✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về việc tử tế, sự tử tế. Giúp các bạn học sinh có thêm nhiều tài liệu tham khảo. Thông qua đề văn này mong rằng các em sẽ hiểu hơn về một đức tính cao đẹp và cần có ở mỗi con người chúng ta.
Dàn ý nghị luận về việc tử tế
Dàn ý nghị luận về việc tử tế – Mẫu 1
Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận là sự tử tế được xem là điều đáng quý và đang trân trọng, một giá trị nhân cách, đạo đức cao đẹp mà mỗi cá nhân luôn hướng tới. Sự tử tế là vô giá và chưa đựng những sức mạnh tiềm ẩn.
Thân bài
#1. Khái niệm về việc tử tế
Tử tế là sống ngay thẳng, thật thà, biết sống vì mình và vì mọi người, tử tế từ trong suy nghĩ, lời nói cho đến hành động chững chạc, trong hành xử phải nghiêm túc, lịch thiệp thể hiện người có đạo đức và biết yêu thương mọi người.
#2. Biểu hiện của việc tử tế
- Biểu hiện rõ nhất qua cách mà chúng ta đối xử với nhau hàng ngày trong cuộc sống.
- Hành động lịch sự, văn minh, sống trung thực, không gian dối.
- Luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, không xu nịnh bợ để vụ lợi cá nhân.
#3. Ý nghĩa, sức mạnh của việc tử tế, lồng ghép bàn luận thêm làm rõ các ý nghĩa việc tử tế.
- Sống tử tế thì được mọi người kính trọng, yêu quý, nể phục
- Giúp hoàn thiện nhân cách, đạo đức, giúp thanh thản, an nhiên trong tâm hồn
- Tử tế đem lại những điều tốt đẹp, giá trị của cuộc sống chất lượng hơn, giúp gắn kết mọi người thúc đẩy xã hội phát triển, văn minh và tiến bộ hơn, đất nước giàu mạnh.
- Các bạn đặt thêm câu hỏi. Tại sao cần để hành động tử tế thì trước hết bản thân là người tử tế trước?
– Tử tế: Biểu hiện của niềm tin yêu vào một tương lai, cuộc sống tốt đẹp. Tử tế cũng chính là sự biết trân trọng, trân quý cuộc sống, có như vậy chúng ta mới cố gắng và cư xử sao để có thể sống một cách tốt nhất
– Bạn biết đó mình cư xử tử tế với mọi người như thế nào thì mình sẽ nhận lại sự tử tế của người khác giống như vậy, có cái nhìn thiện cảm và nể phục của mọi người xung quanh, góp phần tạo nên sự gắn kết bền chặt, sự thân thiện của các mối quan hệ trong xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
– Sự tử tế là sự lương thiện, rộng lòng vị tha, tấm lòng bao dung, độ lượng. Đây là biểu hiện người có tâm hồn đẹp
- Các bạn nêu ra các dẫn chứng xen kẻ trong các vấn đề cần bình luận ở trên: sự tử tế ở ca sĩ Thủy Tiên, hãy truyền thống về việc tử tế ở nước Nhật Bản,…
- Phản đề: Lên án, phê phán một số biểu hiện của những người có lối sống đi ngược lại với việc tử tế đó là sống ích kỷ, giả dối, thờ ơ vô cảm.
→ Từ đó rút ra những bài học liên hệ với bản thân về việc tử tế mà mình đã thực hiện, hành động trong cuộc sống thực tại
Kết bài
Tổng kết vấn đề việc tử tế là điều hết sức cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp chúng ta cần trân trọng, phát huy và lan tỏa những hành động tử tế góp phần xây dựng một xã hội phát triển, văn minh và tiến bộ hơn.
Dàn ý nghị luận về việc tử tế – Mẫu 2
Mở bài
- Giới thiệu về sự tử tế. (Bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp)
Thân bài
#1. Giải thích về sự tử tế
- Là lòng tốt, sự thiện lương, biết quan tâm giúp đỡ người khác,…
- Nguồn gốc của hai từ “tử tế”: Là từ tiếng Hán, “tử” nghĩa là cẩn thận, kỹ càng. “Tế” nghĩa là nhỏ, tỉ mỉ.
– Sự tử tế có được là do đâu.
- Là được rèn giũa: được người lớn giáo dục từ bé,…
- Là tự học được: tự quan sát, chú ý,…
#2. Biểu hiện của sự tử tế
- Khoanh tay cúi chào khi đi học về
- Nhường ghế trên xe buýt cho người già
- Xây dựng các mái ấm tình thương,…
#3. Bình luận
- Lên án những người lợi dụng sự tử tế từ người khác
- Đưa ra các ví dụ về những vụ lừa đảo vẫn đang hoành hành.
- Phê phán các hành vi lợi dụng lòng tốt để xin tiền,…
#4. Ý nghĩa khi làm các việc tử tế
- Giúp nuôi dưỡng nhân cách, thói quen tốt, sẽ trở nên hài hòa.
- Được mọi người kính trọng và quý mến.
- Bản thân cũng sẽ vui vẻ, yêu đời hơn.
Kết bài
- Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự tử tế.
- Rút ra bài học cho bản thân.
Dàn ý nghị luận về việc tử tế – Mẫu 3
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Sống tử tế là giá trị cơ bản của con người.
Thân bài
#1. Giải thích
- Tử tế là kỹ lưỡng chu đáo cho từng việc nhỏ, trong lối sống hàng ngày.
- Đối xử tốt, giúp đỡ, hỗ trợ mọi người xung quanh.
- Hành động đúng đắn, dám đấu tranh bảo vệ công lí lẽ phải, sống đạo đức và có tình người.
#2. Biểu hiện
- Ai cũng có thể làm những việc tử tế từ những việc đơn giản, nhỏ nhất.
- Có những nụ cười tươi tắn, lời chào thân thiện, lời cảm ơn chân thành.
- Giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, thiếu thốn, mở rộng tấm lòng.
- Sống trung thực, lương thiện, không làm việc xấu.
- Không gian dối vụ lợi cá nhân, có ích cho mọi người, cống hiến cho xã hội.
- Không ghen ghét, đố kị, hài lòng với những gì mình đang có, không xem trọng tiền bạc vật chất.
- Nhường ghế cho người già khi đi xe bus.
– Ý nghĩa của việc tử tế
- Bản thân thấy hạnh phúc, vui vẻ, an nhàn, nuôi dưỡng tâm hồn.
- Rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, hoàn thiện bản thân mình.
- Biết sống có giá trị, hữu ích, tốt đẹp và và không làm hại đến người khác.
- Được mọi người yêu quý kính trọng, cuộc sống có ý nghĩa hơn.
- Xã hội văn minh, tiến bộ, tràn ngập tình yêu thương.
– Dẫn chứng:
- Chương trình truyền hình việc tử tế của VTV.
- Trong đại dịch Covid và bão lũ ở miền Trung.
- Bé Hải An hiến giác mạc.
#3. Bình luận
– Phê phán những người sống ích kỷ chỉ biết mình mà không biết ta.
– Lên án những hành vi gây hại đến người khác và toàn xã hội.
#4. Bài học cá nhân về việc tử tế
- Giúp ta vượt qua mọi gian khổ, chông gai trong cuộc sống.
- Nên có tấm lòng bao dung độ lượng, không quá đề cao cái tôi.
- Có những hành động cụ thể, động cơ trong sáng, cống hiến, hy sinh lợi ích của mình vì cộng đồng chung
- Sống đúng chuẩn mực đạo đức xã hội, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm
- Tránh lối sống thực dụng, vật chất, không đố kỵ, ích kỷ, cần phải biết phê phán
- Giữ gìn, kiên định và phát huy việc làm tốt của mình, thường xuyên làm nhiều việc tử tế cho mọi người, gia đình và xã hội
Kết bài
- Khẳng định lại vai trò, ý nghĩa của việc tử tế
- Nêu bài học nhận thức cùng hành động
- Kêu gọi mọi người cùng làm những việc tử tế
Văn mẫu nghị luận về việc tử tế
Nghị luận về việc tử tế – Mẫu 1
Tử tế là một phẩm chất chất đạo đức cao quý và thật sự cần thiết trong xã hội. Sự tử tế mang giá trị nhân cách, đạo đức cao đẹp mà mỗi cá nhân luôn hướng tới. Sự tử tế là vô giá và chưa đựng những sức mạnh tiềm ẩn. Bác Hồ từng dạy: “Việc gì phải thì cố làm cho bằng được dù là điều phải nhỏ. Việc gì trái thì hết sức tránh dù là điều trái nhỏ” Qua lời dạy đó, Bác muốn khuyên nhủ, gửi gắm tới tất cả mọi người sống trên đời phải có những hành động tử tế, tránh làm những điều sai trái ảnh hưởng, gây hại tới mọi người xung quanh. Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao, cải thiện về mặt vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc tử tế là biểu hiện của sự văn minh, nuôi dưỡng tâm hồn an nhiên ở mỗi người. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu vai trò và ý nghĩa của việc tử tế nhé.
Trước hết chúng ta cùng nhau làm rõ khái niệm về tử tế là gì? Có nhiều cách hiểu khác nhau về sự tử tế, có người cho rằng: Tử tế là sự có qua, có lại, là cách ăn ở, cư xử với nhau cho tốt hay tử tế là cách hành xử của một người, sự tế nhị, lịch thiệp, cẩn trọng trong những hành động, những việc nhỏ nhặt nhất. Tuy nhiên có nhiều cách hiểu khác nhau về tử tế nhưng có điểm chung quy lại tử tế là sống ngay thẳng, thật thà, biết sống vì mình và vì mọi người, tử tế từ trong suy nghĩ, lời nói cho đến hành động chững chạc, trong hành xử phải nghiêm túc, lịch thiệp thể hiện người có đạo đức và biết yêu thương mọi người. Việc tử tế mang giá trị nhân văn sâu sắc, có thể ví tử tế là những bông hoa đẹp sặc sỡ sắc màu vui tươi tô điểm cho cuộc đời này trở nên tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, đa dạng, phong phú hơn. Tử tế không chỉ đơn giản là cách ứng xử tốt với nhau. Sự đối xử tốt với nhau chỉ là một trong những khía cạnh nhỏ để nói lên sự tử tế của một con người, mà đã là con người thì phải có sự tử tế.
Sự tử tế được biểu hiện rõ ràng nhất qua cách mà chúng ta đối xử với nhau hàng ngày trong cuộc sống. Chẳng hạn như việc tôn trọng, kính trọng những người lớn hơn ta hay nói cách khác là kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo, việc nhỏ nhất là khi đi xe buýt thì nhường hàng ghế cho người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ đang mang thai. Hoặc khi bạn xếp hàng ở nơi công cộng bạn phải biết nhường cho người già và trẻ em trước. Những hành động động đó thể hiện sự tử tế. Biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoạn nạn thì chúng ta sẵn sàng sẽ chia và cảm thông trước những nỗi đau, mất mát và nghịch cảnh của họ để hỗ trợ, tương trợ lẫn nhau để giúp họ vượt qua mọi gian nan, thử thách của cuộc đời. Giúp hoàn thiện nhân cách, đạo đức, giúp thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.
Sống tử tế thì được mọi người kính trọng, yêu quý, nể phục. Bởi lẽ tử tế biểu hiện ở hành động lịch sự, văn minh và lối sống trung thực là phẩm chất đạo đức tốt đẹp mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc, nêu cao tinh thần về việc tử tế ở mỗi người. Mỗi cá nhân phải nêu cao tính thần bảo vệ lẽ phải, công lý, có ý thức đấu tranh cho cái đúng, cái thiện và lên án và bài trừ những cái xấu, tội ác, không giả dối, sống xu nịnh để trục lợi cá nhân, những biểu hiện đó cũng là việc tử tế. Việc tử tế góp phần đem những tinh hoa, điều tốt đẹp trong cuộc sống nhân rộng và lan tỏa tới tất cả mọi người để cùng nhau là hành động tử tế.
Như vậy, việc tử tế là gì mà tại sao lại có sự lan tỏa mạnh mẽ đến vậy? Từ xưa đến nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về sự tử tế. Tử tế được hiểu với những cách hiểu khác nhau ứng với từng hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống. Chẳng hạn, sự tử tế của một học sinh trong giờ kiểm tra là nghiêm túc và trung thực với bài kiểm tra không quay cop, gian lận trong thi cử. Sự tự tế của doanh nghiệp là trung thực, đề cao việc an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ và chấp hành nghiêm túc về việc xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường. Mở rộng hơn sự tử tế của một đất nước là giữ chữ tín trước các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, giúp gắn kết mọi người đem lại tri thức và thúc đẩy sự phát triển văn minh tiến bộ, truyền thống, bản sắc văn hóa riêng của nước ta đến các nước trên thế giới.
Thực tế hơn là hành động quyên góp và tinh thần xả thân vì đồng bào lũ lụt miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên chính là sự tử tế. Cũng chính đợt thiện nguyện cứu trợ cho đồng bào lũ lụt miền Trung vừa qua chị đã không ngại khó khăn gian khó xông pha chẳng quản hiểm nguy dù tình thế lúc đó là nước lũ còn chưa rút. Chỉ là một người phụ nữ bình thường chị đã đem tình yêu thương bao la của mình lan tỏa cho toàn xã hội, đóng góp một phần nhỏ công sức, tiền bạc để bà con có thể tái lập cuộc sống sau trận bão lũ. Lòng nhân hậu, tinh thần vì bà con vùng lũ và khao khát kêu gọi sự tử tế của cộng đồng xã hội đã khiến ca sĩ Thủy Tiên truyền đi nguồn cảm hứng thiện nguyện tuyệt vời vốn có trong mỗi người. Như vậy, dù bạn là ai, dù bạn đang làm nghề gì, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn có sự tử tế tức là bạn có lòng tốt, sự đường hoàng, lối sống, cách ứng xử vì người khác. Nói cách khác, sự tử tế là một phẩm chất, một giá trị tốt đẹp và nhân văn của con người.
Chắc hẳn, các bạn không ai là không biết đến đất nước Nhật Bản nổi tiếng về sự văn minh, tiến bộ, sự tư tế là truyền thống nổi tiếng lan tỏa trên toàn thế giới. Khi tới Nhật Bản bạn hoàn toàn có thể cảm nhận văn hóa omotenashi từ những điều nhỏ nhặt nhất. Người dân nước này luôn đeo khẩu trang y tế nếu bị cảm để tránh lây cho người khác. Trước khi bạn bắt đầu xây nhà, hàng xóm sẽ xuất hiện với hộp bột giặt nhỏ được đóng gói gọn gàng. Họ đơn giản chỉ muốn giúp bạn xua tan bụi bẩn vương trên quần áo. Việc người bán hàng Nhật Bản cúi chào khách cho tới khi ra khỏi tiệm đã quá quen thuộc trên TV. Nếu để ý, bạn sẽ thấy khi đưa tiền thừa, người bán luôn đặt một tay bên dưới tay khách hàng. Đây là cách họ tránh làm rơi đồng xu xuống đất. Các yếu tố tự động cũng được áp dụng để lan rộng văn hóa omotenashi. Cửa taxi tự động mở đón khách. Khi sử dụng dịch vụ này, việc đưa tiền boa cho tài xế bị xem là thiếu tôn trọng. Họ chỉ muốn phục vụ khách hàng và làm tốt phận sự của mình. Ngay khi bạn bước vào thang máy, câu “Xin lỗi đã để quý khách chờ lâu” lập tức vang lên. Ở những nơi thi công, biển báo được minh họa bằng hình ảnh công nhân cúi đầu chào dễ thương,..Người Nhật tử tế với nhau trong cuộc sống hàng ngày và càng thể hiện rõ hơn với người nước ngoài. Đó là lý do nhiều du khách ngoại quốc bất ngờ khi sử dụng dịch vụ tại Nhật Bản.
Đơn giản sống tử tế là sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Để thức tỉnh sự tử tế trong tiềm thức của mỗi người thì bạn hãy thử một lần giúp đỡ các em nhỏ, người già khi đi qua đường, nhường ghế cho phụ nữ đang mang thai ở nơi công cộng,…Chúng ta hãy tạo thói quen nói lời cảm ơn khi nhận giúp đỡ từ người khác, hãy biết nói xin lỗi khi làm điều sai, học cách khen ngợi, động viên người khác một cách chân thành, bằng cả tấm lòng thành của mình. Thực tế chương trình “Việc tử tế” của Đài truyền hình Việt Nam đang hằng ngày trở thành cầu nối lan tỏa mạnh mẽ sự tử tế trong cuộc sống, hàng loạt những hoạt động ý nghĩa được nhân rộng như: Lớp học xóa mù chữ, ươm mầm ước mơ cho các bạn học sinh nghèo vượt khó, cứu hộ sinh vật hoang dã,.. Qua đó ta thấy sức lan tỏa của việc tử tế phần nào khẳng định sức mạnh và giá trị của nó. Từ những việc tử tế nhỏ nhất cũng có thể mang lại lợi ích lớn, tất cả mọi lời nói, hành động tử tế đều mang những giá trị tốt đẹp. Bên cạnh đó, sự tử tế còn có sức mạnh gắn kết tất cả mọi người lại gần nhau hơn tạo thành một khối đại đoàn kết thống nhất. Giữa con người với con người có niềm tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, cùng tiến bộ và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống. Sự tử tế có thể thay đổi bộ mặt xã hội trở nên văn minh và tiến bộ hơn, là tiền đề để đưa đất nước phát triển đi lên ngày một vững mạnh.
Bên cạnh những biểu hiện, những tấm gương thể hiện việc tử tế thì tồn tại không ít những mặt trái của xã hội về những biểu hiện đi ngược lại với truyền thống đạo lý là cách hành xử thiếu văn minh. Chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng buồn, phản ánh ứng xử không chuẩn mực của một bộ phận người dân. Một thanh niên hành hung người phụ nữ lớn tuổi hơn mình chỉ vì bị nhắc nhở cần phải xếp hàng khi rút tiền tại cây ATM, một nữ nhân viên phụ xe buýt bị một nhóm thanh niên đánh tới mức phải nhập viện ngay giữa ban ngày.
Thực tế sự tử tế có đang dần thiếu vắng? Vì sao một giá trị tưởng như là rất tự nhiên là việc tử tế bỗng trở thành sự hoài nghi của xã hội? Phải chăng do cách cư xử thiếu lịch sự, thiếu lễ nghĩa đang hiện hữu ngày càng nhiều và lấn áp những giá trị tốt đẹp thường có của cuộc sống, đâu đó đã làm mất dần niềm tin của mọi người, thay vào đó là sự dè chừng, nghi ngờ của mỗi người với xã hội này. Dường như lối ứng xử kém tử tế đang có mặt khắp mọi nơi và thể hiện ở những ngữ cảnh khác nhau trong đời sống. Vấn đề đã gây phẫn nộ dư luận và nạn thực phẩm bẩn tràn lan, gian lận trong kỳ thi THPT ở Hà Giang năm 2019, công ty Vedan ngang nhiên xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước, hoặc những hành động vi phạm an toàn giao thông, vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng,… Ngoài ra còn là sự vô cảm, nhẫn nhục của không ít người trước một vụ hành hung, ức hiếp người yếu thế ngay trên phố, cùng với đó là thái độ thản nhiên, không có chút phản ứng nào trước những ứng xử xấu xí nơi công cộng. Một vụ án đang gây nhức nhối vụ án người Việt bị hành hung, đạp xuống sông dẫn tới tử vong tại Osaka Nhật Bản ngày 02/08/2021 đang khiến dư luận Việt Nam vô cùng phẫn nộ và bàng hoàng. Nhân chứng tại hiện trường kể lại, một nhóm người Nhật Bản được cho là say xỉn đã xảy ra mâu thuẫn với nam sinh Trịnh Tài An du học sinh bên Nhật. Đó là hành động thiếu sự tử tế của một số bộ phận khi chứng kiến vụ việc ẩu đả, với thái độ thờ ơ của những người chứng kiến thản nhiên quay clip, không màng đến sự sống chết của người khác. Những hành động này cần phải lên án, phê phán gay gắt cần phải bài trừ khỏi xã hội để làm gương cho những người sau.
Sự tử tế là một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi người. Tử tế góp phần nuôi dưỡng đạo đức, hướng thiện, lên án phê phán điều sai trái, tội ác, nhằm hoàn thiện bản thân. Sự tử tế có thể được hình thành từ nhiều nhân tố, chịu sự tác động trực tiếp từ nhiều phương diện khác nhau, môi trường sống như trong gia đình, môi trường giáo dục trong nhà trường, môi trường sống ngoài xã hội và quan trọng nhất là sự tự ý thức, tự phấn đấu rèn luyện của mỗi cá nhân.
Chính vì sự tử tế không thuộc về bản năng, không phải tự nhiên mà có, phải qua quá trình giáo dục, học tập và rèn luyện, cho nên có thể đào tạo nên những con người tử tế cho xã hội thông qua giáo dục khi còn là học sinh đang học tập ở nhà trường. Một trong những phương pháp giáo dục có sức ảnh hưởng, tác động mạnh nhất đó là nêu gương và giáo dục bằng những tấm gương sinh động trong cuộc sống hằng ngày.Vì thế, những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục và đào tạo là thầy cô giáo, những người đàn anh đàn chị, những người lớn, người đi trước phải là những hình ảnh mẫu mực về sự tử tế để cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên noi theo, nêu cao tinh thần tự lập, tự rèn giũa bản thân để hướng tới một công dân có ích. Tuy nhiên, để trở thành người tử tế thì trong tiềm thức mỗi người phải luôn ý thức, không ngừng cố gắng, phấn đấu rèn luyện cũng như sức mạnh của ý chí cá nhân mới là nhân tố quyết định. Do vậy, mỗi người phải tự rèn luyện để có thể vượt qua những cám dỗ, rào cản hay những chướng ngại trong cuộc sống và chứng tỏ mình là một con người tử tế.
Tóm lại, việc tử tế là điều hết sức cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Tử tế là nguồn cội cho những điều tốt đẹp chúng ta cần trân trọng, phát huy. Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Chúng ta bền bỉ đánh thức sự tử tế, hãy nêu cao tinh thần luôn ý thức tự giác hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Hãy tử tế mỗi ngày với mọi người, chắc chắn bạn cũng sẽ được nhận lại những giá trị tương tự, cái mà bạn cũng rất cần có trong cuộc sống của mình. Là một học sinh mang trong mình sứ mệnh, trách nhiệm to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh thì chúng ta phải không ngừng cố gắng, nỗ lực, trau dồi tri thức, nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức của bản thân để phát huy và lan tỏa việc tử tế đến tất cả mọi người xung quanh.
Nguồn: verbalearn.com
Nghị luận về việc tử tế – Mẫu 2
Có lẽ ai ai cũng muốn nhìn thấy một thế giới hòa bình, một xã hội văn minh, nhưng điều đó có dễ dàng thực hiện được không nhỉ? Thực ra, có không ít cách để làm được điều này. Nhưng chắc chắn một điều là bạn không thể nào tự mình thực hiện nó được, cái bạn cần chính là sự đồng lòng và sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Và một trong những cách để khiến cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn khi nói chung và khiến cho bản thân bạn tích cực với cuộc sống hơn khi nói riêng, đó chính là sự tử tế. Đúng vậy, tử tế chính là một trong những yếu tố không thể thiếu, góp phần quan trọng trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp. Bạn có thắc mắc tại sao sự tử tế lại có một sức ảnh hưởng lớn tới như vậy không? Chúng ta cùng tìm hiểu xem tử tế là gì và vì sao nó lại khủng khiếp tới mức có thể khiến cho xã hội được nâng lên một tầm cao mới nhé.
Khi nói đến những đức tính cao đẹp của con người, chúng ta không thể không nhắc đến hai từ tử tế. Đạo diễn Trần Văn Thủy có cho ra đời một bộ phim mang tên “Chuyện tử tế”, trong phim có giải thích về nguồn gốc của hai từ tử tế đó là từ chữ Hán. “Tử” có nghĩa là kỹ lưỡng, cẩn thận. “Tế” có nghĩa là nhỏ, kỹ càng, tỉ mỉ. Tuy trải qua nhiều năm, theo tiếng Việt ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi nhưng chung quy vẫn giữ được hàm ý là tỉ mỉ, kỹ càng trong cách ăn ở cũng như đối nhân xử thế.
Vậy thì từ đâu mà ta lại có được sự tử tế này? Lòng tử tế luôn hiện hữu trong mỗi người, đây là một phẩm chất tốt đẹp của con người, là lòng tốt, là sự lương thiện, biết tôn trọng bản thân mình và người khác, là ngay thẳng thật thà. Nhưng nó cũng chỉ là một tiềm năng mà thôi, chúng ta phải khai thác nó và muốn nó được phát triển hơn thì chúng ta cần học hành, tiếp thu nghiêm chỉnh, rèn giũa và tập luyện trong nhiều năm tháng. Chứ nó không tự nhiên mà có ngay, ta cũng không thể tự bỏ tiền ra mua sự tử tế và “đắp” vào nhân cách của mình được.
Sự tử tế được nhiều người tiếp thu qua các cách khác nhau, nhưng trong đó có hai nhóm người tiêu biểu tiếp thu bằng cách hoặc là được chỉ bảo, hoặc là tự học được. Được chỉ bảo là từ khi còn bé, chúng ta được người lớn giáo dục, chỉ dẫn. Ví dụ như là khi gặp người lớn thì chúng ta nên chào hỏi, khi đi học về chúng ta nên thưa gửi, khi lớn hơn thì lúc đi chơi chúng ta nên xin phép, khi ăn uống chúng ta nên gọn gàng, khi nào ra ngoài chúng ta nên ăn mặc tươm tất, và khi trưởng thành rồi thì qua sự quan sát, cũng như kinh nghiệm được các bậc trưởng bối truyền lại, thì cư xử tử tế cũng là một phép tắc xã giao thông thường nữa. Đó là với những người được hướng dẫn, dạy dỗ từ bé và họ đã có thể có định hướng đúng và biết nên nuôi dưỡng sự tử tế như thế nào. Nhưng còn đối với những người không quá may mắn, từ bé không được truyền thụ điều tốt đẹp đó thì sao? Thì họ vẫn có thể tự khai thác được điều này qua quá trình phát triển và kinh nghiệm sống của bản thân. Như là tự mình nỗ lực, tự mình chú ý, tự mình quan sát mọi người và xã hội xung quanh. Rồi từ đó họ cũng sẽ nuôi dưỡng được phẩm chất đẹp này cho bản thân. Bởi vì bất cứ một ai, dù ít hay nhiều cũng sẽ có sẵn trong mình một mặt thiện lương mà, phải không? Quan trọng là chúng ta có bằng lòng phát triển nó hay không mà thôi.
Đơn giản thôi, khi bạn chủ động nhường ghế trên xe buýt cho một người trung niên, hay người già thì đó chính là sự tử tế. Khi bạn thấy bạn mình làm rơi sách vở, bạn chủ động giúp đỡ nhặt đồ bị rơi lên thì đó cũng là sự tử tế. Hay nói ở một phương diện rộng hơn, có những gia đình khó khăn mà người trong gia đình đó còn mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, họ không có đủ tiền để chạy chữa. Hay có những mảnh đời bất hạnh, khi sinh ra đã mồ côi, không có nơi nương tựa. Hoặc là những động vật bị bỏ rơi, những động vật cần được bảo tồn bị đe dọa mạng sống. Và cũng vì vậy mà những nơi như mái ấm tình thương đã được xây dựng, các trung tâm cứu hộ những động vật hoang dã đã được thành lập, hay những tổ chức thiện nguyện lớn nhỏ khác luôn luôn nhận được sự ủng hộ. Đó chính là biểu hiện của những người tử tế, họ mang lại niềm vui, trao đi yêu thương cho người khác bằng tấm lòng chân thành của mình. Cũng nhờ vậy mà chúng ta có thể biết được rằng những người tử tế luôn ở xung quanh ta, họ sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ, hỗ trợ những người kém may mắn đó và khiến cho đời sống xã hội ngày càng tươi đẹp, phát triển.
Nhưng song song với những người, những việc đáng để học hỏi, đáng để noi theo đó, thì lại có những con người khá là thực dụng và vô cảm. Họ lợi dụng sự tử tế, sự tốt bụng của mọi người để làm ra những hành động động sai trái, mang lại lợi ích cho bản thân. Chắc chúng ta đã không còn xa lạ gì với những vụ lừa đảo qua điện thoại nữa rồi. Trong đó tiêu biểu nhất có lẽ là những cuộc gọi thông báo đã trúng thưởng từ một nhãn hàng nào đó, món quà có trị giá lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng, và muốn “nhận thưởng” thì trước hết phải đóng đủ các loại chi phí như là thuế, phí làm hồ sơ, và khi đã đóng được một khoản kha khá thì tung tích của những người tự xưng là “giám đốc, người điều hành, quản lý” cũng mất tăm. Hay khi ở nhà xe, sân bay, bạn được ai đó nhờ giữ hộ cái túi, chiếc vali mà không biết bên trong đó có thể là chất cấm hay vũ khí nguy hiểm và nếu “bất ngờ” bị cảnh sát bắt ngay tại trận, thì chắc là bạn sẽ mất kha khá thời gian để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Hoặc là những chiêu trò dễ bắt gặp như xin tiền đổ xăng, họ bịa ra những câu chuyện “khó khăn, nỗi khổ” để nhận tiền từ lòng tốt của người khác, cũng như những con người lười lao động, kẻ chăn dắt người già và trẻ em đang lợi dụng lòng tốt của người đi đường. Sự tử tế, lòng lương thiện của không biết bao người đã bị lợi dụng, bị đánh cắp. Và những hành vi trục lợi này đáng bị xã hội lên án. Cho nên, nếu như bị lợi dụng sự tử tế, chúng ta hãy mạnh mẽ lên tiếng, phê phán những người đó. Chúng ta tử tế với mọi người, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ đánh mất lòng tự tôn và giá trị của bản thân. Sự tử tế còn là biểu hiện tích cực về niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp. Khi bạn chân thành đối xử với mọi người, trao đi sự tử tế của mình thì không những làm đối phương cảm thấy ấm áp, kính trọng mà bản thân bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn.
Sức mạnh của sự tử tế có thể thấy là rất quan trọng. Nếu mỗi người biết chia sẻ, lan tỏa sự tử tế, sự yêu thương và giúp đỡ tới người khác, thì sẽ góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, xã hội cũng sẽ phát triển văn minh hơn. Và mỗi người chỉ được sống một lần thôi, cho nên chúng ta hãy sống sao cho đúng, được mọi người quý mến cũng như trân trọng nhé.
Nguồn: Verbalearn.com
Nghị luận về việc tử tế – Mẫu 3
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có những giá trị chung về con người mà hàng ngàn năm không thay đổi. Đó là đã là người thì phải vô hại và hữu ích tức là không hại người và phải có ích với người. Khổng Tử – một người thầy lớn của lịch sử phương Đông có khuyên: “Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác”. Còn người phương Tây từng quan niệm: “Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn người khác đối xử với mình”. Phải chăng tất cả những quan điểm, lí luận trên đều hướng đến mục đích là muốn khuyên dạy chúng ta phải biết hướng thiện và sống tử tế.
Sống tử tế là một trong những giá trị căn bản nhất mà bất kì người nào, dân tộc nào, thời đại nào cũng muốn răn dạy con người ta. “Sự tử tế” hay “việc tử tế” nghe có vẻ đơn giản và quen thuộc nhưng có mấy ai đã hiểu hết được ý nghĩa đích thực của nó. “Tử” là những chuyện nhỏ bé, chữ “Tế” có nghĩa là những chuyện bình thường, “Tử tế” gộp lại có nghĩa là sự âm thầm, kỹ lưỡng, chu đáo thận trọng trong những công việc nhỏ nhất, trong lối sống hàng ngày và cách đối xử với mọi người xung quanh. Đó còn là một phẩm chất đáng quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, được biểu hiện rõ nhất qua việc con người hành xử, đối nhân xử thế với nhau bằng lòng tốt, quan tâm, chia sẽ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Là cách sống ngay thẳng, thật thà, đầy lòng nhân ái và lương thiện, tốt bụng với tất cả mọi người khác chứ không phải chỉ nghĩ đến riêng mình, có những hành động đứng đắn, sẵn sàng đứng lên bảo vệ công lý, lẽ phải, có văn hóa đạo đức và tình người.
“Tử tế là chia sẻ tấm lòng của bạn để giúp trái tim ai đó rộn ràng hơn và nụ cười của họ tươi vui hơn”. Nếu có những lúc bạn làm mọi điều có thể để cố gắng biến ngày tồi tệ nhất của một ai đó thành ngày tốt đẹp nhất thì đó chính là sự tử tế. Một câu nói chân thành xuất phát từ tình yêu thương có thể cảm hóa được trái tim của một anh chàng hung hăng nào đó, một hành động quan tâm nhỏ nhất có thể thắp sáng niềm hy vọng của một cô gái đang đắm mình trong đau khổ, tuyệt vọng hay một việc tốt bất ngờ có thể kéo con người ra khỏi hố sâu sai trái, lệch lạc. Sức mạnh của việc tử tế không nằm ở việc lớn hay nhỏ mà nằm ở tấm lòng chân thành xuất phải từ những trái tim yêu thương. Ai cũng có thể làm được những việc tử tế, tốt đẹp, bạn không cần phải giàu có hay tài giỏi thì mới có thể ảnh hưởng đến thế giới, một nụ cười tươi tắn, lời chào thân thiện, lời cảm ơn chân thành hay một việc tốt có thể giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn không kể đền đáp xứng đáng của bạn cũng đủ để tạo nên sự khác biệt, ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của người khác. Nếu bạn tin trong cuộc đời này còn có nhiều mảnh đời bất hạnh thiếu thốn hơn mình thì tấm lòng bạn luôn sẵn sàng rộng mở và luôn có những hành động tích cực để san sẻ. Khi ấy, bạn sẽ tìm thấy được niềm vui cho chính mình, chúng ta không sinh ra để gây rắc rối và làm hại người khác, hãy cố gắng nuôi dưỡng những giá trị cơ bản của con người như sự nhiệt tình, lòng tốt, sự đồng cảm, biết sống trung thực đúng lương tâm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, không gian dối, vụ lợi, không làm việc xấu, làm việc có ích cho mọi người… Đó cũng là những biểu hiện rõ ràng nhất của một người biết sống tử tế, tốt bụng. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội làm những điều tử tế chỉ vì nghĩ rằng điều đó thật nhỏ nhặt bạn nhé! Tình yêu thương và sự tử tế không bao giờ là lãng phí và vô nghĩa. “Bàn tay tặng hoa hồng cũng phảng phất hương thơm”, sự tử tế từ những hành động nhỏ bé nhất cũng sẽ mang lại những hạnh phúc to lớn cho cả người cho đi và cả người nhận được.
Để trở thành một con người đúng nghĩa thì trước hết phải có năng lực làm người, trước hết phải là một người tử tế. Đi trên xe bus thấy người già đứng thì nên nhường ghế ngồi cho họ, biết kính trên nhường dưới tôn trọng người khác, biết giúp đỡ cảm thông trước những khó khăn, bất hạnh, đấu tranh cho sự thật, biết thổn thức trước nỗi đau và phẫn nộ trước cái ác cái xấu, không ghen ghét đố kị, nên hài lòng với những gì bạn đang có, sống thực tế hữu ích và không quá coi trọng vật chất, tiền bạc,… Việc cố gắng tạo ra điều gì đó tích cực cho cuộc sống là điều vô cùng quan trọng vì làm được những điều đúng bạn sẽ thấy vui hơn, nếu bạn làm việc tốt thì cuộc đời bạn sẽ khá lên. Nó là thế, bạn không thể một mình ăn hết một cái bánh to, nó sẽ làm bạn thấy chướng bụng đấy, ăn một ít, còn lại để dành cho người khác.Bạn có nhớ nụ cười của một người lạ khi bạn giữ cửa cho họ đi hay lời cảm ơn chân thành từ một người bạn khi được mình giúp đỡ không? Có phải bạn thấy hạnh phúc đến lạ khi làm được điều gì đó cho người khác dù là hành động nhỏ nhất. Nụ cười ấy sẽ giúp ta vui sướng, năng động cả ngày, lời nói thiện chí ấy sẽ giúp ta cảm thấy ý nghĩa và tốt đẹp. Vậy nên sức mạnh đầu tiên của sự tử tế là giúp ta cảm thấy hạnh phúc, bình an, thanh thản trong tâm hồn, được mọi người yêu quý kính trọng. Giúp ta sống có giá trị, tốt đẹp, biết cống hiến, hoàn thiện nhân phẩm đạo đức vì tử tế còn là nguồn gốc để tạo được nhiều giá trị tích cực khác như trung thực, vị tha,kiên nhẫn, rộng lượng, yêu thương con người,…Chính lòng tốt, sự tử tế cũng là nền tảng của một trái tim nồng ấm, trái tim của một người sẵn lòng ra tay giúp đỡ người khác một cách vô tư chân thành. Đối với xã hội, việc tử tế cũng có ý nghĩa to lớn bởi nó chính là sợi dây kết nối tình thương giữa người với người, là tiền đề cho sự phát triển của một xã hội văn minh, lành mạnh mà ở đó con người sống chan hòa sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Nếu như mọi người cùng chung tay làm những điều tử tế mỗi ngày, hãy tưởng tượng xem thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao. Trên dòng đời tấp nập, chúng ta thường mải mê tìm kiếm những khoảnh khắc tuyệt vời, hạnh phúc, ấm áp đến lạ thường, những khoảnh khắc ấy lại xảy ra vào lúc ta không ngờ đến nhất và nó thường ẩn dật trong những việc được cho là nhỏ nhặt. Vậy tại sao ta lại không thử sống tử tế để đạt được những khoảnh khắc kỳ diệu như thế. Bạn có biết “Việc tử tế” cũng là tên của một chương trình được sản xuất và phát huy hàng ngày trên truyền hình VTV nhằm ca ngợi và lan tỏa những việc làm, hành động tử tế giúp đỡ, cưu mang những người có số phận hoàn cảnh bất hạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là một cô bé thiên sứ tên là Hải An chỉ mới 7 tuổi nhưng bị u cầu não hoành hành, không chỉ tình nguyện hiến giác mạc giúp hai người khác được nhìn thấy ánh sáng mà còn khơi dậy lòng yêu thương ở nhiều người mong muốn được hiến tặng nội tạng, những bệnh nhân không may, lan tỏa điều tốt đẹp đến cộng đồng. Trong chúng ta luôn có một Việt Nam tử tế, giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid 19 còn chưa hạ nhiệt thì bão lũ lại ghé thăm miền Trung ruột thịt, những dòng nước lũ như chờ trực để cuốn đi những hy vọng sống của người dân. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào ta vẫn luôn thấy được ánh sáng kì diệu của việc tử tế: đó là những cây ATM gạo chưa bao giờ cạn giữa lúc nhân dân đang lao đao vì Covid, đó là những con người sẵn sàng lao vào tâm dịch tận tâm tận lực vì người cách ly, đó là những bàn tay đưa ra níu lấy những hi vọng gần như bị cuốn trôi bởi lũ lụt và cả bao con người vẫn hàng ngày tử tế trong cuộc sống đời thường đã và đang mang đến những giá trị tuyệt vời.
Biết quan tâm đến mọi người là một việc đáng làm, bởi hạnh phúc của chúng ta gắn liền với hạnh phúc của người khác. Nếu dành thời gian để ngẫm nghĩ thì bạn thấy cuộc sống của chính mình còn phụ thuộc vào lòng tốt của rất nhiều người, ngay từ khi còn bé đã nhận được sự chăm sóc của cha mẹ ông bà, khi trưởng thành , đối mặt với chông gai khổ đau, bệnh tật ta lại một lần nữa nhận được lòng tốt, sự giúp đỡ của nhiều người xung quanh. Nếu cuộc đời ta đã có ý nghĩa hơn rất nhiều khi được sống trong lòng tốt của người khác vậy thì ta tại sao lại không sống tử tế với họ như những gì họ đã làm. Hãy luôn tin tưởng vào những điều tốt, những điều tích cực, hãy dùng lòng tốt sự tử tế của mình để cùng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Làm thế nào để trở thành một người tử tế? Nên biết cách rèn luyện tấm lòng bao dung, độ lượng, không nên quá chú trọng địa vị vật chất, không quá đề cao cái tôi lợi ích của bản thân mà luôn quan tâm đến người khác và suy nghĩ cho cộng đồng xã hội, có những hành động cụ thể giúp đỡ cho đi xuất phát từ động cơ trong sáng, không toan tính vụ lợi hướng đến sự lương thiện, ra sức xây dựng cống hiến, thậm chí hy sinh lợi ích cá nhân vì mọi người xung quanh. Sống đúng với những chuẩn mực đạo đức, không vi phạm pháp luật, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. “Hãy tử tế với người khác vì họ sẽ nhớ đến sự tử tế của bạn hơn là sự thành công của bạn”. Sống ở xã hội phát triển và hiện đại ngày nay, thì việc sống tử tế phải chăng quá khó? Chúng ta đang sống trong một xã hội mà đâu đó còn có những con người thực dụng, coi trọng tiền bạc vật chất, đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, luôn cạnh tranh, đố kị với người khác mà quên rằng từ khi sinh ra ai cũng mang trong lòng những tấm lòng thơm thảo. Vì vậy, ta phải biết lên án phê phán những lối sống đáng buồn như thế và biết giữ gìn, nuôi dưỡng kiên định với lòng tốt của mình, làm những điều tử tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
“Chúng ta làm giàu vật chất bằng những gì chúng ta có trong tay những làm giàu tinh thần bằng những gì chúng ta cho đi”. Tử tế không phải là món nợ “ngọt ngào” mà ta phải trả cho ai đó mà là những điều tích cực và tốt đẹp. Ta không chỉ biết đón nhận mà còn tiếp nối cũng như lan tỏa tinh thần sống tử tế đến nhiều người khác, vì những niềm hạnh phúc to lớn, niềm vui ngọt ngào sẽ luôn đến với những người tử tế, sống và làm điều tử tế mỗi ngày bạn nhé!
Nguồn: Verbalearn.com