Bài viết này, VerbaLearn sẽ tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về tệ nạn xã hội. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo cũng như có cái nhìn tổng quan hơn về tệ nạn xã hội hiện nay.
Dàn bài nghị luận về tệ nạn xã hội
Tổng hợp các dàn ý chi tiết và tổng hợp cho đề bài nghị luận về tệ nạn xã hội. Việc lập dàn ý sẽ giúp cho bài viết logic hơn, tránh được tình trạng thiếu ý, lặp ý hoặc sai đề. Đây là một bước bắt buộc trong quá trình viết văn nghị luận xã hội nói riêng và các thể loại văn học khác nói chung.
Dàn bài nghị luận về tệ nạn xã hội ở địa phương em – Mẫu 1
Mở bài
+) Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Tệ nạn xã hội ở địa phương
Thân bài
#1. Trình bày khái niệm về tệ nạn xã hội
+) Tệ nạn xã hội bao gồm những hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống và xã hội.
+) Khái quát về các tệ nạn xã hội phổ biến ở địa phương hiện nay như: Tệ nạn uống rượu bia, hút thuốc lá, cờ bạc, ma túy, mại dâm,…
#2. Nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội
+) Do nhà nước thực hiện chính sách mở cửa để thu hút các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nên đây cũng là cơ hội để cho các loại tệ nạn có cơ hội du nhập vào nước ta.
+) Do bản thân chúng ta còn ham chơi, thích đua đòi, không làm chủ được suy nghĩ và hành động của bản thân. Nhận thức còn hạn chế,…
+) Gia đình thiếu quan tâm đến con em mình,…
+) Bị bạn bè lôi kéo, rủ rê,…
+) Nhiều người không có việc làm dẫn đến chán nản
+) Hệ thống văn bản pháp lý còn nhiều bất cập, hạn chế
#3. Hậu quả của tệ nạn xã hội
+) Ảnh hưởng đến bản thân
+) Ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS , các bệnh về tim mạnh,…
+) Ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp
+) Dễ vi phạm pháp luật như vì cần có tiền tiêu xài mà đi ăn trộm, ăn cắp,…
+) Tha hóa về nhân cách, đạo đức, có lối sống không lành mạnh
+) Không làm chủ được bản thân, không kiểm soát được hành vi của chính mình,…
+) Ảnh hưởng đến gia đình
+) Gia đình rơi vào cảnh khó khăn về kinh tế: nợ nần chồng chất, tán gia bại sản vì ma túy, cờ bạc,…
+) Hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, nhiều gia đình con mất bố mẹ, em mất anh, vợ mất chồng,…
+) Bị xã hội kỳ thị, xa lánh khi có người dính đến tệ nạn xã hội như ma túy,…
+) Ảnh hưởng đến xã hội
+) Làm gia tăng tình hình tội phạm hình sự
+) Gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội
#4. Đối với bản thân mỗi người cần phải làm gì?
+) Không ngừng học tập nâng cao hiểu biết cho bản thân
+) Không ăn chơi, đua đòi theo các bạn khác, không học những thói hư tật xấu
+) Luôn nêu cao tinh thần cảnh giác không để bản thân bị đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê.
+) Luôn tránh xa các tệ nạn xã hội
+) Tuyên truyền cho người thân, bạn bè hiểu về các tệ nạn xã hội và hậu quả của chúng
#5. Đối với gia đình cần phải làm gì?
+) Cần quan tâm hơn nữa đối với con em mình
+) Giáo dục, định hướng tương lai cho con mình
+) Dạy dỗ, quán triệt những cái đúng cái sai, việc gì nên làm và không nên làm giúp con em mình có được những nhận thức đúng đắn.
#6. Đối với nhà trường cần phải làm gì?
+) Mở các lớp học, buổi ngoại khóa giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em về tệ nạn xã hội và tác hại của các tệ nạn xã hội.
+) Tạo các sân chơi lành mạnh để cho các em có thể phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân.
+) Phối hợp với gia đình trong công tác quản lý và giáo dục học sinh.
#7. Đối với xã hội
+) Đẩy mạnh vai trò của công tác tuyên truyền và phương pháp vận động quần chúng nhân dân trong công tác ngăn ngừa, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội hiện nay.
#8. Cơ quan nhà nước
+) Cần phải hoàn thiện bộ máy, hệ thống các văn bản pháp luật để nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu xót còn tồn tại.
+) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn đấu tranh với các loại tội phạm tệ nạn xã hội, triệt phá những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.
+) Cần có những biện pháp xử lý mạnh tay, cứng rắn để răn đe là bài học cảnh tỉnh cho những người khác.
Kết bài
+) Khái quát lại vấn đề cần nghị luận và rút ra bài học cho bản thân.
Dàn bài nghị luận về tệ nạn xã hội ở địa phương em – Mẫu 2
Mở bài
+) Xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề được qua tâm, trong đó tệ nạn xã hội là vấn đề cấp thiết và phổ biến hiện nay.
Thân bài
1. Khái niệm
+) Tệ nạn xã hội là những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, hủy hoại nhân cách, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội.
2. Thực trạng
+) Hiện nay có rất nhiều loại tệ nạn trên xã hội với mức độ nguy hiểm khác nhau như cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan,…
+) Xã hội càng phát triển thì mức độ phát triển của những tệ nạn này càng nhanh
+) Tình hình tệ nạn xã hội trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn
+) Là những mối nguy hại cho cả địa phương và xã hội
3. Nguyên nhân
+) Do ý thức của con người còn kém
+) Thiếu hiểu biết về tệ nạn xã hội, bị người khác rủ rê lôi kéo
+) Học đòi bắt chước muốn thể hiện bản thân
+) Hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn chơi cờ bạc để kiếm tiền
+) Do con người lười lao động nên dễ sa vào những tệ nạn xã hội
+) Pháp luật còn lỏng lẻo, chưa nghiêm, chưa răn đe được mọi người
+) Cái lợi của buôn bán ma túy mang lại quá lớn nên con người tham lam tham gia vào buôn bán ma túy
4. Tác hại
+) Ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần của con người
+) Khiến cho gia đình trở nên nghèo khó do sa vào ma túy
+) Nhiều gia đình tan nát, li dị, khiến con cái bị tổn thương, người thân vào tù,…
+) Gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến sức khỏe con người
+) Xã hội trở nên không lành mạnh, kém phát triển hơn
+) Ảnh hưởng đến an ninh đất nước
5. Giải pháp
+) Nâng cao ý thức bằng cách tuyên truyền về tệ nạn xã hội và hậu quả của nó gây ra cho con người
+) Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm
+) Gia đình và nhà trường nên phối hợp với nhau giáo dục cho con em của mình tốt hơn
+) Hạn chế cho con em mình lạm dụng quá mức mạng xã hội để tránh bị dụ dỗ
+) Hiểu biết đúng đắn về tệ nạn xã hội để tránh sa vào những tệ nạn xã hội
Kết bài
Con người nên có hiểu biết đúng đắn về tệ nạn xã hội và phòng tránh nó để xã hội ngày càng trở nên văn minh và phát triển hơn.
Nghị luận về tệ nạn xã hội – Mẫu 1
Sự tăng trưởng phát triển kinh tế của đất nước theo xu hướng mở cửa thị trường đã thu hút nhiều nhà đầu tư vào đầu tư cho nước ta ở nhiều phương diện về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng,… thúc đẩy nền kinh tế, văn hóa, trình độ dân trí và nhu cầu về vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng. Bên cạnh những mặt tích cực do cơ chế mở cửa đem lại thì đã có không ít những mặt tiêu cực như các tệ nạn xã hội du nhập vào nước ta. Tệ nạn xã hội đã len lỏi đến từng địa phương từng ngóc ngách ở các vùng miền khác nhau. Đây là vấn đề nhức nhối và nan giải của toàn xã hội.
Ở những vùng quê yên bình, các địa phương cách xa thành phố tưởng chừng như sẽ không có dấu chân của tội phạm, không có sự xâm chiếm của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, hút thuốc lá, mê tín dị đoan,… nhưng sự yên bình đó giờ đã không còn tồn tại như trước vì đã bị ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội gây ra.
Vậy tệ nạn xã hội ở đây là gì? Tệ nạn xã hội bao gồm những hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống và xã hội. Như chúng ta cũng đã biết tệ nạn xã hội hiện nay có nhiều loại khác nhau như: ma túy, cờ bạc, mại dâm,… ở các thành phố lớn thì chúng ta rất dễ thấy các tệ nạn xã hội xảy ra một cách trắng trợn rõ như ban ngày. Thì nay ở những vùng quê nông thôn như địa phương mà tôi đang sinh sống cũng đã có sự xuất hiện của các tệ nạn xã hội này. Ở địa phương có sự tồn tại của các tệ nạn xã hội điển hình như ma túy, mại dâm, cờ bạc, hút thuốc lá.
Chúng ta rất dễ bắt gặp những hình ảnh về tệ nạn xã hội thông qua các bài viết trên các bài báo, trên các trang mạng, các bài phóng sự như hiện nay. Tệ nạn xã hội biểu hiện từ thấp đến cao chẳng hạn như tình trạng uống bia rượu hiện nay ở địa phương, tác hại của rượu bia ảnh hưởng như thế nào đến chính họ và những người xung quanh. Nếu lạm dụng rượu bia quá mức thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, khó kiểm soát được hành vi nên rất dễ bị kích động xảy ra mâu thuẫn dẫn đến những vụ ẩu đả, đây cũng là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người uống rượu bia và những người xung quanh. Uống rượu bia cũng là một tệ nạn xã hội. Vì hiện tượng này đã diễn ra quá thường xuyên và phổ biến nên nhiều người cho rằng đó là cách mà mọi người dùng để nghỉ ngơi, thư giãn hay chia vui cùng nhau.
Bên cạnh rượu bia thì thuốc là tệ nạn khá phổ biến ở địa phương chủ yếu ở độ tuổi từ trẻ vị thành niên đến những người lớn tuổi. Chúng ta đi đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người cầm trên tay điếu thuốc lá phì phèo dưới làn khói trắng. Có nhiều gia đình đa phần là các cánh mày râu đều sử dụng thuốc lá ,nhiều gia đình không chỉ có những thành viên lớn tuổi mới hút thuốc mà ngay cả những thành viên khác trong gia đình cũng đều hút thuốc lá. Còn không thì bạn thật sự may mắn. Chúng ta ai cũng phải nhận thức rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe vừa gây hôi miệng cho người sử dụng và khói thuốc lá cũng gây khó chịu cho người xung quanh, hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây nên căn bệnh ung thư, các bệnh lí về tim mạnh như hiện nay. Ngay trên bì của bao thuốc lá nhà sản xuất cũng đã ghi hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi và có kèm theo hình ảnh minh họa cho những người hút thuốc lá lâu năm la hình ảnh người đàn ông ốm yếu, gầy gò với nhiều bệnh tật. Vì vậy không ai là không nhận ra hậu quả của thuốc lá mà nó đem lại cho bản thân và mọi người xung quanh hậu quả to lớn biết chừng nào.
Tệ nạn về ma túy đang là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội, là mối nguy hại của nhiều quốc gia trên thế giới, ma túy đã gây ra biết bao nhiêu hậu quả đau thương cho nhân loại mà đến tận ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ma túy mang trong mình một sức mạnh hủy diệt ghê gớm, là hạt nhân của ngòi nổ hủy diệt sự sống của nhân loại. Trước hết là đối với bản thân người sử dụng, nó làm cho hệ miễn dịch của họ bị suy yếu dẫn đến sức khỏe của họ sẽ bị giảm sút, thân thể gầy gò, ốm yếu, xanh sao, không có sức sống,… ảnh hưởng không nhỏ tới việc sinh hoạt hằng ngày, lao động và học tập cũng bị ảnh hưởng. Khi cơn nghiện của họ phát tác thì họ sẽ mất đi khả năng kiểm soát về lý trí và hành động của bản thân, khi đó họ sẽ bất chấp mọi thứ để thỏa mãn cơn khát thuốc. Từ đó vì để có tiền mua ma túy để sử dụng nên nhiều người đã phải đi ăn trộm, ăn cắp, cướp giật, thậm chí là giết người để cướp tài sản hoặc do bị ảo giác do sử dụng ma túy gây ra. Sử dụng ma túy thì có nhiều hình thức khác nhau như hút, chích, ngửi,… Vì vậy nếu người nghiện sử dụng chung bơm, kim tiêm để chích ma túy thì đây là nguyên nhân làm cho các con nghiện bị HIV/AIDS, tình trạng bơm kim tiêm sau khi đã sử dụng của các con nghiện vứt tràn lan gây nguy hiểm cho những người xung quanh khi vô tình dẫm phải những kim tiêm đó.
Một trong những tệ nạn xã hội ở địa phương hiện nay đang nổi lên đó là tệ nạn về mại dâm, văn hóa phẩm đồi trụy. Mại dâm là tệ nạn xã hội làm lây lan các bệnh hiểm nghèo từ người này qua người khác khi quan hệ tình dục không an toàn như HIV/AIDs, giang mai, bệnh lậu, vảy nến,… khi về với gia đình lại lây bệnh cho chính người thân của họ. Nạn mại dâm đã làm cho bao gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, vợ chồng ly thân, bao hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ, thậm chí đã làm cho bao người còn không được sống chung cùng với bố mẹ. mại dâm và văn hóa phẩm đồi trụy là những tệ nạn bị lên án phê phán mạnh mẽ vì nó ảnh hưởng đến đạo đức nhân cách của con người, làm suy đồi về đạo đức, ảnh hưởng đến khả năng duy trì nòi sống, có cuộc sống không được lành mạnh.
Ngoài ra không thể không nói đến tệ nạn cờ bạc, đây là những tệ nạn gây nhức nhối trong xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tệ nạn này diễn ra phổ biến khắp mọi nơi, với nhiều loại hình như đánh bạc, cá độ đá banh, đá gà, lô đề,… với nhiều hình thức đa dạng nhằm lẩn tránh qua mặt lực lượng chức năng. Thủ đoạn của các tệ nạn này đều rất tinh vi, chuyên nghiệp, thu hút đông đảo nhiều thành phần độ tuổi tham gia nhất là những thanh niên trong độ tuổi lao động, những người có thói ăn chơi sa đọa, thích hưởng thụ mà lại không thích làm việc bằng chính đôi tay của mình thông qua những việc làm chân chính. Hậu quả của những tệ nạn này mang lại thì không thể kể hết được, không chỉ gây hại cho sức khỏe, gây thiệt hại về kinh tế cho các gia đình, nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần do nghiện cờ bạc. đã có nhiều gia đình phải bán hết tài sản để trả nợ hoặc đem tài sản đi cầm cố để có tiền đánh bạc, cá độ bóng đá, chơi lô đề,…
Tình trạng mê tín dị đoan hiện nay cũng đang rất phổ biến, làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý và nhận thức của người dân như tình trạng người dân đặt hết niềm tin của mình vào những người làm nghề bói toán. Có nhiều bài báo đã phản ánh về hậu quả của tình trạng này như gần đây nhất là vụ việc xảy ra ở Thanh Hóa do bà nội mê tín nghe lời thầy bói mà đã ra tay giết hại cháu nội mình khi chỉ mới hai ngày tuổi. Mê tín dị đoan cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của người dân, gây hoang mang cho mọi người.
Tệ nạn xã hội ở địa phương ngày xuất hiện càng nhiều là do: Người dân chưa nhận thức được một cách rõ ràng về hành vi và hậu quả của tệ nạn xã hội. Đa phần do chưa biết đến hoặc nhận thức chưa đầy đủ và rõ ràng về hành vi nào là tệ nạn xã hội cũng như tác hại của tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó còn do các thanh thiếu niên bản tính còn ham chơi, đua đòi, thích chơi bời lêu lỏng, lười nhác trong công việc cũng như trong học tập. Trình độ dân trí thấp, hoặc do nhận thức chưa đầy đủ của bản thân nên dễ bị lôi kéo, rủ rê. Do bản thân thường hay có những suy nghĩ tiêu cực hay chán nản, bi quan, bất mãn trong công việc cũng như mất niềm tin vào cuộc sống. Cũng do bản thân không học hành tới nơi tới trốn, thường xuyên bỏ học đi chơi, bản thân thì thích ăn chơi hưởng thụ lười lao động nên rất dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như hiện nay. Do thích thể hiện bản thân, tính háo thắng của tuổi trẻ nên rất dễ bị vấp ngã khi bi các đối tượng xấu chia rẽ, kích động từ đó không làm chủ được suy nghĩ, không làm chủ được hành động của bản thân. Cũng do nhiều người không có công ăn việc làm ổn định, thất nghiệp nên dễ chán nản, tự ti về bản thân. Nhiều người muốn giàu lên một cách nhanh chóng mà không phải do kiếm tiền bằng những việc làm chân chính mà lại đam mê vào những trò may rủi như cờ bạc, buôn bán ma túy,…
Gia đình còn chưa thực sự quan tâm đến các thành viên trong gia đình, còn lo làm kinh tế mà để mặc các mối quan hệ xã hội của con em mình, không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng, thiếu tình cảm, sẻ chia, dạy bảo những điều hay lẽ phải, những điều sai trái nên bản thân họ chưa có được những nhận thức đúng đắn. Nên dễ dẫn đến bản thân họ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội do nhận thức bị sai lệch, suy nghĩ chưa đúng đắn.
Đồng thời ngoài những nguyên nhân trên còn do các cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật còn nhiều lỗ hổng, bất cập, thiếu sót, công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, đồng thời các hoạt động phòng chống, ngăn chặn, hạn chế các tệ nạn xã hội đã có nhưng diễn ra chưa triệt để và còn nhiều hạn chế.
Hậu quả của tệ nạn xã hội để lại thì vô cùng to lớn, trước hết là nó để lại hậu quả cho chính người dính vào các tệ nạn xã hội đó như là: Sức khỏe thì giảm sút, không đủ sức khỏe để học tập hay làm việc dẫn đến luôn mất tập trung nên hiệu quả công việc không cao, kết quả học tập đi xuống,… nhân cách đạo đức bị tha hóa và ngày càng đi xuống, có lối sống không lành mạnh, buông thả, dễ vi phạm pháp luật và phạm tội. Không kiểm soát được hành vi và hành động của bản thân mình luôn trong tình trạng mất kiểm soát, bị bạn bè mọi người xa lánh, kỳ thị. Khi sa ngã vào các tệ nạn xã hội thì bản thân họ rất dễ mắc phải các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, ung thư, các bệnh về tim mạnh, hô hấp do thường xuyên sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện như ma túy, rượu chè, cờ bạc, thuốc lá,…
Tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình của người liên quan đến các tệ nạn xã hội, làm cho nhiều gia đình không chỉ khủng hoảng về tinh thần mà còn khủng hoảng cả về mặt tài chính, chẳng hạn như những người nghiện ma túy, hút thuốc, bài bạc họ không chỉ khiến bản thân rơi vào tình trạng túng thiếu, khó khăn về kinh tế mà còn khiến cho nhiều gia đình lâm vào tình trạng nợ nần, tán gia bại sản vì cờ bạc, khó khăn lại chồng chất khó khăn, làm cho nhiều gia đình mất cân đối về tài chính.
Còn đối với xã hội thì tệ nạn xã hội là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội vì tệ nạn xã hội thường có tính chất cộng đồng nên thường dễ kéo theo những người khác tham gia. Tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức như ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu bia, hút thuốc,… đối tượng tham gia vào các tệ nạn xã hội thì rất đa dạng về thành phần độ tuổi, nghề nghiệp, ở nhiều nơi, nhiều khu vực khác nhau. Các đối tượng ngày càng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Dùng nhiều chiêu trò nhằm đối phó và để qua mặt cơ quan chức năng và che mắt quần chúng nhân dân, đồng thời chúng thường cấu kết thành những đường dây, ổ nhóm. Tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân làm gia tăng hình hình tội phạm có liên quan chặt chẽ với tội phạm hình sự. Chẳng hạn như các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, trộm cắp, cướp giật xảy ra ở địa phương…
Để có thể ngăn ngừa, hạn chế, đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi địa phương thì chúng ta cần có những giải pháp sau: trước hết bản thân mỗi người phải không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết cho bản thân. Luôn luôn rèn luyện khả năng tư duy nhạy bén trước mọi tình huống, nâng cao nhận thức của bản thân để có nhận thức đúng đắn, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị bạn bè, các đối tượng xấu lôi kéo, rủ rê. Không có thói ăn chơi, đua đòi mà dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Bản thân phải biết lựa chọn bạn chơi cho phù hợp, chơi với những người bạn tốt để học hỏi những điều hay của bạn mình. Bản thân luôn luôn tránh xa các tệ nạn xã hội, không tham gia dưới mọi hình thức dù chỉ một lần.
Tuyên truyền cho người thân, gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh biết về các tệ nạn xã hội và hậu quả của nó để lại là vô cùng to lớn cho chính bản thân, gia đình họ, khuyên nhủ họ nên tránh xa các tệ nạn xã hội. Vận động gia đình và toàn thể xã hội xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng một xã hội trong sạch, văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng.
Nhà trường không chỉ quan tâm đến việc truyền đạt kiến thức có trên sách vở cũng phải giáo dục về đạo đức, lối sống giúp cho các em học sinh ngày càng hoàn thiện hơn. Giáo dục cho các e về kỹ năng sống mở các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền cho các em biết về tệ nạn xã hội và hậu quả của nó, từ đó nâng cao nhận thức, luôn cảnh giác không để bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các tệ nạn xã hội.
Về khía cạnh gia đình cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn nữa, giáo dục con em mình về mọi mặt, không để con em mình ăn chơi lêu lỏng, không chiều con quá mức để dễ sinh hư,không để con em mình tham gia tụ tập cùng những bạn xấu để cúp tiết hay trốn học đi chơi,… khi đó sẽ dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội như hiện nay. Gia đình phải giáo dục cho con em mình những điều hay lẽ phải, những điều tốt đẹp, giáo dục cho con mình biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm, biết tránh xa những điều xấu, không ăn chơi đua đòi theo các bạn mà dễ sinh hư. Cũng phải có các biện pháp để răn đe đối với những trường hợp không nghe lời bố mẹ, trốn học đi chơi,… nhằm giáo dục, định hướng đường đi lối bước đúng đắn cho con em mình để trở thành những người con ngoan, trò giỏi.
Nhà nước cũng cần phải hoàn thiện lại hệ thống pháp luật không để cho các đối tượng xấu lợi dụng lỗ hổng của pháp luật để lách luật, thực hiện hành vi vi phạm. Cần phải có chính sách phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong công tác, tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia đấu tranh, chống các tệ nạn xã hội. Thực hiện công tác tuyên truyền đến mọi người dân cho người dân biết và nắm được các loại tệ nạn xã hội thông qua băng rôn, áp phích, qua loa đài phát thanh, qua các nguồn thông tin đại chúng như báo, tivi, internet,… nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát hoạt động ngăn ngừa đấu tranh với các tệ nạn xã hội để kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót và những mặt hạn chế của công tác này để cho công tác đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội đạt hiệu quả cao. Cần có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, cương quyết đối với những người có hành vi vi phạm liên quan đến tệ nạn xã hội, để vừa có tác dụng răn đe, vừa là bài học, là lời cảnh tỉnh cho người khác về vấn đề này. Nhà nước bên cạnh mở cửa để thu hút các nhà đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế để tạo nhiều cơ hội cho người dân có công ăn việc làm, giúp người dân cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống thì cũng phải tiếp thu một cách có chọn lọc những nền văn hóa tiên tiến nhằm hạn chế sự gia tăng của tệ nạn xã hội, tránh để cho các tệ nạn xã hội có thể lợi dụng cơ chế mở cửa mà xâm nhập vào nước ta.
Tệ nạn xã hội để lại hậu quả vô cùng to lớn và đau xót cho nhiều gia đình gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội là vấn đề đáng lo ngại gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân trong địa phương. Do đó các cơ quan chính quyền ở địa phương cần phối hợp với người dân, các tổ chức xã hội xây dựng môi trường sống lành mạnh, tạo công ăn việc làm cho người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống đảm bảo an sinh xã hội. Tích cực vận động, tuyên truyền để người dân tránh xa các tệ nạn xã hội, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới để xây dựng xã hội ngày càng văn minh, sạch đẹp, dân chủ, công bằng và tiến bộ.
Nguồn: VerbaLearn.com
Nghị luận về tệ nạn xã hội – Mẫu 2
Xã hội hiện nay có rất nhiều vấn đề đáng được quan tâm như ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trong đó tệ nạn xã hội là vấn đề không thể nào không nhắc đến. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết và phổ biến hiện nay
Tệ nạn xã hội là những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, hủy hoại nhân cách, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Hiện nay có rất nhiều loại tệ nạn xã hội trên đất nước với mức độ nguy hiểm khác nhau. Những loại tệ nạn như cờ bạc, rượu chè, mại dâm, ma túy, mê tín dị đoan, bạo lực,… đang ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp hơn theo sự phát triển của xã hội. Xã hội ngày càng phát triển thì mức độ phát triển của những tệ nạn xã hội này càng nhanh. Ai cũng rất dễ bị sa vào những tệ nạn xã hội nếu không có ý thức rõ ràng về những vấn đề đó, nhẹ thì chỉ rượu chè, cờ bạc, sâu hơn nữa là ma túy giết người. Mỗi địa phương thì lại có nhiều vấn đề nảy sinh riêng nhưng tệ nạn xã hội thì vẫn tiếp diễn từ xưa đến nay.Tình hình tệ nạn xã hội trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Tình trạng gây gổ bạo lực ngày càng có xu hướng gia tăng, thanh niên tụ tập đua xe trái phép gây ra nhiều hệ lụy. Bên cạnh đó còn có tình trạng tụ tập nhậu nhẹt, đua đòi say xỉn, dù chỉ mới lớn nhưng đã học đòi người khác hút thuốc uống rượu để thể hiện bản thân. Đây là những tình trạng tuy không phổ biến nhưng nó là những mối nguy hại cho địa phương và cả xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội nhưng đầu tiên phải nói đến ý thức của mỗi con người. Dù biết là những tệ nạn xã hội mang lại nhiều hậu quả nặng nề nhưng con người vẫn không thể làm chủ được bản thân của mình mà dấn thân vào những tệ nạn đó. Một phần cũng là do con người ít có hiểu biết về chúng nên dễ bị người khác lôi kéo và tệ nạn xã hội và khó thoát ra được vì một khi đã sa chân vào những tệ nạn đó thì khó mà bước ra được. Hay do con người học đòi, bắt chước vì tò mò hay muốn thể hiện bản thân. Đây là trường hợp khá phổ biến ở lứa tuổi thanh niên mới lớn, tò mò muốn khám phá, muốn thử và thể hiện bản thân. Hay cũng có thể do gia đình khá giả, có tiền nên con người đua đòi ăn chơi mà không lường trước những hậu quả mà nó mang lại. Gia đình, cha mẹ, nhà trường của các em chưa quan tâm con em mình đúng mực để các em thiếu hiểu biết mà tham gia vào các tệ nạn xã hội đó. Cũng có những trường hợp là do hoàn cảnh gia đình khó khăn mà con người đi chơi lô đề cờ bạc mong có được chút tiền để trang trải cho gia đình mà không biết được rằng nó lại là nguyên nhân khiến cho gia đình họ càng trở nên nghèo khổ hơn. Hay do họ lười lao động, không muốn vất vả kiếm tiền mà lại muốn có tiền tiêu xài nên tham gia lô đề cờ bạc, khi họ thua thì lại muốn gỡ, và cứ như thế trở thành con nợ làm khổ cả gia đình. Bên cạnh đó, cũng có thể do pháp luật của nước ta còn lỏng lẻo, chưa nghiêm nên nhiều người không sợ mà bất chấp tham gia. Hay như tệ nạn buôn bán ma túy, con người biết rằng pháp luật cấm nhưng vẫn tham gia vào do cái lợi của nó quá cao mà pháp luật xử phạt thì không đủ răn đe vì mức xử phạt thấp.
Tệ nạn xã hội gây ra cho con người rất nhiều những tác hại mà không thể lường trước được. Tệ nạn xã hội làm sức khỏe của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rượu bia khiến con người mất thần trí, khiến cho con người trở nên khó kiểm soát hơn và có thể gây ra nhiều hành động không thể lường được. Nó ảnh hưởng về cả thể chất và tinh thần của con người không chỉ ngày một ngày hai. Chúng ta vẫn thường được nghe nói về những tác của bia rượu gây ra, nhẹ thì say xỉn mệt mỏi, nặng thì bị bệnh, ngộ độc phải nhập viện. Thuốc lá cũng là một trong những tệ nạn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nó là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi cho cả những người hút và vô tình hút phải khói thuốc lá. Đây là những loại tệ nạn mà con người rất dễ sa vào vì nó khá phổ biến và pháp luật nước ta không thể cấm được. Bên cạnh đó có những loại tệ nạn mà nhà nước ta tuy đã có lệnh cấm nhưng vẫn có những thành phần không tuân thủ pháp luật mà bất chấp sử dụng như ma túy, mại dâm, đánh nhau gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe con người. Ma túy là một chất gây nghiện vô cùng độc hại mà nhà nước đã có lệnh cấm. Ma túy khiến cho con người một khi đã sử dụng nó thì rất khó để cai nghiện và bất chấp mọi cách để có được nó nhằm thỏa mãn cơn nghiện của mình. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bao gia đình phải tan cửa nát nhà, bao người phải đi tù vì phạm tội buôn bán hay sử dụng nó vì lợi ích từ buôn bán ma túy mang lại rất lớn. Có thể nói ma túy là thứ nguy hại nhất mà xã hội này nên tránh xa vì một khi đã dấn thân vào con đường nghiện ngập thì rất khó để quay đầu. Cùng với đó, tình trạng mại dâm vẫn hoạt động trong cuộc sống hằng ngày dù cho pháp luật Việt Nam đã có những lệnh cấm nghiêm ngặt. Nhiều quán karaoke, spa mở ra nhưng chỉ là che mắt để thực hiện những hoạt động mại dâm ngầm trong đó. Tình trạng này khiến cho xã hội trở nên ngày càng không lành mạnh, kém phát triển hơn. Muốn xã hội được văn minh thì con người nên tránh xa những hoạt động đồi trụy như vậy. Thêm vào đó, mê tín cũng là hành động khiến cho xã hội trở nên kém phát triển hơn. Con người mê tín thì lúc nào trong lòng cũng cảm thấy bất an, đầu tư tiền của vào để đi coi bói, mua bùa chú trừ tà,…làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tiền bạc của gia đình. Nhiều gia đình tan nát, phá sản chỉ vì tin vào những lời nói vô căn cứ khi đi coi bói, gây ra nhiều hành động trái luân thường đạo lí. Tệ nạn xã hội gây cho nhiều cặp vợ chồng phải ly dị, con cái khổ cực đau thương, khiến cho người lương thiện cũng vì vậy mà mất nhân tính, gây ra nhiều trường hợp đau thương. Nhiều trường hợp gây ra tai nạn nguy hiểm hay thậm chí là án mạng cũng là do tệ nạn xã hội, nó cướp đi của cải, sức khỏe hay thậm chí là mạng sống của cả con người. Đây là những hành động ảnh hưởng không chỉ đến con người mà còn ảnh hưởng đến an ninh đất nước, xã hội cũng vì thế mà trở nên kém phát triển hơn.
Tệ nạn xã hội có nhiều nguy hại như vậy thì mọi người nên có những biện pháp để hạn chế và phòng tránh nó càng sớm càng tốt. Biện pháp hạn chế và phòng tránh những tệ nạn đó tốt nhất vẫn là ý thức của con người. Chỉ cần có đủ hiểu biết, ý thức vững vàng thì con người sẽ biết đâu là đúng sai mà không bao giờ tham gia vào những tệ nạn đó. Nhà nước cần nâng cao ý thức cho con người bằng các biện pháp tuyên truyền cho người dân về những tác hại nặng nề mà chúng mang lại cho con người, giải thích cho con người hiểu về pháp luật quy định xử phạt như thế nào về hành vi phạm tội đó. Bên cạnh đó, pháp luật nên xử lý nghiêm những hành vi phạm tội để làm gương răn đe cho người khác. Về phía những lứa tuổi thanh niên, học sinh thì gia đình và nhà trường nên phối hợp với nhau để giáo dục các em, răn đe xử phạt khi các em phạm sai lầm tham gia vào tệ nạn xã hội, không nên dung túng cho các em. Mạng xã hội có thể là nguyên nhân khiến các em biết đến và tham gia vào những loại tệ nạn xã hội nguy hiểm, vì vậy phụ huynh học sinh nên hạn chế cho con em mình lạm dụng quá mức các mạng xã hội như facebook, zalo,…để hạn chế tối đa bị người khác dụ dỗ lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Mỗi người chúng ta nên hiểu và có cái nhìn đúng đắn về tệ nạn xã hội để biết giữ mình, tránh sa vào các tệ nạn xã hội gây ảnh hưởng đến chính mình và gia đình.
Tệ nạn xã hội là nguyên nhân khiến cho đất nước ngày càng kém phát triển hơn, là mối nguy hại mà con người có thể phòng tránh được, vì vậy muốn xã hội văn mình thì mỗi người chúng ta nên có thái độ sống đúng đắn và có hiểu biết thì tệ nạn xã hội sẽ có thể được đẩy lùi.