Ở bài viết này, VerbaLearn sẽ tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về lòng khoan dung. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo và đồng thời hiểu hơn đức tính đáng học tập này.
Dàn bài nghị luận về lòng khoan dung
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về lòng khoan dung. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về lòng khoan dung – Mẫu 1
Mở bài
+) Giới thiệu vấn đề cần nghị luận lòng khoan dung.
+) Lòng khoan dung chính là biểu hiện cao đẹp nhất phẩm chất nhân hậu, là nền tảng của sự hạnh phúc ở mỗi người, thể hiện một trái tim biết chia sẻ vui buồn, biết yêu thương đồng loại.
+) Lòng khoan dung giúp hóa giải mọi thù hận mang lại tâm hồn thanh thản, thoải mái, tràn ngập niềm vui trong cuộc sống ta sẽ có niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn bao giờ hết.
Thân bài
#1. Giải thích khái niệm lòng khoan dung
+) Lòng khoan dung là phẩm chất đang quý và đáng chân trọng của con người.
+) Khoan dung là biết tha thứ, bao dung, rộng lượng, sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót và sai lầm của người khác và sẵn sàng ra tay giúp đỡ họ vượt qua những lỗi lầm, sai phạm đó để họ có động lực đứng lên sau vấp ngã
+) Khoan dung con được hiểu là biết tha thứ cho chính mình
#2. Biểu hiện lòng khoan dung
Trong quan hệ với mọi người
+) Người có lòng khoan dung luôn sống vui vẻ, thân thiện với mọi người, biết sẻ chia, đồng cảm, có lòng vị tha, độ lượng, bao dung. Biết làm hài lòng người khác, kiềm chế cảm xúc riêng, cái tôi của bản thân
+) Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng cảm thông, tha thứ cho lỗi lầm, sai trái của người khác khi họ biết ăn năn, sửa lỗi.
+) Khi người có sự khoan dung thì sẽ cảm thấy trăn trở, day dứt về những hành động và lời nói, không bao giờ họ làm phương hại đến người khác.
Trong công việc
+) Người luôn đặt mục đích mọi việc làm là vì người khác, vì xã hội. Luôn vì lợi ích chung của mọi người. Đặt lợi ích của mọi người lên trên lợi ích cá nhân
+) Trong công việc tự giác, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, nhận phần khó khăn về mình, không lười biếng, lười nhác. Khi gặp khó khăn biết đứng ra gánh vác trọng trách không sợ thiệt hơn, không so đo, ganh ghét, tính toán,…
+) Chúng ta phải tự giác, nghiêm túc nhìn nhận những sai trái của bản thân. Khi thành công không khoe khoang, tỏ vẻ ta đây, tự đắc, kể công lao, đề cao cái tôi quá mức, phải từ tốn, khiêm nhường
#3. Ý nghĩa của lòng khoan đối với bản thân
+) Có được đức hi sinh, tinh thần xả thân, mới chiến thắng được lòng vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân.
+) Lòng khoan dung giúp ta sống bình an và thanh thản, thư thái trong tâm hồn. Sống bằng lòng khoan dung giúp môi trường sống thân thiện, cuộc sống chung có chất lượng hơn
+) Người có lòng khoan dung được mọi người yêu mến, tôn trọng. Bởi vậy, họ thường được giúp đỡ và dễ thành công trong cuộc sống.
#4. Ý nghĩa của lòng khoan đối với xã hội
+) Lòng khoan dung có thể cảm hóa được người tha hóa, giúp họ tìm lại được niềm tin vào chính mình và trở lại cuộc sống lương thiện. Lòng khoan dung cũng có thể chuyển hóa những hoàn cảnh xấu trở nên tốt đẹp hơn
+) Lối sống khoan dung phù hợp với xu thế của thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa, trên cơ sở hợp tác và chia sẻ.
#5. Bình luận mở rộng.
+) Khoan dung không phải là sự dung túng, bao che những việc làm sai trái, những hành vi gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức của xã hội.
+) Không bao dung, rộng lượng một cách mù quáng, chỉ tha thứ cho những ai biết nhận ra sai trái lỗi lầm và làm lại cuộc đời. Chứ không tha thứ cho những người liên tiếp mắc lỗi, liên tiếp phạm lỗi lầm đó đi ngược lại với sự khoan dung ta dành cho họ, họ sẽ ỷ lại và không có giác ngộ, ta chính là người gián tiếp dung túng họ tiếp tục phạm lỗi
+) Phê phán những lối sống vô cảm, thờ ơ, ích kỷ, và những người lợi dụng lòng khoan dung của mọi người để mà thực hiện những mưu đen tối, làm mối nguy hại cho xã hội cần phải lên án.
+) Phê phán những lối sống ích kỷ, chỉ biết lợi ích cho bản thân, phê phán lối sống thực dụng, sợ bị thiệt thòi.
#6. Dẫn chứng
Nêu dẫn chứng thông qua các câu ca giao:
+) “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
+) Lòng khoan dung độ lượng biểu hiện phong cách sống, đức tính của chủ tịch Hồ Chí Minh
#7. Rút ra bài học cho bản thân
+) Mỗi người hãy học cách tha thứ, bao dung lỗi lầm, sai trái của người khác để cho họ cơ hội sửa sai và làm lại cuộc đời.
+) Hãy mở lòng mình, hãy lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn của họ để động viên giúp họ sớm vượt qua. Động viên, khuyến khích hỗ trợ họ khắc phục hậu quả mà họ đã gây ra.
Kết bài
+) Tóm lại, lòng khoan là một phẩm chất đạo đức cao quý, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Lòng khoan dung là sự chấp nhận những lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho mình, khi đó chúng ta biết tha thứ cho người khác
+) Chính vì vậy, để cuộc sống tươi đẹp và giàu tình người hơn. Mỗi chúng ta hãy sống một cách chân thành, luôn bao dung và độ lượng, giàu lòng khoan dung với những người xung quanh.
Dàn bài nghị luận về lòng khoan dung – Mẫu 2
Mở bài
+) Giới thiệu về lòng khoan dung
Thân bài
+) Lòng khoan dung là gì? Lòng khoan dung chính là lòng rộng lượng của con người, luôn có thể tha thứ cho người khác mà không áp đặt, không trừng phạt, không khắt khe với người phạm lỗi
+) Bác Hồ chúng ta cũng đã từng nói “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái”: Lòng khoan dung không chỉ là tuyên truyền về đức tính mà sâu xa hơn nó còn là chính sách của Bác dùng để đánh bại các âm mưu chia rẽ của kẻ thù
+) Khoan dung được biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh như sống vị tha, có lòng nhân ái, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người khác
+) Học được cách khoan dung mọi việc đều được giải quyết một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn, đặc biệt là chúng ta sẽ cảm nhận được sự an yên và thanh thản.
+) Cuộc sống này quá khắc nghiệt, luôn tồn tại sự đố kị, ghen ghét nên vì thế lòng tham, sự hơn thua đã biến con người ta trở thành những người ích kỷ
+) Lòng khoan dung giúp cho chúng ta sống một cuộc sống lạnh mạnh và dễ chịu hơn.
Kết bài
+) Khẳng định lại lòng khoan dung là một đức tính tốt đẹp, nó cần được lưu giữ cho các thế hệ sau này
Nghị luận về lòng khoan dung – Mẫu 1
Dân tộc Việt Nam ta từ xưa tới nay luôn tồn tại những phẩm chất đạo đức cao đẹp và việc đào tạo phẩm chất đạo đức, nhân cách được cha ông ta rất đề cao và lưu truyền gìn giữ cho đến hôm nay. Đức tính được nhắc đến là sự khoan dung là một phẩm chất đáng quý mà con người có được. Không có gì cao thượng bằng lòng khoan dung. Biểu hiện cao đẹp nhất của đức tính nhân hậu, rộng lượng, có trái tim biết yêu thương sẻ chia niềm vui nỗi buồn với mọi người. Lòng khoan dung giúp hóa giải mọi thù hận mang lại tâm hồn thanh thản, thoải mái, tràn ngập niềm vui trong cuộc sống ta sẽ có niềm hạnh phúc trọn vẹn hơn bao giờ hết.
Thế nào là lòng khoan dung ? Biểu hiện lòng khoan dung thể hiện như thế nào? Khoan dung là một thuật ngữ mà chắc hẳn nhiều người cũng đã nghe và sử dụng cụm từ này khá thường xuyên và phổ biến.
Lòng khoan dung là phẩm chất đang quý và đáng chân trọng của con người. Khoan dung là biết tha thứ, bao dung, rộng lượng, sẵn sàng bỏ qua những thiếu sót và sai lầm của người khác và sẵn sàng ra tay giúp đỡ họ vượt qua những lỗi lầm, sai phạm đó để họ có động lực đứng lên sau vấp ngã. Khoan dung con được hiểu là biết tha thứ cho chính mình. Cuộc sống sẽ trở nên vô vị nếu chúng ta chỉ biết sống ích kỷ, chỉ biết lợi ích của riêng mình. Nhưng chắc chắn một điều cuộc sống sẽ tươi đẹp, vui vẻ, hạnh phúc hơn khi trong tiềm thức tâm hồn của mình có lòng vị tha, độ lượng và lòng khoan dung.
Lòng khoan dung có ý nghĩa to lớn và sâu sắc biểu hiện qua cách cư xử rộng lòng vị tha, đầy lòng nhân ái của con người. Hành động đó luôn được giáo dục trong những trang sách được dạy dỗ chúng ta từ khi còn nhỏ, mang những phẩm chất cao đẹp, những chuẩn mực đạo đức mà con người luôn hướng đến.
Sự khoan dung biểu hiện rõ nét qua các mối quan hệ xã hội. Người có lòng khoan dung thì luôn sống vui vẻ, hòa đồng thân thiện với mọi người và biết sẻ chia đồng cảm và rộng lòng vị tha, độ lượng. Người khoan dung luôn biết làm hài lòng người khác, biết kiềm chế cảm xúc riêng và cái tôi cá nhân. Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng cảm thông, tha thứ cho lỗi lầm, sai trái của người khác khi họ biết ăn năn, sửa lỗi. Khi người có sự khoan dung thì sẽ cảm thấy trăn trở, day dứt về những hành động và lời nói, không bao giờ họ làm phương hại đến người khác. Trong công việc họ luôn biết đặt lợi ích cá nhân mình ở sau, luôn nghĩ cho lợi ích của tập thể, xã hội, vì lợi ích chung. Họ ý thức, tự giác trong công việc, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, nhận phần khó về mình và không lười nhát. Khi gặp khó khăn biết đứng ra gánh vác trọng trách không sợ thiệt hơn, không so đo, ganh ghét, tính toán,…Chúng ta phải tự giác, nghiêm túc nhìn nhận những sai trái của bản thân. Khi thành công không khoe khoang, tỏ vẻ ta đây, tự đắc, kể công lao, đề cao cái tôi quá mức, phải từ tốn, khiêm nhường.
Trường hợp trong tập thể có thành viên bị vi phạm, kỷ luật, làm điều sai trái, thay vì lên án, phê phán gay gắt, tỏ vẻ dè bỉu, nói nặng lời làm tổn thương tới lòng tự trọng của họ thì chúng ta phải ra tay giúp đỡ, tạo điều kiện, trao cơ hội cho họ sửa sai lỗi lầm. Những hành động đó là thể hiện lòng vị tha, bao dung. Tyler Perry đã từng nói rằng: “ Khi bạn không tha thứ cho một ai đó, tức là bạn đang quay lưng lại với tương lai của mình. Khi bao dung, lòng vị tha , điều đó có nghĩa là bạn đang tiến về phía trước”. Thực vậy, trong cuộc sống này nhiều bộn bề lo toan, với biết bao điều xảy ra với mình mà mình không thể lường trước được, có những chuyện buồn, phiền muộn, trải qua những khung bậc cảm xúc khác nhau như sợ hãi, giận dữ, điên cuồng,…thì chính lòng bao dung, rộng lượng và sự vị tha là điều vô cùng cần thiết để chúng ta có thể cân bằng lại cuộc sống, để tâm hồn thanh thản và dễ chịu hơn. Lòng khoan dung là biết tha thứ những lỗi lầm của người khác đối với mình, sẵn sàng bỏ qua những sai phạm, là cho họ một cơ hội sửa sai, bao dung không chỉ đối với người khác mà chính là bản thân mình. Lòng khoan dung rất cần thiết với cuộc sống mỗi người. Bằng lòng nhiệt huyết, tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng góp phần xây dựng quê hương. Chính sự bao dung, lòng vị tha đầy nhân ái với xu thế của thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa, trên cơ sở hợp tác và chia sẻ.
Lòng khoan dung có ý nghĩa và đóng vai trò to lớn trong quá trình hình thành nhân cách, đạo đức ở mỗi người. Những ai có đức hi sinh, tinh thần xả thân mới chiến thắng được lòng vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân. Qua đó, giúp chúng ta sống bình an, tâm hồn thanh thản, thư thái, sống bằng lòng khoan dung giúp môi trường sống thân thiện, cuộc sống chung có chất lượng hơn. Những ai có lòng khoan dung, lòng nhân ái, rộng lượng thì sẽ được mọi người yêu mến, tôn trọng dễ dàng gặt hái những thành công trong cuộc sống. Xã hội ngày nay rất cần những người rộng lòng khoan dung bởi lẽ khoan dung có thể cảm hóa được những người đã bị tha hóa, giúp họ tìm lại được niềm tin vào chính mình và trở lại với cuộc sống lương thiện, giúp chuyển hóa những hoàn cảnh xấu trở nên tốt đẹp hơn. Có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, hãy khoan dung nếu có thể. Điều đó tốt cho bạn và tốt cho mọi người. Khi bạn sống khoan dung, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn so với những gì bạn nghĩ. Với bản thân tôi, sống khoan dung giúp tôi thanh thản hơn. Lối sống khoan dung phù hợp với xu thế thời đại mới, thời đại toàn cầu hóa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ và hướng tới lối sống chân thiện mỹ
Các bạn biết đó làm người lương thiện và khoan dung là vô cùng đáng quý. Nhưng các bạn hãy nhớ một điều lương thiện một cách mù quáng sẽ là ngốc nghếch, khoan dung rộng lượng không có giới hạn sẽ là người vô độ. Làm người không nên quá rộng lượng, người ta vừa khóc bạn đã cho qua đi quá khứ, người ta yêu cầu bạn thì bạn liền đáp ứng. Như vậy sớm muộn gì họ cũng lợi dụng bạn. Làm người đừng quá dễ tính, đừng tốt bụng khoan dung một cách không kiểm soát không phân biệt đúng sai. Trong mối quan hệ giữa người với người thì chung sống cùng nhau cần sự chân thành, thật thà và ta có mức độ nhìn người về nhân cách và tấm lòng để thể hiện sự khoan dung đúng chỗ, hợp tình hợp lý. Chính vì thế, chúng ta phải phân biệt rõ ràng và phải thật sáng suốt và biết đặt lòng khoan dung đúng chỗ. Khoan dung không phải là sự dung túng, bao che những việc làm làm sai trái, những hành vi gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Không bao dung, rộng lượng một cách mù quáng, chỉ tha thứ cho những ai biết nhận ra sai trái lỗi lầm và làm lại cuộc đời, không tha thứ cho những người liên tiếp mắc lỗi, liên tiếp phạm lỗi lầm đó đi ngược lại với sự khoan dung mà ta dành cho họ, họ sẽ ỷ lại và không có giác ngộ, ta chính là người gián tiếp dung túng họ tiếp tục phạm lỗi. Ví dụ cho việc đặt lòng khoan dung không đúng, chẳng hạn khi bạn chơi rất thân với một người bạn trong lớp và bạn nghĩ đó là sự bao dung, bao bọc giúp đỡ bạn trong học tập, bạn ra tay thi hộ hay làm hộ bài tập, gian dối thi cử, dối cô thầy đó không phải là điều tốt mà bạn đang dung túng bao che và tiếp nối sự sai lầm của bạn mình và chính bạn cũng làm sai theo. Làm như thế, có thể khiến bạn mình tránh khỏi phải chịu trách nhiệm lần này, nhưng đâu thể che giấu cho nhau được mãi. Chỉ ra cho bạn điểm sai, để sửa sai, ấy mới là giúp bạn. Có những người giúp bạn làm bài tập, để bạn được điểm cao khi cô kiểm tra vở, nhưng lần sau, nếu cô gọi lên bảng làm bài, thì người ấy làm sao làm hộ bạn mình được nữa. Điều cần làm là phải giúp bạn hiểu bài và tự mình làm được bài, thế mới là giúp bạn.
Ngoài ra, chúng ta phải biết phê phán những lối sống vô cảm, thờ ơ, ích kỷ, chỉ biết lợi ích cho bản thân, phê phán lối sống thực dụng, sợ bị thiệt thòi và những người lợi dụng lòng khoan dung của mọi người để mà thực hiện những âm mưu đen tối, làm mối nguy hại cho xã hội cần phải lên án.
Cha ông ta từ xưa có những câu ca dao tục ngữ rất hay và được lưu truyền cho đến ngày nay thể hiện nổi bật lòng khoan dung, nhân ái.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Ông cha ta đâu chỉ đang nhắc chuyện bầu, chuyện bí. Câu ca dao còn mang thông điệp nhân văn về lòng thương người, nhân ái, bao dung. Vậy thế hệ tiếp nhận bài học đó có còn hiểu và thực thi lòng khoan dung trong cuộc sống đúng cách? Ba chữ “lòng khoan dung” rất dễ hiểu. Khoan dung là sự rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm, sự khoan dung vị tha, biết đùm bọc, che chở, thậm chí hi sinh lợi ích cá nhân cho một điều gì đó xứng đáng. Đây là một đức tính tốt đẹp của mỗi người.
Nhắc đến sự khoan dung độ lượng không ai là không biết đến vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Cả một cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột. Người là biểu tượng sáng ngời về lòng nhân ái, vị tha mà mỗi chúng ta tự hào suốt đời học tập và noi theo. Lòng khoan dung, nhân ái của Người dành cho tất cả mọi thành phần từ già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược… kể cả những người “lầm đường lạc lối”. Bác còn thể hiện tấm lòng nhân ái vị tha, khoan dung, nhân hậu đối với những người lầm đường lạc lối. Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác. Nhưng thế này thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ ”. Có thể thấy, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại nhưng rất đỗi chân phương, bình dị ai cũng có thể học tập và có thể làm theo để hoàn thiện mình và trở thành người tốt, hướng tới chân thiện mỹ. Có thể nói, bài học về lòng yêu thương, sự khoan dung độ lượng của Bác vẫn luôn nguyên vẹn đối với mỗi chúng ta, nhất là sự khoan dung, giúp đỡ đối với những người lầm đường, lạc lối. Sự cảm hóa sẽ dần giúp cho mỗi người cảm nhận cuộc sống xung quanh mình luôn tốt đẹp góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định an ninh trật tự.
Một tấm lòng bao dung độ lượng sẽ được mọi người rất yêu quý và tôn trọng, phẩm chất này đã xuất hiện từ rất lâu trong con người Việt Nam, nó được tích lũy trong cuộc sống và mang một ý nghĩa tạo dựng nên niềm tin và mang những ý nghĩa giáo dục trong cuộc sống và những ý nghĩa trong con người của chúng ta hành động của những con người đó mang ra những điều tuyệt vời và ý nghĩa của nó không chỉ tác động đến mỗi người mà còn làm nên những công trạng quan trọng sự vị tha, sự khoan dung yêu thương con người cần phải xuất phát từ tâm đó mới là những điều đáng quý và đáng tôn trọng chúng ta cần phải hiểu được tại sao chúng ta cần phải có được những điều đó trong bản thân mình, có như vậy niềm yêu thương vào cuộc sống này của chúng ta mới được dâng lên, nó tạo dựng niềm tin yêu và những phẩm chất thực sự đáng quý sâu sắc.
Mỗi người hãy học cách tha thứ, bao dung lỗi lầm, sai trái của người khác để cho họ cơ hội sửa sai và làm lại cuộc đời. Hãy mở lòng mình, hãy lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn của họ để động viên giúp họ sớm vượt qua. Động viên, khuyến khích hỗ trợ họ khắc phục hậu quả mà họ đã gây ra. Sống khoan dung bạn sẽ thấy được rằng thứ tha là đức tính cần có của mỗi người. Rèn luyện nó từ những việc nhỏ nhất thì bạn sẽ thấy được rằng bản thân mình trưởng thành lên rất nhiều từ việc học tập và rèn luyện đức tính này. Thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần có một cái nhìn bao dung, độ lượng và biết thứ tha đối với người xung quanh. Có như vậy bản thân mới thấy được rằng tha thứ không phải là không thể, dù lỗi lầm đó có lớn thế nào, vì qua đó bản thân sẽ thấy thanh thản hơn rất nhiều. Thực vậy, lòng khoan dung, độ lượng đối với mỗi người trong cuộc sống là điều cần thiết phải có. Hãy rèn luyện nó hằng ngày để hoàn thiện nhân cách đạo đức cho bản thân.
Tóm lại, lòng khoan là một phẩm chất, đạo đức cao quý, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Lòng khoan dung là sự chấp nhận những lỗi lầm mà người khác đã gây ra cho mình, khi đó chúng ta biết tha thứ cho người khác. Chính vì vậy, để cuộc sống tươi đẹp và giàu tình người hơn. Mỗi chúng ta hãy sống một cách chân thành, luôn bao dung và độ lượng, giàu lòng khoan dung với những người xung quanh các bạn nhé!
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về lòng khoan dung – Mẫu 2
Trong cuộc sống đầy màu sắc luôn tồn tại rất nhiều đức tính tốt đẹp, con người chúng ta từ khi sinh ra đến khi lớn lên đều có trong mình những đức tính ấy và theo năm tháng chúng ta gom nhặt từng chút một để trở thành một người hoàn hảo. Trong số nhiều đức tính cần phải học hỏi như lòng khiêm tốn, sự giản dị, sự chia sẻ, lòng biết ơn,…. chúng ta không thể không nhắc đến lòng khoan dung. Mặc dù nó không bao hàm tất cả các đức tính nhưng nếu bạn muốn sống một cuộc sống yêu thương thì nó là thứ không thể thiếu ở một con người
Trước hết để hiểu hơn về đức tính này, chúng ta cần phải hiểu lòng khoan dung là gì? Lòng khoan dung chính là lòng rộng lượng của con người, luôn có thể tha thứ cho người khác mà không áp đặt, không trừng phạt, không khắt khe với người phạm lỗi. Những người có lòng khoan dung họ luôn biết cách thông cảm cho người khác, cũng như sẵn sàng tha thứ khi người đó biết nhận lỗi và sửa sai. Khoan dung ở đây không phải là sự nhút nhát hèn hạ, mà nó chính là bản lĩnh của người biết thấu hiểu, biết lắng nghe. Chỉ khi chúng ta học được cách khoan dung thì chúng ta mới cảm thấy cuộc sống này thật ý nghĩa
Lòng khoan dung là một đức tính truyền thống tốt đẹp của ông bà ta từ ngày xưa, Bác Hồ chúng ta cũng đã từng nói “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng bác ái” lòng khoan dung luôn được Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong mỗi lần dự sự kiện, nó không chỉ là tuyên truyền về đức tính mà sâu xa hơn nó còn là chính sách của Bác dùng để đánh bại các âm mưu chia rẽ của kẻ thù, chính sách này đã cảm hóa được nhiều nhân sĩ trí thức có tên tuổi, kể cả các quan lại cao cấp của chế độ cũ, một lòng một dạ đi theo cách mạng và kháng chiến, không quản ngại gian khổ, hy sinh. Và để làm được điều này Bác vẫn luôn nhắc nhở chúng ta phải vượt qua những thiên kiến, hẹp hòi “Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu”. Quả thật, lòng khoan dung nó biểu hiện lòng yêu thương sâu sắc đối với con người, nó có thể biến một người xấu trở thành người tốt, khi chúng ta luôn đặt niềm tin vào nhau thì dù cho đó là lỗi lầm nhất thời ta cũng sẽ vui vẻ bỏ qua cho nhau.
Khoan dung được biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh như sống vị tha, có lòng nhân ái, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người khác. Chỉ cần nhìn hành động của một người thôi cũng đủ nói lên họ có phải là một người có lòng khoan dung hay không. Đúng vậy, trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp xảy ra, ít nhiều gì trong số chúng ta cũng đều gặp phải, thậm chí là đã trải qua nó. Điển hình là bản thân tôi từng gặp một câu chuyện về lòng khoan dung, đó là vào một hôm tôi đi uống nước với bạn tôi, chúng tôi gọi nước từ sớm, nhưng vì quán khá đông nên nước ra hơi muộn. Tôi và bạn tôi đang ngồi nói chuyện thì bỗng có một bạn bồi bàn bưng nước đến với vẻ mặt buồn bã, khó chịu. Lúc ấy tôi có thốt lên rằng: “Sao mặt nhìn cứ lầm lầm ra vậy, không nở được nụ cười hay sao? Phục vụ như vậy bữa sau ai dám uống nữa”. Nghe tôi nói thế cậu ta không nói gì ngoảnh mặt đi vô, thực sự lúc ấy tôi cảm thấy rất tức giận vì thái độ của cậu bồi bàn ấy. Mãi đến khi gặp được chủ quán tôi có phản ánh lại thì chị chủ quán nói rằng: “Mẹ cậu ấy mới mất được ba ngày, bố thì bỏ đi từ lúc còn nhỏ, do nhà nghèo nên cậu ấy phải đi làm nhiều việc để nuôi hai em nhỏ ở nhà, có thể do áp lực công việc, cộng với việc mẹ mất nên cậu ấy mới biểu hiện như vậy” nghe xong câu chuyện bỗng dưng tôi chững lại và cảm thấy có lỗi vì những lời nói vô tâm của mình, lúc ấy tôi chợt nhận ra rằng đôi khi chúng ta cần phải biết được sự thấu hiểu, cảm thông cho mọi người, vì đơn giản sẽ không ai là hoàn hảo cả, có thể vì những lí do khách quan nào đó mà họ không làm việc tốt được. Nên nếu có thể chúng ta hãy mở lòng, đừng quá khắt khe mà vô tình làm tổn thương người khác.
Lòng khoan dung đòi hỏi sự rộng lượng, chúng ta phải học cách tha thứ cho những lỗi lầm, nói thì đơn giản thế thôi nhưng nó là cả một quá trình va chạm để ta thấy được rằng đôi khi có những lúc sự kiêu căng, cố chấp sẽ khiến con người ta mất đi những mối quan hệ tốt đẹp. Thay vào đó ta có thể trao cho nhau những niềm tin, bỏ qua mọi lỗi lầm để cùng nhau vẽ nên một bức tranh màu hồng cho cuộc sống. Không những thế, khi học được cách khoan dung mọi việc đều được giải quyết một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn, đặc biệt là chúng ta sẽ cảm nhận được sự an yên và thanh thản.
Chúng ta hãy tự đặt cho mình một câu hỏi rằng tại sao lòng khoan dung tốt đẹp đến thế mà vẫn còn nhiều người không có đức tính đó. Thực chất, không phải vì họ không có mà là vì họ không muốn, có thể vì cuộc sống này quá khắc nghiệt, luôn tồn tại sự đố kị, ghen ghét nên vì thế lòng tham, sự hơn thua đã biến con người ta trở thành những người ích kỷ, chỉ biết tìm cớ bắt lỗi người khác, thậm chí họ có thể vì đồng tiền mà đạp đổ nhau, lòng dạ lúc nào cũng hẹp hòi. Vì vậy, những người này thường luôn phải sống trong sự cô đơn, chỉ khi họ gặp phải những bài học đáng giá về sự tha thứ thì may ra họ mới có sự thay đổi về tư tưởng của mình. Dẫu vậy, chúng ta vẫn nên tin tưởng rằng ở đâu đó vẫn còn rất nhiều người có tấm lòng khoan dung. Nhiệm vụ của chúng ta là lan tỏa đức tính tốt đẹp ấy đến với thật nhiều người, hãy hành động bằng cả tấm lòng và trái tim thì ắt từ từ bạn sẽ cảm hóa được họ.
Mọi thứ sinh ra không phải ngày một ngày hai đều có thể hình thành được, lòng khoan dung cũng vậy nó cần có sự rèn luyện thường xuyên. Chúng ta cứ hãy sống cởi mở ra một chút, cư xử với mọi người một cách chân thành nhất có thể, hãy tôn trọng tất cả mọi người mọi vật đang tồn tại trên thế giới này. Đặc biệt hơn hết chúng ta cần phải biết kiềm chế cảm xúc của mình ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tránh làm tổn thương người khác khi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, hãy tha thứ cho những người biết được lỗi sai của mình ở đâu, bởi vì khi bạn tha thứ cho họ tức là bạn đang giúp họ mở ra được cánh cửa bế tắc
Lòng khoan dung mang một ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống. Nó giúp cho chúng ta sống một cuộc sống lạnh mạnh và dễ chịu hơn. Thậm chí nhờ có lòng khoan dung mà các mối quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên khăng khít, gắn bó với nhau hơn. Khi mà chúng ta cùng nhau gạt đi hết những lỗi lầm, sự đố kị thì chúng ta sẽ tự cảm thấy lòng mình được nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Không những thế nó còn tạo ra một năng lượng để chúng ta lan tỏa đến với tất cả mọi người về sự mới mẻ và tuyệt vời nhất.
Chung quy lại lòng khoan dung là một đức tính tốt đẹp, nó cần được lưu giữ cho các thế hệ sau này. Hy vọng mười lăm hai mươi năm năm nữa dân tộc ta vẫn giữ nguyên tinh thần giàu lòng bác ai như vậy. Để khi đi ra các nước khác trên thế giới ta có thể tự hào nói rằng chúng ta là một người Việt Nam giàu lòng khoan dung, chỉ cần bạn muốn giúp đỡ thì chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng mở rộng cánh tay để giúp đỡ mọi người.