Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi, giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo.
Dàn bài nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn ý nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề nghị luận hiện tượng xả rác bừa bãi
- Xã hội hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường, làm biến đổi khí hậu toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa cuộc sống của toàn nhân loại.
- Một trong những hiện tượng gây tác động đến hậu quả to lớn đó là xả rác bừa bãi nơi cộng, sự thiếu ý thức trong suy nghĩ và hành động của con người đã gây nên những tác động xấu.
Thân bài
#1. Biểu hiện
- Hiện tượng vứt, xả rác bừa bãi ra nơi công cộng đang diễn ra ngày càng nhiều bởi một số người vô ý thức, không giữ gìn vệ sinh chung trong cộng đồng.
- Hiện tượng xả rác bừa bãi diễn ra ở nông thôn lẫn thành thị nêu ví dụ cụ thể TP Hồ Chí Minh bị ngập nước do rác thải.
- Trên xe khách, trong rạp chiếu phim, bờ hồ, ao, sông suối, hay bờ biển bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hiện tượng xả rác bừa bãi
- Những địa điểm du lịch nổi tiếng vào những dịp lễ tết, người dân các nơi tập trung đông đúc để đi nghỉ dưỡng, vui chơi thì phải hứng chịu số lượng rác thải rất lớn do sự thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, gây cản trở cho những bộ phận lao công hay những người làm công việc thu gom rác thải, rồi làm mất cảnh quan du lịch, có cái nhìn không đẹp về những hành động không đẹp đó.
#2. Nguyên nhân chủ quan
- Thói quen lâu đời, sự thiếu hiểu biết.
- Do sự thiếu ý thức không có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ môi trường.
#3. Nguyên nhân khách quan
- Có thể do nhiều nơi chưa phân bổ vị trí để thùng chứa rác hợp lý. Có khi một công viên lớn vậy mà chỉ để một hay hai thùng rác thì nhiều người có thói quen lười đi lại và họ sẽ ngang nhiên vứt rác ra nơi công cộng
- Việc xử phạt chưa nghiêm khắc, chưa răn đe được hành động vô ý thức đó
#4. Tác hại
- Việc vứt xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước sạch, làm trái đất toàn cầu nóng lên, hiện tượng băng tan ngày càng nhiều gây hậu quả thiên tai lũ lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người.
- Gây bệnh tật, dịch bệnh, vi khuẩn vi rút hoành hành
- Hệ thống cống rãnh bị tắc nghẽn vì mỗi khi trời mưa rác thải sẽ chặn lối thoát nước, gây ngập úng diện rộng.
- Ảnh hưởng đến cảnh quan, thẩm mỹ vốn có, vẻ đẹp nước biển trong xanh, hồ ao, sông suối, biển cả trong suốt thay vào đó là sự biến dạng, sự phá hủy do vô ý thức, thiếu trách nhiệm thản nhiên xả rác của người dân.
- Hình ảnh rác thải sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của những bạn bè quốc tế nếu có cơ hội đi du lịch tại Việt Nam, họ sẽ có những đánh giá không tốt về ý thức của dân tộc ta qua hành động xả rác bừa bãi ở nơi công cộng.
#5. Biện pháp khắc phục hậu quả
- Chúng ta cần phải xử lý mùi hôi, tránh các vấn đề xả rác nơi công cộng bằng việc đưa ra khẩu hiệu viết bằng bản cứng tuyên truyền ghi những nơi, tụ điểm du lịch, công viên, nơi công cộng mà tập trung đông người.
- Đưa ra những hình phạt nghiêm khắc hơn về việc xử lý các anh vi cố chấp, cố ý vi phạm
- Nâng cao ý thức cộng đồng, đặc biệt là các bậc học mầm non, tiểu học. Nhằm xây dựng thế hệ tương lai có ý thức tốt đối với môi trường.
- Tổ chức các chương trình dọn dẹp vệ sinh, chủ nhật xanh hoặc các chương trình phân loại rác tại nguồn.Tổ chức chiến dịch 3R là Reuse: tái sử dụng, Reduce: giảm thiểu, Recycle: tái chế nhằm giúp người dân hiểu được nguy cơ ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường và ngăn chặn kịp thời.
#6. Bình luận, mở rộng vấn đề nghị luận
- Xả rác bừa bãi là hành động vô ý thức, không có trách nhiệm, thiếu văn hóa đáng bị lên án và phê phán, cần có những quy định để xử lý những hành vi cố ý không chấp hành giữ gìn vệ sinh công cộng.
- Hiện tượng xả rác là hành động chưa có ý thức bảo vệ môi trường sống của toàn nhân loại, không biết giữ gìn và không có ý thức bảo vệ văn hóa sanh, sạch đẹp của dân tộc
- Mỗi con người tự rèn luyện, tự giác, có ý thức, tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, tránh những hậu quả xấu của biến đổi khí hậu.
- Nhà nước tăng cường các biện pháp hiệu quả nhất trong việc thu gom, xử lý rác thải để tránh những hậu quả dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sống của người dân.
- Có thể liên hệ dẫn chứng về lối sống sạch sẽ ở đất nước Nhật Bản, Singapore và Đan Mạch tấm gương sáng cho toàn thể dân tộc ta noi theo.
Kết bài
- Khẳng định việc bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp là việc tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội
- Mỗi người có ý thức bảo vệ và giữ môi trường sống xung quanh chúng ta, hãy tự tạo lập ý thức vứt rác đúng nơi quy định, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, không còn rác thải.
Dàn ý nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu 2
Mở bài
- Trong xã hội đang có rất nhiều vấn đề trong đó vấn đề rác thải đang là vấn đề rất được mọi người quan tâm.
Thân bài
#1. Thực trạng xả rác bừa bãi
- Xả rác bừa bãi là một hành động vô ý thức của con người
- Thực trạng xả rác bừa bãi đe dọa nặng nề đến môi trường sống
- Xả rác khi đi du lịch, ở nơi công cộng
- Con người tiện đâu vứt rác ở đó, không quan tâm có thùng rác hay không
#2. Nguyên nhân
- Ý thức của con người kém
- Nơi đó ít thùng rác hoặc thùng rác đã đầy
- Việc xử phạt hành vi vi phạm này chưa được thích đáng
#3. Hậu quả
- Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí
- Gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm
- Mất mỹ quan môi trường sống, thắng cảnh hay điểm du lịch
- Ảnh hưởng đến môi trường sống của cả động vật và thực vật, khiến động thực vật kém phát triển, thậm chí là chết.
- Việc thu gom rác khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn.
- Tạo cho con người những ý thức kém trong cuộc sống.
#4. Biện pháp
- Nâng cao ý thức của bản thân và những người xung quanh
- Tổ chức các biện pháp thu gom rác cùng mọi người
- Tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm môi trường cho mọi người xung quanh.
- Tố cáo các hành vi làm ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường xung quanh.
- Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định.
Kết bài
- Rác thải là thứ không thể không có trong cuộc sống này nhưng chỉ cần mỗi người có ý thức hơn, không xả rác bừa bãi nữa thì cuộc sống của con người sẽ ngày càng văn minh hơn.
Dàn ý nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu 3
Mở bài
+) Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng xả rác bừa bãi.
Thân bài
1. Giải thích
+) Là thói quen xấu khó bỏ của nhiều người, xả rác bao gồm các sản phẩm chất thải đã qua sử dụng, các phế liệu không dùng đến nữa.
+) Từ các loại rác nhỏ như chai lọ, ly nhựa, bao bì thực phẩm giấy gói, bìa các tông, rác thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
+) Rác lớn: Lốp xe, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, máy móc, dụng cụ gia đình, rác thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, khu chiết xuất.
2. Biểu hiện
+) Bất cứ nơi nào cũng có thể có rác: trên những bãi cỏ, hàng cây, lề đường vỉa hè, ở những bờ biển khu du lịch, trong trường học, đô thị thành phố, các dịp lễ hội, địa điểm đông người, cơ quan, nhà hàng,…
+) Việt Nam là một trong năm quốc gia có rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất nhưng lại ít được tái chế: rác thải từ các hoạt động sinh sống, lao động của con người hằng ngày rất nhiều, khó kiểm soát.
+) Nguyên nhân:
– Do ý thức giữ gìn vệ sinh chung của một bộ phận dân cư còn kém, lối suy nghĩ ích kỷ hẹp hòi chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân.
– Do hiệu ứng đám đông, những người thờ ơ vô cảm khi chứng kiến mà lại không lên tiếng, vì thói quen lâu ngày “ tiện đâu vứt đó ”.
+) Các cơ quan nhà nước, nhà quản lý chưa có nhiều biện pháp xử lý nghiêm minh, triệt để.
+) Hậu quả:
– Rác thải làm môi trường sống bị ô nhiễm, nảy nở nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
– Không khí ẩm mốc, đại dương sông hồ bị vẩn đục đen ngòm, cá tôm sinh vật chết hàng loạt.
– Làm mất mỹ quan thành phố, đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh của một Việt Nam tươi đẹp, ngành du lịch kém phát triển, kinh tế suy giảm
– Gây ách tắc cầu cống, tốn kém nhiều chi phí, tiền bạc công sức để xử lí dọn dẹp vì khả năng phân hủy của rác thải là rất lâu.
+) Biện pháp:
+ Sử dụng những sản phẩm, vật liệu thân thiện, lành mạnh với môi trường: ống hút làm từ giấy,…
+ Phân loại rác để dễ dàng xử lý và tái chế, rèn luyện nhắc nhở bản thân và mọi người vứt rác đúng chỗ đúng nơi.
+ Đẩy mạnh việc giáo dục, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của mỗi người.
+ Thành lập các câu lạc bộ, các đội tình nguyện viên thường xuyên quét dọn, thu gom, lượm nhặt rác thải.
+ Có những luật lệ, xử phạt nghiêm khắc như lao động công ích, phạt tiền.
3. Bình luận
+) Lên án những hành động không có ý thức ở nơi công cộng.
+) Xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm, không chấp hành đúng luật lệ.
4. Bài học cá nhân
+) Tuyên truyền mọi người hãy giữ gìn môi trường sống của chính mình.
+) Luôn có ý thức với gia đình và xã hội về việc xả rác thải sao cho đúng nơi, hợp vệ sinh.
+) Có trách nhiệm với những việc mình làm, không trốn tránh.
Kết bài
+) Kêu gọi mọi người chung tay hành động, vứt rác đúng nơi quy định vì một hành tinh xanh- sạch- đẹp.
+) Nêu ra bài học nhận thức và hành động.
Văn mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu 1
Xã hội hiện nay, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường, làm biến đổi khí hậu toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đe dọa cuộc sống của toàn nhân loại. Một trong những hiện tượng gây tác động đến hậu quả to lớn đó là xả rác bừa bãi nơi cộng, sự thiếu ý thức trong suy nghĩ và hành động của con người đã gây nên những tác động xấu.
Môi trường thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người, vậy mà con người trực tiếp ra tay phá hoại “ngôi nhà thân thương” của mình một cách vô ý thức. Môi trường thiên nhiên gắn bó mật thiết với con người, vậy mà con người trực tiếp ra tay phá hoại “ngôi nhà thân thương” của mình một cách vô ý thức. Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, vấn đề rác thải đang xuất hiện rất nhiều trong xã hội gây ô nhiễm môi trường và làm biết bao sinh vật chết vì rác. Trong đó vấn đề bức bách nhất là xả rác ra đường hoặc nơi công cộng. Dù nông thôn hay thành thị thì hiện tượng này diễn ra tương đối phổ biến. Ở các vùng nông thôn chưa có bãi rác tập trung nên nhiều người dân xử lý bằng cách đốt, khói mù mịt gây ô nhiễm không khí, hít vào sẽ dễ gây các bệnh viêm đường hô hấp cấp. Hoặc có nhiều người vứt rác ra các kênh rạch, sông suối, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện tượng xả rác xảy ra ở thành phố nơi tập trung dân cư đông đúc, người dân thường thản nhiên vô tư vứt rác ra ngoài, vứt trên vỉa hè, đường phố, công viên,… Đặc biệt thành phố lớn là Hồ Chí Minh, mỗi khi mưa lớn nước tràn lên khu dân cư ngập lên đến đầu gối, ô nhiễm môi trường. Khu vực cầu Sa có chợ tự phát người dân buôn bán gà xả chất thải xuống rạch càng làm cho ô nhiễm trầm trọng. Mặc dù xã đã tăng cường tuyên truyền, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp xả rác xuống kênh rạch và ra môi trường nhưng nhiều người vẫn lén lút đổ rác vào đêm khuya. Khi vào quán ăn, nhà hàng có thùng rác được bố trí ở từng bàn ăn thuận tiện cho việc bỏ rác đúng chỗ, nhưng nhiều người lại ngang nhiên vứt giấy ăn hoặc tăm ra ngoài, mặc kệ chủ quán hay bồi bàn nhắc nhở mà họ vẫn vô ý thức xả rác ra nền nhà. Khi đến quán nước, một số bạn trẻ hút thuốc hay ăn kẹo cao su đều có gạt tàn để bỏ vào nhưng hình như không ai nhìn thấy nên gạt tàn thì vẫn sạch sẽ còn sàn nhà thì lại đầy những điếu thuốc cùng với những bã kẹo cao su dính trên sàn gây mất thẩm mỹ và gây khó khăn cho việc dọn vệ sinh của chủ quán. Không những thế, thật nguy hiểm khi vứt thuốc bừa bãi mà không chịu dập tắt thuốc lá trước khi vứt thì có thể gây cháy nhà hoặc tàn thuốc sẽ bay vào người khác. Cũng dễ chứng kiến cảnh người ngồi trên xe gắn máy vứt giấy gói thức ăn hay ném vỏ hộp sữa họ mới vừa uống xong ra bên hai đường. Dễ dàng bắt gặp trên xe khách, xe bus trong rạp chiếu phim, bờ hồ, ao, sông suối, hay bờ biển hiện tượng xả rác bừa bãi. Cũng như vậy với tình trạng người ngồi trên xe ô tô, nhất là xe buýt, xe du lịch, người ta cũng vứt rác ra đường qua cửa sổ hay thậm chí còn khạc nhổ ngay trên xe, khi họ vứt vậy lỡ như vô ý trúng những người xe máy đi trên đường gây cản trở giao thông mất vệ sinh đường phố. Hoặc những gia đình sinh sống dọc hai bên đường, hoặc gần biển, sông suối đều mang túi rác ra đường, ra sống suối vứt. Đơn giản như đi du lịch biển Vũng Tàu khi ít người du lịch thì mặt biển xanh sạch, trên bờ biển không có một túi rác nào nhưng khi dịp lễ thì người dân đổ về nơi đây nghỉ dưỡng thì hiện tượng rác dọc trên bờ biển là rất nhiều, cứ nhiều người xả không có người dọn kịp thì ta thấy ý thức người dân ta là kém như thế nào. Vì thế, mới có hành động người nước ngoài đã âm thầm gom từng cọng rác, túi ni lông mà người dân xả ra thì ta thấy được ý thức của người nước ngoài là tốt như thế nào và làm bài học đáng quý cho dân tộc ta, chúng ta phải chạnh lòng vì thua ý thức một người ngoại quốc trong khi đất nước, môi trường sống của mình còn không có ý thức giữ gìn và bảo vệ.
Ngoài ra vấn đề rác thải ni lông đang là vấn đề nan giải được xã hội quan tâm nhiều. Các bạn thử ước tính xem hằng ngày mình đi siêu thị hay đi chợ mua thực phẩm về chế biến thức ăn, những túi bì ni lông đựng cá, rau thịt thì một người đã vứt biết bao nhiêu là rác thải nilon được biết là chất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Nếu như chúng ta không có kiến thức, không có sự hiểu biết về tác hại của rác thải ni lông độc hại thì ta ngang nhiên vứt ra ngoài cộng động thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề như thế nào. Nhà nước ta đang tăng cường nghiên cứu ra các biện pháp để xử lý rác nilon khó phân hủy để góp phần giữ gìn môi trường một cách hiệu quả và triệt để nhất.
Những địa điểm du lịch nổi tiếng vào những dịp lễ tết, người dân các nơi tập trung đông đúc để đi nghỉ dưỡng, vui chơi, hoặc những ngôi đền, chùa chiền người dân các nơi đổ về để cầu bình an mỗi dịp tết thì những nơi này lại chịu số lượng rác thải rất lớn do sự thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Những hành động vô ý thức đó gây cản trở cho những bộ phận lao công hay những người làm công việc thu gom rác thải, rồi làm mất cảnh quan du lịch, có cái nhìn không đẹp về những hành động không đẹp đó.
Hiện tượng xả rác bừa bãi xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan khác nhau. Nguyên nhân chủ quan có thể là sự thiếu hiểu biết hoặc do thói quen đã hình thành từ lâu, ý thức bảo vệ môi trường trở nên xa lạ với nhiều người. Hầu như một số người Việt Nam có thói quen vứt xả rác ra môi trường vì họ nghĩ đó không phải là nhà họ, không phải nơi họ sinh hoạt và sự ỷ lại xả thì có người ở sau dọn. Nếu có dơ thì cũng không có chết người nên họ xem nhẹ việc ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều người có ý thức giữ gìn môi trường nhưng khi đi chung tập thể hoặc những nơi mà nhiều người đều xả rác nên họ không muốn mình bị kỳ thị vì bị nói là thể hiện người có văn minh văn hóa ra vẻ. Họ không bảo vệ chính kiến và hành động của mình mà góp ý hay phê phán mà còn hành động sai như số đông. Từ trong gia đình cha mẹ có thức nuôi dạy, hướng dẫn tập cho con trẻ có thói quen bảo vệ không vứt rác bừa bãi ngay từ khi còn nhỏ, chứ nuông chìu, không nhắc nhở con mình khi thấy con ăn uống bỏ rác không đúng nơi quy định mà vẫn mặc kệ thì góp phần tạo thói quen không tốt và những hành động sai lệch về sau. Nguyên nhân khách quan tác động đến những hành động vô ý thức, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường là chưa có hành động nhắc nhở, xử phạt hay đưa ra những quy định khung hình phạt xử lý nghiêm minh những hành vi gây hại môi trường, không có biện pháp răn đe, khắc phục triệt để vấn nạn xả rác bừa bãi, thay đổi thói quen xấu này của số đông người dân hiện nay. Có thể do nhiều nơi chưa phân bổ vị trí để thùng chứa rác hợp lý. Có khi một công viên lớn vậy mà chỉ để một hay hai thùng rác thì nhiều người có thói quen lười đi lại và họ sẽ ngang nhiên vứt rác ra nơi công cộng. Nhiều người sẽ có suy nghĩ vứt rác bừa bãi thì cũng tiện lợi hơn là phải đi tìm và bỏ rác vào thùng. Đây là thời điểm để một thói quen khác dần hình thành. Ngoài ra, cũng do vì trong thành phố chúng ta có quá ít thùng rác hay thùng rác chỉ được đặt ở những con phố lớn, nhiều người qua lại, còn khi khi cần vứt rác trên những con phố nhỏ, các công viên nhỏ, con đường nhỏ thì lại không có thùng rác. Chính vì vậy, sẽ khiến cho thói quen không tốt này ngày càng tăng cao bởi nhiều người lấy cớ đó để xả rác mà không ai nói gì không ai trách gì vì điều kiện giữ vệ sinh công cộng mà không tạo không bố trí thùng rác hợp lý thì chúng tôi có quyền vứt rác chứ thời gian đâu mà để đem rác về nhà bỏ.
Như vậy, hiện tượng xả rác bừa bãi gây ra những hậu quả gì? Phải làm gì đã khắc phục những hậu quả đó?
Xả rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước sạch, nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân, là nguyên nhân làm trái đất toàn cầu nóng dần lên và hiện tượng băng tan diễn ra ngày càng nhiều, mực nước biển tăng cao gây hiện tượng động đất sóng thần, hậu quả thiên tai lũ lụt, ảnh hưởng trực tiếp đe dọa cuộc sống toàn nhân loại.
Gây dịch bệnh lây lan, tạo điều kiện cho vi khuẩn vi rút tồn tại, mang mầm bệnh nguy hiểm đến với con người. Hệ thống kênh rãnh, ống cống bị tắc nghẽn mỗi khi trời mưa to thì lượng nước nhiều đổ về các cống để thoát nước nhưng do rác thải đã làm chặn các lối thoát và gây úng, ngập lụt trên diện rộng. Cụ thể, thời gian qua, rác thải luôn là đề tài nóng ở TP Hồ Chí Minh đang bàn về vấn đề cấp thoát nước vào mùa mưa nhưng kết quả chưa được như mong muốn, cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Rác vẫn được xả khắp nơi từ trung tâm thành phố đến vùng ngoại ô, từ trên bờ đến dưới sông, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, tắc dòng chảy…
Hiện tượng xả rác nơi công cộng ảnh hưởng đến cảnh quan, thẩm mỹ vốn có, vẻ đẹp nước biển trong xanh, hồ ao, sông suối, biển cả trong suốt thay vào đó là sự biến dạng, sự phá hủy do vô ý thức, thiếu trách nhiệm thản nhiên xả rác của người dân. Hình ảnh rác thải sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của những bạn bè quốc tế nếu có cơ hội đi du lịch tại Việt Nam, họ sẽ có những đánh giá không tốt về ý thức của dân tộc ta qua hành động xả rác bừa bãi ở nơi công cộng.
Hiện tượng xả rác bừa bãi gây ra những hậu quả nặng nề ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của tất cả chúng ta. Vì vậy cần có những biện pháp khắc phục hậu quả một cách triệt để nhất. Chúng ta cần phải xử lý mùi hôi, tránh các vấn đề xả rác nơi công cộng bằng việc đưa ra khẩu hiệu viết bằng bản cứng tuyên truyền ghi những nơi, tụ điểm du lịch, công viên, nơi công cộng mà tập trung đông người. Đưa ra những hình phạt nghiêm khắc hơn về việc xử lý các anh vi cố chấp, cố ý vi phạm. Tổ chức các chương trình dọn dẹp vệ sinh, chủ nhật xanh hoặc các chương trình phân loại rác tại nguồn, tổ chức chiến dịch 3R là Reuse: tái sử dụng, Reduce: giảm thiểu, Recycle: tái chế nhằm giúp người dân hiểu được nguy cơ ảnh hưởng của việc ô nhiễm môi trường và ngăn chặn kịp thời. Nâng cao ý thức cộng đồng, đặc biệt là các bậc học mầm non, tiểu học. Nhằm xây dựng thế hệ tương lai có ý thức tốt đối với môi trường.
Xả rác bừa bãi là hành động vô ý thức, không có trách nhiệm, thiếu văn hóa đáng bị lên án và phê phán, cần có những quy định để xử lý những hành vi cố ý không chấp hành giữ gìn vệ sinh công cộng. Hiện tượng xả rác là hành động chưa có ý thức bảo vệ môi trường sống của toàn nhân loại, không biết giữ gìn và không có ý thức bảo vệ văn hóa sanh, sạch đẹp của dân tộc. Mỗi con người tự rèn luyện, tự giác, có ý thức, tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, tránh những hậu quả xấu của biến đổi khí hậu. Nhà nước tăng cường các biện pháp hiệu quả nhất trong việc thu gom, xử lý rác thải để tránh những hậu quả dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sống của người dân. Chúng ta cùng học hỏi những lối sống giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp của các quốc gia nổi tiếng như Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch,…Singapore đứng thứ 4 trong danh sách tốp 10 quốc gia đắt đỏ nhất thế giới nhưng vẫn là điểm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch trên toàn thế giới với những công trình kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp hiện đại pha lẫn sự đa dạng trong văn hóa đặc trưng là môi trường xanh-sạch mà không nơi nào có được, tấm gương sáng cho toàn thể dân tộc ta noi theo. Không ai lạ lẫm với những cụm từ hay biển báo cấm “Không xả rác bừa bãi” hay “Hãy bỏ rác vào thùng!” “Nói không với rác thải nhựa”,…tại những nơi công cộng như công viên, bệnh viện, trường học,… là được xem là những câu nói đi vào tiềm thức của mỗi người vì sự lặp đi lặp lại mà ai cũng dễ dàng nhận thấy và ghi nhớ. Nhưng không phải ai cũng có ý thức, tự giác làm theo. Nhiều người cho rằng hành động xả rác là thói quen khó thay đổi, Thiết nghĩ, thói quen được chủ động hình thành trong mỗi người. Từ lúc bắt đầu đi học ở trường mầm non, các em học sinh đã được cô giáo dạy giữ gìn vệ sinh cá nhân, để vật dụng ngăn nắp, bỏ rác vào thùng thì không việc gì những người lớn thanh niên lại không có ý thức như những đứa trẻ.Việc xả rác nơi công cộng cũng là do những người ích kỉ, chỉ biết lo cho bản thân mà không biết đến cộng đồng nên đừng đưa ra bất cứ sự biện hộ nào cho hành động thiếu ý thức, xả rác bừa bãi. Ý thức thói quen tốt cần phải được gìn giữ và phát huy đừng để môi trường bên ngoài hay hành vi số đông làm ảnh hưởng, lung lay bản thân mình hãy luôn giữ chính kiến bảo vệ môi trường vì đó là hành động đẹp đáng được khen ngợi và được mọi người tôn trọng.
Tóm lại, việc bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp là việc tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội. Mỗi người có ý thức bảo vệ và giữ môi trường sống xung quanh chúng ta, hãy tự tạo lập ý thức vứt rác đúng nơi quy định, cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, một đất nước không còn rác thải, nhằm xây dựng phát triển kinh tế bền vững. đồng thời bảo vệ sức khỏe của thế hệ trẻ mai sau, bảo vệ trái đất thân yêu của chúng ta.
Văn mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu 2
Hiện nay thế giới đang gặp phải rất nhiều vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến đời sống của cả xã hội như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường. Trong đó ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất được mọi người quan tâm và việc xả rác bừa bãi là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện nay.
Xả rác bừa bãi là một hành động vô ý thức của con người. Ngay cả khi có thùng rác ở bên cạnh nhưng con người vẫn thản nhiên xả rác ngay xuống dưới chân chỗ mình đứng hay ngồi. Xả rác bừa bãi khiến rác có ở khắp nơi, không cần quan tâm chỗ này là chỗ nào, thùng rác có ở đâu mà cứ tiện tay là vứt rác xuống đất.
Thực trạng xả rác bừa bãi hiện nay khá phổ biến và đe dọa nặng nề đến môi trường sống không chỉ của con người mà còn của động vật hoang dã. Khi đi du lịch, khách du lịch không cần quan tâm rằng đây là nơi công cộng mà cứ thẳng tay xả rác xuống nơi mà họ đến du lịch, nào là vỏ chai nước, vỏ đồ ăn, trái cây,…. Rác thải có những thứ phân hủy được thì chỉ gây ô nhiễm một thời gian ngắn nhưng những loại rác thải không thể phân hủy như túi nilon hay vỏ chai nhựa thì nó sẽ gây hậu quả nặng nề. Ngay cả khi đi du lịch trên biển, nhiều người không có ý thức vẫn thản nhiên vứt rác xuống biển hay sông hồ,… Hay thậm chí khi đi xe buýt thì con người vẫn có thể xả rác ngay trên xe buýt được, không quan tâm hay để ý gì đến mọi người xung quanh. Nhiều nơi bị ô nhiễm nặng nề, rác thải có ở khắp mọi nơi, động vật bị ảnh hưởng nặng nề do rác thải như khi ăn phải hay khi bị mắc phải mà phải sống như vậy cả đời.
Xả rác bừa bãi là một trong những hành động của con người tự hủy hoại môi trường sống của mình. Nguyên nhân của hành động này rất đa dạng và đến từ phía con người là chủ yếu. Ý thức con người kém, không quan tâm đến môi trường xung quanh mà cứ thản nhiên xả rác ở bất cứ đâu mà họ đến. Dù có thùng rác hay không thì họ vẫn không quan tâm vì theo thói quen là cứ tiện đâu vứt đó. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng rác thải ngày càng ô nhiễm. Bên cạnh đó, nhiều nơi vẫn còn thiếu thùng rác khiến cho con người không tìm thấy thùng rác thì việc xả rác bừa bãi diễn ra thường xuyên hơn, dù có người không cố ý nhưng vì bất đắc dĩ mà họ phải làm như vậy. Hay việc thùng rác không được dọn dẹp đổ rác thường xuyên, thùng rác luôn trong tình trạng đầy ắp và không thể bỏ thêm rác vô được cũng khiến con người không thấy chỗ nào thích hợp để bỏ rác và tình trạng vứt rác bừa bãi diễn ra. Thêm vào đó, việc xử phạt việc xả rác bừa bãi chưa được chú ý, hay xử phạt còn nhẹ khiến con người không ý thức được và không biết sợ. Nhiều nơi chưa có hình thức xử phạt việc xả rác thích đáng, hay chỉ nhắc nhở khiến con người không để tâm về hành động đó.
Xả rác bừa bãi khiến cho môi trường xung quanh ô nhiễm, nhìn đâu cũng thấy rác thải. Mùi hôi thối từ những bãi rác bốc lên khiến cho môi trường không khí bị ảnh hưởng. Con người tiếp xúc với tình trạng này thường xuyên có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như viêm phế quản, thậm chí là ung thư, hay làm lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. Đây là hậu quả nặng nề nhất mà ô nhiễm môi trường gây ra cho con người. Rác thải còn khiến cho môi trường sống của con người mất mỹ quan, các khu du lịch sinh thái toàn rác thải khiến cho những nơi đó không còn là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nữa. Con người mỗi khi nghĩ đến đi du lịch thì đều nghi ngại về tình trạng rác thải ở đó. Và việc những khách du lịch xả rác xuống sông, hồ hay biển vô tình khiến cho động thực vật ở đó bị ảnh hưởng. Có rất nhiều hình ảnh những động vật trên biển vì bị nuốt phải những túi nilon mà không thể phát triển được hay thậm chí là chết dưới biển. Động thực vật bị rác thải đè lên bị biến dạng hay không thể phát triển được. Việc xả rác bừa bãi như vậy cũng khiến cho công tác thu gom rác thải khó khăn hơn khi phải điều động nhiều nhân công, rác thải nhiều nơi nên việc thu gom mất nhiều thời gian hơn, như vậy việc thu gom rác tốn kém thời gian và tiền bạc hơn rất nhiều. Xả rác bừa bãi cũng là một hành động xấu, khiến cho người khác đánh giá thấp con người về những hành động đó. Nó tạo cho con người một thói quen xấu trong cuộc sống, không biết quý trọng môi trường sống của mình. Đặc biệt trong xã hội ngày càng văn minh hiện đại như hiện nay thì con người càng cần phải quý trọng môi trường sống của mình khi mà xã hội càng hiện đại thì mức ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều hơn.
Con người muốn sống khỏe mạnh lâu dài trong cuộc sống thì cần phải bảo vệ môi trường sống này hơn. Để làm được điều đó, con người chúng ta có rất nhiều những biện pháp. Đầu tiên, là một con người sống trong xã hội này mỗi con người cần có ý thức riêng để bảo vệ môi trường sống chung. Khi đi du lịch dù ở đâu đi chăng nữa thì con người nên bỏ rác đúng nơi quy định, nếu nơi đó không có thùng rác thì cũng không nên vứt rác ra môi trường mà nên gom lại và tìm chỗ bỏ rác đúng nơi quy định. Thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho mọi người xung quanh về tác hại của rác thải và nâng cao ý thức về bỏ rác đúng nơi quy định. Tổ chức các hoạt động cùng mọi người thu gom rác thải tại địa phương nơi mình sinh sống. Khi bắt gặp tình trạng xả rác bừa bãi, mọi người không nên có thái độ thờ ơ mà phải khuyên giải hay thậm chí lên án nghiêm khắc đối với họ. Xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm để làm gương cho mọi người. Có nhiều biện pháp nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người, muốn xã hội văn minh hơn thì mỗi người ý thức hơn một chút thì xã hội chắc chắn sẽ ít hơn những tình trạng như vậy.
Rác thải là thứ không thể không có trong cuộc sống này nhưng chỉ cần mỗi người có ý thức hơn, không xả rác bừa bãi nữa thì cuộc sống của con người sẽ ngày càng văn minh hơn.
Văn mẫu nghị luận về hiện tượng xả rác bừa bãi – Mẫu 3
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại và phát triển không ngừng, con người càng có cuộc sống tốt đẹp sung túc hơn. Họ dùng trí thông minh của mình để cố gắng làm giàu, vơ vét bóc lột, tàn phá tự nhiên và đồng loại, dành lấy mọi tiện nghi, vật chất cho mình. Họ dùng tiền của mua sắm hàng hóa vật phẩm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cần thiết xong rồi lại đi xả rác bừa bãi. Một lần nữa lại gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên, môi trường xung quanh chúng ta.
Thật đáng buồn là hiện tượng xả rác bừa bãi ngày càng trở nên phức tạp và nhức nhối. Khi đi dạo trong công viên, có thể không còn có không gian xinh đẹp, trong lành như trước nữa mà thay vào đó là những loại rác thải nằm ngổn ngang hiện ngay trên mặt đất. Nhiều người còn thẳng tay xả, vứt rác xuống hồ nước, bồn hoa, dọc các con đường, bên cạnh các khu vui chơi siêu thị,… mặc dù xung quanh đó đều có thùng rác. Có một thực tế phũ phàng rằng hiện tượng tiêu cực này đã trở thành một thói quen xấu khó bỏ đối với nhiều người dân. Việc xả rác bao gồm các sản phẩm chất thải đã qua sử dụng, các phế liệu không được loại bỏ phân chia đúng cách, không có sự đồng ý của ai nhưng con người vẫn tiện đâu bỏ đó tại những địa điểm bất kì. Từ các loại rác nhỏ như lon nhôm, ly giấy, bao bì nilon, giấy gói thức ăn nhanh, bìa hộp các tông, chai nhựa hay cho đến những loại rác lớn và nguy hiểm như lốp xe, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, đồ dùng điện tử, máy móc dụng cụ, pin, rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nhà máy, rác từ những hoạt động sinh hoạt hàng ngày… Dưới những bãi cỏ xanh mướt, những hàng cây tỏa bóng mát là thế nhưng chúng ta vẫn bắt gặp được những hình ảnh vỏ lon nước, hộp sữa, những bịch rác xung quanh đầy ruồi nhặng, côn trùng. Đứng trước những bờ biển thơ mộng với cát vàng mây trắng sóng vỗ không thôi, ta làm sao có thể chấp nhận được cảnh tượng những thức ăn, đồ uống dư thừa của người dân, du khách tham quan thì vứt bỏ bánh kẹo, bao bì, ống hút lung tung dọc cát vũng vịnh, đầm phá, những lối đi trên vỉa hè, lề đường…Thật kinh khủng! Nói đâu xa ngay trong các trường học, sau mỗi tiết “những chiến lợi phẩm” của học sinh như giấy loại, vỏ đồ ăn nhanh, chai nước, hộp xôi lại nằm chễm chệ trong những học bàn, các bạn thường ăn uống xong rồi nhanh chóng tiện tay vứt qua cửa sổ, góc lớp, vườn hoa sân thể dục, dọc các hành lang, khi thùng rác cách đó không xa nhưng vì bản tính cẩu thả vội vàng chuẩn bị cho giờ học mới. Việt Nam là một trong năm quốc gia có khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất thế giới với 1.8 triệu tấn hàng năm. Ước tính, cứ 60 giây trôi qua lại cho một triệu chai nhựa được con người trên thế giới sử dụng và ban tặng ra ngoài môi trường nhưng chỉ có 9% là được tái chế lại, 12% thì đem đi đốt và 79% thì được chôn cất hoặc vứt đi trực tiếp. Bạn có biết mặt hàng nào là được xả rác nhiều nhất trên trái đất? Đó là tàn thuốc lá với 4.5 nghìn tỷ được loại bỏ mỗi năm. Đặc biệt là sau các dịp lễ hội, những ngày nghỉ lớn hoặc ở các nơi tập trung đông người, mật độ đô thị hóa cao thì lượng rác thải phát sinh ra khá nhiều và khó có thể kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng đáng báo động này không bỏ qua bất cứ nơi nào, ngay cả ở những miền quê thuần phác, ít cư dân hơn cũng dần xuất hiện dấu hiệu của sự ô nhiễm, bởi con người có thể xả rác bừa bãi ở mọi nơi mọi lúc, thậm chí là ở những địa điểm công cộng chung như: Bệnh viện, rạp chiếu phim, cơ quan, trên xe buýt, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khu sinh thái,… Quá trình sống và lao động sản xuất của con người hàng ngày tạo ra vô vàn các loại rác thải. Nếu không có quy trình xử lý kịp thời và hợp lý sẽ gây ra những tác hại vô cùng nặng nề đến môi trường sống. Nhưng làm thế nào để hạn chế, giảm thiểu được tình trạng xả rác bừa bãi? Đó là cả một vấn đề vô cùng bất cập đáng lo ngại. Thực tế cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh chung của một bộ phận dân cư còn kém. Nhà cửa của mỗi người thường được quét dọn, thu gọn tươm tất, họ không bao giờ vứt rác bừa bộn trong gia đình mình nhưng lại thường có ý định thu gọn lại để đem xả ra ngoài đường, họ chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích cá nhân miễn sao cho không gian xung quanh sạch sẽ còn môi trường bên ngoài kia thì không cần quan tâm. Có thể thấy việc xả rác không đúng nơi quy định xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan của mỗi người, nói cách khác cũng là do nguyên nhân thiếu hiểu biết, chưa có ý thức bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất. Đa phần đều là những thanh thiếu niên nhưng cũng không ít những người lớn mắc phải, một người xả rác thì nhiều người khác lại xả theo, cứ như thế theo hiệu ứng đám đông rồi hình thành thói quen “đi đến đâu, xả rác đến đó”. Ngay cả con nít khi nhìn thấy những hành động của người lớn thì trong bộ não đã ghi nhớ được hình ảnh đó cứ như vậy khi trẻ đang phát triển sẽ hình thành những thói quen tật xấu ngay từ khi còn nhỏ. Còn có những người chứng kiến nhưng không hề lên tiếng phê phán, thản nhiên tiếp tay cho những hành vi xấu hủy hoại chính môi trường sống. Việc nâng cao, giáo dục nhận thức cho con trẻ, cho tất cả mọi người con chưa thực sự tốt. Ai cũng có suy nghĩ đơn giản: “một ít rác vứt ra đường có gì đâu”, “chỉ là tiện thể thôi không cố ý”. Với những suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ như vậy ngày nay chúng ta đang sống trên chính những đống rác do mình xả ra. Tiếp theo, là do các cơ quan, các nhà chức trách chưa có nhiều hình thức xử phạt nặng, chưa chú ý quan tâm răn đe thường xuyên đối với những đối tượng xả rác vô tội vạ này.
Rồi tất cả những hậu quả về sau đều do bắt nguồn từ thói quen tay xả rác bừa bãi, sự chây lười thiếu ý thức và ích kỉ, nhỏ nhen. Chính bản thân mình là thủ phạm gây nên hiện tượng tiêu cực này và cứ mãi tiếp nối thói xấu cho thế hệ con em về sau. Cứ mỗi ngày trôi qua, có gần 400 người chết vì môi trường sống bị ô nhiễm, mất vệ sinh bởi rác thải, con người tránh làm sao cho khỏi bệnh tật về hô hấp tiêu hóa truyền nhiễm. Bởi khi thiên nhiên bị tàn phá, vấy bẩn, ô nhiễm sẽ là điều kiện thuận lợi cho các loài vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở, bởi chính những bịch rác mà mỗi người vứt ra ngoài nếu không được xử lý thu gom kịp thời sẽ là mầm mống của những căn bệnh hiểm nghèo nguy hiểm. Không khí xung quanh thì bốc lên mùi hôi tanh, ẩm mốc, đại dương bao la cũng không ngừng kêu cứu, những dòng sông mát lành nơi sinh sống của đám bèo cỏ dại thì giờ đây lại trở thành địa bàn trú ngụ của những bao túi nilon, màng bọc thực phẩm, những bao tải to chứa đầy rác bẩn nổi lềnh bềnh cùng với những con cá chết trắng cả một mặt nước đen sánh, hàng trăm ngàn sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Cảnh quan môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những rác thải mà người vứt đi tưởng chừng nhỏ bé nhưng không mà thay vào đó là rất to lớn và nghiêm trọng cực kỳ đến chính con người chúng ta. Cảnh quan của thành phố thành phố, đô thị, làng quê, không gian sống từ đó mà trở nên xấu xí bẩn thỉu, lấy mất đi vẻ đẹp thẩm mỹ, hoang sơ vốn có của mẹ thiên nhiên. Không những thế, rác thải còn là một nguyên nhân gây ùn tắc cầu cống, dẫn đến đường xá chìm trong ngập lụt vào mùa mưa, phải tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí, tiền bạc để chúng ta dọn dẹp vệ sinh lại. Tác động xấu đến ngành du lịch, hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp sạch sẽ không còn trọn vẹn trong mắt bạn bè quốc tế năm châu, đẩy lùi sự phát triển kinh tế và tiến trình hội nhập của đất nước ta. Ai trong chúng ta cũng biết về tác hại to lớn của rác thải thế nhưng không phải người nào cũng biết giật mình nhìn nhận lại và ngay lập tức có ý thức về vấn nạn này. Con người chỉ mất 1 giây để vứt rác nhưng phải mất đến 500-1000 năm để dần phân giải và tiêu hủy chúng. Vậy làm sao để rác thải ấy trở thành tài nguyên có thể tái tạo lại được và phục vụ cho cuộc sống? Nhưng biết là xả rác bừa bãi là hành vi xấu và ảnh hưởng đến chính con người chúng ta, nhưng cũng thật đáng buồn rằng ngày càng hiện đại thì đối với những người những cá nhân tổ chức vẫn cố ý và không có ý thức với những hành động và việc làm của mình. Những người này rất đáng để cho xã hội lên án, phê phán một cách quyết liệt, với những cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường thì việc xử phạt nghiêm minh là điều vô cùng thích đáng. Chính vì những con người không có ý thức như vậy cũng làm ảnh hưởng đến trực tiếp tới môi trường và cũng làm ảnh hưởng đến những người luôn biết bảo vệ môi trường sống của mình. Ví dụ khi nơi mình ở đang trong lành nguồn nước sạch sẽ ngọt tự nhiên, thì bỗng dưng có một công ty đến xây dựng và sản xuất xả rác thải bừa bãi chồng chất lên nhau, ruồi nhặng hôi thối ra ngoài môi trường đất, xả khói đen có mùi thì thử nghĩ xem liệu chúng ta có để cho công ty cứ hoạt động trong khi mình là người chịu ảnh hưởng trực tiếp, về sau khiến cơ thể bị mắc bệnh. Đúng là chỉ cần một người không có ý thức cũng làm cho tất cả mọi người bị ảnh hưởng theo. Vậy nên mỗi người cần phải hành động ngay từ bây giờ, sử dụng những chất liệu, đồ dùng, vật phẩm thân thiện như ống hút, cốc nước bao bì được làm bằng giấy, thay thế nguyên liệu từ thiên nhiên như ống tre để đựng nước thay thế cho nhựa các sản phẩm chai thủy tinh, bình đựng nước bằng kim loại, tiến hành phân loại rác để dễ dàng xử lý và tái sử dụng, một mẩu giấy nhỏ cũng phải cần rèn luyện thói quen bỏ vào đúng nơi quy định, biết nhắc nhở, khuyên bảo bạn bè, người thân, mọi người có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thành lập các câu lạc bộ, các đội thanh niên tình nguyện thường xuyên quét dọn, lượm nhặt rác vụn, xịt khuẩn. Phát hiện và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vứt rác bừa bãi. Hiện nay, một số nước cũng đã có các biện pháp là hình thức xử phạt lao động công ích rất phổ biến hoặc là phạt tiền rất lớn. Cùng nhau lên tiếng, phê phán đối với các tệ nạn hành động “Bạ đâu vứt đó”, vì nghĩ rằng ở đó có sẵn rác rồi, mình chỉ tiện tay “để đây” thôi. Một quốc gia, thành phố, trường học, một con người muốn phát triển thì điều kiện tiên quyết đó chính là ý thức bảo vệ môi trường, loại bỏ hiện tượng xả rác, tự nghĩ ra các giải pháp, biện pháp cụ thể để bảo vệ màu xanh- sạch- đẹp cho cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nói chung lại khi ta có mặt và hiện diện trên trái đất này, vốn dĩ mẹ thiên nhiên đã ra đời trước vì vậy mà chúng ta cần phải có ý thức với những suy nghĩ, việc làm, hành động của mình để trở nên tốt đẹp hơn.
Tổ quốc Việt Nam xanh ngát
Có sạch đẹp mãi được không?
Điều đó tùy thuộc vào hành động của bạn
Chỉ có chính bạn mà thôi!
Hiện nay xung quanh chúng ta có rất nhiều thùng xanh với dòng chữ “Hãy cho tôi rác”, hành động bỏ rác vào đúng nơi quy định thể hiện việc làm của một người có ý thức tốt, văn minh. Ai trong chúng ta cũng mơ ước có một môi trường sống trong lành vì vậy hãy chung tay hành động vì một hành tinh sạch đẹp nhé!