Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài giải thích câu tục ngữ có chí thì nên. Giúp các bạn học sinh có thêm tài liệu tham khảo. Mong rằng qua đề bài này này sẽ tiếp thêm động lực cho các em học sinh về đức tính kiên trì, siêng năng trong cuộc sống. Từ đó gặt hái được những thành quả xứng đáng với sự cố gắng.
Dàn ý giải thích câu tục ngữ có chí thì nên
Dàn bài giải thích câu tục ngữ có chí thì nên – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu thiệu câu tục ngữ “Có chí thì nên” và khẳng định vai trò, ý nghĩa của ý chí trong cuộc sống mỗi người.
- Ý chị nghị lực là phẩm chất cao quý tạo nên tinh thần và lòng dũng cảm.
- Sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để đạt được thành công.
Thân bài
#1. Giải thích
– Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ “Có chí thì nên”
- Khái niệm chữ “chí, nên” trong câu tục ngữ.
- “Chí”: là hoài bão, lí tưởng sống cao đẹp, lòng quyết tâm vượt qua mọi gian nan, thử thách
- “Nên” là sự thành quả, sự thành công của ý chí
Ý nghĩa cả câu tục ngữ thể hiện một lần nữa nhấn mạnh về lòng kiên trì và ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân ta mang tính giáo dục, nhân sinh sâu sắc.
#2. Bình luận câu tục ngữ
- Khi chúng ta có ý chí bền vững, lòng quyết tâm hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch mình đề ra thì mới mong gặt hái được thành công.
- Tất cả những thành quả lao động, sự kiên trì, sự dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc đời để từ đó gặt hái được những trái ngon ngọt mà ta phải đánh đổi bao vất vả, cực nhọc để có thể hưởng được thành quả tuyệt vời.
- Con người có ý chí không chưa đủ cần phải tự trang bị cho mình một kho tàng kiến thức đủ rộng để có thể đạt đến sự thành công như mình mong đợi.
- Thiếu đức tính này, ta sẽ nhanh bị chán nản, mệt mỏi khi đối mặt với những khó khăn. Nghĩa chung của câu tục ngữ này cũng tương tự như câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Nước chảy đá mòn” vậy.
#3. Dẫn chứng ngoài thực tế
- Em học sinh nghèo vượt khó Lương Ngọc Anh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký vượt qua số phận vì bị liệt cả 2 tay nhưng đã không ngừng nỗ lực, kiên trì rèn luyện viết chữ bằng chân để đạt ước mơ và trở thành thầy giáo, nhà giáo ưu tú như bây giờ.
- Nhà bác học Ê-đi-xơn sáng chế ra bóng đèn sau 10000 lần thất bại
- Nêu các phản đề về thực trạng hiện nay đi ngược lại với ý chí nghị lực, không đi đúng theo phẩm chất giàu ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm. Thay vào đó là sự chay lì, nhút nhát, không kiên định, dễ dàng bỏ cuộc trước mọi khó khăn, thử thách, hay nản lòng, nản chí.
- Cách thức, rèn luyện ý chí, nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh.
- Thiết lập kế hoạch, mục tiêu để đi đến hành động dứt khoát kiên định để đạt được mục tiêu đề ra. Đó là con đường để chạm đến vinh quang và mang lại thành công nhanh nhất
Kết bài
- Tóm lại, “Có chí thì nên” đã khái quát một bài học mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về việc con người cần kiên trì, nhẫn nại, không bao giờ dễ dàng nản chí, chấp nhận, khuất phục trước khó khăn, nghịch cảnh của số phận.
- Phải có lòng tin, sự nhiệt huyết, mạnh dạn tiến về phía trước dù trước ta là những gian nan, thử thách của cuộc đời mà ta buộc phải đối mặt không được nản chỉ, chùn bước
Dàn bài giải thích câu tục ngữ có chí thì nên – Mẫu 2
Mở bài
- Giới thiệu và nói về con đường để đến thành công là được đúc kết từ câu tục ngữ “có chí thì nên”.
Thân bài
#1. Giải thích
- Giải thích về câu tục ngữ “có chí thì nên”: Giải thích từng từ.
- “Chí” có nghĩa là có ý chí, có nghị lực khi làm một việc gì đó, hay muốn theo đuổi một cái gì đó lớn lao.
- Đưa ra ví dụ như: nhặt rau giúp mẹ, theo đuổi ước mơ,…
- Và khi đã có quyết tâm, có nghị lực, ý chí vững vàng thì mọi việc ắt sẽ thành công và ổn định, đây là nghĩa của từ “nên”.
#2. Biểu hiện
- Đi sâu hơn vào vấn đề, phân tích rõ hơn về câu tục ngữ đó.
- Nói về thành công của người khác nhờ sự cố gắng, ý chí vươn lên.
- Đưa ra các ví dụ: từ câu chuyện của những người thành đạt, hay những người xung quanh ta.
#3. Ý nghĩa của câu tục ngữ
- Giúp rèn luyện bản thân, rèn luyện ý chí và sự cố gắng trong mọi việc.
- Từ đó có thể thấy, khi ta dốc hết mình, cả tâm và chí đều đặt vào việc sắp hoặc đang làm thì kết quả mang đến sẽ là vô cùng lớn lao
- Khiến ta thêm tự hào về bản thân, biết trân trọng từng công việc, tích cực với cuộc sống hơn.
#4. Bàn luận
- Nói rõ hơn về nhiều khía cạnh, lấy dẫn chứng thực tế.
- Lí do tại sao nhiều người không thể đạt được mục đích của mình.
Kết bài
- Tóm gọn lại vấn đề, nói lên rằng nhờ đó mà ta có thêm động lực để cố gắng
- Câu tục ngữ đó không bao giờ là thừa trong bất kỳ việc gì trong cuộc sống.
Dàn bài giải thích câu tục ngữ có chí thì nên – Mẫu 3
Mở bài
- Giới thiệu dẫn dắt câu tục ngữ: “có chí thì nên”
Thân bài
#1. Giải thích
- Chí: những ước mơ, lí tưởng, mục tiêu, hoài bão trong cuộc sống.
- Nên: những thành công, sự nghiệp viên mãn, những lí tưởng được hoàn thành.
- Qua đó, ông cha ta muốn dạy dỗ con cháu sống phải có ý chí quyết tâm, nỗ lực theo đuổi đến cùng mọi đam mê, khát vọng, những điều mình mong muốn.
- Tại sao phải có chí thì nên? Để vượt qua mọi biến cố, nghịch cảnh.
- Đi được đúng đường, đúng lối, không phải tiếc nuối.
#2. Biểu hiện
- Chiến thắng được bản ngã của mình: không yếu đuối, hèn nhát, dám dấn thân, không sợ vấp ngã, biết lo nghĩ cho tương lai.
- Phải có bản lĩnh, có mục tiêu kế hoạch rõ ràng, phương pháp cụ thể, biết làm những gì để thành công.
- Không từ bỏ hay lùi bước, luôn tin vào bản thân, dám đương đầu, dám đi những con đường hẹp ít người đi.
– Dẫn chứng:
- Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Cao Bá Quát, sứ giả hòa bình HeLen Keller,…
#3. Bình luận
- Tuy nhiên cần phê phán, lên án những người không có ý chí.
- Có một số người thì không dám nghĩ dám làm, nhanh chóng chán nản, bỏ cuộc, không kiên quyết với những mục tiêu của mình.
#4. Bài học cá nhân về có chí thì nên
- Làm được những điều không tưởng, những điều kì diệu.
- Không chịu thua, có động lực vươn lên trong mọi nghịch cảnh.
- Biết sống có ý nghĩa, có ích cho xã hội.
- Động viên, khích lệ con người, biết nuôi dưỡng ý chí.
Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ: “có chí thì nên”.
- Bài học liên hệ cho bản thân và mọi người .
Văn mẫu giải thích tục ngữ “có chí thì nên”
Giải thích câu tục ngữ có chí thì nên – Mẫu 1
Ý chí nghị lực sống là nguồn nội lực diệu kỳ giúp con người vượt qua mọi nghịch cảnh, chinh phục cuộc sống. Ý chí nghị lực luôn là một phẩm chất cao quý cần thiết với mỗi người. Câu tục tục ngữ khuyên nhủ chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực để có thể vượt qua gian nan, thử thách là con đường ngắn nhất để đi đến vinh quang và thành công. Ý chí nghị lực đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, tạo nên tình thần và lòng dũng cảm dám đương đầu với mọi thử thách để thúc đẩy tiến lên phía trước và vững trọn niềm tin về một tương lai tốt đẹp.
Việt Nam ta được biết đến là đất nước có kho tàng tục ngữ giàu có, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện đậm màu trí tuệ. Kho tàng đó đã được đúc kết biết bao kinh nghiệm quý báu của cha ông ta từ những ngày đầu dựng nước và được lưu truyền và phát huy tới ngày hôm nay. Được xem là bài học nhân sinh, cách ứng xử chuẩn mực đứng đắn dạy cho mọi người ngày càng hoàn thiện nhân cách, đạo đức mỗi người. Câu tục ngữ “ Có chí thì nên”một lần nữa nhấn mạnh về lòng kiên trì và ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân ta mang tính giáo dục, nhân sinh sâu sắc.
Trước tiên tìm hiểu khái niệm về câu tục ngữ này là gì? Chí là hoài bão, lí tưởng sống tốt đẹp, lòng quyết tâm, sức mạnh tình thần giúp con người có thêm lòng dũng cảm để vượt qua mọi thử thách, gian nan của cuộc đời. Người có chí thì sẽ có thêm nhiều nguồn lực để đạt được những thành công, mục tiêu của bản thân.Vậy “Nên” là gì? Nên được hiểu là sự thành công từ ý chí là kết quả của sự ý chí. Tất cả những thành quả lao động, sự kiên trì, sự dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc đời để từ đó gặt hái được những trái ngon ngọt mà ta phải đánh đổi biết bao vất vả, cực nhọc để có thể hưởng được thành quả tuyệt vời.
Nhưng các bạn hãy nhớ rằng có ý chí không chưa đủ vì ý chí thường phải cần trang bị một vốn kiến thức đủ lớn để có thể đạt được kết quả như bạn mong muốn, tri thức chính là sức mạnh. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, máy móc dần thay thế sự hoạt động của con người chúng ta phải chủ động trang bị những kiến thức đầy đủ và hợp lý để không bị thụ động trước những biến động khó lường của cuộc sống hiện đại.
Câu tục ngữ được xem là bài học giáo dục nhân sinh rất hay của ông cha ta từ xưa. Chính bản thân mỗi người phải tự nhìn nhận thực tế bản thân mình có thiếu lòng quyết tâm, ý chí phấn đấu cầu tiến đã đủ hay chưa, mình đã cố gắng hết sức chưa? Nếu chưa thì chúng ta hãy tự thức tỉnh và thay đổi bản thân để hướng tới một mục tiêu, kế hoạch tương lai tốt đẹp hơn. Trong xã hội bây giờ, giới trẻ thường có những suy nghĩ tiêu cực, nhanh bị chán nản, mệt mỏi khi mới gặp khó khăn, gian nan thử thách là chấp nhận đầu hàng bỏ cuộc sớm khi chưa cố gắng hết sức, không quyết tâm thực hiện mục tiêu tới cùng. Câu tục ngữ tương tự như câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Nước chảy đá mòn” vậy thể hiện sự kiên trì, bản lĩnh và sự bền bỉ.
Ý chí kiên cường, bất khuất cộng với sự quyết tâm cao độ là con đường đưa chúng ta đến bến đổ của hạnh phúc, chạm đến vinh quang và thành công tốt đẹp. Khi mỗi chúng ta có ý chí, nghị lực có bản lĩnh vững vàng thì khi đó tự khắc ta sẽ có động lực phi thường để vượt qua mọi gian nan, thử thách của cuộc đời. Nhân dân ta từ xưa đã đánh bại giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến tranh đầy đau thương mất mát, biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng để hi sinh vì nền độc lập, tự do, hạnh phúc của nước nhà. Cho dù giặc ngoại xâm có mạnh về lực lượng vũ trang, nhân lực hùng mạnh, nhưng bằng một lòng chiến đấu kiên cường, bất khuất không chịu khuất phục trước ách đô hộ, thống trị của bọn giặc cướp nước ( Đế quốc Mỹ, thực dân Pháp, Phát Xít Nhật,..) dân ta một lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu bền bỉ, vững vàng để đánh bại kẻ thù xâm lược, đem lại nền độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước Việt Nam.
Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều tấm gương sáng ngợi ca vẻ đẹp của sự kiên cường, bất khuất, ý chí lòng quyết tâm để vượt qua mọi nghịch cảnh của cuộc đời. Tấm gương tiêu biểu là em Lương Ngọc Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa là con cả trong gia đình có ba chị em, hoàn cảnh lại khó khăn thuộc diện hộ nghèo, nhưng em luôn cố gắng học tập dù điều kiện nhà em rất khó khăn nhưng em không hề nản chí mà cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập, em đạt thành tích nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Em là một trong những tấm gương học sinh nghèo vượt khó tiêu biểu trong việc học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.
Chắc hẳn mỗi học sinh chúng ta ai cũng biết đến thầy Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Mặc dù sinh ra với thân hình không được toàn vẹn như những người khác, thầy bị liệt cả hai tay nhưng vì ý chí mạnh mẽ, nghị lực phi thường, sự kiên trì, nhẫn nại, không chấp nhận trước số phận nghiệt ngã và thầy đã thành công trên con đường luyện chữ đẹp bằng chân của mình và đã hoàn thành chương trình 12 và học xong đại học để đạt ước mơ thầy giáo, một nhà giáo ưu tú như bây giờ. Thầy đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy rằng một người tật nguyền vẫn có thể trở thành một người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng và ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau. Hay như những nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu, kiên định với mục tiêu của mình để đem đến những sáng chế có ích cho đời sống nhân loại,… Tất cả những điều này đã khẳng định sức mạnh to lớn của ý chí và lòng quyết tâm, giống như Bác Hồ đã từng nói:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Những tấm gương về ý chí nghị lực không chỉ giới hạn trong nước, bước xa hơn là ở nước ngoài mà trong sách báo cũng đã nhắc nhiều tới tên tuổi của nhà bác học Ê-đi-xơn nhờ sự kiên trì, nỗ lực, lòng quyết tâm và ý chí không bao giờ bỏ cuộc ông đã sáng chế ra bóng đèn điện sau 10000 lần thất bại.
Ý chí nghị lực của con người không phải tự nhiên sinh ra, mà nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ, khó khăn của cuộc sống. Trời không lấy hết đi của ai thứ gì, nghị lực là tài sản lớn nhất và vô giá mà cuộc sống ban tặng cho những người không được may mắn sinh ra ở vạch đích. Vậy nên chúng ta tuyệt đối đừng bao giờ từ bỏ khát vọng vươn lên, bởi chỉ có nỗ lực học tập, làm việc không ngừng mới giúp ta vượt qua sự khắc nghiệt của hiện tại.
Bên cạnh những biểu hiện thể hiện ý chí kiên cường để tạo nên thành công theo đúng chuẩn câu tục ngữ “ Có chí thì nên” thì bên cạnh đó lại tồn tại những người sa sút ý chí, dễ nản lòng, chấp nhận đầu hàng số phận, dễ dàng từ bỏ lý tưởng. Đừng sống kiểu : “ Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, đừng bao giờ nhụt chí, chùn trước những khó khăn, thử thách mà phải luôn bền bỉ, rèn luyện, học tập và phấn đấu suốt đời. Chúng ta hãy nhớ rằng không có điều gì là dễ dàng để bước đến vinh quang, đến thành công cả nếu như một chút khó khăn đã dễ dàng nản chí đã chấp nhận đầu hàng số phận thì bạn chẳng bao giờ chạm tới cánh cửa thành công. Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của ý chí của sự thành công, mỗi cá nhân phải đặt riêng cho mình một mục tiêu, đích đến rõ ràng và luôn kiên định với kế hoạch mình vạch sẵn không được đầu hàng trước khó khăn thử thách phía trước. Để thực hiện được điều này thì bản thân mỗi người tự mình có những kỉ luật riêng và bám sát mục tiêu và quyết tâm hành động để hướng tới thành công.
“Có chí thì nên” câu tục ngữ ngắn gọn xúc tích nhưng được xem là một phương châm sống, kim chỉ nam định hướng cuộc đời mỗi người. Nó được xem là một chân lý sống, khẳng định giá trị, ý nghĩ của ý chí và sự kiên trì trong tiềm thức của mỗi người. Hay cho câu “ Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường. Hàm ý câu danh ngôn khuyên nhủ, nhắc nhớ con người muốn đạt thành tích kết quả quan và hướng tới những mục tiêu tốt đẹp, thì không thể không có ý chí vượt khó, ý chí vươn lên, tìm tòi sáng tạo không ngừng trong cuộc sống.
Ý chí giúp ta có thêm nghị lực, niềm tin để làm nên kỳ tích, biến những điều không thể thành có thể. Cuộc sống khó khăn, nhiều trở ngại, gian nan là vậy không ai có thể tránh khỏi. Nhưng quan trọng phải dùng ý chí, lòng tin của mình để giải quyết khó khăn, vượt qua nó một cách dễ dàng. Ý chí lòng quyết tâm là liều thuốc tinh thần, tài sản lớn nhất của đời người. Ý chí tạo từ nền tảng về sự đúng đắn, những điều tốt không gây hại đến người khác. Làm chủ bản thân là thể hiện ý chí, quyết tâm của mỗi người mà, thành công hay không là do chính sự cố gắng nỗ lực của chúng ta, không ai nghèo hay giàu thay mình cả, số phận là do mình tự giành lấy, thất bại hay thành công là do bản thân nỗ lực của mỗi người mà thôi. Đừng bao giờ mãi hoài niệm về quá khứ đau buồn mà hãy nhìn về tương lai, rồi có một ngày ta tìm được định hướng đúng đắn riêng cho mình. Với người có ý chí sắt đá thì nghị lực cũng là vô hạn. Những ai hiểu được thất bại luôn chứa đựng những cơ hội, làm bài học kinh nghiệm để tìm cho mình một hướng đi, một định hướng mới để tạo dựng thành công sau này. Nghịch cảnh đơn giản khiến ta trở nên mạnh mẽ thay vì bi quan, chán nản không ích gì mà ta tìm cách để giải thoát nó, kiên trì quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Đối với học sinh, sinh viên ngày nay phải thường xuyên rèn luyện, bồi đắp và nâng cao ý chí, không ngừng nỗ lực, bồi dưỡng tri thức để đạt được những thành tích cao trong học tập để trở thành con người ích cho xã hội, cho đất nước và bản thân sẽ đạt những ước mơ khát vọng mở ra cho mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Tóm lại, “Có chí thì nên” đã khái quát một bài học mang ý nghĩa giáo dục, nhân sinh sâu sắc về việc con người cần kiên trì, nhẫn nại, không bao giờ dễ dàng nản chí, chấp nhận khuất phục trước khó khăn, nghịch cảnh của số phận mà luôn hướng đến những mục tiêu đã đề ra. Ý chí tạo chúng ta sức mạnh phi thường, giúp ta tìm ra hướng đi đúng đắn, mở rộng con đường thành công. Con đường đi đến thành công đạt được mơ ước không chỉ có ý chí, giàu nghị lực mà còn phải có hoài bão, mục tiêu kế hoạch luôn thôi thúc ta hành động. Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam cũng có rất nhiều câu tục ngữ thể hiện ý chí nghị lực này như “Thất bại là mẹ thành công”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”,… và trở thành những lời nhắc nhở sâu sắc dành cho thế hệ trẻ về lòng kiên trì, bền bỉ, vững vàng ý chí để vượt qua mọi gian nan, thử thách để chạm đến cánh cửa thành công.
Nguồn: verbalearn.com
Giải thích câu tục ngữ có chí thì nên – Mẫu 2
Trong cuộc sống bất kể là ai, làm việc gì thì luôn có một áp lực vô hình đó là phải thành công, đôi khi là bài kiểm tra một tiết, hay thi đại học, đi xin việc hay hoàn thành công việc được cấp trên giao phó, nhưng có ai đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra không khi không đặt hết ý chí và sự quyết tâm vào đó? Có chăng chỉ là may mắn nếu cứ buông thả rồi trông chờ vào sự may rủi, bạn muốn được điểm cao nhưng lại không muốn học bài? Bạn muốn được trọng dụng trong công việc nhưng lại không muốn phát triển bản thân? Một con bướm khi còn trong kén nó cũng tự nhọc nhằn xé kén chui ra và bay lượn trên bầu trời, thì tại sao chúng ta là những người có đầu óc và tri thức lại không thể làm điều đó? Đối với sự thành công của con người thì ngoài 1% của các yếu tố khác thì 99% còn lại là dựa vào sự nỗ lực và rèn luyện, không phải ai cũng đạt được cái mà mình mong muốn nếu không có sự cố gắng, và đi song song với sự cố gắng đó là ý chí, là quyết tâm, nói thì dễ nhưng mấy ai làm được điều đó? Mấy ai sẽ không ngừng cố gắng khi đã thất bại một lần, hai lần? Được đúc kết từ kinh nghiệm của mình mà ông bà xưa đã truyền lại cho con cháu đời nay câu tục ngữ “có chí thì nên”, đã bao nhiêu người thành công nhờ áp dụng nó và bao nhiêu câu nói chân lý được truyền đạt lại cũng từ câu nói này.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn vào vấn đề này, chí có nghĩa là gì? Chí theo ông cha ta nói có nghĩa là ý chí, là sự quyết tâm cần phải có khi chúng ta làm bất cứ một việc gì đó. Bạn sẽ không thể làm tốt một bài văn, không thể hoàn thành xuất sắc hơn có thể nếu bạn không đặt sự quyết tâm, ý chí vào đó, “có chí thì nên” câu nói luôn đúng nếu bạn biết đặt ra mục tiêu cho mình, kèm thêm đó là sự cố gắng, sự quyết tâm và ý chí, bạn sẽ thấy bạn có thể làm tốt hơn cái chuẩn mực mà bạn đặt ra ban đầu.
Cũng không phải chỉ những mục tiêu lớn lao mới phải cần đến ý chí và sự cố gắng nhẫn nại, từ những việc nhỏ nhất như nhặt giúp mẹ bó rau, hay lau giúp mẹ những kẻ bụi của cửa sổ cũng phải cần đến sự cố gắng, nếu cứ buông thả cẩu tả thì một là bạn sẽ bỏ qua mất một mớ rau ngon, hoặc là trong đám rau ngon bạn mới nhặt sẽ lẫn lộn có những lá hư, lá sâu. Đừng nghĩ rằng bản thân chỉ nên làm việc lớn, còn những việc nhỏ nhặt này thì không cần phải có sự cố gắng, quyết tâm, có nhỏ thì mới có lớn, có rèn luyện được từ trong cái nhỏ nhặt thì mới làm được những việc lớn hơn, rèn luyện ý chí quyết tâm đó như một thói quen thì nó sẽ luôn tồn tại song song với bản thân mình, ta sẽ không phải buộc chặt hay giữ khư khư sợ khi lơi ra sẽ mất đi cái ý chí mà mình đang có.
Không ai thành công mà chỉ có sự may mắn, song song với may mắn đó là mục đích họ đặt ra, đi kèm ý chí vượt qua mọi chướng ngại, khó khăn, họ biết tự đứng dậy khi vấp ngã, họ biết mình sai ở đâu, cần sửa ở đâu, và họ sẽ không lặp lại cái sai đó lần thứ hai, cho dù họ vấp ngã hai lần, ba lần, hay mười lần thì họ vẫn đứng lên và làm lại từ đầu, đó là ý chí là nghị lực của những người thành công. Tác giả Tuệ Nghi, tác giả được xếp vào danh sách là 1 trong 10 người truyền cảm hứng cho giới trẻ, cô đã từng ngủ giữa màn trời chiếu đất, cô đã từng phải đi làm thuê những việc tay chân miễn là có tiền để xoay sở qua ngày, nhưng bây giờ cô trở thành một doanh nhân vươn tầm thế giới, vì sao cô lại làm được điều đó? Không phải vì cô may mắn mà là vì cô biết nắm bắt cơ hội, cô vận dụng hết những gì cô đã được học, cô tự đặt ra mục tiêu cho bản thân, tự đứng dậy sau những vấp ngã, cô không ngừng học hỏi, tìm tòi và điều quan trọng là cô luôn có ý chí vượt qua mọi thử thách đến với mình. Những người thành công, họ cũng như ta, cũng chỉ có một cái đầu và một bộ não, nhưng tại sao ta chỉ đứng một chỗ nhìn họ ngày càng tiến xa hơn? Vì ta không dũng cảm bước ra cái vòng an toàn mà ta định sẵn, sợ vấp ngã, sợ bị những tổn thất mà mình không chấp nhận được, và kèm đó là ta không có ý chí, chỉ đứng một chỗ rồi mong ước được như họ. Dừng lại đi, và đừng như vậy nữa, hãy chỉ khao khát được như họ khi ta đã cố gắng hết sức, và hãy chấp nhận rằng ý chí của ta không bằng họ. Đừng tự bạo biện rằng học thức của họ cao hơn của ta, ngành học của họ khác của ta, và họ thông minh hơn ta, thay vì họ được học đại học thì ta có thể vừa học tại chức rồi học lên từ từ, có chăng chỉ là thời gian rèn luyện và cách trang bị kiến thức khác nhau mà thôi, cũng đừng oán thán tại cơ hội đến với họ sớm hơn mình, là do mình không tự tìm cơ hội cho mình mà thôi. Có ai thành công mà không cần đến ý chí? Có ai thành công mà một lần vấp ngã rồi buông xuôi? Có chăng chỉ là những người thất bại. Nói thực tế hơn thì bạn sẽ không tự đi xe đạp được nếu không bị ngã một vài lần. Cái ý chí là cái Cần-Phải-Có trong cuộc sống hàng ngày, chỉ những người lười biếng, chây ì thì mới không cần đến nó. Xã hội sẽ không ngày càng phát triển nếu không có sự tìm tòi, học hỏi và bao lần thất bại, ông cha ta cũng không thể nào cho con cháu một cuộc sống sung túc hơn nếu không biết vươn lên trong cuộc sống. Vậy nên kinh nghiệm mà ông bà trải qua truyền lại cho con cháu thì không bao giờ là vô ích.
Cho nên, bạn hãy thử nghĩ xem, khi bạn cố gắng, chăm chỉ học bài, ôn bài cho một kỳ thi nhỏ sắp tới, thì kết quả mà bạn nỗ lực ngày đêm chắc chắn sẽ được như ý nguyện, thậm chí là vượt qua mong đợi ban đầu. Hay như chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã thực hiện được hoài bão cứu dân, cứu nước, lý tưởng của bác thực hiện được là nhờ ý chí và nghị lực đầy kiên cường, và cuối cùng đổi lại là đất nước Việt Nam ấm no, hạnh phúc, sung túc như bây giờ. Qua đó có thể thấy, khi ta quyết tâm làm một việc gì đó, không những giúp bản thân ta thấy tự hào, mà còn vui vui vẻ vẻ giúp chính mình bước đến con đường tương lai tươi sáng, hay là việc làm của ta có thể có ý nghĩa hơn, giúp ích được cho xã hội, cho đất nước, khiến đời sống tinh thần của mọi người được nâng cao hơn, khiến đất nước ngày càng phát triển.
Và đâu phải chỉ thời đại trước mới có người thành công, có chăng là do một số người trong xã hội bây giờ không cố gắng, không học tập trau dồi kiến thức, họ không tự chuẩn bị hành trang cho bản thân, hay không biết rút kinh nghiệm qua những lần vấp ngã để áp dụng vào cuộc sống, có chăng là do họ không có ý thức về sự ý chí và nghị lực để cố gắng đi đến thành công, hướng đến cuộc sống tươi sáng mà họ muốn. Trên thực tế, có không ít những thành phần hư hỏng, đáng lên án và phê phán. Những thanh niên hư hỏng không có ý chí vững vàng và thường gây nên bao tệ nạn xã hội như sử dụng chất cấm, đua xe hay tệ hơn là cướp bóc và giết người,… do những người xấu rủ rê, dụ dỗ. Hay những người không muốn làm mà chỉ muốn ăn như những nhóm người lành lặn, có sức khỏe mà lại đi ăn xin từ người khác. Trong cuộc đời của mỗi người, ai rồi cũng sẽ gặp khó khăn. Nhưng một người luôn dậm chân tại chỗ không chịu bước mà luôn oán trách cuộc đời thì đó là do họ không có mục đích và không có ý chí vươn lên, như vậy chẳng khác gì họ biết họ đang dần tụt dốc mà không muốn dừng lại, nếu thử một lần họ dừng lại và cố gắng leo lên đoạn dốc đó họ sẽ thấy bản thân họ đã khác, không nhiều thì chí ít cũng là một phần nhỏ nào đó. Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn, thời gian cũng không chờ đợi một ai. Cho nên nhân lúc còn trẻ hay còn sức khỏe hãy cố gắng học hành, cố gắng làm việc một cách tốt nhất. Nên giữ vững quyết tâm và ý chí của mình, bởi nếu quá lung lay, thì kết quả tệ nhất là có khi bạn sẽ trở thành một trong những thành phần tệ hại của xã hội, bị người người lên án, chỉ trích. Hãy thử tìm hiểu cảm nghĩ của những người thành công được truyền đạt qua những cuốn sách bạn sẽ thấy, không phải ai cũng có một điểm xuất phát hoàn hảo, cho dù điểm xuất phát của họ có hoàn hảo đến đâu cũng không ngày càng thành công nếu họ không biết cố gắng, không biết đặt mục tiêu để tiến tới.
Tóm gọn lại, muôn loài vạn vật, dù là cỏ cây, hay là con người thì trong bất kỳ việc gì muốn có được một kết quả tốt nhất thì chúng ta cần phải có sự cố gắng kèm theo đó là ý chí và sự quyết tâm, nếu rèn giũa được bản thân thì những khó khăn thử thách cũng chỉ như món đồ trang sức tô điểm thêm cho sự quyết tâm và ý chí của mình. Mỗi người sẽ có một giá trị riêng, nếu không thể làm tốt việc gì đó không phải do bạn vô dụng, cũng không phải do bạn yếu kém hơn người khác, mà là do bạn chưa đủ mạnh mẽ, chưa đủ quyết tâm và chưa đủ ý chí để làm điều đó một cách tốt nhất, người khác làm được, tại sao bạn lại không?
Nguồn: verbalearn.com
Giải thích câu tục ngữ có chí thì nên – Mẫu 3
Mỗi con người chúng ta khi sinh ra đều là những trang giấy trắng giống nhau. Nhưng rồi cuộc đời xô đẩy sẽ vẽ lên những vết mực oái oăm của những chông gai, thử thách, của những cám dỗ và thất bại. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi áp lực và điều quan trọng là bạn cần có những gì để vượt qua được chúng? Đó chẳng phải là một tinh thần thép, một ý chí nghị lực kiên cường hay sao? Bởi khi có ý chí bạn sẽ có thêm sức mạnh để thành công. Đó chính là những ý nghĩa to lớn của câu tục ngữ “ có chí thì nên”.
Cuộc sống này luôn không ngừng vận động và phát triển và nó luôn bắt ta phải lựa chọn và chiến đấu. Lựa chọn bước tiếp hay dừng lại, lựa chọn dấn thân hay bỏ cuộc? Chiến đấu với chính bản thân mình, với “cái tôi” bên trong bạn, những khó khăn, thử thách ngoài kia. Việc chúng ta có thể xóa nhòa đi những vệt mực oái ăm tồi tệ hay không? Chúng ta có thể tự mình vẽ nên những gì mong muốn, những gì tốt đẹp nhất cho trang giấy đời mình hay không là còn tùy thuộc nhiều vào thái độ sống và nhận thức của mỗi người. Vậy có chí là có những gì? “Chí” ở đây là ý chí, chí hướng, ước mơ mục tiêu lý tưởng, là những nghị lực, tinh thần của một con người mà nhờ có chúng con người sẽ có thêm động lực để làm nên sự nghiệp của mình. Còn “nên” ở đây là chỉ đến những thành quả ngọt ngào được đền đáp xứng đáng sau bao nỗ lực cố gắng, là khi sự nghiệp thành công viên mãn, những mục tiêu ước mơ được thực hiện hoàn thành. Quả thật, tục ngữ là túi khôn của nhân loại, ông cha ta ngày xưa muốn thông qua câu nói: “Có chí thì nên, nhà có nền thì vững” là nhằm khuyên răn, giáo dục con cháu sau này nhất định phải có ý chí quyết tâm, không ngừng nỗ lực phấn đấu, theo đuổi đến cùng những đam mê, khát vọng đã đặt ra, kiên trì lạc quan tin tưởng thì sẽ làm được những gì mình mong muốn.Vậy sống nhất thiết là phải có “chí” hay không? Hãy cùng nhau đi tìm ra câu trả lời nhé! Trước muôn vàn lối rẽ của cuộc đời, không có được bản đồ trong tay, cũng không có kim chỉ nam để dẫn đường. Bạn có khả năng, có tiền đề vững chắc, có sự tự tin liệu đã đủ? Bạn còn phải có ý chí, nghị lực để tìm ra được con đường đúng đắn, bằng phẳng nhất, để vượt qua được những khó khăn thử thách còn nếu ngược lại bạn sẽ rẽ nhầm lối, đi nhầm đường, vì thế mà khoảng cách xuất phát điểm sẽ chậm lại so với những người khác có ý chí hơn. Vấp ngã, thất bại thì tự mình đứng lên, gặp phải biến cố, nghịch cảnh thì mạnh mẽ, dũng cảm đối diện tìm cách khắc phục, đừng bao giờ nản chí hay bỏ cuộc vì “nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân bạn mà chính là thềm đá nâng bước bạn cao hơn”. Không có cuộc hành trình nào là dễ dàng cả, không phải con đường của sự thành công lúc nào cũng êm đềm, trải lụa, hãy xem những khó khăn, nỗi buồn là phép thử cho sự kiên nhẫn và lòng dũng cảm của bạn. Cuộc đời sẽ thay đổi nếu ta thay đổi. Hãy nhớ rằng người ta thường chỉ tiếc nuối vì đã không làm hết sức mình chứ chẳng ai hối tiếc vì đã dám thử nghiệm.
“Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”- Nguyễn Bá Học. Vì vậy, để làm nên nghiệp lớn, đạt được những mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra thì thái độ của mỗi người khi đương đầu với gian nan thách thức là rất quan trọng. Bạn đã từng rơi nước mắt chán nản, thiếu ý chí, hãy nở nụ cười tự tin đối diện vươn lên, bạn biết thách thức lớn nhất là gì hay không? Đó chính là bản thân mình đấy, sự yếu đuối, hèn nhát, sợ vấp ngã sẽ níu kéo bước chân bạn lại; sự thờ ơ vô tư không lo nghĩ sẽ làm triệt tiêu đi những ước mơ, hoài bão, ý chí của bạn. Thế nên, trước khi có “chí” bạn phải biết cách chiến thắng được những lần vấp ngã của bản thân mình. “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người khác không phải là sự thiếu hụt sức mạnh hay thiếu hụt kiến thức mà đúng hơn là thiếu hụt lí trí” Tiếp theo là phải có bản lĩnh cá nhân, là khi bạn dám nghĩ dám làm và có thái độ sống tốt, là khi bạn kiên trì không ngừng luyện tập, khi không ngừng cố gắng bạn sẽ phát hiện ra rằng mình xuất sắc hơn so với tưởng tượng rất nhiều. “Điều tuyệt diệu sẽ chờ đợi những người đang tiến về phía trước”, một bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được những mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp định hướng lý tưởng, không có chí thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà. Người có chí thì chạy băng băng, người không có chí thì đang lạc lối bởi vì họ không biết chạy đi đâu cho đúng và chạy để làm gì. Người có chí thì biết cảm ơn hài lòng những gì mình đang có, người không có chí thì sẽ luôn oán trách bởi họ thấy cuộc đời này lắm bất công; người có chí thì thường ngủ không được , người không có chí thì lại không muốn thức dậy vì khi thức dậy lại thấy lạc lõng, không biết phải làm gì
“Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai”
Biểu hiện quan trọng nữa của người có chí đó là không từ bỏ, không lùi bước và không bao giờ ngừng làm những điều mà họ cho là đúng để tiến đến thành công. Vì họ hiểu rõ được rằng mọi thứ đáng giá trên đời này không dễ dàng mà đạt được, cần phải có sự đánh đổi, dám dấn thân, trải nghiệm để nhận được nhiều giá trị hơn. Vì họ luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân và sẵn sàng đối mặt với những chỉ trích từ những người không có đủ dũng cảm để làm những gì đúng đắn, họ quyết tâm chinh phục con đường hẹp ít người dám đi để tạo nên sự khác biệt của những người thành công.
“Ai ơi đã quyết thì hành
Đã đan thì lận tròn vành mới thôi”
Thất bại là mẹ thành công, trong cuộc sống tấp nập phát triển như ngày nay, ta lại càng phải tập xông pha, phải biết nhẫn nhục và cố gắng, mưa nắng cũng không lấy làm khó nhọc, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Khó khăn không phải đến để quật ngã ta, mà là để ta quật ngã chúng. Chẳng ai thành công mà chẳng vài lần vấp ngã, hãy cứ nung nấu ý chí của mình, nuôi dưỡng và rèn luyện nó, hãy sống như những đóa hoa luôn hướng về mặt trời, bóng tối sẽ ngã phía sau lưng bạn. Chúng ta sinh ra không phải là để tồn tại mà là để sống, để chinh phục những ước mơ, khát vọng của riêng mình. Và để có thể trở thành những chiến binh thực sự mạnh mẽ, tự tin bước vào đời, những thế hệ trẻ như ta cần phải nhận thức đúng đắn và hiểu rõ được giá trị, chân lí của ý chí: Sức mạnh không đến từ thể chất nó đến từ ý chí bất khuất kiên cường. Pauline Kael cũng từng khẳng định rằng: “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Để đạt được thành công, trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước nhà Nguyễn Hiền đã không ngừng nỗ lực bền bỉ, tuy nhà rất nghèo, không đủ tiền đi học nhưng ngày nào cũng vậy dù nắng hay mưa thì cậu bé hiếu học ấy vẫn lén đứng ngoài cửa lớp để nghe thầy giáo giảng bài, tập viết trên lưng trâu nền cát, bài tập thì làm trên lá chuối. Hay có ông Cao Bá Quát có tiếng làm văn hơn người nhưng lại viết chữ rất xấu vì thế mà không viết được đơn kiện cho một bà lão, ông đã không ngại vất vả ngày đêm kiên trì luyện viết, không bao lâu ông đã nổi tiếng làm văn hay chữ tốt. Nhìn ra thế giới, ta sẽ còn thấy biết bao vô vàn tấm gương đầy ý chí như thế, bạn có biết năm mới hai tuổi, thế giới của đại sứ hòa bình Helen Keller đã không còn ánh sáng và âm thanh. Phải chăng ý chí, lòng quyết tâm không gục ngã, những năm tháng không ngừng tập nói đã làm nên một sứ giả đem đến tiếng nói hòa bình trong nhân loại…Quả thật “có chí thì nên”, ý chí có những sức mạnh phi thường giúp ta làm được những điều dường như không tưởng, làm “nên” những điều kì diệu trong cuộc sống; Không chịu thua trước mọi nghịch cảnh, có động lực vươn lên, kiên trì, nhẫn nại để làm được những điều tốt đẹp, để hiện thực hóa những ước mơ, lí tưởng. Biết sống có ý nghĩa hơn, có chí cũng giúp ta ngày càng hoàn thiện mình, giúp ích cho xã hội giàu đẹp, văn minh. Câu tục ngữ tuy ngắn gọn, súc tích nhưng đã có sức mạnh to lớn trong việc động viên, khích lệ con người ta biết nuôi dưỡng rèn luyện ý chí của mình. Tuy nhiên vẫn có một số người ngại khó ngại khổ không dám cố gắng, chưa làm mà đã thấy sợ, mới gặp một chút sóng gió mà đã chán nản, không kiên quyết thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Rồi họ chỉ biết dậm chân tại chỗ và không thể tiến xa hơn, liệu bạn có muốn trở thành một trong số họ? Cuộc sống không chỉ mang đến cho ta toàn những rào cản mà còn là những cơ hội bất tận, chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo. Bạn nên biết ơn những khó khăn thử thách vì chúng đã giúp mình có thêm nhiều trải nghiệm và rút ra được những bài học quý báu. Cũng đừng mãi ở đó mà oán trách số phận, than vãn này nọ mà hãy ra sức hành động ngay đi. Thành công rồi sẽ mỉm cười với những ai biết rõ mình muốn gì và không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi đạt được điều đó. Bạn thân mến, hãy nhớ rằng: “có công mài sắt có ngày nên kim”.
Qua những ý nghĩa và bài học quý báu mà cha ông ta gửi gắm trong câu: “có chí thì nên”, tôi cũng nhận thấy rằng: thành công chỉ đến với những người kiên trì tới cùng, có ý chí vượt qua mọi sóng to gió lớn, có những mục tiêu rõ ràng và hành động cụ thể. Vì vậy, không có lí do gì mà tôi lại gục ngã đầu hàng trước những thất bại của mình, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để làm nên những thành quả to lớn hơn. Bạn cũng vậy nhé, đừng vội vàng từ bỏ ngày mà hãy luôn khát khao bước chân lên đỉnh núi cao nhất và tự hào hô vang rằng: Tôi làm được và đã thành công!
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Nguồn: verbalearn.com