✔ Tổng hợp các bài văn mẫu và dàn ý cho đề bài nghị luận về lòng yêu nước. Giúp các bạn học sinh có thêm nguồn tài liệu tham khảo. Thông qua đề văn này, mong rằng các bạn học sinh sẽ hiểu thế nào là tình yêu nước và có thể tiếp nối truyền thống lâu đời của ông cha ta.
Dàn bài nghị luận xã hội về lòng yêu nước
Việc lập dàn ý đối với các bài văn nghị luận xã hội là điều cực kì cần thiết bởi nó sẽ giúp bạn giúp bài viết trở nên logic, mạch lạc và tránh được các tình trạng lặp ý hoặc sai đề.
Dàn ý nghị luận về lòng yêu nước – Mẫu 1
Mở bài
- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Lòng yêu nước
Thân bài
#1. Giải thích về lòng yêu nước
- Là tình yêu đối với quê hương, đất nước
- Là truyền thống quý báu của dân tộc, tình cảm thiêng liêng, cao cả
- Là không ngừng cố gắng để xây dựng, phát triển một đất nước giàu mạnh
#2. Biểu hiện
- Thời kì kháng chiến
- Đứng lên đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc
- Tinh thần đoàn kết đánh bại mọi kẻ thù xâm lược
- Minh chứng cụ thể về lòng yêu nước: các sự kiện chiến thắng lịch sử chói lọi, các anh hùng hy sinh bảo vệ tổ quốc
- Phân tích câu ca dao tục ngữ về lòng yêu nước
- Thời kì hòa bình
- Xây dựng đất nước đi theo con đường Xã hội chủ nghĩa
- Trong công việc và trong cuộc sống không ngừng nỗ lực đưa đất nước lớn mạnh, phát huy tinh thần dân tộc
- Tình yêu đối với gia đình, quê hương, con người
- Lòng tự hào dân tộc thể hiện qua: các áng thơ văn, các di tích lịch sử, bảo tàng dân tộc, văn hoá,…
#3. Vai trò của lòng yêu nước
- Bàn đạp giúp con người đạt được những thành công, bồi dưỡng tâm hồn
- Con người sống có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước
#4. Trách nhiệm của thế hệ trẻ
- Thể hiện bằng hành động cụ thể: nỗ lực học tập, rèn luyện, tự lập,…
- Cùng nhau chống dịch như chống giặc, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh
- Nêu cao tinh thần yêu nước, lao động tích cực, tham gia nghĩa vụ quân sự
- Chấp hành pháp luật, nội quy
- Bảo vệ môi trường, dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, phê phán những hành động sai trái
Kết bài
- Khẳng định lòng yêu nước chính là sức mạnh của toàn dân tộc
- Toàn dân hướng về Tổ quốc, phát huy tinh thần yêu nước
Dàn ý nghị luận về lòng yêu nước – Mẫu 2
Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Lòng yêu nước
Thân bài
#1. Giải thích
- Lòng yêu nước: Là phẩm chất đạo đức của mỗi công dân cần có đối với Tổ Quốc, là tình yêu quê hương, đất nước và sẵn sàng cống hiến khi đất nước cần.
#2. Biểu hiện
- Trong thời chiến: Sẵn sàng cầm súng đấu tranh, hậu phương ra sức hỗ trợ tiền tuyến, những tấm gương anh hùng như: Lê Lợi, Nguyễn Văn Trỗi…
- Thời bình: Luôn hướng về cội nguồn tổ tiên, biết đùm bọc thương yêu đồng bào, có lòng tự hào dân tộc, có tinh thần đoàn kết, bất khuất, tự chủ, cần cù, chăm chỉ sáng tạo trong lao động, ra sức cống hiến, giải quyết những vấn đề.
– Dẫn chứng:
- Các y bác sĩ, chiến sĩ công an cùng nhân dân chống dịch Covid 19.
- Các em học sinh cố gắng học tập tốt đem về vinh quang, tự hào cho dân tộc.
– Vai trò của lòng yêu nước:
- Tạo ý chí, sức mạnh đánh bại kẻ thù chiến thắng mọi gian lao, thử thách.
- Đánh thức tiềm năng của mỗi người, mối quan hệ gắn bó, yêu thương.
- Tạo động lực cho mọi người sống có trách nhiệm, ra sức xây dựng non sông, là chỗ dựa tinh thần vững chắc.
- Rèn luyện nhân phẩm, đạo đức.
#3. Bài học cá nhân về lòng yêu nước
- Nỗ lực trong học tập, công việc để xây dựng bảo vệ Tổ Quốc.
- Đăng ký nghĩa vụ quân sự khi đủ tuổi.
- Cảnh giác trước kẻ thù.
Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề: Lòng yêu nước
- Kêu gọi, hành động về lòng yêu nước
Bài văn mẫu nghị luận về lòng yêu nước
Nghị luận về lòng yêu nước – Mẫu 1
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống yêu nước lâu đời. Nhân dân ta có truyền thống lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do đem lại cuộc sống hòa bình cho nước nhà. Hiện nay toàn thể dân tộc Việt Nam đồng lòng quyết tâm xây dựng đất nước nhằm giữ gìn hòa bình độc lập, tự do. Yêu nước là niềm tự hào về thành tựu hay văn hóa của quê hương, mong muốn cống hiến hết mình cho quê hương đất nước. Dân tộc ta có được nền hòa bình như bây giờ biết bao nhiều anh hùng cách mạng đã hi sinh để bảo vệ nền độc lập cho tổ quốc. Lòng yêu nước của dân tộc ta thể hiện bằng những hành động cụ thể được ghi trong sổ sách được truyền từ đời nay sang đời khác. Chính vì vậy lịch sử hào hùng dân tộc cũng được nền giáo dục chỉ đạo giảng dạy môn lịch sử cho học sinh hiện nay để ghi nhớ công ơn, lòng biết ơn đối với những chiến tích hào hùng của dân tộc ta từ xưa.
Mỗi công dân Việt Nam đều có lòng nồng nàn yêu nước tiếp nối truyền thống dân tộc ta, kế thừa và phát huy ngày càng vững mạnh. Bảo vệ đất nước, tích cực học tập làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để góp phần phát triển nền kinh tế. Đất nước có giàu mạnh hay không, dân tộc ta có ấm no hạnh phúc hay không là phụ thuộc vào sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo của tất cả mọi người. Lòng yêu nước là tình yêu quê hương, đất nước đó chính là sự nỗ lực cố gắng không ngừng để xây dựng và phát triển nước nhà ngày càng giàu mạnh sánh tầm với cường quốc năm châu. Tình yêu nước tình cảm thiêng mà không ai có thể lý giải được. Một khi tổ quốc gặp chiến tranh thì tất cả dân tộc ta đồng lòng đứng lên với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc sẵn sàng cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập tự do ấy. Đó là tình yêu sông, yêu núi, yêu làng, yêu xóm, yêu tất cả những con người được sinh ra trên mảnh đất hình chữ S thân thương cùng nhau bảo vệ khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
Hình ảnh quê hương trong bài quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân hình ảnh chùm khế ngọt thấy sự gần gũi, giản dị, thân thuộc với mỗi con người. Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, gắn bó với quá trình trưởng thành của mỗi dân tộc Việt Nam ta, quê hương giản dị mà rất đỗi thiêng liêng mà toàn dân tộc ta có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ.
Nói tóm lại suy nghĩ về lòng yêu quê hương đất nước và cách thể hiện lòng yêu nước trong thời bình của mỗi người tuy khác nhau nhưng đều chung mục đích muôn đất nước được trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế là những học sinh – chủ nhân tương lai đất nước chúng ta phải ra sức trau dồi học tập song song với đạo đức tốt để góp chút sức lực nhỏ bé vào công cuộc phát triển đất nước giúp nước nhà ngày càng đi lên, vững bền.
Càng yêu mến, càng tự hào về quê hương tươi đẹp, tài nguyên phong phú mà thiên nhiên ban tặng cho nước ta thì càng căm hận lũ giặc cướp nước, kẻ bán nước bấy nhiêu. Nước ta trải qua bốn nghìn năm kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm để giữ nền hòa bình như ngày nay.
Đoạn thơ trích trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm
“Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Bốn nghìn năm đó biết bao nhiêu anh hùng đã hi sinh để đất nước ta giữ được nền độc lập, tự do. Họ đã hi sinh tính mạng để con cháu thời nay được ăn no, mặc đẹp, được cắp sách tới trường. Ý chí chiến đấu đến cùng bất chấp mọi khó khăn gian khổ để đưa mỗi con người đất Việt đi tới chiến thắng trước sự xâm lược của giặc ngoại xâm muốn đặt ách thống trị làm tay sai cả đời cho bọn chúng.
Ý thức về sứ mệnh dân tộc vẫn được soi sáng cho mỗi người tự khắc nhận thức được vai trò vô cùng to lớn của mình đối với sự nghiệp gieo mầm tuổi trẻ, cải tiến phát triển xây dựng đất nước hùng mạnh. Học sinh thời nay không ngừng học tập, trau dồi kiến thức vốn sống vận dụng vào cuộc cách mạng kinh tế nước nhà thoát khỏi cái nghèo mà chiến tranh mang lại. Trải qua bao nhiêu năm xâm lược là bấy nhiêu năm kinh tế không phát triển được vì dốc sức để chiến đấu bảo vệ nền độc lập. Khi đó đất nước bạn bè năm châu đang xây dựng phát triển kinh tế hùng mạnh, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ bỏ xa nước ta gần hàng trăm năm.
Biết được những khó khăn và thiệt thòi mà dân tộc ta đã trải qua thì học sinh ngày nay đã có cái nhìn tích cực và không ngừng học tập thật để góp phần nhỏ bé vào phát triển kinh tế xã hội. Cuộc thi về học tập lớn được tổ chức ở các quốc gia lớn học sinh Việt Nam cũng đem về những thành tích vô cùng vượt trội như là kỳ thi Olympic Vật lý, Toán học quốc tế, từ các đại hội thể thao khu vực như Sea Game. Mà thời gian gần đây vòng chung kết bóng đã Châu Á, đội tuyển bóng đá nam cũng đạt thành tích khá cao là Á Quân trên sân cỏ Thường Châu dù thời tiết lạnh có tuyết bao phủ khắp sân cỏ vô cùng khắc nghiệt nhưng các cầu thủ của đội tuyển vẫn thi đấu hết mình vì màu cơ sắc áo của dân tộc Việt Nam ta. Đó cũng là điển hình tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, sự đoàn kết của toàn đội cùng nhau vượt qua khó khăn để đem lại niềm tự hào cho tổ quốc. Bóng đá đã đem lại cho các nước bạn một cái nhìn khác về dân tộc ta, họ bày tỏ sự ngưỡng mộ về những gì các cầu thủ đã thể hiện mình trên sân cỏ, từ đó nhiều quốc gia biết đến lòng yêu nước của dân tộc ta là rộng lớn như thế nào. Những thành tựu trên mặt trận kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật các năm trở lại đây cũng được xây dựng trên lòng yêu nước, từ ý chí và lòng quyết tâm, không ngừng lao động vì màu cờ sắc áo của tổ quốc. Xây dựng một quốc gia ngày càng giàu mạnh, càng hiện đại văn minh như hiện tại là nhờ sự đồng lòng không ngừng chung tay dốc sức xây đắp đất nước. Sự nổ lực của mỗi cá nhân đã góp phần vinh danh cho dân tộc, góp phần đưa nước ta bước tiếp trên con đường hội nhập quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu hùng mạnh.
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đạt nhiều thành tựu rực rỡ, từng bước đưa đất nước đi lên. Quá trình hợp tác, giao lưu, ngoại thương với các nước được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ.
Quá trình mở cửa hội nhập với thế giới ngày càng tốt đẹp, mở cửa nền văn hóa, mở cửa kinh tế. Để tiếp tục phát huy những thành tựu và giá trị đó thì tuổi trẻ ngày nay phải không ngừng học tập, nâng cao kiến thức để góp phần thúc đẩy nền kinh tế được lớn mạnh. Tuy nhiên bên cạnh lớp trẻ có tích cực, năng động yêu nước thì có những bạn trẻ vẫn còn đang có những suy nghĩ, nhận thức, hành động không đúng đắn , thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ xây dựng tổ quốc giàu đẹp. Nhiều bạn trẻ có thái độ thờ ơ, bàng quan trước những vấn đề trọng đại của nước nhà. Có những thực thù địch, phản động, chống lại chính quyền Những kẻ chống đối sẽ bị đảng và nhà nước xử phạt nghiêm khắc để bảo vệ nền độc lập tự do.
Trong thời đại ngày nay, khi nền hòa bình dân tộc và độc lập của nước ta đã được kiên cố, thể hiện tình yêu sâu đậm đối với đất nước, mỗi chúng ta có cái nhìn đúng đắn về lòng yêu nước, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn mỗi con người để cùng nhau thúc đẩy phát triển xã hội. Lòng yêu luôn nằm ở trong trái tim của mỗi con người và biểu hiện qua những hành động và sự chung tay góp sức của toàn dân. Mỗi cá nhân phải có lòng yêu nước bao la rộng lớn luôn hành động vì sự nghiệp lớn lao để giữ gìn nét đẹp văn hóa. Đất nước có phát triển lớn mạnh, kinh tế có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào những gì chúng ta học tập và làm việc hôm nay nhất là thế hệ các bạn trẻ chủ nhân tương lai của đất nước.
Nguồn: Verbalearn.com
Nghị luận về lòng yêu nước – Mẫu 2
Trải qua 4000 năm đô hộ với không biết bao nhiêu ngày tháng bị áp bức, bóc lột đến khi xây dựng được hoà hình như ngày hôm nay. Chúng ta đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ mồ hôi, nước mắt, và cả xương máu của rất nhiều người con yêu nước. Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân ta”. Dân tộc nhỏ bé mà kiên cường ấy đã đấu tranh để giành được độc lập cho dân tộc. Chính là nhờ vào sự đoàn kết, quyết tâm và lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam dành cho quê hương, đất nước. Vậy, lòng yêu nước là gì?
Lòng yêu nước đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử là tình cảm yêu thương chân thành, sâu sắc đối với quê hương, đất nước. Là tình cảm thiêng liêng, cao cả của mỗi con người, không chỉ qua lời nói mà còn là hành động, không ngừng nỗ lực để xây dựng, phát triển đất nước. Lịch sử đã chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân ta qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước. Với tinh thần bất khuất và lòng khao khát độc lập tự do, nhân dân ta đã đứng lên đánh đuổi bè lũ tay sai và giặc ngoại xâm để giành lại độc lập cho dân tộc và chưa bao giờ có ý định chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, sẵn sàng đứng lên cầm súng đánh đuổi quân thù. Nhân dân ta với một lòng nồng nàn yêu nước, không ngại khó khăn, gian khổ cùng với tinh thần đoàn kết dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược. Thật vậy, trải qua bao giai đoạn lịch sử với biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, không biết bao nhiêu anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là những người nông dân đã dũng cảm, xả thân vì độc lập nước nhà. Sự hi sinh, mất mát đó đã đem về chiến thắng cho dân tộc ta, mang lại niềm tin và quyết tâm ngày càng mãnh liệt. Nhân dân ta đã ba lần đánh bại quân Mông – Nguyên, với những chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chính quyền Sài Gòn, đánh đuổi giặc ngoại xâm với những âm mưu và ách cai trị tàn bạo khiến cho nhân dân ta hừng hực khí thế, niềm tin đánh thắng kẻ thù. Có thể thấy, lòng yêu nước chính là nhân tố quyết định dẫn tới thành công. Dù cho chúng có xâm lược nước ta bao nhiêu lần đi chăng nữa thì nhất định phần thắng sẽ thuộc về chúng ta.“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đúng vậy, đàn bà dù có yếu đuối đến mấy thì khi bị áp bức, bóc lột vẫn sẵn sàng đứng lên chống trả quyết liệt “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Không chỉ các chiến sĩ anh hùng nơi chiến trường chiến đấu mà ở đằng sau phải có hậu phương vững chắc, ngày đêm không ngừng tăng gia sản xuất, chi viện cho tiền tuyến chiến đấu. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cả nước cùng nhau đồng lòng, đoàn kết hỗ trợ nhau trên mọi mặt trận. Bác Hồ chính là một tấm gương sáng soi đường dẫn lối tìm ra con đường cứu nước đúng đắn và cương quyết vì lợi ích của toàn thể nhân dân. Người sẵn sàng mỗi ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cho các chiến sĩ nơi tiền tuyến. Đó chính là vị lãnh tụ vĩ đại hết lòng vì nhân dân. Chúng ta có hoà bình hôm nay là dựa trên mồ hôi, nước mắt và xương máu của rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của ý chí quyết tâm và sức mạnh Việt Nam. Chiến thắng ấy đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Đã có nhiều tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ, những người chiến sĩ mang trên mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt Him Lan… Tất cả những cống hiến, hy sinh đó đã tạo nên một bản hùng ca ngời sáng, là đại diện cho lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta. Bằng tinh thần yêu nước, hàng nghìn năm qua, dân tộc Việt Nam đã vượt qua những chặng đường đầy máu và nước mắt để giành được độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước. Bất luận trong hoàn cảnh nào, lòng yêu nước luôn là nền tảng để chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước thực sự là một mạch ngầm đầy năng lượng, luôn chảy xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt Nam thể hiện qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước là đội quân tóc dài của miền Nam khiến địch phải kinh hồn bạt vía, là những vùng quê của hậu phương miền Bắc miệt mài công việc ruộng đồng, thắt lưng buộc bụng đóng góp cho chiến trường “thóc không thiếu một cân”. Với những hành động và cách thức thể hiện khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và công việc của mình đã chuyển hóa lòng yêu nước thành những giá trị cụ thể, tạo nên sức mạnh cộng hưởng của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với từng giai đoạn và thời điểm lịch sử.
“Thực dân hỡi thời thực dân
Ðàng nào thì cũng một lần về thôi
Việt Nam của Việt Nam rồi
Cướp làm sao nổi đất người Việt Nam”
Câu ca dao ấy đã nói lên được tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc ngoại xâm của con người, của dân tộc Việt Nam. Khẳng định tinh thần bất khuất, chiến thắng oai hùng của nhân dân ta. Và hơn hết chính là tinh thần hiên ngang, kiên cường của người dân Việt Nam. Khi đất nước còn chiến tranh, lòng yêu nước đã kết thành sức mạnh, thành làn sóng nhấn chìm bè lũ bán nước và lũ cướp nước, đánh cho chúng không còn manh áo nào. Và trong quá trình xây dựng đất nước, lòng yêu nước đã trở thành sức mạnh trí tuệ, sáng tạo, đổi mới để vượt qua mọi khó khăn, xây dựng nên một đất nước tiến bộ, văn minh, to đẹp và giàu mạnh hơn. Suy cho cùng, mỗi quốc gia, dân tộc muốn có hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc đều phải bắt đầu từ lòng yêu nước. Ai cũng có lòng yêu nước, cùng chung tư tưởng yêu nước, thương dân như Bác Hồ mới tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng đất nước thành công, thịnh vượng. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Đành rằng vì nước, vì dân. Nước, dân còn khổ thì thân sướng gì?”. Bởi lẽ, nhân dân mới chính là sức mạnh của một đất nước. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, đây chính là lời căn dặn của bác Hồ. Dân và nước quện vào nhau là một tạo nên sức mạnh đoàn kết không kẻ thù nào có thể đánh bại. Họ chính là những người dấn thân cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng cao cả, cho nỗi đau của đất nước. Những giá trị tinh hoa truyền thống như tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương giống nòi, phụng sự Tổ quốc, tinh thần sẵn sàng hi sinh vì dân, vì nước được Bác Hồ và toàn thể nhân dân ta khẳng định được toàn thế giới công nhận.
Trong thời kỳ đất nước ta đang tiến hành đổi mới và hội nhập sâu rộng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thì hơn bao giờ hết, lòng yêu nước, tinh thần yêu nước của mỗi người chính là gắn liền với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Càng khó khăn, càng thử thách thì truyền thống yêu nước, tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam đã được hun đúc từ bao đời nay trở thành sức mạnh, biểu tượng của người Việt Nam lại càng được tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ, tỏa sáng với tinh thần: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”. Chúng ta phải luôn chủ động, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa… Tình yêu nào cũng vậy, nó phải đến một cách tự nhiên bằng cảm nhận từ con tim mỗi người. Với tình yêu đất nước, nó sẽ đến một cách tự nhiên nhất bằng sự giáo dục của cha mẹ, thầy cô, bằng chính cảm nhận qua sự thay đổi của xã hội, sự tiến bộ không ngừng của thế giới xung quanh. Không ngừng cố gắng xây dựng một đất nước vững mạnh. Tinh thần yêu nước còn là tình yêu đối với gia đình, quê hương và đối với con người. Luôn gắn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đó còn là niềm tự hào và tinh thần dân tộc được thể hiện qua các áng thơ văn như: Hịch tướng sĩ, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Bình Ngô đại cáo,… Các di tích lịch sử như Dinh độc lập, địa đạo Củ Chi, các ngôi chùa, lăng vua chúa,… và rất nhiều kỉ vật được bảo tàng lưu trữ như một niềm tự hào dân tộc, khắc ghi công ơn của các anh hùng liệt sĩ.
Lòng yêu nước là nguồn cảm hứng bất tận đi vào biết bao trang thơ, khiến con người ta sống có trách nghiệm hơn đối với gia đình, quê hương và đóng một vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của một đất nước. Quê hương, đất nước không chỉ là nơi dạy dỗ cho chúng ta nên người, mà còn mang đến những điều thú vị, dạy chúng ta từng bước đi vững chắc trong cuộc sống. Vì vậy đất nước luôn để lại một ấn tượng cho mỗi con người, làm cho mọi người yêu đất nước hơn. Là bàn đạp giúp con người đạt được những thành công, bồi dưỡng tâm hồn những con người Việt Nam trở nên vững vàng, mạnh mẽ hơn. Từ đó có trách nhiệm hơn đối với bản thân và đối với sự phát triển của đất nước.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng nói: “Tuổi trẻ là phải tự nhận thức, không ai thay thế được họ đâu”. Tuổi trẻ ngày nay luôn không ngừng tự nhận thức, học hỏi, tiếp thu cái mới tích cực và đặc biệt phải có một tình yêu nước sâu sắc. Nhưng cũng không thể phủ nhận được trên nền tảng của sự tự nhận thức ấy cần có một tình yêu đất nước, một niềm tự hào dân tộc có trong mỗi người dân Việt Nam. Mỗi chúng ta đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng phấn đấu, lập nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi đạo đức cách mạng, lập thân, lập nghiệp, xung kích đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một cố tổng thống Mỹ đã từng nói “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà bạn phải hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc”. Đó là câu hỏi đặt ra cho tất cả mọi người chúng ta. Suy cho cùng thì tinh thần yêu nước nó xuất phát từ ý chí, sự quyết tâm phấn đấu, xây dựng Tổ quốc, tình yêu thương và cả niềm hi vọng. Khi đất nước đang gặp khó khăn, cả nước đang chung tay “chống dịch như chống giặc”. Những chiến binh áo trắng đang không quản ngại ngày đêm túc trực và giữ thế chủ động trong cuộc chiến đấu sinh – tử này. Vẫn biết rằng, nguy cơ bị lây nhiễm là không thể loại trừ nhưng mỗi y, bác sĩ vẫn “vững tay súng”, “vững trận địa” trên mặt trận chiến đấu chống “giặc COVID-19”. Đó chính là xuất phát từ tinh thần quả cảm, từ ý thức, trách nhiệm cao với công việc, giữ vững tinh thần “lương y như từ mẫu” và một điều rất quan trọng ở phía sau họ chính là hậu phương vững chắc, là sự đoàn kết một lòng của toàn dân được kết tinh và phát huy từ lòng yêu nước của nhân dân cả nước. Có thể thấy, những việc làm trên thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam đang được lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, đem đến cho chúng ta thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Với tinh thần “tương thân, tương ái” và quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19, những ngày qua, nhiều chuyến xe chở hàng nghìn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư y tế do các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp đã đến với nhân dân các tỉnh, thành phố đang chống dịch. Tinh thần đoàn kết, thái độ chia sẻ và trách nhiệm với xã hội ấy đã giúp lực lượng phòng, chống dịch thêm vững tâm, tin tưởng vào sức mạnh chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đầy gian nan, thử thách. Đặc biệt, tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân đối với đất nước, sẵn sàng đứng lên bảo vệ nền hòa bình độc lập. Nghiêm túc thực hiện những chính sách, quy định, pháp luật để xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh, tham gia các hoạt động nhà nước phát động và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cũng có không ít những thanh niên có nhận thức hết sức lệch lạc. Tại sao nước ta lại nghèo, lại thua kém nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng bản thân họ lại không biết phải làm gì và không làm gì để “thay đổi”. Họ chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức. Những bài báo viết về bệnh vô cảm của giới trẻ, trong đó có cả sự vô cảm đối với ngay cả đất nước mình. Sống thiếu trách nhiệm đối với đất nước, tiếp tay cho dịch bệnh quay trở lại như đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép, kinh doanh thiết bị, vật dụng, vật tư y tế: bao tay cao su tái chế, thuốc điều trị giả, khẩu trang kém chất lượng; trốn tránh cách ly xã hội,… Chúng ta cần phải phê phán, xử nghiêm những hành động sai trái này để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Mỗi người dân phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, trách nhiệm đối với sự nghiệp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Có thể nói, lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu rất đáng tự hào của dân tộc ta. Nó không chỉ là cầu nối từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn là cái ôi chắp cánh hy vọng cho những thế hệ tương lai. Lòng tự hào dân tộc như một mạch nguồn trong mỗi con người Việt Nam. Chúng ta có quyền tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc và ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước, dân tộc. Từ đó, khơi dậy khao khát cháy bỏng được góp sức mình, cố gắng rèn luyện, đóng góp trí lực, vật lực cho công cuộc phát triển đất nước đưa Việt Nam tiến lên, tiến xa hơn nữa với các cường quốc năm châu của toàn thể người dân Việt Nam.
Nguồn: Verbalearn.com
Nghị luận về lòng yêu nước – Mẫu 3
Trong tác phẩm tinh thần yêu nước của nhân dân ta, chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước”. Đó là truyền thống quý báu của ta, từ xưa đến nay mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước, lòng yêu nước là một yếu tố quyết định sự sống còn của một dân tộc. Ngày nay, khi hòa bình đã được lập lại cuộc sống ngày càng hiện đại thì chúng ta cần phải nỗ lực, tiếp tục kế thừa, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Hằng năm, cứ đến ngày Quốc Khánh Việt Nam 2/9 là ngày mà mỗi con dân Việt Nam nói lời cảm ơn với Đất nước, thể hiện sâu sắc lòng yêu nước của mình. Vậy ta hiểu như thế nào là lòng Ái Quốc? Yêu nước là phẩm chất quan trọng của người công dân đối với Tổ Quốc, là tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình để xây dựng, cống hiến, phục vụ cho lợi ích phát triển Tổ Quốc.
“Ôi! Tổ Quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha, như vợ, như chồng
Ôi! Tổ Quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi nhà, ngọn núi, con sông…”
Trong mỗi chúng ta ai cũng mang trong mình một tình yêu nồng nàn, gắn bó, yêu thương sâu sắc đối với nước nhà, quê hương. Nó có thể được bắt nguồn từ những tình cảm bình dị nhất, gần gũi, quen thuộc nhất của con người như tình yêu cha mẹ, bạn bè, ông bà, yêu những thành quả lao động do mình tạo ra, yêu nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Những tình cảm giản dị ban đầu đó đã dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó làng xóm, quê hương được nâng lên thành tình yêu đất nước. Lúc bé ta yêu đầm sen những cánh đồng thơm ngát lúa chín, yêu chùa chiền, cây đa đầu làng, mái đình cổ kính rêu phong, yêu cây cổ thụ rợp bóng mát để ta vui chơi những ngày hè. Lớn lên ta biết yêu thêm những nụ cười của bà, ánh mắt của mẹ, những nỗi vất vả của cha, yêu màu cờ sắc áo dân tộc, yêu lịch sử Việt Nam con Lạc cháu Hồng, yêu những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì Tổ Quốc thân yêu, những người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi, yêu chân lí, những hành động cống hiến hy sinh thầm lặng trong cuộc sống. Lòng yêu nước trong mỗi người được hình thành tự nhiên và phát triển từng ngày, yêu nước còn là một truyền thống đạo đức cao quý và thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam, là cội nguồn của hàng loạt giá trị truyền thống tốt đẹp khác. Người Việt Nam yêu đất nước của mình, tình yêu đó được hình thành và thôi thúc từ trong những cuộc chiến tranh gian khổ kiên cường chống giặc ngoại xâm, trong quá trình dựng nước, giữ nước, lao động xây dựng đất nước. Có mối tình nào đẹp hơn tình yêu Tổ Quốc? Trong thời kỳ chiến tranh thì yêu nước ấy lại được thể hiện càng quyết liệt và mạnh mẽ, bắt đầu từ vua Hùng đến An Dương Vương, Hai Bà Trưng và các nữ tướng đã mở đầu cho truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung kiên, đảm đang” của phụ nữ, đã có nhiều tấm gương hy sinh cho nền độc lập dân tộc trong rất nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống quân Mông Nguyên, chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, không phân biệt già trẻ, tôn giáo, địa vị, chính trị, giới tính, triệu người như một, họ đã tiến lên cùng nhau cầm súng. Ở hậu phương thì không ngừng tăng gia sản xuất, chất chứa lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường, cho bộ đội ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, căm thù quân xâm lược. Cũng chính nhờ lòng yêu nước đã làm nên một sức mạnh to lớn giúp đất nước ta, dân tộc ta vượt qua bao khó khăn, thử thách, chiến thắng được thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm, tồn tại và phát triển với nhiều bản sắc văn hóa của mình, giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ được biên giới lãnh thổ quốc gia
“Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn vẹn nguyên hai tiếng đồng bào”
– Chu Ngọc Thanh –
Liệu tinh thần yêu nước xưa và nay có gì thay đổi, có quá khác biệt hay không? Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của Cách mạng khoa học và công nghệ đã mang lại cho con người một cuộc sống no đủ hơn, tốt đẹp hơn nhưng không vì thế mà chủ nghĩa yêu nước bị hạn chế mà ngược lại nó còn biểu hiện phong phú hơn, đa dạng hơn ở mỗi người. Không những là có tình cảm yêu thương gắn bó sâu nặng với đất nước mà đi đôi với nó còn là trách nhiệm, bổn phận bảo vệ xây dựng thành quả của cha ông, luôn nỗ lực, cố gắng hoạt động không ngừng để phát triển đất nước ngày một giàu mạnh và phồn vinh. Trước hết, lòng yêu nước được thể hiện cho dù là ta có đi đâu hãy thì vẫn luôn hướng về cội nguồn, ông bà, cha mẹ, luôn hướng về Tổ Quốc, luôn có tình yêu thương gắn bó với đồng bào, biết cảm thương sâu sắc tới những khó khăn của đồng bào ta giúp đỡ nhau để có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi con người Việt Nam luôn có lòng tự hào dân tộc chính đáng về những truyền thống văn hóa lâu đời, đậm đà văn hóa bản sắc dân tộc, tự hào về những con người của quê hương đất nước, những anh hùng hào kiệt, những danh nhân văn hóa, tự hào về non sông gấm vóc, những sản vật, đặc sản phong phú thơm ngon của quê hương ( Đẹp vô cùng Tổ Quốc ta ơi – Tố Hữu). Quả thật là một thiếu sót lớn nếu không kể đến biểu hiện về tinh thần đoàn kết, buất khuất của dân tộc ta, luôn tự cường tự chủ, hơn nữa dân tộc ta vốn có truyền thống cần cù, chăm chỉ và sáng tạo trong lao động, mỗi người có lòng yêu nước đều ra sức xây dựng, bảo tồn phát triển nền văn hóa dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và có những hành động thiết thực đóng góp cho quê hương đất nước, họ luôn trăn trở với các vấn đề nan giải cấp thiết mà nhà nước đang phải đối mặt và tìm cách khắc phục, kêu gọi giải quyết ô nhiễm môi trường bùng nổ dân số, dịch bệnh.
Đặc biệt là hiện nay khi tình hình dịch Covid 19 đang có diễn biến hết sức phức tạp thì tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước lại một lần nữa thổi bùng lên mạnh mẽ, những công lao to lớn của các chiến sĩ, những y bác sĩ là những thiên thần áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch đã không ngại nguy hiểm, khó khăn ra sức cứu chữa bệnh nhân, cùng đồng hành với cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Vừa qua, dù trong bối cảnh phải nghỉ nhiều vì dịch bệnh hoành hành nhưng đoàn học sinh Việt Nam đã khắc phục khó khăn và nỗ lực học tập chiến thắng tại kỳ Olympic hóa học quốc tế năm 2021 với ba huy chương vàng, một huy chương bạc tại Nhật Bản đem về niềm tự hào to lớn cho nước nhà. Vậy bạn đã thể hiện lòng yêu nước của bạn như thế nào? Và nó có vai trò quan trọng ra sao? Trước hết, lòng yêu nước sẽ tạo ra ý chí sức mạnh, động lực to lớn giúp cho dân tộc vượt qua mọi gian nan, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, “ Lòng yêu nước là nguồn lực bí mật của một xã hội hạnh phúc”, nó không chỉ khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau mà còn giúp đánh thức được tiềm năng của mỗi người, là động lực, lý tưởng để con người ta sống có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước, cộng đồng và cả bản thân mình. Chính truyền thống tốt đẹp này sẽ bồi dưỡng tâm hồn những người con đất Việt trở nên vững vàng, mạnh mẽ trong hành trình hội nhập với thế giới bên ngoài, là bệ đỡ tinh thần là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các văn nghệ sĩ, làm lan tỏa sức mạnh của lòng Ái Quốc, giúp đồng bào luôn vững tâm tiến bước, ngày càng hoàn thiện nhân phẩm, đạo đức, năng lực của bản thân. Vậy đấy, hai từ “ Đất nước” từ lâu đã trở nên gắn bó tha thiết với mỗi người, cho dù thế nào ta vẫn thấy Tổ Quốc quyến rũ, quý giá hơn cả thiên đường. Còn bạn thì nghĩ sao? Chắc hẳn là bạn còn nhớ lời Bác Hồ dạy: “ Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào” Tổ Quốc là nơi chân ta có thể rời đi nhưng lòng tao vẫn mãi ở đó, là nơi đẹp nhất ý nghĩa nhất của mỗi người. Vậy làm sao để rèn luyện tinh thần yêu nước? Chúng ta cần phải ra sức giải thích tuyên truyền làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được phát triển hơn, nuôi dưỡng trong học tập, công việc, cuộc sống hằng ngày, phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, quan tâm, đem sức mình để cống hiến, xây dựng, bảo vệ, giữ gìn phát triển đất nước, để xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước, nhất là những thế hệ thanh niên.
“Em ơi đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời”
– Nguyễn Khoa Điềm-
Xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc là sự nghiệp của toàn dân, là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng cao quý của mỗi người. Nên tích cực góp phần xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng. Bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, chống tiêu cực tham nhũng, tham gia đăng ký nghĩa vụ quân sự. Khi đến tuổi, sẵn sàng làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ Quốc, biết đấu tranh, phê phán những hành vi đi ngược lại với lợi ích quốc gia dân tộc, tránh xa rời những biểu hiện lệch lạc, xa rời với những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc, cảnh giác trước mọi âm mưu gây chia rẽ, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thực hiện đúng và chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng nhà nước ta, phấn đấu, nỗ lực trở thành một công dân tốt có ích cho quê hương sánh vai với các cường quốc năm châu. Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay.
Mỗi người đều có trong người một lòng yêu nước để cống hiến, hy sinh mà không kể đền đáp. Việt Nam là Tổ Quốc thân yêu của chúng ta, ta cần phải có lòng yêu nước, truyền thống quý báu của dân tộc, phải biết kế thừa, giữ gìn và phát huy nó, phải có trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hôm nay và mai sau.
“ Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn ”.
– Nguyễn Đình Thi –