✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn. Giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo. Mong rằng với đề văn này sẽ giúp các em thấm nhuần được tư tưởng nguồn cội và sống phải luôn biết những gì ta đang có.
Dàn ý giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn
Tổng hợp các dàn ý tổng quát và chi tiết cho đề văn giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn.
Dàn bài giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”
- Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta
Thân bài
#1. Giải thích câu ca dao tục ngữ
- Uống nước: Là thành quả, là kết quả của người khác, chỉ việc hưởng thụ mà không làm gì hết
- Nguồn: Là nơi bắt đầu của nguồn nước, chúng ta có thể hiểu nhằm để thể hiện sự bắt nguồn của thành quả mà mình hưởng được.
- Câu tục ngữ như nhắc nhở chúng ta phải biết ơn những thành quả của thế hệ đi trước hay những người khác để lại.
#2. Tại sao phải “uống nước nhớ nguồn”?
- Các thành quả không tự có mà được tạo dựng từ bàn tay của người lao động.
- Trong gia đình, cha mẹ sinh chúng ta ra, nuôi dưỡng chúng ta nên người, tạo ra của cải vật chất nuôi ta khôn lớn → biết ơn cha mẹ
- Ngoài xã hội, các thành quả có được đều do lớp người đi trước tạo nên, hi sinh cả xương máu -> biết ơn những người đã hy sinh thầm lặng.
- Lòng biết ơn là một đức tính tốt đẹp, nền tảng đạo đức của con người trong xã hội.
- Dẫn chứng những người lính đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Các thầy cô dạy cho ta kiến thức, người nông dân làm ra hạt gạo ,…
#3. Làm gì để thể hiện
- Luôn tự hào về truyền thống dân tộc, có lòng tự tôn dân tộc
- Ra sức bảo vệ, học tập, lao động để đóng góp cho quê hương
- Giữ gìn bản sắc dân tộc
- Trong gia đình luôn nghe lời ông bà, cha mẹ, cố gắng học tập tốt
- Sống có ý thức có trách nhiệm với xã hội
#4. Mặt tiêu cực
- Vẫn có những người đánh mất đạo lý này
- Nêu dẫn chứng
#5. Kết luận về vấn đề
- Đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta cần giữ gìn và phát huy
Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề
Dàn bài giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn – Mẫu 2
Mở bài
- Nêu vấn đề cần nghị luận: Uống nước nhớ nguồn
Thân bài
#1. Giải thích câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”
- Nghĩa đen: Uống nước là hành động thiết yếu của con người để duy trì sự sống.Nhớ nguồn là nhớ nguồn gốc của dòng nước nơi bắt nguồn dòng chảy.
- Nghĩa bóng: Uống nước là hưởng thụ thành quả của đời trước. Nhớ nguồn là biết ơn với những thành quả thế hệ trước.
#2. Phân tích
- Đánh giá: Là truyền thống quý báu duy trì qua ngàn đời
#3. Biểu hiện
- Truyền thống ấy giúp gắn kết với thế hệ trước, biết ơn, trân trọng những thành tựu của thế hệ trước để lại bằng những tình cảm tốt đẹp nhất.
- Lòng biết ơn trong cuộc sống hằng ngày như: Lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ, học sinh đối với thầy cô, bệnh nhân đối với bác sĩ.
#4. Chứng minh
- Có những hành động thiết thực để tưởng nhớ, khắc ghi công lao của người tạo ra thành quả và không ngừng phát huy làm rạng rỡ thêm tinh hoa văn hoá dân tộc.
- Mở rộng, nâng cao
- Phê phán những hành động không biết ơn “ăn cháo đá bát”, “qua cầu rút ván”
- Liên hệ bản thân về lòng biết ơn
Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận: Câu nói “Uống nước nhớ nguồn”
- Rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
Dàn bài giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn – Mẫu 3
Mở bài
- Giới thiệu câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.
- Là một truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Thân bài
#1. Giải thích
- Nghĩa thực: Nước là sự vật của tự nhiên dạng chất lỏng, có vai trò quan trọng, uống nước để sinh hoạt và duy trì sự sống, nguồn là nơi bắt đầu dòng chảy.
- Nghĩa bóng: Nước là thành quả lao động của cộng đồng dân tộc, uống nước là được hưởng thụ thành quả đó, nguồn là tổ tiên, cha anh, những người làm ra thành quả.
- Phải biết ơn những ai đã làm ra thành quả để con cháu hưởng thụ trong cuộc sống.
– Tại sao phải uống nước nhớ nguồn?
- Vì thành quả không tự nhiên mà có, đều có gốc gác nguồn cội, đều phải do mồ hôi công sức của con người làm ra: cha mẹ, người nông dân, cha ông ngày trước, những người anh hùng xưa và nay, đồng bào cùng chung tay chống dich, lũ lụt…
- Vì có những người đã giúp đỡ, chia sẻ với ta những lúc khó khăn, hoạn nạn mà không bỏ mặc đi.
#2. Biểu hiện
- Biết ơn những thành quả nhỏ nhất, đơn giản: bát cơm, ngọn đèn, ngôi trường, cây kim, lá cờ, lịch sử anh hùng, truyền thống văn hóa,…
- Biết sống tiết kiệm, không lãng phí thành quả của những người làm ra.
- Duy trì, tổ chức nhiều nghi lễ, lễ hội của dân tộc: 10/3, cúng thần linh, thờ cúng tổ tiên ông bà, kỷ niệm các ngày 27/7, 10/5; chăm sóc lo lắng cho cha mẹ ông bà khi già nua ốm đau…
#3. Bình luận
- Những người sống vong ân bội nghĩa, quan cầu rút ván, không biết ơn.
- Lãng phí thành quả lao động, vô lễ, không tôn trọng người làm ra.
#4. Bài học cá nhân về uống nước nhớ nguồn
- Có những hành động cụ thể phù hợp với khả năng: viết nhật ký ghi lại nhớ ơn những người đã giúp mình và những ai được mình giúp; lên danh sách những điều cần biết ơn mỗi ngày, những người cần trân trọng,…
- Giúp bản thân hiểu được những công lao của thế hệ trước, sống gắn bó đền ơn đáp nghĩa, đoàn kết dân tộc.
- Sống có ích, tiết kiệm, ân nghĩa với người khác được mọi người yêu quý.
- Làm cho xã hội tốt đẹp, văn minh, giàu tình nghĩa hơn.
Kết bài
- Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ.
- Bài học nhận thức cho mình và mọi người.
Văn mẫu giải thích câu tục ngữ uống nước nhớ nguồn
Giải thích câu uống nước nhớ nguồn – Mẫu 1
Dân tộc ta từ ngàn xưa cho đến ngày nay đã có rất nhiều truyền thống tốt đẹp cần phải giữ gìn và phát huy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những truyền thống đáng quý đó là tinh thần yêu nước của dân tộc ta, truyền thống “lá lành đùm lá rách, công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”,.. bên cạnh những truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc dân tộc thì không thể thiếu truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Đây là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta đáng được lưu truyền từ thế hệ này qua thế khác.
Để chúng ta hiểu rõ hơn về câu tục ngữ “ uống nước nhớ nguồn” thì chúng ta cần hiểu: “nguồn” là nơi xuất phát của mọi dòng nước, từ các khe núi, từ rừng, từ rừng đổ ra suối rồi sẽ đổ ra các con sông và từ các con sông sẽ đổ ra biển. Nguồn nước ở đây là nguồn nước tinh khiết và mát lành của tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng. Bởi vậy khi uống nước trước hết sẽ làm cho bản thân chúng ta thỏa mãn cơn khát của chính mình, khi đó chúng ta cần phải biết suy ngẫm đến nơi xuất phát của dòng nước mà mình đã, đang uống. Không chỉ đơn giản như vậy mà ông cha ta còn muốn nhắn nhủ đến các thế hệ sau này một ý nghĩa sâu sắc đó là: “Nguồn” chỉ nguồn gốc, nguồn cội và tất cả những thành quả không phải tự nhiên sinh ra mà có. Do đó, người hưởng thụ phải biết ghi nhớ, biết ơn những người đã tạo dựng cho mình cuộc sống như ngày nay và phải gìn giữ và phát huy thành quả của những người làm ra chúng.
Không phải cái gì cũng đểu tự nhiên mà có nó là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ, những hy sinh, mất mát của biết bao thế hệ để có được thành quả như ngày nay. Vì thế chúng ta cần phải nhớ đến những người đã làm ra những thành quả cho mình hưởng thụ ngày nay. Cuộc đời có nhiều loại người cùng chung sống. Không phải ai cũng hiền lành, trung thực, đạo đức tốt, cũng có những kẻ tiểu nhân, sống giả tạo, hung dữ, vong ơn bội nghĩa với những người đã làm ra thành quả. Câu tục thể hiện một cách cụ thể, sâu sắc đầy ý nghĩa nhằm muốn khuyên, nhắn nhủ những kẻ “ có mới nới cũ”, “ qua cầu rút ván”, “ ăn cháo đá bát”,…
Như chúng ta đã biết, đất nước ta đã trải qua hàng nghìn năm đô hộ, trải qua những giai đoạn lịch sử hết sức khốc liệt. Qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước đã có những vị anh hùng lịch sử, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung,… đến Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ là những người đã giúp giải phóng đất nước thoát khỏi chiến tranh cũng nhờ có những đường lối, chủ trương, sách lược đúng đắn, là người đã xây dựng đất nước ngày càng tiến bộ, bắt nhịp theo sự phát triển của các nước trên thế giới, góp công xây dựng nước ta thành một đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.
Về phương diện lịch sử bên cạnh việc kế thừa, giữ gìn, bảo vệ nền độc lập của dân tộc thì chúng ta cần phải phát huy những truyền thống tốt đẹp như tinh thần đoàn kết của dân tộc, tinh thần yêu nước, tinh thần vượt khó,… chúng ta cũng cần phải lên án đấu tranh với những thành phần chống phá nhà nước, bọn phản động lợi dụng diễn biến hòa bình nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Để tưởng nhớ, tri ân công lao hết sức to lớn của những vị anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập của dân tộc thông qua những việc làm thiết thực như: Thăm hỏi và tặng quà cho những người có người thân đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp, những người mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, đi viếng ở các nghĩa trang liệt sỹ, hằng năm lấy ngày 27 tháng 7 là ngày để tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì một đất nước hòa bình, độc lập dân chủ, cũng như câu nói được truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau “ Dẫu ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”. Chúng ta đã đưa lịch sử thành một môn học để cho toàn thể nhân loại nói chung, nguồn gốc “con rồng, cháu tiên nói riêng” ai cũng đều được học và hiểu về lịch sử dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc ta. Hằng năm nhà trường hoặc các cơ quan đoàn thể đã thực hiện các chuyến tham quan các khu di tích lịch sử thông qua tổ chức hoạt động về nguồn giúp cho chúng ta hiểu và biết quý trọng, giữ gìn thành quả như ngày nay, phát huy tinh thần yêu nước, thương dân của dân tộc Việt Nam ta, luôn luôn ghi nhớ công lao hết sức to lớn ấy đó là một trong những đức tính tốt đẹp của dân tộc ta.
Chúng ta có được cái ăn cái mặc như ngày nay thì trước hết cần ghi nhớ đến công lao cần cù, cần mẫn của những người lao động chân tay, những người đã “ một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm ra những nguồn lương thực, thực phẩm cho chúng ta sử dụng như ngày nay. Vì thế khi hưởng thụ thành quả của những người nông dân họ đã vất vả để có thể tạo nên thành quả như vậy, do đó chúng ta cần phải biết quý trọng, và biết sử dụng một cách tiết kiệm, tránh lãng phí. Vì để có cơm ăn áo mặc như hôm nay là thành quả vất vả của những người đã không quản gian khó, cực nhọc để có thể tạo ra được những sản phẩm cho chúng ta dùng vì thế khi dùng thành quả của người khác chúng ta nên nhớ đến cội nguồn của chúng, “ ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và còn nhiều những câu nói muốn nhắn nhủ chúng ta hãy nhớ đến cội nguồn.
Ngoài ra uống nước nhớ nguồn còn được thể hiện qua việc chúng ta được học tập một cách đầy đủ kiến thức, tích lũy tri thức làm vốn kiến thức phong phú và đa dạng cho mỗi bạn học sinh, những người đã truyền đạt lại kiến thức, giáo dục chúng ta nên người, trở thành những người có ích cho xã hội, cho quê hương, cho đất nước đó là những thầy, cô giáo. Để có được thành quả như ngày hôm nay thì chính chúng ta cần phải ghi nhớ đến công lao to lớn của các thầy, cô giáo những người đã định hướng, giáo dục, chỉ bảo cho chúng ta cái nào đúng nào sai, ngoài học được những kiến thức trong sách vở, chúng ta còn học được cách làm người, họ cũng là những người đã chỉ cho chúng ta có nhận thức đúng đắn, không sai lệch, định hướng con đường phát triển cho tương lai sự nghiệp của chúng ta. Bởi vì thế chúng ta luôn luôn ghi nhớ đến công lao to lớn ấy, và luôn có một ngày trong năm để tri ân đến các thầy giáo, cô giáo đó là ngày 20-11 đây là ngày lễ lớn trong năm để cho chúng ta có cơ hội quay về trường cũ, gặp lại bạn bè xưa cũ, cũng là cơ hội cho chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy, cô.
Để chúng ta có được như ngày hôm nay trước hết chúng ta cần phải ghi nhớ đến công ơn sinh thành của những người làm cha, làm mẹ. Họ đã mang nặng đẻ đau sinh chúng ta ra, và cũng là những người chăm lo cho chúng ta những cái ăn, giấc ngủ, là người luôn bên cạnh dạy dỗ, chăm sóc ta khi ta ốm đau, bệnh tật. Bố mẹ chúng ta là người đã hy sinh, tần tảo sớm hôm, trải qua bao khó khăn gian khổ để nuôi dạy chúng ta nên người. vì thế chúng ta phải luôn ghi nhớ đến công lao dưỡng dục sinh thành của bố mẹ, ông bà của chúng ta. Nếu như không có họ thì sẽ không có chúng ta của ngày hôm nay. Thật đúng với câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”, qua đây muốn nói với chúng ta phải luôn ghi nhớ chúng ta do ai sinh ra, để được như hôm nay do đâu mà có, bởi vậy chúng ta phải biết hiếu thảo, biết kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ.
“Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Qua đây muốn nhắn nhủ chúng ta đạo lý làm người, những người làm con không được quên công lao của bố mẹ. Họ là những người luôn bên cạnh, chỉ bảo, dạy chúng ta những điều hay lẽ phải, dạy cho ta nên người. Bố mẹ chúng ta là những người hy sinh thầm lặng, là những người đáng kính, đáng để chúng ta yêu thương, bảo vệ khi tuổi đã cao sức đã yếu, đây cũng là lúc để bày tỏ lòng biết ơn, sự hiếu thảo phụng dưỡng bố mẹ.
Bên ngoài xã hội thì chúng ta có được cuộc sống hiện đại, phát triển như ngày nay. Như có internet, có sách báo, tivi,… những thành tựu của khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng cho chúng ta sử dụng hằng ngày thì chúng ta phải ghi nhớ đến công lao của những nhà khoa học, các kiến trúc sư,… nhờ có họ, nhờ vào sự phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục mà chúng ta được tiếp thu những tinh hoa, những gì tiên tiến và hiện đại nhất. Do đó khi chúng ta hưởng thụ thành quả lao động của người khác chúng ta phải biết ơn, cảm ơn họ những người đã hy sinh, cống hiến cho sự phát triển của nhân loại. Chúng ta có tiếp thu nhưng tiếp thu có chọn lọc, tiếp thu những cái hay cái đẹp về văn hóa, khoa học kỹ thuật của các nước trên thế giới thông qua báo đài, phương tiện thông tin đại chúng,…
Làm thế nào để gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp đó thì mỗi chúng ta cần phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để trở thành những người công dân có ích cho gia đình, cho xã hội, cho quê hương đất nước. Trước hết phải biết kính trên nhường dưới, tôn trọng, lễ phép, vâng lời, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, những người đã sinh chúng ta ra, những người đã tạo ra của cải vật chất cho chúng ta có cái ăn cái, cái mặc, cho chúng ta hưởng thụ những thành quả ấy một cách trọn vẹn. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải biết quý trọng lễ phép với thầy, cô giáo những người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho chúng ta, những mái chèo đưa chúng ta đến bến đỗ tri thức của nhân loại. Vì lẽ đó chúng ta cần phải luôn luôn cố gắng không ngừng phấn đấu, phải chăm chỉ siêng năng trong học tập, không được vô lễ với thầy giáo, cô giáo. Học tập, tìm hiểu về kiến thức lịch sử của dân tộc để nắm vững về lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam ta qua bao đời vua Hùng, trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh kháng chiến để giành hòa bình, độc lập của dân tộc. Để chúng ta trở thành những người con ngoan, trò giỏi xứng đáng với những gì mà chúng ta được hưởng thụ từ những thành quả của những người đi trước để lại.
Chúng ta vừa kế thừa vừa phát huy những truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc ấy mà chúng ta phải biết đấu tranh, lên án, phê phán với những hành vi đi ngược với đạo lí, đi ngược lại với truyền thống của dân tộc ta chẳng hạn như: cần phê phán những người có lối sống sa đọa, chỉ muốn hưởng thụ nhưng lại lười lao động, chỉ biết ăn chơi, chơi bời, lêu lỏng, không nghe lời bố mẹ,không chịu phụ giúp gia đình, không biết thương cho bố mẹ mình mà chỉ tích tụ tập ăn chơi, đua đòi, thậm chí đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra như: con giết cha mẹ, cháu giết ông bà chỉ vì bố mẹ, ông bà có những câu nói nặng lời hoặc không đáp ứng được những đòi hỏi của bản thân… đó là những biểu hiện không ít lối sống của các bạn trẻ hiện nay. Còn về vấn đề lịch sử một số thành phần bán nước ngày đêm chống phá nhà nước, nhằm lật đổ chính quyền. Họ xuyên tạc nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, lợi dụng lòng tham của người dân để kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ làm giảm uy tín của nhân dân với nhà nước ta. Bên cạnh đó không ít những bạn trẻ hiện nay lại không yêu thích, không hứng thú với môn học lịch sử của dân tộc mà thay vào đó lại học tập những cái không tốt, những cái phi truyền thống ảnh hưởng đến tương lai sau này của chính họ. Học sinh thì ngày càng lười học, thường xuyên trốn tiết đi chơi, lên lớp thì vô lễ với cả giáo viên. Thậm chí có không ít trường hợp học sinh còn đánh cả thầy, cô giáo của mình. Bên ngoài xã hội thì lại học những thói hư tật xấu, không biết chọn lọc, đấu tranh với những điều sai trái, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường tệ nạn xã hội: trộm cắp, cướp giật, đánh nhau,… Đây là những hành vi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc ta, cần phê phán, đấu tranh để góp phần xây dựng, gìn giữ truyền thống đó cho các thế hệ mai sau.
Qua câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” muốn nhắn nhủ đến chúng ta thông điệp rằng. Chúng ta phải sống trọn tình, trọn nghĩa, luôn nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô, công ơn của những thế hệ đi trước,… Từ đó chúng ta phải biết học tập và làm việc sao cho xứng đáng với đạo lý làm người của dân tộc ta, để trở thành một người con ngoan, trò giỏi, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và quê hương, đất nước. Góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn: verbalearn.com
Giải thích câu uống nước nhớ nguồn – Mẫu 2
Trên thế giới ít có quốc gia nào thời gian chiến tranh giành độc lập còn dài hơn thời gian xây dựng đất nước. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước có biết bao thế hệ vua cha, anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống giúp lá cờ đỏ thắm sao vàng tung bay trên nền trời hoà bình một lần nữa. Chính đặc điểm lịch sử ấy nền độc lập dân tộc đối với dân tộc Việt Nam ta càng quý giá hơn, nên chúng ta phải nhớ tới công ơn và sống xứng đáng với những xương máu của những vị anh hùng đã bỏ mạng trở về với đất mẹ. Để tưởng nhớ công ơn ấy ông cha ta đã đúc kết truyền thống đó bằng câu tục ngữ ngắn gọn nhưng đầy hàm súc “uống nước nhớ nguồn”.
Chúng ta vẫn thường nghe tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” nhưng bạn đã thực sự hiểu ý nghĩa đầy đủ của nó. Nước là vật chất quan trọng hình thành sự sống trên trái đất, uống nước là hành động thiết yếu của con người để duy trì sự sống. Nguồn là nơi bắt nguồn dòng nước chảy từ sông hồ đến biển cả rộng lớn. Nhớ nguồn là nhớ đến nguồn gốc hình thành dòng chảy. Ý nghĩa câu tục ngữ là khi chúng ta hưởng thụ bất kì thành quả nào phải luôn ghi nhớ công lao với người tạo ra thành quả ấy.
Vạn vật trên đời này không tự sinh ra cũng không tự mất đi. Tất cả đều có nguồn gốc cũng như mọi việc xảy ra đều có nhân quả vì vậy chúng ta thụ hưởng những thành quả, kết quả ấy là do công sức lao động của thế hệ trước. Để tạo ra quả ngọt họ phải vất vả rất nhiều mồ hôi công sức, nguồn lực trí tuệ, của cải vật chất, thời gian thậm chí cả tính mạng của mình. Những người nối gót thế hệ như chúng ta hưởng thụ nó mà không phải bỏ ra chút công sức nào vì lẽ đó phải đền ơn đáp nghĩa một phần nào đó công sức của họ.
Không chỉ vậy truyền thống này còn có ý nghĩa sâu sắc giúp chúng ta gắn kết với những người đi trước, khi ta biết ơn những thành quả sẽ trân trọng công sức của họ và sử dụng hợp lý, không uổng công mồ hôi nước mắt mà họ bỏ ra. Như ta đã biết lịch sử Việt Nam trải qua hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, các cuộc kháng chiến chống Nhật, Pháp, Mỹ. Nhưng dù đời nào vẫn có những vị anh hùng từ các vị vua hùng, bà Trưng, bà Triệu,…đến Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ không màng hi sinh thân mình giúp dân tộc ta thoát khỏi ách cai trị tàn bạo, giúp nhân dân Việt Nam có cuộc ấm no như ngày hôm nay. Thật đúng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Do đó chúng ta đang được sống trong thời đại hoà bình, không phải trải qua cảnh nước mất nhà tan, chiến tranh liên miên, đói rét bệnh tật ,…chúng ta phải có nghĩa vụ sống hết mình để cống hiến xây dựng đất nước để xứng đáng với xương máu những người đã ngã xuống quên mình.Truyền thống ấy vẫn luôn tồn tại mãi trong cuộc sống của chúng ta bằng chứng rõ ràng nhất là mỗi con người sinh ra đều có cha mẹ họ là bậc sinh thành tạo ra ta, cái nôi nuôi dưỡng ta trưởng thành cho chúng ta cái ăn, cái mặc, chăm sóc ta khôn lớn thành người nên bổn phận của ta là tròn chữ hiếu với người sinh ra mình. Khi đến tuổi cấp sách đến trường thì phải tôn trọng nhớ ơn đến bậc thầy cô giáo người dẫn dắt ta bước vào đường đời này. Hay mỗi ngày, ăn chén cơm ngọt bùi ta nên nhớ đến người nông dân đã rơi những giọt mồ hôi, vất vả cày cấy trên cánh đồng mới có những bữa cơm ngon lành trọn vị.
Xã hội ngày càng phát triển đồng thời với đó là nhiều vấn tệ nạn xã hội gia tăng nhưng truyền thống ấy không bị mai một dần mà càng ngày lan tỏa càng mạnh mẽ. Nó như ăn sâu vào tiềm thức của mọi người chính vì vậy để tưởng nhớ đến các vị anh hùng liệt sĩ người có công với đất nước. Vào ngày 22/7 là ngày chúng ta sẽ tưởng niệm thăm viếng, thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng để đền ơn đáp nghĩa công sinh thành những vị anh hùng cho dân tộc. Hay ngày 20/11 ngày nhà giáo Việt Nam để nhớ ơn những người lái đò chở những mầm non tương lai của đất nước đến bến đỗ. Hơn thế nữa, ngày 27/2 ngày thầy thuốc Việt Nam để tôn vinh các y, bác sĩ và những người đang làm việc trong ngành y tế tại Việt Nam. Tất cả những điều đó chứng tỏ dân tộc ta luôn biết ơn và không ngừng phát huy làm rạng rỡ thêm tinh hoa văn hoá dân tộc.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại một số con người ích kỉ, vô trách nhiệm đó là những kẻ “uống nước” nhưng quên “nguồn”, “ăn cháo đá bát”, “qua cầu rút ván” thật đáng chê trách, mỉa mai cho những con người sống ngược với lẽ sống đó. Khi được sống trong mái nhà êm ấm, trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, sự dạy dỗ đầy nhiệt tình của thầy cô. Ấy vậy mà họ không quý trọng mà còn tiêu xài hoang phí những đồng tiền được đánh đổi bằng mồ hôi, sức khoẻ của cha mẹ, sống vô ơn với những người nuôi dưỡng ra mình, thậm tệ hơn là ngược đãi, đánh đập, bỏ rơi chính bậc sinh thành. Thực trạng này đang là vấn đề nhức nhối của xã hội đáng bị xã hội lên án và trách phạt. Tệ hơn nữa là dù đang sống trong thời bình nhưng vẫn tồn tại một số thế lực phản động thù địch lợi dụng các dân tộc miền núi dân trí thấp là đối tượng lôi kéo, dụ dỗ truyền những thông tin sai lệch gây mất tình đoàn kết, an ninh trật tự trong cộng đồng. Đặc biệt lợi dụng ứng dụng thoại trên internet, thư điện tử, phần mềm chuyên dụng, mạng xã hội để chống phá bằng những âm mưu, thủ đoạn rất thâm độc. Chúng ta cần phải có biện pháp đối phó với chúng để bảo vệ nền hòa bình mãi mãi để không uổng công bao thế hệ trước đã giành được độc lập như hôm nay.
Người sống luôn biết ơn sẽ được mọi người yêu mến, là sợi dây giúp gắn kết mọi người đoàn kết với nhau, là thước đo phẩm chất của một người. Là một người học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, trước hết chúng ta phải biết nhớ đến công lao sinh thành, vất vả nuôi dưỡng của cha mẹ để chịu khó học tập, không sa đọa ham chơi. Ngày ngày sau giờ học tập thì chăm chỉ phụ giúp cha mẹ những công việc nhà. Tham gia tích cực vào các phong trào cộng đồng do Nhà trường và đoàn thể địa phương tổ chức. Bản thân phải luôn biết sống chan hòa, biết giúp đỡ mọi người, biết ơn những người đã giúp đỡ mình. Đồng thời cũng phải biết đấu tranh với những trường hợp tiêu cực, vô ơn vô nghĩa, loại trừ những cái xấu xa ra khỏi xã hội. Từ việc biết ơn, chúng ta cũng phải biết phát triển nối tiếp những giá trị đó. Không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân, đem những kiến thức đã học đóng góp vào cộng đồng, xây dựng và phát triển đất nước, tạo ra những thành quả tiên tiến cho cuộc sống nhân loại. Đất nước ta mở cửa giao lưu hội nhập kinh tế thế giới từ lâu. Văn hoá phương Tây du nhập ngày càng nhiều là thế hệ trẻ hôm nay những con người luôn dễ dàng tiếp thu với cái mới, hãy sống có ý thức bảo vệ những nét đẹp chân quý từ ngàn đời.
Tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, hình ảnh cụ thể mà ý nghĩa thật vô cùng sâu sắc, người xưa đã khuyên nhủ thế hệ đi sau phải biết nhớ ơn những ai đã tạo dựng thành quả cho mình trong cuộc sống. Mặc dù trải qua bao thâm trầm của thời đại, ý nghĩa câu tục ngữ trên vẫn sống mãi với thời gian. Được sinh ra trong thời bình và được hưởng một cuộc sống đầy đủ tôi cảm thấy rất biết ơn. Và để đền đáp công ơn đó tôi phải cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để thành tài phục vụ cho đất nước. Việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc không chỉ riêng cá nhân, đó là nghĩa vụ của mọi công dân đang sinh sống trên dải đất hình chữ S này.
Nguồn: verbalearn.com
Giải thích câu uống nước nhớ nguồn – Mẫu 3
Những cây cổ thụ càng bám chắc vào lòng đất thì càng đứng vững được trước mọi phong ba bão táp và có thể tồn tại được hàng trăm năm. Cũng giống như những truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc càng bám chắc vào lòng nhân dân, sâu rễ bền gốc vào nền tảng đạo đức, đời sống của họ thì ngày càng sáng ngời, lấp lánh như những giá trị nhân văn, sống mãi với thời gian và những con cháu kế thừa tiếp nối, phát triển. Một trong những truyền thống đáng quý ấy chính là lòng nhớ ơn, biết đền ơn đáp nghĩa, được ông cha ta nhắc đến sinh động cụ thể qua câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng lại ẩn chứa những nét đẹp văn hóa trong lối sống trọng tình trọng nghĩa của người dân Việt Nam. Để hiểu rõ được lời dạy ấy của những thế hệ trước, đầu tiên ta hãy cùng giải nghĩa câu tục ngữ này. Thứ nhất là về lớp nghĩa thực( nghĩa đen): “nước” là một món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho nhân loại, ở dạng thể lỏng, không màu không vị, có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày như ăn uống, tắm giặt, sinh hoạt,… “Uống nước” là hành động mà con người sử dụng chất lỏng này để tồn tại và phát triển, “nguồn” là nơi bắt nguồn của dòng chảy, ở đây chính là thiên nhiên. Mỗi khi có “nước” để “uống” thì cần phải biết nhớ tới nơi phát sinh, cội nguồn của nó và thầm biết ơn tạo hóa đã cho ta những dòng nước mát lành đó. Từ đó, ông cha ta đã gửi gắm thêm vào một tầng ý nghĩa sâu xa hơn. “Nước” được dùng như một yếu tố để đại diện cho những thành quả về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng, dân tộc khi ta “uống nước” nghĩa là đang hưởng thụ những thành quả do “ nguồn” mang lại, “nguồn” là chỉ đến tổ tiên, cội nguồn, cha anh ta ngày trước tất cả những ai đã có công lao tạo ra “nước”, ra nhiều giá trị những thành quả cho chúng ta. Cuối cùng “nhớ đến nguồn” là lòng biết ơn, khắc ghi, trân trọng đối với những người như thế. Trong tự nhiên cũng như xã hội, không có sự vật nào là không có gốc gác, nguồn cội, trong cuộc sống không có thành quả nào là không do công sức lao động vất vả tạo nên, mọi thứ trên đời này không phải tự dưng mà ai ai sinh ra cũng đã có sẵn. Của cải vật chất là do những bàn tay cần cù tỉ mỉ của con người lao động làm ra. Đất nước được giàu đẹp là nhờ vào sự đánh đổi cả biết bao xương máu, nước mắt, công lao gây dựng của cha anh ngày trước. Con cái chúng ta được sống đủ đầy là nhờ rất nhiều sự hy sinh cả tuổi trẻ, sức lực, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Để có được quả ngon trái ngọt, người làm vườn đã phải bỏ ra rất nhiều công sức chăm bón, tưới tắm, nuôi dưỡng. Những người nông dân thì đã phải vất vả, tần tảo, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, không quản mưa nắng mới làm được những hạt gạo thơm ngon để được ta ăn hàng ngày.
Để có con đường, phố phường xanh sạch đẹp những người lao công đã âm thầm lặng lẽ thức khuya dậy sớm bốn mùa xào xạc quét dọn những người thầy cô đã không đã không ngại khó nhọc ngày ngày vẫn ra sức vì sự nghiệp “trồng người” và còn biết bao thành quả lao động khác mà không thấm đẫm giọt mồ hôi công sức của người làm ra, thật đáng trân trọng. Sao ta có thể chỉ biết hưởng thụ mà không biết nói lời thấm thía cảm ơn? Vì vậy, nhớ nguồn chính là một đạo lí tốt đẹp là đức tính cần thiết của con người, lòng biết ơn ấy là những tình cảm tốt đẹp, thái độ giữ gìn trân quý, xuất phát từ một tấm lòng chân thành những công lao của người khác. Ai trong chúng ta đều có những vị anh hùng riêng để biết ơn, để nhớ nguồn. Ngày trước, họ là những vị vua anh minh, lãnh đạo nhân dân đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, là những người lính, những tấm gương thương binh liệt sĩ đã ngã xuống vì nền hòa bình mà ta đang sống. Ngày nay, anh hùng còn là những người khoác lên mình một bộ đồ kín mít, chật chội khi chiến đấu tận tâm ở chuyến đầu chống dịch là những người trẻ, thanh niên xung phong ra tiền tuyến đi theo tiếng gọi “Khi tổ quốc cần, ta có” là đồng bào từ mọi miền đất nước chắt chiu gửi từng bó rau, liều thuốc đến Sài Gòn , miền Trung ruột thịt,… Họ đã và đang vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng, ra sức cống hiến vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội. Trong cuộc sống sẽ có những lúc bạn thấy hoang mang, chông chênh, mệt mỏi và hoàn toàn mất phương hướng. Đó có thể là khi bạn thi trượt một cuộc thi mà bạn nghĩ quan trọng nhất đời mình, hay thất bại trong công việc mà cho là mình làm tốt nhất,… những khoảnh khắc đó bạn luôn cần đến những điểm tựa vững chắc, một ai đó luôn đưa ra lời khuyên, vực dậy tinh thần bạn, sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ những khó khăn với bạn. Vì vậy, không chỉ phải biết ơn, nhớ đến những người làm ra thành quả cho ta hưởng, những người anh hùng mà còn phải nhớ ơn những người đã luôn kề vai sát cánh và không rời bỏ ta khi gặp phải chông gai, thử thách.
“Hãy biết ơn những người làm ta hạnh phúc vì họ là những người làm vườn đầy duyên dáng khiến tâm hồn chúng ta nở hoa”. Câu tục ngữ tuy chỉ được đúc kết trong bốn chữ nghĩa hàm súc, cô đọng nhưng mang lại nhiều ý nghĩa, bài học xâu xa. “Uống nước” là điều kiện “nhớ nguồn” là hệ quả, có nguồn thì mới có dòng nước ngọt lành để duy trì sự sống của con người. Nước đầu nguồn thì luôn đong đầy, giá trị như thế thì tại sao ta lại không biết nhớ? Mà chỉ biết tận hưởng cho riêng mình. Qua đó, câu nói còn nhuốm lên những mối quan hệ lịch sử, xã hội đó là hưởng thụ và nghĩa vụ. Phải biết ơn những người đã đem lại ấm no hạnh phúc, yên vui cho cuộc sống của mình. Cho dù là những điều, những thành quả nhỏ nhất, đơn giản nhất: bát cơm ta ăn, mái nhà ta ở, trang sách ngọn đèn, ngôi trường soi sáng tri thức ta, lá quốc kỳ đỏ thắm, màu cờ sắc áo, cây kim, viên thuốc…Tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc: lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo, yêu thương đùm bọc… Từ đó có ý thức biết sống hướng về cội nguồn, tổ tiên, biết sống đền ơn đáp nghĩa cống hiến không phụ bạc và tiếp tục kế thừa, giữ gìn phát huy những giá trị đạo đức đáng quý ấy của cha ông, biết tiếp thu có chọn lọc đúng đắn những tinh hoa văn hóa của nước ngoài. Sống tiết kiệm, trân trọng, không lãng phí khi sử dụng hưởng thụ những thành quả lao động của mọi người làm ra. Những đạo lí ân nghĩa thủy chung ấy còn được nhân mạnh lại rất nhiều trong kho tàng văn học dân gian của Việt Nam ta.
“Uống nước nhớ nguồn”
“Đường mòn ân nghĩa chẳng mòn”
Từ lâu, người dân ta đã luôn coi trọng, bảo vệ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” qua những nghi lễ, tập tục thờ cúng ông bà tổ tiên các vị anh hùng. Điển hình như những lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao dựng nước của các vị Vua Hùng. Khi mùa màng bội thu họ còn làm lễ cúng để cảm tạ thần linh, đất mẹ vì đã cho một năm làm ăn mưa thuận gió hòa. Bạn có biết ý nghĩa của những ngày 27/7 ngày khắc ghi công lao của những người thương binh liệt sĩ, ngày 20/11 tri ân nhà giáo Việt Nam, ngày 20/10, 8/3,… Cho dù năm tháng vô tình trôi đi thì những ngày lễ truyền thống tiêu biểu cho đạo lý “nhớ nguồn” cũng không bị mai một hay lụi tàn. Khi cha mẹ, ông bà già yếu, ốm đau thì có những người con cháu hiếu thuận chăm sóc, phụng dưỡng. Hay đến Bác Hồ biết ơn những người nông dân nên rất trân trọng từng bữa cơm của mình… “ Hãy biết ơn những gì bạn đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn”. Thật đáng buồn khi đâu đó trong xã hội ngày nay vẫn có những người có lối sống vong ân bội nghĩa, “có mới nới cũ”, “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”. Họ thản nhiên tiêu xài hoang phí những đồng tiền, thành quả do người khác làm ra cho mình. Thậm chí là có thái độ vô lễ, bất nghĩa, quay lại trách móc, phản bội lại công lao của họ. Thật đáng trách và phê phán. Nếu “uống nước” mà không biết “nhớ nguồn” con người ta sẽ trở nên ích kỉ, dễ thoái hóa, thành kẻ sâu mọt, ăn bám gia đình và xã hội.
“Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”
Để biết ơn với người khác không chỉ nói lời cảm ơn thôi là đủ, bạn còn cần thể hiện bằng những hành động cụ thể, phù hợp với khả năng và cần biết phân biệt giữa đền ơn và mắc nợ nữa. Bạn có biết cách rèn luyện tốt nhất đó là tập thói quen viết nhật ký mỗi ngày, ghi lại những gì đã xảy ra hoặc lập danh sách những điều mà bạn trân trọng, những người cần biết ơn. Biết cách xác định vào mục tiêu khiến bạn thấy biết ơn mỗi ngày: đó là cảm ơn ba mẹ đã sinh ra ta có đầy đủ hai mắt, một trái tim khỏe, một cuộc sống ấm no. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là thiêng liêng cao quý nhưng không phải ai cũng có đủ dũng cảm để nói ra những lời cảm ơn đến các bậc sinh thành của mình. Biết ơn với thầy cô vì những bài học vô giá, đằng sau sự thành công trưởng thành của chúng ta làm sao thiếu bóng dáng của những người lái đò thầm lặng. Không cần quà cáp cao sang, những lời nói yêu thương chân thành sâu sắc sẽ giúp thắt chặt thêm những mối quan hệ với những người bạn, những người bạn đã từng giúp đỡ mình. Hằng ngày, cũng nên ghi nhận lại những điều bạn đã từng làm cho người khác và ghi nhớ, biết ơn những ai đã giúp cho bạn. Với nội dung mang màu sắc triết lí, đạo đức, bàn về lòng nhớ ơn cần thiết của con người sử dụng nghệ thuật ẩn dụ độc đáo, mượn những hình ảnh giản dị, quen thuộc là nước và nguồn, ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu dễ nhớ, “Uống nước nhớ nguồn” quả thật là một câu tục ngữ quý giá. Giúp chúng ta hiểu hơn về những công lao to lớn của thế hệ đi trước, gắn bó với cha anh, tạo nên sự đoàn kết, tự hào tự tôn của dân tộc. Khi biết ơn người đã làm ra thành quả để ta hưởng thì lại càng biết trân trọng những cống hiến đó. Sử dụng đúng vào những công việc có ích, họ sẽ không bị uổng phí những giá trị, quả ngọt của mình. Con người sẽ biết sống ân nghĩa với nhau, được mọi người yêu quý tôn trọng. Xã hội thì tốt đẹp bởi những lối sống nhân văn, trọng tình trọng nghĩa ấy.
“Uống nước nhớ nguồn” là có thái độ biết ơn, lưu tâm đến những phúc lành của mình được hưởng, không xem bất cứ điều gì là hiển nhiên. Trong cuộc sống này chắc chắn sẽ còn rất nhiều thứ để biết ơn hơn những gì mà bạn thấy. Chì cần biết nhớ đến, chỉ cần biết trân trọng lúc đó bạn sẽ hiểu hết được những ý nghĩa sâu xa mà câu tục ngữ muốn truyền đạt, biết tự xem xét và điều chỉnh những suy nghĩ, hành động của mình. Chúng ta không chỉ có quyền được hưởng thụ mà còn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp một phần công sức vào sự phát triển chung của đất nước, dân tộc.
Nguồn: verbalearn.com