rằng việc học là rất quan trọng nhưng trái lại vẫn còn rất nhiều trường hợp học đối phó, học qua loa và hiện tượng này đã biến thành một vấn nạn ở các trường học. Vậy nguyên nhân do đâu lại khiến hiện tượng này trở nên hot đến như vậy?
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu học đối phó là gì? Học đối phó chính là học không có mục đích, học chơi chơi, luôn ở trong tư thế bị động, học mà không hiểu bản chất ý nghĩa của mỗi môn học, học không đến nơi đến chốn. Nhiều người họ còn lấy việc học ra chỉ để đáp ứng sự mong muốn và làm hài lòng cha mẹ. Vậy nguyên nhân do đâu mà khiến cho một thế hệ ngày càng ù lì và đối phó trong học tập như thế? Thực chất nguyên nhân đa phần đến từ việc nhận thức trong học tập, các bạn vẫn chưa thấy rõ sự quan trọng của việc học. Các bạn chỉ nghĩ đơn giản là học cho giống với mọi người, thấy mọi người đi học thì mình cũng đi học theo. Họ không hề có sự yêu thích gì, ngược lại họ cảm thấy nó như sự ép buộc khiến cho tâm lí của họ ngày càng ghét với việc học hơn. Những lần lên lớp nghe cô giảng bài thì nghe tai này rồi lọt tai kia, không chịu thấm vào đầu. Hay những lần kiểm tra thì quay cóp đối phó với các thầy cô, không tự thân vận động. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ phía gia đình và thầy cô. Khi mà gia đình bắt ép, kỳ vọng vào con cái của mình quá nhiều khiến họ trở nên áp lực, dần dần lâu ngày sự áp lực ấy chuyển qua trạng thái chán nản, không còn vui vẻ gì khi làm những bài tập hay ho nữa, mà thay vào đó các bạn lại đối phó bằng cách giả vờ học bài nhưng dưới quyển vở có thể là chiếc điện thoại, máy chơi game, hay một quyển truyện nào đó chẳng hạn. Hoặc có thể do thầy cô giao bài tập quá nhiều trong một thời gian ngắn, khiến các bạn làm không kịp rồi lại đối phó bằng cách chép sách giải, hay mượn vở bạn chép,…. Và cứ thế dần dần nó trở thành một thói quen ăn sâu vào tư tưởng của các bạn học sinh. Thực ra, chúng ta cũng không thể đổ lỗi trách các bạn hết được, nguyên nhân cũng một phần là do những người đứng đầu trong ngành giáo dục vẫn chưa có những chiến lược, những biện pháp để cái thiện một môi trường học lí thú, sáng tạo cho các em học sinh. Với cách dạy của bộ giáo dục như bây giờ tôi e rằng tình trạng này vẫn sẽ còn tiếp diễn dài dài. Khi mà học sinh lên lớp chỉ được nghe thầy cô giảng rồi làm bài tập theo, họ không hề có sự trao đổi giữa cô với trò, tạo ra một khoảng cách lớn giữa giáo viên với học sinh, làm cho các em e ngại sợ không dám hỏi thầy cô, thay vào đó các em lại dựa dẫm vào những cuốn bài giải được bán tràn lan trên thị trường.
Bởi những nguyên nhân ở trên đã khiến cho hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến hơn và để lại những tác hại khôn lường không chỉ đối với bản thân, mà còn đối với gia đình và xã hội. Đặc biệt là đối với chính bản thân của mỗi học sinh, bởi lối học bị động, không nắm chắc kiến thức dẫn đến chán nản, kèm theo đó là sự tự ti, xấu hổ, thiếu niềm tin trong học tập. Và một khi đã không tập trung vào việc học rồi thì những người này rất dễ bị các thành phần xấu bên ngoài dụ dỗ, lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, trở thành một người xấu xa trong mắt xã hội. Không những thế còn gây ra nhiều hệ lụy đối với gia đình, khi mà cha mẹ ở nhà lao động vất vả, cố gắng kiếm tiền cho con ăn học đầy đủ thì con mình lại học hành như thế. Thực sự mà nói đối với các bậc phụ huynh mà có những người con như vậy họ cảm thấy vô cùng đau khổ, xấu hổ trước mọi người vì liên tục bị giáo viên chủ nhiệm mời gặp. Thử hỏi họ có còn an tâm làm việc khi con của mình ăn chơi, lêu lỏng như vậy hay không. Ngoài ra, đối với xã hội lại là một vấn nạn gây nhức nhối cho mọi người. Khi việc học qua loa, đối phó sẽ tạo ra những người không có tri thức, bất tài, vô dụng, không giúp gì được cho đất nước, cho xã hội phát triển, mà thay vào đó là những hành động gây bức xúc dư luận, điển hình là dạo gần đây đang xôn xao một vấn nạn đó là cấp bằng giả, những tiến sĩ giấy được báo đài đưa tin hằng ngày. Điều này cho ta thấy rằng việc tha hóa trong giáo dục, đối phó từ trong học tập cho đến ra ngoài xã hội. Thậm chí có những người đường đường là một chủ tịch của một huyện nhưng lại chỉ có mỗi bằng cấp hai, khi điều tra ra thì tá hỏa tất cả bằng cấp chỉ là giả. Thật sự chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ cho những kẻ ăn không ngồi rồi, những kẻ luôn tìm cách để đối phó với những quy chuẩn của xã hội, chỉ có vậy ta mới có thể tạo ra một xã hội văn mình công bằng được.
Chúng ta cần cấp bách có những biện pháp khắc phục tình trạng này. Đầu tiên là bản thân ở mỗi người cần phải có ý thức, trách nhiệm trong việc học tập, học là để mình phát triển, để mình có kiến thức, học để hoàn thiện bản thân trở thành một người có ích cho xã hội, gia đình và bạn bè. Cũng không nên ép bản thân mình vào một khuôn khổ nào đó quá mức, hãy thoải mái tư duy, sáng tạo mọi lúc mọi nơi để chúng ta cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, gia đình cũng không nên ép buộc con em mình lao lực trong học tập, hãy tạo một môi trường cho con cái tự giác học, giúp cho chúng hứng thú trong việc học hơn. Đối với các thầy cô cũng thế, nên giao lượng bài tập vừa phải, thay vào đó nên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp các em tư duy sáng tạo, cũng như rút ngắn khoảng cách giữa cô và trò để các em dễ dàng chia sẻ với các cô nhiều hơn. Từ đó sẽ tạo ra một môi trường học hiệu quả, hạn chế đi tình trạng học đối phó
Việc học là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nên chúng ta cần phải cố gắng trau dồi học tập không chỉ trên ghế nhà trường mà còn bên ngoài xã hội. Chỉ có việc học mới giúp chúng ta thay đổi bản thân và cách nhìn của mọi người đối với mình. Hãy khẳng định vị thế của mình, đừng biến mình thành một gánh nặng cho gia đình và cho xã hội.